TỜ TRÌNH CHÍNH PHỦ VỀ NGHỊ ĐỊNH VỀ CHÀO BÁN CỔ PHẦN RIÊNG LẺ

TỜ TRÌNH CHÍNH PHỦ VỀ NGHỊ ĐỊNH VỀ CHÀO BÁN CỔ PHẦN RIÊNG LẺ Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc triển khai thi hành Luật Doanh nghiệp năm 2005, Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ xây dựng Nghị định về chào bán cổ phần riêng lẻ. Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tài chính đã thành lập Ban Soạn thảo Nghị định về chào bán cổ phần riêng lẻ gồm thành viên là đại diện Bộ Tài chính và một số Bộ, ngành liên quan như Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đồng thời khẩn trương nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị định về chào bán cổ phần riêng lẻ (sau đây gọi tắt là dự thảo Nghị định), tổ chức lấy ý kiến của các Bộ, ngành và các tổ chức có liên quan. Trên cơ sở ý kiến tham gia của các Bộ, ngành, Bộ Tài chính đã tiếp thu, hoàn chỉnh và xin kính trình Chính phủ dự thảo Nghị định với những nội dung chủ yếu sau đây: I. SỰ CẦN THIẾT VÀ NGUYÊN TẮC BAN HÀNH NGHỊ ĐỊNH VỀ CHÀO BÁN CỔ PHẦN RIÊNG LẺ 1. Sự cần thiết ban hành Nghị định Luật chứng khoán được Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 29/6/2006 và có hiệu lực thi hành ngày 01 tháng 01 năm 2007. Đối với hoạt động chào bán chứng khoán, Luật chứng khoán chỉ quy định điều chỉnh đối với hoạt động chào bán chứng khoán ra công chúng mà chưa quy định về việc chào bán cổ phần riêng lẻ. Hiện nay, hoạt động chào bán chứng khoán riêng lẻ được điều chỉnh tại Luật Doanh nghiệp năm 2005. Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp chưa có quy định cụ thể hướng dẫn hoạt động chào bán cổ phần riêng lẻ mà giao cho Chính phủ hướng dẫn chi tiết, khoản 6 Điều 87 Luật Doanh nghiệp quy định: “Chính phủ quy định hướng dẫn việc chào bán cổ phần riêng lẻ”.   Thực tế hiện nay, nhiều công ty cổ phần có nhu cầu phát hành thêm cổ phiếu cho một số hạn chế các nhà đầu tư (theo hình thức phát hành cổ phiếu riêng lẻ) nhưng chưa có văn bản quy định nên rất lúng túng và khó khăn trong việc thực hiện. Ngoài ra, do chưa có văn bản điều chỉnh cụ thể nên hiện tại có nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước lợi dụng việc phát hành riêng lẻ để phân phối cổ phiếu ra đại chúng thông qua việc mua đi, bán lại quyền mua cổ phần hoặc phát hành cho một số đối tượng không phù hợp với mục đích thu hút các nhà đầu tư lâu dài và gắn bó quyền lợi với công ty, không đảm bảo quyền lợi cho các cổ đông hiện hữu của công ty, đặc biệt là các cổ đông nhỏ. Ngoài ra, hiện nay, giao dịch chứng khoán trên thị trường tự do ngày càng có xu hướng gia tăng, tiềm ẩn nhiều rủi ro do đây không phải là thị trường minh bạch về thông tin và không được vận hành theo một cơ chế thị trường công bằng, trật tự theo quy định của pháp luật. Rủi ro trong thanh toán cũng rất cao do chủ yếu thực hiện bằng tiền mặt và cơ chế chuyển nhượng chứng khoán trực tiếp dưới hình thức giấy biên nhận giữa các nhà đầu tư với nhau. Do đó, nếu không có biện pháp quản lý thị trường này thì nguy cơ lừa đảo, đổ vỡ là rất lớn và sẽ lan truyền đến thị trường có tổ chức, đặc biệt là khi thị trường rơi vào giai đoạn giảm giá. Do vậy, việc ban hành Nghị định về chào bán cổ phần riêng lẻ là cần thiết nhằm hướng dẫn quy định tại Luật Doanh nghiệp, tạo hệ thống pháp lý thống nhất điều chỉnh hoạt động chứng khoán nói chung, sớm đưa hoạt động phát hành riêng lẻ vào khuôn khổ pháp lý, có sự quản lý của nhà nước nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và sự toàn vẹn của TTCK. 2. Những nguyên tắc cơ bản trong việc xây dựng Nghị định Nghị định về chào bán cổ phần riêng lẻ được xây dựng dựa trên những nguyên tắc sau đây: - Đảm bảo tính thống nhất, tính đồng bộ của pháp luật điều chỉnh hoạt động chào bán chứng khoán nói chung và chào bán cổ phiếu riêng lẻ nói riêng, hạn chế sự khác biệt trong các quy định về phát hành riêng lẻ được quy định tại các văn bản pháp luật có liên quan. - Đảm bảo đáp ứng yêu cầu của thực tế nhằm giải quyết những vướng mắc trong việc thực hiện chào bán cổ phần riêng lẻ của doanh nghiệp. - Đảm bảo đáp ứng yêu cầu về quản lý nhà nước đối với hoạt động chào bán cổ phiếu riêng lẻ, đồng thời đảm bảo nguyên tắc tự do, tự chủ của doanh nghiệp, tính công khai, công bằng, minh bạch trong hoạt động phát hành. II. MỘT SỐ NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH VỀ CHÀO BÁN CỔ PHẦN RIÊNG LẺ Dự thảo Nghị định gồm 07 chương, 27 điều với những nội dung như sau: 1. Chương I – Những quy định chung Chương này gồm 5 điều (từ Điều 1 đến Điều 5) quy định về phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích thuật ngữ; áp dụng pháp luật và mệnh giá cổ phần. Về phạm vi điều chỉnh, Điều 1 dự thảo Nghị định quy định điều chỉnh về hoạt động chào bán cổ phần riêng lẻ của các doanh nghiệp thành lập và hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Nghị định này không cho phép tổ chức thành lập và hoạt động theo pháp luật nước ngoài chào bán cổ phần trên lãnh thổ Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác. Về đối tượng áp dụng, Điều 2 dự thảo Nghị định quy định Nghị định này áp dụng đối với các doanh nghiệp thực hiện phát hành cổ phần riêng lẻ, bao gồm: doanh nghiệp thành lập mới dưới hình thức công ty cổ phần; các doanh nghiệp chuyển đổi thành công ty cổ phần bao gồm cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chuyển đổi thành công ty cổ phần (trừ doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hoá); Công ty cổ phần bao gồm cả công ty cổ phần đại chúng có hoạt động phát hành riêng lẻ. Về giải thích thuật ngữ, dự thảo định nghĩa chào bán cổ phần riêng lẻ như sau: “Chào bán cổ phần riêng lẻ là việc chào bán cổ phần trực tiếp cho: a) Các tổ chức đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; hoặc b) Dưới 100 nhà đầu tư không phải tổ chức đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; hoặc c) Cổ đông hiện hữu của tổ chức phát hành (không phân biệt số lượng) kèm theo hạn chế thời gian chuyển nhượng tối thiểu là 01 năm.” Về mệnh giá cổ phần, Điều 4 dự thảo Nghị định quy định thống nhất cổ phần chào bán trên lãnh thổ Việt Nam được ghi bằng đồng Việt Nam, mệnh giá cổ phần chào bán riêng lẻ là mười nghìn đồng Việt Nam để tạo ra sự đồng bộ với các hình thức phát hành khác. 2. Chương II – Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý chào bán cổ phần riêng lẻ Chương này gồm 2 điều (từ Điều 6 đến Điều 7) quy định về quy định về cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý chào bán cổ phần riêng lẻ và Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan nhà nước có thẩm. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm tiếp nhận và xử lý hồ sơ theo quy định, công bố thông tin, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan trong quản lý tổ chức phát hành và hoạt động chào bán cổ phần riêng lẻ. 3. Chương III – Chào bán cổ phần riêng lẻ Chương này gồm gồm 2 điều (từ Điều 8 đến Điều 9) quy định về điều kiện chào bán cổ phần riêng lẻ, hồ sơ chào bán cổ phần riêng lẻ. Về điều kiện chào bán cổ phần riêng lẻ, dự thảo quy định việc chào bán cổ phần riêng lẻ được thực hiện khi chủ thể chào bán thuộc đối tượng được phép chào bán cổ phần riêng lẻ quy định tại Điều 2 dự thảo Nghị định, có phương án phát hành và phương án sử dụng số tiền thu được từ đợt phát hành, có hồ sơ đăng ký phát hành theo quy định. Để đảm bảo nguyên tắc quản trị công ty theo quy định của Luật Doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi của các cổ đông hiện hữu, đặc biệt là các cổ đông nhỏ, dự thảo quy định trong trường hợp chào bán riêng lẻ cho các đối tác chiến lược, chào bán cho người lao động, thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát trong doanh nghiệp nếu đối tác chiến lược, người lao động, thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát đồng thời là cổ đông hiện hữu thì người đó và người có liên quan của họ không được quyền biểu quyết. Đối với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh, ngoài việc phải đáp ứng các điều kiện như đã nêu trên còn phải đáp ứng điều kiện theo quy định tại pháp luật chuyên ngành. Về hồ sơ chào bán cổ phần riêng lẻ, dự thảo Nghị định quy định hồ sơ căn cứ trên các điều kiện chào bán; ngoài ra, tổ chức phát hành còn phải thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan. 4. Chương IV – Nghĩa vụ của tổ chức phát hành Chương này gồm 3 điều (từ Điều 10 đến Điều 12) quy định về nghĩa vụ của tổ chức phát hành khi thực hiện chào bán cổ phần riêng lẻ, nghĩa vụ tổ chức phát hành sau khi chào bán cổ phần riêng lẻ và hạn chế chuyển nhượng cổ phần chào bán riêng lẻ. Về nghĩa vụ của tổ chức phát hành khi thực hiện chào bán cổ phiếu riêng lẻ, dự thảo quy định tổ chức phát hành không được quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, phải thông báo việc chào bán riêng lẻ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi thực hiện chào bán riêng lẻ. Sau khi hoàn thành việc chào bán, tổ chức phát hành có nghĩa vụ công bố Báo cáo kết quả phát hành. Trường hợp tổ chức phát hành là công ty đại chúng, ngoài các nghĩa vụ này còn phải tuân thủ các quy định của pháp luật về chứng khoán. Dự thảo quy định sau khi phát hành riêng lẻ, nếu tổ chức phát hành đáp ứng điều kiện trở thành công ty đại chúng thì phải đăng ký công ty đại chúng theo quy định của Luật Chứng khoán. Về hạn chế chuyển nhượng cổ phần chào bán riêng lẻ, dự thảo Nghị định quy định trường hợp tổ chức phát hành quy định thời hạn nắm giữ cổ phiếu tối thiểu đối với nhà đầu tư riêng lẻ, thời hạn nắm giữ tối thiểu này phải được công bố rõ trong Bản công bố thông tin phát hành riêng lẻ và tổ chức phát hành không được chứng nhận chuyển nhượng trong thời gian hạn chế chuyển nhượng. Tổ chức phát hành có số cổ đông dưới 100 có thể chứng nhận chuyển nhượng cổ phần để tạo ra số cổ đông của công ty từ 100 cổ đông trở lên trong trường hợp tổ chức phát hành có đủ điều kiện khác để đăng ký trở thành công ty đại chúng theo quy định tại Điều 25 và Điều 26 Luật chứng khoán. 5. Chương V – Xử lý vi phạm Chương này gồm 02 mục, 11 điều (từ Điều 13 đến Điều 23); mục I quy định về nguyên tắc xử lý vi phạm, các hình thức xử phạt, thời hiệu xử phạt, thẩm quyền, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính về chào bán cổ phiếu riêng lẻ; mục II quy định về các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và mức xử phạt các hành vi vi phạm về chào bán cổ phiếu riêng lẻ. Tại chương này, dự thảo Nghị định quy định chi tiết, cụ thể về hành vi vi phạm và mức xử lý đối với các hành vi vi phạm. Hiện tại, việc xử lý hành vi vi phạm quy định về chào bán chứng khoán mới chỉ được quy định cụ thể tại Nghị định 36/2007/NĐ-CP (Nghị định 36) về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán; tuy nhiên, Nghị định 36 chỉ quy định xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về chào bán chứng khoán ra công chúng theo Luật Chứng khoán, cơ quan có thẩm quyền không thể áp dụng các quy định tại Nghị định 36 để xử lý các hành vi vi phạm chào bán cổ phần riêng lẻ được. Các quy định về xử lý vi phạm quy định về chào bán cổ phần riêng lẻ cần được quy định độc lập với Nghị định 36. Tuy nhiên, việc ban hành một Nghị định riêng quy định về xử lý vi phạm về chào bán cổ phần riêng lẻ là không hợp lý vì tốn kém về thời gian mà phạm vi điều chỉnh lại rất hẹp. Hơn nữa, nếu việc xử lý vi phạm không được quy định tại Nghị định này thì thời gian chuẩn bị ban hành Nghị định xử phạt, các hành vi vi phạm phát sinh sẽ không có cơ sở pháp lý để cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Để khắc phục những vấn đề nêu trên, tại chương này, Ban soạn thảo quy định chi tiết, cụ thể về hành vi và mức xử phạt nhằm tạo cơ sở pháp lý thực hiện và đảm bảo tính thực thi của Nghị định. Theo quy định tại dự thảo Nghị định, các hành vi vi phạm gồm: vi phạm quy định về hồ sơ, điều kiện chào bán cổ phiếu riêng lẻ, vi phạm quy định về thủ tục chào bán cổ phiếu riêng lẻ, vi phạm quy định về báo cáo và công bố thông tin, vi phạm quy định về chuyển nhượng cổ phần chào bán riêng lẻ, vi phạm quy định về quản trị công ty và xử lý đối với hành vi chống đối người thi hành công vụ trong hoạt động chào bán cổ phiếu riêng lẻ. Mức xử phạt được quy định tương ứng với từng hành vi vi phạm, trong đó mức phạt tiền tối đa là 30.000.000 đồng. Về thẩm quyền xử lý vi phạm, dự thảo Nghị định quy định người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm xử phạt theo thẩm quyền các hành vi vi phạm pháp luật về chào bán cổ phần riêng lẻ theo quy định tại Nghị định này và các văn bản pháp luật có liên quan. 6. Chương VI – Khiếu nại, tố cáo và bồi thường thiệt hại Chương này gồm 02 điều (Điều 24 và Điều 25) quy định về khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại tố cáo; về bồi thường thiệt hại. 7. Chương VII – Điều khoản thi hành Chương này gồm 2 điều (Điều 26 và Điều 27) quy định về hiệc lực của Nghị định và việc tổ chức thực hiện Nghị định. II. NHỮNG VẤN ĐỀ CÒN CÓ Ý KIẾN KHÁC NHAU Trong quá trình soạn thảo Nghị định về chào bán cổ phần riêng lẻ có một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau, Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến như sau: (Ban soạn thảo sẽ bổ sung sau khi có ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành) Trên đây là những nội dung của Nghị định về chào bán cổ phần riêng lẻ, Bộ Tài chính kính trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến./.
Nơi nhận: - Như trên; - VPCP; - Bộ Tư pháp; - Lưu: VT, UBCKNN. BỘ TRƯỞNG Vũ Văn Ninh
   

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật