VAI TRÒ CỦA THÀNH PHẦN KINH TẾ TƯ BẢN NHÀ NƯỚC – DỰ BÁO VỀ XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN CỦA NÓ Ở VIỆT NAM

I. Về khái niệm thành phần kinh tế tư bản nhà nước: Thành phần kinh tế tư bản nhà nước là một nội dung của kinh tế chính trị Mác- Lê-nin; là hiện tượng có thực trong xây dựng chủ nghĩa xã hội. Có nhiều quan niệm, định nghĩa về khái niệm "thành phần kinh tế tư bản nhà nước". Theo tôi, có một khái niệm đầy đủ hơn cả về thành phần kinh tế tư bản nhà nước, đó là "hình thức tổ chức liên kết kinh tế tư bản tư nhân, kinh tế tư nhân với nhà nước xã hội chủ nghĩa; hình thức kinh tế hiện đại để phát triển nền kinh tế nhiều thành phần thành kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa; hình thức kinh tế kết hợp nội lực với ngoại lực". Khái niệm này rất gần gũi và đúng với quan điểm của VI. Lê-nin trước đây khi người thực hiện chính sách kinh tế mới. Ta có thể hiểu khái niệm này dưới nhiều góc độ. - Về góc độ quan hệ sản xuất: Thành phần kinh tế tư bản nhà nước không phải là tiền mà là quan hệ xã hội. Đó là quan hệ kinh tế giữa nhà nước với tư nhân và tư bản tư nhân. Thành phần kinh tế này nếu phát triển ở trong các nước đi theo con đường tư bản chủ nghĩa thì đó là kinh tế tư bản nhà nước của chủ nghĩa tư bản. Nếu sự phát triển ấy ở trong các nước đi theo con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội thì đó là kinh tế tư bản nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.   - Về góc độ trình độ lực lượng sản xuất: Thành phần kinh tế tư bản nhà nước thuộc về "nền đại sản xuất", "nền sản xuất tiên tiến", "nền sản xuất cơ khí hoá". Như vậy, về mặt bản chất của thành phần kinh tế tư bản nhà nước trong xây dựng chủ nghĩa xã hội thì thành phần này là hình thức kinh tế trung gian, quá độ lên hình thức kinh tế xã hội xã hội chủ nghĩa. Không phải thành phần kinh tế tư bản nhà nước đấu tranh, đối lập với chủ nghĩa xã hội, mà là giai cấp tiểu tư sản cộng với tư bản tư nhân cùng đấu tranh chống lại chủ nghĩa xã hội. Sai lầm kéo dài của "những người cộng sản cánh tả" là đã cho rằng, thành phần kinh tế tư bản nhà nước đấu tranh chống lại chủ nghĩa xã hội. II. Về vai trò của thành phần kinh tế tư bản nhà nước:   – Thành phần kinh tế tư bản nhà nước là một phần không thể thiếu của một nền kinh tế nhiều thành phần nhằm khai thác mọi tiềm năng, mọi nguồn lực kinh tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. - Thành phần kinh tế tư bản nhà nước là hình thức kinh tế giúp cho kinh tế tư bản chuyển hoá, phát triển thuận lợi theo con đường xã hội chủ nghĩa. Ở nước ta, các nhân tố định hướng xã hội chủ nghĩa bằng kinh tế bao gồm: kinh tế nhà nước, kinh tế hợp tác xã và kinh tế tư bản nhà nước. Trong đó, định hướng trực tiếp cho sự phát triển kinh tế tư nhân và tư bản tư nhân là kinh tế tư bản nhà nước. Với ý nghĩa đó, VI. Lê-nin đã coi kinh tế tư bản nhà nước là khâu trung gian, là một bước tiến, là một thắng lợi lớn trên con đường tiến tới chủ nghĩa xã hội. - Thành phần kinh tế tư bản nhà nước là nhân tố quan trọng để liên kết ngay từ đầu giữa công nghiệp với nông nghiệp – cơ sở xuất phát và lâu dài của phát triển kinh tế thị trường. - Thành phần kinh tế tư bản nhà nước là một trong những bộ phận phát triển cao nhất. Ở đó có trình độ phát triển lực lượng sản xuất cao nhất, có cách tổ chức kinh tế hiệu quả nhất, nên sẽ đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng và tiến bộ xã hội. Do đó, nó là một trong những động lực chính của tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. - Thành phần kinh tế tư bản nhà nước có nhu cầu liên kết với nền nông nghiệp nhỏ, thúc đẩy sản xuất hàng hoá (cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp). Phát triển thành phần kinh tế tư bản nhà nước, với sức mạnh kinh tế và tổ chức của nó là nhân tố quan trọng để kết hợp công nghiệp với nông nghiệp trên phạm vi vùng, hình thành cơ cấu vùng kinh tế. Nhờ đó, có cơ sở để khắc phục dần chủ nghĩa địa phương cục bộ trong quản lý địa phương, quản lý ngành. - Thành phần kinh tế tư bản nhà nước mang tính tập trung sản xuất và quản lý hiện đại của một hệ thống mở. Nhờ sự phát triển của nó mà có thể khắc phục dần tình trạng manh mún, phân tán, chia cắt trong sản xuất và trong quản lý ở nước ta. Phát triển thành phần kinh tế tư bản nhà nước sẽ tạo cơ sở cho hình thành một hệ thống kiểm kê, kiểm soát toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Nó là nhân tố chủ yếu để khắc phục xu hướng tự phát vô chính phủ trong kinh tế, nhất là trong nông nghiệp, thương mại, dịch vụ. Nó cũng tạo cơ sở cho việc đẩy lùi và ngăn chặn những tiêu cực như hối lộ, tham nhũng, lãng phí… trong các cơ sở kinh tế, nhất là trong kinh tế nhà nước. - Trong khu vực đầu tư nước ngoài, kinh tế tư bản nhà nước không chỉ đem lại nguồn vốn, chuyển giao công nghệ, mà còn đem vào cách quản lý kinh tế thị trường hiện đại, đang là điểm yếu nhất trong công tác quản lý của nhà nước ta. Ở nước ta, nếu biết học hỏi và vận dụng sáng tạo cách quản lý hiện đại, Nhà nước sẽ đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý, tạo ra những điều kiện để quản lý quá trình mở cửa và hội nhập. III. Dự báo về xu hướng phát triển của thành phần kinh tế tư bản nhà nước ở nước ta. 1. Cho đến nay, chúng ta càng ngày càng nhận thức rõ vị trí, vai trò động lực quan trọng của thành phần kinh tế tư bản nhà nước trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng đất nước. Chúng ta đã nhận thức rõ được sai lầm về lý luận kinh tế là đã xoá bỏ mọi thành phần kinh tế cá thể, tư nhân, tư bản tư nhân, …, chỉ để lại thành phần kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, dựa trên chế độ công hữu về tư liệu sản xuất. 2. Qua thực tiễn cải cách mở cửa ở Trung Quốc và đổi mới ở Việt Nam thì, kinh tế tư bản nhà nước là hình thức tổ chức kinh tế tất yếu phải trải qua của kinh tế tư bản tư nhân và một phần kinh tế tư nhân để tiến lên chủ nghĩa xã hội. Sự hình thành kinh tế tư bản nhà nước trong nước sẽ kết hợp với kinh tế tư bản nhà nước trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài thành một khu vực kinh tế tư bản nhà nước (hay thành phần kinh tế tư bản nhà nước). Khu vực này càng lớn thì nền kinh tế càng được xã hội hoá cao và càng gần chủ nghĩa xã hội hơn. 3- Theo dự báo trong công trình KHXH 02-04 về sự chuyển dịch cơ cấu thành phần kinh tế thì thấy thành phần kinh tế nhà nước ở nước ta ngày một tăng và tỷ trọng GDP của thành phần này cũng tăng (xem biểu). Presentation1 4- Những hình thức cụ thể của chủ nghĩa tư bản nhà nước ở nước ta: Chủ nghĩa tư bản nhà nước với tính cách là những hình thức kinh tế cụ thể đã được VI. Lê-nin đề cập và thực hiện. Ngày nay, những hình thức cụ thể ấy vẫn còn có giá trị hiện thực của nó. Tuy nhiên, do điều kiện lịch sử thay đổi, cho nên có những hình thức mà thời VI.Lê-nin khó có thể thực hiện được (Ví dụ: tô nhượng), nhưng ngày nay lại có tính hiện thực nhiều hơn. Đồng thời, cũng những hình thức cơ bản như thế, nhưng ngày nay mỗi hình thức lại trở nên phong phú và đa dạng hơn nhiều. Với tinh thần cơ bản là phát triển tư bản nội địa dưới sự kiểm soát và điều tiết của nhà nước và du nhập chủ nghĩa tư bản từ nước ngoài, chủ nghĩa tư bản nhà nước ngày nay mang nhiều hình thức ở mỗi quốc gia, mỗi chế độ nhà nước khác nhau. Trong điều kiện ở nước ta hiện nay, đáng chú ý là những hình thức vừa có tính chất phổ biến trên thế giới, vừa có tính đặc thù Việt Nam có tính hiệu quả cao đó là: - Hình thức liên doanh, liên kết giữa nhà nước với các chủ sở hữu ngoài quốc doanh ở trong nước hoặc với các chủ sở hữu ở các nước tư bản chủ nghĩa. - Công ty cổ phần với tính cách là hình thức kinh tế tư bản nhà nước và "cổ phần hoá" xí nghiệp để thành lập xí nghiệp tư bản nhà nước. - Đặc khu kinh tế. - Khu công nghiệp chế biến xuất khẩu (Khu chế xuất). - Cho tư bản trong và ngoài nước, cho nông dân thuê các cơ sở sản xuất kinh doanh và các tư liệu sản xuất thuộc sở hữu toàn dân. - Các tổ chức hợp tác liên doanh với tính cách là các hình thức kinh tế tư bản nhà nước. - Ngoài những hình thức cụ thể nêu trên, kinh tế tư bản nhà nước cũng cần được xem xét ở góc độ lớn hơn. Đó là, hệ thống các quan hệ kinh tế giữa Nhà nước với các thành phần, khu vực kinh tế khác. Thực chất nó là sự quản lý, điều tiết hay lãnh đạo về kinh tế của Nhà nước với toàn bộ nền kinh tế nhiều thành phần trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa./.  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật