Doanh nghiệp phải đăng ký, kê khai, niêm yết giá

  • Bài viết
  • 28 tháng 6, 2011
  • 533 lượt xem
  • 0 bình luận
Việc doanh nghiệp (DN) phải thực hiện đăng ký, kê khai, niêm yết giá đã được quy định trong nhiều văn bản nhưng đây là lần đầu tiên nghĩa vụ này của DN được luật hóa tại dự thảo Luật Giá đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến rộng rãi của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Dự thảo Luật Giá dành riêng Chương II để quy định về quyền, nghĩa vụ và các hành vi bị cấm trong lĩnh vực giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh (gọi chung là DN). Bổ sung cơ chế được cạnh tranh về giá Về quyền trong lĩnh vực giá của DN, kế thừa các quy định trong Pháp lệnh Giá, Điều 8 dự thảo Luật Giá quy định DN có quyền định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ của mình (trừ hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá); định mức giá cụ thể trong khung giá, giới hạn giá, cụ thể hoá mức giá chuẩn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định. Pháp lệnh Giá quy định: Nhà nước tôn trọng quyền tự định giá và cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh theo pháp luật. Tuy nhiên, Pháp lệnh lại chưa quy định các cơ chế được cạnh tranh về giá  như: đấu thầu, đấu giá, thỏa thuận giá... Khắc phục hạn chế này, dự thảo Luật Giá quy định Nhà nước bảo hộ và khuyến khích cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thông qua các cơ chế tôn trọng quyền tự định giá, thỏa thuận giá, đấu thầu, đấu giá theo quy định của pháp luật. Cụ thể hóa nguyên tắc này, Điều 8 quy định DN có quyền đấu thầu, đấu giá, thoả thuận giá, hiệp thương giá, cạnh tranh về giá khi cung ứng hàng hoá, dịch vụ theo quy định của pháp luật. Giải quyết kịp thời khiếu nại của người tiêu dùng về giá Tại dự thảo Luật Giá, trách nhiệm cao nhất mà DN phải thực hiện đã được nhấn mạnh hơn Pháp lệnh Giá là: Chấp hành quy định pháp luật về quản lý giá. Một trong những điểm mới khác của dự thảo là đã quy định DN phải đăng ký giá, kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá; đồng thời, phải giải quyết kịp thời mọi khiếu nại của người tiêu dùng về giá hàng hoá, dịch vụ mà mình bán (hoặc mua) không đúng giá đã công bố hoặc hợp đồng đã giao kết.

DN phải niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại cửa hàng,

nơi giao dịch mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ - Ảnh minh họa

Dự thảo Luật cũng đưa ra 8 hành vi bị cấm đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực giá, như: Liên minh với các tổ chức, cá nhân khác để tác động làm sai lệch giá so với giá thị trường; chào giá hoặc áp dụng giá bán hàng hoá, dịch vụ cho người tiêu dùng quá thấp bất hợp lý so với giá thành toàn bộ; bán phá giá hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam; bịa đặt, tung tin thất thiệt làm cho giá hàng hóa, dịch vụ tăng quá cao hoặc giảm giá quá thấp bất hợp lý; áp dụng sai các căn cứ, nguyên tắc, phương pháp định giá; phân biệt giá (khác với phân hoá giá mùa đông, mùa hè); tăng giảm giá trá hình bằng cách thay đổi các cam kết về thời gian, địa điểm, điều kiện cung ứng, chất lượng hàng hoá, dịch vụ, v.v.. Bạn đọc góp ý dự thảo Luật Giá tại đây.
Theo VGP News
 

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :