MỘT SỐ VẤN ĐỀ PHÁP LÝ VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CÔNG TY TÀI CHÍNH

Trong cấu trúc hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng Việt Nam, Công ty tài chính (CTTC) chiếm một vị trí khá quan trọng. Từ khi Chính phủ chủ trương áp dụng các biện pháp thắt chặt tiền tệ thì việc thành lập mới các ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) gặp rất nhiều khó khăn. Trước tiên là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nâng điều kiện cấp phép và sau đó quyết định tạm ngưng việc cấp phép thành lập NHTMCP thì phong trào thành lập CTTC lại nở rộ như “nấm sau cơn mưa”. Đối với các CTTC đã thành lập trước đây, thì lại đua nhau tăng vốn điều lệ. Ví dụ như Công ty Tài chính Dầu khí (thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Petrovietnam) đã “nâng cấp” lên thành Tổng Công ty Tài chính cổ phần Dầu khí (PVFC) với vốn điều lệ lên tới 5.000 tỷ đồng để phù hợp với yêu cầu mới và đang hướng đến mục tiêu trở thành tập đoàn tài chính vào năm 2010. Trong khi đó, CTTC Vinashin cũng thực hiện tăng vốn điều lệ từ 140 tỷ đồng lên trên 1.000 tỷ đồng… Việc thành lập mới và tăng vốn điều lệ của các CTTC chủ yếu xuất phát từ nhu cầu tìm kiếm, quản lý vốn và điều hòa nguồn vốn của đa số các tập đoàn kinh tế và tổng công ty. Để đảm bảo thực hiện đúng tiến độ các dự án đang phát triển đến năm 2015, Petrovietnam cần khoảng 100 tỷ USD nên rất cần có một “cỗ máy” huy động, điều phối nguồn vốn này. Riêng Vinashin nhờ đã có CTTC mà Tập đoàn này được Bộ Tài chính ưu tiên cho vay lại 750 triệu USD từ việc phát hành trái phiếu quốc tế vào cuối năm 2005. CTTC EVN của Tập đoàn Điện lực Việt Nam ra đời và sẽ hỗ trợ đáng kể cho yêu cầu phát triển đến năm 2010 của EVN với nhu cầu vốn lên đến hàng trăm ngàn tỷ đồng. Các tập đoàn, tổng công ty trong nhiều lĩnh vực khác như Dệt May, Cao su, Bưu điện, Sông Đà, Xi măng….đều đã thành lập CTTC. Bên cạnh đó, nhiều CTTC có vốn nước ngoài cũng đã được thành lập như CTTC Prudential, Societe Generale (Pháp), PPF (Czech), Toyota VN[1]… Mặc dù, CTTC ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế, xã hội của đất nước nhưng đối với nhiều người, đây là một định chế tài chính còn khá mới mẻ nên việc nghiên cứu những vấn đề pháp lý về tổ chức và hoạt động của chủ thể này thời gian gần đây đã thu hút sự quan tâm không những của giới nghiên cứu mà cả những nhà hoạch định chính sách.   Công ty tài chính là một tổ chức tín dụng phi ngân hàng Căn cứ vào phạm vi thực hiện các nghiệp vụ kinh doanh, pháp luật của nhiều nước quy định các tổ chức tín dụng gồm hai loại. Đó là ngân hàng và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng. Trong đó, ngân hàng được hiểu là loại hình tổ chức tín dụng được thực hiện toàn bộ các hoạt động ngân hàng. Thế nào là hoạt động ngân hàng thì pháp luật các nước khác nhau có những quy định khác nhau. Chẳng hạn, Điều 1 Luật ngân hàng Pháp số 84-46 năm 1984 đưa ra khái niệm hoạt động ngân hàng trên lãnh thổ Pháp như sau: “Các hoạt động ngân hàng bao gồm nhận vốn của nhân dân, hoạt động tín dụng cũng như cấp và quản lý các phương tiện thanh toán”[2]. Luật về ngân hàng của các quốc gia khác như: Luật ngân hàng thương mại của Trung Quốc năm 1995, Luật ngân hàng Ba lan năm 1989, Luật các tổ chức tài chính và ngân hàng của Malaysia năm 1989, Luật về ngành tín dụng của Đức năm 1992, Luật về ngân hàng và hoạt động ngân hàng của Liên bang Nga năm 1996 được sửa đổi lần gần nhất vào ngày 08/04/2008 đều quy định cụ thể mang tính liệt kê các hành vi pháp lý được xem là hoạt động kinh doanh ngân hàng. Nhìn chung, theo quy định của pháp luật các nước thì hoạt động ngân hàng bao gồm những giao dịch phổ biến như: huy động vốn dưới hình thức tiền gửi, cho vay, mua bán giấy tờ có giá ngắn hạn, cung cấp dịch vụ thanh toán, dịch vụ bảo lãnh[3]…Tại Việt Nam, Khoản 7, Điều 20 của Luật các tổ chức tín dụng năm 1997 được sửa đổi bổ sung năm 2004 quy định: “Hoạt động ngân hàng là hoạt động kinh doanh tiền tệ và dịch vụ ngân hàng với nội dung thường xuyên là nhận tiền gửi, sử dụng số tiền này để cấp tín dụng và cung cấp dịch vụ thanh toán”. Như vậy, rõ ràng là các tổ chức tín dụng phi ngân hàng có phạm vi thực hiện các nghiệp vụ ngân hàng hẹp hơn so với tổ chức tín dụng là ngân hàng. Có lẽ đây cũng là điểm khác biệt cơ bản giữa hai định chế tài chính này. Cũng theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng năm 1997 thì, tổ chức tín dụng phi ngân hàng là loại tổ chức tín dụng được thực hiện một số hoạt động ngân hàng như là nội dung kinh doanh thường xuyên nhưng không được nhận tiền gửi không kỳ hạn, không làm dịch vụ thanh toán. Tổ chức tín dụng phi ngân hàng gồm công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng khác (Khoản 3, Điều 20). Như vậy, ngoài CTTC và công ty cho thuê tài chính được chính thức thừa nhận là tổ chức tín dụng phi ngân hàng, pháp luật Việt Nam vẫn chưa có một danh sách xác định cuối cùng về các tổ chức tín dụng phi ngân hàng. Định nghĩa về CTTC được quy định tại Khoản 1, Điều 2 của Nghị định 81/2008/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 79/2002/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của công ty tài chính. Theo đó, “Công ty Tài chính là loại hình tổ chức tín dụng phi ngân hàng, với chức năng là sử dụng vốn tự có, vốn huy động và các nguồn vốn khác để cho vay, đầu tư; cung ứng các dịch vụ tư vấn về tài chính, tiền tệ và thực hiện một số dịch vụ khác theo quy định của pháp luật, nhưng không được làm dịch vụ thanh toán, không được nhận tiền gửi dưới 01 năm”. Một trong những điểm mới cơ bản của Nghị định 81 so với Nghị định 79 là lần đầu tiên trong pháp luật Việt Nam đã xác định hai mô hình kinh doanh cơ bản của CTTC: CTTC tổng hợp và công ty tài chính chuyên ngành. CTTC tổng hợp được thực hiện tất cả các chức năng, nghiệp vụ của CTTC. Ngoài các hình thức huy động vốn, CTTC tổng hợp được phát hành trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi và giấy tờ có giá khác có kỳ hạn từ 1 năm trở lên để huy động vốn. CTTC chuyên ngành hoạt động chủ yếu trong một số lĩnh vực: tín dụng tiêu dùng hoặc phát hành thẻ tín dụng và các hoạt động khác theo quy định của pháp luật. CTTC hoạt động trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng được thực hiện các nghiệp vụ cho vay như: cấp tín dụng tiêu dùng dưới hình thức cho vay mua trả góp, phát hành thẻ tín dụng và cho vay bằng tiền; cung cấp các dịch vụ tư vấn tài chính, ngân hàng, tiền tệ và đầu tư về tiêu dùng cho khách hàng và các hình thức khác. Từ định nghĩa nêu trên, ta thấy CTTC trước hết là một doanh nghiệp. Tuy nhiên, công ty tài chính cũng như các tổ chức tính dụng khác có những đặc điểm riêng mà dựa vào đó, ta có thể phân biệt chúng với các doanh nghiệp kinh doanh trong các lĩnh vực, ngành nghề khác. Thứ nhất, CTTC có đối tượng kinh doanh trực tiếp là tiền tệ. Thứ hai, CTTC là doanh nghiệp hoạt động kinh doanh chính, chủ yếu và thường xuyên và mang tính chất nghề nghiệp là hoạt động ngân hàng (trừ việc nhận tiền gửi kỳ hạn dưới 1 năm và dịch vụ thanh toán). Đặc điểm này giúp phân biệt công ty tài chính và các tổ chức tín dụng khác với các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực ngành nghề khác, kể cả các doanh nghiệp có hoạt động ngân hàng không thường xuyên như công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán… Thứ ba, CTTC là loại hình doanh nghiệp chịu sự quản lý về nghiệp vụ của NHNN. Bên cạnh đó, CTTC cũng có những đặc thù để phân biệt với các tổ chức tín dụng khác. Qua nghiên cứu kinh nghiệm của nhiều nước, một số chuyên gia đã mô tả quá trình trung gian tài chính của CTTC là “họ vay những món tiền lớn, trung, dài hạn nhưng lại thường cho vay những món tiền nhỏ. Nghiệp vụ tín dụng này hoàn toàn khác với các hoạt động của ngân hàng thương mại”[4]. Xuất phát từ tính chất đặc thù trong hoạt động của CTTC mà người ta phân biệt định chế tài chính này với ngân hàng thương mại ở những khía cạnh sau đây: Một là, trên thực tế các CTTC không nhận tiền gửi của tổ chức, cá nhân trong xã hội với thời gian ngắn hoặc không kỳ hạn và dưới hình thức mở tài khoản. Nguồn vốn chủ yếu để cấp tín dụng của công ty tài chính chủ yếu là vốn tự có hoặc vốn huy động thông qua phát hành các công cụ nợ dài hạn hoặc vay từ các tổ chức khác[5]; Hai là, các CTTC không thực hiện các dịch vụ thanh toán và tiền mặt, không sử dụng vốn vay trong công chúng để làm phương tiện thanh toán; Ba là, mức độ can thiệp của Chính phủ vào hoạt động của CTTC ở mức độ không sâu như đối với hoạt động của các ngân hàng thương mại. Điều đó đã cơ hội cho CTTC linh hoạt hơn trong hoạt động của mình. Công ty tài chính là một doanh nghiệp đặc biệt thực hiện hoạt động kinh doanh tiền tệ Hoạt động ngân hàng của các tổ chức tín dụng nói chung và của CTTC nói riêng là hoạt động tiềm ẩn nhiều rủi ro, tác động trực tiếp đến đời sống kinh tế-xã hội và chính sách tiền tệ của quốc gia. Những tác động tích cực và tiêu cực của hoạt động kinh doanh ngân hàng thường mang tính dây chuyền, nhiều cuộc khủng hoảng tài chính-tiền tệ xuất phát từ hoạt động kém hiệu quả của hệ thống ngân hàng và các tổ chức tài chính, tín dụng. Chính vì vậy, các nước đều thiết lập cơ sở pháp lý để quản lý và giám sát chặt chẽ các hoạt động của các tổ chức tính dụng, trong đó có hoạt động của công ty tài chính. Tại Việt Nam, hoạt động kinh doanh của CTTC thuộc loại hình kinh doanh có điều kiện. Điều kiện thành lập CTTC theo quy định hiện hành bao gồm hai nhóm: điều kiện cấp phép và điều kiện khai trương hoạt động. Điều kiện cấp phép Theo quy định tại Khoản 1, Điều 8 Nghị định 79/2002/NĐ-CP, những điều kiện cấp phép đối với công ty tài chính là: – Có nhu cầu về hoạt động của Công ty Tài chính; – Có đủ vốn pháp định theo quy định của Chính phủ[6]; – Thành viên sáng lập là các tổ chức, cá nhân có uy tín và năng lực tài chính theo quy định của Ngân hàng Nhà nước; – Người quản trị, điều hành có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và trình độ chuyên môn phù hợp với hoạt động của Công ty Tài chính; – Có Điều lệ tổ chức, hoạt động phù hợp với quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và các quy định khác của pháp luật; – Có dự thảo phương án kinh doanh khả thi. Riêng đối với CTTC liên doanh, CTTC 100% vốn nước ngoài phải đáp ứng thêm các điều kiện bổ sung như: được tổ chức có thẩm quyền theo quy định của pháp luật nước nguyên xứ cho phép thành lập và hoạt động tại Việt Nam và có tổng tài sản có trên 10 tỷ đôla Mỹ vào cuối năm trước thời điểm nộp đơn, trừ trường hợp Hiệp định đầu tư song phương giữa Việt Nam và nước nguyên xứ có quy định khác (Khoản 2, Điều 8, Nghị định 81/2008/NĐ-CP). Sau khi nộp đầy đủ hồ sơ theo quy định tại Điều 9, Nghị định 79/2002/NĐ-CP thì Ngân hàng Nhà nước phải cấp hoặc từ chối cấp giấy phép. Trong trường hợp từ chối cấp giấy phép, Ngân hàng Nhà nước phải có văn bản giải thích lý do. Điều kiện khai trương hoạt động Đối với các loại hình doanh nghiệp khác có thể tiến hành kinh doanh từ thời điểm được cấp phép hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhưng CTTC cũng như NHTMCP, sau khi được cấp phép hoạt động thì chưa thể hoạt động ngay mà phải tiếp tục đáp ứng những điều theo quy định của pháp luật. Đó là: – Có điều lệ được Ngân hàng Nhà nước chuẩn y; – Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; có đủ vốn pháp định và có trụ sở phù hợp với yêu cầu hoạt động của CTTC; – Phần vốn pháp định góp bằng tiền phải được gửi vào tài khoản phong tỏa không được hưởng lãi mở tại NHNN trước khi hoạt động tối thiểu 30 ngày. Số vốn này chỉ được giải tỏa sau khi CTTC khai trương hoạt động; – Có văn bản pháp lý về quyền sở hữu hoặc quyền được phép sử dụng trụ sở chính của CTTC tại Việt Nam; – Đăng báo trung ương, địa phương theo quy định của pháp luật về những nội dung quy định trong giấy phép[7]. Trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày được cấp giấy phép, CTTC được NHNN cấp giấy phép phải khai trương hoạt động. Ngoài những điều kiện đã nêu, trên thực tế, để được cấp phép và hoạt động, CTTC còn phải đáp ứng các điều kiện bổ sung như về hình thức tổ chức và hoạt động, về tỷ lệ nắm giữ của bên nước ngoài…Về hình thức tổ chức và hoạt động, Nghị định 81/2008/NĐ-CP quy định CTTC chỉ có thể tổ chức và hoạt động theo hình thức CTTC trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên (hình thức này bắt buộc đối với công tài chính liên doanh); CTTC trách nhiệm hữu hạn một thành viên và CTTC cổ phần. Đối với CTTC liên doanh, phần vốn góp của bên nước ngoài không vượt quá 49% vốn điều lệ của CTTC, phần vốn góp của doanh nghiệp Việt Nam không được vượt quá 30% vốn góp của bên Việt Nam. Thời hạn hoạt động của CTTC là 50 năm và có thể gia hạn (Điều 5, Nghị định 79/2002/NĐ-CP). Đối chiếu với các điều kiện cấp phép và khai trương hoạt động của các NNTMCP tại Quyết định số 24/2007/QĐ-NHNN của Thống đốc NHNN ngày 07 tháng 6 năm 2007 ban hành Quy chế cấp giấy phép thành lập và hoạt động ngân hàng thương mại cổ phần và Quyết định 46/2007/QĐ-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ngày 25 tháng 12 năm 2007 về sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của Quyết định số 24/2007/QĐ-NHNN có thể thấy rằng, các điều kiện khai trương hoạt động của CTTC và NHTMCP là giống nhau. Trong khi đó, các điều kiện cấp phép thành lập lại có nhiều điểm khác biệt cơ bản. Theo các văn bản trên, yêu cầu và điều kiện cấp phép hoạt động của NHTM cổ phần là rất chặt chẽ. Đó là các yêu cầu về việc chứng minh nguồn gốc vốn góp của các cổ đông sáng lập, về số lượng cổ đông tối thiểu (số lượng cổ đông tối thiểu phải là 100), về giới hạn số ngân hàng được góp vốn của một tổ chức, cá nhân (một tổ chức, cá nhân cùng với người có liên quan không được tham gia góp vốn trên 2 ngân hàng), về mức sở hữu cổ phần tối đa của một cổ đông (đối với một cá nhân là 10% và tổ chức là 20% vốn điều lệ của một ngân hàng, cổ đông và những người có liên quan của cổ đông đó được sở hữu tối đa 20% vốn điều lệ của một ngân hàng), về kiện kiện nắm giữ của cổ đông sáng lập (các cổ đông sáng lập phải cùng nhau nắm giữ tối thiểu 50% vốn điều lệ của ngân hàng khi thành lập, trong đó các cổ đông sáng lập là tổ chức phải cùng nhau sở hữu tối thiểu 50% tổng số cổ phần của các cổ đông sáng lập). Các yêu cầu về năng lực quản lý rủi ro, công nghệ thông tin, hệ thống kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán nội bộ cũng khá chặt chẽ. Đặc biệt, các yêu cầu về tiêu chuẩn đối với nhân sự chủ chốt của NHTMCP cũng cao hơn trong các CTTC. Ví dụ, để được bầu làm thành viên HĐQT, cá nhân phải không thuộc diện bị pháp luật cấm thành lập và quản lý doanh nghiệp theo Luật doanh nghiệp năm 2005, không từng tham gia quản lý, điều hành một doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản (trừ phá sản vì lý do bất khả kháng), không là người đại diện theo pháp luật của một doanh nghiệp bị đình chỉ hoạt động hoặc buộc phải giải thể do vi phạm pháp luật, không là người tham gia quản lý, điều một ngân hàng bị cơ quan quản lý Nhà nước thu hồi giấy phép hoạt động…Ngoài những điều kiện, tiêu chuẩn trên đây, thành viên HĐQT phải có bằng Đại học hoặc trên Đại học về một trong các chuyên ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, luật; hoặc có ít nhất 03 năm làm người quản lý ngân hàng hoặc doanh nghiệp khác; hoặc có ít nhất 05 năm làm việc trực tiếp trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, kiểm toán, kế toán (các Điểm (i), (ii) và (iii), Khoản 1, Điều 6, Quyết định 24/2007/QĐ-NHNN). Đối với những người quản lý khác như thành viên Ban kiểm soát, Ban tổng giám đốc cũng có những yêu cầu, điều kiện khá cao. Bên cạnh đó, các quy định của pháp luật hiện hành về các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, mức góp vốn mua cổ phần trong các doanh nghiệp khác… dành cho NHTMCP thường cao hơn đối với CTTC. Mặc dù đều là tổ chức tín dụng thực hiện kinh doanh tiền tệ, nhưng nhìn chung, các điều kiện thành và hoạt động của CTTC thông thoáng hơn nhiều so với các điều kiện thành lập và hoạt động của các NHTMCP, yêu cầu về vốn điều lệ lại không cao. Điều này đã luận giải vì sao việc thành lập các CTTC lại “nở rộ” trong thời gian qua. Một số vấn đề đặt ra Có thể thấy rằng, việc các CTTC ra đời nhiều trong thời gia qua, ngoài những lý do nêu trên còn phản ánh xu hướng tích cực khi nhu cầu vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, nhất là đầu tư vào các ngành nghề mới, và tín dụng tiêu dùng, ngày càng tăng trong lúc khả năng đáp ứng của hệ thống ngân hàng lại hạn chế. Hiện tại, tỷ lệ người dân Việt Nam sử dụng các dịch vụ tài chính, ngân hàng chỉ khoảng 10% trong lúc nguồn vốn trong dân còn rất lớn, ước chừng 50.000 – 60.000 tỷ đồng[8]. CTTC ra đời cũng sẽ góp phần cơ cấu lại thị trường tiền tệ theo hướng nâng cao sức cạnh tranh và tính thanh khoản cho các tổ chức tín dụng, đa dạng hoá các sản phẩm tài chính-tín dụng, tạo ra nhiều kênh huy động và phân các nguồn vốn trong xã hội một cách linh hoạt góp phần thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Tuy nhiên, việc hàng loạt CTTC ra đời trong một thời gian ngắn vừa qua cũng đặt ra nhiều vấn đề cần phải suy nghĩ. Trước hết về động cơ thành lập CTTC. Mặc dù, hoạt động của CTTC có cùng bản chất với hoạt động kinh doanh của các ngân hàng (trừ hoạt động nhận tiền gửi dưới 12 tháng và hoạt động thanh toán) nhưng trên thực tế, các CTTC tại Việt Nam có mức độ tham gia thị trường tiền tệ còn rất hạn chế. Sự hạn chế này, theo tôi có thể bắt nguồn từ động cơ thành lập CTTC. Phần lớn các CTTC đều có các cổ đông sáng lập(đối với CTTC cổ phần) hoặc thành viên, chủ sở hữu (đối với CTTC trách nhiệm hữu hạn) là các tập đoàn, tổng công ty lớn. Nhiệm vụ của các CTTC này như đã trình bày ở phần đầu là tìm kiếm, quản lý vốn và điều hòa nguồn vốn của các tập đoàn kinh tế và tổng công ty. Khi thị trường chứng khoán “nóng lên” vào năm 2006-2007 thì các CTTC lại tích cực “đổ vốn” vào chứng khoán làm cho giá chứng khoán vốn đã vượt xa giá trị thực lại càng được đẩy cao lên và ở một chừng mực nhất định đã đẩy nền kinh tế vào tình trạng lạm phát. Chính vì vậy, một trong những giải pháp thắt chặt tiền tệ, kìm chế lạm phát của Chính phủ là kiểm soát hoạt động đầu tư tài chính của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Mặt khác, với vai trò tạo vốn và điều hoà vốn giữa các thành viên trong tập đoàn, tổng công ty, cho nên CTTC dễ dàng bỏ qua những chuẩn mực cần thiết của hoạt động tín dụng trong hoạt động tài trợ vốn cho các thành viên, các dự án của tập đoàn và tổng công ty. Điều này không những làm cho rủi ro tín dụng tăng lên mà còn làm tăng nguy cơ “hiệu ứng dây chuyền” khi thị trường tiền tệ hoặc lĩnh vực kinh doanh chính của tập đoàn, tổng công ty có biến động mạnh. Khi đó hậu quả sẽ rất khó lường. Thiết nghĩ, trong trường hợp này thì bài học về sự không tách bạch trong hoạt động ngân hàng và hoạt động đầu tư của các ngân hàng, công ty tài chính Mỹ dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay rất đáng để chúng ta suy ngẫm. Kế tiếp là vấn đề quản lý CTTC. Như ta đã biết, CTTC là một tổ chức tín dụng nên về nguyên tắc phải đặt dưới sự quản lý và giám sát của NHNN về nghiệp vụ. Nhưng về tổng thể, CTTC vẫn chịu sự kiểm soát bởi các tập đoàn, tổng công ty. Thêm vào đó, do vốn góp thành lập các CTTC phần lớn có nguồn gốc từ Nhà nước nên hoạt động của các CTTC lại bị chi phối bởi Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước thuộc Bộ tài chính với tư cách là cổ đông Nhà nước nắm giữ tỷ lệ chi phối. Hiện nay vẫn chưa có một sự phân định rạch ròi về chức năng quản lý Nhà nước đối với hoạt động của CTTC. Nếu NHNN là cơ quan quản lý về mảng nghiệp ngân hàng của CTTC thì nhiều hoạt động khác của CTTC vẫn còn bỏ ngỏ như hoạt động đầu tư tài chính, đầu tư chứng khoán, ủy thác đấu giá cổ phần, đầu tư bất động sản…vốn là những hoạt động tiềm ẩn rủi ro và đòi hỏi tính chuyên nghiệp rất cao. Từ đó, có thể ảnh hưởng đến tính hiệu quả trong các hoạt động đầu tư của CTTC gây lãng phí và thất thoát vốn Nhà nước. Ngoài ra, với nguồn vốn dồi dào và chưa được quản lý, giám sát chặt chẽ thì sự ra đời ồ ạt của CTTC đặt ra những thách thức không nhỏ cho các ngân hàng, đặc biệt là NHTMCP. Và như thế, cuộc cạnh tranh giữa các CTTC và NHTMCP trên thị trường tiền tệ sẽ mất đi tính công bằng do CTTC có nhiều ưu thế hơn. Cuối cùng, là vấn đề minh bạch trong hoạt động của CTTC. Với đặc thù của hoạt động kinh doanh của CTTC là một mặt mang tính chất rủi ro cao, mặt khác tác động đến lợi ích của Nhà nước và của khách hàng là các tổ chức, cá nhân mà nó huy động vốn nên đòi hỏi tính minh bạch rất cao. Khác các NHTMCP đều là các công ty đại chúng nên có nghĩa vụ công bố thông tin và thực hiện chế độ báo cáo theo quy định của pháp luật, các CTTC phần lớn được tổ chức và hoạt động theo hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn nên chưa có nghĩa vụ phải công bố các thông về hoạt động và tình hình tài chính của công ty. Những vấn đề đặt ra trên đây cho thấy đã đến lúc các nhà lập pháp và các cơ quan quản lý cần khẩn trương tiến hành rà soát lại khung pháp lý hiện hành về CTTC nhằm kịp thời sửa đổi, bổ sung để điều chỉnh một cách hiệu quả các hoạt động của định chế tài chính này tại Việt Nam. Những sửa đổi, bổ sung phải đảm bảo tạo điều kiện linh hoạt cho hoạt động của CTTC đồng thời tăng cường quản lý, kiểm tra và giám sát việc thành lập cũng như các hoạt động kinh doanh của CTTC. Qua đó, giúp cho các CTTC ngày càng đóng vai trò thiết thực hơn trong nền kinh tế và tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch, cạnh tranh bình đẳng giữa các tổ chức tín dụng và loại bỏ những nguy cơ tiềm ẩn cho nền kinh tế và thị trường tài chính-tiền tệ.  
[1] Xem tại: http://www.sggp.org.vn/kinhte/2008/8/163609/ [2] PTS. Nguyễn Đức Thảo, Ngân hàng trong nền kinh tế thị trường, NXB Mũi Cà Mau, 1995, tr.220. [3] Gíao trình Luật ngân hàng, Đại học luật Hà Nội, NXB Công an Nhân dân, 2007, tr. 13 [4] Gíao trình Lý thuyết Tài chính-Tiền tệ, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, NXB Thống kê, 2002, tr. 146 [5] Gavalda Christian, Stoufflet Jean. Droit du credit. 1-ier livre. Paris, 1990. p.136-153. [6] Theo Nghị định 141/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 22 tháng 11 năm 2006 về ban hành Danh mục mức vốn pháp định của các tổ chức tín dụng thì CTTC thành lập trước ngày 31 tháng 12 năm 2008, phải đảm bảo có ngay số vốn Điều lệ thực góp hoặc được cấp tối thiểu là 300 tỷ đồng, nếu thành lập sau ngày 31 tháng 12 năm 2008 thì phải đảm bảo có ngay số vốn Điều lệ thực góp hoặc được cấp tối thiểu tương đương mức vốn pháp định là 500 tỷ đồng và áp dụng cho đến năm 2010. [7] Theo quy định tại Điểm (e), Mục 18.1 của Thông tư 06/ 2002/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 23 tháng 12 năm 2002 hướng dẫn thực hiện Nghị định 79/2002/NĐ thì trước khi khai trương hoạt động tối thiểu 30 (ba mươi) ngày, CTTC phải đăng các báo hàng ngày bằng tiếng Việt trên 5 (năm) số báo liên tiếp (ít nhất một tờ báo của Trung ương và một tờ báo của địa phương nơi đặt trụ sở chính) về những nội dung chủ yếu của giấy phép. [8] http://www.sggp.org.vn/kinhte/2008/8/163609/  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật