MỘT GÓC NHÌN KHÁC VỀ ÁP DỤNG LUẬT CẠNH TRANH

Vụ kiện giữa Jetstar Pacific và Vinapco là vụ kiện đầu tiên được Hội đồng Cạnh tranh quốc gia đưa ra giải quyết về hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường theoLuật Cạnh tranh . Trong khi phần lớn ý kiến cho rằng vụ kiện đã mở ra một tiền lệ cho việc giải quyết các tranh chấp về cạnh tranh và chống độc quyền, cũng có ý kiến đánh giá ngược lại. TBKTSG giới thiệu bài viết sau với một góc nhìn mới để bạn đọc tham khảo. Luật Cạnh tranh đã được Quốc hội thông qua ngày 3-12-2004. Sau một thời gian không được ứng dụng trong thực tế, gần đây đã có một vài vụ việc tranh chấp giữa các doanh nghiệp được chuyển tới Hội đồng quản lý cạnh tranh giải quyết. Dù sao đó cũng là một dấu hiệu tốt, chứng tỏ cạnh tranh lành mạnh trên thương trường đã được các doanh nghiệp quan tâm. Ở nước ta hiện nay, các doanh nghiệp đang ở vị trí độc quyền còn khá nhiều, điển hình là điện lực, nước sạch, kinh doanh xăng dầu, trong đó có xăng dầu hàng không. Và Công ty Xăng dầu hàng không Việt Nam (Vinapco) đã là doanh nghiệp đầu tiên bị phạt vì vi phạm Luật Cạnh tranh trong khi Vinapco thì cho rằng một số doanh nghiệp khách hàng đã lợi dụng sự thiếu chặt chẽ của các điều khoản liên quan đến quy định về các hành vi lạm dụng vị trí độc quyền bị cấm trong Luật Cạnh tranh để vi phạm thỏa thuận trong hợp đồng kinh tế giữa hai bên. Chúng ta còn nhớ, cách đây không lâu, theo đơn kiện của hãng hàng không Jetstar Pacific, Vinapco bị Hội đồng Cạnh tranh quốc gia xử phạt hơn 3,3 tỉ đồng vì đã “lợi dụng vị trí độc quyền để đơn phương thay đổi hoặc hủy bỏ hợp đồng đã giao kết mà không có lý do chính đáng” theo khoản 3 điều 14 Luật Cạnh tranh.   Vụ việc đã gây xôn xao dư luận, có hàng loạt câu hỏi đã được đặt ra và chưa được trả lời. Tuy nhiên, tại phiên phúc thẩm ngày 26-6-2009, Hội đồng cạnh tranh đã tái khẳng định Vinapco đã vi phạm điều 13, điều 14, khoản 4 Luật Cạnh tranh và bị phạt 3,378 tỉ đồng, tương đương với 0,05% doanh thu của công ty này trong năm 2007. Việc cũ chưa giải quyết xong, việc mới lại đến. Ngày 22-6-2009, Vinapco lại có Công văn số 977/XDHK-TCKT gửi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong đó có Cục Quản lý cạnh tranh và Cục Hàng không Việt Nam xin phép được ngừng cung cấp nhiên liệu cho Hãng hàng không Đông Dương (ICA) từ 0 giờ ngày 26-6 với lý do “ICA đã nợ chậm thanh toán tới 11 tỉ đồng, Vinapco đã phải vận dụng điều 5, khoản 5.5 Hợp đồng kinh tế số 35/Vinapco – ICA, tiến hành thu tiền trước chuyến bay đối với ICA, nhưng đến nay, việc trả tiền tra nạp nhiên liệu trước chuyến bay cũng không được ICA thực hiện nghiêm túc”. Cục Hàng không Việt Nam và Cục Quản lý cạnh tranh đều có văn bản trả lời Vinapco. Các văn bản trả lời đều thừa nhận việc giải quyết công nợ giũa Vinapco và các khách hàng được thực hiện theo quy định của pháp luật và các điều khoản hợp đồng đã ký kết nhưng không chấp nhận kiến nghị của Vinapco ngừng cung cấp xăng cho ICA và yêu cầu Vinapco “chủ động có các biện pháp hợp lệ để quản lý và thu hồi công nợ nhằm bảo toàn vốn nhà nước”. Từ một ví dụ điển hình nêu trên, có thể thấy rằng, một số điều của Luật Cạnh tranh phải chăng đã và đang bị lợi dụng và những phán quyết đúng luật lại có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho một bên? Điều 12 Luật Cạnh tranh quy định: “Doanh nghiệp được coi là có vị trí độc quyền nếu không có doanh nghiệp nào cạnh tranh về hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp đó kinh doanh trên thị trường liên quan”. Điều 14 Luật Cạnh tranh quy định các hành vi lạm dụng vị trí độc quyền bị cấm gồm: “1. Các hành vi quy định tại điều 13 của luật này; 2. Áp đặt các điều kiện bất lợi cho khách hàng; 3. Lợi dụng vị trí độc quyền để đơn phương thay đổi hoặc hủy bỏ hợp đồng đã giao kết mà không có lý do chính đáng”. Với những quy định trên, các khách hàng của doanh nghiệp đang ở vị thế độc quyền biết rõ “điểm yếu chết người” của Vinapco là không được ngừng cung cấp nhiên liệu cho máy bay nên cứ vô tư nợ tiền hàng. Vinapco đã tốn không ít giấy mực làm công văn đòi nợ nhưng không được hồi âm, gọi điện thoại không có trả lời và mời họp thì khách hàng… im lặng và không đến. Hơn thế, ngày 23-6-2009, ICA có Văn bản số 0908/2009/ICA gửi Vinapco chấp thuận thanh toán tiền xăng hàng ngày dưới hình thức trả trước nhưng lại ép Vinapco khoanh nợ số tiền 11 tỉ đồng với lời hẹn trả dần sau khi hãng tái cơ cấu vốn vào khoảng tháng 9-2009! Rõ ràng một số điều khoản của Luật Cạnh tranh có thể triệt tiêu hiệu lực của những điều khoản liên quan trong Luật Thương mại, Luật Doanh nghiệp và Bộ luật Dân sự. Các cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm như thế nào trong việc tháo gỡ mâu thuẫn này? Câu hỏi được đặt ra là, nếu Jetstar và ICA không thể trả được số nợ tiền xăng cho Vinapco và vốn nhà nước bị thất thoát thì ai là người chịu trách nhiệm? Ở thế độc quyền trong nền kinh tế nước ta đâu chỉ có Vinapco mà còn có điển hình là điện lực, cấp nước. Thế nhưng, ngành điện sẽ sẵn sàng cắt điện, ngành cấp nước cũng sẵn sàng cúp nước nếu hộ tiêu dùng không thanh toán tiền đúng hạn. Nếu những khách hàng lớn của tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng chay ì không thanh toán tiền điện và kiện EVN nếu bị cắt điện thì Hội đồng cạnh tranh sẽ xử lý thế nào? Liệu có phạt được EVN như đã phán quyết với Vinapco?  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật