MỘT SỐ MÔ HÌNH KINH TẾ THỊ TRƯỜNG VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM RÚT RA

I. MỘT SỐ MÔ HÌNH KINH TẾ THỊ TRƯỜNG Sản xuất hàng hóa và sau đó tiền tệ ra đời, đánh dấu sự phát triển về chất của kinh tế nhân loại. Đồng thời, dưới tác động của tiến bộ khoa học, kỹ thuật, của lực lượng sản xuất; sản xuất, lưu thông trao đổi hàng hóa ngày càng phát triển và kéo theo sau đó là sự xuất hiện ngày càng đa dạng các loại thị trường; cơ chế thị trường hoạt động ngày càng linh hoạt, rộng khắp. Khi nền kinh tế vận động theo cơ chế thị trường thì gọi là nền kinh tế thị trường hoặc mô hình kinh tế thị trường, hay kinh tế thị trường. Đến thời điểm ngày nay, dù kinh tế thị trường có những khuyết tật bản chất của nó, nhưng đây vẫn là mô hình kinh tế ưu việt nhất. Lịch sử phát triển kinh tế thị trường nhân loại, tới hôm nay, ở góc độ tổng quát có thể phân thành hai mô hình: mô hình kinh tế thị trường ”cổ điển“ và mô hình kinh tế thị trường “hiện đại”. Đặc trưng cơ bản của mô hình kinh tế thị trường “cổ điển“ là duy trì, và khuyến khích rộng rãi tự do cạnh, tự do trao đổi, tự do tiến hành các hoạt động sản xuất kinh doanh trên cơ sở tín hiệu và sự điều tiết của thị trường. Do vậy, hoạt động của mọi chủ thể kinh tế, sự vận động của giá cả đều chịu tác động trực tiếp của hệ thống quy luật kinh tế thị trường, mà A.Smit gọi là “Bàn tay vô hình“. Trong giai đoạn vận động, phát triển của kinh tế thị trường “cổ điển“, Nhà nước chỉ đóng vai trò “giữ nhà“, nghĩa là Nhà nước can thiệp rất hạn chế và mang tính gián tiếp vào các hoạt động kinh tế. Tiêu biểu của mô hình này là nền kinh tế Tây Âu từ thế kỷ XVI đến gần cuối thế kỷ XIX. Ưu điểm nổi bật của mô hình kinh tế thị trường “cổ điển“ là nền kinh tế phát triển năng động, linh hoạt. Nhưng sự tồn tại và vận động của nền kinh tế theo mô hình này đến một giai đoạn nhất định, khi trình độ xã hội hóa của lực lượng sản xuất cao, thì những khuyết tật của thị trường bộc lộ một cách mạnh mẽ, mâu thuẫn nội tại trong phát triển ngày càng gay gắt, khủng hoảng kinh tế bột phát với sức tàn phá nặng nề. Mà cuộc khủng hoảng 1929-1933 là một minh chứng.   Khuyết tật và mâu thuẫn trong phát triển kinh tế thị trường “cổ điển“ đã đặt ra yêu cầu khách quan về sự can thiệp, điều tiết sâu, rộng hơn của Nhà nước vào nền kinh tế. Và mô hình kinh tế mới xuất hiện – mô hình kinh tế thị trường hiện đại, hay còn gọi là nền kinh tế “hỗn hợp“. Đặc trưng cơ bản của kinh tế thị trường hiện đại là có “hai người“ tham gia điều tiết nền kinh tế, đó là thị trường điều tiết ở tầm vi mô, Nhà nước điều tiết ở tầm vĩ mô; có “hai người” thực hiện các hoạt động đầu tư là Nhà nước và tư nhân. Khó khăn lớn nhất trong kinh tế thị trường hiện đại là xác định giới hạn sự can thiệp, điều tiết giữa thị trường và Nhà nước với tính khoa học, khả thi trong những công cụ mà Nhà nước sử dụng để điều tiết kinh tế. Vì giới hạn sự can thiệp và điều tiết của Nhà nước cũng như của thị trường ở những giai đoạn phát triển khác nhau của nền kinh tế không phải là bất biến. Trong khi đó, nếu Nhà nước can thiệp quá sâu, chính sách của Nhà nước không khoa học và thiếu khả thi thì sẽ làm triệt tiêu những ưu thế, những động lực của thị trường. Ngược lại, nếu Nhà nước can thiệp không đủ liều lượng thì sẽ tạo điều kiện cho những khuyết tật của thị trường phát sinh tác động tiêu cực mạnh mẽ. Tương tự, trong lĩnh vực đầu tư, nếu kinh tế Nhà nước và phạm vi độc quyền của kinh tế Nhà nước quá rộng, sẽ hạn chế tính năng động, sáng tạo và khả năng thu hút nguồn lực của kinh tế tư nhân. Ngược lại, nếu tiềm lực kinh tế của Nhà nước quá yếu, cũng sẽ hạn chế hiệu quả can thiệp, điều tiết của Nhà nước khi cần thiết và sự thiếu hụt hàng hóa công cộng sẽ trầm trọng. Quá trình hình thành và phát triển kinh tế thị trường trong lịch sử kinh tế thị trường nhân loại rất đa dạng, phong phú. Dưới đây xin điểm qua một số mô hình với những nét cơ bản nhất của nó. 1. Mô hình kinh tế thị trường Bắc Âu: Mô hình kinh tế thị trường Bắc Âu có thể phân thành hai “nhánh”. Một nhánh là kinh tế thị trường “Xã hội phúc lợi“ ở Thụy Điển từ những năm 30 của thế kỷ XX. Mô hình này được xây dựng dựa trên lý thuyết “Ngôi nhà chung cho mọi người“ của phái Xã hội-Dân chủ, mà đại diện là cựu Thủ tướng Thụy Điển P.A.Hanson; xuất phát từ mục tiêu của “Chủ nghĩa xã hội chức năng“, với khẩu hiệu: ”bình đẳng, đảm bảo xã hội, hợp tác và sẵn sàng giúp đỡ“. Trong mô hình này, sự phát triển được thực hiện kết hợp hài hòa giữa mở rộng phúc lợi xã hội với kinh tế thị trường tư nhân. Thực hiện mô hình này, Thụy Điển đã đạt được những thành công nhất định, đưa Thụy Điển từ một trong những nước nghèo nhất Châu Aâu trở thành một trong những quốc gia giàu nhất Châu lục này. Trong nền kinh tế, kinh doanh lớn tuy nằm trong tay một nhóm nhỏ, nhưng sự phân hóa giàu – nghèo đần dần được thu hẹp. Tuy vậy, việc giữ mức phúc lợi xã hội cao cho mọi công dân dần dần trở thành gánh nặng cho nền kinh tế; phúc lợi xã hội “nuốt“ mất 1/3 GNP; sự thiếu hụt ngân sách và cán cân thanh toán luôn trầm trọng; năng suất lao động và khả năng cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp giảm; lạm phát cao. Do đó, từ giữa những năm 70 đến những năm 90 (thế kỷ XX) nền kinh tế ngày càng trở nên trì trệ. Do vậy, sau gần 50 năm thực hiện mô hình kinh tế thị trường “Xã hội phùc lợi“ với mức tiền lương cao và chế độ tiền lương mang tính bình quân, đến những năm 90, Thụy Điển đã phải đặt mục tiêu giảm lạm phát lên trên mục tiêu đảm bảo toàn dụng công nhân; giảm thuế thu nhập từ 72% xuống còn 50%; tăng thuế gián thu; cắt giảm bớt các khoản trợ cấp phúc lợi; tư nhân hóa trong các lĩnh vực dịch vụ. Nghĩa là một số đặc trưng của mô hình đã bị loại bỏ. Một “nhánh“ khác của kinh tế thị trường Bắc Âu là nền “Kinh tế thương lượng“. Lý thuyết về nền “Kinh tế thương lượng“ ra đời vào những năm 80 của thế kỷ XX. Khái niệm nền “Kinh tế thương lượng“ biểu thị một cơ chế kinh tế – xã hội mà ở đó phần lớn sự phân bổ các nguồn lực là dựa vào các cuộc thương lượng. Thương lượng, do vậy, là công cụ để tìm kiếm các giải pháp trong phân bổ nguồn lực và trong phát triển; thương lượng giúp tìm được tiếng nói chung và đồng thời là kỹ thuật thông qua các quyết định; xây dựng các mối quan hệ và được thỏa hiệp trong phát triển. Khác với các giải pháp cực quyền, các quyết định kinh tế dựa trên thương lượng không thể là căn cứ và đối tượng để áp dụng các hình phạt mà được dựa vào trách nhiệm ràng buộc về chính trị, đạo đức nhiều hơn là các quy chế pháp luật. Cũng khác với quan hệ thị trường do các đại diện tư nhân thực hiện một cách độc lập trên cơ sở ưu thế và nguồn lực riêng của mình; các giải pháp kinh tế dựa trên thương lượng được đưa ra trong quá trình hình thành các ưu tiên một cách tự do. Trong nền “Kinh tế thương lượng“, liên tục có các cuộc đấu tranh, các cuộc xung đột ở nhiều góc độ khác nhau và chúng được giải quyết khi các bên liên quan tìm được tiếng nói chung. Do đó, thương lượng là đấu tranh; thỏa hiệp và đấu tranh luôn đi liền với nhau. Tất nhiên, trong nền “Kinh tế thương lượng“, thương lượng không phải là công cụ duy nhất, mà chỉ là một trong các công cụ để thông qua quyết định; các công cụ truyền thống đã và vẫn là những nguyên tắc của cơ chế thị trường. Nghĩa là nền kinh tế vận hành với sự kết hợp giữa thương lượng và các công cụ của cơ chế thị truờng; các công cụ này bổ xung cho nhau, có thể cạnh tranh, cản trở và thậm chí lấn át lẫn nhau. Hiện tại, có hai quan điểm khác nhau đối với nền “Kinh tế thương lượng“. Những người ủng hộ thì cho rằng, thương lượng là kiểu mẫu lành mạnh; có hiệu quả; bảo đảm sự chính thống của các giải pháp và tính trung thực của các bên trong quá trình thực hiện. Ngược lại phái “Tự do mới“ cho rằng, cần phải thay thế thương lượng bằng các nguyên tắc của thị trường, vì kinh tế thương lượng không uyển chuyển và không hiệu quả. Những nhà “Dân chủ“ thì phê bình rằng, kết quả thương lượng là không hợp pháp, không chính thống, cần thay thế các cuộc thương lượng bằng Nghị trường, là hình thức đại diện hợp pháp duy nhất của chính quyền. Tuy vậy, dù ủng hộ hay phản đối nền “Kinh tế thương lượng“, thì một mặt cũng phải thừa nhận rằng, quá trình hình thành nền “Kinh tế thương lượng” ít nhất, cũng là một trong những nhân tố giúp kinh tế các nước Bắc Âu thích ứng một cách dễ dàng và tương đối thành công với những thay đổi trên thị trương thế giới; nhưng mặt khác hiện nay, vẫn chưa có một lý thuyết thỏa đáng, đầy đủ về nền “ Kinh tế thương lượng”. 2. Mô hình kinh tế thị trường Nhật Bản: Kinh tế thị trường Nhật Bản đã tiến triển qua nhiều giai đoạn khác nhau và trở thành một trong những nền kinh tế thị trường hiện đại mà nhiều người coi là mẫu mực cho các nước phát triển sau noi theo. Đánh dấu sự thay đổi mạnh mẽ nhất của kinh tế Nhật Bản là thời Phục Minh Trị. Đây là thời kỳ đã thực hiện những cải cách phi thường về chính trị, kinh tế và xã hội. Trước hết, hệ thống chính trị phi tập trung hóa được bãi bỏ để tạo ra sự thống nhất về chính trị của đất nước. Một Nhà nước tập trung được thành lập. Về kinh tế và xã hội, sự phân chia xã hội thành các đẳng cấp cha truyền con nối bị thủ tiêu, thay vào đó là một xã hội hướng vào thành tựu; những người có tài và có năng lực đều có cơ hội tiến thân trong xã hội, bất chấp nguồn gốc xuất thân của họ. Song song với việc thủ tiêu hệ thống đẳng cấp, các quy tắc và luật lệ phong kiến hạn chế quyền tự do kinh tế cũng được bãi bỏ; các biện pháp tích cực thúc đẩy cơ sở hạ tầng được thực hiện, đặc biệt là hệ thống giao thông vận tải; đẩy mạnh việc cải cách hệ thông tài chính – tiền tệ, trong đó đặc biệt là cải cách hệ thông thuế; thuế hiện vật được thay bằng thuế tiền, chế độ tiền tệ Tokagaoa được thay thế bằng một đồng tiền hợp lý và chuẩn hóa cho cả nước, việc phát hành tiền thuộc độc quyền của Chính phủ Trung ương; Nhà nước tập trung mạnh cho đầu tư giáo dục; Chính phủ đồng thời khuyến khích tư nhân đầu tư phát triển các ngành công nghiệp hiện đại gắn liền với thực hiện tư nhân hóa các doanh nghiệp Nhà nước; mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại để tiếp thu tư tưởng và kỹ thuật mới nhằm hiện đại hóa đất nước. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, kinh tế Nhật Bản phục hồi và đạt được sự tăng trưởng “thần kỳ“. Giai đoạn này gọi là nền kinh tế thị trường có hướng dẫn. Đặc trưng cơ bản của nền kinh tế Nhật Bản thời kỳ này là: Thứ nhất, Chính phủ vừa thực hiện chính sách tạo điều kiện cho tư nhân tư do kinh doanh thuận lợi; vừa loại bỏ những yếu tố không hoàn thiện của thị trường. Thứ hai, Chính phủ đảm trách chi phí đầu tư cho những ngành công nghiệp hkông có lãi nhưng rất cần thiết cho sự phát triển kinh tế như: xây dựng cơ sở hạ tầng, văn hóa, giáo dục… Thứ ba, sự hợp tác giữa Chính phủ và tư nhân trong phát triển kinh tế được thực hiện một cách thường xuyên và chặt chẽ. Thứ tư, Chính phủ coi trọng công cụ kế hoạch hóa gián tiếp trong điều tiết, quản lý nền kinh tế quốc dân. Tóm lại, sự phát triển kinh tế thị trường Nhật Bản nổi lên mấy vấn đề cơ bản sau đây: - Thực hiện dân chủ hóa kinh tế gắn liền với dân chủ hóa chính trị và xã hội. - Kinh tế thị trường không có nghĩa là nền kinh tế vô Chính phủ. Vì vậy cần có sự can thiệp, điều tiết của Nhà nước. Thời kỳ đầu tiên phát triển kinh tế thị trường, Chính phủ Nhật Bản can thiệp trực tiếp rộng rãi và khá sâu vào nền kinh tế, nhưng sự can thiệp đó của Nhà nước càng về sau càng giảm dần. - Ngoài việc giải thoát về tư tưởng và đảm bảo quyền tự do kinh doanh, phải không ngừng chú trọng phát triển giáo dục – đào tạo. - Tăng cường và chủ động mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại. Tuy vậy, thời gian gần đây người ta bắt đầu đặt vấn đề về sự can dự quá nhiều của Chính phủ vào những lĩnh vực cơ sở hạ tầng và dịch vụ công cộng vì tính hiệu quả giảm sút của sự can dự này. 3. Kinh tế thị trường ở các quốc gia và vùng lãnh thổ NICS Châu Á: Tuy có những nét riêng biệt, nhưng sự phát triển kinh tế thị trường các nước và vùng lãnh thổ NICS Châu Á có những đặc điểm chung cơ bản giống nhau, đó là: Thứ nhất, vai trò của doanh nhân dưới sự điều tiết của “bàn tay thị trường“ được đề cao trong phát triển kinh tế. Vì vậy Nhà nước tập trung vào việc thực thi hệ thống chính sách nhất quán để tạo môi trường cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển, coi khu vực kinh tế tư nhân là hạt nhân của kinh tế thị trường, là giường cột và động lực của nền kinh tế. Thứ hai, xác định và thực thi vai trò của Chính phủ trong nền kinh tế thị trường. Chính phủ các quốc gia và vùng lãnh thổ NICS Châu Á hạn chế sự tham gia vào hoạt động kinh doanh. Vì vậy tỷ trọng của khu vực kinh tế Nhà nước luôn rất nhỏ và sự tồn tại của khu vực kinh tế Nhà nước không bao giờ dẫn đến lấn át, chèn ép kinh tế tư nhân, mà là để giúp đỡ kinh tế tư nhân. Do đó Nhà nước chỉ đầu tư vào những ngành nhiều rủi ro hoặc tư nhân chưa đủ tiềm lực về tài chính hoặc kỹ thuật. Vì vậy, Nhà nước với tư cách đại diện cho lợi ích quốc gia, luôn đi đầu trong những lĩnh vực khó khăn phức tạp. Và sau khi đã vượt qua giai đoạn khởi đầu gian khó, khi doanh nghiệp đã hoạt động tốt, dần dần Chính phủ chuyển giao lại cho tư nhân thông qua chương trình tư nhân hóa. Đồng thời Chính phủ các quốc gia và vùng lãnh thổ NICS Châu Á rất chú trọng việc xây dựng Chính phủ mạnh và hiệu quả; đội ngũ công chức được đào tạo kỹ càng, chuyên nghiệp hóa cao, để thực thi nhiệm vụ; đề xuất và thực thi tốt những chính sách thông minh, sáng suốt. Do vậy, hoặc kích thích khả năng sáng tạo và chủ động của các công ty tư nhân; hoặc bảo vệ quyền lợi chính đáng của tư nhân trong các cuộc xung đột; hoặc điều hòa tốt lợi ích tư nhân với nhau; hoặc điều hòa được lợi ích tư nhân với lợi ích Chính phủ, lợi ích cục bộ với lợi ích toàn cục. Chính phủ khi nâng đỡ cũng như khi trừng phạt, tất cả đều thực hiện một cách nhất quán, minh bạch trong khuôn khổ luật pháp quốc gia và công ước quốc tế. Thứ ba, khuyến khích “hướng ngoại” mạnh mẽ. NICS Châu Á tuy có thực hiện sản xuất thay thế nhập khẩu, nhưng chỉ trong thời gian ngắn, không đáng kể. Vì vậy có thể nói rằng chiến lược “hương ngoại“, hướng về xuất khẩu là chiến lược chủ yếu trong đường hướng phát triển của NICS Châu Á. Công nghiệp hóa hướng về xuất khẩu được thực thi một cách nhất quán theo phương thức: vốn, kỹ thuật, phương pháp quản lý hiện đại là của các công ty xuyên quốc gia, còn lao động và nguyên liệu (một phần nào đó) là của nước sở tại và thị trường tiêu thụ là các nước công nghiệp phát triển. Gắn liền song song với phương thức phát triển như vậy là hệ thống giải pháp, chính sách để khuyến khích xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài rất hữu hiệu. Thực tiễn NICS Châu Á chứng minh rằng, mở cửa kinh tế; gắn sự phát triển kinh tế trong nước với kinh tế thế giới, gắn sự phát triển thị trường trong nước với thị trường thế giới là con đường phát triển có hiệu quả nhất trong thời đại ngày nay. Thứ tư, phát triển các hoạt động nghiên cứu – ứng dụng – triển khai tiến bộ khoa học – công nghệ. Chính phủ NICS Châu Á rất chú trọng đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu và triển khai khoa học – công nghệ (thường từ 1,5 – 2% GNP) để gia tăng nhanh chóng năng lực khoa học – công nghệ quốc gia. Trong phát triển khoa học – công nghệ, bước đi của NICS Châu Á là, lúc đầu chủ yếu thực hiện sao chép, bắt chước và khi đã làm chủ được một số công nghệ phức tạp thì Chính phủ tăng đầu tư cho các phòng thí nghiệm và nghiên cứu; đẩy nhanh việc phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học, chất xám cao; nhờ đó tăng nhanh tỷ lệ giá trị gia tăng, tăng năng lực cạnh tranh của sản phẩm và của toàn bộ nền kinh tế. Thứ năm, đẩy mạnh sự hình thành và phát triển các loại thị trường, đặc biệt là thị trường tài chính – tiền tệ và thị trường sức lao động; gắn với củng cố, kiện toàn và hiện đại hóa hệ thống tài chính, ngân hàng. Tóm lại, các quốc gia, vùng lãnh thổ NICS Châu Á, một mặt vừa rất tôn trọng những nguyên tắc, quy luật, thể chế thị trường; vừa xác định đúng giới hạn về sự can thiệp vào kinh tế của Nhà nước và không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước. 4. Kinh tế thị trường ở Trung quốc. Thời điểm đánh dấu sự thay đổi có tính lịch sử – chính thức chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Quốc – là Hội nghị Trung ương 3 Đảng cộng sản Trung Quốc, tháng 12- 1978. Quá trình cải cách, chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường ở Trung Quốc được thực hiện với những bước đi thận trọng, từ thực hiện thí điểm để rút kinh nghiệm, sau đó mới mở rộng trong từng ngành và toàn bộ nền kinh tế qua các giai đoạn khác nhau. Trước hết, về phương diện lý luận, quan điểm chính thống cho rằng, kinh tế thị trường là thành quả của văn minh nhân loại, là thủ đọan kinh tế có hiệu quả cao, nó không có vấn đề “họ xã“ hay “họ tư “; mọi quốc gia đều cần sử dụng nó. Song vẫn có sự phân biệt về bản chất giữa “kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa“ và “kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa“. Sự phân biệt này chủ yếu thể hiện ở hai mặt: cơ sở của chế độ sở hữu và chế độ phân phối. Với sở hữu, kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa lấy sở hữu tư nhân làm cơ sở, còn kinh tế thị trường Xã hội chủ nghĩa lấy sở hữu công cộng làm cơ sở. Tuy vậy, lấy sở hữu công cộng làm cơ sở không có nghĩa là sở hữu công cộng thuần nhất, tuyệt đối, mà sở hữu công cộng ở những ngành, những lĩnh vực nào nhằm giữ vai trò chủ đạo đối với các hình thức sở hữu khác như : cá thể, tư nhân, hỗn hợp. Và cũng không có nghĩa là, kinh tế công hữu phải có tỷ trọng lớn, vì tỷ trọng cho từng ngành kinh tế đến đâu cho thích hợp là trên góc độ có lợi cho sự phát triển của sức sản xuất. Về chế độ phân phối, khẳng định, kết quả cuối cùng của kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa không nhằm tập trung tài sản vào trong tay một số ít cá nhân như kinh tế thị trường Tư bản chủ nghĩa, mà nhằm đem lại sự sung túc chung cho mọi tầng lớp dân cư. Chủ nghĩa xã hội lấy phân phối theo lao động là chính, nhưng cũng chấp nhận các hình thức phân phối khác. Tuy vậy, sự khác biệt về bản chất giữa kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa với kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa nêu trên, hiện vẫn không ít học giả cho rằng, đấy là những luận điểm thiếu chính xác, quá co dãn, gượng ép và không thuyết phục, do đó vẫn còn nhiều tranh cãi. Phân đoạn một cách tương đối, thì quá trình chuyển sang kinh tế thị trường của Trung Quốc (từ tháng 12-1978 đến nay) có thể chia thành 4 giai đoạn và được thực hiện tập trung vào những vấn đề chính như sau: Thứ nhất, thay đổi phương thức quản lý, từ kế hoạch hóa tập trung sang quản lý theo nguyên tắc của kinh tế thị trường, mà hạt nhân là từ bỏ cách Chính phủ trực tiếp quản lý nền kinh tế, thực hiện quản lý gián tiếp từ sản xuất kinh doanh đến lĩnh vực phân phối; tách chức năng quản lý hành chính ra khỏi chức năng kinh doanh; tách quyền sở hửu với quyền kinh doanh; mở rộng quyền tự chủ cho các địa phương và các doanh nghiệp Nhà nước theo phương thức “đẩy xí nghiệp ra thị trường“. Thứ hai, cải cách giá. Đây là khâu quan trọng nhất và cũng gay go nhất trong quá trình chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường. Quá trình tự do hóa giá cả được thực hiện qua các giai đoạn khác nhau. Từ việc điều chỉnh giá nhiều mặt hàng theo chế độ hai giá là, giá quy định và giá hướng dẫn, đồng thời thả nổi giá cả hàng nông sản và hàng công nghiệp nhẹ; cho đến việc bãi bỏ tem phiếu, thực hiện giá cả thị trường tự do với nhiều loại nguyên, vật liệu; thừa nhận tư liệu sản xuất, thông tin khoa học, kỹ thuật, tiền tệ, sức lao động, đất đai… là hàng hóa. Tới nay, khoảng 75% vật tư và toàn bộ hàng nông sản là do thị trường quyết định giá; hàng tiêu dùng do Nhà nước chỉ định giá chỉ chiếm khoảng 10% tổng doanh thu. Thứ ba, hình thành và phát triển thị trường các yếu tố sản xuất. Chính phủ ban hành luật pháp và các chính sách để thúc sự hình thành và phát triển các loại thị trường như : thị trường kỹ thuật, vật tư, vốn, sức lao động, đất đai… Sự xuất hiện và phát triển hệ thống thị trường đã làm cho cơ chế thị trường của Trung Quốc hoạt động ngày càng linh hoạt, mềm dẻo và rộng khắp trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Thứ tư, đa dạng hóa các hình thức sở hữu, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của mọi thành phần kinh tế; thừa nhận một cách chính thức sự tồn tại lâu dài và khẳng định vai trò của kinh tế tư nhân trong phát triển kinh tế thị trường mang màu sắc Trung Quốc. Đồng thời đẩy mạnh quá trình cấu trúc lại kinh tế Nhà nước. Vì vậy kinh tế tư nhân trong nước ngày càng được khuyến khích phát triển mạnh bằng những chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng… và được liên doanh, liên kết với kinh tế nước ngoài. Thứ năm, hình thành phong cách kinh doanh thích ứng với kinh tế thị trường và kinh doanh quốc tế; tự do hóa thương mại; mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại, gia nhập WTO. Tóm lại, quá trình chuyển từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường ở Trung Quốc được thực hiện với nhiều bước đi, nhưng luôn luôn nhất quán. Và thực tiễn đã chứng minh rằng, xây dựng và phát triển kinh tế thị trường của Trung Quốc đạt được nhiều thành tựu lớn lao, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng kinh tế, đứng vào hàng cao nhất thế giới trong hơn 20 năm qua. Tất nhiên, gắn liền với những thành quả, quá trình phát triển kinh tế thị trường Trung Quốc cũng làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp, như: tình trạng thất nghiệp tăng, phân hóa giàu – nghèo có xu hướng ngày càng sâu sắc thêm, tình trạng di dân cơ học vào các khu đô thị vượt ra khỏi tầm kiểm soát… Nhưng Trung Quốc cho rằng, những khó khăn và phức tạp là tất yếu trên con đường đi tới mục tiêu. II. RÚT RA NHỮNG BÀI HỌC KINH NGHIỆM. Sự phác thảo (mang tính chấm phá) đăc điểm một số mô hình kinh tế thị trường của các nước, một mặt vừa cho chíng ta thấy tiến trình vận động, phát triển của kinh tế thị trường nhân loại; mặt khác, qua những mô hình kinh tế thị trường khác nhau đó, có thể rút ra những bài học kinh nghiệm cho sự phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam như sau: Thứ nhất, kết hợp hài hòa giữa đảm bảo phúc lợi xã hội với tạo điều kiện cho mỗi cá nhân được tự do tiến hành các hoạt động sản xuất kinh doanh, tự do cạnh tranh, tự do trao đổi trong khuôn khổ luật pháp và trên cơ sở tín hiệu, sự điều tiết của thị trường. Nhờ đó vừa cho phép khai thác có hiệu quả cao tiềm lực (về vốn, tay nghề, tư liệu sản xuất…) của mỗi cá nhân trong xã hội để kích thích năng lực nội sinh, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tận dụng triệt để những ưu thế của thị trường; vừa hạn chế được sự phân cực giàu – nghèo do thuộc tính của thị trường gây ra. Đường lối nhất quán chính sách kinh tế nhiều thành phần và gần đây nhất là Nghị quyết TW 5 ( khóa IX ) về phát triển kinh tế tư nhân; kinh tế tập thể; công nghiệp hóa hiện, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn với sự tham gia của mọi thành phần kinh tế, cùng những thành tựu xây dựng nhà tình thương, nhà tình nghĩa; xóa đói, giảm nghèo; chương trình phát triển vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn … ở nước ta thời gian qua, được thế giới đánh giá cao là những minh chứng cho sự kết hợp hài hòa giữa đảm bảo phúc lợi xã hội với phát triển kinh tế thị trường tư nhân phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam. Đồng thời, những chính sách, thành tựu đó cần tiếp tục được thực thi một cách nhất quán với hiệu quả ngày càng cao hơn. Thứ hai, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ trong đời sống kinh tế – xã hội; nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của các tổ chức đoàn thể như: Mặt trận Tổ quốc, Đoàn thanh niên Cộng sản, Công đoàn, Hội phụ nữ…. Đồng thời tăng cường kiểm tra việc ký thỏa ước lao động tập thể và ký kết hợp đồng lao động; mở rộng bàn bạc thảo luận công khai dân chủ để vừa tạo sự nhất trí về tư tưởng, hành động và sự đồng thuận, đồng hướng về lợi ích; vừa đảm bảo lợi ích hợp pháp của người lao động và của người sử dụng lao động. Trên cơ sở đó vừa phát huy hết trí tuệ, tính năng động sáng tạo cá nhân, vừa đảm bảo kỷ cương, phép nước và sự phát triển kinh tế – xã hội theo định hướng, mục tiêu thống nhất. Thứ ba, gắn liền với thực thi dân chủ trong kinh tế, chính trị, xã hội là tăng cường và nâng cao vai trò điều tiết kinh tế vĩ mô, hiệu lực, hiệu quả quản lý xã hội của Nhà nước. Yêu cầu đặt ra ở đây trước hết là phân biệt vai trò, chức năng kinh tế của Nhà nước với sự can thiệp trực tiếp của Nhà nước vào những hoạt động kinh tế có tính nghiệp vụ trong từng doanh nghiệp. Vai trò quản lý xã hội và điều tiết kinh tế vĩ mô ngày càng gia tăng, còn sự can thiệp trực tiếp của Nhà nước vào kinh tế vi mô thì phải giảm dần; phải tôn trọng những nguyên tắc, thể chế của thị trường. Công cuộc cải cách, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị nói chung, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân nói riêng ở Việt Nam, do vậy cần được đẩy mạnh và thực hiện một cách đồng bộ. Thứ tư, xây dựng chiến lược giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ quốc gia gắn với chiến phát triển kinh tế – xã hội. Nói cách khác, chiến lược giáo dục – đào tạo, chiến lược khoa học – công nghệ phải là bộ phận hữu cơ của chiến lược phát triển kinh tế – xã hội. Vì vậy, cải cách đồng bộ hệ thống giáo dục – đào tạo bao gồm: nội dung, phương pháp, diều kiện dạy và học, đội ngũ cán bộ giảng dạy, cán bộ quản lý cũng như phương pháp, cách thức quản lý giáo dục – đào tạo để giáo dục – đào tạo thực sự là quốc sách hàng đầu trở thành một yêu cầu cấp bách trong phát triển đất nước. Song song với giáo dục – đào tạo là phát triển năng lực khoa học – công nghệ, để khoa học – công nghệ “thấm vào máu thịt của cuộc sống”; tham gia trực tiếp và có hiệu quả vào việc giải quyết những yêu cầu cuộc sống đặt ra, mở đường cho sự phát triển sản xuất, là động lực mạnh mẽ của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước. Vì vậy, một mặt vừa phải thu hút được sự tham gia của mọi tầng lớp dân cư, nọi thành phần kinh tế vào “dòng chảy“ phát triển khoa học – công nghệ, vừa phải thay đổi cách thức quản lý khoa học – công nghệ từ kiểu dàn trải, bao cấp sang quản lý theo những nguyên tắc của thị trường; mặt khác, xây dựng cơ chế phối hợp với những quy định rõ ràng về trách nhiệm, quyền lợi giữa cơ quan nghiên cứu với cơ quan thụ hưởng; giữa các cơ quan nghiên cứu, các trường với doanh nghiệp. Thứ năm, cần phân biệt rõ ràng vấn đề độc quyền của Nhà nước với sự độc quyền của doanh nghiệp và đầu tư Nhà nước chỉ hướng trọng tâm vào những ngành, những lĩnh vực nhiều rủi ro hoặc tư nhân chưa đủ tiềm lực về tài chính, kỹ thuật, hoặc tư nhân không muốn đầu tư. Còn những ngành, lĩnh vực nào tư nhân có khả năng đầu tư và đầu tư có hiệu quả (trừ lĩnh vực luật pháp cấm) thì Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển; nâng đỡ, hỗ trợ, định hướng, hướng dẫn cho kinh tế tư nhân hoạt động. Thứ sáu, chuyển từ cơ chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, ở góc độ xem xét tổng quát và có tính tương đối, có thể thực hiện theo hai phương thức (liêu pháp)” sốc” và tuần tự. Mỗi phương thức chuyển đổi đều có những ưu điểm và khuyếm khuyết riêng. Vì vậy cần kết hợp một cách linh hoạt cả hai phương thức này để không gây nên những bất ổn về kinh tế – xã hội, nhưng vừa có những giải pháp mang tính đột phá trong quá trình chuyển đổi.. Đồng thời, phải xây dựng được lộ trình chuyển đổi với những mục tiêu cụ thể, rõ ràng; những bước đi thích hợp cùng một ý chí, sự nhất quán cao của việc thực hiện lộ trình và đạt mục tiêu. Thứ bảy, phải xác định rõ rằng chủ sở hữu trên cả hai phương diện: phương diện một phạm trù kinh tế và phương diện pháp lý,trong các loại hình sản xuất kinh doanh. Đồng thời tạo tâm lý thuận lợi, môi trường hoạt động bình đẳng và cạnh tranh bình đẳng của mọi thành phần kinh tế thông qua chính sách vĩ mô và luật pháp. Thứ tám, Nhà nước phải chủ động, năng động trong việc tạo ra và phát triển cơ sở hạ tầng cũng như các loại thị trường. Đồng thời bộ máy Nhà nước phải thật sự gọn, nhẹ, hiệu quả, hiệu lực, trong sạch, trong suốt và không ngừng được hoàn thiện. Thứ chín, toàn cầu hóa, khu vực hóa đã trở thành xu hướng vận động chính của nền kinh tế thế giới. Vì vậy, trong thời đại ngày nay không một nền kinh tế nào có thể tồn tại, phát triển trong sự co cụm, khép kín. Do đó, mỗi doanh nghiệp cũng như toàn bộ nền kinh tế phải chủ động tham gia vào sự phân công lao động, liên kết, hợp tác, cạnh tranh khu vực và quốc tế, trên cơ sở khai thác tốt nhất lợi thế của mình. Đồng thời những công cụ, biện pháp bảo hộ mậu dịch sẽ phải giảm dần và tiến tớùi loại bỏ trên nhiều lĩnh vực, ngành hàng. Tóm lại, phát triển kinh tế thị trường theo định hướng XHCN là mô hình chưa có tiền lệ trong lịch sử cả về lý luận lẫn thực tiễn. Vì vậy, vừa phải tiến hành trong thực tiễn, nhưng đồng thời cũng phải không ngừng nghiên cứu để khái quát thành lý luận. Và đây là quá trình phát triển lâu dài, trải qua nhiều giai đoạn; đòi hỏi phải thực thi có hiệu quả cao đồng bộ nhiều giải pháp, chính sách khác nhau một cách linh hoạt, uyển chuyển . TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Các mô hình kinh tế thị trường trên thế giới; chủ biên: Lê Văn Sang; NXB Thống kê. 2. Công nghiệp hóa hướng ngoại “sự thần kỳ“ của các nước NICS Châu Á; Hoàng Thị Thanh Nhàn; NXB Chính trị Quốc gia; 1997. 3. Mặt trái của những con rầng; Walden Bello & Stephane Rosenfeld; NXB Chính trị Quốc gia,1996. 4. Kinh tế thị trường XHCN; Mã Hồng (chủ biên); NXB Chính trị Quốc gia; 1995. 5. Một số mâu thuẫn & những giải pháp, chính sách để giải quyết mâu thuẫn trong phát triển kinh tế thị trường theo định hướng XHCN ở Việt Nam; Đề tài trọng điểm cấp trường; chủ nhiệm: Đinh Sơn Hùng.  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật