THỰC TIỄN THỰC HIỆN CÁC ĐIỀU KIỆN THƯƠNG MẠI CHUNG VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA ĐỂ BẢO VỆ NGƯỜI TIÊU DÙNG

Để phù hợp với số lượng người tiêu dùng (NTD) ngày càng tăng cũng như tạo thuận lợi trong hoạt động kinh doanh của mình, nhiều doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp có số lượng khách hàng lớn đã lựa chọn giải pháp chung là đưa ra các quy định, hợp đồng mẫu, điều kiện bán hàng (sau đây gọi tắt là “điều kiện thương mại chung”) áp dụng cho tất cả khách hàng của mình. Sẽ chẳng có gì để nói nếu các điều kiện thương mại này là hợp lý và đảm bảo được các quyền cơ bản của NTD theo quy định của pháp luật, tuy nhiên trên thực tế không phải lúc nào cũng vậy và NTD Việt Nam vẫn có thể bị vi phạm quyền lợi thông qua các điều kiện thương mại chung này. Vậy vấn đề này thể hiện trên thực tế như thế nào? Các quy định của pháp luật hiện hành đã đủ để điều chỉnh các hành vi nói trên hay chưa? Trong phạm vi bài viết này chúng tôi xin đưa ra một số phân tích cũng như kiến nghị đối với quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật tại Việt Nam. 1. Sự hình thành và thực tiễn thực hiện các điều kiện thương mại chung Trước đây khi nền kinh tế của nước ta chưa phát triển, tình trạng làm ăn manh mún, nhỏ lẻ và mỗi doanh nghiệp chỉ có một lượng khách hàng không đáng kể. Tuy nhiên, kể từ khi Đảng và Nhà nước thực hiện chính sách mở cửa kinh tế cùng với xu thế hội nhập và phát triển đã buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải “tư duy lại” và họ đã đạt được những thành công nhất định. Cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội một cách nhanh chóng, đời sống của nhân dân cũng không ngừng được cải thiện, người dân từ nhu cầu “ăn no mặc ấm” dần dần chuyển sang nhu cầu “ăn ngon mặc đẹp”, các hàng hoá, dịch vụ xa xỉ cũng được NTD Việt Nam đón nhận một cách sôi động. Đã có những doanh nghiệp có số lượng NTD lên đến hàng nghìn thậm chí là hàng triệu người nhất là những doanh nghiệp kinh doanh các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đối với NTD và các doanh nghiệp lớn khác. Sự thuận tiện của các điều kiện thương mại chung là không phải bàn cãi, tuy nhiên, xung quanh vấn đề này cũng còn nhiều việc đáng quan tâm.   Do NTD không được trực tiếp đàm phán, thỏa thuận các điều khoản trong các hợp đồng theo mẫu cũng như phải chấp nhận các điều kiện thương mại khác một cách bị động nên trong nhiều trường hợp NTD gặp phải rất nhiều rủi ro. Thực tiễn công tác bảo vệ NTD cho thấy, NTD có thể bị xâm phạm thông qua một trong các hình thức sau: Thứ nhất, điều kiện thương mại chung có những quy định nhằm hạn chế, loại bỏ quyền của NTD. Dựa trên cơ sở tự do thỏa thuận, tự do giao kết của pháp luật dân sự mà trong nhiều hợp đồng theo mẫu, quy tắc bán hàng thương nhân quy định: NTD không được khiếu nại sau đã mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ hay hàng đã mang ra khỏi cửa hàng thì không được trả lại với bất kỳ lý do gì,… Trong trường hợp NTD ký vào các bản hợp đồng hay chấp nhận các điều kiện bán hàng như vậy thì các quy định đó đương nhiên có hiệu lực trên thực tế. Tuy nhiên, rõ ràng đây là những điều khoản hết sức bất lợi cho NTD trong khi theo các quy định của pháp luật, họ hoàn toàn có quyền thực hiện việc khiếu nại, đổi hàng khi hàng có khuyết tật,… Thứ hai, điều kiện thương mại có quy định nhằm buộc NTD phải gánh chịu những rủi ro bất hợp lý. Các quy định này thường buộc NTD phải chịu những rủi ro mà lẽ ra họ không phải chịu theo quy định của pháp luật; đồng thời loại trừ trách nhiệm của thương nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ phải chịu. Anh P.C.T ở Hải Phòng rất bức xúc về việc gia đình anh phải ký hợp đồng cung cấp nước sạch trong đó có điều khoản về NTD phải chịu phụ phí do thất thoát nước trên đường vận chuyển. Mặc dù số tiền phải trả không phải là lớn lắm, chỉ khoảng vài ba nghìn đồng nhưng rõ ràng là không thể chấp nhận, việc thất thoát nước trên đường vận chuyển là trách nhiệm của đơn vị cung cấp chứ không phải của NTD – anh P.C.T ấm ức! Hay như gần đây, báo chí phản ánh vụ việc một khách hàng dự định sẽ kiện ngân hàng vì ngân hàng trốn tránh trách nhiệm trong việc để kẻ gian rút tiền của họ từ số tiết kiệm. Vụ việc như sau: theo lời NTD, ngày 23/7, chị phát hiện bị mất một sổ tiết kiệm có giá trị 60 triệu đồng cùng một số giấy tờ tùy thân. Ngay sau đó, chị đã liên lạc với ngân hàng X nơi chị gửi tiền tiết kiệm để thông báo việc mất thẻ. Bất ngờ, phía ngân hàng cho biết cách đó hai ngày đã có người dùng giấy chứng minh nhân dân (CMND) của chị để rút tiền và giao dịch đã được chấp nhận. Rất may công an đã bắt được người rút tiền thông qua hệ thống camera theo dõi của ngân hàng. Tuy nhiên, vụ việc chưa dừng lại ở đó, NTD rất bức xúc khi ngân hàng X chối bỏ hoàn toàn trách nhiệm và đổ lỗi cho NTD. Lý lẽ mà ngân hàng viện dẫn là trong quy chế tiền gửi tiết kiệm của ngân hàng đã có quy định: Khách hàng phải cất giữ thẻ tiết kiệm cẩn thận, khi mất thẻ phải thông báo ngay cho ngân hàng bằng điện thoại. Trong vòng 24 tiếng sau khi thông báo bằng điện thoại, khách hàng phải trực tiếp đến ngân hàng để làm giấy báo mất thẻ tiết kiệm. Nếu không thông báo kịp thời, khách hàng phải tự chịu trách nhiệm về những thiệt hại xảy ra. Ở trường hợp cụ thể này, do phát hiện quá trễ nên phải mấy ngày sau kể từ lúc mất sổ tiết kiệm, chị Sương mới báo tin cho ngân hàng. Lúc đi rút tiền, kẻ gian vừa có sổ tiết kiệm, vừa kèm theo CMND. Do đó, ngân hàng không có lý do gì để từ chối giao dịch. NTD không đồng tình với quan điểm của ngân hàng. Bởi lẽ, mỗi cá nhân khi gửi tiết kiệm đều có đăng ký mẫu chữ ký tại ngân hàng. Khi được cho xem những giấy tờ do ngân hàng lưu giữ, chị nhận ra ngay những khác biệt lớn giữa chữ ký của kẻ gian và chữ ký mẫu của chị. Bên cạnh đó, tuy người rút tiền có xuất trình CMND nhưng nếu biết đối chiếu, so sánh,… thì nhân viên ngân hàng sẽ dễ dàng phát hiện người cầm CMND đó không phải là chủ nhân của sổ tiết kiệm[*]. Vụ việc sẽ được phân xử đúng sai tại Tòa án, tuy nhiên, qua vụ việc này có thể thấy rõ NTD rất dễ bị “cài bẫy” trước các điều kiện thương mại chung. Thứ ba, các điều kiện thương mại chung với những thuật ngữ chuyên môn khó hiểu gây cản trở NTD trong quá trình giao kết và thực hiện giao dịch. Trong nhiều trường hợp NTD không thể hiểu được các thuật ngữ chuyên môn của các điều kiện thương mại mà thương nhân đưa ra. Do vậy, họ không hoàn toàn nhận thức được bản chất của các điều khoản, điều kiện đó. Vì vậy, khi xảy ra tranh chấp, phần thiệt thường thuộc về NTD. Nhiều người khi đọc các hợp đồng như hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng tín dụng, hợp đồng xây dựng, hợp đồng mua bán căn hộ,… không thể nào hiểu được những từ ngữ quy định trong hợp đồng đó và do vậy, trong nhiều trường hợp NTD đành “nhắm mắt ký”. Tất nhiên, các thuật ngữ chuyên môn nhiều khi rất khó để diễn tả được một cách thông dụng để ai cũng hiểu được nhưng cũng không ít trường hợp thương nhân cố tình đưa ra những thuật ngữ đó nhằm “che mắt” NTD. Rõ ràng NTD cần hết sức cẩn thận khi giao kết những điều kiện thương mại như vậy. Thứ tư, thương nhân cố tình cản trở việc tiếp cận điều kiện thương mại chung bằng việc đưa ra các điều kiện này dưới những hình thức không thuận tiện cho NTD. Nhiều người phàn nàn khi họ phải ký kết các hợp đồng theo mẫu mà trong đó cỡ chữ cũng như cách trình bày rất khó đọc đặc biệt là đối với những người cao tuổi, người có thị lực kém. Các hợp đồng loại này thường là rất dài, có khi lên đến cả chục trang, do vậy trong nhiều trường hợp không thể đọc hết hợp đồng hoặc không đủ “kiên nhẫn” để đọc hết hợp đồng vì hợp đồng cần phải được ký ngay. Trong trường hợp này rõ ràng NTD có nguy cơ chịu rủi ro rất lớn nếu có tranh chấp phát sinh. Trên đây chỉ là những trường hợp điển hình của việc áp dụng các điều kiện thương mại chung trên thực tế. Vấn đề đặt ra là các quy định của pháp luật đã đủ để bảo vệ NTD khi giao kết, thực hiện các điều kiện thương mại chung này hay chưa? 2. Kinh nghiệm quốc tế Pháp luật Bảo vệ quyền lợi NTD ở nhiều nước trên thế giới quy định rất rõ về các vấn đề liên quan đến điều kiện thương mại chung áp dụng cho NTD đặc biệt là vấn đề hợp đồng theo mẫu. Điều 11 Luật Bảo vệ NTD Đài Loan quy định, khi doanh nghiệp kinh doanh có ý định đưa ra một hợp đồng theo mẫu thì phải để một thời gian ít nhất là 30 ngày để NTD xem xét lại nội dung của tất cả các điều khoản và điều kiện. Đồng thời, Luật cũng cho phép cơ quan có thẩm quyền ở cấp trung ương có thể xem xét thông báo đến NTD trong một thời gian thích hợp để NTD có thể xem xét các điều khoản và điều kiện của hợp đồng ở một số ngành. Điều 11 cũng quy định: nếu các điều khoản và điều kiện trong hợp đồng theo mẫu được hiểu theo nhiều nghĩa thì phải giải thích trên cơ sở có lợi cho NTD. Luật cũng quy định nếu điều khoản của hợp đồng không công bằng đối với NTD thì bị coi là vô hiệu. Luật Bảo vệ NTD của Quebec (Canada) cũng như bản hướng dẫn thực thi Luật đã quy định một cách chi tiết các vấn đề liên quan đến hợp đồng tiêu dùng theo mẫu. Điều 8, Luật Bảo vệ NTD Quebec khẳng định: NTD có thể đề nghị tuyên bố vô hiệu một hợp đồng hoặc đề nghị giảm nghĩa vụ của mình nếu trong hợp đồng thể hiện rõ sự không cân xứng giữa phần nghĩa vụ tương ứng của các bên mà phần lớn thuộc về NTD hoặc nếu nghĩa vụ của NTD là quá nhiều, không hợp lý. Điều này có nghĩa là một hợp đồng có thể bị tuyên là vô hiệu nếu nó chứa đựng những điều khoản gây bất lợi cho NTD về phần nghĩa vụ mà NTD phải thực hiện. Tuy nhiên, Luật không coi trong trường hợp này hợp đồng sẽ bị vô hiệu đương nhiên mà chỉ bị tuyên là vô hiệu khi có yêu cầu của NTD. Đây là một quy định bảo vệ NTD một cách rõ ràng trong trường hợp họ thấy những quy định trong hợp đồng là vô lý. Tại Điều 10, Điều 11 cũng quy định về những điều khoản bị cấm, theo đó: Bất kì quy định nào mà nhờ đó một thương nhân được giải phóng khỏi hậu quả do việc làm của chính thương nhân hoặc đại diện của thương nhân đó gây ra và bất kì quy định nào mà nhờ đó một thương nhân có quyền quyết định đơn phương kết luận là NTD không hoàn thành nghĩa vụ đều bị cấm. Như vậy, kể cả khi điều khoản bất lợi trong hợp đồng chưa gây thiệt hại cho NTD cũng như NTD không đề nghị hủy bỏ hoặc tuyên vô hiệu hợp đồng nhưng nếu hợp đồng chứa những nội dung bị cấm (giải phóng nghĩa vụ của thương nhân) thì đều bị cấm. Luật Bảo vệ NTD Quebec cũng quy định rất chi tiết về cách thức trình bày hợp đồng theo mẫu, cỡ chữ hợp đồng, màu sắc hợp đồng và thậm chí là loại giấy dùng để in hợp đồng theo mẫu. Một số nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc,…thậm chí còn ban hành Luật về hợp đồng theo mẫu trong đó đưa ra những quy định rất cụ thể để bảo vệ NTD khi xác lập giao dịch thông qua hình thức đặc thù này. 3. Quy định của pháp luật Việt Nam liên quan đến các điều kiện thương mại chung Có thể nói rằng các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành liên quan đến việc bảo vệ NTD khi giao kết, thực hiện các điều kiện thương mại chung còn rất nhiều hạn chế và chưa điều chỉnh được các vấn đề phát sinh trên thực tế. Mặc dù Bộ luật Dân sự đã có một số quy định liên quan đến vấn đề này, ví dụ, Điều 407 có quy định: Trong trường hợp hợp đồng theo mẫu có điều khoản không rõ ràng thì bên đưa ra hợp đồng theo mẫu phải chịu bất lợi khi giải thích điều khoản đó. Trong trường hợp hợp đồng theo mẫu có điều khoản miễn trách nhiệm của bên đưa ra hợp đồng theo mẫu, tăng trách nhiệm hoặc loại bỏ quyền lợi chính đáng của bên kia thì điều khoản này không có hiệu lực, trừ trường hợp có thoả thuận khác. Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi thì các quy định của Bộ luật Dân sự là chưa đầy đủ và mang tính chất chung chung, thiếu những quy định cụ thể, trực tiếp bảo vệ quyền lợi NTD khi giao kết, thực hiện các điều kiện thương mại chung. Như vậy, có thể nói rằng các điều kiện thương mại chung đã, đang và sẽ được áp dụng một cách phổ biến trên thực tế. Vì vậy, việc bảo vệ NTD khi giao kết, thực hiện các điều kiện thương mại chung là việc làm hết sức cần thiết. Các quy định của pháp luật hiện hành chưa thực sự là công cụ để bảo vệ NTD liên quan đến vấn đề này. Hy vọng, Luật Bảo vệ quyền lợi NTD trong thời gian tới sẽ có những quy định cụ thể để NTD Việt Nam thực sự yên tâm khi tham gia giao kết, thực hiện các điều kiện thương mại chung trên thực tế.  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật