PHÁT HÀNH VÀ CHẤP NHẬN HỐI PHIẾU

THS. NGUYỄN CHẤU QUÍ – Phó Trưởng bộ môn Luật Tư Pháp – Khoa Luật ĐH Cần Thơ Pháp luật về thương phiếu thương mại xuất hiện từ lâu (khoảng cuối thế kỷ XI đầu thế kỷ XII) ở các nước Phương Tây, đáp ứng các yêu cầu tất yếu, khách quan xuất phát từ hoạt động thương mại. Và ngày nay, thương phiếu được xem là một công cụ tín dụng, một phương tiện thanh toán hữu hiệu trong hoạt động thương mại. Xuất phát từ vai trò kinh tế của thương phiếu, các nước đã chú trọng xây dựng một cách có hệ thống và tương đối cụ thể các quy phạm pháp luật nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho hoạt động của thương phiếu. Không chỉ dừng lại ở hệ thống pháp luật trong nước, trên phương diện quốc tế, pháp luật thương mại quốc tế cũng đòi hỏi phải có sự thống nhất về luật pháp liên quan đến thương phiếu, trong chừng mực có thể được, để bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của thương nhân cũng như để bảo đảm một cách hữu hiệu sự tồn tại và hoạt động của thương phiếu. Điển hình là Công ước Genève ngày 7 tháng 6 năm 1930 về Hối phiếu và Lệnh phiếu đã được ký kết[1].   Từ đó đến nay, pháp luật thương mại quốc tế đã có rất nhiều các văn bản điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong hoạt động thương phiếu. Hơn nữa, điều này nhằm đáp ứng với tình hình phát triển kinh tế thế giới nói chung. Ở Việt Nam, trong thời kỳ áp dụng cơ chế tập trung, bao cấp, Nhà nước can thiệp rất sâu trong hoạt động kinh tế. Các tổ chức kinh tế, công dân chưa được tự do kinh doanh; pháp luật kinh doanh nói chung cũng như pháp luật thương mại chưa được chú trọng. Điều này chỉ thật sự được đổi mới và phát triển từ khi Đảng và Nhà nước chuyển hướng phát triển nền kinh tế nước ta theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong hoàn cảnh đó, thương phiếu và pháp luật thương phiếu chỉ được đề cập trong những năm gần đây: Luật Thương mại 1997, Pháp lệnh Thương phiếu được UBTVQH thông qua ngày 24/12/1999, có hiệu lực từ ngày 01/07/2000, và Nghị định số 32/NĐ-CP của Chính phủ ngày 05/7/2001 (sau đây gọi tắt NĐ 32) hướng dẫn chi tiết thi hành Pháp lệnh thương phiếu. Tuy nhiên, những văn bản pháp luật vừa nêu, theo chúng tôi, vẫn được coi là chưa đủ để có một môi trường pháp lý thuận tiện cho thương phiếu hoạt động. Trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ tập trung phân tích những vấn đề lý luận (A) của Hối phiếu và các điều kiện cần thiết cho việc ký phát hành, cho sự chấp nhận hối phiếu (B) theo quy định của pháp luật hiện hành. A. Lý luận chung về Hối phiếu I. Định nghĩa Hối phiếu theo quy định của pháp luật thương mại Việt nam (sau đây gọi tắt là HP): Đó là chứng chỉ có giá do người ký phát lập, yêu cầu người bị ký phát thanh toán không điều kiện một số tiền xác định khi có yêu cầu hoặc vào một thời gian nhất định trong tương lai cho người thụ hưởng. Như vậy, chúng ta có thể nhận thấy rằng trong quan hệ hối phiếu luôn tồn tại ba (3) chủ thể với vai trò, vị trí hoàn toàn khác nhau. Điều quan trọng là các quy định của pháp luật về HP chưa thể hiện rõ dựa trên cơ sở nào một người (người ký phát) ra lệnh hay yêu cầu một người (người bị ký phát) thanh toán không điều kiện một số tiền xác định khi có yêu cầu hoặc vào một thời gian nhất định trong tương lai cho một người (người thụ hưởng). Căn cứ vào quy định của pháp luật, mà cụ thể việc “thanh toán một số tiền nhất định” của người bị ký phát đối với người thụ hưởng theo yêu cầu (chính xác hơn là theo lệnh) của người ký phát, cho phép chúng ta suy đoán hai khả năng có thể xảy ra:hoặc việc “thanh toán một số tiền nhất định” của người bị ký phát nhằm thực hiện việc trả một khoản nợ của người này đối với người ký phát HP; hoặc việc thanh toán số tiền đó là việc thực hiện cam kết mà người bị ký phát đã chấp nhận là người cho vay đối với người ký phát để thanh toán hối phiếu. Để lý giải nguồn gốc của khoản nợ vừa nêu (giả thuyết thứ nhất) cũng như cơ sở để người ký phát ra lệnh cho người bị ký phát phải thanh toán một số tiền cho người thụ hưởng (giả thuyết thứ hai), chúng ta phải, một mặt xem xét phạm vi điều chỉnh của pháp luật thương phiếu, mặt khác nghiên cứu cơ chế hoạt động của quan hệ HP để xác định đúng đắn bản chất pháp lý của mối quan hệ này. Pháp lệnh thương phiếu và NĐ 32 đã xác định phạm vi điều chỉnh rất rõ. Cụ thể “Chỉ những quan hệ thương phiếu phát sinh từ hoạt động thương mại, trong đó có sự tham gia của một hoặc một số tổ chức tín dụng vào quan hệ thương phiếu với tư cách là người chấp nhận cho vay để thanh toán (…)”. Thật vậy, “Người chấp nhận” cho phép ta suy nghĩ, trước khi người ký phát ra lệnh cho người bị ký phát phải thanh toán vô điều kiện một số tiền xác định cho người thụ hưởng, thì giữa họ đã đạt được sự thỏa thuận nhất định, chẳng hạn người bị ký phát thỏa thuận chấp nhận là người bảo lãnh cho người ký phát. Hoặc trong trường hợp việc “thanh toán một số tiền nhất định” của người bị ký phát nhằm thực hiện việc trả một khoản nợ của người này đối với người ký phát HP thì, theo chúng tôi, trước đó, giữa họ cũng phải đạt được thỏa thuận cần thiết về việc áp dụng cơ chế hoạt động của HP (cách thức thanh toán bằng HP) vào việc thanh toán các hợp đồng mua bán hàng hoá[1]. Như vậy, sự thỏa thuận của các bên trong quan hệ HP đóng vai trò quan trọng, mà đặc biệt là sự thỏa thuận của người ký phát với người bị ký phát. Theo chúng tôi, đó là cơ sở để người ký phát ra lệnh hay yêu cầu người bị ký phát thanh toán không điều kiện một số tiền xác định khi có yêu cầu hoặc vào một thời gian nhất định trong tương lai cho người thụ hưởng. II. Vai trò của hối phiếu Ngay từ khi xuất hiện, HP được xem là một phương tiện thanh toán hữu hiệu. Giảm đáng kể những rủi ro, thiệt hại trong quá trình thực hiện các giao dịch mua bán, đáp ứng được nhu cầu thanh toán trong trường hợp có sự khác nhau về địa lý giữa nơi bán và nơi mua. Và hiện nay, HP vẫn giữ vai trò quan trọng trong hoạt động thương mại quốc tế. Song song với vai trò là một phương tiện thanh toán, HP còn được xem là một công cụ tín dụng. Sở dĩ có vai trò này bởi vì người ta thực hiện các hoạt động chiết khấu trên HP. Tín dụng chiết khấu HP được hiểu là nghiệp vụ tín dụng ngắn hạn, mà thực chất của hình thức này là ngân hàng tiến hành mua lại các HP thương mại đang trong thời kỳ chưa đến hạn thanh toán[1] và cung ứng một khoản vốn cho các thương nhân để họ có điều kiện tiếp tục tái sản xuất. Khi kết thúc thời hạn chiết khấu, Ngân hàng sẽ đòi tiền ở người có nhiệm vụ trả tiền HP. B. Phát hành và chấp nhận hối phiếu I. Phát hành hối phiếu Để việc ký phát hành HP theo đúng pháp luật quy định, khi tham gia vào quan hệ HP các bên cần đáp ứng các điều kiện theo luật định. Chúng ta lần lượt xem xét điều kiện về nội dung, điều kiện về hình thức. 1.1. Điều kiện về nội dung Trong phần trên, các quy định của pháp luật cho phép chúng ta đặt ra hai trường hợp có thể xảy ra từ việc thanh toán vô điều kiện một số tiền nhất định của người bị ký phát. Trong trường hợp tổ chức tín dụng đã thỏa thuận chấp nhận là người bị ký phát[1], thì sự việc hoàn toàn đơn giản. Bởi lẽ bằng việc ký chấp nhận thanh toán HP, người bị ký phát sẽ trở thành chủ nợ của người ký phát; đồng thời, người này cũng thực hiện những gì đã cam kết với người ký phát. Sau khi thực hiện việc thanh toán số tiền cho người thụ hưởng, họ có quyền yêu cầu người ký phát thanh toán lại số tiền đó. Theo chúng tôi, trong trường hợp này, bên cạnh các điều kiện về tư cách thương nhân theo quy định tại Điều 2 Pháp lệnh thương phiếu, thì các bên trong quan hệ HP phải đạt được sự thỏa thuận trước đó. Thật vậy, nếu không có điều kiện này, thì một tổ chức tín dụng không thể thực hiện việc thanh toán theo lệnh của một người mà trước đó mình không quen biết. Trong trường hợp thứ hai, việc “thanh toán một số tiền nhất định” của người bị ký phát nhằm thực hiện việc trả một khoản nợ của người này đối với người ký phát HP, theo chúng tôi, có những điều kiện đóng vai trò quan trọng trong quan hệ HP[1]. * Quan hệ giữa việc ký phát hành HP với quyền chủ nợ của người ký phát đối với người bị ký phát (hoặc ngược lại). Hay nói khác đi, HP chỉ có giá trị khi nó thể hiện được một quyền chủ nợ, vào thời điểm ký phát hành HP hay vào một thời điểm trong tương lai, của người bị ký phát với người ký phát. * Xác định thời điểm tồn tại, giá trị, bản chất của quyền chủ nợ. Thứ nhất, HP được hiểu là một “chứng chỉ có giá (…) khi có yêu cầu hoặc vào mộtthời gian nhất định trong tương lai cho người thụ hưởng”. Như vậy, quyền chủ nợ này không nhất thiết phải tồn tại vào ngày ký phát hành HP, nhưng quyền chủ nợ đó phải tồn tại thực tế vào ngày thanh toán. Thứ hai, giá trị của quyền chủ nợ phải bằng hoặc lớn hơn số tiền ghi trên HP. Bởi lẽ, nếu số tiền ghi trên HP vượt quá số tiền của quyền chủ nợ, thì hoặc người bị ký phát sẽ từ chối chấp nhận HP hoặc chỉ chấp nhận một phần số tiền ghi trên HP với điều kiện số tiền được chấp nhận bằng hoặc nhỏ hơn số tiền mà quyền chủ nợ thể hiện. Điều 12 và Điều 14 khoản 2 Pháp lệnh thương phiếu cho phép người bị ký phát ký chấp nhận theo hai khả năng: hoặc toàn bộ hoặc một phần số tiền ghi trên HP mà người thụ hưởng hay người ký phát không thể phản đối. Thứ ba, để đảm bảo được giá trị của HP, quyền chủ nợ đó phải chắc chắn tồn tại vào ngày thanh toán. Thật vậy, nếu quyền chủ nợ đó tồn tại vào ngày ký phát hành HP nhưng không tồn tại vào ngày thanh toán thì HP coi như không có giá trị. Hơn nữa, nếu không đảm bảo yêu cầu này, việc từ chối thanh toán là hoàn toàn hợp lý. * Điều kiện đối với người ký phát hành HP. Người ký phát hành thương phiếu phải là các doanh nghiệp có tư cách thương nhân theo quy định của pháp luật. 1.2. Điều kiện về hình thức Để thực hiện tốt quản lý nhà nước đối với hoạt động thương phiếu, Ngân hàng Nhà nước là người chịu trách nhiệm in, cung cấp và bảo quản mẫu thương phiếu. Tuy nhiên đó chỉ là điều kiện cần. Đối với HP, dựa trên mẫu in sẵn của Ngân hàng Nhà nước, người ký phát hành phải ghi đầy đủ các thông tin cần thiết theo quy định của pháp luật thương phiếu. Đó là những thông tin bắt buộc và không bắt buộc. a. Thông tin bắt buộc Điều 11 Pháp lệnh thương phiếu quy định những nội dung bắt buộc mà thiếu một trong các nội dung đó, HP coi như không có giá trị. * Từ “Hối Phiếu” phải được ghi trên mặt trước của hối phiếu. Vấn đề là ý nghĩa của quy định này không chỉ dừng lại ở việc nhằm phân biệt chứng chỉ đó là Lệnh phiếu hay HP, mà nó còn là cơ sở để vận dụng chính xác các quy định của pháp luật cho việc giải quyết tranh chấp nếu có. Trong trường hợp có yếu tố nước ngoài, từ “Hối Phiếu” cũng như các thông tin khác, phải được lập bằng tiếng Việt và tiếng Anh. * Lệnh yêu cầu thanh toán không điều kiện một số tiền xác định. Lệnh này có thể được in bằng nhiều từ ngữ khác nhau. Nhưng chúng ta phải thừa nhận với nhau rằng, một khi lệnh yêu cầu thanh toán đã được thể hiện, thì nó không thể bị tẩy xoá, hoặc thêm vào bất kỳ một điều kiện nào. Còn việc dùng ngôn ngữ để thể hiện lệnh đó (ngắn hay dài, đơn giản hay phức tạp, rõ ràng, lịch sự..) hoàn toàn phụ thuộc vào mẫu in sẵn của Ngân hàng. Tóm lại, có hai điểm cần chú ý: Thứ nhất, lệnh yêu cầu thanh toán vô điều kiện; Thứ hai, lệnh yêu cầu thanh toán đó phải ghi rõ một số tiền xác định, bằng số và bằng chữ. Trong trường hợp có sự chênh lệch giữa hai cách ghi, thì cách ghi nào thể hiện số tiền nhỏ hơn có giá trị thanh toán, (điều 6 PLTP). * Thời hạn thanh toán HP do người bán hàng hoá, người cung ứng dịch vụ thương mại và người mua hàng hoá thỏa thuận, nhưng không quá 180 ngày đối với HP sử dụng cho hoạt động thương mại trong nước và không quá 364 ngày đối với HP sử dụng trong hoạt động xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp Việt Nam với thương nhân nước ngoài, trừ trường hợp HP được ký phát để thanh toán ngay khi xuất trình (trong thời gian 90 ngày). Tuy nhiên pháp luật chỉ cho phép người ký phát hành xác định thời hạn thanh toán theo một trong các thời hạn sau: – Ngay khi xuất trình; – Sau một thời hạn nhất định kể từ ngày HP được chấp nhận; – Sau một thời hạn nhất định kể từ ngày ký phát hành; – Thanh toán vào một ngày xác định cụ thể. Trong trường hợp HP có ghi nhiều thời hạn thanh toán hoặc khác với các quy định tại khoản 1 Điều 33 PLTP là không có giá trị. * Địa điểm thanh toán HP. Yêu cầu này rất cần thiết bởi lẽ nó cho phép người thụ hưởng biết nơi nào họ được thanh toán. Nếu chúng ta thừa nhận địa điểm thanh toán HP sẽ là nơi cư trú hoặc trụ sở của người bị ký phát, thì quy định này hoàn toàn ngược với quy định tại Đều 289, khoản 2, điểm b BLDS 1995[1]. Hơn nữa, nếu ghi nhận địa điểm thanh toán là nơi cư trú hoặc trụ sở của người bị ký phát sẽ rất thuận tiện cho việc xác định Tòa án giải quyết trong trường hợp người bị ký phát đã ký chấp nhận nhưng không thanh toán đầy đủ, đúng cam kết. * Tên và địa chỉ của người bị ký phát. Quy định này có ý nghĩa ở việc thể hiện rõ hơn bản chất pháp lý cũng như cơ chế hoạt động của HP. Nếu không có tên và địa chỉ của người bị ký phát, thì HP sẽ trở thành Lệnh phiếu. Người ký phát hành HP cũng trở thành người phát hành và chứng chỉ có giá này cũng chỉ là sự ghi nhận việc cam kết thanh toán vô đều kiện một số tiền xác định của người phát hành đối với người thụ hưởng. * Tên và địa chỉ của người thụ hưởng. Quy định này có ý nghĩa xác định ai là người thụ hưởng đầu tiên. Do vậy tên và địa chỉ của họ phải được ghi chính xác nhằm tránh sự nhầm lẫn có thể xảy ra. Tuy nhiên, pháp luật cũng chưa quy định cụ thể cách ghi trong trường hợp có nhiều người thụ hưởng, và sẽ kéo theo hậu quả là HP phải thể hiện tên của tất cả ai là người thụ hưởng, hoặc chỉ ghi tên người đại diện. * Địa điểm và ngày ký phát hành. Việc ghi rõ yêu cầu này nhằm, một mặt, xác định được thời điểm để tính thời hạn thanh toán; mặt khác, xác định luật nào sẽ được áp dụng trong trường hợp có yếu tố nước ngoài trong quan hệ HP, (Điều 4 PLTP). * Tên, địa chỉ và chữ ký của người ký phát. Yêu cầu này nhằm đảm bảo quy định “người ký phát chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc ký phát hành HP và cũng là người chịu trách nhiệm cuối cùng trong việc thanh toán số tiền trên HP nếu người bị ký phát từ chối chấp nhận một phần hay toàn bộ số tiền trên HP khi HP được xuất trình đề nghị chấp nhận đúng hạn, đúng các điều kiện theo luật định”. Bên cạnh những thông tin bắt buộc để đảm bảo giá trị của HP, người ký phát hành có thể ghi thêm những thông tin không bắt buộc. b. Thông tin không bắt buộc Việc thanh toán số tiền ghi trên HP phải được ghi bằng đồng Việt Nam hoặc trong trường hợp sử dụng ngoại tệ thì phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối. Việc cam kết bảo lãnh hoặc được ghi trên HP hoặc được lập thành văn bản riêng kèm theo HP: từ “bảo lãnh”, số tiền cam kết bảo lãnh, tên, địa chỉ, chữ ký của người bảo lãnh và tên người được bảo lãnh, (Điều 20 PLTP). Những nội dung chuyển nhượng, cầm cố, nhờ thu qua ngân hàng được ghi trên tờ phụ đính kèm theo HP. Người ký phát hành ghi các cụm từ “không chuyển nhượng”; người cầm cố HP phải ghi cụm từ “ chuyển giao để cầm cố”. Về nguyên tắc, HP chỉ được ký phát một lần, nhưng pháp luật cũng dự liệu trong những trường hợp người thụ hưởng có quyền yêu cầu người ký phát ký phát hành thêm một bản HP khác. Cụ thể: – Hối phiếu bị mất hoặc bị hư hỏng. Trong trường hợp này, người thụ hưởng phải thông báo rõ HP bị mất trong trường hợp nào, hoặc nguyên nhân hư hỏng của HP và phải chịu trách nhiệm về tính trung thực của việc thông báo. – Hối phiếu không thể hiện đầy đủ các nội dung bắt buộc theo quy định của Điều 11, khoản 1 PLTP. Trong trường hợp này, người thụ hưởng chỉ cần chỉ ra những thiếu sót của HP. Để đảm bảo lợi ích cho người thụ hưởng, pháp luật cho phép người ký phát ký phát hành thêm một HP nữa. Nhưng pháp luật không cho phép, để bảo vệ lợi ích của mình, người thụ hưởng sử dụng bản sao (copie) của HP vào việc xuất trình để được chấp nhận. Điều này hoàn toàn có lợi cho việc chống nguy cơ mất mát, hư hỏng nhưng cũng đem lại những rắc rối xuất phát từ sự gian lận của người thụ hưởng nếu không có biện pháp quản lý chặt chẽ. II. Chấp nhận hối phiếu Trong quan hệ hối phiếu, vào thời điểm ký phát hành, HP chỉ là chứng chỉ ghi nhận lệnh thanh toán, chỉ định người có thể thực hiện nghĩa vụ thanh toán. Để HP được thanh toán, người thụ hưởng phải xuất trình cho người bị ký phát để người này ký chấp nhận. Đây cũng là một trong những điều kiện cho phép HP được chuyển nhượng, (khoản 2 Điều 13 PLTP). 2.1. Điều kiện về nội dung – Việc ký chấp nhận thanh toán của người bị ký phát, một lần nữa, thể hiện sự thỏa thuận trước đó của mình đối với người ký phát hành, cũng như công nhận sự tồn tại của người này, (khoản 2 Điều 16 PLTP). Bằng việc ký chấp nhận thanh toán, người bị ký phát trở thành con nợ đầu tiên và chịu trách nhiệm cuối cùng về việc thanh toán số tiền đã ký chấp nhận trên HP, (điểm b, khoản 2, Điều 10 NĐ 32). Vấn đề chúng ta cần xem lại quy định của pháp luật. Theo chúng tôi, người bị ký phát công nhận sự tồn tại của người ký phát hành bằng việc ký chấp nhận HP là chưa thực sự rõ ràng, (khoản (2 Điều 16 PLTP). Thực vậy, nếu chúng ta cho rằng việc công nhận sự tồn tại này là sự công nhận hiện hữu vật chất hay hiện hữu pháp lý đều không chính xác, bởi vì người bị ký phát có chấp nhận hay không thì người ký phát vẫn tồn tại. Theo chúng tôi, công nhận sự tồn tại này chính là công nhận sự thoả thuận trước đó, hoặc là việc công nhận sự cam kết chấp nhận cho vay để thanh toán HP cho người thụ hưởng, hoặc là thừa nhận tồn tại một khoản nợ của người bị ký phát đối với người ký phát. – Năng lực chủ thể của người bị ký phát. Đối tượng điều chỉnh của pháp luật thương phiếu là các quan hệ thương phiếu phát sinh từ hoạt động thương mại. Hơn nữa, chủ thể tham gia vào quan hệ thương phiếu chỉ là các doanh nghiệp có tư cách thương nhân. Như vậy được xem là không có giá trị những chữ ký của những thương nhân không phải là doanh nghiệp. – Sự chấp nhận của người bị ký phát là vô điều kiện mà không được đưa ra bất kỳ một điều kiện nào dù người này chỉ chấp nhận một phần hay toàn bộ số tiền ghi trên HP. Hơn nữa, người bị ký phát thực hiện việc chấp nhận ngay khi HP được xuất trình. Có nghĩa rằng, HP được coi là bị từ chối chấp nhận, nếu không được người bị ký phát ký chấp nhận ngay khi xuất trình. Hay nói khác đi, pháp luật không cho phép người bị ký phát một khoảng thời gian để kiểm tra lại tính xác thực của HP ? 2.2. Điều kiện về hình thức Điều 8 NĐ 32 ngày 5 tháng 7 năm 2001 quy định việc xuất trình HP để chấp nhận được coi là hợp lệ khi có đủ các điều kiện sau: – Do người thụ hưởng hoặc người đại diện hợp pháp của người thụ hưởng xuất trình; – Chưa hết thời hạn thanh toán; – Xuất trình đúng địa chỉ của người bị ký phát quy định trên HP; – HP được xuất trình trong thơI giờ làm việc của ngày làm việc. Bên cạnh đó, việc xuất trình HP thông qua bưu điện dưới hình thức thư bảo đảm được coi là xuất trình hợp lệ. Ngày xuất trình HP để chấp nhận trong trường hợp này được tính theo dấu bưu điện nơi gửi. Việc chấp nhận phải được thể hiện bằng việc người bị ký phát ghi trên tờ HP từ “chấp nhận”, số tiền đã ghi trên HP (hoặc một phần số tiền được chấp nhận), ngày ký chấp nhận và chữ ký của mình. Đây là những yếu tố gắn liền với nhau mà không thể thiếu một yếu tố nào khi thể hiện sự chấp nhận. Đồng thời, pháp luật quy định rất chặt chẽ về hình thức và ngôn từ thể hiện sự chấp nhận. Như vậy, sẽ không có giá trị pháp lý đối với những chấp nhận bằng lời nói. Tuy nhiên, sẽ có vấn đề được đặt ra, bên cạnh việc quy định rất chặt chẽ về hình thức và ngôn từ thể hiện sự chấp nhận, là liệu có giá trị pháp lý hay không đối với các ngôn từ khác thể hiện ý nghĩa tương đương với ý nghĩa của từ “chấp nhận”. Theo chúng tôi, khoản 1 Điều 14 PLTP nên quy định một cách mềm dẻo hơn, chẳng hạn: “Việc chấp nhận phải được thể hiện bằng việc người bị ký phát ghi trên tờ HP từ “chấp nhận”, hoặc bởi một từ có ý nghĩa tương đương thể hiện sự chấp nhận, số tiền đã ghi trên HP, ngày ký chấp nhận và chữ ký của mình”. 2.3. Hiệu lực của sự chấp nhận Điều 16 PLTP, Điều 10 khoản 2 NĐ 32 quy định, bằng việc chấp nhận một HP, người chấp nhận có nghĩa vụ sau: cam kết thanh toán HP theo các nội dung đã chấp nhận; công nhận sự tồn tại của người ký phát và sự thanh toán đúng hạn HP của người ký phát cho người thụ hưởng đã được chuyển nhượng HP theo các quy định tại chương IV PLTP. Cũng bằng việc ký chấp nhận HP của người bị ký phát, người thụ hưởng có quyền khởi kiện đối với người này.

  ND 32/CP ngày 05/7/2001, Điều 1.  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật