Nhân danh công lý

Trước mặt thẩm phán, giám đốc của nguyên đơn (cty ĐD) thẳng thắn thừa nhận “Chúng tôi làm thế là không đàng hòang thật“. Nhưng khi thua tại phiên sơ thẩm vì làm cái sự không đàng hòang ấy, nguyên đơn vẫn kháng cáo và thẳng thừng “Tôi sẽ thắng“. Trước khi diễn ra phiên phúc thẩm tại TAND tp.HCM, bị đơn được một người trong Tòa án cho biết “Anh chắc chắn bị thua rồi“. Quả vậy – với nội dung tranh chấp đơn giản, rõ ràng, mà theo đó hiển nhiên bị đơn không thể thua- nguyên đơn lại thắng với bản án sửa lại hòan tòan án sơ thẩm. Làm việc kiểu ấy, làm sao dân tin ở Tòa án, cần Tòa án? Và khi buộc phải hầu Tòa, người ta sẵn sàng “thí“ sơ thẩm để tập trung tòan lực “chạy“ phúc thẩm. Ở đây, không liên quan gì đến Công lý, mà thực chất chỉ là giải quyết chuyện ai thắng ai với phần thắng luôn luôn thuộc về bên có tiền nhiều hơn, biết chạy đúng cửa hơn. Một xã hội thiếu niềm tin vào Công lý cũng sẽ không xây dựng nổi Nhà nước pháp quyền (NNPQ). Người dân cảm nhận, “sờ thấy“ được Công lý- một cách trực tiếp nhất- qua họat động của Tòa án. Vì thế, cải cách ngành Tòa án là then chốt và phải được ưu tiên để cải cách tư pháp, cải cách hành chính và xây dựng NNPQ . Nhưng, chúng ta không được phép xây dựng nó theo những tiêu chuẩn chủ quan – vẫn thường được gọi một cách mỹ miều là mang đặc trưng Việt nam- mà phải theo tiêu chuẩn tối thiểu của WTO. Không phải ngẫu nhiên mà WTO có qui định cụ thể- một cách đặc biệt khác thường nếu so với những qui định chung khác của WTO- về trách nhiệm đảm bảo tính công minh, bình đang cho họat động của Tòa án (Điều 41 TRIPS). Điều 42 TRIPS (TRIPS: Hiệp định về khía cạnh thương mại cua quyền SHTT) qui định điều kiện tối thiểu để bảo đảm tính công minh, bình đẳng của qúa trình xét xử dân sự là: a) Bị đơn phải được thông báo kịp thời bằng văn bản về đơn kiện; b) Thông báo này phải nêu lý do bị kiện kèm theo hồ sơ chứa tòan bộ các thông tin, bằng chứng, chi tiết cần thiết khác phục vụ việc bảo vệ quyền lợi của bị đơn; c) Bảo đảm quyền của các bên tiếp cận, trình bày bằng chứng, lý giải và lập luận bảo vệ ; v…v. Điều 41 qui định các phán quyết của Tòa án phải khách quan, dựa trên bằng chứng và phải nêu rõ lý do. Ở ta, trước tiên bị đơn chỉ nhận được mỗi thông báo về đơn kiện; nếu may mắn thì kèm theo đơn kiện. Anh ta bị đánh đố, phải trả lời Tòa về đơn kiện trong khi không hề có đủ dữ kiện cần thiết để biết mình bị kiện trên cơ sở pháp lý, bằng chứng và theo lập luận gì. Ta nên cải cách thủ tục ban đầu này cho giống với các nước khác và tuân thủ qui định của WTO là: gửi tòan bộ những gì nguyên đơn gửi đến Tòa cho bị đơn. Thủ tục đầu tiên tại Tòa là các bên khai vào “Tờ khai“ , trong đó nêu yêu cầu, lập luận của mình, rồi ký “Tôi xin cam kết….là đúng sự thật và hòan tòan chịu trách nhiệm“. Điều bất hạnh và vô lý ở đây là: a) bị đơn viết tờ cam kết này trong khi vẫn chưa hề được tiếp cận với bằng chứng và các lập luận chống lại mình của nguyên đơn; b) Yêu cầu và lập luận của các bên có thể được thay đổi bất cứ lúc nào, chúng mang tính chủ quan và vì vậy không thể buộc người viết chịu hòan tòan trách nhiệm (Trách nhiệm không được thay đổi ư?); c) Nếu các yêu cầu và lý do của chúng la đúng sự thật như cam kết thì có lẽ chúng ta cũng chẳng cần đến thẩm phán làm gì. Sau khi ký tờ khai, các bên mới có quyền làm đơn xin sao chép hồ sơ để biết đối phương có những bằng chứng, lập luận gì. Thực tế cho thấy, chỉ sau khi được sao chép hồ sơ, bị đơn mới có thể trình bày chính xác các yêu cầu, lập luận phản bác nguyên đơn và chúng thường có những thay đổi căn bản so với trong bản tự khai. Nhưng không ai phải chịu trách nhiệm cả! Tuy nhiên, như ông nguyên chánh án Tòa Kinh tế tp.HCM thừa nhận, việc cho sao chép hồ sơ rất dễ bị lợi dụng để thẩm phán-hay thư ký- hành bên nào không làm vừa lòng họ và hậu qủa có thể là rất tai hại. Có thể thấy rõ dấu ấn của thủ tục tố tụng hình sự trong trong thủ tục tố tụng dân sự của ta và rõ ràng nó vi phạm Điều 42 TRIPS. Nên cải cách theo hướng bỏ “Tờ khai“, cung cấp đầy đủ hồ sơ cho các bên ngay từ đầu, đồng thời yêu cầu họ trình bày chi tiết, cụ thể, các lập luận bảo vệ hay phản bác bằng văn bản gửi lên Tòa. Tòa có trách nhiệm gửi chúng kịp thời cho các bên. Chất lượng xét xử của Tòa án phụ thuộc gần như hòan tòan vào thẩm phán (TP). Đây cũng là vấn nạn lớn nhất của ngành Tòa án Việt nam. Nó bao gồm cả chất lượng TP, quan điểm về nghề TP, họat động của TP và con người TP . Đang tồn tại quan niệm TP là cha là mẹ, là công lý. Vì vậy ra Tòa không nên cãi lại ông ta. TP ra Tòa trong tư thế người truy xét và không có nghĩa vụ tranh luận cùng luật sư. Được giao quyền to như thế, nhưng TP của chúng ta chỉ là một công chức Nhà nước với những qui trình bổ nhiệm, kỷ luật, không khác công chức hành chính bao nhiêu. Nói một cách khác, quyền của TP ở ta rất lớn mà trách nhiệm lại qúa bình thường. TP là người được ủy quyền nhân danh công lý (hay pháp luật) đưa ra quyết định cuối cùng công nhận, hay bác bỏ, quyền chính đáng của các bên tham gia tranh chấp. Hiển nhiên TP không phải là công lý, ông ta chỉ được quyền nhân danh công lý khi công nhận một giải pháp giải quyết tranh chấp- kết qủa tranh luận, làm việc chung giữa ba bên- là giải pháp gần với công lý nhất. Nghĩa vụ và trách nhiệm của TP , vì vậy, là cùng với hai bên thảo luận, tranh luận, nhằm tìm ra giải pháp hợp lý, đúng luật và tiếp cận gần nhất với công lý cho vấn đề đang xet xử. Cần có qui định rõ ràng về trách nhiệm và nghĩa vụ như vậy cho TP, đồng thời luật hóa các điều kiện bảo đảm các bên nhận được đầy đủ và kịp thời tòan bộ thông tin cần thiết cho sự phối hợp ba bên. Chất lượng TP là một vấn đề đang báo động. Tuy vậy, giải quyết nó không đơn giản và nếu không khéo sẽ vi phạm nguyên tắc họat động độc lập chỉ tuân theo pháp luật của TP. Quan điểm lấy số lượng án đúng/ sai để đánh giá chất lượng TP như hiện nay không những không thích hợp để nâng cao chất lượng thẩm phán, mà còn không khuyến khích họ nâng cao năng lực họat động độc lập qua việc không ngừng tự nâng cao trình độ. Nên cải cách theo hướng chung của các NNPQ hiện đại là: a) Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng TP không phải là án đúng/sai, mà là việc bỏ qua (không xử lý hoặc không lập luận) các khía cạnh, vấn đề pháp lý của vụ tranh chấp; b) Tạo môi trường cong chúng để các TP, Luật sư, Luật gia được công khai bình luận, tranh luận về các phán quyết của Tòa án (kể cả Tòa án quốc tế). Từ đó hình thành những quan điểm áp dụng luật theo đa số, thiểu số của họ, giúp TP định hương khi xét xử; c) Tiến tới bỏ hòan tòan các thông tư, nghị định, chỉ thị hướng dẫn kết qủa xét xử; d) Việc công nhận, bổ nhiệm, kỷ luật TP phải do các tổ chức độc lập, chuyên ngành Tòa án đảm nhiệm. Ở Châu Âu, ít cử nhân luật muốn trở thành TP, dù nghề này rất được tôn kính. Bởi là TP cũng đồng nghĩa với ý thức phải sống hai vai trò. Là con người, anh ta cũng tức giận, bực bội, thậm chí ghét tên luật sư tranh tụng không biết phải trái với mình. Nhưng khi xử lý công việc của TP, anh ta không được phép mang theo những cảm xúc con người đó vào phán quyết của mình. Điều đó thật khó và vì vậy, nếu được tự do lựa chọn, rất ít cử nhân luật giỏi chọn nghề TP. Ở ta, có nhiều trường hợp thua chỉ vì làm mất lòng TP. Với tình trạng hiện tại, xây dựng lòng tin của người dân vào Tòa án là một mục tiêu khó đạt được và cần nhiều thời gian. Nhưng chắc chắn bước đầu tiên phải thực hiện là hạn chế hậu qủa tiêu cực bằng cách: a) Tạo điều kiện để có thể sửa chữa ngay sai lầm của bản án. Song song với qui định giám đốc thẩm, cần có qui định cho phép tạm hõan thi hành án (kể cả cấp phúc thẩm) ngay khi có dấu hiệu cho thấy Hội đồng xét xử (HĐXX) bỏ qua một khía cạnh pháp lý; b) Hủy bản án nếu xác định HĐXX cố tình làm điều đó; c) Sa thải thẩm phán nào hai lần bị hủy bản án theo b). HĐXX phúc thẩm vụ cty ĐD tuyên hợp đồng giữa ĐD với bị đơn- công ty tư vấn NH- là vô hiệu, buộc NH trả lại phí tư vấn cho ĐD trong khi không buộc ĐD trả lại cho NH cái mà họ đã nhận được từ công sức của NH: phán quyết của HĐ Trong tài Quốc tế buộc một công ty Hàn quốc trả nợ cho ĐD. Bản án của HĐXX đã cố tình bỏ qua phán quyết này và ĐD không mất tiền mà vẫn được phán quyết của HĐTTQT. Đó cũng chính là hậu qủa khó tránh khi người ta xét xử trong vai trò một công chức hành chính, được quyền nhân danh công lý mà không có trách nhiệm vì công lý. SOURCE: THỜI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN - GS.TS. NGUYỄN VÂN NAM  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật