TÁI CẤU TRÚC VINASHIN: CẦN ĐỐI XỨNG THÔNG TIN VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA DOANH NGHIỆP

TS. VƯƠNG QUÂN HOÀNG – Công ty Nghiên cứu kinh tế DHVP
Tăng trưởng “nóng”, mải mê theo đuổi những mục tiêu lớn trong khi trình độ quản lý không theo kịp là nguyên nhân chính đưa con tàu Vinashin bị cuốn vào vòng xoáy khủng hoảng.
Trong nhiều tháng qua, vấn đề khủng hoảng tại Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) liên tục là tâm điểm của các hệ thống truyền thông, giới nghiên cứu chính sách, cộng đồng kinh doanh và đông đảo quần chúng nhân dân. Những sai phạm tại Vinashin cần xử lý nghiêm khắc, từng cá nhân sẽ phải nhận đầy đủ trách nhiệm, song việc quan trọng hơn hết là tái cấu trúc lại ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam. Với lợi ích quốc gia được đặt lên hàng đầu, tỉnh táo phân tích thực trạng Vinashin với các số liệu trung thực và công khai để xây dựng các giải pháp, kịch bản phục hồi là việc trọng yếu và cần được ưu tiên đặc biệt vào lúc này. 1 – Bất đối xứng thông tin về hoạt động doanh nghiệp của Vinashin Trong các luồng thông tin về Vinashin thời gian qua, vấn đề được nhắc tới nhiều lần là năng lực quản lý hạn chế, đầu tư tràn lan vào nhiều lĩnh vực không liên quan tới chức năng kinh doanh cốt lõi của tập đoàn, đội ngũ lãnh đạo có những biểu hiện chuyên quyền, độc đoán, báo cáo không đúng về thực trạng sử dụng vốn, kết quả đầu tư và khai thác kinh doanh. Với cách thức hoạt động như vậy, lại gặp bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái, ngành đóng tàu và sửa chữa tàu biển thế giới phải đối mặt nhiều khó khăn, Vinashin lâm vào tình trạng thua lỗ nặng nề, vay nợ lớn và có nguy cơ mất khả năng thanh toán, phá sản, đông đảo công nhân bị nợ lương, bị mất việc làm hoặc chuyển việc. Điều đáng nói là, trong bối cảnh đó, những thông tin về Vinashin đều thể hiện quan điểm và góc nhìn từ bên ngoài vào hệ thống này, còn thông tin được đưa ra từ Vinashin lại vắng bóng. Trên các phương tiện truyền thông đại chúng, thông tin và phân tích của chính Vinashin có thể nói là không hề xuất hiện. Mặt khác, thông tin được công bố chính thức về các vấn đề và khó khăn của Vinashin nhiều, nhưng nội dung giống nhau, dừng lại ở các con số cộng gộp nên khó sử dụng cho phân tích sâu, không khắc họa được đầy đủ bức tranh toàn cảnh về Vinashin cũng như việc xây dựng các kịch bản vận hành trong tương lai. Thông báo của Văn phòng Chính phủ về “Tình hình hoạt động và chủ trương, giải pháp để ổn định, phát triển Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam”, vào ngày 4-8-2010, cho đến nay là tài liệu chính thức có mô tả đầy đủ nhất về hiện trạng của Vinashin.   Đối diện với khủng hoảng nhiều mặt, song Vinashin chưa cung cấp đầy đủ thông tin và bình luận cho công luận. Công bố cáo báo hoạt động thường niên là việc bình thường và quen thuộc đối với các tổ chức kinh doanh quy mô lớn, tuy nhiên, những báo cáo này của Vinashin thì chưa ai thấy. Thực tế này dẫn tới tình trạng bất đối xứng thông tin trong tiếp cận và tìm kiếm lời giải cho bài toán tái cấu trúc Vinashin. Trong lúc mối quan tâm của công chúng đặt phần lớn vào các vụ bắt tạm giam một số thành viên lãnh đạo Vinashin, điều chuyển nhân sự quản lý cấp cao mới cho Tập đoàn, việc lắng nghe các ý kiến phê bình và phân tích nguyên nhân dẫn tới hiện trạng khó khăn của Vinashin, những tín hiệu kinh doanh khởi sắc, kết quả lao động của tập thể đội ngũ Vinashin trong vài tháng qua dường như chưa đủ để lấy lại niềm tin của công chúng về một thương hiệu công nghiệp có quy mô lớn của Việt Nam. 2 – Thực trạng và các vấn đề cơ bản cần giải quyết của Vinashin hiện nay Được thừa hưởng một quá trình xây dựng năng lực lâu dài, bền bỉ của ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập năm 1996, năm 2003 chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con. Tới năm 2006, Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam được Chính phủ quyết định thí điểm hình thành. Năm 2006 có thể xem như mốc đánh dấu quan trọng nhất trong quá trình phát triển của Vinashin khi Tập đoàn này được giao sử dụng nguồn vốn 750 triệu USD từ phát hành trái phiếu quốc tế của Chính phủ. Như vậy, trong lịch sử hơn 50 năm phát triển của ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam, thời gian Vinashin hiện diện và hoạt động mạnh mẽ, về cơ bản, chỉ trong 5 năm trở lại đây. Đóng tàu là ngành công nghiệp nặng, sử dụng nhiều lao động, nhưng đồng thời cũng đòi hỏi sự phát triển đồng bộ của nhiều ngành công nghiệp hỗ trợ. Bởi vậy, từ việc xác định tầm nhìn tới thực thi và đạt tới những kết quả đầu tiên là một quá trình lao động lâu dài và bền bỉ. Tập đoàn công nghiệp nặng Huyndai (Huyndai Heavy Industries) – hãng đóng tàu lớn nhất thế giới với 12% thị phần toàn cầu – khởi sự năm 1972 (trên nền tảng một tập đoàn xây dựng đã hoạt động từ năm 1947) và đến năm 1986 mới ghi nhận mốc thành tựu đầu tiên khi hạ thủy thành công tàu chở quặng trọng tải 365.000 dwt. Năng lực chế tạo tàu hàng trọng tải 53.000 dwt, tàu chở dầu thô trọng tải 105.000 dwt của Vinashin ở hiện tại là thành tựu mang tính chất nền tảng rất đáng khích lệ cho những bước phát triển tiếp theo. Trong lịch sử phát triển kinh tế Việt Nam, từng có thời điểm nước ta đạt tới trình độ đóng tàu khá cao. Thời Gia Long đã bắt đầu tổ chức các đội thợ đóng tàu. Năm 1893, dựa theo cách thức phương Tây, đội thợ Việt Nam đã đóng thành công chiếc tàu thủy chạy bằng máy hơi nước đầu tiên. Rất tiếc là, dưới triều Nguyễn, sau vài chục năm phát triển ngành đóng tàu đã bị dừng lại. Triều đình nhà Nguyễn chuyển sang mua sắm tàu mới từ nước ngoài. Vinashin thực sự có năng lực đóng và sửa chữa tàu. Năng lực này cần được tích lũy và cần có thời gian để phát triển, thể hiện ra thành sản phẩm. Xây dựng năng lực là một quá trình, phải tích lũy đủ về lượng thì mới đạt tới chuyển đổi về chất. Vinashin cần được tái cơ cấu theo hướng tiếp tục làm trụ cột phát triển ngành công nghiệp đóng tàu của Việt Nam, gắn liền với chiến lược biển và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Quá trình xây dựng năng lực cho Vinashin nếu bị đứt đoạn sẽ biến các chi phí và đầu tư trong quá khứ chuyển thành thua lỗ và không thể thu hồi (sunk-cost). Về năng lực tài chính và trạng thái nợ Sự thiếu vắng các báo cáo tài chính và dữ liệu công bố chính thức về các khoản nợ cụ thể của Vinashin là nguyên nhân của nhiều câu hỏi nghi vấn, cả về kỹ thuật, tài chính lẫn tính minh bạch trong việc điều hành Tập đoàn này. Theo thông báo của Chính phủ, tính đến tháng 6-2010, tổng dư nợ của Vinashin là 86.000 tỉ đồng. Đây là số tiền rất lớn, gây ảnh hưởng rất lớn với dư luận xã hội, đặc biệt khi đất nước ta vừa ra khỏi tình trạng nghèo và nhân dân liên tục phải chịu nhiều thiên tai. Tất nhiên, lời giải của bài toán tài chính này đòi hỏi sự suy xét thấu đáo và những tính toán cụ thể. Sức ép cải thiện năng lực tài chính với Vinashin hiện rất lớn khi tỷ lệ nợ phải trả so với vốn chủ sở hữu tới gần 11 lần. Nếu chỉ có nỗ lực và quyết tâm lao động miệt mài của tập thể hàng chục vạn cán bộ công nhân viên Vinashin sẽ không giải tỏa nổi sức ép này, nếu không có trợ giúp từ Chính phủ, sự ủng hộ của cộng đồng kinh doanh Việt Nam, sự chia sẻ và cảm thông của toàn xã hội. Vi phạm của những người điều hành Tập đoàn phải được xử lý nghiêm minh. Kết quả làm việc của từng người lao động Vinashin phải được ghi nhận xứng đáng. Công sức đội ngũ nhiều thế hệ lao động ngành đóng tàu không thể nào bị phủ nhận chỉ bởi sai lầm của một số cá nhân lãnh đạo. Khác với những thiệt hại thiên tai, tiền vay nợ không phải những khoản mất không. Số tiền này khi được sử dụng hợp lý, có năng lực tạo ra giá trị mới, mang lại nguồn thu để hoàn trả tiền vay (cả gốc và lãi) cũng như tích lũy lợi nhuận. Ngoài ra, con số thống kê cộng gộp không gợi mở những giải pháp tháo gỡ. Gánh nặng nợ tại Vinashin cần được phân loại theo từng nhóm tiêu chí thích hợp mới có thể thiết kế các phương án quy hoạch nguồn lực và tập trung hoạt động sản xuất, kinh doanh cho các dự án, công trình và hợp đồng sớm mang lại doanh thu. Tổng số dư nợ có thể chia theo kỳ thanh toán thành dài hạn, trung hạn và ngắn hạn làm cơ sở ước tính áp lực tài chính vào mỗi thời điểm. Số tổng này cũng có thể phân theo mục đích sử dụng, đâu là vốn vay để đầu tư dài hạn, đâu là vốn vay để ứng trước cho sản xuất hoàn thành hợp đồng, đâu là nợ đọng do nhận tiền ứng trước của khách hàng… Từ đó, Tập đoàn mới xây dựng các phương án thuyết phục với chủ nợ, nhà đầu tư, khách hàng để tái cấu trúc các khoản phải trả. Muốn nhận được tương trợ, trước tiên và trên hết, Vinashin phải gây dựng được niềm tin từ công chúng, bạn hàng và đối tác. Sớm công bố đầy đủ và minh bạch hiện trạng tài chính của Tập đoàn, cùng lúc với sự khẳng định quyết tâm khôi phục hình ảnh và năng lực sản xuất qua các hợp đồng được hoàn thành, sản phẩm được bàn giao là nhiệm vụ quan trọng của Vinashin lúc này. Về tổ chức nguồn lực và hệ thống kinh doanh Bố trí nguồn lực và tổ chức lại hệ thống kinh doanh tại Vinashin là nội dung cần được cân nhắc thấu đáo và xem xét giải pháp trên nhiều phương diện (khả thi kinh doanh, hiệu quả tài chính, ổn định tâm lý và bảo đảm đời sống cho người lao động, gìn giữ và kế tục các quan hệ hợp tác kinh doanh…). Phương án tái cấu trúc bước đầu đã có những sàng lọc hợp lý và cần tiếp tục dứt khoát loại bỏ các đơn vị thành viên kinh doanh kém hiệu quả, chuyển nhượng các dự án đang dang dở và không nằm trong lĩnh vực kinh doanh chủ đạo hay trong định hướng phát triển dài hạn của Vinashin. Việc chuyển một số đơn vị từ Vinashin sang các tập đoàn PetroVietnam và Vinalines cũng phải căn cứ trên tiêu chí phân bổ hợp lý nguồn lực quốc gia và phát huy thế mạnh kinh doanh của từng đơn vị.
Những khó khăn trước mắt của Vinashin không thể là lực cản của chiến lược xây dựng ngành công nghiệp đóng tàu, vừa giữ vai trò mũi nhọn kinh tế, vừa bảo đảm năng lực chủ động công nghệ quốc phòng, an ninh trên biển của Việt Nam. Vị trí thứ năm trên bảng xếp hạng năng lực đóng tàu của thế giới năm 2008 của Việt Nam (1,5% thị phần), sau Nhật Bản (3,7%), EU (5,7%), Trung Quốc (34,4%), Hàn Quốc (50,6%) cần được xem như nền tảng vững chãi cần được kế thừa và phát huy cho những bước phát triển tiếp theo.
Với lực lượng lao động đông đảo khoảng gần 7 vạn người, sắp xếp và bảo đảm đủ việc làm tại Vinashin là nhiệm vụ khó và phức tạp. Các giải pháp không chỉ cần nhằm tới mục tiêu, hiệu quả sản xuất, kinh doanh mà còn cả nhiệm vụ ổn định đời sống và an sinh xã hội. Trong thời gian ngắn, Vinashin đã mở ra nhiều đơn vị kinh doanh trong các lĩnh vực khác nhau, thể hiện sự hạn chế về năng lực điều hành của lãnh đạo Tập đoàn. Tuy vậy, quá trình tái cấu trúc hệ thống kinh doanh Vinashin vẫn cần sàng lọc kỹ và đánh giá đầy đủ về năng lực kinh doanh. Các quyết định định giá tài sản của Tập đoàn trước khi chuyển nhượng, thanh lý cần tránh việc quy kết mọi đơn vị thuộc Vinashin đều có năng lực kinh doanh yếu, không sinh lợi nhuận để tránh trường hợp bán tài sản với giá thấp. Đối với các đơn vị thành viên của Vinashin cũng cần phân loại cụ thể theo từng nhóm khác nhau. Ngay trong số các đơn vị Tập đoàn mới tham gia cũng có thể chia ra cơ sở do Vinashin đầu tư 100%, cơ sở góp vốn trực tiếp bằng tiền, cơ sở góp vốn bằng thương hiệu và các tài sản phi tài chính khác… Một thành viên trong Hội đồng Thương hiệu quốc gia cho biết, nhờ ký được những hợp đồng đóng tàu có giá trị lớn, làm tăng giá trị thương hiệu, nên Vinashin đã được phép góp vốn bằng thương hiệu với các liên doanh nước ngoài, sau khi đã áp dụng thử nghiệm tại nhiều doanh nghiệp trong nước. Trên thực tế, Vinashin đã góp 30% vốn bằng thương hiệu với khoảng 103 doanh nghiệp trong nước(1). Về định hướng truyền thông Khủng hoảng của Vinashin đang thu hút rất nhiều sự quan tâm từ nhiều giới, cả trong và ngoài nước. Vì vậy, bên cạnh các nỗ lực tái cấu trúc, cải thiện năng lực kinh doanh cốt lõi cho Tập đoàn, rất cần một chiến lược truyền thông được thiết kế kỹ lưỡng và sáng suốt, công việc này cần được xác định như một nhiệm vụ mà Vinashin phải chủ động thực hiện.
Trong Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020, công nghiệp đóng tàu là một trong hai trụ cột quan trọng nhất của ngành kinh tế hàng hải, lĩnh vực được kỳ vọng sẽ đứng thứ hai về đóng góp cho ngân sách nhà nước, sau dầu khí và vươn lên đứng thứ nhất sau năm 2020. Theo tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đứng từ góc độ ngành, dù Vinashin có sụp đổ thì không có nghĩa là ngành đóng tàu của Việt Nam biến mất. Câu chuyện Vinashin là “vị đắng” cho ngành đóng tàu, song bài toán tái cấu trúc Vinashin có thể là cơ hội tốt để tái cấu trúc ngành đóng tàu.
Công bố định kỳ các báo cáo tài chính, báo cáo kinh doanh, báo cáo thường niên là nghĩa vụ thông thường đối với những tổ chức kinh doanh lớn. Một tập đoàn quy mô quốc gia, như Vinashin, ít nhất cũng có thể tuân thủ chuẩn mực công bố thông tin giống với công ty đại chúng. Quản trị xung đột lợi ích trong các tập đoàn kinh tế luôn là vấn đề ở bất kỳ hệ thống kinh tế nào. Mỹ vốn được xem là có một nền kinh tế thị trường hoàn hảo, nhưng vẫn không tránh khỏi đổ vỡ của các tập đoàn xuất phát từ năng lực quản trị công ty như Enron và Kmart (năm 2002) hay Worlcom (năm 2007). Chính phủ Mỹ, trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua, cũng phải chấp nhận những khoản thua lỗ khổng lồ từ hai tập đoàn nhà nước là Fannie Mae và Freddie Mac. Mới đây, ngày 21-10-2010, Cơ quan tài chính nhà đất liên bang của Mỹ (FHFA) cho rằng hai tập đoàn này nhiều khả năng cần thêm 215 tỉ USD tiền cứu trợ của Chính phủ Mỹ để có thể tiếp tục vận hành ổn định. Giải quyết khủng hoảng tại Vinashin cần tới sự hỗ trợ và chỉ đạo từ các bộ, ngành. Tuy nhiên, cần xác định rõ, đây là vấn đề của một tổ chức kinh doanh, với quy mô rất lớn. Không chỉ người dân Việt Nam mà giới đầu tư, kinh doanh quốc tế cũng rất chú ý theo dõi quá trình xử lý những vấn đề tại Vinashin, bởi từ đây, họ có thể hình dung về hiệu quả vận hành của các tập đoàn kinh tế nhà nước, rộng hơn là hệ thống doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam. Vì vậy, các giải pháp với Vinashin cần bảo đảm tính ổn định cho cả hệ thống kinh tế quốc gia. Cộng đồng quốc tế sẽ đánh giá cao tiềm năng của nền kinh tế Việt Nam, coi Việt Nam là điểm đầu tư an toàn và hiệu quả, nếu như những vấn đề tại Vinashin được giải quyết triệt để và hiệu quả. Công tác truyền thông cần tích cực, nhưng phải thật sự đúng đắn, trong việc thông tin về Vinashin, góp phần gìn giữ và phát triển thương hiệu của ngành đóng tàu Việt Nam. Các ý kiến phản biện, phân tích nhiều chiều về những nguyên nhân tạo ra khủng hoảng nhiều mặt tại Vinashin là cần thiết, hỗ trợ thúc đẩy tiến trình xây dựng các giải pháp nhằm nhanh chóng đưa Tập đoàn trở lại quỹ đạo vận hành bình thường, khởi đầu cho thời kỳ phát triển mới. Công tác phản biện, vì vậy, cần có định hướng truyền thông đúng đắn. Một mặt, thẳng thắn nêu vấn đề, chỉ rõ trách nhiệm. Mặt khác, kiên quyết không để các thế lực phản động, lực lượng thù địch lợi dụng để bôi xấu và xuyên tạc chính sách đổi mới của Đảng, phủ nhận thành quả lao động của hàng ngàn người. Tiến trình tái cấu trúc Vinashin cần được thực thi với nguyên tắc trên hết là vì lợi ích quốc gia. Tập đoàn đang đứng trước một ngả rẽ quan trọng với mục tiêu đã được xác định là gìn giữ những giá trị và thành tựu lao động gây dựng trong những năm qua về đội ngũ lao động có kỹ năng chuyên sâu, về bí quyết công nghệ và kỹ thuật, về thương hiệu và thị phần quốc tế. Mọi nỗ lực mổ xẻ nguyên nhân, phân tích hiện trạng đều cùng hướng tới mục tiêu kiến thiết và đề xuất những giải pháp phát triển năng lực cạnh tranh, hoàn thiện mô hình tổ chức và cơ chế chính sách điều hành./.  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật