QUAN HỆ TÀI CHÍNH – NGÂN HÀNG VÀ BẢO HIỂM VIỆT NAM – HOA KỲ

TS. NGUYỄN MINH PHONG 1. Khái quát chung Quan hệ kinh tế – tài chính Việt Nam – Hoa Kỳ đã trải qua những thời khắc và sự kiện đặc biệt. Cho đến nay, hai nước đã ký kết một số Hiệp định, Thoả thuận về kinh tế như Hiệp định về thiết lập quan hệ quyền tác giả (ngày 27/6/1997), Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam – Mỹ (HĐTM)(1), Hiệp định Hợp tác về khoa học và công nghệ (2), Hiệp định Dệt -may (có hiệu lực từ 1/5/2003), Hiệp định Hàng không (3); Hiệp định khung hợp tác về kinh tế và kỹ thuật (có hiệu lực từ 28/7/2005), Bản Ghi nhớ hợp tác về Nông nghiệp (4)… Hai nước đã ký kết nhiều văn bản về hợp tác trong các lĩnh vực khác, như Tuyên bố chung về hợp tác y tế giữa hai Bộ Y tế (12/1997), Thoả thuận hợp tác về thể dục thể thao (tháng 3/1999), Bản ghi nhớ về hợp tác lao động Việt Nam -Mỹ (11/2000), Bản Ghi nhớ về hợp tác kỹ thuật trong lĩnh vực Khí tượng Thuỷ văn (1/2001), Biên bản Ghi nhớ giúp đào tạo nhân lực cho ngành Thuỷ sản Việt Nam (11/3/2003), Hiệp định hợp tác y tế và khoa học y học Việt Nam -Mỹ (7/2006)… Năm 2003, hai nước đã ký kết Nguyên tắc hợp tác trong việc thực hiện Đề án Quỹ giáo dục của Mỹ dành cho Việt Nam (VEF), cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam sang Mỹ đào tạo về các ngành khoa học, công nghệ. Ngày 23/6/2004, Tổng thống Mỹ G.Bush tuyên bố đưa Việt Nam vào danh sách 15 nước ưu tiên trong Kế hoạch Viện trợ khẩn cấp về phòng chống HIV /AIDS. Mỹ cũng hợp tác tích cực và tài trợ cho Việt Nam trong lĩnh vực phòng chống đại dịch cúm gia cầm… Kể từ khi HĐTM có hiệu lực đến nay, quan hệ buôn bán giữa hai nước tăng nhanh: kim ngạch buôn bán 2 chiều năm 2005 đạt 7, 8 tỉ USD, tăng gấp hơn 5 lần năm 2001 (1, 5 tỉ USD); năm 2006 đạt 9, 7 tỷ USD, trong đó Việt Nam nhập 1, 1 tỷ và xuất 8, 6 tỷ (Việt Nam luôn xuất siêu lớn sang Mỹ). Hiện Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều Việt – Mỹ năm 2008 đạt 15, 2 tỉ đô la, gấp hơn 10 lần so với năm 2001. Theo đó, Mỹ đã trở thành đối tác thương mại số một của Việt Nam. Việt Nam là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất của Hoa Kỳ ở khu vực châu á. Đồng thời, Hoa Kỳ đã trở thành nước thứ 2 (sau Trung Quốc) về số lượng khách du lịch vào Việt Nam. Đường bay thẳng giữa Hoa Kỳ và Việt Nam vừa được nối lại sau 30 năm gián đoạn.   Đầu tư trực tiếp của các công ty Mỹ vào Việt Nam cũng tăng lên nhanh chóng. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KHĐT), tính đến ngày 22/11/2008, Hoa Kỳ đứng thứ 11/81 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam với 421 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký 4, 1 tỷ USD. Đặc biệt, trong 4 tháng đầu năm 2009, trong tổng vốn FDI đăng ký đạt 6, 35 tỷ USD, với tổng cộng 168 dự án đăng ký mới vào Việt Nam, thì các doanh nghiệp Mỹ đã vươn lên dẫn đầu với hơn 3, 8 tỷ USD, từ 2 dự án là Saigon Atlantis Hotel của tập đoàn Winvest LLC xin tăng vốn từ 300 triệu USD lên 4, 1 tỷ USD và một dự án khác có vốn đăng ký 1, 16 triệu USD…Hiện đã có hơn 1000 doanh nghiệp Mỹ, trong đó nhiều tập đoàn lớn của Mỹ hoạt động tại Việt Nam như: IBM, Citi group, Boeing, Intel… Các doanh nghiệp Mỹ cũng đã thành lập hai phòng thương mại tại Việt Nam ở Hà Nội và TP. HCM. Đặc biệt, trong tháng 3/2009, UBND tỉnh Phú Yên đã chấp thuận về chủ trương dành 3.000 ha đất tại khu vực Nam Tuy Hoà (Phú Yên) cho Dự án Thành phố sáng tạo. Đây là dự án của Tập đoàn Galileo International Group (Mỹ) đề xuất, với vốn đầu tư khoảng 1, 6 tỷ USD cho giai đoạn 1 .Galileo đề nghị diện tích đất là 7.000 ha dọc bờ sông Ba để xây dựng thành phố công nghệ cao, một khu đại học, khu kinh tế – thương mại và khu phim trường. Tổng đầu tư của tất cả các hạng mục này có thể lên tới trên 10 tỷ USD, kéo dài tới năm 2035. Hiện chủ dự án đang xây dựng quy hoạch để trình UBND tỉnh và các cơ quan trung ương có liên quan. Nếu các thủ tục được hoàn thành kịp thời, chủ đầu tư đặt lịch bắt đầu thực hiện giải phóng mặt bằng vào quý III /2009 để kịp kết thúc giai đoạn 1 vào năm 2015. Quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực khác như khoa học – kỹ thuật, giáo dục – đào tạo, y tế, lao động, văn hóa, nhân đạo cũng có những bước tiến tích cực. Hai bên đã thỏa thuận và ký văn bản về những nguyên tắc hợp tác thực thi Quỹ giáo dục dành cho Việt Nam. Nhiều dự án và chương trình về y tế và chăm sóc sức khỏe đã được nỗ lực xây dựng và có hiệu quả như chương trình 15 triệu USD phòng chống HIV /AIDS (2004), hợp tác phòng chống dịch bệnh SARS, dự án Giáo dục vệ sinh và dinh dưỡng học đường… Hợp tác giữa hai nước trong việc giải quyết các vấn đề nhân đạo do chiến tranh để lại ngày càng được tăng cường, bắt đầu với sự hợp tác đầy thiện chí và ngày càng có hiệu quả của Việt Nam với Hoa Kỳ trong việc tìm kiếm quân nhân mất tích trong chiến tranh mà Hoa Kỳ coi như “mẫu mực”. Phía Hoa Kỳ cũng đã có những biện pháp đáp ứng nhu cầu nhân đạo của Việt Nam trong việc khắc phục những hậu quả chiến tranh. Trong năm tài khóa 2005, tổng số tài trợ của Mỹ từ tất cả các tổ chức cho Việt Nam xấp xỉ 65 triệu đô-la, mà phần lớn nhất là của USAID. USAID đã chính thức mở văn phòng chi nhánh tại Hà Nội vào tháng 9 năm 2000 như một phần của Cơ quan Đại diện Thường trú Khu vực châu á của tổ chức này. Nhằm chuẩn bị cho cuộc họp lần thứ hai cấp bộ trưởng của Hội đồng TIFA, dự kiến tổ chức vào tháng 6/2009 tại Hà Nội, trong các ngày từ 15 đến 22/4/2009, Ban Thư ký Hội đồng Hiệp định Khung về Thương mại và Đầu tư Việt Nam -Hoa Kỳ (TIFA) đã họp tại Washington, trao đổi các vấn đề trong quan hệ kinh tế song phương như hợp tác về nông nghiệp, thương mại, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, lao động và công đoàn cũng như tăng cường cơ chế hợp tác song phương. Nội dung chính của phiên họp lần này là trao đổi các biện pháp thúc đẩy việc thực hiện Tuyên bố chung Việt Nam -Hoa Kỳ ký tháng 6/2008 nhân chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng. Về việc đề nghị Hoa Kỳ sớm dành cơ chế Ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) cho Việt Nam, hai bên đã trao đổi cụ thể những vấn đề đang tồn tại là hợp tác lao động và công đoàn. Nếu được thông qua, cơ chế GSP sẽ mở đường cho Việt Nam xuất khẩu nhiều loại hàng trong danh mục khoảng 3.600 mặt hàng có thể được hưởng GSP sang Hoa Kỳ với mức thuế suất thấp, phần lớn trong khoảng 0-5%. Hai bên đã trao đổi các biện pháp thuận lợi hóa thương mại như việc trao đổi thông tin, hợp tác hải quan, cấp giấy phép. Hai bên cũng đề cập vụ việc gần đây một số công ty Hoa Kỳ khởi kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp mặt hàng túi đựng hàng bán lẻ bằng sợi polythylene nhập khẩu từ Việt Nam. Trong phiên họp này, hai bên cũng đã dành thời gian trao đổi việc thúc đẩy xuất khẩu hoa quả như chôm chôm, vải và nhãn của Việt Nam sang Hoa Kỳ; việc tạo thuận lợi cho xuất khẩu tôm, cá tra, cá basa, cá cảnh, đồ gỗ của Việt Nam sang Hoa Kỳ, cũng như việc xuất khẩu thịt bò của Mỹ sang Việt Nam. Hai bên đã trao đổi về vấn đề thúc đẩy thực thi quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ và hợp tác trong đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương. Phía Hoa Kỳ nêu sáng kiến thành lập Nhóm công tác về Thương mại và Môi trường và Nhóm công tác về Công nghệ sinh học. Bên cạnh đó, hai bên đã bàn các biện pháp thực hiện cơ chế cảnh báo sớm nhằm phòng tránh xảy ra các tranh chấp thương mại. 2. Quan hệ trong lĩnh vực ngân hàng Theo Hiệp định BTA đã ký, Việt Nam cam kết mở cửa thị trường dịch vụ tài chính – ngân hàng theo lộ trình nới lỏng dần và tiến tới xoá bỏ các hạn chế đối với hoạt động của các NH Mỹ tại Việt Nam. Lộ trình này đồng nghĩa với việc xoá bỏ dần nhiều lợi thế của các định chế trong nước. Cụ thể, ngay sau khi BTA có hiệu lực (từ ngày 10/12/2001), các chi nhánh ngân hàng Hoa Kỳ được phép thành lập tại Việt Nam. Giai đoạn từ 2001 đến 2010, họ sẽ được thành lập các ngân hàng liên doanh với vốn Hoa Kỳ từ 30-49%; tới năm 2010 họ sẽ được thành lập ngân hàng 100% vốn Hoa Kỳ. Các ngân hàng Mỹ sau khi thành lập sẽ được nhận tiền ký gửi bằng nội tệ và sau 9 năm (2010), họ được phép nhận tiền ký gửi bằng nội tệ như các ngân hàng Việt Nam; trong 8 năm, các ngân hàng Mỹ được phép phát hành thẻ tín dụng; sau 5 năm được phép lập công ty bảo hiểm nhân thọ và các lĩnh vực không bắt buộc 100% vốn từ Mỹ. Như vậy là sau 9 năm, các ngân hàng Mỹ sẽ có một “sân chơi” bình đẳng với các ngân hàng nội địa. Hiện nhiều ngân hàng và các tổ chức tín dụng Mỹ đang gấp rút tìm hiểu về các luật lệ để thâm nhập thị trường tài chính Việt Nam. Hiện mới chỉ có 1 chi nhánh và 2 văn phòng đại diện của ngân hàng Mỹ tại Việt Nam. Các ngân hàng này cũng như các ngân hàng nước ngoài đang phải hoạt động với những hạn chế nhất định so với các NH nội địa. Nhưng tình hình này sẽ sớm thay đổi. Các ngân hàng Mỹ đang từng bước tham gia vào mọi lĩnh vực hoạt động ngân hàng tại Việt Nam. Tháng 10/2007, Ông John J.Mack, Chủ tịch kiêm TGĐ điều hành Morgan Stanley đã đến thăm và làm việc với Tập đoàn Dầu khí VN nhằm đi đến việc ký kết một bản ghi nhớ về khả năng hợp tác giữa hai tập đoàn trong các lĩnh vực mà hai bên quan tâm như: Hợp tác đầu tư, thu xếp vốn, cung cấp các dịch vụ tài chính ngân hàng… cho các hoạt động của Tập đoàn Dầu khí ở trong nước cũng như đầu tư ra nước ngoài, bao gồm cả việc Morgan Stanley sớm xem xét quyết định dầu tư vào Công ty Tài chính Dầu khí (PVFC) với tư cách là một cổ đông chiến lược khi PVFC thực hiện việc IPO ra thị trường … Công nghệ hiện đại và trình độ quản lý tiên tiến cũng như nguồn tài chính dồi dào của các ngân hàng Mỹ sẽ là những ưu thế cơ bản tạo ra những sức ép cạnh tranh, buộc các ngân hàng Việt Nam phải đầu tư thêm vào kỹ thuật, cải tiến phương thức quản trị và hiện đại hoá hệ thống thanh toán để nâng cao năng lực, đặc biệt là đối với các ngân hàng có những nội dung và phạm vi hoạt động trùng với lĩnh vực hoạt động có ưu thế của các ngân hàng Mỹ (như thanh toán quốc tế, đầu tư dự án, tài trợ thương mại…) và các khách hàng trọng tâm của ngân hàng Mỹ (các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp nhà nước lớn, các doanh nghiệp xuất khẩu lớn…). Trong trường hợp các ngân hàng Mỹ được phép thực hiện cả những hoạt động kinh doanh chứng khoán như quản lý các quỹ đầu tư, hoặc tham gia vào việc thanh toán bù trừ các tài sản tài chính, họ cũng sẽ có phạm vi hoạt động rộng hơn hẳn các ngân hàng Việt Nam hiện nay và sẽ có những ưu thế rõ rệt trong việc đa dạng hoá hoạt động của mình. Đồng thời, việc quản lý nhà nước đối với hoạt động của các ngân hàng Mỹ sẽ phức tạp hơn hiện nay và đòi hỏi phải có sự phối hợp quản lý của nhiều cơ quan. Ngược lại, sức mạnh và ưu thế hơn hẳn của các ngân hàng Việt Nam so với các ngân hàng Mỹ là có được mạng lưới chi nhánh rộng khắp, mối quan hệ truyền thống với khách hàng, có sự hiểu biết cụ thể các yêu cầu của khách hàng, khả năng khách hàng và những vấn đề văn hoá mà ngân hàng Mỹ chưa thể có. Bên cạnh đó, do điểm yếu của các ngân hàng nước ngoài là không có mạng lưới rộng, hiểu biết khách hàng hạn chế, sự hợp tác giữa các ngân hàng Việt Nam và các ngân hàng Hoa kỳ trong nhiều trường hợp là yêu cầu của chính các ngân hàng Mỹ. Điều này tạo ra cơ hội cho các NH Việt Nam tiếp cận được dần với cách thức quản lý, kinh doanh của các ngân hàng quốc tế hoạt động tại Việt Nam. Dự báo, do khủng hoảng tài chính, sẽ có khoảng 150 trong tổng số hơn 7.000 ngân hàng đang hoạt động trên đất Mỹ có thể bị sụp đổ trong vòng từ 12 đến 18 tháng tới. Ngoài ra, nhiều ngân hàng, tổ chức tín dụng khác có thể phải đóng cửa bớt chi nhánh của mình hoặc sáp nhập. Trong tương lai, nguy cơ sụp đổ của các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ ở Mỹ sẽ rất cao, điều này có thể ảnh hưởng nhất định đến sự tham gia của các ngân hàng Mỹ vào thị trường tài chính Việt Nam. 3. Quan hệ trong lĩnh vực bảo hiểm Việc cấp giấy phép hoạt động cho các công ty bảo hiểm của Mỹ được thực hiện theo Hiệp định Thương mại song phương (BTA), do chính phủ Việt Nam và Mỹ phê chuẩn”. Theo BTA, có hiệu lực từ tháng 12/2001, các công ty bảo hiểm của Mỹ có thể thành lập công ty liên doanh với các công ty Việt Nam từ tháng 12/2004 và công ty 100% vốn nước ngoài từ tháng 12/2006. Nhưng trên thực tế, Việt Nam đã cấp phép cho một số công ty bảo hiểm Mỹ trước thời hạn cam kết trong Hiệp định thương mại tới gần 2 năm. Bắt đầu từ ngày 1/1/2008, theo cam kết WTO, thị trường bảo hiểm của Việt Nam thực sự mở cửa hoàn toàn, với việc cho phép công ty bảo hiểm có vốn đầu tư nước ngoài được cung cấp dịch vụ bảo hiểm bắt buộc (bảo hiểm xe có động cơ, xây dựng..). Thị trường bảo hiểm Việt Nam – với tốc độ tăng trưởng trung bình 30%/năm – hiện đang có tất cả 28 doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế cùng tham gia hoạt động kinh doanh trên cả 04 lĩnh vực: bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm nhân thọ, kinh doanh tái bảo hiểm và hoạt động trung gian bảo hiểm, bao gồm 2 doanh nghiệp Nhà nước, 11 công ty cổ phần và 15 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có một hãng hoạt động tái bảo hiểm, 5 bảo hiểm nhân thọ, 5 môi giới bảo hiểm và 14 phi nhân thọ. 12 trong số 25 công ty đó là doanh nghiệp có vốn nước ngoài. Tập đoàn bảo hiểm nhân thọ hàng đầu của Mỹ New York Life (thành lập năm 1845t, với trên 200 tỷ USD giá trị tài sản, doanh thu hàng năm trên 25 tỷ USD, hiện có thị trường rộng lớn tại châu Mỹ và châu á) đã mở văn phòng đại diện tại Hà Nội vào 4/2000, Tháng 12/2001, New York Life chính thức gửi hồ sơ xin thành lập doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ với 100% vốn nước ngoài lên Bộ Tài chính. Thông qua văn phòng đại diện, công ty này vừa chờ đợi giấy phép vừa tiến hành tìm hiểu, bám sát thị trường Việt Nam và sắp đặt kế hoạch để sẵn sàng nhập cuộc. Đồng thời, hai công ty bảo hiểm khác của Mỹ là American International Group (AIG) và AON Inchibrok đã được cấp giấy phép hoạt động tại Việt Nam. Mới đây, Việt Nam cũng chính thức được cấp phép hoạt động cho Tập đoàn ACE và Tập đoàn Marsh Inc., tập đoàn môi giới bảo hiểm lớn nhất thế giới, với 100% vốn của Mỹ, với thời hạn hoạt động 50 năm… Ngoài các tên tuổi đến từ Mỹ, châu Âu là các tập đoàn hàng đầu của Singapore, Trung Quốc. Trong tháng 3/2009, sự ra mắt của tập đoàn Great Eastern (lớn nhất Singapore) và tập đoàn Bình An (Trung Quốc). Cũng cuối tháng 3/2009 vừa qua, một hội nghị quốc tế có quy mô nhất từ trước tới nay của ngành bảo hiểm Việt Nam đã được tổ chức tại Hà Nội, với sự tham gia của khoảng 50 tập đoàn, công ty bảo hiểm nổi tiếng trong nước và trên thế giới. Theo đánh giá của hội nghị, thị trường bảo hiểm Việt Nam có tương lai khả quan, đầy hứa hẹn. Thị trường bảo hiểm Việt Nam đang được đa dạng hóa với tốc độ cao, sức ép mở cửa thị trường và thách thức hội nhập ngày càng lớn. Số lượng công ty hoạt động kinh doanh bảo hiểm ngày càng tăng; các loại hình sở hữu đa dạng ở cả bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ, thuộc cả ba lĩnh vực bảo hiểm con người, bảo hiểm tài sản và bảo hiểm trách nhiệm dân sự.Trên thị trường bảo hiểm đã xuất hiện nhiều sản phẩm mới và khá độc đáo trên cơ sở kết hợp giữa các yếu tố tiết kiệm – đầu tư bảo vệ, được công luận đánh giá cao như sản phẩm bảo hiểm tai nạn cá nhân cho người sử dụng thẻ ATM, bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm của người chăn nuôi và sản xuất thức ăn gia cầm, bảo hiểm bệnh hiểm nghèo… Tốc độ tăng doanh thu phí của bảo hiểm Việt Nam ở mức khá cao so với thế giới và khu vực. Một số công ty bảo hiểm tuy mới đi vào hoạt động nhưng cũng đã đạt được tốc độ tăng trưởng cao như Bảo Minh, Prudential, PJICO… Mục tiêu của ngành bảo hiểm Việt Nam đến năm 2010 là nâng tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt 4,2% GDP và tổng vốn đầu tư trở lại nền kinh tế đạt tới 90.000 tỷ đồng. Đóng góp tích cực đến việc ổn định nền kinh tế – xã hội và đời sống dân cư. Hàng năm các doanh nghiệp bảo hiểm đã giải quyết bồi thường và trả tiền bảo hiểm hàng ngàn tỷ đồng, giúp các doanh nghiệp và người dân ổn định sản xuất kinh doanh và đời sống, giảm bớt gánh nặng cho NSNN. Sản phẩm bảo hiểm được đa dạng hoá với hơn 600 sản phẩm bảo hiểm nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân. Đến nay số lượng lao động trong ngành bảo hiểm là gần 140.000 người với thu nhập ổn định. Việt Nam cam kết giảm can thiệp hành chính vào hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm, thay vào đó là các chính sách minh bạch phù hợp với các chuẩn mực quốc tế để hướng các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các lĩnh vực nền kinh tế hội nhập có nhu cầu. Việc gia nhập thị trường bảo hiểm Việt Nam sẽ do các chủ đầu tư cân nhắc, quyết định. Có thể nói, sự phát triển mạnh mẽ và toàn diện của quan hệ Việt Mỹ trong một thập kỷ qua là một thành công đáng kể của cả hai nước. Về triển vọng, quan hệ hợp tác kinh tế -tài chính -ngân hàng và bảo hiểm nói riêng và các quan hệ song phương toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ nói chung chắc chắn sẽ có những phát triển mạnh mẽ hơn cả bề rộng, lẫn bề sâu. Chiến tranh lạnh cũng như những ám ảnh của quá khứ đã lùi xa. Việc phát triển quan hệ hợp tác Việt – Mỹ trong lĩnh vực nào, tới mức độ nào và thông qua những phương thức nào phụ thuộc hoàn toàn vào “lựa chọn” chủ quan của hai nước và phải phù hợp với lợi ích quốc gia của mỗi bên. Xét trên góc độ này, cả Mỹ và Việt Nam đều có đầy đủ mọi lý do để lựa chọn thúc đẩy hợp tác giữa hai nước mạnh mẽ và toàn diện hơn nữa. Nếu như đối với Việt Nam, quan hệ với Mỹ có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao vị thế của mình, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp phát triển kinh tế; thì đối với Mỹ, việc phát triển quan hệ chính trị với Việt Nam cũng có ý nghĩa ngày càng quan trọng. Với một vị thế không ngừng lớn mạnh trên trường quốc tế, Việt Nam xứng đáng có một vị trí cao hơn trong chiến lược của Mỹ, đặc biệt là ở khu vực Châu á Thái Bình Dương, nơi cạnh tranh ảnh hưởng giữa các cường quốc được dự báo sẽ ngày càng gay gắt hơn trong tương lai. Chính vì vậy quan hệ tốt hơn với Việt Nam sẽ có lợi cho Mỹ trong việc duy trì ảnh hưởng của mình ở khu vực. Về kinh tế, một điều rõ ràng là quan hệ kinh tế với Mỹ, với tư cách là đối tác thương mại lớn nhất và nhà đầu tư hàng đầu, có vai trò quan trọng đối với Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam với một nền kinh tế năng động, thị trường lớn nhiều tiềm năng cùng nhiều cơ hội chưa được khai phá, cũng cần được Mỹ coi là một đối tác quan trọng về kinh tế. Ngoài ra, việc Mỹ phát triển hơn nữa quan hệ kinh tế với Việt Nam cũng sẽ thúc đẩy quá trình phát triển nền kinh tế thị trường ở đây. Điều này phù hợp với chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường và mở rộng các giá trị tự do, dân chủ của Mỹ trên toàn cầu. Về quân sự, hợp tác giữa hai quốc gia trên lĩnh vực này vẫn còn tương đối mới mẻ và dè dặt. Nhưng cũng chính vì thế tiềm năng phát triển hợp tác giữa hai bên trên lĩnh vực này trong tương lai là rất to lớn. Thúc đẩy hợp tác quân sự sẽ mang lại cho cả hai nước những lợi ích trước mắt cũng như lâu dài, đặc biệt là trong việc đối phó với những bất trắc tiềm tàng về an ninh ở khu vực mà hai bên cùng quan tâm. Việc phát triển hợp tác quân sự cũng mang lại thêm một rường cột trong quan hệ hai nước, làm cho quan hệ hai nước trở nên toàn diện và vững chắc hơn. Có thể thấy, quan hệ Việt – Mỹ đang đứng trước những cơ hội mới để phát triển mạnh mẽ và toàn diện hơn nữa, bao gồm cả ba lĩnh vực: chính trị, kinh tế và quân sự. Mục tiêu mà hai bên đặt ra và cần vươn tới trong tương lai gần là: xây dựng quan hệ đối tác mang tính xây dựng hữu nghị, hợp tác nhiều mặt trên nền tảng rộng lớn, ổn định và hiệu quả giữa hai nước. ————– (1) Ký ngày 13/7/2000, có hiệu lực ngày 10/12/2001. (2) Có hiệu lực từ ngày 26/3/2001. (3) Có hiệu lực từ 14/1/2004. (4) Ký tháng 6/2005.

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật