TRANH CHẤP VỀ TÀI SẢN LÀ VỐN GÓP VÀO DOANH NGHIỆP: ĐÃ BÁN … LẠI ĐÒI LẠI

TCty Vật tư nông nghiệp Việt Nam (TCty VTNN) đã góp vốn với 4 cổ đông khác thành lập Cty CP Vinacam để hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực VTNN. Hoạt động được một thời gian, TCty đã bán hết cổ phần cho các cổ đông sáng lập. Nhưng gần đây, TCty này quay lại đòi “tiếp nhận lại” một phần tài sản đã góp!?… Theo đề án được phê duyệt, TCty góp 12,5 tỷ đồng, chiếm 36,76% vốn điều lệ. Nguồn vốn góp bằng giá trị nhà 28 Mạc Đĩnh Chi và các tài sản, BĐS khác của TCty hiện chi nhánh TP HCM đang quản lý sử dụng. Trong đó, có quyết định bàn giao nhà số 28 Mạc Đĩnh Chi, Q 1, TP HCM (được định giá góp vốn 3,991 tỷ – giá trị thẩm định lại của Trung tâm thẩm định giá Bộ Tài chính là 3,595 tỷ) và nội dung biên bản là cơ sở để Cty Vinacam kê khai nhập tài sản và đăng ký làm thủ tục chuyển quyền sở hữu đối với các tài sản theo quy định của pháp luật. Kể từ ngày bàn giao, TCty từ bỏ mọi quyền và lợi ích có liên quan đến tài sản đã bàn giao. Kẻ bán, người đòi Nhưng chỉ hơn 4 tháng sau, TCty có văn bản gửi Vinacam đề nghị chấp thuận cho chuyển nhượng 125.000 CP (mệnh giá 100.000 đồng/CP) tương đương với 12,5 tỷ cho các cổ đông của Vinacam. Trên cơ sở này, Vinacam đã tổ chức Đại hội cổ đông bất thường, đồng ý để TCty nhượng bán tối đa là 108.000 CP, phần còn lại 17.000 CP (tương đương 5% vốn điều lệ) được quyền bán tiếp trong năm 2006 nếu có nhu cầu. Toàn bộ số cổ phiếu này được coi là “cổ phiếu quỹ” của Vinacam.   Tuy nhiên, đùng một cái ngày 8/5/2008 quyền TGĐ TCty lại có Văn bản số 85/VTNN gửi Vinacam yêu cầu “tiếp nhận lại 2 tầng tòa nhà 28 Mạc Đĩnh Chi”. Như vậy, sau khi từ bỏ toàn bộ quyền, lợi ích và bán hết cổ phần của mình nhưng TCty đã đi đòi lại (?!). Ai “vi phạm pháp luật”? Vụ việc chỉ là tranh chấp dân sự giữa 2 DN có thể giải quyết đơn giản theo Luật DN. Thế nhưng vấn đề trở nên phức tạp khi Thứ trưởng Bộ NN PTNT Diệp Kỉnh Tần ký tiếp Công văn số 1799/BNN-ĐMDN (ngày 26/6/2008) gửi cơ quan quản lý kinh doanh nhà TP HCM yêu cầu hủy hợp đồng thuê nhà số 28 MĐC với Vinacam, khôi phục hợp đồng thuê với TCty với  lý do TCT đã “… bán  phần  vốn  nhà  nước  không thông qua đấu  giá  là  vi phạm  pháp  luật”. Tuy nhiên, ngay trong văn bản bàn giao tài sản giữa TCty với Vinacam đã khẳng định từ bỏ mọi quyền lợi, lợi ích tại tòa nhà. Do đó, liệu với văn bản của Bộ NN PTNT còn phù hợp (?). Khi CPH TCty đã có phương án trình HĐQT, Ban TGĐ nhưng mãi  gần 3 năm sau mới “phát hiện” ra điều được coi là “vi phạm pháp luật” này? Về việc bán phần vốn nhà nước tại DN, theo Thông tư số 33/2005/TT-BTC ngày 29/4/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều tại quy chế quản lý tài chính của Cty nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào DN khác (Nghị định số 199/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ), tại chương 3 khoản 1.3 phần a quy định: bán cổ phần nhà nước tại Cty CP thực hiện theo quy định như bán cổ phần lần đầu khi DN nhà nước cổ phần hoá (Phần B mục V Thông tư số 126/2004/TT-BTC ngày 24/12/2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 187/2004/NĐCP ngày 16/11/2004 của CP về chuyển Cty nhà nước thành Cty cổ phần). Như vậy, đối tượng áp dụng cho phần vốn nhà nước ở đây là “Những Cty nhà nước được cổ phần hoá”. Trường hợp Cty CP như Vinacam sẽ được áp dụng theo khoản 1.3 phần b: DN khác “Người đại diện phần vốn nhà nước tại DN khác xây dựng phương án bán, đề xuất ra bán trình đại diện chủ sở hữu vốn quyết định”. Theo Luật DN, khi bán cổ phần trong thời hạn 3 năm đầu, cổ đông sáng lập nhất thiết phải tuân thủ quy định của Luật DN và điều lệ của Cty. Thời điểm tháng 9/2005, TCty bán cổ phần tại Vinacam sẽ chịu sự điều tiết của Luật DN số 13/1999QH10 ngày 12/6/1999 và Điều lệ Vinacam. Đề nghị thanh tra Trước phản ứng của Vinacam cùng dư luận xã hội, ngày 9/10/2008, Bộ NN PTNT có Văn bản số 5923/BNN-VP vẫn giữ nguyên quan điểm về việc bán phần vốn nhà nước không thông qua đấu giá là vi phạm pháp luật. Đồng thời, cho rằng việc ông Vũ Duy Hải – Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Vinacam, người đại diện vốn nhà nước tại Cty đã tự ý ký công văn số 171/CN05, ngày 20/10/2005 đề nghị Cty QLKDN chuyển chủ thể hợp đồng thuê nhà số 28 Mạc Đĩnh Chi từ CN TCty sang Vinacam với lý do là tiến hành thủ tục giải thể CN theo quy định. Tuy nhiên, việc làm này là sau khi Vinacam đã chính thức CPH và TCty có văn bản chuyển giao tài sản! Trước những vướng mắc này, cổ đông cùng lãnh đạo Vinacam đã chính thức có đề nghị cần phải được thanh tra vào cuộc để làm rõ quá trình góp vốn thành lập, bán cổ phần của TCty tại Vinacam, từ đó có kết luận rõ đúng, sai, hướng giải quyết nhằm bảo vệ quyền lợi của Nhà nước cũng như các cổ đông của Vinacam. * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * * LS Nguyễn Thanh Ba – Cty Luật hợp danh Sao Mai: Không có cơ sở pháp lý để đòi nhà! Không thể dựa vào việc “thiếu kinh nghiệm” trong CPH để đòi hỏi Vinacam chuyển giao 2 tầng nhà này (ngoại trừ trường hợp khi Vinacam là Cty con của TCty) vì khi góp vốn TCty đã có quyết định góp vốn và bàn giao tài sản cho Vinacam với nội dung rất cụ thể “…Kể từ ngày bàn giao, TCty từ bỏ các quyền và lợi ích liên quan đến tài sản đã bàn giao…”. Như vậy các “quyền” về tài sản góp vốn của TCty đã mặc nhiên được chuyển sang cho Vinacam theo đúng điều 29-30 Luật DN, kể từ sau thời điểm này TCty chỉ còn quyền và nghĩa vụ cổ đông tại Vinacam. Cũng không thể viện lý do “Bán phần vốn nhà nước không thông qua đấu giá” để xem xét lại việc này vì Vinacam là đơn vị được thành lập và hoạt động theo Luật DN nên trong 3 năm đầu các cổ đông sáng lập muốn chuyển nhượng CP nhất thiết phải tuân thủ điều 58 Luật DN và điều 9 Tiết 4 Điều lệ Vinacam (TCty bán CP tại Vinacam vào tháng 9/2005, luật điều tiết là Luật số 13/1999 QH10) Cụ thể là: “… Trong 3 năm đầu kể từ ngày Cty được cấp Giấy phép ĐKKD… cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập có thể chuyển nhượng… nếu được sự chấp thuận của Đại hội cổ đông. Cổ đông dự định chuyển nhượng cổ phần không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng các cổ phần đó”. Các hạn chế trên đồng nghĩa với việc TCty không thể thực hiện “đấu giá” khi không được Đại hội cổ đông Vinacam chấp thuận. TCty chỉ có 2 lựa chọn: Một là quyết định bán theo đúng nội dung quyết nghị của Đại hội cổ đông Vinacam; Hai là không bán theo quyết nghị thì phải chờ 3 năm sau khi không còn bị “hạn chế” theo luật định và điều lệ Vinacam mới có thể tự quyết định phương thức bán. Tóm lại TCty đã bán hết cổ phần tại Vinacam thì quyền và nghĩa vụ Cổ đông của TCty chấm dứt. Luật sư Nguyễn Văn Chiến – Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội: Phải khẳng định việc định giá tài sản, ban hành quyết định góp vốn và bàn giao tài sản để thành lập Vinacam của Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc TCty là phù hợp các quy định của Luật Doanh nghiệp 1999, Nghị định số 199/2004/NĐ-CP, và Thông tư số 33/2005/TT-BTC. Các quyết định góp vốn và Bản định giá tài sản góp vốn của TCty được các sáng lập viên đồng thuận là cơ sở để Sở KH&ĐT TP.HCM cấp Giấy Chứng nhận ĐKKD cho Vinacam. Chúng tôi cho rằng việc TCty đòi Vinacam chuyển giao 02 tầng lầu tòa nhà 28 Mạc Đĩnh Chi theo “chỉ đạo” của Bộ NN& PTNT và Bộ NN&PTNT có Công văn số 1799/BNN-ĐMDN ngày 26/6/2008 yêu cầu Cty QL Nhà hủy bỏ hợp đồng thuê nhà của Vinacam tại 28 Mạc Đĩnh Chi, đồng thời khôi phục hợp đồng thuê nhà với Tổng Cty với lý do “việc bán cổ phần của Tổng CTy tại Vinacam không thông qua đấu giá là vi phạm pháp luật” là không có căn cứ pháp lý chấp nhận. Thứ nhất, trong quá trình thành lập Vinacam, TCty đã ban hành QĐ góp vốn và bàn giao tài sản cho Vinacam rất cụ thể “…Kể từ ngày bàn giao,TCty từ bỏ các quyền và lợi ích liên quan đến tài sản đã bàn giao…” Như vậy theo Điều 22 và Điều 23 (LDN1999), Điều 177 Bộ Luật Dân sự 2000“Quyền sở hữu chấm dứt trong trường hợp chủ sở hữu chuyển quyền sở hữu của mình cho người khác”, thì các “quyền” về tài sản góp vốn của TCty đã được chuyển giao sang cho Vinacam. Kể từ sau thời điểm này TCty chỉ còn quyền và nghĩa vụ của cổ đông tại Vinacam chứ không còn quyền sở hữu tài sản (ngay cả trong trường hợp TCty còn nắm giữ cổ phần (thậm chí có cổ phần chi phối) tại Vinacam) – Trường hợp này chỉ có thể xảy ra khi Vinacam là Cty con của TCty. Thứ hai, đối với việc chuyển nhượng cổ phần: Vì Vinacam là pháp nhân được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nên việc chuyển nhượng cổ phần tại Vinacam phải được thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Điều lệ Vinacam và các quy định của Pháp luật có liên quan. Theo Luật Doanh nghiệp (TCty bán cổ phần tại Vinacam vào tháng 9/2005, luật điều chỉnh là Luật số 13/1999 QH10), trong 3 năm đầu, các cổ đông sáng lập muốn chuyển nhượng CP nhất thiết phải tuân thủ Điều 58 và Điều 9 Tiết 4 Điều lệ Vinacam. Cụ thể:“…Trong 3 năm đầu kể từ ngày Công ty được cấp Giấy chứng nhận ĐKKD… cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập có thể chuyển nhượng… nếu được sự chấp thuận của Đại hội Cổ đông. Cổ đông dự định chuyển nhượng cổ phần không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng các cổ phần đó”. Các hạn chế trên đồng nghĩa với việc TCty không thể thực hiện “Đấu giá” khi không được Đại hội Cổ đông Vinacam chấp thuận. TCty chỉ có 2 lựa chọn: Một là quyết định bán theo đúng nội dung quyết nghị của Đại hội Cổ đông Vinacam ; Hai là không bán theo quyết nghị thì phải chờ 3 năm sau khi không còn bị “Hạn chế” mới có thể tự quyết định phương thức bán. Vì các căn cứ trên, không thể viện lý do TCty bán phần vốn nhà nước “Không thông qua đấu giá” để đòi lại tài sản là cổ phần của TCty đã bán hết tại Vinacam. Về yêu cầu hủy Hợp đồng thuê nhà 28 Mạc Đĩnh Chi với Vinacam, khôi phục HĐ thuê nhà với TCty: Trước khi TCty đầu tư xây dựng lại nhà 28 Mạc Đĩnh Chi bằng nguồn vốn tự bổ sung thì căn nhà cũ do Cty QLKD Nhà quản lý đã tự đổ sập (Có xác nhận của Cty QLKDN). Khi đó Hợp đồng số 105 ngày 29/12/2000 giữa Cty QLKDN và Chi nhánh TCTy tại TP.HCM trước đây đương nhiên vô hiệu. Quyền quản lý ngôi nhà số 28 Mạc Đĩnh Chi của Cty QLKD Nhà chấm dứt (Điều 29 Khoản 2 Pháp lệnh nhà ở 1991: “Hợp đồng thuê nhà mặc nhiên chấm dứt khi nhà cho thuê bị tiêu hủy”, Điều 488.4 Bộ luật DS 1995: “Tài sản thuê không còn”, Điều 498.2: “Nhà cho thuê không còn”). Như vậy sau khi Vinacam được thành lập, Cty QLKD Nhà vẫn ký hợp đồng cho Vinacam thuê “theo hiện trạng cũ” là không phù hợp pháp luật, giao kết mặc nhiên vô hiệu do đối tượng của hợp đồng là “Nhà” không còn. Lẽ ra trong trường hợp này Cty QLKD Nhà phải báo cáo UBND TP.HCM để làm thủ tục cho Vinacam thuê đất nhưng vì lý do nào đó mà Công ty QLKDNTP không muốn thay đổi chủ thể quản lý (?!) Từ vòng luẩn quẩn này, nếu đáp ứng yêu cầu của Bộ NN& PTNT cho TCty thuê thì sự việc càng rắc rối phức tạp hơn và hậu quả sẽ nghiêm trọng không chỉ tác động đến Vinacam mà còn ảnh hưởng không nhỏ và khó khắc phục về mặt quản lý Nhà nước đối với các cơ quan hữu quan có liên quan. Chúng tôi cũng đồng quan điểm như bình luận của ông Lê Đạt Chí (ĐH Kinh tế TP.HCM): việc bán cổ phần trước đây nếu gây thiệt hại cho TCty thì trách nhiệm thuộc về những người quản lý tài sản của TCty, sao Bộ NN không xem xét trách nhiệm của họ mà lại đẩy cho Vinacam phải chịu? Vinacam được thành lập theo Luật Doanh nghiệp, mọi hoạt động đều tuân thủ các quy định của pháp luật và bình đẳng với các thành phần kinh tế khác. Chúng tôi cho rằng trong vụ việc này nếu có tranh chấp giữa Vinacam và TCty thì là tranh chấp dân sự, được điều chỉnh bởi Luật Dân sự và các Quy phạm pháp luật khác có liên quan. Mọi biện pháp can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính vào mối quan hệ này đều trái luật và không có căn cứ thực hiện. Các cổ đông Vinacam có quyền được Pháp luật bảo vệ và lên tiếng nhằm ngăn chặn những việc làm trái pháp luật có nguy cơ gây thiệt hại cho họ và ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của Doanh nghiệp. Họ có quyền khởi kiện ra tòa Hành chính nếu Quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính của người có thẩm quyền trong Cơ quan quản lý nhà nước gây thiệt hại cho mình.  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật