Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12 năm 2006

  • Bài viết
  • 07 tháng 8, 2010
  • 375 lượt xem
  • 0 bình luận
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12 năm 2006

   

CHÍNH PHỦ

CHÍNH PHỦ

_______

Số: 01/2007/NQ-CP

 

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

_________________

Hà Nội, ngày 03 tháng 01 năm 2007.

 

NGHỊ QUYẾT

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12 năm 2006

___________

 

Trong hai ngày 26 và 27 tháng 12 năm 2006 Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 12, bàn và quyết nghị các vấn đề sau:

1. Chính phủ thông qua các báo cáo về: Kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành năm 2006, Chương trình công tác năm 2007 của Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trình; Tình hình kinh tế - xã hội tháng 12 và cả năm 2006 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình; Tình hình thương mại tháng 12 và cả năm 2006 do Bộ trưởng Bộ Thương mại trình; Tình hình phát hành và đầu tư bằng nguồn trái phiếu Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính trình; Công tác cải cách hành chính năm 2006 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2007 do Bộ trưởng Bộ Nội vụ trình; Kiểm điểm thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng do Tổng Thanh tra Chính phủ trình.

Năm 2006, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ đã thể hiện quyết tâm cao, bám sát các Nghị quyết của Đảng và Quốc hội. Tập thể Chính phủ đoàn kết, năng động, chỉ đạo sâu sát, đồng bộ trên tất cả các mặt công tác. Do vậy, đã tạo được chuyển biến tốt trong phát triển kinh tế và đời sống xã hội. Nền kinh tế nước ta vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu đều đạt và vượt mức Quốc hội đề ra; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực. Các cân đối lớn được bảo đảm; thương mại trong nước và dịch vụ tiếp tục phát triển, xuất khẩu và thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt mức cao nhất từ trước đến nay; chỉ số tăng giá được kiềm chế. Các lĩnh vực khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hoá, thông tin, dạy nghề, y tế, thể dục thể thao, công tác xoá đói, giảm nghèo và nhiều lĩnh vực xã hội khác đều có chuyển biến tích cực; đời sống nhân dân được cải thiện. Cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh theo hướng công khai, minh bạch và đơn giản hoá thủ tục; việc phòng, chống tham nhũng được tập trung chỉ đạo và có kết quả bước đầu. Công tác quốc phòng, an ninh được bảo đảm, chính trị xã hội ổn định. Công tác đối ngoại đạt được nhiều thành tựu quan trọng, uy tín và vị thế đất nước trên trường quốc tế được nâng cao. Những thành tựu đó góp phần tạo thế và lực mới cho việc thực hiện nhiệm vụ năm 2007, tăng thêm lòng tin của nhân dân vào sự nghiệp đổi mới của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước.

Tuy nhiên, trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và hệ thống hành chính vẫn còn nhiều tồn tại, yếu kém nên sự phát triển kinh tế, xã hội vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Chất lượng tăng trưởng tuy có nâng lên nhưng tính bền vững và khả năng cạnh tranh còn thấp; nhiều vấn đề bức xúc về xã hội chậm chuyển biến; kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế, xã hội và quản lý Nhà nước chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn...

Năm 2007, để hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo các Nghị quyết của Quốc hội, trong điều kiện có nhiều khó khăn và thử thách, Chính phủ xác định phải nỗ lực phấn đấu quyết liệt hơn nữa để triển khai thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà Đại hội X của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra, trong đó cần tập trung sức để bảo đảm cho nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng cao và bền vững; phát triển mạnh nông nghiệp và nông thôn, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc về văn hoá, xã hội, môi trường, xoá đói giảm nghèo; đẩy mạnh cải cách hành chính và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh.

Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng Chương trình hành động và tập trung chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ năm 2007. Trước mắt, chú trọng việc chỉ đạo giao kế hoạch và dự toán ngân sách, triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, thực hiện các cam kết quốc tế; chủ động phòng chống hạn hán, thiên tai và kiểm soát có hiệu quả các dịch bệnh đối với gia súc, gia cầm và cây trồng, đặc biệt là lúa; ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; quản lý tốt để phát triển lành mạnh các ngân hàng cổ phần, các quỹ đầu tư và thị trường chứng khoán; có các giải pháp kịp thời kiểm soát giá cả, không để tăng giá các mặt hàng thiết yếu đối với sản xuất và đời sống trên cơ sở phát triển thương mại trong nước, giảm giá thành sản phẩm, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, chống buôn lậu và gian lận thương mại; thực hiện các giải pháp mạnh cả về quản lý nhà nước, hoàn thiện cơ sở hạ tầng và giáo dục ý thức pháp luật để kiềm chế và giảm thiểu tai nạn giao thông...

Công tác cải cách hành chính phải được đẩy mạnh hơn, coi đó là khâu đột phá, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm dân chủ và phòng, chống tham nhũng. Cải cách hành chính trong năm 2007 của Chính phủ và cả hệ thống hành chính phải tập trung đồng bộ các nội dung về thể chế, tổ chức bộ máy, công chức công vụ, tài chính công và hiện đại hoá hành chính; tiếp tục tập trung mạnh vào việc cải cách thủ tục hành chính, giải pháp quan trọng hàng đầu để khắc phục tình trạng quan liêu, nhũng nhiễu, cửa quyền, gây phiền phức trong giải quyết công việc của dân và doanh nghiệp. Chính phủ giao các Bộ, cơ quan theo chức năng nhiệm vụ được giao, trong quý I năm 2007 phải trình Chính phủ các đề án về: điều chỉnh cơ cấu tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ và các Bộ, cơ quan ngang Bộ; xây dựng và thực hiện Chính phủ điện tử; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; khắc phục ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn. Đồng thời, rà soát, bãi bỏ các giấy phép con, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực: thành lập, đăng ký kinh doanh và hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp, các thủ tục liên quan đến quản lý nhà nước về xây dựng, nhà, đất; công chứng, chứng thực; hộ khẩu, hộ tịch; đăng ký phương tiện giao thông, đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe; hải quan, nộp thuế và thu thuế; thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo; thủ tục đi học đại học trong nước và nước ngoài, xuất khẩu lao động; thủ tục cấp, đổi hộ chiếu, cấp visa. Các thủ tục trên đây phải được rà soát, sửa đổi đồng bộ theo hướng đơn giản hoá, tránh chồng chéo, tạo thuận lợi cho nhân dân và doanh nghiệp.

Công tác phòng, chống tham nhũng phải đi vào thực chất, vừa khẩn trương hoàn thiện các cơ chế, chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan vừa đẩy nhanh tiến độ vận hành hiệu quả các tổ chức chuyên trách về phòng, chống tham nhũng ở các cấp, các ngành, địa phương. Tập trung sức triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tiến hành đồng bộ cả công tác phòng ngừa và phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, trong đó phòng ngừa là giải pháp chính; xây dựng và thực hiện các quy tắc ứng xử nhằm bảo đảm sự liêm chính của cán bộ, công chức; thực hiện nghiêm quy định về xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra tham nhũng, lãng phí; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, xử lý hành vi tham nhũng, chú trọng một số lĩnh vực có nhiều nguy cơ tham nhũng như: đầu tư, quản lý đất đai, thu, chi ngân sách, quản lý tài sản công...

Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ và các đại biểu dự phiên họp, hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết về các giải pháp chủ yếu trong chỉ đạo điều hành việc thực hiện nhiệm vụ năm 2007, Báo cáo Kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành năm 2006, Chương trình công tác năm 2007 của Chính phủ để trình Hội nghị của Chính phủ với lãnh đạo các địa phương trong cả nước.

2. Chính phủ nhất trí việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương làm Trưởng ban; Ban có bộ phận thường trực giúp việc, làm việc theo chế độ chuyên trách.

Chức năng nhiệm vụ, thành phần, t�� chức bộ máy và quy chế làm việc của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Thủ tướng Chính phủ quy định.

3. Chính phủ nhất trí giao Bộ Quốc phòng tổ chức triển khai thực hiện đầu tư các dự án xây dựng đường tuần tra biên giới theo các cơ chế đặc thù sau đây:

Bộ Quốc phòng được phép sử dụng lực lượng công binh, kết hợp với sử dụng các doanh nghiệp xây lắp trong quân đội để thi công theo hình thức chỉ

định thầu. Trường hợp không đủ phương tiện, thiết bị thi công các cầu lớn, có thể thuê các doanh nghiệp ngoài quân đội, nhưng phải tổ chức đấu thầu theo đúng quy định hiện hành của nhà nước.

Bộ Quốc phòng được nhận kinh phí thực hiện dự án theo dự toán hàng năm và có trách nhiệm quản lý nguồn vốn theo đúng Luật Ngân sách nhà nước.

Trên cơ sở giá dự toán được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, Bộ Quốc phòng được trích lại một phần lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp xây lắp của quân đội và một phần giá trị chênh lệch của các đơn vị công binh được chỉ định thầu để mua sắm, đổi mới trang bị cho bộ đội công binh. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Bộ Quốc phòng xem xét tỷ lệ trích phù hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.

4. Chính phủ đã cho ý kiến về dự án Luật Hoá chất do Bộ Công nghiệp trình. Giao Bộ Công nghiệp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ tại phiên họp, hoàn chỉnh dự thảo Luật này, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

 

 

Nơi nhận:

- Ban Bí thư Trung ương Đảng,

- Ủy ban Thường vụ Quốc hội,

- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ,

- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội,

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ,

- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng,

- Văn phòng Quốc hội,

- Văn phòng Chủ tịch nước,

- Toà án nhân dân tối cao,

- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao,

- Kiểm toán Nhà nước,

- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể,

- VP BCĐTW về Phòng, chống tham nhũng,

- BQL KKTCKQT Bờ Y,

- Học viện Hành chính Quốc gia,

- VPCP: BTCN, các PCN, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, BĐH 112, Website Chính phủ, Công báo, Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ,

- Lưu VT, TH (5)

TM. CHÍNH PHỦ

THỦ TƯỚNG

 

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng

 


Hiện thuộc tính văn bản

  Tệp đính kèm
NQ1CP.DOC

Tư vấn thuế - Kế toán - Báo cáo thuế - Luatthue.Info

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :