TRANH CHẤP BIỂN ĐÔNG VÀ VAI TRÒ CỦA LIÊN HỢP QUỐC

  • Bài viết
  • 22 tháng 5, 2011
  • 401 lượt xem
  • 0 bình luận

Với Việt Nam, quốc tế hoá tranh chấp – mà một trong những cách quan trọng là đưa ra LHQ – là cần thiết để đương đầu với chiến lược và chủ trương của Trung Quốc. Nó cũng vận động được sự tham gia các nước muốn bảo vệ quyền lợi của họ trước đe doạ từ ranh giới lưỡi bò – vốn cũng là một đe dọa rất lớn đối với Việt Nam.

Ngày 10/3/2009, Tổng thống Philippines ký ban hành Luật Cộng hoà 9522 về đường cơ sở – một ranh giới biển có ý nghĩa gần như biên giới trên bộ [1]. Luật này không đưa Trường Sa của Việt Nam vào bên trong đường cơ sở, nhưng đưa phần lớn các đảo Trường Sa vào quy chế đảo của Philippines.

Trước đó, vào ngày 18/2/2009, sau khi Quốc hội Philippines phê chuẩn luật này, Trung Quốc đã phản đối Philippines, đồng thời khẳng định yêu sách của Trung Quốc đối với các đảo này. Ngày 19/02/2009, Việt Nam phản đối Philippines, tái khẳng định chủ quyền đối với Trường Sa và nhấn mạnh quan điểm của Việt Nam về cách giải quyết tranh chấp. Đáp lại phản đối từ Trung Quốc và Việt Nam, Philippines đề nghị đưa tranh chấp ra Liên hiệp quốc (LHQ).

Trung Quốc luôn luôn phản đối việc quốc tế hoá và chỉ chấp nhận đàm phán song phương cho các tranh chấp trên Biển Đông. Việc áp dụng đàm phán song phương cho các tranh chấp đa phương là một điều bất hợp lý, khó mang lại sự công bằng cho các bên. Rõ ràng, mục đích của đòi hỏi đàm phán song phương là chiến lược bẻ đũa từng chiếc, và mục đích của đòi hỏi không quốc tế hoá tranh chấp là đối phó với các nước yếu hơn. Thêm nữa, yêu sách của Trung Quốc về ranh giới lưỡi bò ảnh hưởng quyền lợi của tất cả các nước trên thế giới, nên quốc tế hoá tranh chấp là điều bất lợi cho Trung Quốc.

Năm 1932, khi Pháp đề nghị đưa tranh chấp Hoàng Sa ra Toà án Quốc tế, Trung Quốc đã từ chối. Khi Trung Quốc chiếm một số đảo Trường Sa của Việt Nam vào năm 1988 và Việt Nam cố gắng đưa tranh chấp ra Hội đồng Bảo an, Trung Quốc đã dùng vị trí thành viên thường trực để cản trở mọi sáng kiến của Hội đồng[2].

Đối với Việt Nam, quốc tế hoá tranh chấp -mà một trong những cách quan trọng là đưa ra LHQ – là cần thiết để đương đầu với chiến lược và chủ trương của Trung Quốc. Nó cũng vận động được sự tham gia các nước muốn bảo vệ quyền lợi của họ trước đe doạ từ ranh giới lưỡi bò – vốn cũng là một đe dọa rất lớn đối với Việt Nam.

Đề nghị của Philippines về việc đưa tranh chấp ra LHQ là một cơ hội tốt cho Việt Nam nhằm quốc tế hoá tranh chấp. Xác suất việc Việt Nam chấp nhận đề nghị của Philippines “làm tổn hại quan hệ Việt-Trung” sẽ thấp hơn nếu như Việt Nam đề nghị điều này. Do vậy, Việt Nam nên chấp nhận đề nghị của Philippines[3].

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ phân tích những cơ chế mà LHQ có thể can thiệp, và sau đó là những nguyên tắc mà Việt Nam và các nước ASEAN cần hướng đến và cần các thiết chế của LHQ hỗ trợ.

1. Các cơ chế của LHQ liên quan đến tranh chấp

Đại hội đồng LHQ

Các nước trong tranh chấp có thể đưa tranh chấp ra Đại hội đồng LHQ để thảo luận. Tuy nhiên, phần lớn các nước trên thế giới đều trung lập về vấn đề chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa nên Đại hội đồng LHQ khó có thể ra một nghị quyết có lợi cho chủ quyền Việt Nam. Thêm vào đó, Đại hội đồng LHQ không có thẩm quyền để phân xử tranh chấp lãnh thổ – chỉ có cơ quan xét xử của LHQ, tức Toà án Công lý Quốc tế, mới có thẩm quyền này.

Vì thảo luận trước Đại hội đồng LHQ không có khả năng giải quyết tranh chấp chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa, Việt Nam và các nước ASEAN nên dùng thảo luận này để tranh thủ sự ủng hộ của thế giới cho những mục tiêu giới hạn hơn nhưng cần thiết cho mình.

Một uỷ ban ad hoc (vụ việc) về tranh chấp Biển Đông

Việt Nam và các nước ASEAN nên yêu cầu LHQ thành lập một ủy ban ad hoc về tranh chấp Biển Đông. Trước tiên, Uỷ ban này có thể giám sát tình hình, điều phối các nước liên quan để tiến hành đàm phán nhằm giải quyết tranh chấp một cách công bằng và báo cáo với LHQ một cách trung lập. Hoạt động của Uỷ ban này có thể được triển khai dưới sự chấp nhận của các nước trong tranh chấp.

Toà án Công lý Quốc tế

Hiện nay, tranh chấp trên Biển Đông rất phức tạp, liên quan đến rất nhiều nước:

· Tranh chấp chủ quyền Hoàng Sa giữa Việt Nam và Trung Quốc, Đài Loan.

· Tranh chấp chủ quyền toàn bộ hay một phần Trường Sa giữa Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Malaysia và Brunei.

· Tranh chấp các vùng biển giữa Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Malaysia, Brunei và Indonesia.

Toà án Công lý Quốc tế (International Court of Justice – IJC) là cơ quan duy nhất của LHQ có thẩm quyền phán quyết về tranh chấp lãnh thổ. Điều kiện cần thiết để Tòa có thể giải quyết tranh chấp là tất cả các nước trong tranh chấp đồng ý đưa vụ việc ra Tòa giải quyết. Các nước liên quan đến tranh chấp Biển Đông chưa cùng đồng ý điều này.

Trung Quốc đã dù vũ lực để chiếm và đang chiếm giữ toàn bộ Hoàng Sa, một phần Trường Sa và dùng sức mạnh cương và nhu để củng cố cái gọi là chủ quyền của họ đối với khu vực tranh chấp này. Nếu để tình trạng này càng kéo dài thì càng bất lợi cho Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam phải thúc đẩy nghiên cứu về việc đưa tranh chấp ra Toà.

Ngoài việc phân xử tranh chấp, một quốc gia có thể yêu cầu Toà ra một ý kiến tư vấn (Advisory Opinion) mà không cần các nước khác trong tranh chấp đồng ý việc giải quyết này của Tòa. Ý kiến tư vấn của Toà không có tính ràng buộc nhưng là một tiếng nói mạnh mẽ. Việt Nam có thể dùng phương tiện này để góp phần bảo vệ chủ quyền của mình, đặc biệt là trong những lĩnh vực mà chúng ta có nhiều tin tưởng là Toà sẽ ra ý kiến tư vấn có lợi cho Việt Nam. Cơ chế giải quyết tranh chấp theo UNCLOS

Trong tranh chấp trên Biển Đông, “đường lưỡi bò” do Trung Quốc đòi hỏi không liên quan đến Hoàng Sa và Trường Sa. Nó vi phạm trầm trọng các quy định của UNCLOS về phân chia các vùng biển cho các nước. UNCLOS đã quy định nhiều cơ chế để giải quyết tranh chấp liên quan đến việc thực thi Công ước như: thông qua hòa giải, thông qua Tòa án Quốc tế về Luật Biển (International Tribunal on the Law of the Sea), Trọng tài, Trọng tài đặc biệt (theo quy định cụ thể của UNCLOS, đặc biệt là phần XV, Phụ lục V, VI, VII, VIII). Vì vậy, song song với việc đưa tranh chấp ra Tòa án Công lý Quốc tế, Việt Nam cũng nên nghiên cứu và xem xét việc đưa tranh chấp phân định vùng biển ra các cơ quan này.

2. Các mục tiêu cho Việt Nam và ASEAN

Bằng việc vận dụng các cơ chế nêu trên, Việt Nam cần hướng đến những giải pháp khả thi và có lợi cho Việt Nam và ASEAN như trình bày dưới đây.

Cấm các biện pháp dùng vũ lực

Hiện nay, quan hệ quốc tế đã bước sang kỷ nguyên văn minh, không còn thời mà nước lớn có thể dùng vũ lực để đánh nước nhỏ bất cứ khi nào họ muốn. Luật quốc tế hiện nay đã có nhiều văn bản quy định về việc cấm dùng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực. Việt Nam cần vận dụng các quy định này để bảo vệ cho mình. Hơn nữa, thông qua các thiết chế của Liên Hiệp Quốc, Việt Nam cần vận động sự quan tâm của dư luận, ủng hộ của quốc tế về vấn đề Biển Đông. Điều này sẽ tăng thêm áp lực cho Trung Quốc và từ đó giảm đi sự tùy tiện của họ trong hành động. Ngoài ra, các vấn đề gây căng thẳng hay các đụng độ trên Biển Đông (nếu có) cũng cần được công khai để tranh thủ sự tác động của công luận.

Yêu cầu tuân thủ UNCLOS

Vì ranh giới lưỡi bò của Trung Quốc đòi hỏi 75% Biển Đông, vi phạm UNCLOS nghiêm trọng, nên nếu tìm được một giải pháp buộc các nước liên quan phải tuân thủ UNCLOS thì điều đó sẽ góp phần chống lại việc Trung Quốc thực hiện ranh giới đó. Việc đạt được giải pháp này lại rất khả thi vì UNCLOS là một Công ước của LHQ mà 157 nước đã phê chuẩn hay ký kết, bao gồm tất cả các nước trong tranh chấp trên Biển Đông. Làm sáng tỏ và phản đối ranh giới lưỡi bò

Từ khi Trung Hoa Dân Quốc công bố ranh giới lưỡi bò vào năm 1947 cho tới nay, Trung Hoa Dân Quốc và Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa chưa bao giờ chính thức nói ý nghĩa của ranh giới đó là gì: Nó là ranh giới cho chủ quyền đối với các đảo hay cho cả chủ quyền đối với các vùng nước? Nếu cho cả chủ quyền đối với các vùng nước thì với tư cách gì: nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, biển lịch sử?

Tuy Trung Quốc đã có nhiều hành động thực tế bên trong ranh giới lưỡi bò, thí dụ như: khảo sát vùng James Shoal sát bờ biển Malaysia (năm 1983), ký hợp đồng khảo sát vùng Tư Chính của Việt Nam với Crestone (năm 1992), quy định là tất cả các bản đồ của Trung Quốc phải vẽ ranh giới lưỡi bò (năm 2006), cản trở hợp đồng của BP với Việt Nam trong vùng Nam Côn Sơn (năm 2007), cản trở hợp đồng của Exxon Mobil với Việt Nam (năm 2008), nhưng Trung Quốc chưa bao giờ chính thức nói ranh giới đó là gì.

Một số học giả Trung Quốc nói rằng ranh giới lưỡi bò là ranh giới biển lịch sử của Trung Quốc, Trung Quốc chưa bao giờ chính thức công nhận quan điểm đó. Bên cạnh đó biển lịch sử là một khái niệm không có trong UNCLOS – một Công ước mà TQ đã phê chuẩn.

Trung Quốc có đề cập tới cái gọi là chủ quyền lịch sử của họ ở Biển Đông hay cái gọi là chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa, Trường Sa và những vùng biển lân cận, Trung Quốc chưa bao giờ chính thức nói là phạm vi của những vùng biển đó là ranh giới lưỡi bò.

Chiến lược của Trung Quốc có thể là không chính thức tuyên bố ý nghĩa của ranh giới lưỡi bò để tránh sự phản đối, song song đó họ vẫn thực hiện những tuyên bố và hành động để củng cố cái gọi là chủ quyền của họ bên trong ranh giới này, để rồi sau này họ sẽ diễn dịch rằng việc không có nước nào phản đối ranh giới lưỡi bò có nghĩa là sự công nhận.

Vì vậy, Việt Nam và ASEAN cần tạo áp lực để Trung Quốc nói rõ về ranh giới lưỡi bò để tạo điều kiện cho các nước trên thế giới có phản ứng thích hợp. Đưa tranh chấp ra LHQ là cơ hội tốt để gây áp lực cho Trung Quốc làm điều này.

Xác định phạm vi vùng biển thuộc về các đảo bị tranh chấp

Tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa và bãi cạn Scarborough có hai yếu tố:

i. Tranh chấp chủ quyền đối với đảo.

ii. Tranh chấp do các vùng biển thuộc về các đảo này nằm chồng lấn lên vùng biển thuộc về các nước chung quanh các đảo.

Nguyên tắc thông thường là phải giải quyết xong tranh chấp (i) mới giải quyết được tranh chấp (ii). Tuy vậy, trên thực tế:

· Có ít hy vọng hay có nhiều khó khăn khi thông qua các cơ chế của LHQ để giải quyết được tranh chấp (i).

· Nếu có nước nào lợi dụng tranh chấp đảo để có yêu sách quá đáng đối với biển thì điều đó có thể đe doạ Việt Nam nhiều hơn cả tranh chấp (i). Trong khi đó, vùng biển thuộc về các đảo bị tranh chấp chưa bao giờ được xác định và đó là điều kiện tốt cho sự lợi dụng này.

· Việt Nam và Philippines hay bất cứ nước nào trong tranh chấp đều có thể yêu cầu Toà án Công lý Quốc tế ban một Ý kiến Tư vấn về phạm vi của các vùng biển thuộc về các đảo này.

· Toà án Công lý Quốc tế đã phán quyết rất nhiều lần về phạm vi của các vùng biển thuộc về đảo. Điều này có nghĩa là Toà có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này và rất có thể Toà sẽ phán quyết một cách phù hợp với những phán quyết trước đây, vốn được cho là chuẩn mực của sự công bằng trong việc phân định biển. Do đó có ít rủi ro là phán quyết của Toà sẽ không công bằng.

Phán quyết của Toà về phạm vi của các vùng biển thuộc về các đảo bị tranh chấp sẽ xác định vùng biển bị tranh chấp. Đó là bước tiên quyết để có giải pháp. Ngay cả khi chưa có giải pháp, việc xác định vùng biển đang trong vòng tranh chấp sẽ không cho phép các nước khác lợi dụng hiện trạng mà tranh giành những vùng biển của Việt Nam không thuộc về các đảo này.

Các đảo bị tranh chấp đều rất nhỏ, thí dụ như Phú Lâm, đảo lớn nhất ở Hoàng Sa, có diện tích khoảng 1,5 km² và Ba Bình, đảo lớn nhất ở Trường Sa, có diện tích gần 0,5 km². Khả năng cao là Toà sẽ cho mỗi đảo được đề cập tới cao hơn mức thuỷ triều cao lãnh hải 12 hải lý và một vùng đặc quyền kinh tế ra ngoài lãnh hải một vài hải lý là tối đa. Quan điểm này dựa trên các phán quyết trước đây của Toà và trên tập quán ngoại giao, thí dụ như sau.

Trong phiên toà phân xử ranh giới thềm lục địa giữa Anh và Pháp năm 1977, Toà phán quyết là về phía Tây và Bắc các đảo Channel Islands của Anh, thềm lục địa thuộc về các đảo này nằm trong những đường cung từ điểm 1 tới 12 cách đảo Guernsey (diện tích 78 km²) của Anh và các đảo trong cùng nhóm 12 hải lý[4].

Bản đồ  SEQ Bản_đồ * ARABIC 1: Ranh giới thềm lục địa Anh-Pháp[9].  Các đảo Channel Islands của Anh chỉ được Tòa cho lãnh hải và thềm lục địa ra tới 12 hải lý. Bên ngoài 12 hải lý, cho tới đường trung tuyến A-H, là thềm lục địa của Pháp.

Trong việc phân định thềm lục địa giữa Ý và Tunisia, hai nước này đồng ý là các đảo nhỏ của Ý, Pantelleria (83 km²), Linosa (5,4 km²), Lampedusa (21 km²), Lampione (1,2 km²), chỉ được thềm lục địa từ 12 đến 13 hải lý.

Bản đồ  SEQ Bản_đồ * ARABIC 2: Ranh giới thềm lục địa Ý-Tunisia. Các đảo nhỏ của Ý, diện tích từ 1,2 tới 83 km², chỉ được 12 hay 13 hải lý.

Nếu Toà khuyến nghị là mỗi đảo trong quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và bãi cạn Scarborough được hưởng vùng đặc quyền kinh tế phù hợp với các án lệ của Toà và với tập quán ngoại giao thì điều đó sẽ cản trở việc Trung Quốc tranh chấp vùng Nam Côn Sơn, Tư Chính và những vùng biển tương tự của Việt Nam[6]. 3. Những giải pháp lâm thời

Trong khi chờ đợi những giải quyết thông qua các cơ chế của LHQ, và vì rằng nếu được giải quyết bằng các cơ chế đó thì cũng sẽ khó có một giải pháp triệt để, Việt Nam và các nước ASEAN nên dùng cơ hội có trước LHQ để xây dựng sự ủng hộ cho một giải pháp lâm thời để bảo vệ phần lớn chủ quyền, an ninh của mình. Giải pháp này có thể có các nguyên tắc sau:

a. Không nước nào được khai thác hay khảo sát vùng biển thuộc về các đảo đang bị tranh chấp. Vùng biển này có thể được xác định bằng một Ý kiến Tư vấn của Toà. Bằng không, các nước trong tranh chấp có thể thoả thuận một phạm vi giữa 12 hải lý và 24 hải lý cho mỗi đảo. Mục đích của điều này là bảo lưu quyền lợi của nước có chủ quyền đối với đảo trong hiện trạng tranh chấp chưa được giải quyết.

b. Ngoại trừ các vùng biển trong điểm (a) nêu trên, mỗi nước trong tranh chấp có đặc quyền khai thác các vùng biển và thềm lục địa cách lãnh thổ không bị tranh chấp của mình dưới 200 hải lý. Các nước khác không được phản đối việc khai thác này. Mục đích của điều này là bảo đảm quyền mỗi nước có đối với vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý theo UNCLOS.

c. Ngoại trừ các vùng biển trong điểm (a) nêu trên, mỗi nước trong tranh chấp có đặc quyền khai thác thềm lục địa bên trong phạm vi được Uỷ ban Ranh giới Thềm lục địa công nhận. Các nước khác không được phản đối việc khai thác này. Mục đích của điều này là bảo đảm quyền mỗi nước có đối với thềm lục địa theo UNCLOS.

d. Trong trường hợp các vùng biển trong điểm (b) và (c) của các nước khác nhau nằm chồng lấn lên nhau, vùng chồng lấn phải được phân định một cách công bằng.

e. Khi nào vấn đề chủ quyền đối với đảo được giải quyết thì vùng biển trong điểm (a) của mỗi đảo sẽ thuộc về nước được cho là có chủ quyền đối với đảo đó.

Bản đồ  SEQ Bản_đồ * ARABIC 3: Giải pháp lâm thời cho tranh chấp Biển Đông so với ranh giới lưỡi bò của Trung Quốc.

Bản đồ 3 minh hoạ giải pháp lâm thời này với giả thuyết là mỗi đảo bị tranh chấp trên mức thuỷ triều cao có lãnh hải 12 hải lý nhưng không có vùng đặc quyền kinh tế ra xa hơn lãnh hải. Trên thực tế, các án lệ của Toà và tập quán ngoại giao cho thấy mỗi đảo này chỉ có thể có các vùng biển không hơn trong giả thuyết này nhiều.

Bản đồ này cho thấy chủ quyền của mỗi nước đối với vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý sẽ được bảo đảm. Chủ quyền của mỗi nước đối với thềm lục địa được Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa công nhận cũng sẽ được bảo đảm. Những điều này có nghĩa phần lớn quyền lợi theo UNCLOS của các nước trong tranh chấp sẽ được bảo đảm ngay cả khi chưa giải quyết đựơc tranh chấp chủ quyền đối với các đảo.

Các chấm xanh lá cây là vùng biển thuộc về các đảo đang bị tranh chấp. Khi nào vấn đề chủ quyền đối với đảo nào được giải quyết thì vùng biển của đảo đó sẽ thuộc về nước được cho là có chủ quyền đối với đảo đó.

3. Kết luận

Đề nghị đưa tranh chấp ra LHQ của Philippines vừa là một đề nghị hợp lý và là một cơ hội tốt mà Việt Nam không nên bỏ qua.

Tuy nhiên, cần xác định khả năng của các cơ chế khác nhau của LHQ trong việc giải quyết tranh chấp một cách toàn diện. Sau khi xác định khả năng và giới hạn của những cơ chế khác nhau, Việt Nam nên tận dụng việc đưa vấn đề ra LHQ để thực hiện những mục đích có thể là giới hạn hay lâm thời, nhưng rất cần thiết cho việc bảo vệ chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông. Cho dù vì lý do nào đó tranh chấp Biển Đông không được đưa ra LHQ thì Việt Nam cũng nên cố gắng thực hiện những mục đích này.

Song song với việc thực hiện những mục đích này, Việt Nam vẫn phải tiếp tục cố gắng bảo vệ chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông một cách triệt để.

[1]http://www.philstar.com/Article.aspx?articleId=447737&publicationSubCategoryId=63

[2] Sovereignty Over the Paracel and Spratly Islands, trang 139, Monique Chemilllier-Gendreau, Martinus Nijhoff Publishers, 2000, ISBN 9041113819, 9789041113818. Có thể đọc tại http://books.google.co.uk/books?id=58q1SMZbVG0

[3] Nếu Việt Nam không muốn đưa tranh chấp ra LHQ thì chỉ nên im lặng, không nên bác bỏ đề nghị của Philippines. Việc bác bỏ, nếu có, sẽ bất lợi cho việc tuyên truyền. Việt Nam không nên đứng ra gánh vác sự bất lợi này thay cho Trung Quốc.

[4] Maritime Boundary, trang 148, S.P. Jagota, Martinus Nijhoff Publishers, 1985, ISBN 902473133X, 9789024731336. Có thể đọc tại http://books.google.co.uk/books?id=8h0iQSQqzoIC

[5] The Regime of Islands in International Law, trang 443, Hiran Wasantha Jaywardene, Martinus Nijhoff Publishers, 1990, ISBN 0792301307, 9780792301301. Có thể đọc tại http://books.google.co.uk/books?id=JfwMefe2uAgC

[6] http://tuanvietnam.net/vn/tulieusuyngam/5522/index.aspx

SOURCE: TUANVIETNAM.NET

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :