VƯỚNG MẮC TỪ THỰC TIỄN THI HÀNH PHÁP LUẬT VỀ ĐĂNG KÝ VÀ QUẢN LÝ HỘ TỊCH

LÊ THỊ LA Thực hiện đăng ký và quản lý hộ tịch theo quy định tại Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ đã tháo gỡ được rất nhiều vướng mắc mà Nghị định số 83/1998/NĐ-CP ngày 10/10/1998 còn chưa giải quyết được. Tuy nhiên vẫn còn một số vướng mắc cần phải có sự điều chỉnh và hướng dẫn kịp thời để việc áp dụng được thống nhất, đó là: Vướng mắc liên quan đến đăng ký khai sinh:Mọi trẻ em sinh ra đều có quyền được đăng ký khai sinh, trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày sinh con thì cha, mẹ, ông, bà hoặc những người thân thích khác phải có trách nhiệm đến UBND  cấp xã nơi cư trú của người mẹ để đăng ký khai sinh cho đứa trẻ, nếu không xác định được nơi cư trú của người mẹ thì UBND cấp xã nơi cư trú của người cha sẽ thực hiện đăng ký khai sinh.   Vậy trường hợp trẻ em sinh ra trong trại giam, không xác định được cha đứa trẻ là ai và không còn người thân thích thì ai sẽ đi đăng ký khai sinh cho đứa trẻ và đăng ký khai sinh ở đâu trong khi người mẹ không có nơi cư trú ổn định hoặc nếu có thì cũng không thể về địa phương nơi cư trú để đăng ký khai sinh cho con được vì đang thụ lý án phạt tù. Thực tế có trường hợp cán bộ quản giáo đến UBND cấp xã nơi trại giam đóng trụ sở để đăng ký khai sinh cho đứa trẻ được sinh ra trong trại giam và đã bị từ chối đăng ký khai sinh với lý do người mẹ không có hộ khẩu thường trú ở đây. Đối với trường hợp không xác định được người cha và nơi cư trú của người mẹ trước khi bị bắt hoặc xác định được nơi cư trú của người mẹ nhưng đã bị xoá đăng ký thường trú theo quy định của luật cư trú thì có thể vận dụng quy định tại khoản 2 Điều 13 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP “trong trường hợp không xác định được nơi cư trú của người mẹ và người cha, thì UBND cấp xã, nơi trẻ em đang sinh sống trên thực tế thực hiện việc đăng ký khai sinh”. Tuy nhiên vấn đề phức tạp nảy sinh ở chỗ cán bộ quản giáo của trại giam đi đăng ký khai sinh cho đứa trẻ do người mẹ đang thụ lý án phạt tù sinh ra trong trại giam và được UBND cấp xã nơi trại giam đóng trụ sở đăng ký khai sinh thì phần nơi sinh và phần ghi về người đi đăng ký khai sinh quan hệ với người được khai sinh trong Giấy khai sinh và trong Sổ đăng ký khai sinh sẽ ghi thế nào? nếu ghi đúng nơi sinh là “trại giam …..” và người đi đăng ký khai sinh là “cán bộ quản giáo” thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đứa trẻ vô tội này vì Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của mỗi cá nhân. Đây là vấn đề mang tính nhân đạo, để giải quyết thấu đáo cần phải có quy định cụ thể, rõ ràng để những đứa trẻ không có tội vốn đã chịu rất nhiều thiệt thòi này có một cuộc sống bình đẳng và phát triển bình thường như các trẻ em khác. Vướng mắc thứ hai là:Tại Khoản 2 – Điều 49 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP quy định “Việc đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra tại Việt Nam, có cha hoặc mẹ là người nước ngoài, còn người kia là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài, được thực hiện tại Sở Tư pháp, nơi cư trú của người mẹ” theo quy định này thì trường hợp cha là người nước ngoài mẹ là người Việt Nam định cư ở nước ngoài khi sinh con tại Việt Nam thì đến Sở Tư pháp nơi đăng ký hộ khẩu của người mẹ để đăng ký khai sinh cho con là phù hợp. Vậy trường hợp cha là người Việt Nam định cư ở nước ngoài còn mẹ là người nước ngoài không có hộ khẩu thường trú tại Việt Nam nhưng lại sinh con ở Việt Nam (nhà bố mẹ chồng) sẽ đăng ký khai sinh cho đứa trẻ ở đâu,  Sở Tư pháp nơi cư trú của người cha có được đăng ký khai sinh cho đứa trẻ không? để đảm bảo quyền lợi cho đứa trẻ và giảm bớt sự phiền hà cho công dân, cần phải có hướng dẫn cụ thể đối với trường hợp này. Vướng mắc thứ ba là:Việc đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra không phải ở Việt Nam có cha hoặc mẹ là người Việt Nam có hộ khẩu thường trú tại Việt Nam  đã đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam còn người kia là người nước ngoài và đứa trẻ sinh ra ở một nước thứ ba không phải nơi đăng ký hộ khẩu thường trú của cha hoặc mẹ là người nước ngoài mà là nước họ đang làm việc. Ví dụ, nữ là người Việt Nam có hộ khẩu thường trú tại Lào Cai sang Cộng hoà Séc để kinh doanh và kết hôn với một người Trung Quốc đang làm việc ở Cộng hoà Séc, đã đăng ký kết hôn tại Sở Tư pháp Lào Cai và con được sinh ra ở Cộng hoà Séc thì sẽ đăng ký khai sinh cho đứa trẻ ở đâu? Đây là vấn đề thực tế đã xảy ra nhưng chưa có hướng dẫn, do vậy các địa phương rất lúng túng khi công dân có yêu cầu. Vướng mắc thứ tư là:Việc đăng ký khai sinh cho các trường hợp trẻ em được sinh ra ở Trung Quốc có bố là người Trung Quốc, mẹ là người Việt Nam do mẹ là người Việt Nam bị bán sang Trung quốc lấy chồng hoặc bỏ sang Trung Quốc buôn bán, làm ăn và có quan hệ ngoài hôn nhân với người Trung Quốc vì không đăng ký kết hôn do vậy không thể đăng ký khai sinh ở Trung Quốc được nên nhiều khi đứa trẻ đã lớn, đến tuổi đi học người mẹ đã đưa về Việt Nam để đăng khai sinh. Đối với những trường hợp này do không có giấy chứng sinh tất cả chỉ dựa vào lời khai của người đi làm đăng ký khai sinh (mẹ đẻ hoặc ông, bà ngoại hoặc người thân thích) do vậy cán bộ tư pháp hộ tịch không có cơ sở để xác minh đứa trẻ là con đẻ hay là con nuôi. Nếu từ chối đăng ký khai sinh sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của đứa trẻ, còn tiếp nhận đăng ký khai sinh cho con ngoài giá thú thì UBND cấp xã “rất lo sẽ bị kiện” hoặc vô tình trở thành người tiếp tay cho đối tượng mua bán trẻ em hợp pháp hoá giấy tờ. Vướng mắc thứ nămcần phải có hướng dẫn đó là việc đăng ký khai sinh quá hạn,tại khoản 1 Điều 44 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP quy định thì trong trường hợp người đã thành niên đăng ký khai sinh quá hạn cho mình, thì có thể đăng ký tại UBND cấp xã nơi có thẩm quyền đăng ký khai sinh theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP hoặc tại UBND cấp xã nơi người đó cư trú. Đây là một khó khăn rất lớn cho cán bộ Tư pháp hộ tịch khi tiếp nhận và thẩm định các hồ sơ đăng ký khai sinh quá hạn của các công dân đã có đầy đủ các giấy tờ hồ sơ cá nhân như:  Các văn bằng chứng chỉ, Thẻ đảng viên, Hộ khẩu, Chứng minh nhân dân… nhưng với lý do là chưa đăng ký khai sinh và nay có yêu cầu đăng ký khai sinh tại nơi cư trú. Quy định này là chưa phù hợp với thực tế vì theo quy định của pháp luật về giáo dục thì phải đi học mới được cấp văn bằng chứng chỉ và khi đi học phải có giấy khai sinh để xác định họ tên và tuổi…..; và theo quy định của pháp luật về cư trú thì khi đi đăng ký hộ khẩu thường trú phải xuất trình Giấy khai sinh. Pháp luật quy định cho phép thực hiện và công dân có yêu cầu đăng ký khai sinh quá hạn thì UBND cấp xã vẫn phải tiếp nhận hồ sơ. Đối với trường hợp này việc xác minh sẽ rất phức tạp, nếu cán bộ tư pháp hộ tịch thẩm định, xác minh không chặt chẽ nhiều khi vô tình trở thành người giúp công dân hợp pháp hoá hồ sơ. Do vậy, cần quy định chặt chẽ các điều kiện để được đăng ký khai sinh quá hạn đối với trường hợp đã có đủ giấy tờ, văn bằng, chứng chỉ; nên quy định giới hạn về thời gian, độ tuổi được đăng ký khai sinh quá hạn và phải có hướng dẫn cụ thể về trình tự thủ tục xác minh như vậy sẽ phù hợp với thực tế hơn. Ngoài ra việc đăng ký lại việc sinh theo quy định hiện nay còn gặp một số vướng mắc đó là: Tại Điều 46 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP quy định việc sinh, tử, kết hôn, nhận nuôi con nuôi đã được đăng ký, nhưng sổ hộ tịch và bản chính giấy tờ hộ tịch đã bị mất hoặc hư hỏng không sử dụng được, thì được đăng ký lại và thẩm quyền đăng ký tại UBND xã nơi đương sự cư trú hoặc nơi đương sự đã đăng ký trước đây. Trường hợp không còn bản sao giấy tờ hộ tịch đã cấp hợp lệ trước đây mà đương sự lại có yêu cầu đăng ký lại tại UBND cấp xã nơi cư trú thì Tờ khai phải có xác nhận của UBND cấp xã nơi đã đăng ký hộ tịch về việc đã đăng ký. Vậy vấn đề đặt ra ở đây là Sổ hộ tịch không còn lưu được, chỉ dựa vào Tờ khai của đương sự thì sẽ căn cứ vào đâu để xác nhận việc đã đăng ký trước đây. Thực tế ở Lào Cai hiện nay chủ yếu căn cứ vào Sổ hộ khẩu để xác nhận cho công dân. Tuy nhiên do có sự thay đổi về địa danh, đơn vị hành chính (nhập vào hoặc tách ra) nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác nhận. Ví dụ: Công dân Nguyễn Văn A sinh năm 1974 thường trú tại xã Vạn Hoà – thành phố Lào Cai có yêu cầu đăng ký lại việc sinh, theo Tờ khai đăng ký lại việc sinh thì công dân này sinh ở  xã Vạn Hoà và đã đăng ký khai sinh năm 1974, UBND xã đã hướng dẫn công dân đến đến Phòng Tư pháp thành phố Lào Cai để xin xác nhận việc đã đăng ký khai sinh, vì thời điểm năm 1974 việc đăng ký khai sinh được thực hiện ở Uỷ ban hành chính cấp huyện. Khi xuất trình Sổ hộ khẩu để làm căn cứ xác nhận thì trong sổ hộ khẩu nơi sinh của công dân này là xã Vạn Hoà – huyện Bảo Thắng – tỉnh Lào Cai, Phòng Tư pháp thành phố đã từ chối xác nhận và hướng dẫn đến Phòng Tư pháp huyện Bảo Thắng để xác nhận vì thời điểm năm 1974 xã Vạn Hoà thuộc huyện Bảo Thắng. Vậy trường hợp này thì cơ quan nào xác nhận việc đã đăng ký khai sinh trước đây cho công dân là chính xác nhất?. Mặc dù luật cho phép đăng ký lại, về lý thuyết thì quy định này rất mở, rất thuận lợi cho người dân nhưng khi thực hiện thì mới thấy khó khăn, vướng mắc. Do Nghị định số 158/2005/NĐ-CP chưa quy định rõ căn cứ để xác nhận việc đã đăng ký khai sinh trước đây, và để được xác nhận việc đã đăng ký khai sinh trước đây công dân phải xuất trình những giấy tờ gì, nên nhiều khi công dân phải đi lại rất nhiều lần, nhiều nơi mới xác nhận được. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công dân và đảm bảo việc thực hiện được thống nhất, nên có quy định rõ ràng các loại giấy tờ phải nộp hoặc xuất trình, thủ tục để xác nhận việc đã đăng ký hộ tịch trước đây để tránh tình trạng gây khó khăn cho công dân. Việc xác định dân tộc của con nuôi cũng rất cần phải nghiên cứu, xem xét để điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế. Theo quy định của Luật Hôn nhân gia đình năm 2000 thì nuôi con nuôi là việc xác lập quan hệ cha mẹ và con giữa người nhận nuôi con nuôi và người được nhận làm con nuôi và pháp luật không có quy định phân biệt dân tộc, tôn giáo giữa người nhận nuôi và người được làm con nuôi, chỉ yêu cầu đảm bảo đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật. Theo quy định của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP  và  Bộ luật dân sự năm 2005 thì nếu giữa cha, mẹ đẻ và cha, mẹ nuôi có sự thoả thuận về việc thay đổi phần khai về cha, mẹ từ cha, mẹ đẻ sang cha, mẹ nuôi trong Giấy Khai sinh và Sổ đăng ký khai sinh của con nuôi, thì UBND cấp xã, nơi đã đăng ký khai sinh cho con nuôi đăng ký khai sinh lại theo những nội dung thay đổi đó… và cha nuôi, mẹ nuôi có quyền yêu cầu thay đổi họ, tên cho con nuôi. Như vậy thì một trẻ em người dân tộc kinh làm con nuôi người dân tộc thiểu số, pháp luật cho phép thay đổi phần khai về cha mẹ trong Giấy khai sinh theo cha mẹ nuôi và được thay đổi họ theo họ của cha, mẹ nuôi. Còn việc xác định dân tộc của con nuôi, theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 thì được xác định lại dân tộc theo dân tộc của cha đẻ, mẹ đẻ trong trường hợp làm con nuôi của người dân tộc khác mà đã được xác định theo dân tộc của cha nuôi, mẹ nuôi do không biết cha đẻ, mẹ đẻ là ai. Theo quy định này thì người con nuôi có thể xác định lại dân tộc từ dân tộc của cha nuôi, mẹ nuôi sang dân tộc của cha, mẹ đẻ nhưng không được xác định dân tộc từ dân tộc cha mẹ đẻ sang dân tộc của cha, mẹ nuôi. Thực tế trên địa bàn tỉnh Lào Cai có rất nhiều trường hợp người dân tộc thiểu số do hiếm muộn, không có con hoặc do phong tục tập quán đã nhận trẻ em người dân tộc kinh làm con nuôi và đã được chính quyền địa phương ra quyết định công nhận. Cha mẹ nuôi thực sự yêu thương, coi con nuôi như con đẻ, không phân biệt đối xử; muốn con nuôi và con đẻ đoàn kết, và người con nuôi không bị mặc cảm đã có yêu cầu đề nghị được xác định lại dân tộc cho con nuôi theo dân tộc của cha mẹ nuôi. Nhưng yêu cầu này đã không thể thực hiện được vì pháp luật chưa có quy định cho phép.  Để tạo sự đoàn kết giữa các dân tộc và đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân,  cần nghiên cứu để đưa ra các quy định cho phép xác định lại dân tộc của con nuôi theo dân tộc của cha, mẹ nuôi. Việc miễn lệ phí hộ tịch theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí cũng gặp một số vướng mắc đó là: Căn cứ vào Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 06/3/2006 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số diều của Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 quy định chi tiết thi hành pháp lệnh phí và lệ phí, Thông tư số 97/2006/TT-BTC ngày 16/10/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND đã quy định miễn lệ phí hộ tịch về đăng ký kết hôn, đăng ký nuôi con nuôi cho người dân thuộc các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa và lệ phí đăng ký khai sinh cho trẻ em thuộc hộ nghèo. Theo quy định này thì lệ phí đăng ký khai tử không được miễn, nên đã có tình trạng ở vùng sâu, vùng xa nếu người chết mà thân nhân được hưởng chế độ chính sách thì đi đăng ký khai tử còn lại hầu hết không đi đăng ký với lý do rất đơn giản “đã mất người thân, đi đăng ký lại mất thêm tiền”. Ngoài ra, còn gặp vướng mắc trong việc miễn lệ phí hộ tịch đó là theo quy định tại Nghị định số 32/2002/NĐ-CP ngày 27/3/2002 của Chính phủ quy định việc áp dụng Luật hôn nhân và gia đình đối với các dân tộc thiểu số thì “Việc đăng ký kết hôn cho người dân thuộc các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa được miễn lệ phí”; Trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã có trường hợp người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa kết hôn với người dân tộc kinh, tổ chức đăng ký kết hôn ở thành phố Lào Cai; và trường hợp người dân tộc thiểu số ở xã vùng sâu, vùng xa kết hôn với người nước ngoài khi nộp hồ sơ đăng ký kết hôn đã đề nghị được miễn lệ phí hộ tịch. Trường hợp này có được miễn lệ phí hộ tịch hay không? cán bộ tư pháp – hộ tịch đã rất lúng túng. Vậy, cần có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng các trường hợp người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa kết hôn với nhau và đăng ký kết hôn tại vùng sâu, vùng xa mới được miễn lệ phí hay chỉ cần một người là dân tộc thiểu số và đăng ký kết hôn ở đâu cũng được miễn. Qua thực tiễn thi hành pháp luật về đăng ký hộ tịch đã nảy sinh một số vướng mắc, để thực hiện có hiệu quả công tác này trong thời gian tới, đảm bảo quyền lợi cho công dân và thực hiện thống nhất trong cả nước đề nghị Bộ Tư pháp cần tiếp tục nghiên cứu trình Chính phủ sửa đổi bổ sung các văn bản pháp luật về hộ tịch và có hướng dẫn thi hành Nghị định số 158/2005/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch.

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật