VỐN ĐIỀU LỆ CỦA CÔNG TY TỪ QUY ĐỊNH CỦA NGHỊ ĐỊNH 102/2010/NĐ-CP

PHẠM HOÀI HUẤN Luật doanh nghiệp 2005 ra đời tạo nên một luồng sinh khí mới cho nền thương nghiệp nước nhà. Trên cơ sở đó, nghị định 139/2007/NĐ-CP  được ban hành hướng dẫn thi hành một số điều của luật này. Ngày 01.10.2010 chính phủ ban hành nghị định 102/2010/NĐ-CP thay thế cho nghị định 139/2007/NĐ-CP. Được ban hành sau hơn 4 năm thực thi luật doanh nghiệp, nghị định 102/2010/NĐ-CP mang đến niềm hi vọng sẽ có những hướng dẫn tích cực trong việc thi hành luật doanh nghiệp. Tuy vậy, trên thực tế, vấn đề tài chính của công ty (bao hàm cả công ty TNHH và công ty CP) mà chủ yếu là vốn của công ty được hướng dẫn  bởi nghị định cần phải được xem xét lại trên cả phương diện lí luận và thực tiễn. 1. Bản chất của vốn góp Góp vốn là việc thành viên công ty chuyển tài sản vào công ty để trở thành chủ sở hữu hoặc các đồng sở hữu công ty. Trên thực tế, việc góp vốn vào các loại hình doanh nghiệp khác nhau, sẽ tạo nên qui chế pháp lí khác nhau đối với người góp vốn. Với vai trò là đạo luật ghi nhận các mô hình kinh doanh, việc tạo lập nên sự phong phú của các mô hình là một điều cần thiết cho các lựa chọn khởi nghiệp. Trong một chừng mực nào đó, luật doanh nghiệp 2005 của Việt nam đã thành công trong việc đa dạng hoá các lựa chọn này. Ước mơ khởi nghiệp Việt được trân trọng khi nhà làm luật Việt nam đã ghi nhận hầu hết những mô hình doanh nghiệp phổ biến của thế giới. Một trong những loại hình doanh nghiệp được lựa chọn nhiều nhất bởi các nhà kinh doanh là mô hình công ty TNHH và công ty cổ phần. Một câu hỏi đặt ra là hai loại hình này có ưu điểm gì mà được sự ưu ái trên? 1.1.Vốn điều lệ của công ty TNHH Nếu nhìn nhận từ góc độ của truyền thống luật Châu âu lục địa, người ta thừa nhận rằng công ty TNHH là loại hình doanh nghiệp kết hợp sự “ưu việt” của mô hình công ty đối nhân và công ty đối vốn. Kết quả của sự kết hợp này là, công ty TNHH mang trong mình bản chất của một công ty “đóng” như việc chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên cho người không phải là thành viên của công bị hạn chế, việc phát hành cổ phần bị cấm đoán[1]……Tóm lại, có thể nói mô hình công ty TNHH là mô hình dành cho việc kinh doanh có qui mô vừa và nhỏ. Xuất phát từ đó, vốn điều lệ của công ty TNHH được đặc trưng bởi:   Thứ nhất: vốn điều lệ được xác định bởi con số mà các thành viên công ty góp hoặc cam kết góp vốn. Trong so sánh với công ty cổ phần, vốn điều lệ của công ty TNHH là con số “thực”. Nói cách khác với hành vi góp vốn, số vốn do các thành viên góp trở thành vốn của công ty và được ghi nhận vào điều lệ của công ty. Sự khác biệt giữa việc thực góp và cam kết góp chỉ là yếu tố thời gian. Việc hoàn thành hành vi góp vốn theo cam kết góp vốn được thực hiện tại một thời điểm trong tương lai. Theo điều 41 luật doanh nghệp nghĩa vụ của thành viên là phải thực hiện đúng cam kết góp vốn. Thứ hai: theo phân tích trên, mặc dù công ty TNHH có vốn là một con số xác định và người ta có thể xác định được dễ dàng phần vốn góp của mỗi thành viên công ty là bao nhiêu nhưng luật cũng cho phép tình trạng “nợ” vốn trong công ty TNHH. Ví dụ: Công ty TNHH A có ba thành viên X, Y, Z, có vốn điều lệ là một tỉ đồng. Như vậy, mặc dù có thể thành viên công ty chưa tiến hành việc góp vốn vì chưa đến hạn phải góp theo cam kết nhưng con số một tỉ đồng trên vẫn được xác định là vốn điều lệ của công ty và nó được coi là bảo đảm cho việc trả nợ của công ty với các bên thứ ba. Nếu như có bất kì một thiệt hại nào đối với bên thứ ba thì số vốn một tỉ đồng trên sẽ là tài sản trả nợ đồng thời cũng sẽ rất dễ dàng xác định phần trách nhiệm mà mỗi thành viên công ty phải chịu theo cam kết góp vốn[2]. Tóm lại, trong công ty TNHH người ta phải xác định một cách rõ ràng số vốn mà công ty có để làm cơ sở xác định trách nhiệm của công ty với bên thứ ba. Nhưng cũng xuất phát từ bản chất là một công ty “đóng” nên việc lựa chọn thời điểm hoàn thành việc góp vốn thuộc quyền định đoạt của các thành viên. 1.2. Vốn điều lệ của công ty cổ phần Về mặt lí luận, người ta thừa nhận công ty cổ phần là loại hình công ty “mở”. Vốn điều lệ của công ty cũng phải được xác định từ đầu và phải được ghi vào trong điều lệ của công ty. Nhưng có sự khác biệt giữa vốn điều lệ của công ty cổ phần và vốn điều lệ của công ty TNHH. Nếu như vốn điều lệ của công ty TNHH là một con số “thực” thì vốn điều lệ trong công ty cổ phần khi mới thành lập công ty có phần nào đó mang tính “ảo”. Cụ thể: Điều 84 luật doanh nghiệp qui định: “Các cổ đông sáng lập phải cùng nhau đăng ký mua ít nhất 20% tổng số cổ phần phổ thông được quyền chào bán và phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn chín mươi ngày, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Điều đó có nghĩa là nếu như vốn điều lệ của công ty là 1 tỷ đồng thì theo yêu cầu của 84 luật doanh nghiệp, các cổ đông sáng lập chỉ cần góp hoặc cam kết góp 200 triệu đồng (giả định rằng công ty chỉ phát hành cổ phần phổ thông) mà không phải là toàn bộ số vốn điều lệ. Như vậy, ta thấy có một “khoảng trống” giữa số vốn điều lệ của công ty và phần vốn mà các cổ đông sáng lập đăng kí mua. Phần vốn còn thiếu không phải là kết quả của một toan tính gian dối trong quá trình vi phạm pháp luật về đăng kí kinh doanh mà nó trở thành một quyền đặc trưng của công ty cổ phần trong việc huy động vốn: quyền bán cổ phần có quyền chào bán. Nói cách khác, các cổ đông sáng lập “kê khai” vốn của công ty là 1 tỷ đồng và đã được cơ quan đăng kí kinh doanh ghi nhận điều này vào giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh. Nhưng các cổ đông không thực hiện hết thì phần vốn còn thiếu được nhìn nhận là một phần không tách rời của số vốn kê khai ở trên. Tuy vậy, việc huy động phần vốn còn “thiếu” kia không phải là không có thời hạn. Giới hạn luật định trong trường hợp này là 3 năm kể từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh. Sau 3 năm mà công ty không huy động đủ số vốn đã đăng kí thì công ty phải giảm vốn điều lệ tương ứng với phần vốn mà công ty thực tế huy động được. Sự khác biệt về vốn điều lệ giữa công ty cổ phần và công ty TNHH xuất phát từ sự khác biệt giữa hai mô hình doanh nghiệp. Về mặt lí luận, chúng ta thừa nhận công ty cổ phần là một công cụ huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong xã hội. Điều đó được thể hiện ở chỗ mệnh giá cổ phần thường là rất thấp (đối với các công ty niêm yết là 10 ngàn đồng). Từ đó, người ta có thể dễ dàng đầu tư vào công ty cổ phần thông qua việc mua một hoặc một số cổ phần tuỳ theo khả năng tài chính của họ. Đồng thời, nguyên tắc tách bạch giữa sở hữu và quản lí trong công ty tạo nên sự tính chuyên nghiệp cũng như hiệu quả kinh tế cao trong việc sử dụng vốn của công ty. Điều đó thể hiện ở chỗ, cổ đông là người thành lập công ty nhưng việc quản lí thì được giao cho giám đốc và hội đồng quản trị, những người chuyên nghiệp trong quản trị hoặc có kiến thức sâu về lĩnh vực hoạt động của công ty[3]. Thông qua quá trình điều hành doanh nghiệp, những quản lí mà cụ thể là hội đồng quản sẽ là người biết rõ về nhu cầu vốn của công ty cũng như khả năng thu hút vốn đầu tư của công ty mà sẽ quyết định việc phát hành cổ phần có quyền chào bán để đáp ứng cho nhu cầu về vốn đó. Qui định “mở” như trên là phù hợp với bản chất công ty cổ phần. Về nguyên tắc, cổ đông sáng lập có quyền quyết định số vốn điều lệ của công ty. Nhưng mặt khác, họ chỉ góp vốn vào công ty dựa trên khả năng tài chính của các cổng đông hiện hữu và nhu cầu về vốn của công ty. Do đó, việc thừa nhận cổ phần có quyền chào bán tạo nên sự thuận lợi cho công ty cổ phần khi thực việc huy động vốn từ công chúng mà không cần phải thông qua các thủ tục hành chính với cơ quan đăng kí kinh doanh. Thêm nữa, cơ hội huy động vốn cổ phần từ công chúng của một công ty mới thành lập dường như là một yêu cầu không khả thi. Thời gian 3 năm cho cổ phần có quyền chào bán cũng là khoảng thời gian cần cho công ty trong việc gây dựng niềm tin cho các nhà đầu tư để thu hút vốn đầu tư từ họ. 2. Hướng dẫn của nghị định 102/2010/NĐ-CP   Nhận xét chung đó là nghị định 102 đã can thiệp rất sâu vào hoạt động của doanh nghiệp. Trong chủ đề về vốn điều lệ đang được khảo cứu ở đây, có nhiều hướng dẫn khá hợp lí. Nhưng những vấn đề chưa được giải quyết trong nghị định 139/2007/NĐ-CP thì trong nghị định 102 cũng vẫn còn bỏ ngỏ. 2.1. Vốn điều lệ của công ty TNHH Không có nhiều thay đổi về vốn của công ty TNHH theo hướng dẫn của nghị định 102 ngoại trừ hai điểm sau: Theo qui định của luật doanh nghiệp, nghĩa vụ góp vốn của thành viên công ty được xác định theo cam kết góp vốn. Tuy vậy, luật doanh nghiệp không hề có một giới hạn về mặt thời gian nào cho việc hoàn thành nghĩa vụ góp vốn. Nói cách khác, thời hạn để thành viên góp vốn vào công ty là không hạn chế mà thời hạn này dài hay ngắn phụ thuộc vào thảo thuận góp vốn giữa các thành viên công ty. Cụ thể: nghĩa vụ của thành viên là phải “Góp đủ, đúng hạn số vốn đã cam kết và chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào công ty[4]. Nhưng ngay cả trong trường hợp thành viên không thực hiện đúng nghĩa vụ góp vốn thì khoản vốn chưa góp được xem là khoản nợ của thành viên đối với công ty[5] Tuy vậy, theo qui định của nghị định 102 thời hạn để thành viên hoàn thành nghĩa vụ góp vốn là 36 tháng kể từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp[6]. Đây là hướng dẫn hợp lí. Kết quả là với hướng dẫn này, nghị định 102 đã tạo cơ sở cho việc chấm dứt tình trạng nợ vốn không thời hạn của thành viên công ty TNHH. Nhưng có một tồn tại chưa được giải quyết trong nghị định 139/2007/NĐ-CP thì đến nghị định 102 vẫn còn đang bỏ ngỏ. Đó là việc giảm vốn điều lệ của công ty TNHH có được đặt ra hay không khi thành viên không hoàn thành nghĩa vụ góp vốn theo cam kết? Về mặt lí luận, việc một thành viên không hoàn thành nghĩa vụ góp vốn được nhìn nhận ở hai hành vi: Thành viên không hề tiến hành việc góp vốn hoặc có thể chỉ góp một phần theo cam kết góp vốn. Theo đó, giải pháp của luật doanh nghiệp là “Sau thời hạn cam kết lần cuối mà vẫn có thành viên chưa góp đủ số vốn đã cam kết thì số vốn chưa góp được xử lý theo một trong các cách: i) Một hoặc một số thành viên nhận góp đủ số vốn chưa góp; ii) Huy động người khác cùng góp vốn vào công ty; iii) Các thành viên còn lại góp đủ số vốn chưa góp theo tỷ lệ phần vốn góp của họ trong vốn điều lệ công ty” Nhưng trong trường hợp không xử lí theo cả 3 cách trên, nói cách khác không huy động đủ số vốn điều lệ thì luật bỏ ngỏ. Nếu căn cứ theo khoản 6 điều 4 của luật doanh nghiệp thì “vốn điều lệ là số vốn do các thành viên, cổ đông góp hoặc cam kết góp trong một thời hạn nhất định và được ghi vào Điều lệ công ty” thì chưa đủ cơ sở pháp lí để khẳng định nghĩa vụ phải đăng kí giảm vốn điều lệ của công ty TNHH trong trường hợp này mặc dù về mặt lí luận chúng ta thừa nhận khả năng này. Ngay cả điều 60 luật doanh nghiệp qui định các trường hợp giảm vốn điều lệ của công ty không hề thừa nhận trường hợp giảm vốn điều lệ trong trường hợp không huy động đủ số vốn điều lệ theo cam kết góp vốn của các thành viên. 2.2. Vốn điều lệ của công ty cổ phần Như phân tích ở trên, luật doanh nghiệp thừa nhận tình trạng vốn “ảo” của công ty cổ phần trong thời hạn 3 năm đầu kể từ ngày doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp. Nhưng đến hướng dẫn của nghị định 102 đã có sự khác biệt khá lớn với những gì mà chúng ta vừa đề cập ở trên: “Vốn điều lệ của công ty cổ phần là tổng giá trị mệnh giá số cổ phần đã phát hành. Số cổ phần đã phát hành là số cổ phần mà các cổ đông đã thanh toán đủ cho công ty. Tại thời điểm đăng ký kinh doanh thành lập doanh nghiệp, vốn điều lệ của công ty cổ phần là tổng giá trị mệnh giá các cổ phần do các cổ đông sáng lập và các cổ đông phổ thông khác đã đăng ký mua và được ghi trong Điều lệ công ty; số cổ phần này phải được thanh toán đủ trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp” . Theo đó, sẽ không còn tình trạng nợ 80% vốn điều lệ theo qui định của luật doanh nghiệp. Hướng dẫn này tạo nên hai mâu thuẫn về mặt lí luận: Một là hướng dẫn này trái với qui định của điều 84 luật doanh nghiệp, thừa nhận tình trạng nợ 80% vốn điều lệ của loại hình công ty cổ phần[7] . Hai là với hướng dẫn này, nghị định 102 đã xoá nhoà ranh giới phân định sự khác biệt đặc trưng giữa công ty TNHH và công ty cổ phần. Bởi vì trong công ty TNHH, vốn điều lệ của công ty hình thành trên cơ sở số vốn thành viên công ty góp hoặc cam kết góp. Nói cách khác, chủ sở hữu phần vốn này đã được xác định ngay từ khi cam kết góp. Trong khi đó, vốn điều lệ của công ty cổ phần do các cổ đông sáng lập tự thỏa thuận và ghi vào điềi lệ của công ty. Nhưng các cổ đông sáng lập có thể mua hoặc không mua hết vốn điều lệ. Nói cách khác, vốn điều lệ của công ty cổ phần, trong trường hợp cổ đông sáng lập chỉ đăng kí con số tối thiểu là 20% cổ phần phổ thông theo qui định của luật doanh nghiệp, bao hàm cả phần sở hữu được xác định cụ thể cho từng cổ đông sáng lập và một phần (lớn) chưa được xác định. Chúng ta gọi phần chưa xác định này là cổ phần có quyền chào bán. Đến lúc này, bất cứ người nào, không rơi vào các trường hợp bị cấm góp vốn vào doanh nghiệp thì cũng có quyền được mua số cổ phần có quyền chào bán này một khi công ty quyết định bán cổ phần để huy động vốn. Đó cũng là đặc trưng của công ty cổ phần mà chúng ta hay gọi là công ty mở là vậy. Một vài kết luận Trong bối cảnh có nhiều thay đổi trong việc thực thi luật doanh nghiệp cùng với thực tiễn một thời gian dài thực thi luật doanh nghiệp, sự ra đời của nghị định 102 đã mang theo rất nhiều sự trông đợi. Bên cạnh những điểm tiến bộ, nghị định 102 vẫn còn những tồn tại như phân tích trên. Theo đó, chúng tôi có một số kiến nghị như sau: Thứ nhất: Nên chăng cần ghi nhận trường hợp giảm vốn điều lệ của công ty TNHH trong trường hợp công ty không huy động đủ số vốn theo cam kết góp vốn của thành viên công ty. Qui định theo hướng như vậy là hoàn toàn hợp lí. Vì vốn điều lệ về bản chất là số vốn mà thành viên công ty góp vào công ty. Cho nên dù là công ty TNHH hay công ty cổ phần thì cũng như nhau. Không có lí do gì chúng ta thừa nhận việc giảm vốn điều lệ của công ty cổ phần trong trường hợp sau khi hết thời hạn 3 năm mà công ty không huy động đủ vốn mà không thừa nhận việc giảm vốn đối với công ty TNHH. Thứ hai: Nhìn từ điều 84 của luật doanh nghiệp, cổ đông sáng lập công ty cổ phần không cần phải mua hoặc đăng kí mua hết 100% vốn điều lệ công ty. Chính điều này tạo nên sự khác biệt độc đáo giữa hai loại hình công ty TNHH và cổ phần. Nếu như chúng ta thừa nhận sự đa dạng trong qui chế pháp lí giữa các mô hình kinh doanh thì không có lí gì lại xoá nhoà đi ranh giới giữa các mô hình kinh doanh được luật thiết lập bởi một nghị định hướng dẫn. Theo đó, nên bỏ đi qui định tại khoản 4 điều 6 mà nên thừa nhận việc nợ 80% vốn như qui định của luật doanh nghiệp

[1] Xem thêm điều 38, điều 44 luật doanh nghiệp [2] Điều 38, khoản 1, điểm a luật doanh nghiệp qui định:” Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn cam kết góp vào doanh nghiệp” [3] Điều 55, điều 110 luật doanh nghiệp [4] Khoản 1 điều 42 luật doanh nghiệp [5] Khoản 2 điều 39 luật doanh nghiệp [6] Khoản 3 điều 6 nghị định 102/2010/NĐ-CP [7] Khoản 4 điều 84 luật doanh nghiệp qui định: “Trường hợp các cổ đông sáng lập không đăng ký mua hết số cổ phần được quyền chào bán thì số cổ phần còn lại phải được chào bán và bán hết trong thời hạn ba năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh”  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật