TỰ DO HOÁ THƯƠNG MẠI DỊCH VỤ VÀ CÁC NƯỚC ĐANG PHÁT TRIỂN?

NGUYỄN THÀNH HƯNG (Tổng hợp)
Dịch vụ, từ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe đến các dịch vụ tài chính ngân hàng, đã và đang trở thành ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trong nền kinh tế quốc dân của nhiều nước trên thế giới. Dịch vụ không chỉ tạo công ăn việc làm và thu nhập tại nhiều quốc gia mà còn đóng vai trò là đầu vào (input) quan trọng để sản xuất ra các hàng hoá và dịch vụ khác (ví dụ: dịch vụ viễn thông). Do vậy một ngành dịch vụ hiệu quả cao là rất cần thiết cho tổng thể nền kinh tế. Và chính vì vậy, những thoả thuận về mở cửa thị trường dịch vụ có vai trò quyết định sự thành bại của các cuộc đàm phán thương mại toàn cầu hiện nay.
Mở cửa thị trường dịch vụ sẽ đem lại lợi ích cho tất cả các nền kinh tế, bao gồm cả các nước đang phát triển, với điều kiện được thực hiện một cách thận trọng. Tuy nhiên mở cửa thị trường dịch vụ là một vấn đề cực kỳ phức tạp. Trong bất cứ cuộc đàm phán nào về thương mại dịch vụ đều đặt ra một câu hỏi hóc búa rằng liệu những người cung cấp dịch vụ (các y tá, luật sư hoặc kỹ sư bảo trì máy tính…) có thể tới quốc gia khác để hành nghề hay không. Các vòng đàm phán thương mại toàn cầu trước đây chỉ đạt được kết quả khiêm tốn trong mở cửa thị trường dịch vụ. Tuy nhiên sự phát triển của công nghệ đã tạo ra một xung lực riêng biệt cho việc mở cửa thị trường dịch vụ. Các dịch vụ trực tuyến (online services) (ví dụ: các trung tâm dịch vụ khách hàng qua điện thoại, qua e-mail) không nhất thiết phải được thiết lập ở trong cùng một quốc gia, thậm chí là cùng một châu lục. Các thị trường dịch vụ được mở cửa thông qua các hiệp định song phương và khu vực, thông qua các chương trình cải cách từ bên trong từng quốc gia. Hiện tại các cuộc đàm phán tự do hoá thương mại dịch vụ trong khuôn khổ Chương trình nghị sự Đôha vì sự phát triển (DDA) của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) tạo cơ hội cho tất cả các nước ở những trình độ phát triển khác nhau đánh giá lại toàn bộ quá trình phát triển dịch vụ và thực thi mở cửa mạnh mẽ hơn nữa thị trường dịch vụ. Ai hưởng lợi từ việc tự do hoá thương mại dịch vụ? Những năm gần đây tỷ trọng dịch vụ trong nền kinh tế thế giới tăng đáng kể, và hiện nay dịch vụ chiếm khoảng 70% tổng giá trị sản xuất của các nước phát triển OECD. Ngành dịch vụ cũng ngày càng có vai trò quan trọng tại các nước có thu nhập trung bình và thấp, thay thế dần nông nghiệp và công nghiệp.
 
Mở cửa lĩnh vực thương mại dịch vụ sẽ đem lại lợi ích cho cả các nước phát triển và đang phát triển. Bất chấp quan niệm ở phần lớn các nước đang phát triển rằng họ sẽ bị thua thiệt bởi các ngành dịch vụ nội địa có khả năng cạnh tranh yếu và tính hiệu quả thấp, thực sự thường là các nước đang phát triển sẽ đạt được nhiều lợi ích đáng kể. Đối với tất cả các nền kinh tế, lợi ích có được từ tự do hoá thương mại dịch vụ là lớn hơn rất nhiều so với lợi ích có được từ tự do hoá thương mại hàng hoá. Thứ nhất là do mức độ bảo hộ của thương mại dịch vụ cao hơn so với các lĩnh vực khác, và dịch vụ chiếm tỷ trọng ngày càng lớn hơn trong nền kinh tế. Thứ hai, các dịch vụ như viễn thông và vận tải có tầm quan trọng đặc biệt trong việc sản xuất và vận chuyển hầu hết các loại hàng hóa, do vậy thị trường dịch vụ mở cửa hơn nữa có thể tác động mạnh mẽ đến tổng thể nền kinh tế. Ví dụ: nông nghiệp và công nghiệp sẽ hưởng lợi từ việc tăng tính hiệu quả các đầu vào, và điều này chắc chắn sẽ làm giảm bớt những khó khăn mà các lĩnh vực này gặp phải do kết quả của việc mở cửa thị trường của bản thân các lĩnh vực này. Sự di chuyển tạm thời của thể nhân đến các nước để cung cấp dịch vụ (Phương thức cung cấp dịch vụ 4 trong GATS) là nhân tố quyết định việc tự do hoá thị trường dịch vụ đối với hầu hết các nước đang phát triển. Mở cửa lĩnh vực này có thể tạo ra lợi ích to lớn cho nền kinh tế thế giới, mặc dù tác động cụ thể lên từng nước và từng lĩnh vực dịch vụ là khác nhau, phụ thuộc vào loại hình và kỹ năng của người lao động tham gia cũng như cơ chế quản lý điều hành của chính phủ. Việc đưa người cung cấp dịch vụ ra nước ngoài có thể giúp một nước đang phát triển giảm áp lực về thị trường lao động trong khi đó tăng nguồn đầu tư và xây dựng nguồn nhân lực. Những khoản tiền từ nước ngoài chuyển về có thể là một nguồn thu đáng kể. Ví dụ: khoản kiều hối chuyển về Việt Nam năm 2005 đã lên đến gần 4 tỷ USD, tăng từ 20-25% so với năm 2004. Tuy nhiên cũng tồn tại một số rủi ro. Khi những người lao động có trình độ cung cấp dịch vụ ra nước ngoài, nước xuất khẩu dịch vụ không chỉ mất đi những kỹ năng của họ mà còn mất tiền đầu tư để huấn luyện và đào tạo họ. Tuy nhiên, những rủi ro này có thể được giảm thiểu bởi bản chất tạm thời di chuyển của Phương thức cung cấp dịch vụ 4 trong GATS. Đối với nước tiếp nhận dịch vụ, nhận người lao động vào làm việc tạm thời để cung cấp dịch vụ sẽ giúp tăng khả năng cạnh tranh và làm giảm gánh nặng về thiếu hụt lao động trên thị trường về mặt ngắn hạn. Bởi vì sẽ phải phát sinh một số chi phí điều chỉnh, phương thức cung cấp dịch vụ 4 cần phải được điều chỉnh bởi hệ thống pháp luật và các cơ chế chính sách trong nước thích hợp. Các nước đang phát triển xuất khẩu những dịch vụ gì? Các nước công nghiệp phát triển vẫn dẫn đầu thế giới về thương mại và đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ, tuy nhiên các nghiên cứu gần đây cho thấy các nước đang phát triển đang ngày càng trở nên chuyên môn hoá và thành công trong một loạt các lĩnh vực dịch vụ. Trong dịch vụ nghe nhìn, ngành phim ảnh của Ấn Độ chiếm doanh thu lớn trên thị trường quốc tế. Xuất khẩu phim ảnh tăng từ 2 tỷ USD năm 1998 lên đến 5,25 tỷ năm 2001. Trong dịch vụ cảng, một số nước đang phát triển nằm trong danh sách 20 nước là cảng công-te-nơ có trọng tải bốc xếp hàng đầu thế giới, trong đó Singapore, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) nằm trong danh sách 5 nước đứng đầu. Về dịch vụ xây dựng, 51 trong 150 công ty đứng đầu thế giới năm 2004 về mặt doanh thu ở thị trường nước ngoài, là các công ty của các nước đang phát triển như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc, Braxin, Ai cập. Các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ là nguồn xuất khẩu và nguồn vốn nước ngoài chính đối với một số nước đang phát triển. Nam Phi đã trở thành một địa điểm thường lui tới của các bệnh nhân phẫu thuật tạo hình. Ngày càng có nhiều bệnh nhân từ Vương quốc Anh và Nauy cũng như Canada và Mỹ đến các bệnh viện ở Costa Rica. Trong khi đó các bệnh nhân của Bolivia, Peru và Equađo đến Chilê để chữa bệnh. Cuộc cách mạng tin học, đặc biệt là internet đã giúp cho việc cung cấp một loạt các dịch vụ thông qua con đường điện tử trở nên dễ dàng. Cuộc cách mạng này đã tạo nên một thị trường toàn cầu cho các dịch vụ, từ các trung tâm hỏi đáp từ xa cho tới việc lập trình các phần mềm phức tạp, trong đó các nước đang phát triển từ Châu Á cho đến vùng Caribê đang chiếm tỷ trọng ngày càng lớn. Điều này có nghĩa là về mặt dài hạn các doanh nghiệp có thể tiết kiệm tới 50% chi phí do chi phí tương đối thấp của nguồn lao động chất lượng cao và những tiến bộ trong lĩnh vực viễn thông. Nhưng để tận dụng những cơ hội xuất khẩu dịch vụ trên phạm vi quốc tế, các nước đang phát triển cần phải thiết lập một hệ thống viễn thông hiệu quả, một lực lượng lao động được huấn luyện – đào tạo bài bản và có khả năng tiếp cận thị trường dịch vụ của các nước phát triển. Đồng thời, bên cạnh những lợi ích đáng kể do thương mại dịch vụ toàn cầu đem lại, cần phải quan tâm giải quyết những tác động tiêu cực ngắn hạn tại các nước công nghiệp phát triển, ví dụ như thất nghiệp, gánh nặng của mật độ dân cư lên cơ sở hạ tầng vật chất – kỹ thuật, xung đột văn hoá… Trong tự do hoá thương mại dịch vụ chuyển giao công nghệ có vai trò gì? Mở cửa thị trường dịch vụ cũng tăng khả năng tiếp cận các công nghệ nước ngoài. Bởi trong khi phần lớn các công nghệ mới được hình thành ở các nước phát triển, thương mại có thể giúp các nước đang phát triển hưởng lợi từ hoạt động nghiên cứu và ứng dụng (R&D) trên phạm vi quốc tế. Trong nhiều lĩnh vực dịch vụ khác nhau, các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài đã giúp chuyển giao công nghệ mới và xây dựng nâng cao năng lực. Chuyển giao công nghệ diễn ra ở nhiều cấp độ khác nhau: qua các hợp đồng, qua việc sự dụng trang thiết bị mới trong đó có chứa đựng công nghệ mới và qua việc trao đổi kinh nghiệm và kiến thức giữa các bên… Những công nghệ mới là yếu tố quyết định giúp các nước đang phát triển tham gia một cách đầy đủ nhất vào nền kinh tế tri thức toàn cầu. Tuy nhiên, việc chuyển giao công nghệ cũng có cái giá của nó và cũng còn phụ thuộc vào việc bên nhận có khả năng sử dụng thành thạo công nghệ mới hay không. Mở cửa thị trường dịch vụ không chỉ giúp giảm chi phí chuyển giao công nghệ trong các ngành dịch vụ mà còn trong các ngành nông nghiệp và công nghiệp. Ví dụ: các dịch vụ kinh doanh có thể giúp các doanh nghiệp địa phương tăng năng suất và ứng dụng công nghệ nước ngoài phục vụ nhu cầu của họ. Tất cả các dịch vụ như viễn thông, giáo dục và đào tạo chuyên sâu, tài chính và hậu cần (logistics) có thể giúp các nước đang phát triển tiếp cận với công nghệ mới và giảm chi phí ứng dụng chúng. Thực tế đã chứng minh việc mở cửa thị trường dịch vụ là chất xúc tác cho việc đa dạng hoá công nghệ và đẩy nhanh tiến bộ công nghệ. Một vòng xoắn ốc tích cực có thể được thiết lập trong đó tăng cường thương mại giúp đẩy mạnh các nguồn công nghệ lưu chuyển và công nghệ lưu chuyển lại dẫn đến tăng cường thương mại bởi vì nó sáng tạo ra những cách thức kinh doanh mới. Tập trung vào các dịch vụ quan trọng thúc đẩy trao đổi kiến thức và kinh nghiệm giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài có thể tác động mạnh mẽ đến việc chuyển giao công nghệ và tăng trưởng kinh tế ở các nước đang phát triển. (Trong dịch vụ viễn thông số lượng các thuê bao điện thoại di động tăng nhanh hơn và chiếm tỷ trọng lớn hơn số lượng các thuê bao cố định ở nhiều nước đang phát triển là nhờ công nghệ GSM của các nhà khai thác mạng nước ngoài. Kể cả khi nhà khai thác mạng trong nước đã triển khai công nghệ GSM rồi thì sự có mặt của một hoặc một số nhà khai thác mạng khác của nước ngoài cũng tạo nên sự cạnh tranh về giá cả và chất lượng dịch vụ khiến giá cả thấp hơn và chất lượng dịch vụ cao hơn, giúp công nghệ đến được với nhiều người hơn. Trong dịch vụ bán lẻ ở Châu Mỹ Latin các đại gia bán lẻ nước ngoài tham gia các liên minh hoặc sáp nhập với các cơ sở bán lẻ địa phương. Những công nghệ mới và kỹ thuật quản trị mới được ứng dụng dẫn đến sự ra đời của hệ thống các siêu thị và trung tâm mua sắm thay thế cho các cửa hàng bán lẻ đơn lẻ nhỏ bé. Những nhà bán lẻ địa phương đã phải thích ứng bằng việc ứng dụng một số công nghệ của các nhà bán lẻ nước ngoài như đầu tư vào công nghệ thông tin và thay đổi chiến lược kinh doanh và định giá. Trong ngành ngân hàng ở Inđônexia, các cơ chế điều tiết quản lý cho phép các ngân hàng tư nhân tham gia vào thị trường, tuy nhiên thị phần của các ngân hàng này vẫn còn rất hạn chế. Tuy nhiên các ngân hàng thương mại tư nhân này đã tăng cường đổi mới các hoạt động của mình và cung cấp các dịch vụ ngân hàng mới nhờ các chương trình huấn luyện – đào tạo hỗ trợ bởi các ngân hàng nước ngoài. Sau đó một phần lớn nhân viên được ngân hàng nước ngoài huấn luyện đào tạo đã chuyển sang làm việc tại các ngân hàng khác và các ngân hàng nội địa đã bắt đầu xây dựng những chương trình huấn luyện – đào tạo tương tự. Aptech và NIIT là hai doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ huấn luyện đào tạo công nghệ thông tin có trụ sở tại Ấn Độ. Khách hàng của họ là các công ty phần mềm hàng đầu như Microsoft, PeopleSoft và Computer Associates và hai doanh nghiệp Ấn Độ này còn xuất khẩu dịch vụ huấn luyện – đào tạo về công nghệ thông tin tới nhiều nước đang phát triển. Chuyển giao công nghệ thông qua thương mại là rất quan trọng đối với sự phát triển của ngành công nghệ thông tin Ấn Độ và giờ đây Ấn Độ đã xuất khẩu công nghệ thông tin tới cả các nước phát triển và đang phát triển.) Vì sao cần phải điều tiết thương mại dịch vụ? Cải cách trong lĩnh vực dịch vụ là một nhiệm vụ không dễ dàng. Lợi ích có được từ cải cách sẽ bị giảm thiểu hoặc thậm chí không đạt được kết quả như mong muốn nếu những cải cách này không nhằm vào tất cả các chính sách hạn chế cạnh tranh trong dịch vụ. Có rất nhiều cuộc cải cách không tạo ra được kết quả như mong muốn bởi vẫn tồn tại những biện pháp cho phép các doanh nghiệp thông đồng với nhau hoặc ngăn cản sự cạnh tranh lành mạnh. Những nỗ lực cải cách cũng phải tính đến vai trò của chính phủ trong việc đảm bảo những mục tiêu phi kinh tế, ví dụ như khả năng tiếp cận phổ chúng của người dân đối với các dịch vụ viễn thông, dịch vụ điện, nước… Để dịch vụ thúc đẩy tăng trưởng và phát triển, gắn kèm với tự do hoá thương mại dịch vụ phải là sự điều tiết và thực thi các chính sách nội địa hết sức chặt chẽ. Khuynh hướng tư nhân hoá và tăng cạnh tranh trong những năm gần đây ở nhiều nước đã tăng nhu cầu điều tiết ở các lĩnh vực dịch vụ như các dịch vụ tài chính. Các chính phủ cần đưa ra các biện pháp đáng tin cậy để bảo vệ các nhà đầu tư hoặc những người gửi tiền, đảm bảo tính hội nhập và tính ổn định của hệ thống tài chính. Gần đây khuynh hướng tăng cường tham gia của khu vực tư nhân trong các lĩnh vực dịch vụ trước đây từng bị hạn chế cạnh tranh như dịch vụ viễn thông, năng lượng và môi trường cũng đòi hỏi sự tăng cường điều tiết quản lý. Cần có những công cụ điều tiết và những phương thức tiếp cận mới trong việc định giá, khả năng tiếp cận phổ chúng và các tiêu chuẩn dịch vụ. Khả năng tiếp cận dịch vụ của người nghèo, cũng như việc bảo vệ người tiêu dùng và kiểm soát chất lượng dịch vụ cũng rất quan trọng đối với các dịch vụ cơ bản như y tế và giáo dục. Người mua dịch vụ thường không được cung cấp thông tin đầy đủ về nhà cung cấp dịch vụ. Trong khi đó, các cải cách cơ cấu phải được thiết lập để đảm bảo rằng mục tiêu của các chính sách công vẫn đạt được hiệu quả. Một nghiên cứu về các dịch vụ pháp lý cho thấy những rào cản thương mại không phải là biện pháp duy nhất để thực hiện những mục tiêu xã hội trong các ngành như các mục tiêu về bảo vệ tiêu dùng, đáp ứng tiêu chuẩn nghề nghiệp và kiến thức về địa phương. Các biện pháp như yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ pháp lý phối hợp với người dân địa phương, kiểm tra thẩm quyền của họ và bắt họ tham gia bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cũng có thể là biện pháp tốt, thậm chí là tốt hơn việc sử dụng các rào cản thương mại để thực hiện các mục tiêu xã hội đề ra. Thu hút đầu tư nước ngoài nhiều hơn thường là cách thức tốt nhất để tăng cường cạnh tranh trong các ngành dịch vụ, tuy nhiên tư nhân hoá và việc các công ty nước ngoài nắm giữ các công ty nội địa có thể dẫn đến hình thành những lực lượng thị trường quá lớn mạnh và giá cả độc quyền. Do vậy song song với việc mở cửa thị trường thương mại và đầu tư các chính phủ cần phải cần thiết lập luật pháp điều tiết cạnh tranh. Để thực hiện tất cả những công việc quản lý điều hành này một cách hiệu quả đòi hỏi phải có những cơ quan điều tiết quản lý độc lập, có thẩm quyền và đủ mạnh. Có thể sẽ rất tốn kém để thiết lập những cơ quan quản lý như vậy. Có thể cũng phải cần đến những kỹ năng nghiệp vụ phức tạp: do vậy dường như các nước đang phát triển đang phải đối mặt với nhiều thách thức hơn. Sự hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng năng lực do đó là cực kỳ quan trọng cho những nước này. Tương tự như vậy, những chính sách trong nước thích hợp cũng cần thiết ở cả nước cung cấp và nước nhận dịch vụ để giải quyết những vấn đề liên quan đến di chuyển của thể nhân theo phương thức cung cấp dịch vụ 4, bao gồm việc lưu trú quá thời hạn, tình trạng dò rỉ chảy máu chất xám và những vấn đề xã hội khác như những vấn đề xung đột văn hoá hoặc sự thiếu tôn trọng phong tục tập quán, không tuân thủ kỷ luật lao động. Các nghiên cứu cho thấy hầu hết các vấn đề này đều có thể được điều tiết quản lý với điều kiện là có quyết tâm chính trị và chính sách phù hợp. Một số nước đang thành công trong việc giải quyết vấn đề lưu trú quá thời hạn bằng việc huy động nguồn lực tổ chức giám sát luồng di trú tạm thời; xác định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ lao động khi họ tài trợ cho các thể nhân di trú. Các nhà tài trợ cần phải hợp tác với chính phủ để giám sát và có trách nhiệm để những người lao động hồi hương. Mọi người có liên quan cần nhận thức được rằng trong trường hợp vi phạm pháp luật họ sẽ phải chịu xử phạt . Mối quan ngại của xã hội về tình trạng chảy máu chất xám có thể được giảm thiểu bằng các chính sách đẩy mạnh sự hỗ trợ từ phía xã hội và luân chuyển chất xám – khuyến khích những người di cư trở về nhà với kinh nghiệm và kỹ năng mới của họ. Thực tiễn từ các hiệp định song phương cho thấy phần lớn các chương trình di trú tạm thời có tính ổn định cao là các chương trình được điều tiết và thực thi một các thích hợp và tạo ra sự linh hoạt thông qua các khuyến khích về khía cạnh kinh tế và xã hội. Có lẽ sự khuyến khích quan trọng nhất là việc cho phép những người di trú trở về quê hương được quay trở lại nước sử dụng dịch vụ để cung cấp dịch vụ trong tương lai. Việc quản lý tốt hơn nữa những khoản tiền gửi về từ nước ngoài có thể đóng vai trò quan trọng tạo ra môi trường thuận lợi thúc đẩy người dân hồi hương. Các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các nước sở tại cũng như việc thiết lập những quy định pháp luật liên quan đến việc chuyển tiền nhanh chóng và thuận lợi hoặc việc lập những quỹ cộng đồng có thể đặc biệt hữu ích. Sự phối hợp, hợp tác giữa nước cung cấp và nước nhận dịch vụ và sự hợp tác giữa các quan chức thương mại và lãnh sự hai nước là cơ sở hiệu quả nhất để đạt được những kết quả quan trọng đáng kể về mặt quản lý. Những thách thức lớn nhất trong đàm phán dịch vụ đối với các nước đang phát triển là gì? Không nên đánh giá thấp tính phức tạp của việc tự do hoá thương mại dịch vụ theo GATS, đặc biệt là trong trường hợp thiếu hụt, yếu kém về năng lực quản lý hành chính và năng lực đàm phán của nhiều nước đang phát triển. Một quốc gia cần phải tập hợp một khối lượng đồ sộ và đầy đủ thông tin cần thiết trước khi có thể gửi những yêu cầu, những bản chào nhạy cảm về mở cửa thị trường trong thương mại dịch vụ. Những thông tin này bao gồm việc xác định rõ những cơ hội và thách thức đặt ra đối với các nhà xuất khẩu dịch vụ của quốc gia đó, xác định nhu cầu xây dựng năng lực của quốc gia đó và đánh giá những tác động xã hội có thể có từ việc tự do hoá thương mại dịch vụ. Do vậy, việc chuẩn bị cho các cuộc đàm phán đòi hỏi một tiếp cận toàn diện với sự tham gia của tất cả các cơ quan chính phủ có liên quan (và các nhà đàm phán), các nhà lập pháp, các nhà hoạch định và quản lý, các doanh nghiệp và cộng đồng. Cơ chế hợp tác và tư vấn là cực kỳ quan trọng để tạo ra một phương pháp tiếp cận (tầm nhìn) thống nhất, mạch lạc, thể hiện tốt nhất có thể quan điểm của quốc gia đó. Điều này đặc biệt đúng đối với dịch vụ bởi tính đến đa dạng của các ngành dịch vụ, của các phương thức cung cấp dịch vụ và phạm vi điều tiết mà nó bao trùm. Những cơ chế như vậy thường thiếu ở các nước đang phát triển. Tuy nhiên một khảo sát gần đây của OECD- UNCTAD cho thấy một số các nước đang phát triển đang rất nỗ lực để chuẩn bị hiệu quả cho các cuộc đàm phán. Những nghiên cứu đánh giá tác động đối với từng quốc gia, từng khu vực cụ thể đang được thực hiện trên khắp thế giới để nghiên cứu đánh giá tác động kinh tế – xã hội tiềm tàng của việc tự do hoá các lĩnh vực dịch vụ quan trọng trong khuôn khổ đàm phán và cơ chế phối hợp – hợp tác giữa các Bộ, ngành thành viên Chính phủ và sự tư vấn của các bên có quyền lợi có liên quan. Tuy nhiên vẫn còn nhiều việc phải làm để giúp các nước đang phát triển đạt kết quả tốt trong những vòng đàm phán GATS tới đây.
 

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật