PHÂN BIỆT NGƯỜI MUA CHIẾN LƯỢC VÀ NGƯỜI MUA ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH TRONG MUA, BÁN SÁP NHẬP DOANH NGHIỆP

Hiện nay, ở Việt Nam các thương vụ mua bán sáp nhập doanh nghiệp đã bắt đầu diễn ra ngày một sôi động. Theo số liệu cập nhật mới nhất, trong 6 tháng đầu năm 2008 đã có 48 thương vụ mua bán sáp nhập được thực hiện tại Việt Nam với tổng giá trị là 347 triệu USD. Như vậy, có thể thấy, thị trường mua bán sáp nhập doanh nghiệp đã và đang phát triển theo xu hướng trên thế giới và phù hợp với quá trình mở cửa và hội nhập của nền kinh tế Việt Nam. Theo số liệu của hãng kiểm toán Pricewaterhouse Coopers (PwC), năm 2005, có 18 vụ mua bán sáp nhập doanh nghiệp với tổng giá trị 61 triệu USD. Năm 2006, số vụ mua bán sáp nhập doanh nghiệp tăng gần gấp đôi, có 32 vụ với tổng giá trị 245 triệu USD. Trong năm 2007, đã có tổng số 48 vụ mua bán sáp nhập doanh nghiệp đạt tổng giá trị 648 triệu USD, tăng 200% so với tổng năm 2006. Tuy vậy, do thị trường mua bán sáp nhập doanh nghiệp ở Việt Nam còn khá non trẻ nên các kiến thức về mua bán sáp nhập doanh nghiệp cần được cập nhật thường xuyên, liên tục. Với mục đích làm rõ một trong những vấn đề của mua bán sáp nhập doanh nghiệp, bài báo này sẽ cung cấp cho bạn đọc cách phân biệt hai dạng người mua trong thương vụ mua bán sáp nhập doanh nghiệp thường thấy ở trên thế giới hoặc Việt Nam dựa trên mục tiêu của họ: Dạng thứ nhất là những người mua nhằm mục đích vận hành và phát triển doanh nghiệp lớn lên. Những người mua này đa phần là những công ty đang hoạt động với một hoặc một số lĩnh vực kinh doanh. Mục đích của người mua này là củng cố, mở rộng và phát triển các lĩnh vực kinh doanh thông qua mua bán sáp nhập doanh nghiệp. Đa phần các phân tích của họ nhằm hướng đến một công ty định mua là công ty có liên quan đến lĩnh vực kinh doanh hiện tại của mình. Dạng thứ hai là những người mua đơn giản chỉ nhằm mục đích đầu tư tài chính. Đối tượng mua này thường là các quỹ đầu tư – mục đích của họ thường không hướng tới các công ty định mua là những công ty cùng lĩnh vực kinh doanh. Quan tâm duy nhất là công ty mình định mua sẽ giúp tạo ra dòng tiền có thể bù đắp được giá mua và lợi nhuận. Trong một vài trường hợp thì lợi nhuận có thể thu được từ cổ tức. Trong các trường hợp khác thì lợi nhuận tạo ra thông qua bán lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp đã mua được đó cho người mua khác hoặc chào bán rộng rãi. Trong đa số các trường hợp, bên mua sẽ tìm cách hạn chế đến mức tối thiểu ảnh hưởng lẫn nhau của các công ty họ sở hữu nhằm mục đích tái cấu trúc hoặc bán đi mà không bị tổn thất. Hai dạng người mua này có thể phân biệt với nhau thông qua hai cụm từ: “người tạo ra cơ hội” và “người nắm bắt cơ hội”. Người mua theo dạng một là những người đặt kế hoạch và tìm kiếm cơ hội đầu tư chiến lược, những cơ hội phù hợp với kế hoạch đặt ra. Người mua theo dạng hai là những người tìm kiếm cơ hội, tìm kiếm giá trị thặng dư.   Qua thực tế nhận thấy ở Việt Nam trong thời gian qua tồn tại cả hai dạng người mua kể trên. Hai dạng người mua này cũng có cách thức tư duy khác nhau trong xác định giá trị của thương vụ mua bán. Đối với người mua dạng một, thông thường họ đã tích lũy tiền cho kế hoạch mua bán và cân nhắc nên tiêu nó vào việc gì. Ngoài ra, nếu các công ty đi mua làm ăn có lãi và đã niêm yết, họ sẽ dùng cổ phiếu của mình để giao dịch với bên bán nhằm tránh bị đánh thuế. Những người mua dạng một có xu hướng tránh sử dụng tiền vay. Thời gian mà người mua dạng một xác định khi mua công ty dự kiến trong dài hạn, 5 đến 10 năm (cũng có trường hợp ngoại lệ nếu thương vụ mua bán được xem để phản kháng lại việc bị thâu tóm có tính thù địch). Hơn nữa, người mua dạng một thường hoạt động trong khuôn khổ doanh nghiệp trong đó kế hoạch chiến lược đầy đủ là một phần trong văn hóa doanh nghiệp. Do đó, trong định giá họ sẽ tính đến sức mạnh tổng hợp trong dài hạn tiềm năng của doanh nghiệp sau khi mua. Đối với dạng người mua thứ hai, họ thường là các quỹ được tổ chức theo dạng mua sử dụng nợ (Leverage buyout – LBO), tức là họ sẽ có xu hướng sử dụng tối đa nợ vay để mua tài sản hoặc cổ phiếu của công ty dự kiến mua. Những người mua LBO thường tìm cách giảm chi phí bằng cách bán bớt những tài sản thừa hoặc không cần thiết nhằm tăng lơi nhuận hoạt động và trả bớt nợ vay. Khi nợ vay đã giảm hoặc được trả hết, người mua LBO sẽ kiếm được lợi nhuận từ khoản đầu tư của mình thông qua cổ tức được chia, chào bán lần đầu ra công chúng hoặc bán công ty đã mua cho bên mua khác (thường là những người mua dạng một), hoặc bán theo kế hoạch sở hữu cổ phiếu của cán bộ công nhân viên công ty. Người mua LBO thường lệ thuộc vào bộ máy điều hành hiện tại của công ty được mua hoạt động, không thay đổi cơ cấu tổ chức nhân sự và có thể sắp xếp các vị trí quản lý chủ chốt vào trong nhóm chủ sở hữu. Đồng thời, họ có thể đầu tư vào công ty khác nhưng họ sẽ không tìm kiếm “sức mạnh tổng hợp” trong những thương vụ đầu tư mà họ thích biến các công ty được mua thành những phần riêng rẽ độc lập nhau nhằm để chúng hoạt động hoặc bán đi mà không bị ảnh hưởng lẫn nhau. Do đó trong định giá, họ sẽ loại bỏ yếu tố “sức mạnh tổng hợp”./. Tài liệu tham khảo: The Art of M&A-A Merger Acquisition Buyout Guide- 3rd Edition-Stanley Foster Reed, Alexandra Reed Lajoux- McGraw-Hill 2003.  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật