BÁO CÁO NGÀY 4 THÁNG 11 NĂM 2009 TÓM TẮT KẾT QUẢ GIÁM SÁT “VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VỐN, TÀI SẢN NHÀ NƯỚC TẠI CÁC TẬP ĐOÀN, TỔNG CÔNG TY NHÀ NƯỚC”

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội, Thực hiện Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thành lập Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước” (tính từ năm 2006 đến 31/12/2008). Mục đích chính của cuộc giám sát là đánh giá tình hình ban hành và thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; qua đó, thấy được những kết quả đã đạt được trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; những vướng mắc trong hệ thống văn bản pháp luật và những khó khăn, hạn chế, yếu kém trong tổ chức thực hiện; làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cấp, các Bộ/ngành và của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; từ đó đưa ra các đề xuất, kiến nghị để hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, thực hiện nghiêm và có hiệu quả hơn chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty. Ủy ban thường vụ Quốc hội xin báo cáo những nội dung chủ yếu như sau: PHẦN I VIỆC BAN HÀNH CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT, CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH LIÊN QUAN ĐẾN QUẢN LÝ VỐN, TÀI SẢN TẠI TẬP ĐOÀN, TỔNG CÔNG TY NHÀ NƯỚC 1. Những kết quả đạt được trong việc ban hành văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách quản lý vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước - Việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý vốn, tài sản nhà nước tại tập đoàn, tổng công ty đã được Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan chú trọng, bám sát các chủ trương, chính sách và Nghị quyết của Đảng, hình thành khuôn khổ pháp lý để các tập đoàn, tổng công ty hoạt động và quản lý vốn, tài sản nhà nước.   - Sửa đổi, bổ sung một bước cơ bản chức năng chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp theo nguyên tắc kinh tế thị trường, giảm sự can thiệp hành chính vào hoạt động sản xuất – kinh doanh, nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo pháp luật. - Về quy mô, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế nhà nước, đều là những tổ hợp doanh nghiệp có quy mô lớn, có điều kiện để tăng cường khả năng tích tụ, tập trung, cạnh tranh và tối đa hóa lợi ích của liên kết tập đoàn, tổng công ty. - Sự ra đời của SCIC với tư cách là tổ chức kinh tế đặc biệt có chức năng đầu tư, kinh doanh vốn và thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước cũng đánh dấu một bước tiến về sự chuyển đổi từ phương thức quản lý hành chính của cơ quan chủ quản sang quản lý thông qua phương thức đầu tư vốn. - Mô hình công ty mẹ – công ty con ra đời đánh dấu một bước đổi mới quan trọng về mối quan hệ giữa các doanh nghiệp trong nội bộ tập đoàn, tổng công ty theo hướng tạo cơ sở pháp lý và kinh tế để chuyển từ mối quan hệ liên kết mang tính hành chính theo hình thức giao vốn sang cơ chế đầu tư vốn giữa công ty mẹ với các công ty thành viên trong nội bộ tổng công ty. Công ty mẹ không trực tiếp can thiệp vào hoạt động của công ty con bằng các biện pháp hành chính mà chủ yếu chỉ có quyền đối với công ty con với tư cách là người đầu tư vốn trên cơ sở pháp luật. Đồng thời, chủ sở hữu nhà nước chỉ quản lý công ty mẹ, không can thiệp đến công ty con, tôn trọng quyền sở hữu trực tiếp của công ty mẹ đối với công ty con. - Bên cạnh việc đổi mới phương thức quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, quy chế quản lý tài chính của tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng được thay đổi một cách thích hợp, điều kiện để tập đoàn, tổng công ty có quyền chủ động hơn trong hoạt động và tự chủ tài chính cao hơn trong việc quản lý hạch toán chi phí, doanh thu; phân phối thu nhập, quản lý các quỹ; hạch toán kế toán, tổ chức tự kiểm tra, kiểm toán nội bộ. Nhìn chung, trong những năm qua, Chính phủ cùng các Bộ/ngành đã có nhiều cố gắng trong việc đổi mới cơ chế, chính sách quản lý doanh nghiệp nhà nước từ việc phân công, phân cấp cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện quyền, nghĩa vụ chủ sở hữu đến việc xây dựng mô hình hoạt động mới cho doanh nghiệp; từ việc ban hành và ngày càng hoàn thiện các văn bản pháp luật về quản lý vốn, tài sản tại doanh nghiệp nhà nước đến việc thiết lập công cụ và cơ chế giám sát các doanh nghiệp. Các văn bản pháp luật này đã hình thành khuôn khổ pháp lý khá đầy đủ, cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về vốn, tài sản tại tập đoàn, tổng công ty, đồng thời tạo điều kiện để các tập đoàn, tổng công ty từng bước tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong sản xuất- kinh doanh. 2. Những hạn chế, bất cập trong việc ban hành văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách quản lý vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước (1) Một số luật và văn bản hướng dẫn thi hành chậm được ban hành, sửa đổi, bổ sung và chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý và phát triển của DNNN trong kinh tế thị trường và hội nhập, cụ thể là: - Chưa có các văn bản pháp luật quy định và hướng dẫn rõ về phương pháp xác định giá trị thương hiệu, thực tế có tập đoàn đã góp vốn đầu tư vào công ty liên kết bằng giá trị thương hiệu, nhưng hiện nay chưa có quy định về vấn đề này nên chưa được chính thức hạch toán phần giá trị này vào tài sản của tập đoàn mà đơn thuần chỉ được chia lợi tức trên phần “vốn danh nghĩa” đó. - Một số luật quy định chưa rõ ràng, gây khó khăn trong triển khai thực hiện. Ví dụ: Luật doanh nghiệp, Điều 4 khoản 22 quy định: “Doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp trong đó Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ”. Như vậy, các công ty cổ phần có vốn nhà nước chiếm trên 50% vốn điều lệ là công ty nhà nước, nhưng công ty cổ phần lại hoạt động theo Luật doanh nghiệp. Do đó, khi thực hiện các quy định hướng dẫn của Luật đối với công ty cổ phần khó xác định rõ ràng có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp nhất là trong việc xây dựng các quy chế quản lý như điều lệ tổ chức-hoạt động, quy chế tài chính. Luật đất đai, Điều 110 khoản 2 quy định DNNN không được dùng quyền sử dụng đất hình thành từ nguồn ngân sách nhà nước để thế chấp vay vốn ngân hàng, trong khi giá trị quyền sử dụng đất cũng được coi là vốn giao cho doanh nghiệp như các nguồn vốn khác. - Một số nghị định đã ban hành nhưng rất chậm được hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung. Ví dụ: Nghị định số 199/2004/NĐ-CP của Chính phủ ban hành từ năm 2004 chưa có quy định điều chỉnh hoạt động đầu tư ra ngoài doanh nghiệp nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung kịp thời; Đầu năm 2009, Chính phủ ban hành Nghị định số 09/2009/NĐ-CP ngày 05/2/2009 thay thể Nghị định số 199/2004/NĐ-CP nhưng cho đến nay vẫn chưa có Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định này, đặc biệt là đầu tư vào các lĩnh vực nhạy cảm như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, mức độ huy động vốn so với vốn chủ sở hữu… - Một số văn bản pháp luật được ban hành nhưng chưa phù hợp với tình hình thực tế, làm hạn chế tính hiệu lực, đồng thời gây cản trở cho hoạt động của doanh nghiệp. Nghị định số 109/2007/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 146/2007/TT-BTC của Bộ Tài chính có nhiều nội dung như xác định giá trị quyền sử dụng đất tính theo lợi thế địa lý khi xác định giá trị doanh nghiệp, xác định giá bán cổ phần cho cổ đông chiến lược nước ngoài… không phù hợp với thực tế, gây khó khăn cho công tác cổ phần hóa. - Hoạt động của SCIC có tính đặc thù cần có một số quy định riêng, nhưng hiện nay một số quy định áp dụng chung cho các doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp nhà nước lại được áp dụng cho cả SCIC, cụ thể nhất là cơ chế tài chính hiện nay áp dụng theo Nghị định 199/2004/NĐ-CP của Chính phủ áp dụng cho tất cả doanh nghiệp. (2) Chưa triệt để tách biệt chức năng thực hiện các quyền chủ sở hữu với chức năng quản lý hành chính nhà nước theo quy định của Luật doanh nghiệp. Cơ quan quản lý hành chính nhà nước vẫn đồng thời là cơ quan thực hiện quyền và nghĩa vụ chủ sở hữu nhà nước đối với tập đoàn, tổng công ty dẫn đến tình trạng chồng chéo, thiếu minh bạch về vai trò, chức năng của cơ quan nhà nước. Đối với SCIC, cơ chế người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp sau cổ phần hóa có nhiều điểm chưa rõ ràng như: (1) chưa có văn bản pháp luật nào xác định vị trí của người quản lý doanh nghiệp sau khi doanh nghiệp cổ phần hóa; (2) chồng chéo trong quản lý phần vốn và quản lý người đại diện. (3) Mô hình và phương thức hoạt động tuy đã có nhiều tiến bộ nhưng vẫn còn nhiều bất cập làm hạn chế chất lượng quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại tập đoàn, tổng công ty. - Việc thí điểm thành lập các tập đoàn kinh tế dựa trên cơ sở các tổng công ty 90, 91, cùng với việc chuyển các tổng công ty nhà nước sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ-công ty con cũng chưa được phân định rõ ràng giữa tập đoàn và tổng công ty. Việc thay đổi này chủ yếu mới mang tính hình thức mà chưa có sự thay đổi mang tính căn bản về quản lý nhà nước cũng như quản trị doanh nghiệp. - Vai trò chủ sở hữu công ty mẹ cũng bị giới hạn: (1) Công ty mẹ không được toàn quyền định đoạt vốn, tài sản của công ty con, kể cả công ty TNHH một thành viên. Hiện chưa có quy định hạn chế cơ cấu đầu tư trong nội bộ tập đoàn, tổng công ty dẫn đến tình trạng một số trường hợp công ty con đầu tư ngược trở lại công ty mẹ, công ty mẹ đầu tư chi phối cả công ty cháu làm phức tạp quan hệ đầu tư, gây tình trạng chồng chéo, lẫn lộn trong việc thực hiện quyền của chủ sở hữu vốn, gây ảnh hưởng không tốt đến chất lượng quản lý, sử dụng vốn nhà nước; (2) Nhiều trường hợp công ty mẹ gặp khó khăn trong việc chi phối đối với công ty con vì theo Luật doanh nghiệp, để quyết định những vấn đề quan trọng như chiến lược phát triển, tăng giảm vốn, quyết định nhân sự chủ chốt thì phải đạt tối thiểu 65% tỷ lệ biểu quyết tại Đại hội cổ đông; để sửa Điều lệ phải đạt tối thiểu 75% tỷ lệ biểu quyết tại Đại hội cổ đông. (4) Cơ chế giám sát và tổ chức thực hiện giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước về sử dụng vốn, tài sản nhà nước đối với tập đoàn, tổng công ty còn nhiều bất cập. Quyết định số 224/2006/QĐ-TTg được coi là công cụ quản lý đối với doanh nghiệp nhà nước để ràng buộc trách nhiệm của Ban quản lý doanh nghiệp vào hiệu quả sử dụng vốn, tài sản nhà nước nhưng chưa có chế tài đủ mạnh xử lý các hạn chế, yếu kém. - Chưa có quy chuẩn về quản lý, giám sát đối với tập đoàn, tổng công ty nhà nước dẫn đến tình trạng mỗi Bộ/ngành, Ủy ban nhân dân có cách thức và mức độ quản lý tập đoàn, tổng công ty khác nhau. (5) Chậm xây dựng một hệ thống tiêu chí an toàn về mặt tài chính trong hoạt động sản xuất – kinh doanh để làm cơ sở cho giám sát, quản lý nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty. Trước khi ban hành Nghị định số 09/2009/NĐ-CP ngày 05/02/2009 của Chính phủ, không có văn bản pháp luật nào quy định hệ số an toàn vốn, tỷ lệ vốn và điều kiện được đầu tư vào các lĩnh vực rủi ro như chứng khoán, ngân hàng, BĐS, Quỹ đầu tư… hệ quả là nhiều tập đoàn, tổng công ty đi vay hoặc chiếm dụng vốn quá lớn so với vốn chủ sở hữu, dẫn đến năng lực tài chính yếu kém; không ít tập đoàn, tổng công ty đầu tư quá nhiều vào các lĩnh vực rủi ro, trong khi đang rất thiếu vốn cho hoạt động sản xuất – kinh doanh chính, vừa làm giảm hiệu quả sử dụng vốn, tài sản nhà nước vừa làm giảm năng lực thực hiện nhiệm vụ chính được nhà nước giao. Tình trạng này kéo dài trong một thời gian khá lâu nhưng không được các cơ quan quản lý phát hiện, giám sát, điều chỉnh kịp thời. (6) Việc phân công, phân cấp thực hiện quyền và nghĩa vụ chủ sở hữu nhà nước đối với tập đoàn, tổng công ty còn những điểm chưa hợp lý, chưa rõ ràng vai trò và trách nhiệm của các bộ, ngành, UBND trong quản lý, giám sát việc sử dụng vốn, tài sản tại các tập đoàn, tổng công ty. Qua đợt giám sát này cho thấy, nhiều cơ quan nhà nước có trách nhiệm còn chưa nắm được một cách đầy đủ, kịp thời và chính xác thông tin về vốn, tài sản nhà nước và tình hình hoạt động tại các tập đoàn, tổng công ty, trong khi Bộ Tài chính chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về tài chính và chỉ tham gia quản lý vốn, tài sản tại các tập đoàn, tổng công ty một cách gián tiếp thông qua các báo cáo của các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các tập đoàn, tổng công ty. PHẦN II TÌNH HÌNH QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VỐN, TÀI SẢN NHÀ NƯỚC TẠI CÁC TẬP ĐOÀN, TỔNG CÔNG TY NHÀ NƯỚC I. Năng lực tài chính và hiệu quả sử dụng vốn, tài sản của tập đoàn, tổng công ty nhà nước 1. Vị trí và vai trò của tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong nền kinh tế Vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước nói chung và ở các tập đoàn, tổng công ty nhà nước nói riêng là bộ phận chủ lực, cấu thành và không thể tách rời của tổng nguồn lực quốc gia, đóng vai trò quan trọng trong việc huy động sức mạnh tổng thể và chủ đạo của kinh tế nhà nước nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của cả nền kinh tế. Tổng nguồn vốn của 90 tập đoàn, tổng công ty đến 31/12/2008 là 1 triệu 241 nghìn tỷ đồng. Với quy mô về vốn, tài sản, với vai trò quan trọng trong hệ thống kinh tế nhà nước, hoạt động của tập đoàn, tổng công ty nhà nước vì vậy luôn song hành cùng tiến trình phát triển kinh tế của đất nước. Chỉ tính riêng trong năm 2008, khối doanh nghiệp nhà nước mà nòng cốt là các tập đoàn, tổng công ty, đã đóng góp gần 40% giá trị GDP, tạo ra 39,5% giá trị sản xuất công nghiệp, trên 50% kim ngạch xuất khẩu và 28,8% tổng thu nội địa (không kể thu từ dầu thô và thuế xuất nhập khẩu)[1]. Nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước đóng vai trò là công cụ quan trọng của nhà nước trong việc điều tiết thị trường, ổn định giá cả, nhất là trong điều kiện nền kinh tế không ổn định, phải đối phó với những biến động về cung – cầu hàng hóa, về giá cả, cụ thể Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty công nghiệp xi măng Việt Nam, Tổng công ty Thép Việt Nam… theo chỉ đạo của Chính phủ đã không tăng giá bán sản phẩm mặc dù chi phí đầu vào tăng để góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định thị trường trong thời gian cuối năm 2007 và đầu năm 2008. Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng đi đầu trong thực hiện các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về giải quyết công ăn việc làm, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, đền ơn, đáp nghĩa và thực hiện nhiệm vụ xã hội[2]. Phạm vi hoạt động của hầu hết các tập đoàn, tổng công ty được mở rộng đến các địa bàn nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo có hạ tầng cơ sở còn yếu kém để thực hiện nhiệm vụ chính trị, xã hội[3]. Với số vốn nhà nước cấp ban đầu còn hạn chế, không đáp ứng đủ yêu cầu mở rộng, phát triển hoạt động sản xuất – kinh doanh; vốn điều lệ hầu như không được điều chỉnh, bổ sung kịp thời, nhưng các tập đoàn, tổng công ty đã chủ động huy động vốn, đa dạng hóa hình thức sở hữu ở các công ty thành viên, để tranh thủ nguồn lực phát triển, tạo động lực cho các thành phần kinh tế khác cùng tham gia đầu tư và thực hiện các dự án đầu tư quan trọng. Nếu đánh giá một cách tổng quát hiệu quả hoạt động sản xuất – kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước theo các chỉ tiêu cơ bản thì có thể thấy: đa số các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã kinh doanh có lãi; các chỉ tiêu nhìn chung đều tăng trưởng, năm sau cao hơn năm trước, nhưng mức độ thì khác nhau, có tập đoàn, tổng công ty đạt hiệu quả cao, có đơn vị lại đạt hiệu quả rất thấp, nhưng nhìn tổng thể, vai trò của tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong thời gian qua là hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. 2. Quy mô vốn chủ sở hữu và bảo toàn vốn nhà nước 2.1. Quy mô vốn Nhìn chung, quy mô vốn chủ sở hữu của hầu hết các tập đoàn, tổng công ty được bảo toàn và không ngừng tăng trong những năm qua. Cụ thể, đến cuối năm 2008 đạt 485 nghìn 644 tỷ đồng[4] với tốc độ tăng vốn chủ sở hữu tính chung trong ba năm 2006-2008 ở mức khá cao 46,5%. Nguồn bổ sung vốn chủ sở hữu chủ yếu từ lợi nhuận sau thuế và thặng dư vốn cổ phần. Xét tổng thể, mặc dù tỷ trọng vốn chủ sở hữu trên tổng nguồn vốn của các tập đoàn, tổng công ty có xu hướng giảm dần[5], nhưng có thể đánh giá quy mô vốn nhà nước đã đầu tư vào các tập đoàn, tổng công ty là khá lớn, tạo điều kiện để các tập đoàn, tổng công ty mở rộng hoạt động. Ở khối các ngân hàng thương mại nhà nước[6], quy mô vốn chủ sở hữu cũng tăng mạnh trong 3 năm 2006-2008 từ 35 nghìn 356 tỷ đồng vào cuối năm 2006 và đạt 57 nghìn 283 tỷ đồng năm 2008 với tốc độ tăng vốn chủ sở hữu trong ba năm 2006 – 2008 là 62%. Vốn chủ sở hữu của khối 18 tập đoàn, tổng công ty đặc biệt cũng có xu hướng tăng nhưng tỷ trọng trên tổng vốn chủ sở hữu của các tập đoàn, tổng công ty giảm dần: năm 2006 đạt 267 nghìn 565 tỷ đồng (chiếm 80,7% tổng vốn chủ sở hữu của các tập đoàn, tổng công ty), năm 2007 đạt 345 nghìn 433 tỷ đồng (chiếm 79,7%) và năm 2008 đạt 382 nghìn 244 tỷ đồng (chiếm 78,7%). Quá trình tích tụ và tăng quy mô vốn chủ sở hữu ở một số tập đoàn, tổng công ty đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến cuối năm 2006 chỉ có 4 tập đoàn có quy mô vốn chủ sở hữu trên 10 nghìn tỷ đồng[7], thì đến cuối năm 2007 đã có 6 tập đoàn, tổng công ty có quy mô vốn chủ sở hữu trên 10 nghìn tỷ đồng[8] và đến cuối năm 2008 có 7 tập đoàn, tổng công ty có quy mô vốn chủ sở hữu trên 10 nghìn tỷ đồng[9]. - Tổng số vốn chủ sở hữu của các tập đoàn, tổng công ty thuộc nhóm nông nghiệp đều có xu hướng tăng vốn chủ sở hữu khá nhanh trong 3 năm 2006-2008. Cụ thể: tăng từ 15 nghìn 807 tỷ đồng năm 2006 lên 21 nghìn 661 tỷ đồng năm 2007 và đạt 26 nghìn 468 tỷ đồng năm 2008; với tốc độ tăng năm 2007 so với 2006 là 37%, năm 2008 so với năm 2007 là 22%; tính chung trong 3 năm 2006-2008 tăng 67,44%. - Ngoài việc vốn chủ sở hữu không ngừng được tích lũy và tăng trưởng, các tập đoàn, tổng công ty đã huy động một lượng vốn khá lớn từ nhiều nguồn khác nhau, kể cả trong nước và ngoài nước để đầu tư mở rộng sản xuất – kinh doanh, thực hiện nhiệm vụ được Nhà nước giao, góp phần phát triển kinh tế – xã hội. Việc tích lũy và tăng trưởng vốn khá nhanh chủ yếu là nhờ nội lực đã phản ánh sự cố gắng của các tập đoàn, tổng công ty khi Nhà nước không có điều kiện bổ sung vốn cho nhiều doanh nghiệp trong suốt một thời gian dài. 2.2. Hệ số an toàn vốn Theo số liệu tổng hợp trong 3 năm 2006-2008, tỉ lệ tổng nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của các tập đoàn, tổng công ty trong từng năm về cơ bản thấp hơn 3 lần[10]. Cụ thể, trong năm 2006 hệ số này là 1,35 lần, năm 2007 là 1,4 lần và năm 2008 là 1,47 lần. Riêng 18 tập đoàn, tổng công ty đặc biệt, tỉ lệ tổng nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu có xu hướng tăng, nhưng vẫn ở mức thấp, cụ thể: năm 2006 tỉ lệ này là 1,1 lần; năm 2007 là 1,2 lần; và năm 2008 là 1,3 lần. Hệ số an toàn vốn của các ngân hàng thương mại trong 3 năm 2006-2008 cũng nằm trong ngưỡng cho phép và có xu hướng ngày càng được cải thiện (lớn hơn 8% theo quy định của Ngân hàng nhà nước và theo chuẩn mực quốc tế). Trong số 5 ngân hàng thương mại nhà nước (kể cả 2 ngân hàng thương mại đã cổ phần hóa nhưng nhà nước giữ cổ phần lớn), chỉ có Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam không đảm bảo quy định về an toàn vốn của Ngân hàng Nhà nước (cụ thể, năm 2006 là 7,18%; năm 2007 là 7,2%; và năm 2008 là 6,95%). Tỉ lệ tổng nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của các tổng công ty thuộc nhóm nông nghiệp về cơ bản nằm trong ngưỡng an toàn, cụ thể: năm 2006 tỉ lệ này là 2,74 lần; năm 2007 là 2,33 lần và năm 2008 là 2,66 lần. Tuy nhiên cơ cấu vốn, tài sản của một số tổng công ty 90 thuộc nhóm nông nghiệp còn chưa hợp lý, vốn chủ sở hữu chiếm tỷ trọng thấp trong tổng tài sản, hoạt động sản xuất kinh doanh phải dựa nhiều vào vốn vay[11]. Tốc độ lưu chuyển vốn chậm, lãi suất ngân hàng tăng cao trong năm 2008 đã tạo áp lực mạnh về gia tăng chi phí sản xuất kinh doanh, làm hạn chế tính chủ động cũng như hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp. Ngoài ra, có không ít đơn vị, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, hoạt động sản xuất – kinh doanh chủ yếu nhờ vốn vay ngân hàng và vốn chiếm dụng, cơ cấu tài chính không hợp lý, dễ phát sinh rủi ro về cân đối dòng tiền, nợ phải trả cao gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu nên khả năng thanh toán không đảm bảo, ảnh hưởng đến tính ổn định và phát triển của doanh nghiệp. Cụ thể: năm 2006 có 38 tập đoàn, tổng công ty hệ số an toàn vốn vượt ngưỡng 3 lần, chiếm 40% số tập đoàn, tổng công ty[12]; năm 2007 có 31 tập đoàn, tổng công ty chiếm 32% số tập đoàn, tổng công ty[13]; năm 2008 có 31 tập đoàn, tổng công ty chiếm 32% số tập đoàn, tổng công ty[14]. Tính đến 31/12/2008, một số đơn vị có tỷ lệ tổng nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu rất cao (trên 10 lần) là Tổng công ty xây dựng CTGT 1 (21,6 lần), Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (17,4 lần), Tổng công ty xây dựng CTGT 4 (14 lần), Tổng công ty Thành An (13,9 lần), Tổng công ty xây dựng công nghiệp Việt Nam (12,9 lần), Tổng công ty CP XNK và Xây dựng Việt Nam (12,2 lần), Tổng công ty xây dựng CTGT 8 (12 lần), Tổng công ty thuỷ tinh và gốm XD (11,3 lần), Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (10,9 lần).v.v… 3. Tình hình công nợ và chất lượng nợ 3.1. Nợ vay tổ chức tín dụng Đến 31/12/2008, tổng nợ vay tổ chức tín dụng và phát hành trái phiếu trong nước của các tập đoàn, tổng công ty là 286 nghìn 918 tỷ đồng. Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ tập trung đánh giá về tình hình công nợ và chất lượng nợ của 7 tập đoàn kinh tế (không tính Tập đoàn Bảo Việt) và nhóm các tổng công ty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tổng nợ tổ chức tín dụng của 7 tập đoàn là 128 nghìn 786 tỷ đồng[15], tăng 20,54% so với cuối năm 2007 và chiếm gần 10% so với tổng nợ tổ chức tín dụng đối với nền kinh tế tại cùng thời điểm. Một số đơn vị có nợ tổ chức tín dụng lớn là: Tập đoàn Điện lực Việt Nam nợ 66 nghìn 764 tỷ đồng, chiếm 51,84% trong tổng nợ tổ chức tín dụng của 7 tập đoàn; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nợ 21 nghìn 477 tỷ đồng, chiếm 16,67%; Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam nợ 19 nghìn 885 tỷ đồng, chiếm 15,44%. Nợ tổ chức tín dụng của 7 tập đoàn chủ yếu là nợ trung và dài hạn, phục vụ cho các dự án đầu tư mang tính chiều sâu và các kế hoạch phát triển. Cụ thể, đến 31/12/2008, nợ ngắn hạn tổ chức tín dụng là 18 nghìn 846 tỷ đồng chiếm 15% tổng nợ; nợ trung và dài hạn là 109 nghìn 940 tỷ đồng chiếm 85% tổng nợ. Ngoài nguồn vốn vay tín dụng trực tiếp, các tập đoàn còn phát hành trái phiếu để huy động vốn. Tính đến 31/12/2008, có 4 tập đoàn đã phát hành và bán trái phiếu cho các tổ chức tín dụng đạt 3 nghìn 621 tỷ đồng. Tập đoàn Điện lực Việt Nam bán trái phiếu cho các tổ chức tín dụng với số lượng là 1 nghìn 549 tỷ đồng, tiếp đến là Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam là 1 nghìn 272 tỷ đồng; Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam là 500 tỷ đồng, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam là 300 tỷ đồng. Có một số trường hợp sử dungh vốn huy động trái phiếu để trả nợ vay ngân hàng. Về chất lượng nợ, tổng nợ quá hạn của 7 tập đoàn đến hết 31/12/2008 là 4 nghìn 168 tỷ đồng, chiếm 3,24% tổng dư nợ của các tập đoàn tại tổ chức tín dụng. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn, bao gồm nợ quá hạn trên 360 ngày, nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ trên 180 ngày và nợ khoanh chờ Chính phủ xử lý (nợ nhóm 5) chiếm 15% tổng số nợ quá hạn. Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam có số nợ quá hạn là 3 nghìn 812 tỷ đồng, chiếm 19,17% dư nợ của tập đoàn và chiếm 91,4% tổng số nợ quá hạn của cả 7 tập đoàn. Ngoài ra, do tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu, các tổ chức tín dụng đã điều chỉnh, cơ cấu lại kỳ hạn nợ nên tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu trên chưa phản ánh đầy đủ chất lượng nợ của các tập đoàn này. Để có thể phân tích về thực trạng nợ và chất lượng nợ tổ chức tín dụng của nhóm các tổng công ty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, Ủy ban thường vụ Quốc hội lựa chọn 09 đơn vị[16]. Tổng nợ tổ chức tín dụng tính đến ngày 31/12/2008 là 11 nghìn 502 tỷ đồng[17]. Nợ tổ chức tín dụng của nhóm các tổng công ty này chủ yếu là nợ trung và dài hạn và chủ yếu vay bằng tiền đồng. Nợ quá hạn của nhóm 09 tổng công ty này là 1 nghìn 208 tỷ đồng, chiếm 10,5% tổng số nợ tại tổ chức tín dụng. Một số tổng công ty có tỷ lệ nợ quá hạn rất cao như Tổng công ty công trình giao thông 1 nợ quá hạn là 190 tỷ, chiếm 57,15%; Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 nợ quá hạn là 113 tỷ, chiếm 60,26%, Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 6 nợ quá hạn là 50 tỷ, chiếm 30,24%… Một số tổng công ty như Tổng công ty mía đường II, Tổng công ty rau quả, nông sản, Tổng công ty dâu tằm tơ Việt Nam, Tổng công ty thủy sản Việt Nam… đã thực hiện bảo lãnh vay vốn đối với các dự án vay vốn thuộc các doanh nghiệp thành viên không đúng với các quy định của pháp luật, không thẩm định kĩ lưỡng về hiệu quả đầu tư và phương án trả nợ, dẫn đến khi doanh nghiệp thành viên lâm vào tình trạng phá sản, kinh doanh thua lỗ thì các tổng công ty phải dùng vốn nhà nước trả nợ thay, gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất kinh doanh chung. 3.2. Về quản lý nợ phải thu Tổng số nợ phải thu của các tập đoàn, tổng công ty đến 31/12/2008 là 185 nghìn 826 tỷ đồng, chiếm 38,26% vốn chủ sở hữu và 14,96% tổng tài sản của các tập đoàn, tổng công ty. Tổng số nợ phải thu tăng 6,3% so với 31/12/2007. Một số tổng công ty có nợ phải thu rất lớn, tính đến 31/12/2007, số nợ phải thu của một số đơn vị như Tổng công ty Xây dựng CTGT 5 là 1 nghìn 848 tỷ đồng, chiếm 40,7% tổng tài sản và gấp hơn 36 lần vốn chủ sở hữu; số nợ phải thu của Tổng công ty Xây dựng CTGT 8 là 1 nghìn 122 tỷ đồng, chiếm 40,97% tổng tài sản và gấp hơn 12 lần vốn chủ sở hữu; số nợ phải thu của Tổng công ty Xây dựng nông nghiệp và Phát triển nông thôn là 177 tỷ đồng, chiếm 36,21% tổng tài sản và gấp hơn 1,5 lần vốn chủ sở hữu. Tại một số tổng công ty, trong điều kiện vốn chủ sở hữu không đáp ứng đủ yêu cầu phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh thì vẫn tồn tại những khoản phải thu không có khả năng thu hồi, dẫn đến hiệu quả sử dụng vốn thấp do một phần lớn vốn “nằm chết”. Tổng công ty Xây dựng CTGT 5 nợ phải thu khó đòi là 26,65 tỷ đồng, phải thu tạm ứng chưa thu hồi được là 123,56 tỷ đồng; Tổng công ty Xây dựng CTGT 8 nợ phải thu khó đòi là 109,96 tỷ đồng, nhiều công trình đã kết thúc nhưng chưa quyết toán, vẫn tồn số dư nợ tạm ứng lớn 53,96 tỷ đồng; Tổng công ty Xây dựng nông nghiệp và phát triển nông thôn nợ phải thu khó đòi là 18,02 tỷ đồng. Nhìn chung, công tác quản lý nợ phải thu ở nhiều đơn vị, đặc biệt là ở các tổng công ty hoạt động trong lĩnh vực xây lắp, còn nhiều vướng mắc, hạn chế: quản lý nợ phải thu chưa chặt chẽ nên bị chiếm dụng vốn, phát sinh nợ khó đòi nhưng nhiều khoản nợ không xác định được đối tượng, không đầy đủ hồ sơ, chưa phân loại và trích lập dự phòng, xử lý nợ phải thu khó đòi theo quy định. Tình trạng các doanh nghiệp chiếm dụng vốn lẫn nhau với số lượng lớn và trong một thời gian kéo dài, dẫn đến chi phí lãi vay phát sinh cao và nhiều khoản nợ không thể thu hồi; việc quản lý nợ phải thu lỏng lẻo là nguyên nhân chính dẫn tới khó khăn về tài chính và tiềm ẩn thua lỗ trong tương lai của một số doanh nghiệp. 4. Hiệu quả sử dụng vốn a. Về hiệu quả hoạt động sản xuất – kinh doanh Đánh giá một cách tổng quan, tổng vốn nhà nước đầu tư vào các tập đoàn, tổng công ty được bảo toàn và phát triển; tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước. Doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty tăng từ 523 nghìn 169 tỷ đồng cuối năm 2006 lên đến 866 nghìn 622 tỷ đồng cuối năm 2008 tăng 65,6%. Lợi nhuận sau thuế tăng từ 60 nghìn 804 tỷ đồng cuối năm 2006 lên đến 69 nghìn 311 tỷ đồng cuối năm 2008 tăng 13,9%. Lợi nhuận sau thuế của 8 tập đoàn kinh tế đến 31/12/2008 là 44 nghìn 153 tỷ đồng, chiếm 63,7% tổng lợi nhuận sau thuế của các tập đoàn, tổng công ty. Lợi nhuận sau thuế của 18 tập đoàn, tổng công ty đặc biệt là 51 nghìn 317 tỷ đồng, chiếm 74% tổng lợi nhuận sau thuế của các tập đoàn, tổng công ty. Kết quả kinh doanh tính theo tỷ suất lợi nhuận trên vốn của các tập đoàn, tổng công ty năm 2008 được phân nhóm như sau (chi tiết năm 2006 và năm 2007 xin xem Phụ lục số 6): + 35/91 đơn vị có tỷ suất lợi nhuận trên 15% [18]. + 15/91 đơn vị có tỷ suất lợi nhuận từ 10-15%. + 20/91 đơn vị có tỷ suất lợi nhuận từ 5-10%. + 18/91 đơn vị có tỷ suất lợi nhuận dưới 5%. + 3/91 đơn vị thua lỗ. Như vậy, 25,2% số đơn vị báo cáo có mức lợi nhuận âm hoặc dưới 5% và 47,2% số đơn vị báo cáo có mức lợi nhuận dưới 10%. Qua đó cho thấy một tỷ lệ không nhỏ (45,05%) các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoạt động hiệu quả thấp (tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu dưới 10%), làm ảnh hưởng đến hiệu quả chung của khu vực kinh tế nhà nước. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu của các ngân hàng thương mại nhà nước năm 2006 là 13,52%, năm 2007 là 13,72% và năm 2008 là 12,77%. Riêng Ngân hàng Phát triển nhà ĐBSCL tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu năm 2008 rất thấp, chỉ đạt 3,12%. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu của các tổng công ty thuộc nhóm nông nghiệp giảm mạnh, từ 12,8% năm 2006 xuống còn 4,25% năm 2008. Một số tổng công ty hoạt động sản xuất – kinh doanh thua lỗ, cụ thể: năm 2006 có 7 đơn vị kinh doanh thua lỗ, lợi nhuận sau thuế âm với tổng số tiền là 126 tỷ đồng; năm 2007 có 5 đơn vị kinh doanh thua lỗ với tổng số tiền là 263 tỷ đồng; năm 2008 có 3 đơn vị kinh doanh thua lỗ với tổng số tiền là 55 tỷ đồng và tính đến cuối năm 2008 vẫn còn 23 đơn vị có lỗ lũy kế với tổng số tiền là 2 nghìn 797 tỷ đồng (Xin xem Phụ lục số 7). Một số tổng công ty lỗ phát sinh ở đơn vị thành viên đã gây ảnh hưởng xấu đến hiệu quả hoạt động sản xuất – kinh doanh chung như: năm 2008 Tổng công ty Lắp máy có lỗ phát sinh 68,75 tỷ đồng, Tổng công ty Xây dựng CTGT 4 lỗ phát sinh 52,52 tỷ đồng, Tập đoàn Dệt may Việt Nam lỗ phát sinh 27,98 tỷ đồng… thậm chí Tổng công ty xây dựng đường thủy có tới 7 trong số 8 đơn vị thành viên hạch toán độc lập chưa cổ phần hóa bị lỗ làm mất toàn bộ vốn chủ sở hữu của tổng công ty[19]. Một số tổng công ty hoạt động sản xuất kinh doanh đặc biệt khó khăn, không khắc phục triệt để và dứt điểm được tình trạng lỗ lũy kế từ các năm trước, tiếp tục để phát sinh lỗ, khả năng thanh toán hạn chế, vốn nhà nước mất hết, nếu không có giải pháp sắp xếp, đổi mới triệt để thì phải làm thủ tục phá sản[20]. Ngoài ra, nếu phân tích một cách chi tiết, bóc tách và so sánh với các loại hình doanh nghiệp khác như các doanh nghiệp ngoài nhà nước, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thì hiệu quả sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước nói chung, tại các tập đoàn, tổng công ty nói riêng còn thấp, chưa tương xứng với quy mô, nguồn lực tài chính của nhà nước, vị trí và vai trò trong nền kinh tế. Ủy ban thường vụ Quốc hội xin nêu bảng so sánh về mối quan hệ giữa vốn, doanh thu và sử dụng lao động của 3 loại hình doanh nghiệp (nhà nước, dân doanh và FDI) như sau[21]:Presentation1 Qua bảng trên cho thấy, tỷ trọng vốn của khối doanh nghiệp nhà nước (tập đoàn, tổng công ty là nòng cốt) trong tổng vốn của nền kinh tế trong từng năm luôn cao nhất, tuy nhiên tỷ trọng đóng góp trong tổng doanh thu luôn thấp hơn so với khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh. b. Về hoạt động đầu tư vào lĩnh vực tài chính (ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, góp vốn quỹ đầu tư) - Về thực trạng đầu tư: Có tất cả 47 tập đoàn, tổng công ty tham gia đầu tư vào lĩnh vực này với tổng số vốn đầu tư vào cuối năm 2006 là 6 nghìn 434 tỷ đồng, vào cuối năm 2007 là 16 nghìn 190 tỷ đồng và vào cuối năm 2008 là 21 nghìn 164 tỷ đồng[22]. Tính đến cuối năm 2008, số vốn đầu tư được phân bổ như sau: (1) Đầu tư vào tổ chức tín dụng: có 34 tập đoàn, tổng công ty với tổng số vốn đầu tư là 14 nghìn 263 tỷ đồng. (2) Đầu tư vào lĩnh vực bảo hiểm: có 18 tập đoàn, tổng công ty đầu tư với tổng số vốn đầu tư là 3 nghìn 098 tỷ đồng. (3) Đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán: xó 34 tập đoàn, tổng công ty đầu tư với tổng số vốn đầu tư là 2 nghìn 039 tỷ đồng. (4) Góp vốn vào quỹ đầu tư: có 17 tập đoàn, tổng công ty góp vốn vào quỹ đầu tư với tổng số vốn đầu tư là 1 nghìn 762 tỷ đồng. Những tập đoàn có số tiền đầu tư vào lĩnh vực tài chính là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với tổng số tiền đầu tư là 5 nghìn 494 tỷ đồng, chiếm 26% tổng số tiền các tập đoàn, tổng công ty đầu tư vào lĩnh vực tài chính năm 2008, Tập đoàn Điện lực Việt Nam với tổng số tiền đầu tư là 2 nghìn 146 tỷ đồng, chiếm 10,14%… Một số tập đoàn, tổng công ty đầu tư nhiều vào TCTD và/hoặc nhiều công ty chứng khoán/quỹ. Cụ thể: Tập đoàn Dệt may đầu tư vào 5 TCTD; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đầu tư vào 6 TCTD và 9 công ty chứng khoán; Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam đầu tư vào 3 TCTD; Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam đầu tư vào 3 TCTD, 3 công ty chứng khoán; Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn đầu tư vào 17 công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ; Tổng công ty Liksin đầu tư vào 37 công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ; Tổng công ty Cảng hàng không Miền nam đầu tư vào 8 công ty chứng khoán; kể cả Tổng công ty XD CTGT 4 có hệ số an toàn vốn rất thấp (hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu là 14 lần) đầu tư vào 3 công ty chứng khoán… - Về hiệu quả đầu tư: Hiệu suất đầu tư (lợi nhuận trên vốn đầu tư) tính gộp chung của 47 tập đoàn, tổng công ty vào lĩnh vực tài chính năm 2006 là 7,41%[23]; năm 2007 là 9,24%[24]; năm 2008 là 4,78%[25], nhìn chung là thấp hơn so với đầu tư vào ngành kinh doanh chính của các đơn vị này. Năm 2008, khi thị trường chứng khoán Việt Nam suy giảm mạnh, các quỹ đầu tư đều có giá trị tài sản ròng giảm phổ biến từ 40-60%, các loại chứng khoán và các khoản đầu tư góp vốn trong danh mục đầu tư của một số đơn vị bị ảnh hưởng, phải thực hiện đánh giá lại và trích lập dự phòng rủi ro[26]. Hầu hết các tập đoàn, tổng công ty bị lỗ hoặc không phát sinh lợi nhuận trong lĩnh vực đầu tư chứng khoán và góp vốn vào quỹ đầu tư. Ví dụ: tính đến 31/12/2008, Tổng mức đầu tư của Tập đoàn Điện lực Việt Nam vào lĩnh vực chứng khoán là 214 tỷ đồng; các tập đoàn góp vốn vào quỹ đầu tư là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đầu tư 368,9 tỷ đồng; Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam đầu tư 271 tỷ đồng, Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam đầu tư 144 tỷ đồng năm 2008 đều không phát sinh lợi nhuận[27]. 5. Đánh giá tình hình hoạt động của Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) - Tính đến 31/12/2008, SCIC đã tiếp nhận vốn nhà nước tại 892 doanh nghiệp, giá trị sổ sách phần vốn nhà nước là 6 nghìn 925 tỷ đồng (chưa tính Vietcombank), giá trị thị trường hiện nay là khoảng 25 nghìn tỷ đồng tăng gần 4 lần. Đa số các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, vốn điều lệ bình quân dưới 10 tỷ đồng (khoảng 87% doanh nghiệp đã nhận bàn giao vốn), chỉ có khoảng 1,5% số doanh nghiệp có vốn trên 100 tỷ đồng. Doanh thu của SCIC năm 2006 là 144 tỷ đồng, năm 2007 là 1 nghìn 272 tỷ đồng, năm 2008 là 2 nghìn 204 tỷ đồng với lợi nhuận thực hiện trước thuế năm 2006 là 119 tỷ đồng, năm 2007 là 1 nghìn 150 tỷ đồng, năm 2008 là 1 nghìn 301 tỷ đồng[28]. Các doanh nghiệp có quy mô vốn lớn trên 100 tỷ đồng đa số kinh doanh có hiệu quả, tỷ suất lợi nhuận trên vốn điều lệ bình quân trên 12%. Các doanh nghiệp còn lại hiệu quả chưa cao (45% doanh nghiệp hoạt động có tỷ suất lợi nhuận thấp hơn 10% và gần 7% doanh nghiệp đang thua lỗ). - Về đầu tư vào các dự án mới của Tổng công ty thời gian qua thực hiện theo định hướng của Chính phủ. Các ngành/lĩnh vực mà Tổng công ty đầu tư bao gồm: năng lượng, cơ sở hạ tầng, các ngành công nghiệp then chốt và công nghệ cao….[29] - Về thoái vốn đầu tư, tính đến 31/12/2008, Tổng công ty đã thực hiện bán vốn nhà nước tại 114 doanh nghiệp (trong đó bán toàn bộ là 102 doanh nghiệp) với giá trị sổ sách 231 tỷ đồng giá trị thu về là 650 tỷ đồng (trung bình đạt 2,3 lần so với mệnh giá). - Về công tác quản lý Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp trung ương, số dư bằng tiền Bộ Tài chính chuyển sang tại thời điểm 30/09/2008 là: 10 nghìn 413 tỷ đồng. SCIC đã thực hiện một số hoạt động như: thu về Quỹ tiền từ các doanh nghiệp cổ phần hóa, thu từ quyết toán các Quỹ địa phương và chi từ Quỹ hỗ trợ lao động dôi dư cho một số doanh nghiệp. Kết quả là, tại thời điểm 31/12/2008, số dư bằng tiền của Quỹ: 24 nghìn 816 tỷ đồng. Số dư tiền gửi trên Quỹ này được SCIC gửi tại các Ngân hàng thương mại. 6. Quản lý tài sản là đất đai Các tập đoàn, tổng công ty hiện đang được giao nắm giữ một khối lượng lớn tài sản nhà nước là đất đai. Theo báo cáo của 88 tập đoàn, tổng công ty, tính đến 31/12/2008, quỹ đất do các tập đoàn, tổng công ty này được giao, thuê và đang trực tiếp quản lý, sử dụng là 365 nghìn 818 ha. Theo báo cáo kết quả giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh về tình hình quản lý, sử dụng đất của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trên địa bàn, đến 30/06/2009 khối doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn đang quản lý, sử dụng 116 triệu 039 nghìn 525 m2, trong đó doanh nghiệp Trung ương quản lý diện tích đất là 8 triệu 978 nghìn 935 m2. Qua kết quả kiểm tra, diện tích đất sử dụng đúng mục đích chiếm khoảng 90%. Diện tích đất sử dụng có vi phạm chiếm khoảng 10% (2 triệu 250 nghìn m2). Cụ thể: - Cho thuê lại: 680 nghìn m2 - Đất bỏ trống, không sử dụng: 790 nghìn m2 - Đất dự án chưa sử dụng hoặc triển khai chậm: 1 triệu 080 nghìn m2. Kết quả giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội về tình hình quản lý, sử dụng đất của 05 tổng công ty nhà nước trên địa bàn[30], thì tổng diện tích đất đang quản lý, sử dụng là 4 triệu 011 nghìn 052 m2, trong đó diện tích đất được giao là 2 triệu 448 nghìn 136 m2, diện tích đất được thuê là 1 triệu 562 nghìn 924 m2. Qua kiểm tra, còn nhiều thửa đất chưa hoàn thành thủ tục, hồ sơ pháp lý theo quy định của pháp luật, còn để trống hoặc xây dựng những công trình tạm, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất hoặc để dân lấn chiếm[31]. II. Những tồn tại, hạn chế (1) Quy mô vốn và năng lực tài chính của một số tổng công ty thấp, không đáp ứng đủ yêu cầu hoạt động[32]. Trong khi một số tập đoàn, tổng công ty có quy mô vốn rất lớn như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, vốn chủ sở hữu năm 2008 là 157 nghìn 890 tỷ đồng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam là 61 nghìn 250 tỷ đồng, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam là 64 nghìn 090 tỷ đồng thì không ít tổng công ty có quy mô vốn chủ sở hữu rất nhỏ, ví dụ: Tổng công ty Xây dựng Công trình giao thông 4, vốn chủ sở hữu năm 2008 là 126 tỷ đồng, Tổng công ty sách Việt Nam là 45 tỷ đồng, Tổng công ty Muối là 27 tỷ đồng… Một số tổng công ty không thực hiện được nhiệm vụ bảo tồn và phát triển vốn chủ sở hữu, vốn chủ sở hữu bị giảm trong giai đoạn 2006-2008. Cụ thể, trong năm 2007, có 13 tổng công ty vốn chủ sở hữu giảm so với năm 2006; trong năm 2008 có 14 tập đoàn, tổng công ty vốn chủ sở hữu giảm so với năm 2007. Một số tổng công ty do những khó khăn về tài chính tồn tại từ nhiều năm chưa khắc phục được, họat động sản xuất – kinh doanh yếu kém, dẫn đến tình trạng thất thoát toàn bộ vốn chủ sở hữu[33]. (2) Phần lớn số tiền của các tập đoàn, tổng công ty đầu tư vào lĩnh vực tài chính phát sinh trong 2 năm 2007-2008 là giai đoạn thị trường phát triển bong bóng nên các tập đoàn, tổng công ty cũng bị cuốn theo làn sóng này. Một số tập đoàn, tổng công ty đầu tư với số tiền lớn trong khi đang thiếu nguồn lực tài chính để đầu tư phát triển các dự án quan trọng của Nhà nước. Ví dụ: năm 2008 Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã đầu tư vào lĩnh vực tài chính khoảng 2 nghìn 146 tỷ đồng. Trong khi đó, từ nay đến hết năm 2015 để đảm bảo các kế hoạch đầu tư xây dựng nguồn điện và lưới điện, tập đoàn còn thiếu 382 nghìn 931 tỷ đồng, bao gồm: vốn đối ứng thiếu 110 nghìn 046 tỷ đồng và vốn vay thiếu 272 nghìn 884 tỷ đồng. Hiệu suất đầu tư vào lĩnh vực này của các tập đoàn, tổng công ty nhìn chung là thấp; phần lớn thấp hơn hiệu quả kinh doanh của chính tập đoàn, tổng công ty đó. Không ít trường hợp đã bị thua lỗ, thất thoát vốn nhà nước. (3) Hiệu quả sử dụng tài sản là đất đai của các tập đoàn, tổng công ty hiện nay chưa cao. Hầu hết các tập đoàn, tổng công nhà nước đều được nhà nước tạo điều kiện bằng cách giao đất, cho thuê đất với giá thấp hoặc không thu tiền sử dụng đất nhưng vẫn còn một số lượng lớn diện tích đất bị bỏ không sử dụng, bị lấn chiếm[34] hoặc sử dụng sai mục đích. Việc quản lý, sử dụng tài sản là đất đai của một số tập đoàn, tổng công ty chưa thực sự chặt chẽ, hợp lý. Nhiều diện tích đất do tập đoàn, tổng công ty đang quản lý, sử dụng chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc thiếu các giấy tờ pháp lý để khẳng định quyền sử dụng đất. Qua khảo sát tại Tổng công ty thương mại Hà Nội và Tổng công ty lương thực Miền Bắc thì số thửa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rất ít[35], một số thửa chỉ có quyết định giao, cấp đất, một số thửa chỉ có hợp đồng thuê đất hàng năm hoặc một số năm, trong đó nhiều diện tích đã hết hạn hợp đồng nhưng chưa được ký lại hợp đồng, nhiều địa điểm đất chỉ có tờ khai, đơn đề nghị hoặc qua kiểm kê đưa vào sử dụng, thiếu nhiều giấy tờ liên quan… đây là tồn tại, nguyên nhân chính làm cho các đơn vị không đầu tư nâng cấp, chuyển đổi mục đích kinh doanh có hiệu quả hơn. Một số đơn vị sử dụng phần lớn diện tích đất được giao để góp vốn liên doanh, liên kết, thậm chí phần diện tích này còn nhiều hơn diện tích đất để sản xuất – kinh doanh trực tiếp của đơn vị[36]. Một số tập đoàn, tổng công ty đang có những lợi thế nhất định do được sử dụng một số lượng lớn diện tích đất đai được giao từ những thời kỳ trước, có vị trí địa lý thuận lợi với giá thuê đất chênh lệch rất nhiều với giá thị trường, ví dụ: tiền thuê đất hàng năm với đơn giá trung bình ở Tổng công ty thương mại Hà Nội là 109.000đ/m2/năm, nơi cao nhất 290.000đ/m2/năm, nơi thấp nhất là 85.000đ/m2/năm. Trong khi đó, các doanh nghiệp khác hiện nay muốn có đất để sử dụng thì phải có dự án đầu tư, phải thực hiện đầy đủ các thủ tục xin giao đất, thuê đất trình tự chặt chẽ, phải bồi thường cho người có đất bị thu hồi theo các quy định của Luật đất đai. Do đó, hiệu quả sản xuất kinh doanh của những tập đoàn, tổng công ty này về cơ bản chưa được phản ánh thực sự do chi phí đầu vào (là đất đai) hiện còn rất thấp. (4) Thiếu chính sách khuyến khích vật chất hữu hiệu đối với tập đoàn, tổng công ty. Tình trạng cào bằng trong phân phối thu nhập giữa các doanh nghiệp nhà nước kéo dài đã không khuyến khích doanh nghiệp nhà nước quan tâm nhiều đến hiệu quả sử dụng vốn. Qua báo cáo của các tập đoàn, tổng công ty cho thấy ngay cả trong cùng một lĩnh vực hoạt động, doanh nghiệp có thu nhập bình quân đầu người cao nhất không phải là doanh nghiệp có hiệu suất lợi nhuận cao nhất. (5) Việc sắp xếp bố trí lại các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ kéo dài chưa được các Bộ/Ủy ban nhân dân quan tâm xử lý dứt điểm, gây lãng phí nguồn vốn của Nhà nước.Tổng công ty xây dựng đường thủy thuộc Bộ Giao thông vận tải lỗ liên tục trong 3 năm kiểm tra (năm 2006-2008) làm thất thoát vốn của nhà nước mỗi năm một nhiều hơn nhưng vẫn tồn tại hoạt động. Tổng công ty Dâu tằm tơ Việt Nam cũng nằm trong tình trạng thua lỗ kéo dài nhưng vẫn chưa được sắp xếp cơ cấu lại. (6) Về công tác quản lý của các tập đoàn, tổng công ty - Một số tập đoàn, tổng công ty phát triển, mở rộng hoạt động kinh doanh quá nóng vượt khả năng tài chính và các nguồn lực khác, dẫn đến rủi ro, khó khăn khi có biến động của thị trường[37]. - Trình độ quản trị doanh nghiệp, quản lý rủi ro của nhiều tập đoàn, tổng công ty còn hạn chế. Việc đầu tư một lượng tiền khá lớn vào các lĩnh vực rủi ro như chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, BĐS, Quỹ đầu tư… trong khi chưa có bộ máy và nguồn lực chuyên môn đáp ứng đủ yêu cầu là một ví dụ. - Một số tập đoàn, tổng công ty chưa quan tâm đầy đủ đến việc tuân thủ chế độ quản lý tài chính, báo cáo tài chính. Tình trạng thiếu minh bạch, không cập nhật thông tin kịp thời, đầy đủ về hoạt động kinh doanh và tình hình tài chính gây khó khăn cho công tác quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước và giám sát của cộng đồng. Công tác quản trị hoạt động của nhiều Tập đoàn, tổng công ty chưa có nhiều đổi mới, chưa phù hợp với yêu cầu quản lý kinh doanh theo cơ chế thị trường. - Việc bàn giao vốn từ các Bộ, ngành, địa phương còn tiến hành chậm, tính đến ngày 31/12/2008 ước tính có khoảng 300 doanh nghiệp độc lập đã cổ phần hóa nhưng các Bộ, ngành, địa phương chưa bàn giao về SCIC với số vốn gần 5.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc phân giao cho SCIC quản lý phần vốn nhà nước tại 892 doanh nghiệp, trong đó phần lớn là doanh nghiệp quy mô nhỏ, phân bổ ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước là chưa phù hợp với nguồn lực và khả năng quản lý của SCIC. Trong khi đó, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố không còn trách nhiệm quản lý vốn và nhân sự của các doanh nghiệp này, thực trạng là khu vực này còn nhiều bất cập. Bên cạnh đó, dù đã đi vào hoạt động được hơn 3 năm, nhưng cho đến nay vẫn thiếu một cơ chế hoạt động phù hợp với đặc thù riêng của SCIC. Ngoài ra, việc đem toàn bộ vốn từ Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp trung ương giao cho SCIC quản lý gửi vào các ngân hàng thương mại thu lãi hàng tháng làm cho hiệu quả khai thác, sử dụng vốn chưa cao. Tóm lại, qua giám sát cho thấy, mặc dù việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý vốn, tài sản nhà nước tại tập đoàn, tổng công ty đã được Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành ngày càng chú trọng, nhiều văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách đã được rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới và từng bước hoàn thiện. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách vẫn còn không ít những hạn chế, chưa đầy đủ, thiếu thống nhất và đồng bộ. Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý vốn, tài sản nhà nước tại tập đoàn, tổng công ty trên thực tế còn lúng túng, gặp nhiều khó khăn; hoạt động quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều hạn chế; quy mô và tốc độ tăng vốn chủ sở hữu của một số đơn vị thấp; hiệu quả sử dụng tài sản là đất đai của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước chưa cao; chính sách khuyến khích vật chất chưa được quan tâm đúng mức; việc sắp xếp, bố trí lại các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ kéo dài chưa được xử lý dứt điểm, gây lãng phí vốn của Nhà nước. Mặc dù nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã thực hiện tốt nhiệm vụ bảo toàn và phát triển vốn, tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước, năng lực tài chính ổn định; nhưng cũng còn nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh hiệu quả thấp, chưa phát huy tốt các lợi thế vượt trội từ sự quan tâm đầu tư và ưu đãi về nhiều mặt của Nhà nước, hiệu quả sử dụng vốn và tài sản chưa cao, hoạt động đầu tư còn phân tán, dàn trải vượt quá năng lực tài chính, năng lực quản lý; Mô hình tổ chức của tập đoàn kinh tế và tổng công ty còn có những bất cập; Quản trị doanh nghiệp còn hạn chế. Để khắc phục những yếu kém trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý vốn, tài sản nhà nước tại tập đoàn, tổng công ty, trong thời gian tới đây, ngoài việc tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung ban hành mới các văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách có liên quan, cần tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tập trung giám sát chặt chẽ nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty. PHẦN III MỘT SỐ KIẾN NGHỊ Căn cứ vào báo cáo của Đoàn giám sát, các Đoàn đại biểu Quốc hội, báo cáo của Bộ, ngành, địa phương, Ủy ban thường vụ Quốc hội thấy rằng những yêu cầu nêu trong Nghị quyết của BCH Trung ương Đảng, các Luật, Nghị quyết của Quốc hội có liên quan đến hiệu quả hoạt động của tập đoàn, tổng công ty cần phải tiếp tục nghiêm chỉnh thực hiện, đồng thời xin nhấn mạnh một số kiến nghị dưới đây: 1. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các luật liên quan đến doanh nghiệp, ví dụ: Luật đất đai, Luật phá sản…; ban hành đầy đủ, kịp thời các nghị định, thông tư hướng dẫn vào đúng thời điểm luật có hiệu lực, bảo đảm thống nhất, đồng bộ, phù hợp với thực tế, có chế tài xử lý mạnh các hành vi vi phạm, đồng thời tháo gỡ những vướng mắc về văn bản trong việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty. Cụ thể như sau: - Đối với Luật doanh nghiệp: cần nghiên cứu, sửa đổi một số quy định liên quan đến tỷ lệ biểu quyết thông qua những vấn đề quan trọng như chiến lược phát triển, tăng giảm vốn, quyết định nhân sự chủ chốt; sửa đổi điều lệ tại Đại hội cổ đông… - Đối với Luật đất đai: cần sớm xem xét, sửa đổi các quy định để giải quyết các vấn đề tồn tại, vướng mắc liên quan đến giá đất, đơn giá thuê đất…; bổi sung các quy định về xác định giá trị lợi thế vị trí địa lý đất được thuê, đất được giao có thu tiền sử dụng đất cho phù hợp; quy định về giao, cho thuê đất, nhà của nhà nước khi doanh nghiệp chưa có đủ hồ sơ pháp lý… Đề nghị Quốc hội sớm ban hành Luật sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào kinh doanh để quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. - Khẩn trương ban hành, sửa đổi các nghị định, thông tư hướng liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty như Nghị định 09/2009/NĐ-CP ngày 05/2/2009 về Quy chế quản lý tài chính của công ty nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác; Nghị định 109/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần; Quyết định 224/2006/QĐ-TTg ngày 06/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ về hệ thống tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN; Thông tư 146/2007/TT-BTC về việc hướng dẫn xác định giá trị lợi thế vị trí địa lý để tính vào giá trị lợi thế kinh doanh của doanh doanh cổ phần hóa…. 2. Xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về vốn và tài sản tại tập đoàn, tổng công ty trên cơ sở hoàn thiện cơ chế phân cấp thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước theo nguyên tắc phải có một đầu mối chịu trách nhiệm chính theo dõi việc sử dụng vốn, tài sản nhà nước và phân tích, đánh giá hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, kể cả các tập đoàn, tổng công ty đặc biệt. Bộ Tài chính là cơ quan quản lý nhà nước về tài chính phải tổ chức theo dõi đầy đủ, kịp thời, chính xác tình hình vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty để các cơ quan quản lý nhà nước sử dụng trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ chủ sở hữu nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ được phân công. 3. Thực hiện triệt để hơn tách chức năng quản lý nhà nước với chức năng thực hiện các quyền chủ sở hữu; tách biệt thực hiện quyền chủ sở hữu đối với quyền chủ động kinh doanh của doanh nghiệp. - Đối với SCIC: Tổ chức đánh giá mô hình hoạt động SCIC để có định hướng và giải pháp rõ ràng; đồng thời xây dựng quy chế hoạt động phù hợp với đặc thù của SCIC. Một số nội dung cụ thể dưới đây cần được lưu ý: + Cần có cơ chế, chính sách thích hợp tạo điều kiện để SCIC có thể đẩy nhanh tiến độ thoái vốn tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ vốn và hoạt động không hiệu quả hoặc hiệu quả không cao. + Nghiên cứu lại số đối tượng doanh nghiệp phân giao cho SCIC quản lý phần vốn đầu tư của Nhà nước, bảo đảm phù hợp với nguồn lực, khả năng và điều kiện hoạt động của SCIC, tránh hiện tượng phân giao quá nhiều đối tượng vượt khả năng, điều kiện quản lý của SCIC như hiện nay. - Thực hiện đúng quy định của Luật doanh nghiệp giao quyền tự chủ kinh doanh, được hạch toán và bù đắp chi phí đầy đủ đối với doanh nghiệp cung ứng dịch vụ công ích. - Xây dựng lộ trình từng bước tách bạch dần nhiệm vụ sản xuất- kinh doanh vì mục tiêu lợi nhuận với các nhiệm vụ an sinh xã hội khác không vì mục tiêu lợi nhuận. - Hoàn thiện cơ chế người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp trên cơ sở làm rõ địa vị pháp lý, mối quan hệ với cơ quan quản lý vốn, cơ quan quản lý nhà nước (Bộ, Ủy ban nhân dân), trên cơ sở đó xác định cơ quan đầu mối quản lý về mặt nhân sự đối với đội ngũ cán bộ này. 4. Tổ chức rà soát đánh giá hoạt động của tập đoàn, tổng công ty để có biện pháp chấn chỉnh, củng cố các tập đoàn, tổng công ty gặp khó khăn hoặc hoạt động kém hiệu quả; đẩy nhanh tiến độ sắp xếp đổi mới doanh nghiệp. - Chấn chỉnh hoạt động đầu tư tràn lan ở một số đơn vị, nhất là sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào những lĩnh vực rủi ro khi không có bộ máy, nhân lực thích hợp, gây thất thoát vốn hoặc sử dụng vốn không hiệu quả của một số tập đoàn, tổng công ty; vốn nhà nước phải được ưu tiên tập trung đầu tư thực hiện nhiệm vụ chính được giao. Xây dựng những quy định cụ thể và điều kiện các tập đoàn, tổng công ty được phép đầu tư ra ngoài ngành sản xuất, kinh doanh chính. - Đối với những tập đoàn, tổng công ty có vai trò, vị trí quan trọng trong nền kinh tế hiện đang gặp khó khăn về tài chính, một mặt cần làm rõ trách nhiệm của Ban quản lý tập đoàn, mặt khác cần cơ cấu lại theo hướng: (1) đánh giá thực trạng nhu cầu vốn của các tập đoàn, tổng công ty để có cơ chế xử lý bổ sung vốn tiếp tục thực hiện các dự án đầu tư có hiệu quả, hạn chế thất thoát vốn do kéo dài thời gian dự án; (2) cơ cấu lại tài sản theo hướng chuyển nhượng, sáp nhập các dự án, các khoản đầu tư không hiệu quả hoặc không cần thiết cho hoạt động kinh doanh chính để tập trung nguồn lực phục vụ sản xuất – kinh doanh theo nhiệm vụ được giao. - Có giải pháp xử lý triệt để tình trạng nợ dây dưa, nợ chiếm dụng không lành mạnh trong nền kinh tế đang gây trở ngại nghiêm trọng cho nhiều doanh nghiệp, nhất là các tổng công ty hoạt động trong lĩnh vực xây lắp. - Kiên quyết xử lý sớm, xử lý dứt điểm các doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả, thua lỗ kéo dài, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân, không để tình trạng vốn đầu tư của Nhà nước tiếp tục bị thất thoát. Đẩy nhanh tiến độ sắp xếp cổ phần hóa, bảo đảm đến 1 tháng 7 năm 2010 các công ty nhà nước thành lập theo quy định của Luật doanh nghiệp nhà nước phải chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần hoạt động theo Luật doanh nghiệp. 5. Xây dựng hệ thống kiểm tra, giám sát đủ năng lực và điều kiện về quản lý vốn, tài sản tại các tập đoàn, tổng công ty song song với việc tăng tính trách nhiệm của cơ quan quản lý; Quy định rõ trách nhiệm của Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc về hiệu quả hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp. - Xây dựng hệ thống quy chuẩn quản lý, giám sát các tập đoàn, tổng công ty để các cơ quan thực hiện quyền, nghĩa vụ chủ sở hữu một cách thống nhất, đồng bộ vừa tránh chồng chéo vừa bảo đảm đánh giá một cách xác thực kết quả hoạt động kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty. Tăng tính trách nhiệm của các cơ quan quản lý, thực hiện quyền, nghĩa vụ chủ sở hữu trong việc giám sát hoạt động của tập đoàn, tổng công ty trên cơ sở phân định rõ ràng trách nhiệm của từng cơ quan, từng đầu mối về kết quả hoạt động của tập đoàn, tổng công ty. - Có các cơ chế thưởng, phạt hiệu quả về hành chính, kinh tế để bảo đảm cho Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao. Hoàn thiện quy chế đánh giá, xếp hạng chất lượng hoạt động của doanh nghiệp cùng với các biện pháp chế tài đủ mạnh và kiên quyết thực hiện để làm cơ sở đánh giá kết quả, chấn chỉnh hoạt động, nhân sự HĐQT và Tổng giám đốc. 6. Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tổ chức và mô hình hoạt động của tập đoàn kinh tế, xây dựng thị trường kinh doanh lành mạnh theo nguyên tắc trước mắt giảm tối đa tính độc quyền của tập đoàn, tổng công ty Nhà nước chỉ giữ 100% vốn hoặc cổ phần chi phối đối với một số ít tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoạt động trong những ngành, lĩnh vực then chốt. Các tập đoàn, tổng công ty này phải được củng cố về mặt tổ chức, kiện toàn bộ máy quản lý, áp dụng những chuẩn mực quản lý, kinh doanh hiện đại và có hiệu quả cao. Tiếp tục hoàn thiện mô hình công ty mẹ – công ty con theo nguyên tắc chủ sở hữu (công ty mẹ) được quyền định đoạt vốn, tài sản của công ty con theo quy định của pháp luật; lành mạnh hóa quan hệ sở hữu trong nội bộ tập đoàn, tổng công ty theo hướng không cho phép công ty con đầu tư ngược trở lại vào công ty mẹ. * * * Trên đây là Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước", Ủy ban thường vụ Quốc hội xin kính trình Quốc hội xem xét, quyết định. ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

[1] Báo cáo số 285-BC/BCSĐCP ngày 27/02/2009 Ban cán sự Đảng Chính phủ về việc thí điểm mô hình tập đoàn kinh tế. [2] Theo báo cáo của Chính phủ, các tập đoàn, tổng công ty thực hiện Nghị quyết số 30A/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo. Tính đến 31/12/2008, theo số liệu của 95/99 tập đoàn, tổng công ty đã giải quyết việc làm cho 1 triệu 179 nghìn lao động với mức thu nhập bình quân trong là 3 triệu 8 trăm nghìn đồng; trong 2 năm 2007 và 2008 đã tham gia khoảng 420 tỷ đồng để thực hiện nhiệm vụ xã hội. [3] Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam tích cực cung cấp dịch vụ viễn thông cho vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị, an ninh, quốc phòng; Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam thông qua thực hiện trồng cây cao su đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết công ăn, việc làm cho vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số và đã xây dựng được một lực lượng tự vệ với trên 10.000 người. [4] Số liệu báo cáo của 93/99 tập đoàn, tổng công ty. [5] Tỷ trọng vốn chủ sở hữu trên tổng nguồn vốn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước: năm 2006 là 41,39%, năm 2007 là 40,29%, năm 2008 là 39,12%. [6] Số liệu báo cáo của 5 NH gồm NH Công thương Việt Nam, NH Đầu tư và Phát triển Việt Nam, NH thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, NH Nông nghiệp và Phát triển Việt Nam, NH phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long. [7] Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (98.567.617 triệu đồng), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (55.530.353 triệu đồng), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (51.201.493 triệu đồng), Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (10.614.743 triệu đồng). [8] Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (128.392.605 triệu đồng), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (73.085.628 triệu đồng), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (60.965.176 triệu đồng), Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (14.696.857 triệu đồng), Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (10.443.527 triệu đồng), Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (10.141.434 triệu đồng). [9] Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (157.890.150 triệu đồng), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (64.090.163 triệu đồng), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (61.250.481triệu đồng), Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (17.640.543 triệu đồng), Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (14.714.694 triệu đồng), Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (11.298.367triệu đồng), Tổng công ty viễn thông quân đội (10.868.504 triệu đồng). [10] Trong giai đoạn 2006-2008 chưa có quy định cụ thể về ngưỡng an toàn của tổng nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu. UBTVQH tạm sử dụng quy định trong Nghị định số 09/2009/NĐ-CP ngày 5/2/2009 của Chính phủ về ban hành Quy chế quản lý tài chính của tổng công ty nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào các DN khác làm cơ sở phân loại. [11] Tổng công ty Muối, Tổng công ty Mía đường I, Tổng công ty Cà phê… [12] 12 tổng công ty có hệ số an toàn vốn lớn hơn 3 lần và nhỏ hơn 5 lần; 1 tập đoàn và 12 tổng công ty có hệ số an toàn vốn lớn hơn 5 lần và nhỏ hơn 10 lần; 1 tập đoàn và 12 tổng công ty có hệ số an toàn vốn lớn hơn 10 lần. [13] 14 tổng công ty có hệ số an toàn vốn lớn hơn 3 lần và nhỏ hơn 5 lần; 8 tổng công ty có có hệ số an toàn vốn lớn hơn 5 lần và nhỏ hơn 10 lần; 1 tập đoàn và 8 tổng công ty có hệ số an toàn vốn lớn hơn 10 lần. [14] 14 tổng công ty có hệ số an toàn vốn lớn hơn 3 lần và nhỏ hơn 5 lần; 4 tổng công ty có hệ số an toàn vốn lớn hơn 5 lần và nhỏ hơn 10 lần; 1 tập đoàn và 10 tổng công ty có hệ số an toàn vốn lớn 10 lần. [15] Tổng hợp theo số liệu từ mẫu biểu báo cáo, nợ TCTD của 7 tập đoàn kinh tế (số liệu hợp nhất) đến 31/12/2008 là 138.491 nghìn tỷ đồng. [16] Tổng Cty XD Công trình giao thông 1, Tổng Cty XD Công trình giao thông 4, Tổng Cty XD Công trình giao thông 5, Tổng Cty XD Công trình giao thông 6, Tổng Cty XD Công trình giao thông 8, Tổng công ty xây dựng Sông Đà, Tổng Cty XNK và XDVN, Tổng Cty Đtư PT nhà và đô thị, Tổng công ty Miền trung. [17] Tổng hợp theo số liệu từ mẫu biểu báo cáo, nợ TCTD của 8 tổng công ty (số liệu hợp nhất, không tính Tổng công ty Miền trung) đến 31/12/2008 là 15 nghìn 324 tỷ đồng. [18] Năm 2008 có 91/99 đơn vị báo cáo tỷ suất lợi nhuận trên vốn. [19] Tổng công ty xây dựng đường thủy: Việc mất phần vốn nhà nước ở các đơn vị thành viên làm cho phần vốn chủ sở hữu của toàn tổng công ty bị âm trong 3 năm liên tiếp. Năm 2006 âm 257.756 triệu đồng, năm 2007 âm 444.010 triệu đồng, năm 2008 âm 464.434 triệu đồng. [20] Tổng công ty Dâu tằm tơ Việt Nam lỗ lũy kế đến 31/12/2007 là 59,78 tỷ đồng, phát sinh lỗ là 301 triệu, lỗ lũy kế đến 31/12/2008 là 61,28 tỷ đồng, lỗ phát sinh là 1,75 tỷ đồng; Tổng công ty Muối lỗ lũy kế đến 31/12/2006 là 14,14 tỷ đồng, phát sinh lỗ là 11,19 tỷ đồng, lỗ lũy kế đến 31/12/2007 là 14,93 tỷ đồng, lỗ phát sinh là 787 triệu đồng, lỗ lũy kế đến 31/12/2008 là 15,13 tỷ đồng, lỗ phát sinh là 203 triệu đồng, Tổng công ty Cà phê Việt Nam lỗ lũy kế đến 31/12/2006 là 589,68 tỷ đồng, phát sinh lỗ là 16,14 tỷ đồng, lỗ lũy kế đến 31/12/2007 là 488,19 tỷ đồng, lỗ phát sinh là 23,22 triệu đồng, lỗ lũy kế đến 31/12/2008 là 482,53 tỷ đồng, lỗ phát sinh là 19,04 tỷ đồng. [21] Chi tiết xin xem Phụ lục số 3. Một số chỉ tiêu tổng hợp về doanh nghiệp năm 2005-2007. [22] Không bao gồm số tiền đầu tư của Tập đoàn Bảo Việt và 5 Ngân hàng thương mại nhà nước vào lĩnh vực tài chính trong năm 2008 là 12 nghìn 241 tỷ đồng. [23] Năm 2006 tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư vào tổ chức tín dụng là 7,16%; tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư vào lĩnh vực bảo hiểm là 9,9%; tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán là 8,21%; tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư góp vào quỹ đầu tư là 4,51%. [24] Năm 2007, tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư vào tổ chức tín dụng là 11,01%, tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư vào lĩnh vực bảo hiểm là 3,26%; tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán là 12,64%; tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư góp vào quỹ đầu tư là 2,78%. [25] Năm 2008, tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư vào tổ chức tín dụng là 5,21%, tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư vào lĩnh vực bảo hiểm là 5,16%; tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán là 5,05%; tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư góp vào quỹ đầu tư là 0,34%. [26] Tuy nhiên trong mẫu biểu báo cáo số liệu về hiệu quả hoạt động đầu tư vào một số lĩnh vực, hầu hết các tập đoàn, tổng công ty không báo cáo Đoàn giám sát khoản mục đánh giá lại theo giá trị thị trường. [27] Báo cáo kiểm toán hoạt động Tổng công ty cổ phần tài chính Dầu khí (PVFC) của Kiểm toán Nhà nước cho thấy, đến thời điểm 31/12/2008 Tổng công ty đã đầu tư chứng khoán 592 tỷ đồng và góp vốn đầu tư dài hạn 857 tỷ đồng. Trong năm 2008 thị trường chứng khoán Việt Nam sụt giảm, PVFC đã trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán và đầu tư dài hạn khác là 1.773,6 tỷ đồng để bảo toàn vốn. Tính đến 30/6/2009, thị trường chứng khoán có dấu hiệu phục hồi nên dự phòng giảm giá chứng khoán và đầu tư dài hạn khác giảm 510 tỉ đồng. [28] Lợi nhuận thu được là thu từ cổ tức DN (năm 2006: 87 tỷ đồng, năm 2007: 693 tỷ đồng, năm 2008: 1 nghìn 398 tỷ đồng). Năm 2006 và 2007, lợi nhuận thực hiện trước thuế đều lớn hơn cổ tức thu từ các DN. Riêng năm 2008, lợi nhuận thực hiện trước thuế thấp hơn thu cổ tức (lợi nhuận thực hiện trước thuế: 1 nghìn 301 tỷ đồng, thu cổ tức: 1 nghìn 398 tỷ đồng). [29] Đầu tư mua cổ phần bán cho cổ đông là 1 nghìn 367 tỷ đồng. Riêng 2 khoản đầu tư vào dự án điện Vĩnh Sơn-Sông Hinh và điện Thác Bà với tổng trị giá đầu tư là 1 nghìn 099 tỷ đồng. Theo báo cáo của SCIC, giá trị các khoản đầu tư này tính theo giá thị trường đã tăng 2 lần. [30] Tổng công ty xây dựng Hà Nội, Tổng công ty thủy tinh và gốm xây dựng, Tổng công ty cơ khí xây dựng, Tổng công ty cổ phần dệt may Hà Nội, Tổng công ty Sông hồng. [31] Khu đất 114 nghìn 192 m2 tại xã Xuân Phương- huyện Từ Liêm do Tổng công ty công ty Thủy tinh và gốm xây dựng làm chủ đầu tư đã được chấp thuận chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ năm 2006 nhưng đến nay dự án vẫn chưa được triển khai; các thành viên của Tổng công ty xây dựng Hà Nội để dân lấn chiếm 13 nghìn m2. [32] Theo đánh giá của Bộ Giao Thông vận tải, vốn chủ sở hữu của các đơn vị xây lắp thuộc Bộ Giao thông vận tải quản lý rất thấp, không đủ đáp ứng yêu cầu hoạt động, phải đi vay một lượng vốn rất lớn dẫn đến hiệu quả kinh doanh thấp. [33] Tổng công ty xây dựng đường thủy thuộc Bộ Giao thông vận tải, vốn chủ sở hữu năm 2006 là -257 tỷ đồng, năm 2007 là -444 tỷ đồng, năm 2008 là -464 tỷ đồng; Tổng công ty dâu tằm tơ Việt Nam, vốn chủ sở hữu năm 2007 là -5 tỷ 419 triệu đồng và năm 2008 là – 9 tỷ 928 triệu đồng. [34] Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam tổng diện tích đất bị lấn chiếm là 6.996 ha[34], trong đó có 3.641ha đất sản xuất nông nghiệp, 1.062 ha đất lâm nghiệp, 3 ha đất nuôi trồng thủy sản, 1.990 ha đất nông nghiệp khác và 273 ha đất phi nông nghiệp (216 ha đất ở). [35] Số thửa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Tổng công ty Thương mại Hà Nội có 21/247 thửa, chiếm 8,5% tổng số thửa; Tổng công ty Lương thực Miền Bắc có 17/97 thửa, chiếm 17,5% tổng số thửa). Số thửa có chỉ có quyết định giao, cấp đất, chưa làm sổ đỏ (Tổng công ty Thương mại Hà Nội có 20/247 thửa, chiếm 8,1% tổng số thửa; Tổng công ty Lương thực Miền Bắc có 14/97 thửa, chiếm 14,4% tổng số thửa). Số thửa chỉ có hợp đồng thuê đất hàng năm hoặc một số năm trong đó nhiều diện tích đã hết hạn hợp đồng nhưng chưa được ký lại hợp đồng (Tổng công ty Thương mại Hà Nội có 128/247 thửa, chiếm 51,8% tổng số thửa; Tổng công ty Lương thực Miền Bắc có 14/97 thửa, chiếm 14,4% tổng số thửa). Số địa điểm đất chỉ có tờ khai, đơn đề nghị hoặc qua kiểm kê đưa vào sử dụng, thiếu nhiều giấy tờ liên quan (Tổng công ty Thương mại Hà Nội có 78/247 thửa, chiếm 31,6% tổng số thửa; Tổng công ty Lương thực Miền Bắc có 52/97 thửa, chiếm 53,7% tổng số thửa). [36] Tổng công ty đầu tư phát triển hạ tầng đô thị- Hà Nội góp vốn liên doanh, liên kết 1 triệu 741 nghìn 543 m2 trên tổng số 1 triệu 806 nghìn 037 m2 chiếm 96,4% diện tích đất được giao; Tổng công ty Liksin góp vốn liên doanh, liên kết 3 triệu 050 nghìn m2 trên tổng số 3 triệu 237 nghìn 801 m2 chiếm 94,2% diện tích đất được giao; Tổng công ty đường sông Miền Nam góp vốn liên doanh, liên kết 225 nghìn 250 m2 trên tổng số 498 nghìn 982 m2, chiếm 45,14% diện tích đất được giao. [37] Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam trong năm 2007 đã thành lập thêm 31 công ty con, tăng 35% so với năm 2006; trong năm 2008 thành lập thêm 12 công ty con, tăng 10% so với năm 2007; tổng cộng lại hiện nay Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam đã có 157 doanh nghiệp thành viên.  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật