TẠP ĐOÀN, TỔNG CÔNG TY NHÀ NƯỚC VÀ ĐẦU TƯ NGOÀI NHIỆM VỤ CHÍNH

  • Bài viết
  • 22 tháng 5, 2011
  • 291 lượt xem
  • 0 bình luận
Tháng 3.2008, khi khủng hoảng kinh tế thế giới còn chưa bộc phát, trong một bài báo (1), tôi đã lưu ý một mảng chưa sáng của nền kinh tế cần hết sức quan tâm. Đó là chi tiêu và đầu tư của các tập đoàn và tổng công ty nhà nước. Chưa sáng vì hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế quan trọng này, trên nhiều mặt (doanh thu/vốn, sử dụng lao động, …), trong nhiều năm liền, thấp hơn các doanh nghiệp ngoài nhà nước và nước ngoài, mặc dù được hưởng rất nhiều ưu đãi (từ các ngân hàng thương mại quốc doanh, từ đất đai…). Xem Bảng (2). Lãng phí, thất thoát và tiêu cực ở những nơi đã được thanh tra và kiểm toán hai năm 2006 và 2007 là không nhỏ. Cử tri băn khoăn một cách rất chính đáng về hiệu quả hoạt động, vì trong khi chưa làm rõ lĩnh vực chính, chức năng nhiệm vụ được giao khi thành lập được chuyên tâm thực hiện ra sao, hiệu quả thế nào, đã tận dụng cơ hội từ việc Việt Nam gia nhập WTO ra sao, thì nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước lại mở ra rất nhiều loại hình hoạt động ngoài nhiệm vụ chính một cách ồ ạt, đặc biệt trong các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, chứng khoán và kinh doanh bất động sản. Lo âu của cử tri là với hoạt động như vậy thì làm thế nào các tập đoàn, các tổng công ty nhà nước gánh vác được vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc gia và đặc biệt khi các “bong bóng” vỡ hàng loạt thì ai sẽ gánh chịu hậu quả? Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cuối tháng 7.2009 về kết quả kiểm toán năm 2008 và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán năm 2007 xác nhận những băn khoăn và âu lo trên là có cơ sở.   Kết quả kiểm toán 23 tập đoàn, tổng công ty nhà nước và 224/ 318 doanh nghiệp thành viên thuộc 16 tập đoàn, tổng công ty nhà nước cho thấy phần lớn các doanh nghiệp đều có hoạt động đầu tư ngoài nhiệm vụ chính, trong đó có những doanh nghiệp đầu tư với tỷ lệ lớn như Tổng công ty lắp máy Việt Nam là 775,9 tỷ đồng, bằng 128,21% vốn chủ sở hữu và 6,74% tổng tài sản; Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn là 1.311 tỷ đồng, bằng 17,86% vốn chủ sở hữu và 12,4% tổng tài sản …(3).   Báo cáo của Kiểm toán nhà nước còn cho biết: (a) Hoạt động đầu tư chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bất động sản, viễn thông, điện… và có xu hướng gia tăng; (b) Hiệu quả các hoạt động đầu tư ngoài nhiệm vụ chính của nhiều doanh nghiệp chưa cao,đặc biệt là đối với các khoản đầu tư cho chứng khoán; (c) Kết quả thực hiện kiến nghị về xử lý tài chính năm 2007 của Kiểm toán nhìn chung đã được chỉ đạo và thực hiện nghiêm túc, song tỷ lệ thực hiệncòn thấp, chỉ đạt 67,3%. Điều đáng ngạc nhiên là tình hình đầu tư ngoài lĩnh vực hoạt động chính vẫn tiếp diễn mặc dù ngày 6.6.2008, đã có công văn số 3780/VPCP- ĐMDN của Văn phòng Chính phủ, theo đó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: “Nhằm bảo đảm việc sử dụng đúng, có hiệu quả vốn nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và góp phần thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, từ nay, việc đầu tư của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước vào các lĩnh vực tài chính, chứng khoán, ngân hàng phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi thực hiện. Giao Bộ Tài chính theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện.” Tuy nhiên, suy nghĩ cặn kẽ, điều đáng ngạc nhiên này cũng không khó hiểu lắm. Ít nhất vì hai lý do. Thứ nhất, thông báo số 3780/VPCP – ĐMDN không yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước báo cáo các dự án đầu tư vào bất động sản. Đối với nhà đầu tư, đây là một lĩnh vực béo bở vì giá đất, trong khi Nhà nước còn nhiều lúng túng trong khâu định giá, chắc chắn không sớm thì muộn, sẽ tăng. Đối với các địa phương, trong khi khát vốn đầu tư mà lại muốn phát triển nhanh, họ không mấy ngần ngại “đổi đất lấy công trình”. Chính sự gặp gỡ này đã thu hút đầu tư vào bất động sản của không ít tập đoàn, tổng công ty nhà nước mà không phải báo cáo với Thủ tướng Chính phủ. Họ ký kết với nhiều tỉnh các dự án đầu tư, kể cả với nguồn vốn “ảo” ở các vị trí đắc địa. Từ đó sản sinh ra những dự án treo mà người thua thiệt nhất và cuối cùng chính là bà con nông dân, đất sản xuất bị biến thành đất trong vòng rào. Đó là điều tôi đã tận mắt thấy với các dự án đầu tư của VINASHIN. Tại Tiền Giang, dự án đầu tư của tập đoàn này cần đến 285 ha tại Vàm Láng và Gia Thuận rồi đề nghị được cấp thêm 200 ha. Tại Hậu Giang, dự án đầu tư của tập đoàn có diện tích 200 ha trên tổng cộng 290 ha của Khu công nghiệp giai đoạn I của tỉnh (4). Tại Năm Căn, tỉnh Cà Mau, dự án giai đoạn đầu là 190 ha nằm dọc sông Cái Lớn về phía Cửa Bồ Đề, cạnh Cảng Năm Căn, và tập đoàn đề nghị tỉnh cấp thêm 300 ha. Nghiên cứu hồ sơ các dự án thì diện tích đất cao hơn rất nhiều số cần thiết và có những hạn mục không dính dáng đến hoạt động chủ yếu của dự án. Có lẽ vì còn nhiều dự án đầu tư vào nhiều nơi đắc địa khác, nên các dự án tại ba tỉnh nói trên đều rất chậm được triển khai. Tình hình nhiều hợp đồng đóng tàu của VINASHIN, hoạt động chính của tập đoàn, hiện nay đang bị trễ hạn, có cái đến cả gần hai năm chắc chắn có nguyên nhân rải vốn trên đây của tập đoàn. Hơn một lần, tôi đã nghĩ đến đề án kinh doanh của tập đoàn để vay 750 triệu USD trái phiếu quốc tế của Chính phủ phát hành tại thị trường chứng khoán Singapore cách đây đúng 4 năm, đến sự thẩm định của các cấp có thẩm quyền, đối chiếu với chỉ mới một góc của thực tế triển khai, và đến những gì Chính phủ và Quốc hội cần làm sớm để tình hình không xấu hơn nữa! Thứ hai, trong các lĩnh vực tài chính, chứng khoán, ngân hàng, thông báo 3780/VPCP- ĐMDN chỉ yêu cầu phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi thực hiện. Giao Bộ Tài chính theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Tôi đã nghe lại câu chất vấn của ĐBQH Nguyễn Minh Thuyết và phần trả lời của Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng về vấn đề này, đã được truyền hình trực tiếp ngày 13.6.2009, nghĩa là môt năm và một tuần sau khi có thông báo 3780/VPCP- ĐMDN. Phó thủ tướng thường trực đã trả lời : “Đồng chí Thuyết có hỏi là tôi năm ngoái có nói đến chuyện mua chứng khoán thì đúng là tôi nói mua. Nhưng mua chứng khoán có hai loại chứng khoán, một là chứng khoán lướt sóng, hai là chứng khoán cổ phần. Tôi mà mua là tôi mua chứng khoán cổ phần bây giờ tôi thắng rồi. Cổ phần là đầu tư dài hạn, tôi khuyến khích đầu tư dài hạn. Sinh ra chứng khoán để đầu tư dài hạn chứ không phải chỉ có hôm nay mua mai bán. Tất nhiên ngắn hạn cũng cần thiết vì có ngắn hạn thì mới giải quyết được dài hạn, dài hạn đem bán đi trong lúc khó khăn, trong lúc có chuyện thì ông ngắn hạn lại mua cho, cho nên chúng ta mới có câu chuyện thị trường chứng khoán. Nhưng khuyến khích vào thị trường dài hạn. Nếu năm ngoái mua thì bây giờ khá đấy, nhưng không có tiền để mua thôi. Nhân đây tôi cũng báo cáo với Quốc hội là gần đây thị trường chứng khoán có phát triển ấm lên và cũng đang phát triển theo hướng đầu tư lướt sóng, có cả yếu tố đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài. Bây giờ ông trong nước của mình trình độ khá lên rồi, đầu tư tương đối chững chạc.” Thật ra đoạn phát biểu trên đây không chỉ là một trả lời chất vấn. Có thể có người không đồng tình với nội dung, nhưng đó là quan niệm, là cách sử dụng thị trường chứng khoán của người trả lời. Và tại sao Hội đồng quản trị của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước lại không thể nghĩ ra được hoặc lĩnh hội được cách làm này? Phải chăng sự đồng thuận đó đã dẫn dắt các tập đoàn, tổng công ty tích cực tham gia thị trường chứng khoán? Không rõ hai lý do nêu lên trên đây có đủ để giải thích một phần nào tình trạng đầu tư ngoài nhiệm vụ chính của các tổ chức kinh tế nhà nước hay không, nhưng chắc chắn một điều, đó là nỗi lo của cử tri vẫn còn đó về những nắm đấm của nền kinh tế nước nhà. _________________ 1. Nguyễn Ngọc Trân, Một số mảng chưa sáng trong nền kinh tế, Báo Tiền Phong, số ra ngày 18/03/2008http://www.tienphong.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=115249&ChannelID=3 2. Số liệu trích từ Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam 2010 – 2020, báo cáo của một nhóm giáo sư và chuyên gia thuộc Đại học Harvard đã được trình bày với Thủ tướng Chính phủ. 3. Bài báo của Thanh Tâm, Công bố kết quả kiểm toán năm 2008 và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán năm 2007, Báo Người đại biểu nhân dân, ngày 23.7.2009. 4. Hiện nay, VINASHIN đã được giao đất nhưng vẫn còn nợ tỉnh Hậu Giang 57 tỷ đồng ứng trước để đền bù giải phóng mặt bằng giao cho tập đoàn.  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :