TRUNG TÂM TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ TRỰC TUYẾN – CƠ CHẾ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP TỐI ƯU CHO MỘT NỀN THƯƠNG MẠI HIỆN ĐẠI

  • Bài viết
  • 25 tháng 5, 2011
  • 353 lượt xem
  • 0 bình luận

Quan niệm mới và cách tiếp cận mới:

Trong bối cảnh toàn cầu hoá kinh tế đang trở thành dòng chảy chủ đạo như hiện nay, thương mại quốc tế ngày càng phát triển. và trở thành một chủ đề quan trọng trong hầu hết các buổi nghị sự của các tổ chức quốc tế. Sự phát triển thương mại quốc tế đã kéo theo sự phát triển của nhiều yếu tố khác, một trong các nội dung đó là luật pháp và cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế.

Thật vậy, ngày càng có nhiều công ước quốc tế, hiệp định song phương liên quan đến thương mại quốc tế ra đời, thậm chí còn có cả Tổ chức thương mại thế giới WTO được xây dựng để điều chỉnh quan hệ thương mại giữa các nước. Thực tế là khi quan hệ thương mại quốc tế phát triển bao nhiêu thì đồng thời kéo theo sự ra đời của những hệ thống pháp luật mới để quản lý nó. chúng ta biết rằng trước kia thương mại quốc tế chỉ được hiểu là mua bán hàng hoá quốc tế. Tuy nhiên hiện nay các vấn đề khác như dịch vụ, đầu tư,.. cũng được hiểu là thương mại. Phương thức mua bán cũng thay đổi nhiều hơn, trước kia chủ yếu là mua bán hàng hoá quốc tế và chuyên trở bằng tầu biển, nhưng hiện nay còn có thể mua bán qua mạng internet….Sự phát triển của thương mại quốc tế như vậy đặt ra cho chúng ta, những người nghiên cứu về luật pháp thương mại quốc tế là các cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại cũng như các cơ sở pháp lý hiện có có đủ khả năng đáp ứng cho các hoạt động thương mại quốc tế hay không. Nếu không đủ phải thay đổi như thế nào? Chúng ta cần nhận thức rằng pháp luật cũng như các cơ chế giải quyết tranh chấp được ra đời là để:1- tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại quốc tế; 2- đảm bảo công bằng cho các bên liên quan; 3 – đảm bảo pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia.

Khi xem xét vấn đề trong mối quan hệ với các yếu tố như đã nói ở trên thì đề xuất về việc xây dựng một cơ chế giả quyết tranh chấp mới là cần thiết để đáp ứng với những thay đổi trong quan hệ thương mại quốc tế, nhất là khi trong bối cảnh hiện nay các phương tiện điện tử đang trở thành công cụ hữu hiệu tạo thuận lợi và hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia vào thương mại quốc tế.

Giao dịch điện tử – yếu tố đang thay thế thương mại truyền thống

Như chúng ta đều biết, sự phát triển của CNTT đã tao ra bước ngoặt mới đối với rất nhiều lĩnh vực. Nó đã xâm nhập vào mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội, làm thay đổi cơ bản quy trình sản xuất, phân phối hàng hoá dịch vụ, và thanh toán, nâng cao hiệu quả kinh tế xã hội và thay đổi các tập quán thương mại thông thường. Cùng với sự hình thành và phát triển của Internet, thương mại điện tử ngày càng được phát triển và ứng dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới, trở thành cầu nối quan trọng giữa sản xuất và tiêu dùng, làm thu hẹp khoảng cách giữa người bán và người mua, giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới trong hoạt động xuất nhập khẩu, đang chứng tỏ lợi thế to lớn của một phương thức giao dịch mới đầy năng động và có hiệu quả. Nhiều quốc gia coi việc phát triển và ứng dụng thương mại điện tử là một hướng ưu tiên quan trọng trong hoạt động của chính phủ và các doanh nghiệp. Và rõ ràng thực tế đang cho thấy là TMĐT đang ngày càng thay thế các hình thức thương mại truyền thống.

Đã có nhiều hệ thống pháp luật được xây dựng để quản lý về TMĐT. Đáng kể nhất là Công ước quốc tế về việc sử dụng các phương tiện điện tử trong hợp đồng thương mại. Trên thế giới nhiều nước đã xây dựng khung pháp lý cho các hoạt động giao dịch điện tử. Tại Việt Nam Luật giao dịch điện tử vừa mới có hiệu lực tháng 3 vừa sẽ tạo ra hành lang pháp lý cần thiết cho các hoạt động thương mại điện tử của Việt Nam.

Chính phủ điện tử đã được lập ra ở rất nhiều nước. Việt Nam hiện cũng đang xây dựng đề án 122 về Chính phủ điện tử. Như vậy với việc ra đời của Chính phủ điện tử thì các hoạt động quản lý hành chính nhà nước sẽ được thuận lợi hơn rất nhiều.

Tuy nhiên vấn đề được đưa ra ở đây là hiện chưa có một cơ quan nào có đủ khả năng để quản lý các hoạt động thương mại điện tử. Theo như Luật Giao dịch điện tử Việt Nam thì các hoạt động giao dịch đó cần phải thông qua một cơ quan gọi là cơ quan chứng thực điện tử. Như vậy sẽ rất phức tạp. Cần phải có một cơ quan có đủ khả năng vừa là cơ quan chứng thưc điện tử, lại vừa là cơ quan đứng ra giải quyết tranh chấp thương mại điện tử giữa các bên nếu có phát sinh, cơ quan đó cũng có thể trợ giúp các bên trong việc đi đến ký kết và thực hiện hợp đồng thương mại đó, giống như các tâm điểm thương mại điện tử đã được một số nước xây dựng, thêm vào đó nó cần áp dụng các phương tiện kỹ thuật điện tử để giảm thiểu chi phí cho các bên… Và như một toà trọng tài quốc tế, nó chỉ cần nó được quốc gia sở tại cho phép tiến hành công việc như vậy và được sự chấp thuận của các bên thì thẩm quyền của nó sẽ tự động phát sinh, tấc nhiên là cần có sự thống nhất về pháp luật thương mại điện tử của các nước mà các bên ký kết mang quốc tịch.

Tính khả thi của việc xây dựng một Trung tâm trọng tài thương mại quốc tế trực tuyến Trong tranh chấp thương mại quốc tế có các phương thức giải quyết tranh chấp sau: thương lượng, hoà giải, biện pháp toà án và cuối cùng là biện pháp trọng tài. Phương thức trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp được chọn lựa nhiều hơn cả. Vấn đề không chỉ bởi vì nó có nhiều điều kiện để tiết kiệm thời gian và chi phí, đảm bảo bí mật tranh chấp mà quan trọng hơn đó là tính mềm dẻo linh hoạt, việc giải quyết tranh chấp đi vào thực chất vấn đề…Bởi vì phán quyết của Toà trọng tài phải được các bên tôn trọng cho nên công việc giải quyết tranh chấp của trung tâm trọng tài sẽ xuất hiện khi có 2 yếu tố: thứ nhất: nó đã có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp, hay được cấp phép để tiến hành giải quyết tranh chấp, thứ 2- nó được các bên trong hợp đồng chọn lựa làm phương pháp giải quyết tranh chấp đó. Đối với các nước đã ban hành các đạo luật quản lý về giao dịch điện tử, thì rõ ràng việc lập ra một Toà trọng tài để giải quyết các tranh chấp liên quan đến thương mại điện tử là hoàn toàn khả thi. Tại một số nước như Mỹ và Hà Lan, các tranh chấp thương mại có thể được đệ trình lên Toà trọng tài thông qua mạng Internet. Các bên có thể gử hồ sơ, bổ sung nội dung vụ kiện thông qua mạng Internet. Như vậy các thủ tục có tính hành chính đã được đơn giản hoá đi rất nhiều để các trọng tài có thể tập trung vào giải quyết thực chất nội dung tranh chấp. Theo quy định tại Điều 14 – Pháp lệnh Trọng tài thương mại có quy định: Căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương, Trung tâm Trọng tài được thành lập tại một số địa phương theo quy định của Chính phủ”. Như vậy Việt Nam cũng để ngỏ việc xây dựng một Trung tâm trọng tài chuyên giải quyết các tranh chấp thương mại điện tử, hoặc áp dụng các phương tiện điện tử để giải quyết tranh chấp nếu như các bên trong hợp đồng thoả thuận thủ tục tố tụng như vậy. Nói tóm lại là việc thành lập Trung tâm trọng tài sẽ không có vấn đề gì khó khăn nếu như nó giải quyết tốt các tranh chấp thương mại, cũng như tuân thủ các quy định chung về pháp luật thương mại quốc tế.

Phương thức xây dựng Toà trọng tài thương mại quốc tế trực tuyến

Tính khả thi của việc xây dựng một Trung tâm trọng tài như đã nói trên là đã có. Dưới đây, tôi xin đề xuất hai phương thức để xây dựng Trung tâm trọng tài quốc tế trực tuyến:

Phương thức 1: Áp dụng đối với các Toà trọng tài thương mại quốc tế đã có:

Việc nâng cấp một Toà trọng thương mại quốc tế hiện có lên thành một Toà trọng tài thương mại quốc tế trực tuyến là có tính khả thi cao. Tức là ngoài việc thực hiện tố tụng trọng tài như bình thường thì các toà trọng tài này còn có thể thực hiện việc tố tụng trực trực tuyến nếu như các bên trong hợp đồng mong muốn điều đó.

Tại nhiều nước, vụ việc giải quyết tranh chấp đã được thực hiện trực tiếp thông qua mạng Internet, chỉ riêng phiên họp giải quyết vụ việc thì các bên mới phải đến một địa điểm xác định để giải quyết tranh chấp. Hình thức này về cơ bản là muốn rút ngắn thời gian và các thủ tục tố tụng cho các bên trong tranh chấp. Đây là một vấn đề đáng để các Toà trọng tài tại các nước tham khảo.

Tấc nhiên là khi bổ sung thêm chức năng như vậy thì Toà trọng tài cần có một sự đầu tư thích ứng để bảo vệ an ninh thông tin…vv.

Phương thức 2: Đề xuất xây dựng một Trung tâm trọng tài thương mại quốc tế trực tuyến độc lập:

Xây dựng một Toà trọng tài thương mại quốc tế độc lập như các toà trọng tài quốc tế hiện có. Toà này vừa có chức năng là cơ quan chứng thực điện tử, vừa là cơ quan đứng ra để giúp đỡ các bên trong việc soạn thảo hợp đồng thương mại trực tuyến, giám sát việc thực hiện hợp đồng thương mại quốc tế, vừa là cơ quan phối hợp với các bên trung gian: như giao nhận vận tải, bảo hiểm, thanh toán quốc tế…; và cuối cùng vừa là cơ quan giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế trực tuyến, tức là thực hiện các thủ tục tố tụng bao gồm cả tiến hành phiên họp giải quyết tranh chấp trên mạng Internet.

Như chúng ta đã biết, Công ước Washington năm 1965 đã thành lập ra Trung tâm quốc tế để giả quyết các tranh chấp về đầu tư, về cơ bản nó vừa là một cơ quan mang tính quốc tế đồng thời nó lại vừa là một toà trọng tài quốc tế. Quy định tại Mục 2 Điều 1 của Công ước này đã nêu: “ Mục đích của Trung tâm là đưa ra các lý lẽ về hoà giải và trọng tài nhằm giải quyết các tranh chấp về đầu tư đối với các nước ký kết khác..”. Vậy tại sao các nước trên thế giới không ngồi lại với nhau để cùng lập ra một trung tâm trọng tài quốc tế để giải quyết các tranh chấp về thương mại điện tử, và có thể hơn nó áp dụng các phương tiện điện tử, tiến bộ khoa học kỹ thuật để giảm thiểu chi phí và thời gian cho các bên.

Chắc chắn rằng một thời gian không xa nữa, khi mà tiến bộ khoa học trở nên thông dụng, con người mà ở đây đang nói đến các bên trong hợp đồng sẽ cảm thấy rất thích thú với việc sử dụng Toà trọng tài thương mại quốc tế trực tuyến như là một công cụ hữu hiệu để trợ giúp họ trong quan hệ thương mại cũng như là cơ chế đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho họ.

Hoạt động của Trung tâm trọng tài thương mại quốc tế trực tuyến:

Nếu như chỉ dừng lại ở việc nhận đơn khiếu kiện qua mạng, thu thập hồ sơ và chứng cứ qua mạng, hoặc xa hơn là thực hiện phiên họp giải quyết tranh chấp qua mạng thì đã tốt rồi, vì nó đã giảm được rất nhiều thời gian và chi phí của các bên. Tuy nhiên, để đi xa hơn với việc không chỉ là cơ quan giải quyết tranh chấp, cơ quan đó còn đóng góp vào sự lành mạnh và công khai trong các hoạt động thương mại cũng như đóng góp vào sự phát triển của thương mại quốc tế, tôi đề xuất việc xây dựng một trung tâm trọng tài quốc tế với những nội dung hoạt động như sau:

- Trung tâm chứng thực giao dịch quốc tế: Các hoạt động giao dịch giữa các bên trong hợp đồng được chứng thực bởi các cơ quan chuyên trách của trung tâm. Toàn bộ thông tin giao dịch giữa các bên sẽ được mã hoá để đảm bảo an toàn trong thương mại điện tử, đồng thời nó cũng sẽ là bằng chứng của các bên để giải quyết tranh chấp trong trường hợp có xẩy ra tranh chấp.

Như chúng ta đều biết, chứng thực điện tử do cơ quan chứng thực điện tử (hay bên tin cậy thứ 3 khác) cấp là căn cứ để xác thực các bên tham gia vào giao dịch, là cơ sở đảm bảo tin cậy đối với các giao dịch thương mại điện tử, cũng như đảm bảo các vấn đề về an ninh trong thương mại điện tử.

Các phương thức giao dịch truyền thống như: gửi thư, điện thoại, fax, gặp nhau trực tiếp khá tốn kém so với phương thức giao dịch ứng dụng CNTT, cụ thể là ứng dụng đường truyền băng thông rộng ADSL, nhất là khi trong việc đàm phán ký kết hợp đồng mà không thành công thì các chi phí đó quả thất rất tiếc đối với các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp trong sản xuất và kinh doanh đều mong muốn giảm thiểu các chi phí giao dịch như vậy và hiện tại phương thức giao dịch ứng dụng CNTT hiện đang được sử dụng rộng rãi.

Phương thức giao dịch ứng dụng CNTT sẽ tiết kiêm hơn chi phí, nhưng nó không đồng nghĩa với việc giảm thiểu các rủi ro. Vấn đề đảm bảo an toàn thông tin mạng là rất quan trọng và nó cần thiết phải có một cơ quan trung gian đứng ra đảm bảo các yêu tố đó. Nói chung, đối với an toàn thương mại điện tử, có sáu khía cạnh cơ bản cần phải giải quyết, bao gồm: tính toàn vẹn, chống phủ định, tính xác thực, tính tin cậy, tính riêng tư và tính ích lợi. Nếu như có một cơ quan nào có khả năng đảm trách vấn đề đó thì chắc chắn rằng các hoạt động thương mại quốc tế sẽ được thúc đẩy tốt hơn cũng như sẽ lành mạnh hơn.

Hiện tại trên thế giới đã có nhiều cơ quan chứng thực điện tử và việc ra đời của các cơ quan như thế là cần thiết để tạo ra một sự lành mạnh cho các hoạt động thương mại quốc tế. Tại Việt Nam, Luật giao dịch điện tử có hiệu lực ngày 1/3/2006 đã dành hẳn Chương 3 để quy định về chữ ký điện tử và chứng thực điện tử. Theo quy định của Luật này thì cơ quan chứng thực điện tử có các quyền và nghĩa chứng thực các giao dịch điện tử[1]:

Theo quy định của Luật này thì để được tiến hành công việc chứng thưc điện tử thì cơ quan đó phải đáp ứng các yều cầu sau: a) Có đủ nhân viên kỹ thuật chuyên nghiệp và nhân viên quản lý phù hợp với việc cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử; b) Có đủ phương tiện và thiết bị kỹ thuật phù hợp với tiêu chuẩn an ninh, an toàn quốc gia; c) Đăng ký hoạt động với cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử. Như vậy cơ sở pháp lý để xây dựng một trung tâm chứng thực đã có. Đối với các vấn đề có yếu tố nước ngoài thì việc chứng thực đó cần phải đáp ứng yêu cầu sau: một là hai nước mà các bên trong hợp đồng mang quốc tich phải cùng là thành viên của một công ước quốc tế về thương mại điện tử chẳng hạn như công ước quốc tế về việc sử dụng các phương tiện điện tử trong hợp đồng thương mại, hoặc hai là các nước mà các bên ký kết có quốc tịch đã cùng nhau ký kết các hiệp định song phương về việc công nhận chứng thực điện tử. Ngoài ra cũng có thể xây dựng một Công ước quốc tế về một Trung tâm trọng tài quốc tế có đủ thẩm quyền để làm công việc chứng thực điện tử như đã kể trên. Các pháp nhân thuộc nước thành viên công ước được phép sử dụng dịch vụ chứng thực điện tử của cơ quan đó, cũng như tiến hành cách hoạt động thương mai quốc tế thông qua Trung tâm trọng tài quốc tế trực tuyến và sử dụng các dịch vụ của Trung tâm trọng tài quốc.

Cơ quan trợ giúp ký kết hợp đồng thương mại quốc tế và kết nối thông tin quốc tế:

Cơ quan Trung tâm trong tài quốc tế trực tuyến cũng có thể tiến hành các công việc như một cơ quan trợ giúp các bên trọng việc ký kết hợp đồng thương mại. Như chúng ta đã biết nhiều tranh chấp thương mại quốc tế là do hợp đồng ký kết soạn thảo chưa chắc chắn. Bởi vì các chủ thể tham gia vào thương mại quốc tế là những chủ thể có quốc tịch khác nhau, có sự xa cách về mặt địa lý, khác biệt về truyền thống pháp luật và tập quán thương mại, thiếu sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau nên Hợp đồng có vấn đề là điều khó tránh khỏi. Thêm vào đó, ý thức thực hiện tuận thủ hợp đồng của các bên cũng là một trong các yếu tố tác động dẫn đến các tranh chấp thương mại. Điều này có thể xẩy ra do bên bán không thực hiện đúng nghĩa vụ (chẳng hạn giao hàng thừa thiếu, chất lượng hàng không đảm bảo, không đúng phẩm chất và chất lượng như trong hợp đồng..), do sự không cẩn thẩn của người mua, do bên vân chuyển không thực hiện đúng những cam kết trong hợp đồng vận chuyển (xếp hàng không đúng quy định), do vấn đề thanh toán, thâm chí là trong thực hiện hợp đồng các bên còn gặp những khó khăn, mâu thuẫn trong quá trình quản lý hoạt đông thương mại của các quốc gia… Chính điều đó, phương thức trọng tài và luật áp dụng trong hợp đồng thương mại quốc tế mà các bên chọn lựa thường mang tính trung lập, chẳng hạn như luật áp dụng là các công ước quốc tế (công ước quốc tế về mua bán hàng hoá,…) hoặc luật áp dụng là các tập quán thương mại quốc tế mà đã được phòng thương mại quốc tế thống nhất, còn cơ quan giải quyết tranh chấp thương mại thường là Toàn trọng tài quốc tế.

Đề xuất ra một cơ quan trợ giúp ký kết hợp đồng thương mại quốc tế là cần thiết. Nó là một đơn vị cung cấp dịch vụ trợ giúp cho các bên. Hơn nữa việc trợ giúp này được thực hiện thông quan mạng internet sẽ giúp các bên trong hợp đồng tiết kiệm được thời gian, tiền bạc. Bên cạnh đó Hợp đồng ký kết đó lại được giữ lại làm cơ sở để chứng thực cho những mâu thuẫn có thể phát sinh sau này.

Trung tâm trọng tài thương mại trực tuyến như đã đề xuất ở trên có thể xây dựng một bộ phận mang tính độc lập nhưng không tách rời với các công việc khác. Dữ liệu được kết nối đủ đảm bảo có thể truy xuất được trong trường hợp cần thiết. Để thực hiện được chức năng này của mình, Bộ phận trợ giúp ký kết hợp đồng thương mại quốc tế có thể thông qua hai cách sau.

Được sự chấp thuận của các bên, cơ quan trợ giúp ký kết hợp đồng quốc tế được phép xem xét các giao dịch của hai bên trong hợp đồng. Cơ quan này sẽ được các bên yêu cầu tổng hợp các giao dịch đó để đề xuất một bản hợp đồng cho hai bên ký kết. Cơ quan này có thể đưa ra khuyến nghị đối với những vấn đề cần thiết. Hợp đồng được ký kết giữa các bên cùng với các thư từ giao dich của các bên sẽ tạo thành bộ chứng từ, cũng như sẽ làm bằng chứng trong trường hợp nếu có tranh chấp phát sinh. Các bên có thể truy nhập vào cơ sở dữ liệu hợp đồng và bộ chứng từ mà mình đã ký kết hoặc có liên quan. Các thông tin triết xuất có thể được thể hiện dưới dạng file xml hoặc pdf…

Cơ quan trợ giúp ký kết hợp đồng thương mại quốc tế có thể chuẩn bị một form hợp đồng dưới dạng mẫu. Các nội dung trọng yêu của một hợp đồng thương mại quốc tế sẽ được đưa lên mạng. Các bên trong hợp đồng muốn được sử dụng dịch vụ này của Trung tâm trong tài thương mại quốc tế trực tuyến cần phải đăng ký với trung tâm này và cần phải có một sự xác nhận cần thiết về sự tồn tại đó của một bên trong hộp đồng. Các bên phải nhập tên, đia chỉ giao dịch …, có thể chọn lựa luật áp dụng, phương thức thanh toán, …đã được cơ quan trợ giúp ký kết hợp đồng thương mại quốc tế đưa ra hoặc các bên cũng có thể đàm phán ký kết hợp đồng thương mại bằng cách ứng dụng CNTT, chẳng hạn sử dụng camrecorder hoặc các thiết bị conference ADSL trong đó Trung tâm trọng tài thương mại quốc tế trực tuyến được mời tham dự với tư cách là người làm chứng, đồng thời là người sẽ tiến hành giải quyết tranh chấp trong trường hợp có xẩy ra tranh chấp.

Các điều khoản khác như giải thích hợp đồng, điều khoản về bảo mật thông tin, về miễn giảm trách nhiệm, điều khoản phạt vi pham hợp đồng, điều khoản về trường hợp bất khả kháng, về chấm dứt hợp đồng … sẽ được đưa ra trong hợp đồng mẫu để các bên xem xét. Đối với những mục như thế, cơ quan trợ giúp ký kết hợp đồng cũng cần thiết phải giải thích là căn cứ theo hệ thống pháp luật nào, hoặc có thể cung cấp những thông tin cần thiết về các nội dung như thế.

Ngoài ra, bộ phận trợ giúp ký kết hợp đồng cũng sẽ khuyến nghị các bên sử dụng các hình thức vận chuyển, giao nhận hàng hoá, bảo hiểm và thanh toán quốc tế của các công ty đã ứng dụng quản lý bằng CNTT….Trung tâm cũng có thể kết nối thông tin với các cơ quan khác, ví dụ như các cơ quan quản lý hành chính nhà nước, cơ quan kiểm toán, cơ quan hải quan…Và các bên có thể yêu cần để có thể nhận được dịch vụ này.

Hiện nay đã có nhiều nhiều Trade point “Điểm đầu mối thương mại hay còn gọi là Tâm điểm thương mại” ra đời. Đó là một sáng kiến của tổ chức Thương mại và Phát triển của LHQ (UNCTAD), nằm trong chương trình Hiệu quả thương mại (Trade Efficiency) và Thuận lợi hoá thương mại (Trade Facilitation) sử dụng những tiến bộ về công nghệ thông tin trong hoạt động thương mại nói chung và thương mại quốc tế nói riêng.

Một trong những mục đích cơ bản nhất nhằm cung cấp một trung tâm tại đó có tất cả các thông tin phục vụ hoạt động kinh doanh, như thông tin về thị trường, hàng hoá, dịch vụ, vận tải, bảo hiểm, môi giới, các quan hệ với cơ quan quản lý nhà nước như hải quan, thuế… Công nghệ thông tin và Internet sẽ kết nối tâm điểm thương mại với các cơ quan, tổ chức liên quan để doanh nghiệp, cá nhân chỉ cần tiếp cận một địa điểm (tương tự như chiến lược One-Stop-Shopping của các doanh nghiệp).

Chương trình Trade point có ba chức năng chính: 1- Cung cấp các dịch vụ kinh doanh, thương mại; 2 – Cung cấp các dịch vụ thông tin thị trường, tìm kiếm bạn hàng; 3- Kế nối các doanh nghiệp với nhau. Như vậy ý tưởng xây dựng chức năng mới trong một Trung tâm trọng thương mai quốc tế trực tuyến với công việc là trợ giúp các bên trong việc ký kết hợp đồng thương mại không phải là không có căn cứ. Đây là một dịch vụ mà khách hàng có thể yêu cầu để giảm thiểu những rủi ro do thông tin không trong suốt… Với tính cách là một trung tâm trọng tài có chức năng như thế, nó sẽ tạo ra không khí làm ăn kinh doanh lành mạnh, tin tưởng vàốc thiện chí của các bên.

Toà trọng tài thương mại quốc tế trực tuyến

Như đã nói ở trên, toàn bộ các giao dịch của các bên trong hợp đồng thương mại đều sẽ được đi qua Trung tâm trọng tài quốc tế trực tuyến để xử lý thông tin. Nội dung hợp đồng và các thông tin khác có liên quan sẽ được lưu trữ và quản lý, thông tin được mã hoá để đảm bảo không có sự tấn công phá hoại. Trong trường hợp có những mầm mống xẩy ra tranh chấp thì các bên có thể truy nhập vào hệ thống của Trung tâm trọng tài thương mại quốc tế để xem lại các nội dung hợp đồng mà họ ký kết, cũng như có thể yêu cần Trung tâm trọng tài quốc tế trực tuyến can thiệp.

Trong trường hợp hai bên không thể giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hoà giải, thương lượng thông thường thì có thể đề nghị Toà trọng tài trong Trung tâm trọng tài thương mại quốc tế trực tuyến đứng ra giải quyết tranh chấp giữa các bên. Tức là họ cùng đi đến thoả thuận trọng tài trực tuyến và chấp nhận thủ tục tố tụng trọng tài mà Toà trọng tài thương mại quốc tế trực tuyến đưa ra.

Trên thế giới, một số nước, ví dụ như Mỹ và hà Lan đã cho phép các bên đâm đơn kiện qua mạng Internet. Việc đâm đơn kiện qua mạng như thế sẽ giảm thiểu được những chi phí và thời gian không cần thiết để các trọng tài viên có thể đi vào giải quyết thực chất vấn đề. Tuy nhiên chưa có một toà trọng tài nào lại đứng ra làm chức năng của một cơ quan chứng thực quốc tế, đồng thời lại kiêm thêm chức năng trợ giúp ký kết hợp đồng thương mại và kết nối thông tin như đã nói ở trên. Hơn nữa, thủ tục tố tụng trọng tài đối với các toà trọng tài chấp nhận đâm đơn kiện quan mạng Internet vẫn chưa xoá bỏ được phiên họp thực chất để giải quyết vụ việc, mà những phiên họp như thế khá tốn kém đối với các bên, chẳng hạn như các chi phí: chi phí đi lại, nghỉ ngơi, ăn uống.

Việc đề xuất ra phiên họp giải quyết tranh chấp trực tuyến là rất hay và chắc chắn sẽ nhận được sự hưởng ứng của các bên trong Hợp đồng. Thêm vào đó các tình tiết của tranh chấp đã được đưa lên mạng, toàn bộ các thông tin về Hợp đồng, các giao dịch, về vấn đề quản lý hàng hoá, các bên trung gian.. tất cả đều đã được thể hiện trên mạng mà các bên có thể đăng nhập để vào nghiên cứu hồ sơ.

Phiên họp vẫn diễn ra bình thường như đối với phiên họp thực chất. Chỉ khác điều là các bên có thể sử dụng các công cụ CNTT để việc giải quyết này sẽ được giải quyết trực tuyến. Các bên có thể thống nhất thời gian, địa điểm , phương tiện kỹ thuật, và thậm chí là một bên thứ 3 giám sát, bên thứ 3 này thâm chí cũng có thể là một chi nhánh hoặc văn phòng đại diện của Trung tâm trong tài thương mại quôc tế trực tuyến tại quốc gia đó.

Kết luận:

Trong bối cảnh mà toàn cầu hoá đang là xu thế, là dòng chảy của thời đại, đồng thời công nghệ thông tin đang ngày càng làm thay đổi cuộc sống của chúng ta, trong đó có thương mại quốc tế, thì vấn đề xây dựng một cơ chế giải quyết tranh chấp linh hoạt, có khả năng công nghệ, thích ứng với sự phát triển của công nghệ và góp phần tích cực vào việc sự phát triển và thay đổi chung đó là hết sức cần thiết.

Mong muốn của người viết bài luận nhỏ này là Xây dựng một Trung tâm trọng tài thương mại quốc tế, cơ quan vừa có khả năng chứng thực các giao dịch quốc tế, cơ quan hỗ trợ các bên trong hợp đồng và kết nối thông tin quốc tế, và cuối cùng là cơ quan đứng ra giải quyết tranh chấp thương mại giữa các bên.

Mong muốn đó không phải là xa vời, vì thực tế trên thế giới đã có nhiều nước ứng dụng CNTT vào Toà trọng tài. Tuy nhiên chưa có Toà nào đi xa hơn với mong muốn còn là cơ quan đóng góp tích cực vào sự thay đổi vừa mang tính cơ bản, và mang tính cách mạng như đề xuất của người viết bài này. Tôi hy vọng là đề xuất một Trung tâm trọng tài quốc tế trực tuyến với các nội dung như trên sẽ tạo được bước ngoặt mới trong hoạt động của các Tòa trọng tài hiện thời, cũng như sẽ là một đóng góp quang trọng đối với các lĩnh vực: luật pháp, thương mại, giải quyết tranh chấp…và xa hơn đó là gắn kết các phần trên thế giới thành một thể thống nhất.

SOURCE: DIỄN ĐÀN CÁC DOANH NGHIỆP VIỆT NAM

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :