“TỪ HẢI” CHẾT ĐỨNG VÀ CHẾT OAN!

Thời báo Kinh tế Sài Gòn số 11-2010 đã đăng bài Có một “Từ Hải” thời nay của tôi và số 12-2010 có đăng bài “Từ Hải” không chết đứng! của tác giả Nguyễn Hữu Long, trao đổi lại về bài Có một “Từ Hải” thời nay nói trên. Sự việc hóa ra không đơn giản trong thực tế! Trước hết, tác giả bài Có một “Từ Hải” thời nay xin cám ơn và trân trọng ý kiến trao đổi của tác giả Nguyễn Hữu Long. Tôi đồng ý với phân tích của tác giả vì nếu theo các quy định của Luật Doanh nghiệp thì kết luận “Từ Hải không chết đứng” là đúng. Song, có một sự thật trong nền hành chính của nước ta là, dù quy định của pháp luật đã có nhưng không ít “Từ Hải” vẫn chết, vừa chết đứng, vừa chết oan. Bởi lẽ, nguyên nhân làm cho “Từ Hải” chết không chỉ vì những quy định chưa đầy đủ và chặt chẽ của pháp luật mà còn phụ thuộc vào cách hành xử của các công chức thừa hành nhiệm vụ. Khi các công chức “lạnh lùng, vô cảm” và trả lại hồ sơ hoặc yêu cầu phải cung cấp những thủ tục không thể thực hiện thì dù có làm đúng luật, “Từ Hải” cũng vẫn “chết”. Trường hợp ông K., Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần KHB, trong câu chuyện ở bài Có một “Từ Hải” thời nay là ví dụ điển hình. Không phải ông K. và những luật gia tư vấn cho ông K. không biết quy định tại điều 102 và điều 104 của Luật Doanh nghiệp 2005. Khi tổ chức đại hội đồng cổ đông lần thứ hai với hai cổ đông sáng lập chiếm 60% vốn điều lệ, ông K. đã trình cho cơ quan đăng ký kinh doanh hồ sơ thay đổi người đại diện theo pháp luật và tin rằng đó là hồ sơ hợp lệ, vấn đề sẽ được giải quyết. Song, cán bộ thụ lý hồ sơ đã yêu cầu ông K. bổ sung chứng cứ chứng minh rằng, hai cổ đông không dự họp đã ký nhận giấy mời họp nhưng không dự họp. Ông K. không có chứng cứ đó nên đành “ôm” hồ sơ quay về. Khi triệu tập đại hội đồng cổ đông lần thứ ba, ông K. cho người đưa giấy mời họp đến nhà riêng của ông B. và ông Đ. và yêu cầu hai ông này ký xác nhận: Đã nhận giấy mời họp. Nhưng ông B. và ông Đ. đã không ký theo yêu cầu.   Khi triệu tập đại hội cổ đông lần thứ 4, ông K. gửi giấy mời qua dịch vụ phát chuyển nhanh và lưu lại hóa đơn của doanh nghiệp phát chuyển nhanh. Song, khi nộp hồ sơ thay đổi đăng ký kinh doanh, cán bộ thụ lý hồ sơ không chấp nhận hóa đơn đó mà phải có ký nhận của ông B., ông Đ. vào “Phiếu báo phát”. Vì vậy, vướng mắc của Công ty cổ phần KHB vẫn hoàn toàn bế tắc. Đến lần thứ 5, ông K. mời cán bộ phòng đăng ký kinh doanh tới tham dự đại hội đồng cổ đông để chứng kiến việc tổ chức họp và sự vắng mặt của hai ông B. và Đ. là đúng sự thật. Nhưng, cán bộ phòng đăng ký kinh doanh đã từ chối. Đến nay, ông K. đã làm đơn khởi kiện ông B. và ông Đ. ra tòa và đang kiên trì… chờ đợi. Từ sự kiện rất cụ thể nêu trên có thể thấy, “Từ Hải” chết đứng vì hướng dẫn thi hành luật chưa đầy đủ. Bởi lẽ, không có văn bản dưới luật nào hướng dẫn doanh nghiệp cần những thủ tục gì để chứng minh các cổ đông đã nhận được giấy mời họp nhưng cố tình không đến họp. Cũng có ý kiến cho rằng, việc hướng dẫn chi tiết như vậy là không cần thiết vì giấy mời họp đã được gửi đi hoặc thông báo triệu tập họp trên phương tiện thông tin đại chúng như quy định của Luật Doanh nghiệp là đủ. Hơn nữa, các cuộc họp đại hội đồng cổ đông phải có biên bản họp đại hội đồng cổ đông theo điều 106 Luật Doanh nghiệp. Và, khoản 3, điều 106 quy định: “Chủ tọa và thư ký cuộc họp phải liên đới chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của nội dung biên bản”. Theo lập luận đó, khi hồ sơ thay đổi đăng ký kinh doanh là hợp lệ, cán bộ phòng đăng ký kinh doanh có trách nhiệm giải quyết cho doanh nghiệp, những đòi hỏi bổ sung hồ sơ là không đúng quy định của pháp luật. Không ai làm trọng tài để kết luận, việc công chức thụ lý hồ sơ của phòng đăng ký kinh doanh yêu cầu bổ sung các chứng cứ, thủ tục như đã nêu trên là sai hay đúng. Trong nền kinh tế nước ta hiện nay, không chỉ trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh, tình trạng tương tự như vậy còn xảy ra ở nhiều lĩnh vực như thuế, quản lý đất đai, xây dựng nhà, đăng ký ô tô, xe máy, hộ khẩu… Vì vậy, người dân và các chủ doanh nghiệp trở thành những “Từ Hải” vừa “chết đứng”, vừa “chết oan” rất nhiều.  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật