THỰC THI LUẬT THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN NĂM 2008: HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG SỬA GẤP?

NGUYÊN TẤN TBKTSG - Đừng để nước đến chân rồi mới nhảy. Đó cũng là lời khuyên của các chuyên gia dành cho doanh nghiệp và cá nhân nộp thuế nhằm tránh các rủi ro không mong muốn khi thực thi Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN), một trong ba luật thuế quan trọng có hiệu lực từ 1-1-2009. Theo bà Dion Thai, chủ nhiệm tư vấn thuế của Công ty Deloitte Việt Nam, hiện nay có không ít công ty ký hợp đồng với người lao động dưới hình thức trả lương “net”, tức ký bao nhiêu người lao động thực nhận bấy nhiêu, còn thuế TNCN do công ty trả giùm. Điều này sẽ gây thiệt hại cho người sử dụng lao động vì về nguyên tắc danh chính ngôn thuận người có nghĩa vụ nộp thuế ở đây phải là người lao động, chứ không phải công ty. Do đó, nếu công ty trả giùm thì khoản thuế TNCN trả giùm đó sẽ không được tính vào chi phí hợp lệ và như vậy sẽ không được khấu trừ. Khoản thiệt hại do không được khấu trừ sẽ rất lớn với những doanh nghiệp có vài trăm, vài ngàn nhân viên. Để tránh thiệt hại, bà Dion Thai đề nghị các công ty nên nhanh chóng thương lượng, sửa đổi lại ngay hợp đồng lao động theo hướng chuyển từ hình thức trả lương “net” sang hình thức trả lương “gross”, có nghĩa thu nhập trả người lao động theo hợp đồng sẽ phải bao gồm cả thuế TNCN. Riêng đối với người lao động nước ngoài, ngoài việc sửa đổi như trên, hợp đồng còn cần phải tính đến những khoản thu nhập ngoài tiền công mà sắp tới đây, kể từ 2009, theo Luật Thuế TNCN, sẽ không còn được miễn thuế như hiện nay nữa. Chẳng hạn, phụ cấp về nước, tiền học phí cho con, tiền nhà… Đây là những khoản thu nhập hoàn toàn không nhỏ, đặc biệt đối với những lao động cao cấp hoặc lao động quản lý trong các công ty nước ngoài.   Nếu phải nộp thuế thì những khoản thuế này, ai chịu: công ty hay người lao động? Để giảm số thuế phải nộp, một số công ty “lách” bằng cách cho người lao động vay nợ và xóa nợ khi họ rời khỏi Việt Nam. Ví dụ, lương trả cho người lao động là 150.000 đô la/năm nhưng công ty chỉ trả 100.000 đô la dưới hình thức lương, số còn lại 50.000 đô la là cho vay. Khi rời Việt Nam về nước, công ty sẽ xóa nợ và hiện tại người lao động sẽ không phải đóng thuế TNCN cho khoản vay này. Tuy nhiên, theo bà Dion Thai, từ năm 2009, việc “lách” như trên sẽ không còn phù hợp nữa vì luật mới quy định hầu hết các khoản lợi ích mà người lao động nhận được từ người sử dụng lao động trả hoặc trả hộ, trong đó có khoản cho vay nợ đều phải chịu thuế TNCN. Có ý kiến cho rằng giữa các bên nên nhanh chóng thương lượng, ký lại hợp đồng với thỏa thuận người sử dụng lao động sẽ trả trước cho người lao động những khoản lợi ích hiện tại chưa phải chịu thuế TNCN (mà sắp tới theo quy định mới sẽ phải đóng). Chẳng hạn, trả trước tiền vé máy bay, tiền học phí cho con, tiền nhà… Tuy nhiên, một cách căn cơ hơn, theo bà Dion Thai, doanh nghiệp nên sửa hợp đồng lao động theo hướng cấu trúc lại các khoản thu nhập của người lao động một cách hợp lý, có lợi nhất cho cả các bên, vì thuế TNCN lớn hay nhỏ còn phụ thuộc vào khá nhiều yếu tố, ví dụ như: mức thuế suất lũy tiến; một số trường hợp thu nhập ngoại lệ được miễn giảm thuế TNCN (ví dụ, phần tiền lương làm việc ban đêm, làm thêm giờ được trả cao hơn so với tiền lương làm việc ban ngày, làm trong giờ); chế độ giảm trừ gia cảnh… Các chuyên gia cho rằng ngay cả khi nhìn vào thuế suất theo quy định mới, cứ ngỡ thuế suất càng thấp thì số thuế TNCN càng nhỏ nhưng thực tế không phải tất cả các trường hợp đều như vậy. Bà Dion Thai đưa ra hai trường hợp để tham khảo như sau: một, thu nhập của một người lao động nước ngoài, lập gia đình và có hai con nhỏ; là đối tượng cư trú tại Việt Nam với thu nhập đã bao gồm thuế hàng năm như lương cơ bản 100.000 đô la; phụ cấp 15.000 đô la; thưởng 20.000 đô la; tiền nhà 60.000 đô la; học phí cho con 15.000 đô la; phụ cấp về nước 5.000 đô la thì thuế TNCN theo quy định hiện hành sẽ là 58.350 đô la. Còn theo quy định mới, con số này sẽ là 70.803 đô la. Tuy nhiên, cũng với các khoản phụ cấp như trên nếu lương cơ bản tăng lên 150.000 đô la thì số thuế TNCN hiện hành là 93.450 đô la trong khi theo quy định mới số thuế TNCN phải nộp không tăng mạnh, chỉ có 98.628 đô la. Điều này dẫn đến mức thiệt hại tính theo tỷ lệ cũng giảm rõ rệt. Ngoài hợp đồng lao động, bà Dion Thai cũng đề nghị các doanh nghiệp nên có biện pháp hỗ trợ để giúp cho người lao động được cấp mã số thuế trong thời hạn theo luật định. Việc đăng ký mã số thuế sẽ mang lại một số lợi ích thiết thực cho cả người lao động lẫn người sử dụng lao động: nếu có mã số thuế thì mức thuế suất thuế TNCN đối với các khoản thu nhập ngoài tiền công, tiền lương sẽ là 10%, trong khi nếu không có thì mức thuế suất sẽ cao gấp đôi (20%); tránh bị các chế tài của pháp luật về xử phạt hành chính (từ 100.000 đồng đến 2 triệu đồng) hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trốn thuế… Tuy nhiên, các chuyên gia cũng bày tỏ sự lo ngại về việc triển khai quá chậm trễ từ phía các cơ quan thuế trong khi từ nay đến lúc phải hoàn thành việc đăng ký mã số thuế chỉ còn tính từng… ngày.

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật