VAI TRÒ CỦA TÒA ÁN TRONG TỐ TỤNG TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI

  • Bài viết
  • 25 tháng 5, 2011
  • 400 lượt xem
  • 0 bình luận

Trong nền kinh tế thị trường, các tranh chấp về kinh doanh đang diễn ra với chiều hướng gia tăng, nội dung tranh chấp phức tạp, mức độ tranh chấp gay gắt đòi hỏi phải được giải quyết kịp thời, nhằm bảo vệ quyền lợi cho các đương sự; đồng thời đây cũng là trách nhiệm của cơ quan nhà nước, các cơ quan tài phán giải quyết tranh chấp về kinh doanh thương mại. Hiện nay ở VN có hai cơ quan tài phán để giải quyết tranh chấp về kinh doanh thương mại đó là: hệ thống Tòa án nhân dân và hệ thống Trọng tài thương mại.

Toà án, Trọng tài thương mại là các phương thức giải quyết tranh chấp thương mại bổ sung lẫn nhau. Thực tế hoạt động của các Trung tâm Trọng tài thương mại cần có sự phối hợp của Toà án. Pháp lệnh Trọng tài Thương mại năm 2003 là văn bản pháp luật đầu tiên ghi nhận vai trò của Toà án đối với các hoạt động của các Trung tâm trọng tài thương mại về bốn vấn đề sau:

- Chỉ định Trọng tài viên;

- Thay đổi Trọng tài viên;

- Áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời;

- Huỷ phán quyết trọng tài.

Tuy nhiên, Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003 đã có những hạn chế nhất định. Chính vì vậy, Luật Trọng tài thương mại năm 2010 (Luật TTTM) đã ra đời để khắc phục những mặt hạn chế của Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003 nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý cho sự hoạt động của Toà án trong việc hỗ trợ các Trung tâm Trọng tài thương mại.

Theo Luật TTTM thì vai trò hỗ trợ của Toà án đối với Trọng tài thương mại được xác lập toàn diện và đây đủ hơn, thể hiện ở những vấn đề sau:

Đối với việc thay đổi Trọng tài viên

Theo khoản 3 Ðiều 43 của Luật TTTM thì Toà án chỉ hỗ trợ việc thay đổi Trọng tài viên trong trường hợp các thành viên còn lại của Hội đồng trọng tài không quyết định được hoặc nếu các Trọng tài viên hay Trọng tài viên duy nhất từ chối giải quyết tranh chấp.

Xem xét khiếu nại và giải quyết khiếu nại quyết định của Hội đồng trọng tài về thẩm quyền

Trong trường hợp không đồng ý với quyết định của Hội đồng trọng tài về thẩm quyền thì một hoặc các bên đương sự có quyền khiếu nại quyết định này ra Toà án. Trong trường hợp nếu Toà án quyết định vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài thì các bên đương sự có quyền khởi kiện ra Toà án có thẩm quyền theo thủ tục chung.

Về việc triệu tập người làm chứng

Ðây là một quy định mới của Luật TTTM. Theo quy định của Điều 48 thì Hội đồng trọng tài có quyền triệu tập nguời làm chứng đến phiên họp. Nếu nguời làm chứng không đến thì Hội đồng trọng tài có quyền đề nghị Toà án có thẩm quyền triệu tập người làm chứng đến phiên họp theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

Về thủ tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

Theo Luật TTTM thì Hội đồng trọng tài có quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khi có một hoặc các bên đương sự yêu cầu. Đây là quy định mới so với Pháp lệnh trọng tài thương mại năm 2003. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng Hội đồng trọng tài chỉ có quyền ra quyết định áp dụng một số biện pháp khẩn cấp tạm thời được liệt kê tại Điều 49 của Luật TTTM và Hội đồng trọng tài chỉ có thể ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời sau khi Hội đồng trọng tài đã thành lập. Các trường hợp khác do Tòa án thực hiện. Vì vậy, khi yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, các bên cần lưu ý để gửi đơn yêu cầu tới đúng cơ quan có thẩm quyền. Trên thực tế, Luật TTTM đã dự liệu và phân định phạm vi thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời giữa Hội đồng trọng tài và Tòa án nhằm tránh tình trạng xung đột về thẩm quyền, nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc trong mọi trường hợp các bên đều có thể làm đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Nguyên tắc của Luật là nếu Hội đồng trọng tài đã áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Tòa án sẽ từ chối, trừ trường hợp những nội dung không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài. Nếu Tòa án đã áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Hội đồng trọng tài phải từ chối.

Đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc

Ðây là quy định mới với Pháp lênh Trọng tài thương mại năm 2003. Theo Điều 62 Luật TTTM, Toà án nơi Hội đồng trọng tài vụ việc giải quyết tranh chấp có trách nhiệm đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc khi có yêu cầu một hoặc các bên tranh chấp.

Huỷ phán quyết trọng tài

Toà án nơi Hội đồng trọng tài đã ra phán quyết có thẩm quyền xem xét để huỷ phán quyết trọng tài theo quy định tại khoản 2 Ðiều 69 của Luật TTTM khi có một hoặc các bên tranh chấp yêu cầu.

Trong điều kiện của nền kinh tế thị trường thì tranh chấp kinh tế là một thuộc tính mang tính quy luật. Chính vì vậy, đòi hỏi phải có những cơ quan tài phán có đầy đủ năng lực để giải quyết tranh chấp về kinh doanh thương mại ngày một gia tăng và phức tạp.

Cùng với sự trưởng thành của các Toà kinh tế trong hệ thống Toà án nhân dân thì các trung tâm trọng tài thương mại cũng có sự phát triển. Với những Trọng tài viên có nhiều kinh nghiệm trong chuyên môn, là những chuyên gia đầu ngành chúng tôi tin rằng Trung tâm Trọng tài quốc tế VN nói riêng và hệ thống các Trung tâm trọng tài thương mại nói chung sẽ không ngừng lớn mạnh đáp ứng yêu cầu mới của đất nước.

Với chức năng thẩm quyên là cơ quan tài phán nhân danh Nhà nước, Tòa án sẽ có sự phối kết hợp cùng các Trung tâm trọng tài thưong mại đảm bảo giải quyết tranh chấp về kinh doanh thương mại theo thẩm quyền mà pháp luật quy định.

Ông Keiichi Miyata – Tổng giám đốc Công ty liên doanh Vinapon: Trọng tài viên có trình độ

Lúc đầu tôi cũng rất lo lắng khi lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp là trọng tài thương mại. Tuy nhiên, sau khi làm việc, tôi thấy rằng các Trọng tài viên của Trung tâm Trọng tài quốc tế VN bên cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp VN là người có nhiều kiến thức và kinh nghiệm trong một số lĩnh vực cụ thể, ví dụ như bảo hiểm, tài chính, vận tải, xây dựng… Những tranh chấp chuyên ngành này đòi hỏi người phân xử phải có kiến thức rộng và am hiểu trong lĩnh vực đó. Đặc biệt, trong nền kinh tế hội nhập, các tranh chấp về kinh doanh ngày càng quyết liệt.

Do vậy việc giải quyết sẽ chính xác và khách quan. Chính vì vậy, tôi đã lựa chọn giải quyết tranh chấp bằng trọng tài qua VIAC.

Ông Trương Văn Hiền – Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Cty cổ phần – TCty Vật tư nông nghiệp Nghệ An : Luôn đánh giá cao vai trò trọng tài

Việc đánh giá này của tôi dựa trên thực tế chứ không đơn thuần là lý thuyết. Bản thân DN chúng tôi thường xuyên làm ăn, buôn bán, kinh doanh với các đối tác nước ngoài và vì vậy việc hiểu biết về Trọng tài thương mại đã giúp chúng tôi rất nhiều trong các thương vụ, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ. Thứ nhất, nhờ tìm hiểu kỹ càng về Trọng tài thương mại nên DN chúng tôi tránh được sự tranh chấp. Thứ hai, khi có tranh chấp DN ngay lập tức có cách xử lý và cách xử lý tốt nhất đó là thông qua các trung tâm trọng tài.

Cách đây mấy năm, cũng nhờ Trung tâm thương mại quốc tế mà DN chúng tôi đã giành thắng lợi trong một vụ tranh chấp hàng trăm ngàn USD. Trị giá về tài sản chỉ một phần, nhưng qua đó DN chúng tôi khẳng định được uy tín, thương hiệu, không chỉ trong nước mà cả trong khu vực và thế giới. Tôi nghĩ, trong nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế hiện nay, các tranh chấp về kinh doanh ngày càng quyết liệt. Và vì vậy, các DN nên tìm hiểu nhiều về Luật Trọng tài để xử lý tốt những tranh chấp đó.

Ông Phan Vũ Anh – Giám đốc Ban pháp chế – đối ngoại Vinaconex : Trọng tài tạo thuận lợi cho DN

Năm 2005, Vinaconex ký hợp đồng với một đối tác của Đức. Sau một thời gian thực hiện hợp đồng thì phát sinh tranh chấp. Với ý định giải quyết êm thấm, Vinaconex đã thuê một Cty đòi nợ của Đức đại diện cho mình đến làm việc với đối tác. Tuy nhiên, việc đòi nợ vẫn không thành. Cuối cùng, Vinaconex đành khởi kiện đến Trung tâm Trọng tài quốc tế VN (VIAC) do trong hợp đồng có thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Với chứng cứ có được, kết quả Vinaconex thắng kiện và sau khi được tòa án tại Đức công nhận, cho thi hành phán quyết của trọng tài, phía đối tác đã buộc phải chuyển trả số tiền  còn nợ cho chúng tôi. Tôi thấy giải quyết bằng phương thức trọng tài là quyết định đúng đắn. Đây là phương thức nhanh chóng, hiệu quả mà kết luận của trọng tài lại có tính chung thẩm nên đã hạn chế tối đa thời gian chết, tạo thuận lợi cho DN.

SOURCE: BÁO DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP ĐIỆN TỬ

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :