TRANH CHẤP SỞ HỮU TRÍ TUỆ: ĐÒI TIỀN TỈ VÌ BỊ “CHÔM” BÀI PHỐI ÂM KARAOKE?

HỒNG TÚ Ngày 25-11 – 2009, TAND TP.HCM đã thụ lý vụ Công ty Cổ phần Dịch vụ Phú Nhuận (Maseco) kiện Công ty TNHH Thương mại-Dịch vụ-Sản xuất điện tử Cali và Công ty TNHH Thương mại-Dịch vụ Đông Hải. Maseco tỏ ra bức xúc vì cho rằng mình đã phải tốn rất nhiều công sức, chi phí để sáng tạo ra các sản phẩm phối âm MIDI từ các bài hát có sẵn. Theo đơn kiện, Maseco cho rằng Cali và Đông Hải đã xâm phạm quyền tác giả bài phối âm MIDI Karaoke của mình nên yêu cầu hai công ty trên chấm dứt hành vi xâm phạm, thu hồi toàn bộ số đĩa karaoke đã bán ra thị trường và xin lỗi công khai. Ngoài ra, Cali còn phải bồi thường hơn 8 tỉ đồng, Đông Hải bồi thường gần 4,5 tỉ đồng và thanh toán 380 triệu đồng tiền bản quyền cho Maseco. Sử dụng không xin phép? Maseco là nhà sản xuất đầu đĩa thương hiệu Arirang. Năm 2004, Maseco đã được Cục Bản quyền tác giả cấp giấy chứng nhận quyền tác giả cho bài phối âm Maseco Midi Vision từ Vol 1 đến Vol 36 với hơn 3.000 bài hát thể hiện dưới hình thức tập tin định dạng MIDI. Sự việc trở nên ầm ĩ khi Maseco gửi văn bản tới cơ quan chức năng tố cáo nhiều công ty, trong đó có Cali và Đông Hải đã tự ý sử dụng các sản phẩm phối âm MIDI Karaoke của Maseco để kinh doanh thu lợi. Maseco cũng gửi nhiều văn bản cho Cali và Đông Hải yêu cầu chấm dứt hành vi xâm phạm và thu hồi toàn bộ đĩa karaoke đã bán ra thị trường. Phúc đáp Maseco, Cali khẳng định mình chỉ có chức năng sản xuất các mặt hàng điện tử, không có chức năng sản xuất, phát hành, kinh doanh băng đĩa nên không liên quan gì. Cali chỉ thừa nhận trong quá trình bán các đầu máy karaoke sáu số mang nhãn hiệu California, có bán kèm đĩa nhạc mua lại từ Đông Hải.   Còn Đông Hải thì bảo việc tạo ra sản phẩm phối âm karaoke định dạng tập tin MIDI dựa trên các bài hát có sẵn là khá đơn giản, chỉ cần một nhạc sĩ với một cây organ. Từ năm 2001 đến nay, Đông Hải đã tung ra thị trường gần 3.000 sản phẩm như thế, đều được cấp phép, tem lưu hành của Cục Nghệ thuật biểu diễn và Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch TP.HCM. Việc Maseco quy kết Đông Hải xâm phạm bản quyền là vội vàng bởi từ khi Maseco tố cáo đến nay vẫn chưa có cơ quan nào kết luận đúng sai. Nhờ tòa phân xử Không giải quyết xong, Maseco đã ủy quyền cho một công ty luật xúc tiến các thủ tục cần thiết để khởi kiện. Trong đơn khởi kiện, phía Maseco chỉ đích danh là Đông Hải sản xuất, phát hành trên thị trường đĩa DVD karaoke Vol 11 từ đầu năm nay. Trong đĩa DVD này có sử dụng trái phép các tác phẩm phối âm MIDI mà Maseco là chủ sở hữu quyền tác giả, tốn rất nhiều công sức, chi phí để sáng tạo ra từ các bài hát có sẵn. Về phần Cali, Maseco cho rằng Cali là doanh nghiệp sản xuất đầu máy DVD Karaoke chuyên dùng cho mục đích sử dụng đĩa MIDI Karaoke Vol 11 của Đông Hải sản xuất, phát hành và đã thu được rất nhiều lợi nhuận. Trong đầu đĩa DVD của Cali có các tác phẩm mà Maseco là chủ sở hữu quyền tác giả hợp pháp. Hành vi phân phối đĩa DVD Midi Karaoke của Cali đã trực tiếp xâm phạm đến quyền phân phối tác phẩm của Maseco, vốn được Luật Sở hữu trí tuệ bảo vệ.
Tiến sĩ luật Lê Nết: Phải được chủ tác phẩm gốc cho phép Pháp luật đã quy định người nào sáng tạo ra tác phẩm thì người đó là tác giả của tác phẩm và được pháp luật bảo vệ quyền tác giả. Bên cạnh những tác phẩm nguyên bản (tác phẩm gốc) còn có các tác phẩm phái sinh (dịch, chuyển thể, cải biên, phóng tác… từ tác phẩm gốc). Nếu có sự cho phép của chủ sở hữu tác phẩm gốc thì ai sáng tạo ra một tác phẩm phái sinh là tác giả của tác phẩm phái sinh đó. Trong vụ kiện này, giấy chứng nhận quyền tác giả của Maseco có giá trị là chứng cứ nhưng cũng cần xác định rõ khi tiến hành phối âm các bài hát, phía Maseco đã có sự đồng ý của các chủ sở hữu các tác phẩm gốc hay chưa. Đây mới là điều quan trọng. Nếu Maseco đã được toàn bộ chủ sở hữu các tác phẩm gốc đồng ý thì Maseco là tác giả của các tác phẩm phái sinh. Pháp luật bảo hộ quyền tác giả này cho Maseco. Bất cứ ai khi sử dụng những tác phẩm này đều phải có sự đồng ý của Maseco, nếu không là vi phạm quyền tác giả. Còn nếu như Maseco chưa có sự đồng ý của chủ sở hữu các bài hát gốc được phối âm thì chính Maseco là người vi phạm quyền tác giả. Lúc này chỉ có chủ sở hữu của các bài hát gốc mới có quyền kiện chứ Maseco không thể là “người vi phạm đi kiện người vi phạm”. Chúng ta cũng không loại trừ trường hợp Đông Hải tự phối âm các bài hát trên theo sự cho phép của các chủ sở hữu tác phẩm gốc. Nếu như có sự giống nhau với những bài phối âm của Maseco thì đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Tranh chấp sẽ được giải quyết nếu bên nào chứng minh được tác phẩm của bên kia là sự sao chép toàn bộ hay phần lớn tác phẩm của mình. Và trong mọi trường hợp, nếu chưa có sự đồng ý của chủ sở hữu bài hát gốc mà công ty nào sử dụng bài hát để phối âm thì công ty đó vi phạm quyền tác giả.

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật