MỘT SỐ VẤN ĐỀ KINH TẾ, TIỀN TỆ – NGÂN HÀNG NĂM 2009 VÀ 2010

TẠP CHÍ NGÂN HÀNG Năm 2009 qua đi với nhiều thăng trầm về kinh tế, tài chính ở trong nước và quốc tế. Nhưng, trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu thường thì cái mất nhiều hơn cái được. Cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới hiện nay được xem là cuộc khủng hoảng cơ cấu, khủng hoảng chính sách và khủng hoảng về lòng tin, đặc biệt nhất là khởi phát từ những nơi được xem là trung tâm của sự ổn định và phát triển của kinh tế thế giới, tất nhiên nơi đó phải chịu thiệt hại lớn nhất. Năm 2009, nền kinh tế và hệ thống tài chính – ngân hàng Việt Nam đã vượt qua một cách thành công tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu so với nhiều nước trong khu vực và thế giới. Kinh tế vĩ mô, hệ thống tài chính, ngân hàng tiếp tục được ổn định và tăng trưởng, đồng thời an sinh được bảo đảm bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, năm 2010 còn phía trước với cơ hội đan xen cùng thách thức và thành công tiềm ẩn nguy cơ bất ổn cần được nhận diện. 1. Kinh tế thế giới và hệ thống tài chính toàn cầu năm 2009 Kinh tế toàn cầu suy thoái nghiêm trọng Cuộc suy thoái kinh tế thế giới hiện nay xuất phát từ những yếu kém của khu vực tài chính và đã đẩy nền kinh tế thế giới vào suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ cuộc Đại suy thoái 1929-1930. Kinh tế thế giới rơi vào suy thoái kể từ quý III/2008 với mức độ ngày càng trầm trọng ở hầu hết các khu vực. Năm 2008, tăng trưởng kinh tế toàn cầu chỉ đạt 3%, thấp hơn nhiều so với mức 5,2% của năm 2007. Tính bình quân 3 quý đầu năm 2009, GDP giảm mạnh so với năm 2008, trong đó: Mỹ -3,23%, khu vực Eurro -4,6%, Anh -5,37%, Nhật Bản -6,6%, Nga -9,87%, Thái Lan -4,93%, Malaysia -3,77%, Trung Quốc +7,63%, Ấn Độ +6,6% và Indonesia +4,23%. Tuy nhiên, đến quý III/2009, nền kinh tế thế giới đã bắt đầu có dấu hiệu hồi phục, mặc dù chưa thật sự chắc chắn và không đồng đều ở các khu vực nhờ nỗ lực phối hợp chống suy thoái kinh tế và khủng hoảng tài chính trên phạm vi toàn cầu.   Chính sách tiền tệ hỗ trợ. Các Ngân hàng Trung ương (NHTƯ) phản ứng nhanh bằng việc cắt giảm lãi suất chưa từng có và các biện pháp bơm thanh khoản lớn cho thị trường để bảo đảm dòng tín dụng bình thường và khả năng thanh toán của hệ thống ngân hàng. Tất cả các NHTƯ đều triển khai nới lỏng chính sách tiền tệ và các biện pháp hỗ trợ thanh khoản rộng rãi đối với các ngân hàng. Chẳng hạn, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) áp dụng linh hoạt các thể thức tái cấp vốn, mở rộng phạm vi các loại tài sản cầm cố, áp dụng các kỳ hạn cho vay tới 6 tháng đến 1 năm. Chính sách tài khóa hỗ trợ. Ở các nước phát triển, chính sách tài khóa đóng vai trò chủ đạo trong việc kích thích kinh tế và đối phó với suy thoái kinh tế. Thâm hụt ngân sách của các nước phát triển dự kiến tăng thêm khoảng 6% GDP. Chính sách tài khóa được nới lỏng hơn ở các nước phát triển phản ánh quy mô Chính phủ ở các nước này lớn hơn và vai trò to lớn của chính sách tài khóa trong việc bình ổn kinh tế thông qua các chi tiêu Chính phủ, thuế, chuyển giao (phúc lợi và trợ cấp thất nghiệp) và các chương trình hỗ trợ, giải cứu tài chính. Hỗ trợ khu vực tài chính. Bên cạnh những nỗ lực của NHTƯ, Chính phủ cũng can thiệp mạnh vào hệ thống tài chính để giảm bớt quan ngại về sự đổ vỡ mang tính hệ thống và tái lập niềm tin. Các biện pháp được áp dụng bao gồm: + Bảo đảm tiền gửi và các khoản nợ tại ngân hàng; + Xử lý các khoản nợ xấu của các định chế tài chính; + Tái cấp vốn cho các định chế tài chính. Việc triển khai đồng bộ và quyết liệt các giải pháp kích thích kinh tế đã từng bước vực dậy nền kinh tế thế giới thoát khỏi tình trạng khủng hoảng. Theo Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới (WEO) của IMF ra ngày 01/10/2009, tăng trưởng GDP toàn thế giới giảm 6,5% trong quý I/2009. Sang quý II, khủng hoảng kinh tế thế giới có dấu hiệu chạm đáy và bắt đầu xuất hiện tín hiệu hồi phục với mức tăng trưởng GDP đạt 3%, trong đó khối các nước đang phát triển và mới nổi đã đạt mức tăng trưởng 5,1% so với quý trước. Dự báo năm 2009 kinh tế toàn cầu tăng trưởng -1,1%, trong đó các nước phát triển tăng trưởng -3,4%; các nước đang phát triển và mới nổi tăng trưởng 1,7%; các nước châu Á đang phát triển tăng trưởng 6,2%. Thương mại và luồng vốn quốc tế sụt giảm Kim ngạch xuất nhập khẩu giảm 11,9%, trong đó các nước phát triển có kim ngạch xuất khẩu giảm 13,6%, nhập khẩu giảm 13,7%; các nước đang phát triển và mới nổi có kim ngạch xuất khẩu giảm 7,2% và nhập khẩu giảm 9,5%. Luồng vốn FDI ròng đổ vào các nước đang phát triển và mới nổi giảm từ 425 tỷ USD năm 2008 xuống 279 tỷ USD; Luồng vốn đầu tư gián tiếp tiếp tục bị rút khỏi các nước đang phát triển và mới nổi, FII ròng giảm từ -85 tỷ USD xuống -100 tỷ USD. Lạm phát thấp và có xu hướng tăng ở cuối năm Sau khi tăng cao trong năm 2008, lạm phát toàn cầu liên tục giảm trong 9 tháng đầu năm 2009, thậm chí nhiều nước rơi vào tình trạng thiểu phát. Chỉ số CPI tính theo năm tăng trưởng âm từ tháng 3-10/2009 ở Mỹ, tăng trưởng âm trong suốt 11 tháng đầu năm 2009 ở Nhật Bản và tăng trưởng âm từ tháng 2-10/2009 ở Trung Quốc. Mặc dù Chính phủ các nước áp dụng nhiều biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ như hạ lãi suất chủ đạo, tăng cung tiền, kích cầu tiêu dùng và đầu tư trong 9 tháng đầu năm 2009, lạm phát trên toàn thế giới vẫn ở mức thấp. Tới tháng 7/2009, lạm phát toàn cầu chỉ 1% (1 năm trước đây 7%). Lạm phát cơ bản giảm xuống mức 1,2% so với mức 2% của 1 năm trước đây. Tình trạng lạm phát thấp và âm ở nhiều nước do các nguyên nhân: + Sản xuất trì trệ; đầu tư, tiêu dùng phản ứng chậm chạp trước các gói kích cầu của Chính phủ. + Chi tiêu của người dân vẫn còn khá dè dặt do thu nhập hiện tại giảm, kỳ vọng về thu nhập trong tương lai không được đảm bảo trước bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều bất ổn; tài sản đầu tư và tiết kiệm của công chúng giảm, nhất là giá trị của công cụ tài chính qua khủng hoảng nay phải thắt lưng buộc bụng nhằm tăng mức tiết kiệm. + Mặt bằng giá hàng hóa thấp so với năm 2008. Giá dầu thế giới năm 2009 nhìn chung thấp hơn năm 2008. Sau khi liên tục tăng giá từ cuối năm 2007, giá dầu thô đạt mức cao kỷ lục 147,27 USD/thùng (ngày 11/7/2008), tăng 144%, nhưng từ tháng 7/2008 đến cuối năm 2008 giá dầu giảm tới 63%. Giá dầu thế giới bắt đầu giảm mạnh từ cuối năm 2008 và xu hướng này tiếp tục được duy trì cho đến giữa tháng 2/2009 đưa giá dầu thế giới xuống mức 34,03 USD/thùng vào ngày 12/02/2009. Tuy nhiên, càng về cuối năm giá dầu càng tăng và đạt mức khoảng 80 USD/thùng. Từ cuối tháng 9/2009, lạm phát có dấu hiệu tăng ở hầu hết các quốc gia do tác động của các biện pháp kích cầu của Chính phủ, giá cả hàng hóa tăng cùng với kinh tế thế giới phục hồi. Dự báo, năm 2009 mức tăng chỉ số CPI chỉ ở mức 0,1% đối với các nước phát triển (năm 2008: 3,4%) và 5,5% ở các nước đang phát triển và mới nổi (năm 2008: 9,3%). Lãi suất giảm thấp Năm 2009, NHTƯ các nước liên tục giảm lãi suất chủ đạo tiến gần 0% và/hoặc duy trì ở mức rất thấp đối với lãi suất chủ đạo nhằm kích thích đầu tư, tăng cường khả năng thanh khoản cho hệ thống tài chính và ngăn chặn đà suy thoái sâu hơn của nền kinh tế. Sau khi cắt giảm mạnh lãi suất từ mức 1% xuống mức 0-0,25%/năm (ngày 16/12/2008), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã liên tục duy trì mức lãi suất thấp kỷ lục này trong năm 2009. NHTƯ châu Âu 3 lần cắt giảm lãi suất trong các tháng 4,5,6/2009, từ mức 2% xuống mức 1%/năm – mức thấp nhất trong lịch sử của ngân hàng này. NHTƯ Nhật Bản giữ nguyên mức lãi suất chủ đạo ở mức 0,1%/năm trong cả năm 2009. Tuy nhiên, để chủ động ngăn chặn lạm phát NHTƯ Úc đã tăng lãi suất chủ đạo từ 3% lên 3,25%/năm trong 3 tháng cuối năm 2009 và NHTƯ Na Uy tăng lãi suất chủ đạo từ 1,25% lên 1,5%/năm vào tháng 11/2009. Tính bình quân, các NHTƯ cắt giảm lãi suất chính sách hơn 3% kể từ tháng 8/2007. Cùng với xu hướng giảm lãi suất chủ đạo của NHTƯ, lãi suất trên thị trường quốc tế cũng có xu hướng giảm mạnh. Tính đến cuối năm 2009, lãi suất Libor USD kỳ hạn 3 tháng giảm hơn 80%. Tỷ giá biến động phức tạp Đồng USD giảm giá so với nhiều đồng tiền chủ chốt do Mỹ thâm hụt ngân sách lớn (1,4 ngàn tỷ USD), thâm hụt cán cân vãng lai lớn (-350 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm 2009), lãi suất đồng USD thấp. Năm 2009, USD giảm giá 2,8% so với đồng Euro, 8,63% so với GBP, 20% so với AUD, 14% so với CAD và 13% so với IDR. Thách thức Bên cạnh những dấu hiệu lạc quan về tăng trưởng kinh tế toàn cầu đến nay, không ít những mối quan ngại về khả năng phục hồi bền vững và chậm chạp của kinh tế toàn cầu trong năm 2009, thậm chí còn có những cảnh báo về nguy cơ rơi vào cuộc suy thoái kép. Kết thúc năm 2009, hệ thống kinh tế, tài chính toàn cầu đứng trước những thách thức sau đây: - Tiêu dùng chậm được cải thiện, nhu cầu tăng mức tiết kiệm để bù lại phần tổn thất do giảm giá tài sản tiết kiệm , tỷ lệ thất nghiệp và gánh nợ nần cao. Đến cuối năm 2009, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ 10%, khu vực Eurro 10%, Nhật Bản 5,2%, Trung Quốc 4,3%, Đức 8,1%, Pháp 10%, Nga 8,1%, Canada 8,5% và Tây Ban Nha 19,4%. Các hộ gia đình vẫn còn phải vật lộn với các khoản giảm thu nhập và tài sản. - Ưu tiên chính sách chủ yếu vẫn là phục hồi hệ thống tài chính và duy trì các chính sách kinh tế vĩ mô hài hòa cho đến khi kinh tế toàn cầu phục hồi vững chắc. Rút lui các chính sách kích thích quá sớm sẽ tạo rủi ro lớn hơn trong ngắn hạn nhưng thiết lập chiến lược kinh tế vĩ mô trung hạn vượt qua khủng hoảng là yếu tố then chốt duy trì lòng tin vào sự ổn định tài chính và giá cả. - Áp lực lạm phát gia tăng cần phải thắt chặt các điều kiện tiền tệ. Vấn đề quan trọng đối mặt với các NHTƯ là khi nào thắt chặt chính sách tiền tệ (CSTT) và giảm quy mô bảng cân đối của NHTƯ bao nhiêu. - Thâm hụt ngân sách tiếp tục kéo dài do nhu cầu kích thích tài khóa phải được tiếp tục cho tới khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi vững chắc. Đồng thời, Chính phủ các nước cần có những cam kết giảm thâm hụt ngân sách trong trung hạn và thực hiện cải cách ngân sách theo hướng bền vững hơn. Tuy nhiên, nợ công của các nước phát triển rất lớn, tăng từ 80% GDP trước khi xảy ra khủng hoảng lên khoảng 100% GDP hiện nay và tiếp tục tăng. Tăng quy mô nợ ngân sách sẽ gây áp lực lên lãi suất dài hạn và gây hiệu ứng chèn đầu tư khu vực tư nhân. - Hàn gắn khu vực tài chính đồng thời cải cách khuôn khổ an toàn. Đây là việc làm rất cần thiết để trở lại tăng trưởng bền vững trong trung hạn. Các biện pháp chính sách không đủ để đưa hệ thống ngân hàng trở lại hoạt động bền vững sau khủng hoảng. Cơ cấu lại hoạt động của các định chế tài chính là điều then chốt để hoạt động cho vay trở lại bình thường. Điều này đòi hỏi làm sạch bảng cân đối, tái cấp vốn, lập kế hoạch kinh doanh mới phù hợp với mô hình kinh doanh mới và quy chế an toàn mới. Thách thức chủ yếu là sự tiếp tục xấu đi của chất lượng tài sản. Khuôn khổ an toàn hoạt động ngân hàng phải đóng vai trò lớn hơn trong việc ổn định chu kỳ kinh tế. Phối hợp tầm quốc tế trong quản lý giám sát hệ thống tài chính toàn cầu đòi hỏi sự thống nhất lớn hơn về mặt quy chế và giám sát. - Thách thức chính sách cơ cấu và xã hội. Tỷ lệ thất nghiệp ở mức rất cao, cắt giảm việc làm và tiền lương diễn ra phổ biến đặt ra vấn đề gay gắt về mặt chính sách và xã hội phải giải quyết như vấn đề đào tạo, bảo hiểm, trợ cấp, đói nghèo,… - Tình hình tài chính khó khăn đối với nhiều người vay. Can thiệp của Nhà nước, lãi suất chính sách thấp, kỳ vọng phục hồi kinh tế tăng lên, luồng vốn quốc tế được cải thiện nhờ chính sách công, bảo lãnh ngân hàng, cung cấp thanh khoản, can thiệp thị trường tín dụng. Tuy nhiên, môi trường tài chính vẫn còn rất khó khăn đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa và các hộ gia đình. Thị trường các công cụ chứng khoán hóa vẫn rất khó khăn. Số lượng doanh nghiệp trong tình trạng khó khăn hoặc bị phá sản vẫn tiếp tục tăng. Năm 2009, tại Mỹ có 140 ngân hàng bị phá sản. - Hệ thống tài chính toàn cầu bị tổn thương nghiêm trọng và tiềm ẩn nhiều rủi ro gây mất an toàn. Tỷ lệ tài sản kém chất lượng tăng và lợi nhuận trên vốn giảm. Điều kiện tín dụng ở Mỹ, Anh và khu vực Euro vẫn hết sức chặt chẽ và khó khăn. Ước tính số nợ xóa của ngân hàng trên toàn cầu lên tới 2.800 tỷ USD, trong đó 1.500 tỷ USD chưa được ghi nhận, chủ yếu ở các ngân hàng châu Âu, Anh và Mỹ. Theo thống kê của IMF, tỷ lệ nợ xấu năm 2009 của tất cả các nước đều tăng so với năm 2008 phản ánh tình trạng xấu đi của môi trường kinh doanh và rủi ro của hệ thống ngân hàng. - Lĩnh vực sản xuất vẫn trì trệ đã làm chậm lại sự phục hồi của khu vực tài chính và tiếp tục giảm trong năm 2010. Sự phục hồi của khu vực sản xuất hiện nay chủ yếu do sự thay đổi chu kỳ hàng tồn kho. Trong khi hộ gia đình đang chịu mức thu nhập thấp hơn, mất việc làm, thu nhập tiết kiệm, đầu tư giảm hoặc bị mất sẽ làm hạn chế nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và nhà ở. 2. Một số vấn đề về kinh tế vĩ mô, tiền tệ và hoạt động ngân hàng trong nước năm 2009 Năm 2009, nền kinh tế phải đối phó với nhiều khó khăn, thách thức do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. Nền kinh tế bộc lộ dấu hiệu suy giảm từ cuối năm 2008 và mạnh nhất là quý I/2009. Nền kinh tế Việt Nam có mức độ mở cửa lớn với kinh tế thế giới và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, vì vậy, mặc dù các tổ chức tài chính và doanh nghiệp Việt Nam không đầu tư, nắm giữ các loại tài sản độc hại nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn chịu tác động qua kênh đầu tư, thương mại (vốn FII ra, FDI vào chậm lại, khách quốc tế giảm, xuất khẩu sụt giảm). Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương đã tích cực triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp ngăn ngừa suy giảm kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội với gói kích thích kinh tế quy mô tương đương 8 tỷ USD, bao gồm các giải pháp chủ yếu sau đây: Các giải pháp thuộc chính sách tài khóa: Miễn, giảm, giãn, hoàn thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT; tăng cường đầu tư phát triển của khu vực công để bù lại phần sụt giảm đầu tư của khu vực tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó tập trung vào xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, năng lượng, nông nghiệp, nông thôn, y tế, giáo dục, nhà ở cho sinh viên và người nghèo; tăng các khoản chi bảo đảm an sinh xã hội. Các giải pháp thuộc về chính sách tiền tệ: Điều hành linh hoạt tiền tệ, lãi suất, tỷ giá nhằm tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng (TCTD) mở rộng tín dụng hợp lý, khuyến khích xuất khẩu, giảm thiểu rủi ro cho khu vực doanh nghiệp và hệ thống ngân hàng; hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay ngắn hạn vốn lưu động, các khoản vay trung, dài hạn để thực hiện đầu tư mới, các khoản vay mua máy móc thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu nhà ở khu vực nông thôn, các khoản vay của người nghèo và đối tượng chính sách khác tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Các giải pháp về thương mại: Mở rộng thị trường trong nước và triển khai cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Nhờ các giải pháp trên, Việt Nam đã ngăn chặn được đà suy giảm kinh tế, đạt tốc độ tăng trưởng khá và tăng được nguồn lực đầu tư trong điều kiện suy thoái toàn cầu. Thứ nhất, GDP tăng trưởng khá, quý sau cao hơn quý trước: 3,14% (quý I), 4,46% (quý II), 6,04% (quý III) và 6,9% (quý IV). GDP năm 2009 tăng trưởng 5,32% so với năm 2008, vượt chỉ tiêu do Quốc hội đề ra (5%). Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam khả quan hơn nhiều so với các nước trong khu vực cho thấy Việt Nam đối phó khá tốt tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. Thứ hai, chu chuyển thương mại quốc tế của Việt Nam giảm so với năm 2008. Kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa đều giảm so với năm 2008 do giá cả hàng hóa giảm trên thị trường quốc tế và/hoặc giảm về số lượng. Năm 2009, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 56,6 tỷ USD, giảm 9,7% so với năm 2008, trong đó kim ngạch của nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ chốt giảm (dầu thô, dệt may, thủy sản, giày dép, gạo, gỗ, cà phê,…). Năm 2009, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 68,8 tỷ USD, giảm 14,7% so với năm 2008. Nhập siêu năm 2009 đạt 12,2%, bằng 21,6% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu và bằng khoảng 67,8% mức nhập siêu của năm 2008. Thứ ba, lạm phát ở mức khá thấp. Chỉ số CPI bình quân tăng 6,88% so với mức bình quân năm 2008 và là mức thấp nhất trong 6 năm qua. Tuy nhiên, lạm phát có dấu hiệu tăng vào những tháng cuối năm. Thứ tư, động lực tăng trưởng kinh tế và niềm tin thị trường vẫn được duy trì. Tiêu dùng cuối cùng vẫn tăng trưởng khá. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2009 ước tăng 18,6% so với năm 2008. Nếu loại trừ yếu tố giá thì tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11%. Vốn đầu tư phát triển vẫn tăng khá, đạt 704,2 ngàn tỷ đồng tương đương 42,8% GDP, tăng 15,3% so với năm 2008. Điều đáng lưu ý là nếu như năm 2008 vốn đầu tư của khu vực tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng trên 40% thì năm 2009 vốn đầu tư của 2 khu vực này tăng chậm lại hoặc giảm song, vốn đầu tư của Nhà nước tăng cao (40,5%) để bù đắp phần vốn đầu tư sụt giảm. Vốn FDI tiếp tục đổ vào Việt Nam mặc dù thấp hơn so năm 2008. Năm 2009, Việt Nam thu hút FDI được 21,5 tỷ USD, giảm 70% so với năm 2008, trong đó FDI thực hiện đạt 10 tỷ USD, giảm 13% so với năm 2008. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức và kinh tế tăng trưởng chậm lại do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng Việt Nam vẫn bảo đảm duy trì được sự ổn định của các cân đối kinh tế vĩ mô, suy giảm kinh tế đã được chặn lại nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp theo Nghị quyết 30 của Chính phủ. Tuy nhiên, diễn biến kinh tế vĩ mô năm 2009 cho thấy: Thứ nhất, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2009 thấp nhất trong 10 năm gần đây. Tăng trưởng chủ yếu vẫn theo chiều rộng (tăng vốn đầu tư), cơ cấu kinh tế kém hiệu quả, năng suất lao động, chất lượng và sức cạnh tranh còn thấp. Ước lượng qua mô hình kinh tế lượng cho thấy yếu tố vốn đầu tư đóng góp và tăng trưởng kinh tế tới 47%, lao động 25% và các yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) chỉ chiếm 28%. Chỉ số ICOR ở mức rất cao, trên 8% (các nước trong khu vực ở mức 3-4%); tỷ lệ vốn đầu tư/GDP ở mức 43% (các nước trong khu vực khoảng 30%). Thứ hai, nhập siêu lớn (tương đương 21,6% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa), nguồn thu ngoại tệ quốc gia nói chung giảm dẫn đến cán cân thanh toán tổng thể thâm hụt cao gây áp lực lớn đến dự trữ ngoại hối, cung cầu ngoại tệ và tỷ giá VND. Thứ ba, việc triển khai các giải pháp chống suy giảm kinh tế đã phát huy tác dụng tích cực theo đúng mục tiêu đề ra, song cũng có mặt tác động tiêu cực như tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán, tín dụng cao; thâm hụt ngân sách, tăng áp lực lên tỷ giá, lạm phát và thâm hụt cán cân thanh toán quốc tế. Thứ tư, thâm hụt ngân sách lớn (7% GDP). Thu ngân sách Nhà nước giảm do thực hiện chính sách miễn, giảm, giãn thuế, giá dầu giảm, trong khi chi ngân sách Nhà nước tăng dẫn đến bội chi ngân sách lớn. Nguồn tài trợ thâm hụt ngân sách chủ yếu vay trong nước góp phần tạo áp lực tăng lãi suất trên thị trường. Thứ năm, tiềm ẩn nguy cơ lạm phát cao do tiền tệ, tín dụng tăng cao, giá cả hàng hóa quốc tế tăng, thâm hụt ngân sách Nhà nước lớn. Thứ sáu, tỷ lệ đầu tư/GDP luôn lớn hơn tỷ lệ tiết kiệm/GDP (8-10% GDP), đồng thời thâm hụt ngân sách kéo dài trong nhiều năm liên tục khiến cho thâm hụt cán cân vãng lai triền miên và áp lực giảm giá VND liên tục xuất hiện. Ở các nước đang phát triển và mới nổi nói chung tỷ lệ tiết kiệm/GDP cao hơn tỷ lệ đầu tư/GDP khoảng 6% GDP. Diễn biến tiền tệ và hoạt động ngân hàng Năm 2009, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện điều hành linh hoạt, thận trọng chính sách tiền tệ, lãi suất và tỷ giá để đảm bảo góp phần thực hiện hài hoà các mục tiêu (i) Ngăn ngừa suy giảm kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế hợp lý; (ii) Kiềm chế lạm phát; (iii) Ổn định tỷ giá. Có thể nói, năm 2009 là năm đầy thách thức đối với điều hành CSTT trong bối cảnh chịu tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái toàn cầu, kinh tế trong nước suy giảm. Song, NHNN đã điều hành thành công CSTT và góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu kinh tế – xã hội năm 2009 đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XII ngày 19/6/2009: Tập trung cao độ mọi nỗ lực ngăn chặn suy giảm kinh tế, phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý, bền vững, giữ ổn định kinh tế vĩ mô; chủ động phòng ngừa lạm phát cao trở lại, đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, trong đó mục tiêu hàng đầu là ngăn chặn suy giảm kinh tế. Năm 2009, NHNN đã điều hành linh hoạt các công cụ CSTT, tỷ giá, lãi suất, khối lượng tiền cung ứng nhằm hỗ trợ nền kinh tế vượt qua suy thoái đồng thời bảo đảm an toàn hệ thống các TCTD trên cơ sở triển khai thực hiện một số giải pháp điều hành như sau: + Điều chỉnh giảm lãi suất cơ bản từ 8,5 – 7%/năm, lãi suất tái cấp vốn từ 9,5 – 8 – 7%/năm, lãi suất tái chiết khấu từ 7,5 – 6 – 5%/năm nhằm giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho TCTD mở rộng tín dụng đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế. Tuy nhiên, về cuối năm 2009 kinh tế phục hồi và để chủ động phòng ngừa lạm phát cao trở lại NHNN, lãi suất cơ bản đã được điều chỉnh từ 7%/năm lên 8%/năm. + Điều chỉnh giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (DTBB) đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng từ 6 – 5 – 3%; + Giảm lãi suất tiền gửi DTBB bằng VND từ 8,5-3,6-1,2%/năm; giảm lãi suất đối với tiền gửi vượt DTBB bằng ngoại tệ của TCTD tại NHNN từ 1-0,5-0,1%/năm. + Điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở với kỳ hạn, lãi suất hợp lý để kiểm soát chặt chẽ khối lượng vốn khả dụng, tiền cung ứng, ổn định lãi suất và bảo đảm an toàn thanh khoản của các TCTD. + Thực hiện hoán đổi ngoại tệ để hỗ trợ VND cho các ngân hàng mở rộng tín dụng, đồng thời ổn định tỷ giá và giảm bớt tình trạng mất cân đối về nguồn, sử dụng nguồn ngoại tệ trong hệ thống ngân hàng. + Ngày 23/4/2009, NHNN điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá từ 3% lên 5%, đồng thời điều hành linh hoạt tỷ giá bình quân liên ngân hàng kết hợp với can thiệp bán ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu một số mặt hàng thiết yếu và ổn định tỷ giá, chống đầu cơ, găm giữ ngoại tệ. Tuy nhiên, do tác động bất lợi của suy thoái kinh tế toàn cầu đến luồng ngoại tệ, ngày 26/11/2009, NHNN đã điều chỉnh tăng tỷ lệ bình quân liên ngân hàng thêm 5,44% và giảm biên độ giao dịch từ 5% xuống 3% để phù hợp với cân bằng cung cầu thị trường ngoại tệ trong tình hình mới. + Tăng cường công tác thanh tra, giám sát đối với TCTD và thị trường tiền tệ để kịp thời nắm bắt diễn biến hoạt động ngân hàng và có biện pháp xử lý kịp thời những rủi ro, vướng mắc, sai phạm. Trọng tâm của công tác thanh tra, giám sát năm 2009 tập trung vào các nội dung chấp hành các tỷ lệ an toàn hoạt động ngân hàng, quy định về lãi suất và tỷ giá, chế độ quản lý ngoại hối, chính sách hỗ trợ lãi suất, cho vay tiêu dùng, kinh doanh bất động sản và chứng khoán, từ đó bảo đảm hiệu lực và hiệu quả thực thi pháp luật và các chính sách, đặc biệt là chính sách hỗ trợ lãi suất cho vay. + Tăng cường theo dõi, phân tích, đánh giá, dự báo thị trường tiền tệ, cung – cầu vốn, lãi suất, tỷ giá để chủ động có biện pháp điều hành thích hợp. + Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về các chủ trương, chính sách, diễn biến tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm giúp cho công chúng hiểu đúng, đầy đủ và thực hiện tốt hơn các quy định pháp luật và chính sách về tiền tệ và hoạt động ngân hàng. + Phối hợp với các Bộ, ngành và tổ chức có liên quan triển khai các biện pháp hạn chế găm giữ, đầu cơ ngoại tệ, chấn chỉnh bàn thu đổi ngoại tệ và việc niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ. Diễn biến lãi suất năm 2009 cho thấy: Lãi suất VND diễn biến khá phức tạp và có xu hướng tăng trong nửa cuối của năm 2009. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay USD đều giảm. Mục tiêu giữ ổn định lãi suất nhằm góp phần thực hiện chủ trương chống suy giảm kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô về cơ bản đã thành công nhờ sự kết hợp hài hòa các biện pháp kinh tế, pháp luật về hành chính. Cơ chế trần lãi suất (150% lãi suất cơ bản) mặc dù được đánh giá là công cụ mang tính chất hành chính nhưng thực sự đóng vai trò rất quan trọng trong việc bình ổn lãi suất trong điều kiện lãi suất biến động bất lợi, đặc biệt ở thời điểm khi mà nhu cầu vốn tín dụng tăng nhanh, áp lực tăng lãi suất lớn, trong khi đó lại phải đảm bảo duy trì lãi suất thấp hợp lý để ổn định kinh tế vĩ mô và kích thích kinh tế. Nền kinh tế đã và đang từng bước lấy lại đà tăng trưởng, trong đó phải kể tới vai trò của hệ thống ngân hàng đối với nền kinh tế, cụ thể: Thứ nhất, về cơ bản, hệ thống ngân hàng vẫn được đảm bảo hoạt động an toàn, lành mạnh, tiếp tục tăng trưởng và kinh doanh có lãi, đồng thời tích cực tăng vốn điều lệ. Khó khăn của nền kinh tế hiện nay không phải xuất phát từ sự yếu kém của hệ thống tài chính – ngân hàng. Do đó, các giải pháp chống suy giảm kinh tế của Chính phủ chủ yếu tập trung hỗ trợ lĩnh vực sản xuất của nền kinh tế và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội đã nhanh chóng phát huy tác dụng. Thứ hai, hệ thống ngân hàng bảo đảm dòng vốn tín dụng lưu thông bình thường và mở rộng tín dụng đến các lĩnh vực của nền kinh tế theo nguyên tắc thương mại, kể cả trong việc triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất cũng không nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng. Từ đó, hệ thống ngân hàng đã góp phần quan trọng trong việc đáp ứng đầy đủ, kịp thời vốn tín dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển của nền kinh tế. So với cuối năm 2008, huy động vốn của TCTD từ nền kinh tế đến cuối năm 2009 ước tăng khoảng 28%, trong đó: Huy động vốn bằng VND tăng khoảng 28,5% và bằng ngoại tệ tăng khoảng 25%; So với cuối năm 2008, tổng dư nợ tín dụng cho nền kinh tế đến cuối 2009 tăng khoảng 37%, trong đó dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ tăng khoảng 15%. 3. Một số yếu tố tác động tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm 2010 3.1. Yếu tố trong nước Quốc hội đề ra mục tiêu kinh tế tổng quát của năm 2010 là nỗ lực phấn đấu phục hồi tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức cao hơn năm 2009, tăng tính ổn định kinh tế vĩ mô; nâng cao chất lượng tăng trưởng; ngăn chặn lạm phát cao trở lại; tăng khả năng bảo đảm an sinh xã hội;… phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch 5 năm 2006 – 2010. Theo đó, các chỉ tiêu kinh tế cơ bản của năm 2010 là: GDP tăng khoảng 6,5%; kim ngạch xuất khẩu tăng trên 6%; chỉ số giá tiêu dùng tăng không quá 7%; bội chi ngân sách 6,2% GDP; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng 41% GDP. Kinh tế trong nước được dự báo diễn biến theo xu hướng phục hồi, ổn định và tăng trưởng cao hơn năm 2009 nhờ tác động của kinh tế thế giới phục hồi, luồng vốn đầu tư quốc tế và thương mại toàn cầu cải thiện; các giải pháp kích thích kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục được triển khai trong năm 2010, trong đó Chính phủ tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ 2% lãi suất cho vay đối với một số đối tượng; hệ thống tài chính và doanh nghiệp trong nước hoạt động an toàn, lành mạnh hơn và tiếp tục mở rộng quy mô. Tiền tệ, lãi suất, tỷ giá trong nước được điều hành linh hoạt, chủ động theo nguyên tắc thị trường nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định giá trị đồng tiền, ngăn ngừa tái lạm phát cao, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; kiểm soát chất lượng tín dụng. Nguồn cung ngoại tệ được cải thiện nhờ chủ yếu do nguồn thu ngoại tệ được cải thiện, nhất là FDI, xuất khẩu và chuyển tiền một chiều tư nhân. Tâm lý găm giữ ngoại tệ được kiềm chế và chu chuyển ngoại tệ trong nền kinh tế được thông suốt hơn. Hệ thống ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh tăng vốn điều lệ phù hợp với quy định tại Nghị định số 141/2005/NĐ-CP và mở rộng quy mô, tăng cường năng lực cạnh tranh. Các quy định, chính sách về tiền tệ và hoạt động ngân hàng tiếp tục được hoàn thiện theo hướng nâng cao mức độ an toàn, lành mạnh của hệ thống, đặc biệt là các quy định về quản trị ngân hàng, tỷ lệ an toàn hoạt động ngân hàng, phân loại nợ và trích lập rủi ro. Tuy nhiên, năm 2010 kinh tế vĩ mô trong nước vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn: + Thâm hụt ngân sách Nhà nước lớn (6,2% GDP) và chủ yếu được tài trợ bằng nguồn vốn vay trong nước gây hiệu ứng áp lực tăng lãi suất thị trường; + Tổng cầu tăng lên gây áp lực lên cán cân vãng lai và lạm phát. + Chất lượng tăng trưởng chưa cao. Hiệu quả đầu tư thấp, đặc biệt đối với khu vực công. Hệ số ICOR tăng nhanh và đến nay đã trên 8. + Giá cả một số mặt hàng chủ chốt có xu hướng tăng: xăng dầu, than, điện,… đặc biệt là xăng dầu được điều hành theo sát với giá xăng dầu trên thị trường quốc tế. Chính phủ thực hiện tăng lương tối thiểu theo lộ trình cải cách tiền lương giai đoạn 2008-2012. + Xuất khẩu tiếp tục gặp nhiều khó khăn do kinh tế thế giới chưa phục hồi hoàn toàn và sự gia tăng bảo hộ tại các thị trường xuất khẩu. + Hoạt động đầu cơ trên thị trường tài chính và bất động sản tiềm ẩn rủi ro cho nhà đầu tư và hệ thống tài chính. + Một số cân đối vĩ mô quan trọng của nền kinh tế chưa thật sự lành mạnh so với yêu cầu tăng trưởng bền vững như tiết kiệm và đầu tư, cán cân thanh toán quốc tế, cán cân thương mại thâm hụt, cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư còn bất hợp lý. 3.2. Yếu tố nước ngoài Sau suy thoái toàn cầu sâu sắc, kinh tế, thương mại toàn cầu năm 2010 tăng trưởng trở lại nhờ các biện pháp kích thích kinh tế sâu rộng của Chính phủ các nước và giảm bớt rủi ro mang tính hệ thống của hệ thống tài chính. Tuy nhiên, phục hồi kinh tế toàn cầu dự kiến diễn ra chậm chạp và kinh tế vĩ mô toàn cầu còn nhiều rủi ro do: + Hệ thống tài chính vẫn còn nhiều khó khăn, biến động phức tạp (dòng tín dụng chưa trở lại bình thường, tài sản chất lượng thấp, thua lỗ); + Các chính sách kích thích kinh tế của Chính phủ sẽ giảm dần. Lãi suất trên thị trường quốc tế có xu hướng tăng cùng với sự phục hồi kinh tế thế giới và lạm phát gia tăng khiến NHTƯ tăng lãi suất. + Hộ gia đình tăng mức tiết kiệm do đã bị mất do giảm giá tài sản trong khi vẫn phải đối mặt với nạn thất nghiệp cao; + Lạm phát và giá cả hàng hóa cao hơn. Dự báo, năm 2010 chỉ số CPI tăng 1,1% ở các nước phát triển và tăng 4,9% ở các nước đang phát triển và mới nổi. + Thị trường tài chính quốc tế vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, khả năng tiếp cận các nguồn vốn quốc tế còn nhiều khó khăn. + Luồng vốn quốc tế vẫn chu chuyển chậm. Vốn đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế đang phát triển và mới nổi giảm tương đương 0,17% GDP, trong đó FDI tăng 1,51% GDP, vốn đầu tư gián tiếp giảm 0,97% GDP và vốn ODA giảm 0,15% GDP. + Thương mại hàng hóa, dịch vụ toàn cầu tăng 2,5%. Giá dầu bình quân trong năm 2010 tăng 24,3% so với năm 2009. Giá hàng hóa phi dầu bình quân năm 2010 tăng 2,4% so với năm 2009. + Ngân sách thâm hụt lớn và nợ Chính phủ tiếp tục tăng hoặc đứng ở mức cao thách thức rất lớn đến quá trình phục hồi kinh tế và đe dọa an ninh tài chính toàn cầu. Các nước phát triển thâm hụt ngân sách 9% GDP, giảm 1% so với năm 2009. Theo IMF, dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu đạt mức tăng trưởng 3,1% năm 2010, tương đương mức tăng trưởng năm 2008 (3,0%) nhưng thấp hơn nhiều mức tăng trưởng 5,2% năm 2007. Trong đó, năm 2010 các nước phát triển tăng trưởng 1,3%, các nước đang phát triển và mới nổi tăng trưởng kinh tế 5,1% năm 2010, trong đó dẫn đầu là Trung Quốc 9% và Ấn Độ 6,4%.

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật