TRANH CHẤP HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH: QUYỀN TRỰC TIẾP NUÔI CON THUỘC VỀ AI, SAU KHI CHA MẸ LY HÔN?

MINH TÂM TUỔI TRẺ -  Ly hôn, mẹ muốn nuôi con, cha cũng muốn nuôi con. Trong cuộc giành nhau quyền được nuôi con này, đứa bé dù được cả cha lẫn mẹ thương yêu, rốt cuộc là người gánh chịu thiệt thòi. Năm 2000, chị Cẩm Xuân cùng anh Minh Mẫn tổ chức lễ cưới. Sống với nhau được bốn tháng, vợ chồng lục đục. Năm 2001, bé Duyên ra đời, tưởng hạnh phúc sẽ bồi đắp lại nhưng không ngờ mâu thuẫn vẫn gay gắt nên khi bé Duyên được 50 ngày tuổi, chị Xuân bồng con về nhà cha mẹ ruột. Chỉ sau đó mấy ngày, anh Mẫn đến bắt con về nuôi. Thấy không thể tiếp tục sống cùng nhau nên chị Xuân đâm đơn ly hôn. TAND huyện Vị Thủy, Hậu Giang xử ly hôn, tuyên giao con cho anh Mẫn nuôi dưỡng và chị Xuân được quyền thăm nom con. Chị Xuân kháng cáo. Tháng 2-2004, TAND tỉnh Hậu Giang xử phúc thẩm, tuyên ngược lại, cho chị Xuân được quyền nuôi con. Cơ quan thi hành án huyện Vị Thủy và các ban ngành đoàn thể nhiều lần đến giải thích, nhưng anh Mẫn vẫn không chấp hành, không giao con cho chị Xuân. Khi đội thi hành án đến tiến hành cưỡng chế, anh Mẫn đem bé Duyên đi giấu. Cuối cùng phải dùng đến Bộ luật hình sự để giải quyết.   Tòa phạt anh Mẫn 6 tháng tù treo về tội không chấp hành án. Sau đó, cơ quan thi hành án tiếp tục cưỡng chế nhưng vẫn không thi hành được bản án. Ngày 17-3-2006, TAND tỉnh Hậu Giang đưa bị cáo Mẫn ra xét xử lần hai về tội không chấp hành án. Tổng hợp hình phạt là 12 tháng tù giam. Ra tù, anh Mẫn vẫn không giao con. 1. Nỗi đau của người mẹ Người mẹ đáng thương tuôn nước mắt như lũ đầu mùa khi nhắc đến con. Chị kể khi mẹ chồng và chồng xộc thẳng vào nhà ôm đứa con còn đỏ hỏn chạy đi, chị vừa la làng, vừa bò lê bò càng đuổi theo, đến bến sông thấy chồng nhảy lên xuồng chèo đi, chị ngất xỉu bởi biết mình có thể mất con vĩnh viễn. Để rồi từ đó đêm đêm nghe tiếng hàng xóm ru con, hai hàng nước mắt tuôn ròng ròng. Mỗi lần bầu sữa mẹ căng lên, nặn sữa bỏ đi, lòng đau như dao cắt nghĩ chắc con đang đói sữa khóc thét. Nghe tòa tuyên được quyền nuôi con, chị mừng như được tái sinh, nhưng chồng không chấp hành lệnh, trong khi đợi pháp luật thực thi, nhớ con quay quắt chị tìm đến thăm nhưng lần nào cũng bị bên chồng chửi rủa, không cho vào nhà, thậm chí hành hung. Nói đến đây, chị nấc lên: “Con mình đứt ruột đẻ ra, không được ôm ấp, ẵm bồng như bao người mẹ khác. Đau lắm!”. Cứ thế ngần ấy năm đằng đẵng, chị sống trong chờ đợi, hi vọng, thất vọng đan xen. Chị nói mỗi lần lễ, tết, thấy những người mẹ dắt con đi chơi mà mình không được như vậy, tim đau dữ lắm. Đêm ngủ cứ mơ nhìn thấy con từ xa xa, nét mặt, hình dáng con rõ ràng đó, nhưng cứ hễ đi tới là con cứ như lùi dần, lùi dần, không thể ôm con được. Tỉnh dậy, cả người mồ hôi đầm đìa. Rồi buổi sáng đầu tháng bảy năm ngoái, biết con mình sẽ theo bà nội đi chợ, chị đứng rình, thấy con đứng một mình, chị chạy ào đến ôm con vào lòng: “Mẹ là mẹ ruột của con đây!” nhưng đứa trẻ vùng ra, nhìn chị sợ sệt: “Bà không phải là mẹ ruột của tui, mẹ của tui bị khùng, chết rồi mà”. Giây phút đó tim chị như đông cứng lại, có một luồng điện chạy lên thấu buốt tận óc, đau đớn, chấn động và bàng hoàng. Mẹ chị Xuân khóc ròng, kể: “Chịu không nổi cảnh đau đớn con ở rất gần mà không thể thổ lộ tình mẫu tử, nên nó lên Bình Dương may gia công”. 2. Sự quyết liệt của người cha Khi tôi đến gia đình anh Mẫn, cũng vừa lúc bé Duyên đi học về, đứa trẻ khá xinh, có vẻ hiếu động. Anh Mẫn nói rõ lý do không chịu giao con cho vợ: “Cô ấy không xứng là mẹ, từ ngày đó đến nay cô ấy không một lần đến thăm con. Tệ hơn là cô ấy đã có chồng khác cách đây bốn năm rồi. Cô ấy lại không nghề nghiệp, sống nhờ vào mẹ của mình làm sao nuôi nổi con. Còn tôi có nghề mua bán vịt, dư sức lo cho con. Giờ ngay cả đứa con cũng biết cô ấy là người như thế nào, mỗi khi nghe nhắc đến mẹ là nó sợ đến đỗi lên cơn co giật, động kinh ngay tức khắc”. Rồi anh quay sang bé Duyên hỏi: “Con muốn ở với mẹ không?”. Nghe nhắc đến mẹ, dường như động đến điều gì kinh hãi lắm, Duyên hốt hoảng ôm chặt lấy cha khóc lớn: “Con chỉ muốn ở với ba thôi”. Tôi ngạc nhiên hỏi: “Bé Duyên mới bảy tuổi, chưa gặp mẹ lần nào, nguyên cớ gì lại sợ mẹ đến đỗi như thế?”. Anh Mẫn đáp ngay: “Con nít coi vậy chứ tinh lắm. Người lớn làm gì trẻ con cũng biết, lời nói của trẻ thơ lúc nào cũng là sự thật!”. Rồi anh tiếp bằng giọng rất quyết liệt: “Tôi quyết ở vậy nuôi con. Vì con tôi sẵn sàng đi tù tiếp chứ nhất quyết không giao cho mẹ nó. Nếu đội thi hành án đến tôi cũng trả lời như vậy. Bé Duyên ở với tôi đã bảy năm rồi, nội và mấy chú đều mến tay mến chân. Vả lại cha thương con là đúng đạo lý, không ai có quyền chia cắt tình phụ tử cả”. 3. Và đứa trẻ Ông Phạm Ngọc Hưởng, đội trưởng đội thi hành án huyện Vị Thủy, cho biết: “Chuyện cưỡng chế rất khó bởi đứa trẻ không giống tài sản như nhà cửa, xe cộ. Nếu giành giật đứa trẻ từ tay cha trao cho mẹ, sợ sau này đứa trẻ sẽ bị tổn thương”. Ông Đoàn Thạch Liệp – chủ tịch thị trấn Nàng Mau – bức xúc: “Anh Mẫn tính khí cố chấp, ngang tàng, đã không chấp hành luật còn ngăn không cho mẹ gặp con, mỗi lần chị Xuân đến thăm con, gia đình anh Mẫn cấm cản. Con người ta mang nặng đẻ đau, nỡ nào cấm mẹ gặp con, nỡ nào tước đi quyền làm mẹ, làm như thế tội nghiệp người mẹ và cả đứa con”. Trong khi cả hai bên đều khẳng định rằng đứa con không được gặp mẹ, thế tại sao bé Duyên lại tỏ ra hoảng sợ khi nghe nhắc đến mẹ? Điều đó làm tôi suy nghĩ mãi. Trẻ thơ như tờ giấy trắng, phải chăng bé đã bị người lớn tác động? Cách đây một tuần tôi điện thoại hỏi thăm, chị Xuân cho biết chị vẫn chưa được giao con. Thời gian bé Duyên được sống trong một gia đình đầy đủ chỉ có 50 ngày, sau đó là cuộc giành giật giữa hai vòng tay. Trong khi hạnh phúc của chính đứa trẻ cũng là quan trọng, ngoài bàn tay bảo vệ của cha, bé còn cần lắm vòng tay ấm áp của mẹ…

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật