QUẢN LÝ DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC SAU CHUYỂN ĐỔI: ĐÃ ĐẾN LÚC ĐOẠN TUYỆT VỚI CƠ CHẾ CHỦ QUẢN

LG. VŨ XUÂN TIỀN Sự kiện hơn 1.500 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được cấp tốc chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên theo Nghị định số 25/2010/NĐ-CP (NĐ25) đã và đang… chìm dần với thông tin: về cơ bản đã về đích đúng hạn. Đã có nhiều ý kiến cho rằng, hoạt động theo Luật doanh nghiệp, các DNNN sau chuyển đổi sẽ có một hành lang pháp lý rộng hơn, tự chủ cao hơn, năng động hơn. Từ đó, chúng ta sẽ có những doanh nghiệp mạnh, góp phần thúc đẩy nhanh hơn nữa cho sự phát triển của nền kinh tế quốc dân. Đó là hy vọng và không ai có thể cấm người ta hát những "Bài ca hy vọng" như vậy! Tuy nhiên, nhìn thẳng vào sự thật có thể thấy, việc các DNNN chuyển thành Công ty TNHH một thành viên theo NĐ25 vừa qua, thực chất chỉ là tạo ra những chiếc "bình mới" cho một "chất rượu" cũ mà thôi. Các DNNN sau khi chuyển đổi thành Công ty TNHH một thành viên sẽ chưa (hoặc không) có sự thay đổi nào đáng kể về quản trị doanh nghiệp – khâu quyết định đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Bởi lẽ, công tác quản trị các DNNN sau chuyển đổi theo NĐ 25, vẫn chưa thoát khỏi sự ràng buộc của cơ chế chủ quản. Chủ quản là gì? Chủ quản và cơ chế chủ quản là sản phẩm của thời kỳ nền kinh tế nước ta được quản lý theo kế hoạch tập trung. Sau này, cơ chế đó được gọi với cái tên đầy đủ là "Kế hoạch hoá tập trung, quan liêu, bao cấp". Những đặc trưng cơ bản của cơ chế chủ quản là: - Các doanh nghiệp trong nền kinh tế đều là DNNN, do Nhà nước làm chủ sở hữu. Khi đó, Nhà nước độc quyền kinh doanh. Người dân mà kinh doanh là vi phạm pháp luật, là con buôn, là "bọn tiểu thương"! - Mỗi doanh nghiệp, khi đó được gọi là Xí nghiệp, đều do một cơ quan quản lý Nhà nước quản lý, gọi là cơ quan chủ quản. Chẳng hạn, Xí nghiệp sản xuất xe đạp thì do Ty (sau này là Sở) Công nghiệp quản lý; Xí nghiệp Thương mại bán buôn, bán lẻ thì do Ty (Sở) Thương nghiệp quản lý, v.v… - Mỗi Xí nghiệp có một Giám đốc Xí nghiệp do Giám đốc Sở bổ nhiệm hoặc đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh bổ nhiệm tuỳ theo quy mô của Xí nghiệp.   - Mọi hoạt động của Xí nghiệp từ tuyển dụng nhân sự, kế hoạch sản xuất, mua vật tư, nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm, giá bán, địa chỉ của người mua hàng…đều phải được lập kế hoạch và được cơ quan chủ quản phê duyệt. - Các Xí nghiệp cứ hoạt động theo kế hoạch được duyệt. Cuối năm, nếu có lãi thì nộp về Ngân sách Nhà nước sau khi đã được trích các quỹ theo chỉ tiêu được duyệt, nếu bị lỗ thì Ngân sách Nhà nước cấp bù. Cơ chế chủ quản tồn tại khá lâu trong lịch sử phát triển nền kinh tế nước ta và đó là cơ chế "không đội trời chung" với cơ chế thị trường. Rất may, từ năm 1986, đất nước ta đổi mới tư duy, công dân được tự do kinh doanh, kinh tế thị trường đang từng ngày được xác lập. Tuy vậy, cơ chế chủ quản vẫn chưa được xoá bỏ hoàn toàn, nó vẫn tồn tại và "biến dạng" một cách tinh vi hơn. Điều đó được chứng minh với những tư liệu được viện dẫn ngay chính trong NĐ 25. Các Công ty TNHH một thành viên ra đời từ NĐ 25 phải được gọi đúng tên là Công ty TNHH Nhà nước một thành viên. Bởi lẽ, Nhà nước vẫn là chủ sở hữu 100% vốn điều lệ của những công ty đó. Cụm từ "Nhà nước một thành viên" đã được sử dụng để đặt tên cho một số DNNN trước đây. Song, trong lần chuyển đổi này, cụm từ trên đã không được sử dụng để tránh vi phạm nguyên tắc "thương mại không phân biệt đối xử" – một trong những nguyên tắc cơ bản của WTO mà Việt Nam đã gia nhập. Vì "Nhà nước vẫn là chủ sở hữu 100% vốn điều lệ" cho nên những nội dung cơ bản của "Cơ chế chủ quản" trong công tác quản trị các DNNN vẫn còn nguyên vẹn đối với các Công ty TNHH một thành viên hình thành sau chuyển đổi.Điều đó được biểu hiện ở những câu hỏi đã được đặt ra từ lâu nhưng chưa bao giờ được giải đáp đến nơi, đến chốn. Ai là chủ sở hữu của Công ty? Điều 3 NĐ25 quy định: "Nhà nước là chủ sở hữu đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do mình nắm giữ toàn bộ vốn điều lệ. Chính phủ thống nhất tổ chức thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ toàn bộ vốn điều lệ". Song, Nhà nước luôn luôn là một danh từ chung, không chỉ cụ thể là ai. Vì vậy, trong trường hợp này, chủ sở hữu vẫn không được xác định. NĐ 25 có chỉ rõ hơn: "Mỗi công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên được chuyển đổi từ công ty nhà nước hoặc thành lập mới chỉ do một tổ chức được phân công, phân cấp dưới đây thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu (sau đây gọi tắt là chủ sở hữu)…". Và các tổ chức đó là:Thủ tướng Chính phủ hoặc một tổ chức chuyên trách được Chính phủ phân công; Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh); Công ty mẹ trong mô hình công ty mẹ – công ty con, công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) trong một số trường hợp. Rõ ràng, việc xác định "chủ sở hữu của Công ty" vẫn bùng nhùng như trước đây, tức là, các cơ quan quản lý hành chính nhà nước lại là "chủ sở hữu" của các đơn vị kinh doanh. Dấu ấn của cơ chế chủ quản vẫn còn nguyên vẹn! Chủ sở hữu làm gì? Khoản 5 Điều 3 NĐ 25 quy định: "Chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có các quyền, nghĩa vụ quy định tại các Điều 64, 65 và 66 Luật Doanh nghiệp, Nghị định này và Điều lệ công ty". Song, khoản 12 Điều 20 NĐ 25 lại liệt kê những vấn đề khi Hội đồng thành viên quyết định phải được chủ sở hữu chấp thuận như: chiến lược phát triển, kế hoạch dài hạn, trung hạn và hàng năm của công ty; danh mục đầu tư, các ngành nghề kinh doanh chính và các ngành nghề không có liên quan đến ngành nghề kinh doanh chính; việc điều chỉnh, bổ sung ngành nghề kinh doanh chính của công ty; những ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn, dự án có nguy cơ rủi ro cao; Phê duyệt các dự án đầu tư; hợp đồng mua, bán, vay, cho vay và hợp đồng khác trên mức quy định;Phê duyệt các phương án huy động vốn trên mức quy định; góp vốn đầu tư vào công ty khác; thay đổi cơ cấu sở hữu của công ty con làm mất quyền chi phối của công ty; Điều chỉnh vốn điều lệ công ty; chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ của công ty cho tổ chức, cá nhân khác; Phê duyệt báo cáo quyết toán; phương án sử dụng lợi nhuận sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác của công ty; phương án xử lý các khoản lỗ trong quá trình kinh doanh;bổ sung, sửa đổi Điều lệ công ty; bổ nhiệm, thuê, miễn nhiệm, cách chức, ký hợp đồng, chấm dứt hợp đồng với Tổng giám đốc v.v…. Với các Chủ tịch công ty trong mô hình không có Hội đồng thành viên, những vấn đề phải được chủ sở hữu chấp thuận cũng được quy định tương tự tại khoản 3 Điều 27 NĐ 25. Những quy định nêu trên về hình thức là rất đầy đủ, thể hiện rằng, chủ sở hữu có rất nhiều quyền và có trách nhiệm rất cao. Song, trên thực tế, chủ sở hữu chỉ có một việc là "cho ý kiến" chấp thuận hay không chấp thuận đề nghị của Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch Công ty. Điều đó hoàn toàn không khác gì quan hệ giữa ông Trưởng Ty (Giám đốc Sở) với ông Giám đốc Xí nghiệp trong cơ chế chủ quản trước đây. Chủ sở hữu là con người cụ thể nào? Chủ sở hữu một Công ty không thể là một cơ quan, tổ chức mà phải là một con người cụ thể. Quy định tại NĐ 25 cho ta thấy: tuỳ theo từng Công ty, chủ sở hữu sẽ là Thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng; Chủ tịch UBND cấp tỉnh; người được Công ty mẹ hoặc SCIC giao quyền. Câu hỏi được đặt ra là, liệu các quan chức trong bộ máy công quyền (Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh) có đủ điều kiện (ít nhất là về thời gian) để thực hiện các quyền của chủ sở hữu hay không? Câu trả lời là: không! Chẳng hạn, một vị Chủ tịch UBND cấp tỉnh với hàng trăm cuộc họp mỗi tháng và phải chịu trách nhiệm đối với mọi hoạt đng trên địa bàn tỉnh thì lấy đâu ra thời gian để "thực hiện quyền và trách nhiệm của chủ sở hữu công ty"? Hơn nữa, quản lý một công ty kinh doanh liên quan đến rất nhiều vấn đề từ kinh tế, kỹ thuật đến lao động, đất đai, pháp luật và tập quán quốc tế… Do đó, không phải cứ xin ý kiến là chủ sở hữu có thể "cho ý kiến" được ngay. Tất yếu phải có các cơ quan tham mưu, nghiên cứu và trình lên ý kiến giải quyết. Và không loại trừ trường hợp khi ý kiến chấp thuận được thông báo thì thời cơ kinh doanh đã… mất! Với những "chủ sở hữu" không phải là quan chức mà là đại diện của công ty mẹ hoặc SCIC thì câu hỏi đặt ra lại là: Họ có dám "cho ý kiến" không? Vốn của Công ty là vốn Nhà nước. Do dó, nếu "cho ý kiến" kịp thời nhưng gặp rủi ro, kinh doanh thua lỗ, liệu họ có tránh khỏi tội "cố ý làm trái, gây hậu quả nghiêm trọng"? Vì vậy, để chắc chắn, đến lượt mình, họ lại đi "xin ý kiến" cấp trên trước khi "cho ý kiến" với người "xin ý kiến"! Những quy trình "xin" và "cho" ý kiến nêu trên là xa lạ đối với hoạt động kinh doanh trong kinh tế thị trường. Đó là "bản nhạc của cơ chế chủ quản" đã được "soạn lời mới" trong NĐ25! Ai sẽ chịu trách nhiệm khi Công ty mất vốn? Theo NĐ 25, tham gia quản lý điều hành Công ty TNHH một thành viên có: Chủ sở hữu, Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch Công ty trong mô hình không có Hội đồng thành viên. Câu hỏi được đặt ra là: Nếu do quản lý yếu kém, Công ty bị mất vốn thì ai chịu trách nhiệm và chịu trách nhiệm như thế nào? Theo Luật Doanh nghiệp, chủ sở hữu sẽ là người chịu trách nhiệm toàn diện và cao nhất là mất hết số vốn đầu tư của mình. Song, trong Công ty TNHH nhà nước một thành viên, vốn của Công ty là vốn của Nhà nước – là tiền đóng thuế của nhân dân. Số vốn đó không thuộc sở hữu của một cá nhân nào. Do đó, những "chủ sở hữu" của Công ty chẳng có gì để mất. Khi công ty thua lỗ và mất vốn, cao lắm, các "chủ sở hữu" được yêu cầu "kiểm điểm, rút kinh nghiệm" hoặc kỷ luật hành chính. Song, ai có thể kỷ luật được một ông Chủ tịch UBND tỉnh khi ông đã hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ của một Chủ tịch UBND tỉnh nhưng có một số Công ty do ông làm "chủ sở hữu" bị mất vốn? Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty cũng sẽ vô can. Bởi lẽ, trước khi thực hiện những việc quan trọng, họ đã "xin" ý kiến chủ sở hữu và được chấp thuận. Việc không thành công là do khách quan, do năng lực có hạn và hàng nghìn lý do khác đầy sức thuyết phục! Hơn nữa, họ cũng chỉ là người được chủ sở hữu "thuê quản lý" không có hợp đồng. Căn cứ pháp lý nào để quy trách nhiệm cho họ phải bồi thường thiệt hại cho Công ty? Như vậy, có thể thấy, khi còn là DNNN, DN mất vốn, phá sản đã không có ai chịu trách nhiệm. Chuyển sang Công ty TNHH nhà nước một thành viên, khi công ty bị mất vốn, cũng sẽ không có ai chịu trách nhiệm. Chỉ có nhân dân – những người đóng thuế vào Ngân sách Nhà nước – là bị mất mà không biết kêu ai? Cần làm gì? Có thể khẳng định rằng, khi còn duy trì nguyên tắc "Nhà nước làm chủ sở hữu" của Công ty thì không có câu trả lời triệt để, hiệu quả cho những câu hỏi đã nêu. Bởi lẽ, vốn nói chung, vốn trong kinh doanh của mọi doanh nghiệp nói riêng, chỉ được bảo toàn và có hiệu quả khi có một "Chủ sở hữu" đích thực. Vì vậy, xin kiến nghị vài giải pháp trong tương lai: 1. Nhanh chóng thực hiện cổ phần hoá, bán, khoán, cho thuê những Công ty TNHH nhà nước một thành viên sau chuyển đổi. Chuyển đổi hình thức sở hữu DNNN nhằm thu hút vốn đầu tư trong nhân dân, nâng cao năng lực quản trị và sức cạnh tranh của các DN là mục tiêu đã được đặt ra từ lâu của Đảng và Nhà nước ta. Mục tiêu được đặt ra là Nhà nước chỉ giữ và góp vốn chi phối trong khoảng 400 DN hoạt động trong những lĩnh vực có liên quan đến an ninh quốc phòng và lợi ích công cộng. Vì vậy, không có một lý do gì để trì hoãn quá trình này. 2. Để quản lý phần vốn Nhà nước đầu tư vào các doanh nghiệp trong nền kinh tế quốc dân trong những trường hợp cần thiết, cần nhanh chóng đoạn tuyệt với cơ chế chủ quản với những biểu hiện tinh vi hơn hiện nay. Không thể và không nên giao cho một quan chức, công chức trong bộ máy công quyền làm "chủ sở hữu" hoặc "đại diện phần vốn góp của Nhà nước tại DN". Đó là việc làm phi kinh tế thị trường, cái nôi của nạn tham nhũng, là điều kiện để hình thành những "nhóm lợi ích" chi phối thị trường, phá vỡ kỷ cương, pháp luật. 3. Nghiên cứu, xây dựng và ban hành Luật quản lý vốn nhà nước đầu tư vào các doanh nghiệp, Luật về thuê quản lý doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, tổ chức lại SCIC thành một doanh nghiệp có chức năng nhận uỷ thác đầu tư của Nhà nước để đầu tư vào các DN khác. Đồng thời, cho phép các doanh nghiệp khác trong cả nước được phép nhận uỷ thác đầu tư vốn của Nhà nước để đầu tư vào các DN, công trình, dự án nếu đủ những điều kiện theo quy định của pháp luật. 4. Với những trường hợp do quản lý, điều hành yếu kém, do vụ lợi và đưa DN đến bờ vực phá sản như với Vinashin hiện nay, cần xử lý nghiêm khắc đối với tất cả những ai có liên quan. Không thể để tình trạng, người được "xin" ý kiến cũng có lợi, người đi "xin" ý kiến cũng có lợi và chỉ có nhân dân chịu thiệt khi vốn Nhà nước bị thất thoát như đã và đang  xảy ra.  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật