THỰC THI BẢN QUYỀN: VẪN LÀ CHUYỆN DÀI

QUỲNH TRANG Hôm qua (23-4), tại TP.HCM, Thanh tra Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã tổ chức hội nghị bàn tròn nhằm trao đổi thông tin về công tác quản lý và thực thi quyền tác giả, quyền liên quan giữa: Cơ quan quản lý nhà nước (Thanh tra Bộ, Cục Bản quyền tác giả văn học nghệ thuật Việt Nam) với các tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả, quyền liên quan (Hiệp hội Công nghiệp ghi âm – RIAV, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam – VCPMC, Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam – VLCC) và các tổ chức khai thác, sử dụng tác phẩm âm nhạc, điện ảnh, văn học và chương trình phát sóng trên Internet. Đây là một trong những hoạt động thực hiện Chỉ thị số 36/2008/CT-TTg ngày 31-12-2008 của Thủ tướng về việc tăng cường quản lý và thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan. Ngang nhiên vi phạm! Ông Đinh Trung Cẩn, Giám đốc phía Nam của VCPMC, cho biết: “Hiện tại chỉ có 19 trang web âm nhạc trực tuyến có ký sử dụng các tác phẩm âm nhạc với chúng tôi. Còn hơn 100 trang web khác chưa hề có ý kiến của chúng tôi nhưng vẫn hoạt động, trong đó khoảng 50 trang web có máy chủ đặt ở nước ngoài”. Những trường hợp máy chủ đặt ở nước ngoài thì VCPMC lẫn cơ quan quản lý cũng đành chịu thua. Thế nhưng ngay cả những đơn vị mà VCPMC biết vi phạm và biết nơi để đòi tiền nhưng VCPMC vẫn phải chịu lép. Như một số trang web chỉ ký sử dụng 100 tác phẩm với VCPMC nhưng thực tế lại tải lên 3.000-4.000 tác phẩm. Ở lĩnh vực đầu số, với dịch vụ tải nhạc chuông, nhạc chờ… thông qua các cơ quan truyền thông, đài phát thanh, truyền hình với gần 40 đơn vị, chỉ có 22 đơn vị chịu thực thi bản quyền tác giả. “17 đơn vị còn lại không chịu thực hiện do các cơ quan truyền thông, đài phát thanh truyền hình bao che. Tôi khẳng định có sự ăn chia giữa các đơn vị” – ông Cẩn bức xúc. Các sản phẩm bản ghi âm, ghi hình thuộc quản lý của RIAV cũng ngang nhiên bị vi phạm. Khoảng 80%-90% bản ghi lưu hành trên các trang web không hề xin phép. Ông Cẩn cho rằng việc các trang web không xin phép vẫn tải nhạc lên mạng không nguy hiểm bằng việc các thành viên của trang web lấy nhạc về rồi chế lời mới. Khi phía VCPMC liên lạc với chủ các trang web này thì nhận được trả lời rằng việc chế lời không thuộc quản lý của họ bởi họ không thể quản lý tất cả thành viên!   Trao đổi thêm về vấn đề trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ tạo ra mạng xã hội, luật sư Phạm Vũ Khánh Toàn, Trưởng Văn phòng Luật sư Phạm và Liên danh, cho rằng: Dù tạo ra sân chơi, các nội dung chia sẻ thông thường thuộc quyền sở hữu hợp pháp của thành viên thì chủ các trang web (hoặc người quản trị – admin) phải yêu cầu thành viên chứng minh quyền sở hữu đó. “Dù là thông tin thành viên chia sẻ nhưng chính các trang web tạo môi trường cho thông tin đó lưu thông. Đó là hành vi phân phối bản ghi âm, ghi hình và chủ web liên đới chịu trách nhiệm”. Chưa có hợp đồng nào cho bản quyền tác giả văn học Trong ba đơn vị tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả, quyền liên quan gồm RIAV, VCPMC và Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam (VLCC) thì VLCC là đơn vị non trẻ nhất. Non trẻ bởi đã thành lập được bốn năm nhưng chưa có một hợp đồng nào được ký giữa VLCC và các đơn vị sử dụng các tác phẩm văn học của các tác giả ủy thác cho VLCC trong việc thực thi quyền tác giả. Luật sư Nguyễn Thị Phương Hảo, Giám đốc Chi nhánh phía Nam Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam, cho biết: “Khi liên lạc với các đơn vị đang khai thác, sử dụng tác phẩm văn học để ký hợp đồng, phần lớn VLCC đều nhận được lý do: Những tác phẩm văn học của VLCC chỉ giúp cho việc đa dạng loại hình văn hóa nghệ thuật trên trang web của họ chứ họ chưa thu được lợi nhuận từ dữ liệu tác phẩm văn học. Có đơn vị từng chịu hợp tác với giá rất “bèo” 50 triệu đồng/năm cho việc sử dụng toàn bộ tác phẩm văn học của VLCC. Và VLCC phải khuyến mãi thêm ba năm download miễn phí các tác phẩm đó!”. Hiện tại, về trường hợp của VLCC có rất nhiều điểm vướng. Theo lời ông Vũ Xuân Thành, Chánh thanh tra Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, từ ngày tách-nhập Bộ từ Bộ Văn hóa-Thông tin thành Bộ Thông tin-Truyền thông và Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch thì… VLCC không biết thuộc bộ nào! “Thực tế chưa phân biệt được đâu là tác phẩm văn học, đâu là xuất bản phẩm. Chưa rõ ràng trong quản lý nhà nước nên chúng tôi cũng chưa dám thực thi bản quyền mạnh tay. Và điều này gây khó khăn không chỉ cho VLCC mà còn cho cả các cơ quan quản lý như chúng tôi” – ông Thành nhấn mạnh. Ông Thành cho rằng chính nạn vi phạm bản quyền ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành văn hóa. Không chỉ trong lĩnh vực âm nhạc, văn học mà ngay cả trong lĩnh vực điện ảnh, việc thực thi bản quyền vẫn còn rất mơ hồ. “Một bản phim nhựa làm hết cả đống tiền, chúng tôi cùng nhà sản xuất vừa giữ được mấy tháng thì có bản in lậu ngay. Không ít trường hợp vi phạm bản quyền làm ảnh hưởng đến cả hình ảnh Việt Nam” – ông Thành băn khoăn.
Những vụ vi phạm bản quyền ảnh hưởng hình ảnh Việt Nam: Cuối tháng 12-2008, VTV đã không thể truyền hình trực tiếp đêm chung kết Hoa hậu Thế giới vì các trang web Vietnamitv.com, vtc.com.vn, PDA.vn, clip.vn tự ý thu lại các phần thi Hoa hậu thời trang, Hoa hậu biển từ VTV3 để phát trực tiếp trên trang web của mình. Tổ chức New Open World từng gạt tên vịnh Hạ Long ra khỏi danh sách bình chọn kỳ quan thiên nhiên thế giới mới do một số trang web tại Việt Nam vi phạm bản quyền logo, giao diện và nội dung. Công ty TNHH NetResult (do Liên đoàn Bóng đá giải ngoại hạng Anh ủy quyền để bảo vệ tất cả vấn đề có liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ của giải bóng đá này trên Internet) khiếu nại việc các trang web bongdaso.com, tamtay.vn, zing.vn, wethethao.vn, vnmedia.vn, clip.vn và baobongda.com.vn đã đăng tải và cung cấp những video clip các trận bóng đá mà không được sự đồng ý của Liên đoàn Bóng đá giải ngoại hạng Anh.

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật