MỘT SỐ VẤN ĐỀ TRONG HOẠT ĐỘNG M&A Ở VIỆT NAM TRONG THỜI GIAN QUA

Sự suy thoái của nền kinh tế Mỹ trong thời gian gần đây khiến cho các quỹ đầu tư, công ty và tập đoàn lớn trên thế giới nghĩ đến việc chuyển hướng kinh doanh sang các quốc gia có nền kinh tế phát triển nhanh, trong đó có Việt Nam. Nhiều người cho rằng làn sóng M&A sẽ diễn ra mạnh mẽ chưa từng thấy ở Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, viễn thông… Khi nguồn lực sản xuất – kinh doanh quan trọng là đất đai thuộc về các doanh nghiệp trong nước thì M&A sẽ là con đường ngắn nhất để hút vốn nươc ngoài cũng như nâng cao chất lượng đầu tư nước ngoài và quy mô của các doanh nghiệp Việt Nam. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và thị trường M&A có mối quan hệ biện chứng. Việc thu hút được lượng FDI nhiều hay ít phụ thuộc không nhỏ vào việc thiết lập, vận hành và phát triển thị trường M&A. Ngược lại, thị trường M&A là cơ sở cho FDI xâm nhập nhanh nhất vào thị trường. Do vậy, việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài không thể tách rời việc xây dựng, phát triển thị trường M&A. Thị trường M&A Việt Nam chỉ sôi động và chuyên nghiệp khi các quy định liên quan đến hoạt động M&A được xây dựng rõ ràng và đầy đủ, đặc biệt là quy định về tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài trong từng lĩnh vực cụ thể. Việc nghiên cứu, đề xuất giải pháp phát triển hoạt động M&A đặc biệt là các giải pháp tăng cường quản lý nhà nước sẽ góp phần tạo một kênh thu hút đầu tư nước ngoài mới và quan trọng để thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngòai vào Việt Nam trong giai đoạn tới. Trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư rút khỏi thị trường chứng khoán, việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) có thể gặp khó khăn, nhưng hoạt động sáp nhập và mua lại doanh nghiệp (M&A) đang có điều kiện tốt để phát triển.   Khi nói về M&A, người ta thường nghĩ đến việc bán toàn bộ doanh nghiệp hay những vụ sáp nhập của những công ty hàng đầu. Tuy nhiên, ở Việt Nam, phần lớn các giao dịch M&A diễn ra âm thầm lặng lẽ dưới dạng mua lại một phần doanh nghiệp và quy mô các đợt sáp nhập phần lớn ở mức trung bình (từ 5 triệu USD đến 250 triệu USD). M&A không chỉ đơn thuần gọi vốn mà còn thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược, trong đó người mua – đối tác chiến lược không chỉ góp thêm vốn, mà còn tăng thêm giá trị cho doanh nghiệp được mua, bằng năng lực quản lý, các bí quyết công nghệ kết hợp với hệ thống phân phối sẵn có của người mua… Có hai hình thức đầu tư vào doanh nghiệp đó là đầu tư tài chính đơn thuần và đầu tư tài chính kết hợp với đầu tư công nghệ, nhân sự…Chuyển giao công nghệ hiện đại, kỹ năng quản lý tiên tiến hay nhân sự giỏi là những yếu tố tạo nên giá trị lâu dài và bền vững cho doanh nghiệp. Đa số doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ cần một đối tác chiến lược thông qua M&A để tái cơ cấu công ty trước khi có một bước tiến mới là trở thành công ty đại chúng. Làn sóng M&A là cơ hội để các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam đưa ra quyết định đúng, đưa họat động kinh doanh lên tầm cao mới. Trong lịch sử đã có rất nhiều trường hợp các triệu phú biết nắm bắt thời cơ, sử dụng M&A như một cơ hội để từ triệu phú trở thành tỷ phú. Năm 1929, khi kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng, lạm phát, nhà kinh doanh vận tải biển người Hy Lạp Aristote Onassis đã dốc toàn bộ vốn liếng của mình mua 6 chiếc tàu vận tải loại lớn với giá rất rẻ của Công ty đường sắt Canada. Lúc đó ngành vận tải biển cũng như nhiều ngành khác đang khó khăn trầm trọng, nhiều người cho rằng việc mua lại tàu của ông là việc làm đem tiền đi đốt. Onassis không hề dao động mà tin rằng khủng hoảng sẽ qua đi, kinh tế phục hồi và nghề vận tải biển sẽ phát triển mạnh. Khi Chiến tranh thế giới II bùng nổ vào năm 1939, các chủ thuyền kinh doanh vận tải biển trên các tuyến đường biển Đại Tây Dương, Thái Bình Dương đã phát tài. 6 chiếc tàu lớn của Onassi đã trở thành 6 mỏ vàng, góp phần đưa Onassis trở thành một trong những người giàu nhất thế giới. Năm 1985, Công ty Buitoni chuyên sản xuất các loại mỳ và thực phẩm đóng hộp ở Italia làm ăn thua lỗ vì quản lý kém, thương gia Carlo de Benedetti đã mua lại công ty này với giá 30 triệu USD. Chưa đầy 3 năm sau, Benedetti bán lại Công ty Buitoni cho Tập đoàn Nestle của Thụy Sỹ với giá 1,1 tỷ USD – gấp khoảng 36 lần so với số tiền Benedetti đã bỏ ra để mua Buitoni. Chỉ với một thương vụ M&A này Benedetti đã kiếm được cả tỷ USD. Trong thực tế M&A đem lại hiệu quả tốt nhất khi ít nhất một lĩnh vực của doanh nghiệp vẫn kinh doanh thường xuyên và ổn định. Những thỏa thuận tốt nhất M&A thường là những thỏa thuận thúc đẩy những lĩnh vực kinh doanh đã có hoặc mở ra những lĩnh vực kinh doanh mới tại các thị trường lân cận. Trong một số trường hợp, các yếu tố phi tài chính là yếu tố tác động làm tăng hoặc giảm giá trị của một vụ M&A như văn hóa doanh nghiệp, đội ngũ nhân sự, tầm nhìn, chiến lược, thị phần, tỷ lệ vốn có thể chiếm hữu, thương hiệu, sản phẩm độc quyền, tình trạng niêm yết… Ngoài ra các yếu tố khác như sự kiên trì trong thương lượng giữa các bên, sự quan tâm của các cổ đông chính, cam kết của ban điều hành doanh nghiệp, sự tôn trọng lẫn nhau, tính chuyên nghiệp của tổ chức tư vấn, luật sư… cũng thúc đẩy việc thống nhất giá trị của một vụ M&A. Các giao dịch M&A không chỉ là phép cộng đơn thuần các doanh nghiệp vào với nhau, mà một giao dịch M&A kéo theo hàng loạt các vấn đề về tư cách pháp nhân, vấn đề tài chính, thương hiệu, thị phần, thị trường, kiểm soát tập trung kinh tế, kiểm soát giao dịch cổ phiếu… Vì vậy khi các doanh nghiệp có ý định giao dịch M&A lưu ý một số vấn đề sau: Trước hết, xác định chính xác loại giao dịch M&A doanh nghiệp dự định tiến hành là loại giao dịch nào, có thể là: sáp nhập, mua lại chủ yếu theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp; sáp nhập, mua lại như một hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài chủ yếu theo quy định của pháp luật về đầu tư; sáp nhập, mua lại như một hình thức tập trung kinh tế chủ yếu chịu sự điều chỉnh chủ yếu của pháp luật cạnh tranh; mua cổ phần chủ yếu theo các quy định của pháp luật chứng khoán; sáp nhập, mua lại doanh nghiệp nhằm mục đích phát triển thương hiệu chủ yếu chịu sự điều chỉnh của pháp luật về sở hữu trí tuệ… Việc xác định loại giao dịch M&A sẽ giúp cho các bên xác định, nhận thức cụ thể loại giao dịch mà mình tiến hành; luật điều chỉnh chủ yếu trong giao dịch M&A; cơ chế, quy trình tiến hành giao dịch; định hướng việc thiết lập các điều khoản trong hợp đồng M&A; và xác định nghĩa vụ thông tin, thông báo đến cơ quan quản lý của các bên… Thẩm định pháp lý và thẩm định tài chính của doanh nghiệp bị sáp nhập, mua lại cũng là công việc quan trọng. Thẩm định pháp lý của doanh nghiệp giúp cho bên mua hiểu rõ tư cách pháp lý, các quyền và nghĩa vụ pháp lý, chế độ pháp lý đối với các loại tài sản, hợp đồng đối với người lao động, hồ sơ đất đai, xây dựng, đầu tư… để trên cơ sở xác định tình trạng và các rủi ro pháp lý đưa ra quyết định mua doanh nghiệp. Thẩm định pháp lý thường do các luật sư thực hiện thay mặt cho bên bán. Vì vậy, luật sư tư vấn M&A đóng vai trò rất quan trọng và kết luận về hồ sơ pháp lý của doanh nghiệp bị mua, bị sáp nhập là cơ sở để các bên đưa ra quyết định mua bán, sáp nhập hay từ chối mua bán, sáp nhập. Sau thẩm định pháp lý, doanh nghiệp bị mua, bị sáp nhập cũng có thể tiến hành các thủ tục nhằm tái cấu trúc doanh nghiệp để đáp ứng các yêu cầu của bên mua. Thẩm định tài chính thường do các công ty kiểm toán hay kiểm toán viên độc lập thực hiện. Về nguyên lý thì các bên trong giao dịch M&A thường có mục đích kinh tế trái chiều nhau, điều này có thể ảnh hưởng đến việc nâng và hạ giá doanh nghiệp. Bên mua muốn mua với giá rẻ, bên bán muốn bán với giá đắt và có thể che giấu những vấn đề hay rủi ro tài chính của doanh nghiệp. Bởi vậy trong một thương vụ M&A, vai trò kiểm toán viên cũng rất quan trọng để thẩm định và đưa ra kết luận về giá trị thực tế doanh nghiệp (cả hữu hình và vô hình), giúp cho hai bên tiến lại gần nhau để đi đến thống nhất (ngoại trừ một số thương vụ M&A theo quy định của pháp luật chứng khoán). Ngoài ra cũng cần lưu ý rằng doanh nghiệp bị mua, bị sáp nhập là một thực thể pháp lý sống với đầy đủ các nhân tố riêng như chế độ quản trị, nguồn nhân lực, văn hóa doanh nghiệp, lĩnh vực kinh doanh, bạn hàng… Các doanh nghiệp trong mỗi thương vụ M&A đều có những nét khác biệt về yêu cầu, lợi ích, sự ràng buộc do vậy không có hợp đồng mẫu nào chung cho tất cả các giao dịch M&A. Ngoài ra các bên phải quy định đầy đủ các điều khoản cơ bản liên quan đến giao dịch M&A và đưa vào hợp đồng đầy đủ các đặc điểm yêu cầu, lợi ích, sự ràng buộc riêng biệt của doanh nghiệp. Các bên cũng cần chú ý đến vấn đề hậu M&A, bởi vì không giống như việc mua bán hoàng hóa thông dụng khác, doanh nghiệp bị sáp nhập, bị mua sẽ chuyển giao toàn bộ các giá trị, hoạt động vào doanh nghiệp mua, sáp nhập Những thương vụ M&A thành công gần đây chủ yếu do các nhà đầu tư và doanh nghiệp chủ động tiến hành với sự trợ giúp của các văn phòng luật sư nhiều hơn là của các tổ chức dịch vụ tư vấn hay dịch vụ tài chính trung gian.  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật