NÊN CẢI CÁCH DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC NHƯ THẾ NÀO?

GS.TS. NGUYỄN VÂN NAM Kinh tế thị trường theo định hướng XHCN là một sáng tạo có ý nghĩa hết sức quan trọng của Đảng CSVN và quyết định tương lai đất nước. Trong nền kinh tế ấy, ắt phải có một yếu tố nào đó giữ vai trò chủ đạo định hướng cho thị trường không đi trệch con đường XHCN. Vì thế, như một lẽ tự nhiên, kinh tế Nhà nước phải đảm nhận vai trò chủ đạo này với công cụ là các doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Theo các thông tin, văn kiện chính thức thì các DNNN của ta được thành lập để: - “Thực hiện định hướng XHCN, KT nhà nước là chủ đạo”. Tuy nhiên, trong thực tiễn: Thế giới chưa có một nền KTTT theo định hướng XHCN nào thành công, hay đang thực hiện có kết quả để ta so sánh rút kinh nghiệm cả. Mặc dù vậy, nhiều nước phát triển đã xây dựng thành công một nền KTTT trong đó các vấn đề xã hội do hệ quả tiêu cực của thị trường tự do gây ra được giải quyết hài hòa với mục đích không phải lợi nhuận, mà là bảo đảm cuộc sống có phẩm giá cho mọi người (Đây chắc cũng phải là mục tiêu của CNXH mà chúng ta mong muốn). Đó là nền Kinh tế Thị trường Xã hội (điển hình là CHLB Đức). Trong nền kinh tế này không có kinh tế Nhà nước (theo nghĩa hoạt động kinh doanh nhằm mục tiêu lợi nhuận), cũng không có việc ưu tiên một thành phần kinh tế nào để nó thành chủ đạo; Nhà nước tham gia hoạt động kinh tế theo những nguyên tắc khác hẳn chúng ta. - “Kinh doanh trong những lĩnh vực thiết yếu để phục vụ nền KT và giữ độc lập, tự chủ về kinh tế“. Thực tiễn: Sự phát triển của đại đa số các quốc gia đều chứng minh hoạt động của DN tư nhân mới là có hiệu quả nhất trong đa số các lĩnh vực thiết yếu của nền KT quốc dân. Trong thời đại Toàn cầu hóa, không có bất kỳ quốc gia nào có khả năng- vì vậy cũng không đặt thành nhiệm vụ- giữ độc lập và tự chủ về kinh tế theo cách hiểu truyền thống về độc lập tự chủ của chúng ta.   - “Tạo những quả đấm thép làm trụ cột và chủ lực trong cạnh tranh, đi đầu phát triển doanh nghiệp“. Thực tiễn: hoạt động của các DNNN cho thấy họ lại chính là những quả đấm thép cản trở hình thành các trụ cột phát triển kinh tế thông qua cạnh tranh hiệu quả. - „Thực hiện chiến lược phát triển một số ngành, một số nhiệm vụ KT-XH“. Thực tiễn: với sự hỗ trợ của NN về chính sách, DN tư nhân sẽ phát triển các ngành đó tốt hơn. Các DNNN hiện không hoạt động theo mục tiêu hoàn thành một số nhiệm vụ KT-XH mà vẫn là lợi nhuận. - “Kinh doanh, đầu tư trong những lãnh vực tư nhân không làm, không muốn làm“. Thực tiễn: DNNN hoạt động tại đây lại không phải là để đáp ứng những nhu cầu xã hội mà DN tư nhân không muốn đáp ứng vì không đem lại lợi nhuận, mà vẫn là để thu lợi nhuận, thậm chí là lợi nhuận cao hơn do được độc quyền. Và với mục tiêu: - “Là lực lượng đảm bảo sự phát triển của các ngành/lĩnh vực theo kế hoạch nhà nước“. Thực tiễn: với mục tiêu như vậy, nền kinh tế của chúng ta thực chất chỉ là chuyển từ Kinh tế kế hoạch tập trung sang Kinh tế kế hoạch chỉ huy (KTKHCH). Trong lịch sử kinh tế thế giới, KTKHCH không phải là xa lạ. Đây là một nền kinh tế dựa vào ý tưởng kết hợp các ưu điểm của cơ chế thị trường dưới sự chỉ huy của lý trí „luôn luôn đúng“ của lãnh tụ. Nền KTKHCH thành công nổi tiếng nhất là nền kinh tế của nước Đức phát xít dưới sự lãnh đạo của Hitler. Thời đó, tỷ lệ thất nghiệp của Đức là 0%, Đức quốc xã là nước áp dụng thành công lý thuyết về vai trò kích cầu Nhà nước của nhà kinh tế học nổi tiếng Keynes. Thành quả của nền KTKHCH này đã tạo đầy đủ cơ sở vật chất cho Hitler tiến hành chiến tranh thế giới. Điểm đặc biệt nguy hại của một nền KTKHCH là ở chỗ nó luôn phải tự tạo ra các nhu cầu phi thị trường theo ý chí chủ quan của người lãnh đạo. Với nước Đức phát xít, đó là nhu cầu chuẩn bị và phục vụ chiến tranh. - “Thể hiện tính ưu việt của khu vực công hữu về quan hệ lao động, năng lực quản lý, năng suất, hiệu quả, là trụ cột trong cạnh tranh, đặc biệt là cạnh tranh với các tập đoàn, công ty lớn của nước ngoài“. Thực tiễn hoạt động của công ty quốc doanh ở rất nhiều quốc gia cũng như tại Việt nam đã chứng minh điều ngược lại. Ngoại trừ tính ưu việt về quan hệ lao động, thì quản lý kém cỏi, năng suất lao động thấp, kinh doanh không hiệu quả là những đặc trưng mang tính phổ biến của DNNN. DNNN, tự bản chất, đã là cản trở mạnh mẽ nhất cho những cố gắng xây dựng một môi trường cạnh tranh tự do, lành mạnh và bình đẳng. Duy trì hoạt động của DNNN làm trụ cột cạnh tranh với DN nước ngoài cũng là đi ngược lại những cam kết của ta với WTO. - “Tạo nguồn thu lớn cho ngân sách khi sử dụng vốn và các nguồn lực được NN phân bổ“. Thực tiễn: nếu được sử dụng vốn và các nguồn lực khác như NN đang phân bổ cho DNNN, DN tư nhân sẽ tạo nguồn thu còn lớn hơn nhiều so với DNNN. - “Là chỗ dựa để NN thiết kế và thực hiện chiến lược, chính sách KT, dự án đầu tư của NN“. Thực tiễn: chính là do dựa vào hoạt động của DNNN-một yếu tố phi thị trường và hoàn toàn mang ý chí chủ quan- mà hầu hết các chiến lược, chính sách KT của ta luôn tiền hậu bất nhất và phải điều chỉnh liên tục. - “Là chỗ dựa trong điều hành vĩ mô đối với các tình huống NN cần ứng phó, kiểm soát thị trường (ổn định giá, bảo đảm nguồn cung, kiềm chế lạm phát, giảm nhập siêu…)“. Thực tiễn: mặc dù đây là một lý do chính đáng biện minh cho sự tồn tại của DNNN, nhưng nó đòi hỏi những tiêu chí luật định rõ ràng xác định nhiệm vụ, cơ chế kiểm soát và các lĩnh vực mà DNNN được phép hoạt động, điều mà chúng ta chưa làm được. Ở ta hiện nay, không còn ai nghi ngờ về những bất cập, bất lợi và những yếu kém thuộc về bản chất của DNNN, mà chủ yếu là thảo luận theo hai hướng: a) cải cách nâng cao hiệu quả, tác dụng tích cực của DNNN (trường phái công nhận vai trò chủ đạo của KTNN); hoặc là b) hạn chế tác động tiêu cực của DNNN bằng cách giới hạn tỷ trọng DNNN trong nền kinh tế quốc dân (trường phái công nhận sự cần thiết của DNNN). Có thể thấy trường phái a) chắc chắn sẽ thất bại; trường phái b) chắc chắn sẽ không thành công, nếu không chỉ ra được bản chất hoạt động của các DNNN được phép hoạt động như vậy phải hoàn toàn khác với bản chất hoạt động kinh doanh vì mục đích lợi nhuận của một DN thông thường. (Xem sơ đồ) Dù có một nền KTKHCH hoàn hảo đi chăng nữa, Nhà nước vẫn không thể giải quyết được vấn nạn thuộc về bản chất là không thể kiểm soát nổi các DNNN. Đơn giản vì Nhà nước-do đủ thứ nguyên nhân và quan hệ chồng chéo-không bao giờ có thể có được đầy đủ và chính xác các thông tin cần thiết cho việc kiểm soát toàn diện hoạt động của DNNN. Kinh nghiệm của rất nhiều nước cũng chỉ ra rằng chỉ có thể lựa chọn dứt khoát hoặc là Kinh tế thị trường hoặc là Kinh tế kế hoạch chứ không thể kết hợp cả hai. Là thành viên WTO, chúng ta đã không chỉ cam kết xây dựng kinh tế thị trường, mà còn có nghĩa vụ luôn tự do hóa thị trường. Điều này ngược với chiến lược lấy KTNN làm vai trò chủ đạo. Kinh tế thị trường-thông qua thị trường và cạnh tranh tự do, lành mạnh- giải quyết hiệu quả hầu hết các vấn đề của doanh nghiệp, của hoạt động kinh tế. Nhưng KTTT làm phát sinh những vấn đề xã hội mà không phải lúc nào thị trường cũng có thể giải quyết ổn thỏa. Chính là ở đây, NN mới có trách nhiệm, nghĩa vụ và được phép hoạt động thay thị trường. Tuy nhiên, hoạt động KT này của NN phải tuân thủ 03 nguyên tắc: (1) Chỉ can thiệp vào nơi và khi thị trường đã tỏ ra bất lực; (2) Nguyên tắc hỗ trợ; (3) Hạn chế đến mức thấp nhất tác động làm sai lệch môi trường cạnh tranh, hạn chế quyền tự do kinh doanh của công dân. Trong nền KTTT Xã hội, NN còn có nghĩa vụ bảo đảm các điều kiện sống có phẩm giá cho người dân. (1) Có một số lĩnh vực mà thị trường bất lực không thể đáp ứng nhu cầu người dân, vì doanh nghiệp không muốn đầu tư, do kinh doanh có qúa nhiều rủi ro, không hứa hẹn lợi nhuận và việc kinh doanh với mục đích lợi nhuận sẽ gây bất bình đẳng xã hội. Chẳng hạn: Bảo hiểm y tế; bảo hiểm lao động; giao thông công cộng, điện-nước sinh hoạt. (2) NN chỉ can thiệp vào thị trường khi thực sự không còn các tác nhân tại chỗ có thể giải quyết sự bất lực của thị trường tốt hơn. Đây cũng là nguyên tắc phân cấp hoạt động cho cơ quan Nhà nước. (3) Hoạt động kinh tế của Nhà nước cũng phải tuân theo nguyên tắc chung cho mọi hoạt động của Nhà nước: nguyên tắc thỏa đáng (có mục tiêu chính danh; thích hợp để đạt mục tiêu; cần thiết; gây ít bất lợi nhất). Nước nào cũng vậy, ở giai đoạn đầu phát triển kinh tế, giá thành sản xuất trong một số lĩnh vực thiết yếu cho đời sống-chẳng hạn điện, nước- lại rất cao so với sức mua, không tương xứng với thu nhập của phần lớn người dân; làm tăng chi phí sản xuất và không khuyến khích cạnh tranh hiệu quả của DN. Nhu cầu thiết yếu của phần lớn người tiêu dùng sẽ không được thị trường điện, nước tự do đáp ứng, vì họ không đủ tiền và vì vậy có thể làm nẩy sinh các vấn đề gây xáo trộn xã hội. Đó là lúc thị trường bất lực. Một mặt, vì NN có nhiệm vụ Hiến định phải bảo đảm mức sống ổn định tối thiểu cho người dân, mặt khác NN phải can thiệp ở nơi và khi thị trường bất lực, nên tại đây, NN phải sử dụng công cụ là các DNNN. Nhiệm vụ và mục đích của các doanh nghiệp này là bảo đảm đáp ứng ổn định các nhu cầu thiết yếu của người dân và xã hội. Chính là để hoàn thành nhiệm vụ Hiến định ấy mà các doanh nghiệp NN đó mới được trao độc quyền. Nói một cách khác, NN có nghĩa vụ sử dụng các DNNN độc quyền trong một số lĩnh vực quan trọng để đáp ứng nhu cầu cần thiết tối thiểu cho hoạt động xã hội và cuộc sống người dân. Những lĩnh vực này cần do Quốc hội qui định (nhưng phải phù hợp với tiêu chí của WTO), chúng có thể là: Điện, nước, giao thông công cộng, bưu điện, v…v. DNNN độc quyền có mục đích và hoạt động khác về cơn bản với doanh nghiệp thông thường. (xem sơ đồ ) Ngoài ra, quá trình chuyển đổi sang KTTT cũng có nghĩa là phải chuyển đổi toàn bộ các doanh nghiệp NN không độc quyền của nền KTKH cũ thành những doanh nghiệp thông thường không hoạt động theo chỉ đạo của NN mà theo ý chí của chủ sở hữu phù hợp các qui luật thị trường. Rất không nên tiếp tục giải quyết vấn đề DNNN-một vấn đề ảnh hưởng quyết định đến sự phát triển của đất nước- bằng những giải pháp tủn mủn có tính chất tình thế theo kiểu “thầy bói mù xem voi” chỉ có tác dụng nhất thời ngăn ngừa những yếu kém, vụ việc tồi tệ đã được bộc lộ rõ ràng trong thực tiễn. Vì thế, nên đặt vấn đề cải cách DNNN trong tổng thể chung giải quyết vấn đề kinh tế Nhà nước như thế nào để hội nhập thành công. Cần có qui định pháp lý phân biệt rõ ràng DNNN độc quyền với DN có vốn góp của NN.
  1. DNNN độc quyền hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận hay là nguồn thu ngân sách, mà là đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân, của xã hội. Trước mắt, cần có luật về hoạt động của DNNN độc quyền phù hợp với các đặc trưng được WTO công nhận đã nói ở trên. Quốc hội sẽ quyết định các lĩnh vực nào là thiết yếu, trọng tâm đối với đời sống người dân, xã hội mà DNNN được độc quyền. Về lâu dài, cần xác định rõ DNNN độc quyền chỉ là giải pháp tình thế. Ngay khi sức mua (thu nhập bình quân đầu người) tăng đến mức hấp dẫn DN tư nhân và khi môi trường kinh doanh đủ điều kiện cho cuộc cạnh tranh hiệu quả giữa các DN nhằm hạ giá sản phẩm thiết yếu, thì phải từ bỏ độc quyền của DNNN, mở cửa thị trường cho DNTN.
  1. DN có vốn góp của NN. Cần nhanh chóng xây dựng cơ sở pháp lý rõ ràng cho hoạt động của DN loại này. Dứt khoát-trên cơ sở luật định- đối xử với các DN đó hoàn toàn bình đẳng như các DNTN khác, đặc biệt trong việc tiếp cận vốn, bảo lãnh vay vốn, cấp đất, giải quyết nợ nần, phá sản và cạnh tranh.
Về mặt pháp lý, cần phân biệt 02 loại DN có vốn góp của NN: trên 25% và dưới 25%. Theo thông lệ quốc tế, mà sớm hay muộn ta cũng phải chấp nhận, ai có vốn góp trên 25% là „thiểu số quyết định“, vì không có ý kiến chấp thuận của thiểu số này thì không một quyết định quan trọng nào của DN có giá trị thi hành cả. Do đó DN nào có trên 25% vốn của NN phải được coi là DNNN. Ngoài việc phải tuân thủ qui định pháp luật cho hoạt động quản lý sản xuất kinh doanh như các doanh nghiệp TN khác, DNNN còn phải chịu sự điều chỉnh của Luật hành chính. Nghĩa là các quyết định của người đại diện vốn NN trong hoạt động của DNNN loại này có thể bị khởi kiện ra Tòa hành chính. DN có vốn góp của NN dưới 25% có thể được xem là DNTN.
  1. Việc xác định những lĩnh vực kinh tế cụ thể nào là lĩnh vực hoạt động của DNNN độc quyền, của DN có vốn góp NN và ban hành các bộ luật về hoạt động của chúng, nên là nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách của Quốc hội.
  1. Trước mắt, ta nên thành lập một “Ủy ban giám sát DNNN” có một số nhiệm vụ cơ bản như: a) Giám sát, bảo đảm sao cho hoạt động của các DNNN nằm trong khuôn khổ luật định và theo đúng định hướng của Quốc hội; b) kiểm soát hoạt động mọi mặt của DNNN; trình báo cáo định kỳ về hoạt động của DNNN cho Quốc hội; c) thẩm định và chịu trách nhiệm trước Quốc hội đối với các dự án, các hoạt động có ảnh hưởng lớn đến xã hội của các DNNN;…Một Ủy ban như vậy, muốn hoạt động có hiệu quả trước hết cần nằm dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Bộ chính trị, do một ủy viên Bộ chính trị làm chủ tịch; muốn kết quả làm việc được khách quan, Ủy ban cần có ít nhất 80% thành viên là các chuyên gia độc lập về kinh tế, xã hội, pháp luật và nên do Quốc hội bầu chọn; muốn các quyết định của Ủy ban được thực hiện nghiêm túc, có uy tín cao trong nhân dân, nên có luật về qui chế hoạt động của Ủy ban, công nhận tính pháp nhân- với quyền khởi kiện và bị kiện- của Ủy ban.
Được như vậy, ta có cơ sở vững chắc, rõ ràng, minh bạch để từng bước giải quyết tốt các vấn nạn như „quyền sở hữu chủ- chức năng quản lý“, “cha chung không ai khóc“, “ưu đãi theo chỉ thị“, kinh doanh không hiệu quả v…v của DNNN hiện nay. Presentation1  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật