PHẦN VỐN GÓP TRONG CÔNG TY CÓ TƯ CÁCH PHÁP NHÂN – TIẾP CẬN TỪ GÓP ĐỘ PHÁP LUẬT TÀI SẢN

Trong xã hội hiện đại, phần vốn góp, cổ phần trong công ty có tư cách pháp nhân (sau đây gọi là “Phần Vốn Góp”) là tài sản có giá trị lớn trong sản nghiệp của chủ sở hữu. Không phải được hình thành từ thế giới vật chất như các tài sản hữu hình[i], cũng không phải là sản phẩm được hình thành từ con tim và khối óc như các đối tượng của sở hữu trí tuệ, Phần Vốn Góp là kết qủa của sự phân thân về giá trị của tài sản góp vốn vào công ty. Phần Vốn Góp và tài sản góp vốn vào công ty là hai tài sản độc lập và thuộc về hai sản nghiệp của hai chủ thể khác nhau. Phần Vốn Góp là tài sản thuộc sản nghiệp của nguời góp vốn. Tài sản đem góp vốn là tài sản thuộc sản nghiệp của công ty nhận tài sản góp vốn. Thế nhưng, không phải lúc nào người ta cũng phân biệt được sự khác nhau này. Bài viết này chỉ nhằm cung cấp một cách hiểu đúng về Phần Vốn Góp. 1. Sự hình thành Phần Vốn Góp Góp vốn vào công ty có tư cách pháp nhân. Là việc một người, thông qua hợp đồng góp vốn, chuyển quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng đối với tài sản của mình cho công ty có tư cách pháp nhân và đổi lại, họ trở thành chủ sở hữu đối với Phần Vốn Góp của công ty đó. 1.1. Tài sản góp vốn. Tiền hoặc hiện vật. Hiện vật theo nghĩa rộng nhất, là tài sản hữu hình hoặc vô hình mà không phải là tiền, có thể kể ra đây: vàng, máy móc, thiết bị, nhà xưởng, quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất, các yếu tố vô hình của sản nghiệp thương mại (biển hiệu, tên thương mại, mạng lưới tiêu thụ hàng hoá..). 1.2. Định giá tài sản góp vốn. Luật quyết định rằng những tài sản mà không phải là tiền (Đồng Việt Nam hoặc ngoại tệ tự do chuyển đổi) và vàng[ii] thì phải được định giá (Điều 23 Luật Doanh Nghiệp số 13 ngày 12 tháng 6 năm 1999 (sau đây gọi là “Luật Doanh Nghiệp“).   a) Phương thức định giá Định giá theo thoả thuận giữa các bên. Các bên có thể xác định giá trị của tài sản góp vốn bằng con số cụ thể, ví dụ: 1triệu, 2 triệu đồng,…. Hoặc xác định công thức tính giá trị bằng các tham số có tác dụng làm cho giá trị của tài sản trở nên chắc chắn xác định được tại thời điểm góp vốn. Giá trị của tài sản phải được thông qua bằng nguyên tắc nhất trí. Tài sản góp vốn cũng có thể được định giá bởi một người thứ ba do các bên nhất trí chỉ định. Định giá bởi một người thứ ba. Người thứ ba thông thường là các tổ chức định giá tài sản chuyên nghiệp (các công ty tài chính, ngân hàng…), được các bên uỷ quyền để định giá. Người thứ ba phải thực hiện công việc một cách độc lập, không chịu sự chi phối của bất kỳ bên góp vốn nào trong việc định giá. b) Ý nghĩa của việc định giá Đối với chủ sở hữu Phần Vốn Góp. Chìa khoá để phân chia quyền lực và lợi ích tài chính trong công ty. Bằng việc góp vốn, người góp vốn được nhận Phần Vốn Góp có giá trị tương ứng với giá trị tài sản góp vốn. Giá trị Phần Vốn Góp là tham số cho rất nhiều quyền của chủ sở hữu Phần Vốn Góp: có số phiếu biểu quyết tương ứng Phần Vốn Góp; được chia lợi nhuận tương ứng Phần Vốn Góp; nhận giá trị tài sản có ròng khi giải thể hoặc phá sản công ty tương ứng Phần Vốn Góp; … Đối với chủ nợ của pháp nhân công ty. Tài sản khi được đem góp vốn sẽ thuộc về sản nghiệp của công ty, nằm trong khối tài sản có của công ty và được dùng để đảm bảo cho các khoản nợ của công ty. Nếu tài sản được định giá cao hơn so với giá trị thực tế, các chủ nợ sẽ bị thiệt hại do giá trị của tài sản đảm bảo không tương xứng với giá trị của nghĩa vụ mà công ty phải thực hiện. 1.3. Chuyển quyền đối với tài sản góp vốn cho công ty Với nghĩa vụ đảm bảo quyền sở hữu và quyền sử dụng của công ty và nghĩa vụ bảo đảm chất lượng đối với tài sản chuyển giao, dường như người góp vốn có những nghĩa vụ tương tự như người bán trong một hợp đồng mua bán[iii]. Chuyển giao pháp lý. Điều 22 khoản 1a, Luật Doanh Nghiệp quy định rằng đối với các tài sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng (đối với quyền sử dụng đất), thì người góp vốn phải làm các thủ tục chuyển quyền. Điều luật dường như chỉ muốn nhấn mạnh tới nghĩa vụ tiến hành các thủ tục sang tên của người góp vốn. Thực ra, việc xác định người có nghĩa vụ làm các thủ tục đồng nghĩa với việc xác định ai phải thực hiện các nghĩa vụ về tài chính (thường là lệ phí trước bạ) trong quá trình thực hiện thủ tục sang tên. Thông thường, người nhận tài sản chuyển nhượng là người phải nộp lệ phí trước bạ. Tuy nhiên, luật cũng không ngăn cấm việc các bên tự thoả thuận ngược lại. Hơn nữa, tại đoạn chót của khoản 1a, điều luật đã dẫn, quy định rằng việc chuyển quyền sở hữu đối với tài sản góp vốn không phải chịu lệ phí trước bạ. Thế nhưng, đối với việc chuyển giao quyền sở hữu, vấn đề quan trọng đặt ra là thời điểm chuyển giao quyền chứ không phải ai là người thực hiện các thủ tục. Bởi thời điểm chuyển giao quyền liên quan tới thời điểm chịu rủi ro đối với tài sản. Hợp đồng góp vốn vào công ty có tư cách pháp nhân và hợp đồng mua bán đều là các hợp đồng có tác dụng chuyển quyền sở hữu một tài sản (tài sản góp vốn; tài sản bán) và xác lập quyền sở hữu đối với một tài sản khác (Phần Vốn Góp – trong hợp đồng góp vốn; tiền – trong hợp đồng mua bán). Bơỉ vậy, ta nói rằng, giống như hợp đồng mua bán, hợp đồng góp vốn vào công ty là một hợp đồng chuyển nhượng tài sản có đền bù. Một cách hợp lý, ta có thể áp dụng các quy định về thời điểm chuyển quyền sở hữu và chịu rủi ro đối với tài sản của hợp đồng mua bán cho trường hợp góp vốn vào công ty. Trường hợp tài sản thuộc loại phải đăng ký quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng (đối với quyền sử dụng đất), thì quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng đối với tài sản góp vốn được chuyển giao cho công ty kể từ thời điểm hoàn thành thủ tục đăng ký quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng đối với tài sản đó (Điều 432, 696 Bộ luật dân sự). Việc giao và nhận tài sản góp vốn có thể thực hiện trước hoặc sau khi hoàn tất thủ tục sang tên, tuỳ thuộc sự thoả thuận giữa các bên. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, công ty chỉ trở thành chủ sở hữu đối với tài sản góp vốn (hoặc người sử dụng đất) kể từ ngày giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng được cấp. Chuyển giao vật chất. Đối với tài sản thuộc loại không phải đăng ký quyền sở hữu, nghĩa vụ chuyển quyền sở hữu được thực hiện bằng cách giao tài sản (Điều 22 khoản 1b, Luật Doanh Nghiệp). Nghĩa vụ giao tài sản được coi là hoàn thành khi (i) tài sản được giao đúng tình trạng, đúng số lượng như đã thoả thuận trong hợp đồng góp vốn và (ii) tài sản ở trong tư thế hoàn toàn sẵn sàng để người nhận chiếm hữu. Việc giao và nhận phải được xác nhận bằng văn bản (cùng điều luật). Như vậy, với quy định chuyển quyền sở hữu, tài sản đem góp vốn chính thức ra đi khỏi sản nghiệp của người góp vốn và gia nhập vào sản nghiệp của công ty nhận vốn góp. Với tư cách là chủ sở hữu, công ty có quyền khai thác công dụng và định đoạt đối với tài sản đó. Dưới con mắt của các chủ nợ của công ty, các tài sản đó có thể bị kê biên để đảm bảo cho việc thực hiện các nghĩa vụ của công ty đối với họ. Ta đã thừa nhận rằng, tài sản không còn thuộc về sản nghiệp của người góp vốn nữa một khi mang đi góp vốn vào công ty có tư cách pháp nhân. Thế nhưng, đối với tài sản góp vốn là quyền sử dụng đất, nguyên tắc này đã được các tác giả của Luật Đất đai số 13 ngày 26 tháng 11 năm 2003 (sau đây gọi là “Luật Đất Đai”) sử dụng một cách không thống nhất. Sự mâu thuẫn của các giải pháp. Điều 4, luật đã dẫn quy định: ” Nhận chuyển quyền sử dụng đất là việc xác lập quyền sử dụng đất do được người khác chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật thông qua các hình thức (…) góp vốn bằng quyền sử dụng đất mà hình thành pháp nhân mới”. Như vậy, luật chính thức thừa nhận tư cách người nhận chuyển quyền sử dụng đất cho công ty có tư cách pháp nhân, người góp vốn là người chuyển quyền sử dụng đất. Quyền sử dụng đất là tài sản phải đăng ký. Bằng việc đăng ký, người sử dụng đất xác lập quyền và nghĩa vụ trước nhà nước và người thứ ba. Người sử dụng đất được nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (cùng điều luật đã dẫn). Người nhận quyền sử dụng đất do hiệu lực của một hợp đồng góp vốn phải đăng ký quyền sử dụng đất (Điều 46, Luật Đất Đai). Công ty là người nhận quyền sử dụng đất, vì vậy, công ty phải đăng ký quyền sử dụng đất. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc công ty xác lập tư cách người sử dụng đất trước nhà nước và người thứ ba. Pháp nhân công ty được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Điều 131, khoản 1b đoạn chót, Luật Đất Đai). Tới đây, ta có cảm giác như nguyên tắc chuyển các quyền trên tài sản góp vốn, đã phân tích ở phía trên, vẫn được tôn trọng. Thế nhưng, khi chắp bút viết về các quy định liên quan tới việc chấm dứt việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất và các hệ quả của việc chấm dứt việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất, thì các tác giả của Luật Đất Đai lại làm ta hết sức bối rối bởi cách xử lý hơi lạ lùng. Quyền sử dụng đất là tài sản thuộc sản nghiệp của ai? Ta đã nói rằng, hợp đồng góp vốn vào công ty có tư cách pháp nhân được xếp vào nhóm các hợp đồng chuyển nhượng tài sản có đền bù. Hiệu lực của hợp đồng có tác dụng chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn (ở đây là quyền sử dụng đất) cho pháp nhân công ty nhận vốn góp. Bản thân các điều luật của Luật Đất Đai đã phân tích ở phía trên cũng không quy định ngược với nguyên tắc này. Vậy mà ngay sau đó, các tác giả Luật Đất Đai lại quyết định rằng : (i) trường hợp các bên thoả thuận chấm dứt việc góp vốn thì bên góp vốn bằng quyền sử dụng đất được tiếp tục sử dụng đất đó trong thời hạn còn lại (Điều 131, khoản 4a, Luật Đất Đai); (b) trường hợp bên góp vốn bằng quyền sử dụng đất bị phá sản thì quyền sử dụng đất đã góp vốn được xử lý theo quyết định tuyên bố phá sản của toà án nhân dân (Điều 131, khoản 4c, Luật Đất Đai); (c) trường hợp cá nhân tham gia hợp đồng góp vốn chết thì quyền sử dụng đất đã góp vốn được để thừa kế (khoản 4d, điều luật đã dẫn). Cho phép một hoặc các bên góp vốn chấm dứt việc góp vốn (thực ra là việc chấm dứt tư cách thành viên (trong công ty TNHH), cổ đông (trong công ty cổ phần), bên góp vốn (trong doanh nghiệp liên doanh), sau đây gọi là “Thành Viên“) bằng cách trực tiếp rút lại các tài sản đã góp vốn vào công ty thực sự là một giải pháp rất không bình thường. Giải pháp này đặt các chủ nợ của công ty và bản thân công ty – một chủ thể của quan hệ pháp luật, vào tình thế hết sức bấp bênh. Cứ hình dung: một hoặc các bên thực hiện việc rút lại các tài sản đã góp vốn vào công ty. Khối tài sản có của công ty giảm sút. Điều đó đồng nghĩa với nguy cơ mất cân bằng giữa khối tài sản có và khối tài sản nợ của công ty. Mà ta đã biết rằng, khối tài sản nợ được đảm bảo bởi khối tài sản có. Đáng ra, một khi không còn muốn xác lập tư cách của mình trong công ty nữa, người đã góp vốn lựa chọn một trong các giải pháp sau đây: (a) chuyển nhượng Phần Vốn Góp cho các thành viên khác hoặc cho người thứ ba sau khi các thành viên khác từ chối mua lại; (b) yêu cầu công ty mua lại Phần Vốn Góp (chỉ trong trường hợp Thành Viên này bỏ phiếu chống lại một nghị quyết của hội đồng công ty, giải pháp này bị kiểm soát chặt chẽ bởi đồng nghĩa với nó là việc giảm sút khối tài sản có của công ty. Phần Vốn Góp nhận về là một vật không có giá trị tài sản đối với công ty phát hành ra nó). Người góp vốn vào công ty và công ty có tư cách pháp nhân nhận vốn góp là hai chủ thể hoàn toàn tách biệt. Mỗi chủ thể có một sản nghiệp riêng biệt. Ta đã thừa nhận rằng, quyền sử dụng đất do nhận vốn góp thuộc về sản nghiệp của công ty. Và người góp vốn tự bằng lòng với tư cách Thành Viên công ty thông qua việc xác lập quyền sở hữu Phần Vốn Góp của công ty. Tài sản góp vốn (quyền sử dụng đất) và Phần Vốn Góp là hai tài sản hoàn toàn khác nhau, thuộc về hai sản nghiệp của hai chủ thể cũng hoàn toàn khác nhau. Ta biết rằng việc phá sản doanh nghiệp liên quan tới công việc thanh toán và tiến hành phân chia khối tài sản có và khối tài sản nợ của doanh nghiệp bị phá sản. Vậy tại sao số phận của tài sản (quyền sử dụng đất) thuộc sản nghiệp của công ty lại chịu sự phán quyết của cơ quan tư pháp trong khi tiến hành các thủ tục liên quan tới một sản nghiệp khác (sản nghiệp của bên góp vốn)? Tương tự, tại sao cá nhân tham gia góp vốn lại có quyền định đoạt (để lại thừa kế) tài sản không thuộc sản nghiệp của mình? Có vẻ như trong suy nghĩ của các tác giả Luật Đất Đai, tài sản góp vốn và Phần Vốn Góp là hai khái niệm hoàn toàn đồng nghĩa. Đi tìm lời lý giải cho các quy định nêu trên quả thực không dễ. 2. Địa vị pháp lý của chủ sở hữu Phần Vốn Góp 2.1. Quyền của chủ sở hữu Phần Vốn Góp đối với công ty (a) Quyền phi tài chính. Các quyền này không đưa tới một lợi ích tài chính trực tiếp cho người sở hữu, nhưng lại là những quyền rất quan trọng: quyền thông tin và quyền biểu quyết. Quyền thông tin. Với quyền này, chủ sở hữu Phần Vốn Góp dù không tham gia vào các cơ quan quyền lực trong công ty, nhưng vẫn có thể biết tình hình hoạt động của công ty: xem và nhận bản trích lục hoặc bản sao sổ đăng ký thành viên, sổ kế toán, báo cáo tài chính hàng năm, các tài liệu khác của công ty (Điều 29 khoản 1d Luật Doanh Nghiệp); đối với công ty cổ phần, tóm tắt nội dung báo cáo tài chính hàng năm phải được thông báo đến tất cả cổ đông (Điều 93 khoản 2 Luật đã dẫn). Nếu phát hiện ra những khuất tất, không minh bạch trong quá trình quản trị công ty của các thành viên trong các cơ quan quyền lực của công ty mà dẫn tới thiệt hại cho công ty hoặc lợi ích của chủ sở hữu Phần Vốn Góp, thì người này có quyền khởi kiện theo điều 29 khoản 3 Bộ luật tố tụng dân sự ngày 15 tháng 6 năm 2004. Quyền biểu quyết. Đa số các vấn đề quan trọng nhất của công ty được quyết định thông qua biểu quyết tại Hội đồng thành viên (công ty TNHH), Đại hội đồng cổ đông (công ty cổ phần), Hội đồng quản trị (Doanh nghiệp liên doanh): định đoạt những tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản ghi trong sổ kế toán của công ty, sửa đổi bổ sung điều lệ, quyết định phương hướng phát triển công ty,… Mỗi Thành Viên công ty nắm giữ số phiếu biểu quyết tương ứng tỷ lệ Phần Vốn Góp, ngoại trừ cổ phần ưu đãi biểu quyết (công ty cổ phần) có số phiếu biểu quyết nhiều hơn so với cổ phần phổ thông hoặc cổ phần ưu đãi cổ tức và cổ phần ưu đãi hoàn lại không mang tới cho chủ sở hữu quyền tham dự họp Đại hội đồng cổ đông và quyền biểu quyết. (b) Quyền tài chính. Đây có thể coi là quyền được quan tâm trước tiên khi người ta quyết định mang tài sản đi góp vốn. Khi công ty còn đang hoạt động, quyền này cho phép chủ sở hữu Phần Vốn Góp nhận được phần lợi nhuận có thể phân chia của công ty tương ứng với giá trị Phần Vốn Góp. Khi công ty giải thể hoặc phá sản, chủ sở hữu có quyền nhận phần tài sản còn lại của công ty tương ứng với tỷ lệ giá trị Phần Vốn Góp, sau khi đã thanh toán hết các nghĩa vụ của công ty. Tuy nhiên, quyền tài chính không chỉ dừng lại ở việc nhận lợi, nếu công ty thua lỗ, chủ sở hữu Phần Vốn Góp cũng phải chấp nhận gánh vác phần lỗ đó tương ứng với tỷ lệ giá trị Phần Vốn Góp, khi công ty đang hoạt động cũng như khi công ty kết thúc hoạt động. 2.2. Trong mối quan hệ với người thứ ba Người thứ ba quan tâm tới Phần Vốn Góp trước tiên bởi giá trị tiền tệ của chúng. Và bởi vậy, chủ sở hữu có thể tiến hành các vụ chuyển nhượng, cầm cố Phần Vốn Góp. a, Quyền chuyển nhượng (có đền bù hoặc không có đền bù). Chủ sở hữu không bị bắt buộc phải chịu ràng buộc suốt đời với Phần Vốn Góp. Hay nói một cách khác đi, Phần Vốn Góp, với tư cách một tài sản, có giá trị tiền tệ và được tự do chuyển giao trong giao lưu dân sự. Tuy nhiên, nguyên tắc tự do chuyển giao bị hạn chế bởi một số ngoại lệ: điều khoản về sự chấp thuận, điều khoản về quyền ưu tiên và điều khoản cấm chuyển nhượng cổ phần ưu đãi biểu quyết. Điều khoản về sự chấp thuận. Luật quyết định rằng, (a) trong công ty cổ phần, đối với cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập, trong 3 năm đầu kể từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chỉ được chuyển nhượng cho người không phải là cổ đông , nếu nhận được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông (Điều 58 khoản 1 Luật Doanh Nghiệp); (b) trong công ty TNHH, chủ sở hữu có quyền chuyển nhượng không có đền bù (để lại thừa kế) Phần Vốn Góp. Tuy nhiên, người nhận thừa kế chỉ có thể xác lập tư cách thành viên công ty nếu được Hội đồng thành viên chấp thuận (Điều 33 Luật Doanh Nghiệp). Điều khoản về quyền ưu tiên. Thành viên trong công ty TNHH phải chào bán Phần Vốn Góp cho tất cả các thành viên còn lại theo tỷ lệ tương ứng với Phần Vốn Góp của họ trong công ty. Chỉ được chuyển nhượng cho người không phải là thành viên công ty, nếu các thành viên còn lại không mua hoặc không mua hết Phần Vốn Góp đã được chào bán (Điều 32 Luật đã dẫn). Quy định tương tự cũng được áp dụng cho trường hợp chuyển nhượng Phần Vốn Góp trong doanh nghiệp liên doanh (Điều 34 Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt nam năm 1996, được sửa đổi bổ sung năm 2000). Điều khoản cấm chuyển nhượng cổ phần ưu đãi biểu quyết (Điều 55 khoản 3 Luật Doanh Nghiệp). Ngoại lệ này chỉ tồn tại trong 3 năm đầu tiên kể từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Sau thời hạn đó, cổ phần ưu đãi biểu quyết chuyển thành cổ phần phổ thông và được hưởng nguyên tắc tự do chuyển nhượng trong giao lưu dân sự (Điều 52 khoản 3 Luật đã dẫn). Lý lẽ của các ngoại lệ. Ngăn chặn sự xâm nhập của “người lạ” và duy trì sự ổn định trong thời gian đầu cho pháp nhân công ty. Công ty TNHH và Doanh nghiệp liên doanh được hình thành dựa trên cở sở sự tin tưởng và có quen biết nhau giữa các Thành Viên. Bởi vậy, sự xuất hiện của một “người lạ” sẽ rất dễ dẫn tới sự những xáo trộn trong công ty, một khi giữa họ chưa tìm được tiếng nói chung dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau – một đặc điểm riêng có của hình thức công ty TNHH (một loại hình công ty “đóng”). Đối với công ty cổ phần, sự ràng buộc các cổ đông sáng lập trong thời gian 3 năm đầu thành lập công ty sẽ có tác duy trì sự ổn định để công ty phát triển. Công ty cổ phần là loại hình công ty “mở”, với một đặc trưng rất dễ nhận biết đó là sự gia nhập và ra đi một cách liên tục, thường xuyên của các cổ đông, nhất là ở những công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán. Cứ hình dung: khi mới thành lập, các cơ quan quyền lực trong công ty chưa thể hoàn thiện ngay lập tức, và với đặc điểm “mở”, công ty sẽ liên tục phải đối đầu với vấn đề nhân sự trong các cơ quan quyền lực của mình. Mà ta biết rằng, điều cần thiết trong khoảng thời gian khởi nghiệp là tập trung thực hiện các mục tiêu kinh doanh của công ty chứ không phải cứ loay hoay với việc thay đổi nhân sự trong các cơ quan quyền lực của công ty. b, Quyền cầm cố. Điều 326 Luật Dân sự năm 1995 quy định:”Vật bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự phải thuộc quyền sở hữu của người bảo đảm và được phép giao dịch”. Điều đó có nghĩa là, một khi vật (tài sản hữu hình hoặc vô hình) được phép giao dịch và thuộc quyền sở hữu của người bảo đảm thì có thể đem cầm cố. Phần Vốn Góp là tài sản chuyển nhượng được, vì vậy, chủ sở hữu có thể đem cầm cố. Tuy nhiên, luật chưa có quy định riêng cho việc cầm cố loại tài sản này. Dựa vào điều luật 326 và các phân tích ở phần trên (a), ta thử tham khảo về cách thiết lập một vài quy tắc áp dụng cho trường hợp cầm cố Phần Vốn Góp trong công ty có tư cách pháp nhân: - “Cổ phần phổ thông trong công ty cổ phần hưởng các quy chế cầm cố như các tài sản thông thường khác; - Phần Vốn Góp trong công ty TNHH, trong Doanh nghiệp liên doanh, cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập (nắm giữ trong 3 năm đầu) có thể được cầm cố; tuy nhiên, ta chia thành 2 giả thiết sau: (i) nếu việc cầm cố có kèm theo thoả thuận về việc hứa bán hoặc hứa chuyển quyền sở hữu Phần Vốn Góp, cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập cho người ngoài công ty trong trường hợp nghĩa vụ được bảo đảm bằng cầm cố không được thực hiện đúng, thì việc cầm cố phải được sự chấp thuận của Hội đồng thành viên (công ty TNHH), Hội đồng quản trị (Doanh nghiệp liên doanh), Đại hội đồng cổ đông (công ty cổ phần); (ii) nếu việc cầm cố được giao kết mà không có thoả thuận về phương thức xử lý tài sản, thì trong trường hợp Phần Vốn Góp được bán đấu giá để thanh toán nghĩa vụ được bảo đảm, các Thành Viên còn lại của công ty được quyền ưu tiên mua bằng cách thế chỗ người trúng đấu giá; - Cổ phần ưu đãi biểu quyết không thể được cầm cố”[iv]. Phần Vốn Góp là một tài sản đặc biệt, hình thành từ sự phân thân về giá trị của Tài sản đem góp vốn vào công ty có tư cách pháp nhân và tồn tại song song với sự tồn tại của công ty đó. Khi công ty kết thúc hoạt động, Phần Vốn Góp cũng kết thúc sứ mạng là một tài sản. Hiểu về bản chất của Phần Vốn Góp, sẽ giúp ta phân biệt một cách minh bạch hơn giữa Tài sản góp vốn với Phần Vốn Góp, và Pháp nhân công ty nhận vốn góp với Người góp vốn vào công ty. Qua đó, ta thừa nhận một cách không dè dặt tư cách tài sản cho Phần Vốn Góp, tránh khỏi tình trạng Phần Vốn Góp bị lẫn lộn với Tài sản góp vốn một cách oan uổng. Điều quan trọng hơn, sự phân biệt này giúp cho người thứ ba khi đứng trước mối quan hệ góp vốn – nhận vốn góp không còn bị bối rối với câu hỏi: của ai? tài sản nào?./. ___________________________________________ Ghi chú: [i] Gọi là các tài sản hữu hình những vật mà con người có thể nhận biết bằng các giác quan tiếp xúc: cầm, nắm, hay chạm tay vào,…. ví dụ : bàn, ghế, xe hơi, căn nhà… Ngược lại, những tài sản mà chỉ nhận biết được thông qua các công cụ của tư duy, ví dụ tác phẩm văn chương, hội hoạ, sáng chế, quyền chủ nợ, … được gọi là các tài sản vô hình, hay các giá trị tài sản phi vật thể. [ii] Đúng ra, vàng cũng phải được định giá tại thời điểm góp vốn bởi giá trị tiền tệ của vàng không phải lúc nào cũng ổn định ở mọi thời điểm. [iii] Tuy nhiên, hợp đồng góp vốn vào công ty không phải là một hợp đồng mua bán bởi không làm phát sinh nghĩa vụ trả một khoản tiền ở người nhận tài sản. [iv] Nguyễn Ngọc Điện – Bình luận khoa học về đảm bảo thực hiện nghĩa vụ trong luật dân sự Việt nam – số 167, trang 236, 237 – NXB Trẻ 2001.  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật