QUẢN TRỊ THÔNG QUA VAI TRÒ NGƯỜI ĐẠI DIỆN

Tái cấu trúc công ty trong giai đoạn nền kinh tế có nhiều biến động đang là một trong những ưu tiên quan trọng của các doanh nghiệp cổ phần có vốn nhà nước, đặc biệt trong bối cảnh quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang diễn ra. Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) là một định chế tài chính đặc biệt, được thành lập với nhiệm vụ thay mặt Nhà nước để quản lý phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, thực hiện quyền và nghĩa vụ của cổ đông nhà nước thông qua người đại diện phần vốn này tại doanh nghiệp. SCIC thực hiện việc chuyển vốn và đầu tư vốn để tối đa hóa hiệu quả vốn nhà nước trong các doanh nghiệp cùng với việc tối đa hóa tăng trưởng vốn và lợi nhuận của các DNNN được đặt tại các khu vực khác nhau thông qua đầu tư và tái đầu tư. Tính đến ngày 31-7-2009, SCIC đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 746 doanh nghiệp với tổng giá trị phần vốn nhà nước theo sổ sách kế toán là 7.687 tỉ đồng. Có tổng số 914 người đại diện phối hợp với SCIC thực hiện quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, trong đó 740 người đại diện giữ các chức danh lãnh đạo, điều hành doanh nghiệp (ban giám đốc), chiếm 81%; 150 người đại diện kiêm nhiệm là cán bộ các đơn vị thuộc các bộ, ngành, địa phương, chiếm 16%; và 24 người đại diện là cán bộ của SCIC, chiếm 3%. Tại hội nghị người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp khu vực phía Bắc, vừa được SCIC tổ chức, vấn đề nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp (QTDN) trong các DNNN cổ phần thông qua vai trò của người đại diện đã được đặt ra.   Theo lãnh đạo SCIC, từ khi đi vào hoạt động, tổng công ty đã chú trọng đến việc phối hợp với người đại diện trong việc QTDN. Tại hội nghị người đại diện tổ chức lần đầu tiên năm 2006, SCIC đã tham vấn ý kiến của những người đại diện về sự cần thiết xây dựng quy chế phối hợp. Trên cơ sở đó, ngày 15-1-2007, SCIC ban hành quy chế người đại diện SCIC. Đến hội nghị năm 2008, SCIC đã đưa ra dự thảo quy chế người đại diện sửa đổi để lấy ý kiến của tất cả người đại diện. Từ những ý kiến đóng góp của người đại diện và căn cứ vào các quy định mới của Nghị định 09/2009/NĐ-CP của Chính phủ ban hành quy chế quản lý tài chính của công ty nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác, SCIC đã ban hành quy chế người đại diện sửa đổi, kèm theo QĐ 20/QĐ-ĐTKDV.HĐQT ngày 9-6-2009. Theo SCIC, tính đến ngày 31-7-2009, SCIC đã phối hợp với người đại diện tham gia đầu tư mua cổ phần dành cho cổ đông hiện hữu tại 24 doanh nghiệp, thoái đầu tư tại 86 doanh nghiệp, thu hồi công nợ được 2.116 tỉ đồng (trong đó công nợ cổ tức là 614 tỉ đồng, công nợ bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 391 tỉ đồng…). Sự phối hợp giữa SCIC với tư cách cổ đông được Nhà nước ủy quyền quản lý, bảo toàn và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn trong các DNNN có vai trò rất quan trọng thông qua hoạt động QTDN. Theo bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Deloitte Việt Nam – công ty được SCIC mời đào tạo về QTDN cho những người đại diện của SCIC tại 746 doanh nghiệp có vốn nhà nước, để tối đa hóa hiệu quả vốn trong các doanh nghiệp mà SCIC đang nắm giữ thì vai trò của người đại diện phần vốn nhà nước rất quan trọng. Nếu công tác QTDN được người đại diện thực hiện hiệu quả thì vốn nhà nước sẽ được bảo toàn và gia tăng, ngược lại sẽ gây thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước. Bà Thanh cho rằng cùng với việc tái cấu trúc thì việc thay đổi, nâng cao và hoàn thiện mô hình QTDN luôn là một yêu cầu tất yếu của doanh nghiệp, đặc biệt tại các DNNN. Một số doanh nghiệp sau vài năm đã chuyển sang giai đoạn phát triển mới nên họ cũng tái cấu trúc lại mô hình QTDN. Như vậy, nói đến QTDN phải nói đến nhu cầu tất yếu của từng doanh nghiệp để hướng tới một mô hình hoạt động hiệu quả nhất. Để đạt được điều này, trong những giai đoạn khác nhau, mỗi doanh nghiệp sẽ có nhu cầu khác nhau để hoàn thiện hệ thống QTDN. “Đối với SCIC, nhu cầu này còn cao hơn vì không chỉ hoàn thiện cho chính mình mà còn hoàn thiện cho các doanh nghiệp mà họ đại diện cho phần vốn nhà nước”, bà Thanh nói.
Theo báo cáo của SCIC, doanh thu của các doanh nghiệp có phần vốn góp của SCIC tăng 44% và lợi nhuận tăng 105%, tỷ suất lợi nhuận trên tài sản (ROA) đạt 6,4% và tỷ suất lợi nhuận trên vốn (ROE) đạt 17,5% tại thời điểm 31-12-2008. Tính đến ngày 31-7-2009, tổng số vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà SCIC quản lý là 7.687 tỉ đồng (giá hạch toán), giá trị thị trường ước đạt từ 4-5 lần (25.000-30.000 tỉ đồng). Một trường hợp điển hình là tại Vinamilk, SCIC nhận bàn giao vốn nhà nước 795,1 tỉ  đồng, đã thu cổ tức ba năm đạt 635 tỉ đồng (gần bằng số vốn nhà nước đầu tư ban đầu vào đây). Hiện nay, theo SCIC, vốn nhà nước tại Vinamilk được bảo toàn và tăng lên 834 tỉ đồng (tức tăng thêm 39 tỉ) với giá trị thị trường đạt khoảng 9.184 tỉ đồng.
Tuy nhiên, vì số lượng doanh nghiệp có vốn nhà nước do SCIC tiếp nhận nhiều, ở rải rác khắp cả nước nên số lượng người đại diện lớn, thuộc nhiều thành phần khác nhau. Hơn nữa, các doanh nghiệp có quy mô và đặc thù khác nhau, trình độ và năng lực của người đại diện nhìn chung không đồng đều, chưa kể văn hóa doanh nghiệp cũng không giống nhau nên cách thức quản trị và công tác phối hợp với SCIC trong việc QTDN cũng khác nhau. Với kinh nghiệm trực tiếp đào tạo QTDN cho các DNNN, bà Thanh cho rằng không có một mô hình QTDN chuẩn hay tốt nhất có thể áp dụng thống nhất cho tất cả doanh nghiệp trong điều kiện Việt Nam hiện nay. Theo phân tích của bà Thanh, mỗi doanh nghiệp cần xây dựng một mô hình quản trị phù hợp với đặc thù của doanh nghiệp mình. QTDN thực chất là một hệ thống các quy tắc để đảm bảo cho công ty được định hướng, điều hành và được kiểm soát một cách có hiệu quả, vì quyền lợi của cổ đông và những người liên quan đến công ty (theo điều 2.1, Quyết định 12/2007/QĐ-BTC ngày 13-3-2007). Vì vậy, các doanh nghiệp cần xây dựng mô hình QTDN như một hệ thống chỉ đạo và kiểm soát doanh nghiệp. Trong giai đoạn hiện nay, các doanh nghiệp đặc biệt chú trọng đến tầm quan trọng của quản trị rủi ro doanh nghiệp. Theo các chuyên gia đào tạo QTDN của Deloitte, rủi ro ở đây không chỉ về mặt tài chính mà còn liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp và cao hơn nữa là thị trường. Do vậy, mỗi công ty cần có những công cụ, biện pháp phù hợp để quản trị rủi ro hoặc hạn chế ảnh hưởng của rủi ro trong quá trình kinh doanh. Để làm được tất cả những điều này thì vai trò của hệ thống quản trị trong doanh nghiệp là thiết yếu. Theo phân tích của bà Hà Thu Thanh, trong hệ thống QTDN hiện đại, vai trò của ban kiểm soát cũng như thành viên độc lập trong HĐQT với chức năng giám sát hoạt động của công ty để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của cổ đông là rất quan trọng. Tuy nhiên, với đặc thù và điều kiện riêng ở Việt Nam, chưa có nhiều công ty có thành viên độc lập trong HĐQT, nhất là chủ tịch HĐQT độc lập. Bên cạnh đó, theo các chuyên gia của Deloitte, cần tách bạch chức năng quản lý và chức năng điều hành, phân công trách nhiệm giữa HĐQT và ban điều hành trong một công ty. Đối với các vấn đề về quản lý, trong trường hợp tổng giám đốc và ban điều hành mới, chưa có nhiều kinh nghiệm, cần tăng cường về năng lực quản lý thì cần có sự tham gia đáng kể của HĐQT. Ngược lại, khi tổng giám đốc và ban điều hành đã có kinh nghiệm, có sự tín nhiệm và tin tưởng cao giữa tổng giám đốc và HĐQT thì HĐQT chỉ cần tham gia hạn chế vào việc quản lý công ty trong những trường hợp đặc biệt hoặc khẩn cấp. Đối với mô hình người đại diện của SCIC trong các công ty cổ phần có vốn nhà nước, các cơ quan nhà nước cần nhanh chóng ban hành khung pháp lý chi tiết hơn, quy định về cơ chế đối với người đại diện cũng như mối quan hệ phối hợp giữa người đại diện với cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước (không chỉ dành riêng cho SCIC). Đặc biệt, cần nhấn mạnh SCIC không phải là một cơ quan chủ quản kiểu cấp trên của doanh nghiệp như trước đây mà phải xác định rõ SCIC là một cổ đông, đồng thời là đối tác của doanh nghiệp. Vì thế SCIC cũng cần có trách nhiệm quản trị tốt doanh nghiệp thông qua người đại diện.  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật