LUẬT TỤC NÚI RỪNG

ĐINH THỊ NGA – QUẾ HÀ Bên cạnh những tục lệ của đồng bào các dân tộc thiểu số ngày nay đã trở thành những nét văn hóa đặc sắc mang yếu tố truyền thống đa dạng, thì nhiều hủ tục lạc hậu vẫn còn dai dẳng đeo bám, không chỉ cản trở nếp sống văn minh mà còn là những nguyên nhân trực tiếp đẩy không biết bao nhiêu thân phận nam nữ thanh niên vào bi kịch.
1. Bắt chồng Có mặt ở nhiều bản làng, PV Thanh Niên chứng kiến nhiều hủ tục đáng sợ: Từ thách cưới đến việc kết hôn cùng huyết thống; từ chuyện tảo hôn đến thân phận chàng rể trong chế độ mẫu hệ… Bắt chồng là một nét văn hóa đặc thù không chỉ của người Chu Ru ở Đơn Dương (Lâm Đồng) mà hiện còn tồn tại ở rất nhiều tộc người khác ở vùng dọc Trường Sơn – Tây Nguyên nhưng “giá” của các chàng trai ở đây cao ngất ngưởng đã đẩy không biết bao nhiêu gia đình bên vợ vào bước đường cùng. Huyện Đơn Dương chỉ cách Đà Lạt khoảng 40 km, nhưng khi tìm hiểu về tục “bắt chồng” ở đây, chúng tôi cảm tưởng như mình đang lạc vào một thế giới khác… Lễ vật lấy chồng Xã Ka Đơn có 538 hộ người Cơ Ho, 215 hộ người Chu Ru vẫn đang lưu giữ tục “bắt chồng”. Theo đó, người con gái đến tuổi lấy chồng sẽ được cha, mẹ hoặc người mai mối “tia” cho một tấm chồng. Tất cả việc đám hỏi, đám cưới do nhà gái lo liệu. Sau khi cưới, chàng rể về sống bên nhà vợ. Ngày xưa, nhà trai thường đòi lễ vật là trâu, bò, heo, đồng la, cồng chiêng, ghè, tố, chóe, khố, váy, vòng cườm, nhẫn bạc… và một đám cưới linh đình kéo dài bảy ngày, bảy đêm tại nhà gái. Hiện nay, tất cả các lễ vật trên được quy ra thành tiền mặt: muốn “bắt chồng” nhà gái chí ít cũng phải có vài ba chỉ vàng, vài triệu đồng tiền mặt. “Tấm chồng” thông thường ở Ka Đơn hiện nay có giá từ 1- 1,5 lượng vàng, kèm theo 5-10 triệu đồng tiền mặt. Cá biệt có đám đòi 2- 5 lượng vàng, kèm theo… 50 triệu tiền mặt! Chính vì vậy, những gia đình có đến năm, bảy cô con gái thì coi như điều kinh khủng. Có hai tình huống đã xảy ra: Có nhiều gia đình chỉ đủ tiền bắt chồng cho một trong số năm, bảy cô con gái của mình. Và số còn lại đành chấp nhận không bắt được chồng, hiện tượng này, chỉ tính riêng thôn Próh Ngó (xã Próh) đã có tới 14 cô không bắt được chồng. Nhưng phần đông những gia đình ở Ka Đơn đã làm tất cả những gì có thể để “bắt chồng” cho con: Có người bán trâu, bò, có gia đình vay ngân hàng, cầm cố nhà cửa, ruộng đất, vay nợ bên ngoài với lãi suất cao ngất ngưởng. Có gia đình bán hết ruộng đất của cha ông để lại, bán cả ruộng đất do Nhà nước cấp, để con gái của họ đều… có chồng. Tộc người Cơ Ho, luật tục cho phép trong hoàn cảnh quá ngặt nghèo gia đình phía vợ được nợ các lễ vật trong đám cưới. Họ có thể trả dần và dĩ nhiên đôi vợ chồng trẻ phải “còng” lưng ra làm để trả nợ. Trong trường hợp vợ chồng không trả hết thì đến đời con, đời cháu phải trả. “Giá” của các chàng trai Đa phần người Chu Ru ở Đơn Dương hiện nay không cho nhà gái tổ chức đám cưới, nếu chưa giao đủ lễ vật. Tất cả những trường hợp nợ do bắt chồng trước đây, nếu để qua 3 đời mà không trả được, khi “con nợ” chết gia đình vẫn phải làm thịt trâu, bò để cúng. Dân làng vẫn đến dự, nhưng tất cả đều không ăn. Chúng tôi đã tận mắt chứng kiến gia cảnh đáng thương của bà TuTeng MaBao, 63 tuổi, người Chu Ru ở xã Ka Đơn. Bà có chín người con (5 trai, 4 gái). Ba con trai đã đi lấy vợ, bà cũng “đòi” được của nhà gái đưa “mỗi đứa” ba chỉ vàng. Nhưng con gái bà bắt chồng, bên nhà trai quyết liệt đòi từ 1-1,5 lượng vàng. Cực chẳng đã, bà MaBao đã phải bán dần cho đến những mảnh ruộng, đất cuối cùng. Hôm chúng tôi đến, bà MaBao và một đứa cháu gái 8 tuổi vừa đi bắt cua về. Gia đình sống trong một căn nhà tình thương nhỏ bé, bên cạnh một túp lều cũ rách dùng làm bếp. Trong nhà bếp không có lấy một hạt gạo, ngoài vườn không một cây bắp, khóm bí. Bà năn nỉ chúng tôi mua giúp bà giỏ cua để bà lấy tiền mua gạo. Hỏi các con bà đâu, bà bảo: “Chúng đi bắt cá ở hồ MLọn. Từ đây đến MLọn khoảng 15 km, nên ở luôn đó cả tuần mới về một lần. Mỗi ngày chúng nó bắt được 1- 3 kg cá, tép; mỗi kg được từ 10 – 30 ngàn đồng”. Riêng bà, mỗi ngày bắt được 1 kg cua, cua mùa này 15 ngàn/kg. “Vài hôm nữa chỉ còn 5-10 ngàn đồng/kg thôi. Những ngày mưa thì không thể bắt cua, bắt cá được”, bà nói. Ở Ka Đơn 7 ngày, chúng tôi gặp nhiều bà mẹ ứa nước mắt đòi tặng cua khi chúng tôi biếu mẹ vài chục ngàn đồng. Những người mẹ như TuProng Mapia (80 tuổi, người Chu Ru, thôn Ka Đê), mẹ Jơ Lâng Ma Ních (73 tuổi, người Cơ ho, xã Próh)… đã bán đến mảnh ruộng cuối cùng để cho 5 – 6 cô con gái của họ được… “bắt chồng”. Đáng sợ nhất là những gia đình vì lo tiền “bắt chồng” cho con mà phải đồng cảnh ngộ với “chúa chổm”. Gia đình bà Pdum MaNhen, người Chu Ru, xã Ka Đơn: Cô con đầu “bắt chồng”, nhà trai đòi 8 chỉ vàng, 5 triệu tiền mặt, 10 cái khăn (trị giá từ 100-500 ngàn đồng/cái); 15 dây cườm (300 ngàn đồng/dây). Đến con thứ, nhà trai đòi 8 chỉ vàng; 5,7 triệu đồng; 9 cái khăn; 12 dây cườm. Đám cưới đầu tiên bà Ma Nhen đi vay 20 triệu đồng, bà thỏa thuận nộp cho chủ nợ 80 bao lúa. Cô thứ hai đi “bắt chồng”, bà Nhen cho thuê 2 sào ruộng trong 10 năm để đổi lấy 5 chỉ vàng. Và vay thêm 5 chỉ nữa, mỗi chỉ vàng phải trả 30 ngàn đồng tiền lãi một tháng. Tính nguyên tiền lãi mỗi tháng bà Ma Nhen phải trả một triệu ba trăm năm mươi ngàn đồng! Chúng tôi được chứng kiến bà TuTeng MaSa (xã Ka Đơn) đang chuẩn bị “bắt chồng” cho cô con gái thứ 4, còn cô thứ 5 sẽ cưới vào năm tới. Lễ vật mà nhà trai yêu cầu gồm: 17 triệu đồng; khăn 9 cái (trong đó 1 cái giá 1 chỉ vàng, 7 cái còn lại giá từ 100- 200 ngàn đồng/cái); dây cườm 10 cái (200 ngàn đồng/dây). Đám cưới như các cô con gái trước là 30 triệu đồng. Bà bảo: “Nếu thiếu quá cũng buộc phải bán 1 – 2 sào đất lấy chồng cho con”. Nhưng đám cưới cô JơLông MaHờm vào tháng 12.2009 sắp tới mới đạt kỷ lục của thôn, khi gia đình cô phải trao cho nhà chồng 50 triệu đồng, và đám cưới sẽ hết 50 triệu nữa… Còn giá của các chàng trai Cơ Ho ở vùng cà phê thuộc huyện Lạc Dương, Lâm Hà, Di Linh lên tới 10-15 cây vàng… 2. Nước mắt đàn ông Từ bao đời nay, nhiều tộc người ở Tây Nguyên vẫn sống theo chế độ mẫu hệ. Khi vợ chết, chàng rể bị đuổi về nhà cha mẹ…
Các “chiêu thức bắt chồng”
Theo truyền thống, người Chu Ru ở Đơn Dương thường “ép” các cậu bé 14-15 tuổi phải lấy vợ. “Chàng” nào đã “lọt vào mắt xanh” của hai họ, và đám hỏi đã diễn ra nhiều lần, gia đình khuyên giải thuyết phục, thúc ép mà vẫn không đồng ý, thì nhà gái sử dụng luật tục để… “bắt chồng”. Nhà gái bí mật lập một đoàn người gồm toàn những ông cậu lực lưỡng, bà dì to khỏe, bất ngờ ập đến nhà trai vào lúc 12 giờ đêm và lôi chàng về. Chàng trai cũng đã chuẩn bị sẵn lực lượng, khi cậu la lên là cả bạn bè, dòng họ kéo đến nhà gái, tất cả cùng cố sức tìm cách làm gãy giường cưới – không được dùng gậy, dao, búa, mà chỉ được nhún nhảy – nếu giường gãy, chàng trai được “thoát thân” trở về, nếu giường không gãy chàng trai buộc phải… làm chồng. Già làng JơLâng Ja Nich nói: “Từ cổ chí kim, không ai có thể làm gãy cái giường bằng gỗ cà chí do chính tay người Chu Ru đóng!”. Hiện nay, việc ép các chàng trai làm chồng vẫn diễn ra, nhưng dưới một hình thức tế nhị hơn, “dân chủ” hơn: khi chàng trai không đồng ý, nhà gái “tung chưởng”… kiên trì. Họ tổ chức đám hỏi từ 5 lần đến 10 lần, 20 lần hoặc kéo dài đến bao giờ chàng trai đồng ý… mới thôi. Nghĩa là: mỗi một lần đám hỏi, nhà gái mang theo gạo, dây cườm và vài con gà. Nếu nhà trai có bao nhiêu người, nhà gái mang chừng đó sớp gạo và chừng đó dây cườm bỏ trong sớp gạo. Nếu chàng trai chưa đồng ý thì nhà gái cứ bỏ gạo và dây cườm lại rồi ra về. Khi chàng “gật đầu”, hai họ sẽ đổ gạo vào nấu cơm, cắt tiết gà nhờ thần linh chứng giám, để chàng trai “hết đường chối cãi”. Đám cưới của cô LiNa lấy anh Ha Giỏi ở xã Đạ Long đã diễn ra sau cơn sóng gió do Giỏi đang học lớp 10. Giỏi đã phải “tâm phục, khẩu phục”… khi gia đình cậu nhận của nhà gái một nửa gùi sợi cườm đủ loại (100-200 ngàn đồng/sợi, có sợi cườm bằng hổ phách quý lên đến 1 triệu đồng), 2 chiếc chiêng mẹ (trị giá bằng 16 con bò), 3 chiếc Stố (trị giá bằng 30 con bò), một gùi đầy tô, chén cổ (có cái trị giá 1 chỉ vàng) và 3 con bò. Một “chiêu thức” đang được các cô gái Cơ Ho ở xã Đạ Long (Đam Rông) áp dụng, ấy là đến nhà chàng trai mình yêu, làm tất cả mọi việc, từ lên rẫy chọc lỗ tỉa hạt, chặt củi, gùi nước… thể hiện “đức chăm làm” trên mức bình thường, với mục đích duy nhất là: lay động “trái tim băng giá” của chàng trai. Thương con gái, nhiều bà mẹ cũng đến nhà trai bẻ bắp, gặt lúa nhằm thúc ép nhanh “tiến độ của dự án treo”, khiến chàng trai “không trốn được”. Cuộc tình của cô DơngGun LaMour và anh Ksã HaKalas đã “đơm hoa, kết trái” cũng nhờ vào chiêu thức trên của hai họ. Thân phận chàng rể Trong dân gian có câu: “đàn ông đi ở rể như chó nằm gầm chạn”. Câu nói đó cũng có phần đúng khi đề cập đến thân phận chàng rể trong chế độ mẫu hệ: Nếu nhà trai nào thách cưới quá cao, khi chàng rể về nhà vợ mà không giỏi giang, tháo vát, lại yếu đuối bi lụy sẽ bị các bà dì nhiếc móc, các ông cậu khinh bỉ. Công việc chính dành cho người đàn ông có vợ là làm nhà, chặt cây to. Mà bây giờ hầu hết các gia đình đã có nhà, còn nếu đụng cây to hay phá rừng làm nương rẫy chắc chắn sẽ bị kiểm lâm “tóm cổ”. Thế là, từ ngày này sang tháng khác, phần đông các đức ông chồng cứ ở nhà địu con, để vợ đi hái rau, lấy măng, kiếm củi theo cái cách mà từ đời trước để lại. Nỗi đau của các đức ông chồng Cơ Ho bị nhân lên gấp trăm lần khi bị đuổi về nhà bố mẹ đẻ. Nhiều người đã phải bật khóc khi vợ chết. Bởi vì theo luật tục – vợ chết, thì người chồng sẽ bị chị vợ (hoặc em vợ) bắt làm chồng. Nên ở Đam Rông, có một bà dì đã “bắt” thằng cháu rể (vợ chết) kém mình tới… 17 tuổi làm chồng, mà điều đó theo luật tục thì “không có gì phải bàn cãi”. Khi đặt bút viết bài này, tôi vẫn bị ám ảnh bởi giọt nước mắt đã cố nén chặt của anh TuPrông Doanh – 38 tuổi, người Chu Ru ở Đơn Dương. Anh đã đưa vợ chạy chữa khắp nơi bởi căn bệnh nan y, nhưng cuối cùng vẫn không thoát khỏi tiếng gọi của Giàng. Ngày vợ mất, anh phải làm thịt một con trâu thết đãi dân làng. Một năm sau, lại làm thịt một con trâu nữa cho lễ xây mộ, theo đúng lệ làng đã đặt ra. Sau lễ xây mộ, dòng họ nhà gái họp lại để thực hiện tục “đuổi con rể về nhà gốc”. Mọi lý lẽ đều bị bác bỏ, mặc dù vợ chồng anh đã xây nhà, ra ở riêng với 2 đứa con trai, cháu lớn đang học lớp 8, cháu nhỏ đang học lớp 5. TuProng Doanh nghẹn ngào: “Vì quá thương con nên tôi và dòng họ nhà tôi đã hết lời năn nỉ cho tôi được ở lại nuôi con, nhưng bên họ ngoại quyết giữ luật cũ. Cuối cùng bố con tôi phải chia lìa, tôi sức dài vai rộng thế này lại không được nuôi con, trong khi bà ngoại quá già yếu lại quyết giành lấy gánh nặng nuôi dạy con tôi”. Chính vì vậy, hai đứa con anh không những mồ côi mẹ, mà còn mất cả cha… 3. Rắc rối táng tục Trong các nghi thức chôn cất người chết của các tộc người Chăm ở Bình Thuận, người Mạ, Cơ Ho, Chu Ru ở Lâm Đồng tồn tại nhiều hủ tục làm khánh kiệt nhiều gia đình… Ông Bố Xuân Hổ đã có trên 30 năm nghiên cứu văn hóa Chăm với nhiều đề tài được Hội văn nghệ dân gian Việt Nam đánh giá cao. Ông cho biết, ngày xưa một đám ma của người Chăm theo đạo Bà La Môn có thể kéo dài đến nửa tháng. Người Chăm theo đạo Bà Ni kết thúc một đám ma khi đã ăn hết 2-3 con trâu… Dĩ nhiên chỉ những gia đình giàu có mới có thể làm ma cho cha mẹ mình như thế. Ngày nay, đám ma của người Chăm vẫn kéo dài nhiều ngày. Quan niệm của người Chăm cổ là làm đám tang càng lớn là càng báo hiếu cha mẹ. Cũng theo nhà nhiên cứu Hổ, ngày nay trong đời sống văn hóa của đồng bào Chăm vẫn còn nhiều hủ tục, thậm chí có những hủ tục đã bị lãng quên thì lại được tái hiện. Chẳng hạn mới hỏa táng xong, mới chỉ nghỉ một ngày là lại cất rạp ngoài đồng làm lễ cúng tạ làng. Việc tang cần 18 thầy cúng! Hiện nay tỷ lệ nghèo trong đồng bào Chăm vẫn còn thuộc diện cao. Hầu như nhà nào cũng phải có sự trợ vốn của ngân hàng khi vào mùa vụ. Nhiều nhà không có tiền trả ngân hàng khi đáo hạn phải vay nóng tư thương ở ngoài với lãi suất cao. Đến vụ thu hoạch, chưa kịp phơi lúa thì chủ nợ đã đến sân phơi chờ lấy lúa nợ. Tiến sĩ y khoa Miêu Tiểu Chông, người Chăm đầu tiên có bằng tiến sĩ y khoa mà Báo Thanh Niên từng đề cập, không giấu được nỗi băn khoăn, trăn trở về cuộc sống của đồng bào. Theo anh nói, thay đổi một tập quán không dễ chút nào. Hiện nay Bệnh viện đa khoa khu vực bắc Bình Thuận nằm ở thị trấn Chợ Lầu trang bị khá đầy đủ thiết bị y khoa hiện đại, nhưng nhiều người vẫn tin vào các thầy cúng tế khi gia đình có người bệnh. Phan Hiệp là một xã dù nhỏ nhưng được đánh giá là có trình độ dân trí khá cao của tỉnh Bình Thuận khi có đến hàng chục thạc sĩ, bác sĩ, hàng trăm giáo viên, kỹ sư. Nhưng ở đây vẫn có một đám cúng kéo dài 3 ngày tại một gia đình trí thức khi trong nhà có người thân bị bệnh nặng. Ông Hắc Phú – Phó chủ tịch UB MTTQ huyện Bắc Bình – kể: Một đám thiêu (người Chăm theo đạo Bà La Môn khi chết là hỏa táng) phải cần từ 16-18 thầy cúng và hàng trăm người giúp việc. Nhiều sản vật làm lễ cúng xong lại bỏ đi. Mỗi đám như thế tốn kém vài chục triệu đồng. Ngày trước, ở xã Phan Hiệp mỗi khi có người chết đều phải lên rừng chặt cây về làm rạp ngoài đồng phục vụ lễ thiêu. Phải mất nhiều năm trời, với sự vận động của các trí thức Chăm, việc này mới được dỡ bỏ thay vào đó là dùng rạp sắt làm sẵn. Chia của cho người chết Người Mạ (Lâm Đồng) cho rằng người chết sẽ sống ở 5 tầng địa ngục, và nơi đây họ cũng cần phải ăn, mặc, ở, đi lại, giải trí, vui chơi, tang ma… Do vậy người chết phải có tất cả những gì mà người sống vốn có. Từ đó, trong người Mạ, Cơ Ho, Chu Ru xuất hiện tục chia của cho người chết. Cách đây không lâu, tại Lâm Hà (Lâm Đồng) có một ngôi mộ bị đào xới. Đó là nơi chôn cất một người Cơ Ho, được gia đình xác nhận là đã mất của cải chôn theo, gồm: vàng, tố, chóe, cồng chiêng… Không chỉ tố, chóe, ghè, vòng cườm, vòng đồng, nhẫn, khố, váy, nong, nia, ná, gùi… ngày nay người Mạ, Cơ Ho, Chu Ru còn chôn theo người chết cả xe máy, tivi, cassette… Cách để thể hiện lòng tiếc thương của dòng tộc và buôn làng là tặng quà cho người chết (quà càng có giá trị thì tình thương càng lớn). Ngoài ra còn tục giết trâu, bò, dê, gà, heo… để linh hồn chúng đi theo người chết về thế giới bên kia. Nếu người Cơ Ho ở Di Linh (Lâm Đồng) đâm một con trâu khi có người chết và đâm một con trâu nữa trong lễ bỏ mả, thì người Chu Ru ở Đơn Dương, người Mạ ở Bảo Lâm và Cát Tiên (Lâm Đồng) sẽ đâm từng con một cho đến hết đàn trâu để làm của cải cho người chết (vì họ quan niệm người chết lúc còn sống đã nuôi đàn trâu này).
Theo nhà nghiên cứu Bố Xuân Hổ, lễ nghi tín ngưỡng của đồng bào Chăm được chia thành hai vế: lễ nghi tuyệt đối và lễ nghi từng thời kỳ. Lễ nghi tuyệt đối như đám cưới, đám ma là không thể bỏ được. Lễ nghi từng thời kỳ là tùy theo mỗi giai đoạn của xã hội, cái nào xét thấy không còn phù hợp thì có thể loại bỏ, bởi nó không phải là bản sắc, vì thế không cần lưu giữ. Muốn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cần phải hiểu nó có ý nghĩa gì. Nếu nó là một giá trị văn hóa nhất thiết phải gìn giữ và phát huy, nếu không thuộc phạm trù văn hóa thì không cần thiết phải gìn giữ.
4. Tảo hôn Lấy chồng sớm, hôn nhân cùng huyết thống và gánh nặng con cái đang là một thực tế nhức nhối tại những vùng sâu vùng xa, nơi sinh sống của các tộc người bản địa Tây Nguyên, cũng như các tộc người mới di dân tự do từ khắp mọi miền Tổ quốc đến đây. Ba chị em Điểu Hot Ka Tiên ở xã Đạ Tông, huyện Đam Rông đều bỏ học để lấy chồng. Năm đó Ka Tiên mới 16 tuổi, đang học lớp 7, hai cô em là Ka Nguyên sinh năm 1993, đang học lớp 4 và Ka Cảnh sinh năm 1995, học đến lớp 3, cũng theo gót chị. Khi được hỏi tại sao bỏ học, Ka Tiên buồn rười rượi: “Vì bố mẹ bỏ nhau từ lúc chúng em còn nhỏ, nhà không có người làm việc mẹ phải bỏ dạy học để đi cuốc ruộng, lấy bông đót làm chổi, chúng em phải bỏ học để phụ mẹ nhặt rau, kiếm khoai, hái măng…”. Điều mà Ka Tiên không nỡ nói ra có lẽ là em lấy chồng để trong nhà có người đàn ông, có người làm việc. Điệp khúc nghỉ học để lấy chồng cứ lặp đi lặp lại ở Đạ Tông. Em Cill Ka Lin cũng “bắt chồng” với anh Kon Dung Minh năm 2008 (lúc 17 tuổi) và bỏ dở năm học lớp 8. Đến nay vợ chồng Lin đã có con 3 tháng tuổi. Em Kra Danh Ka Tám cũng lấy chồng năm 17 tuổi, cũng bỏ học khi đang học lớp 9. Em Jơ Ông Ka Glang lấy chồng từ năm học lớp 6 nay đã có 2 con. Riêng trường hợp Kơ Đưng Ka Kông hiện đang học lớp 12 A1 trường Đạ Tông vừa mới tổ chức đám cưới tháng 1.2009. Đây là trường hợp khá cá biệt khi em có chồng vẫn tiếp tục đi học. Trường hợp cá biệt thuộc về những người phản đối chuyện hôn nhân cùng huyết thống như anh Manuen (xã Đạ Long, Đam Rông, Lâm Đồng). Manuen không đồng ý với cuộc mai mối để lấy người em con cô ruột. Anh lên tận huyện Lạc Dương (hơn 100 km) để lấy vợ. Hiện nay có một số rất ít thanh niên ở buôn Bù Liêng (Lâm Hà) cũng phản đối các cuộc hôn nhân cùng huyết thống và họ vấp phải sự phản ứng rất quyết liệt của gia đình và dòng họ… Câu chuyên nối dài đến xứ sở của người Mạ, người Stiêng cư trú ở thượng nguồn sông Đồng Nai, nơi đây không chỉ các em gái lấy chồng từ thuở 13 mà các em trai cũng thi nhau… nếm trái cấm lúc 12, 13 tuổi. Chúng tôi đã được dự đám cưới của Điểu Ka Phôn (xã Đồng Nai Thượng, Cát Tiên), Phôn nói: “Em 16 tuổi, chồng em 14 tuổi, đang học trường dân tộc nội trú ở Bình Phước”. Thế các em đã “lọt tầm cúi” (ngủ với nhau) từ bao giờ?”, Phôn cười, vừa hồn nhiên, vừa lúng liếng: “Từ năm ngoái” (nghĩa là quan hệ với nhau trước hôn nhân, lúc chồng Phôn 13 tuổi). Đêm ở Đinh Trang Thượng (huyện Di Linh, Lâm Đồng), KB…, người Mạ, 17 tuổi, ngồi chơi đàn ghi ta, cứ ý nhị nhìn vào mắt chúng tôi mà hát rằng: “Mimoza từ đâu em tới…”. Chúng tôi hỏi anh đã có vợ chưa, bố anh bảo: “Vợ nó sắp đẻ đứa thứ 2”. Tôi thắc mắc: “Sao cho nó lấy vợ sớm thế?”. Ông trả lời: “Không cho nó lấy vợ để đi phá vợ người ta à?”… Vợ chồng cùng huyết thống Quan niệm của người Mạ ở phía bắc QL 20 vùng Di Linh và Bảo Lâm (Lâm Đồng) là: một cuộc hôn nhân lý tưởng là những cặp “con cùng một ruột, cùng một mẹ” lấy nhau. Vì người Mạ theo chế độ phụ hệ, nên con, cháu phía mẹ lấy nhau đều được chấp nhận, vì khác… họ. Điều đặc biệt là con cái đều gọi chị em bạn dì của mẹ là mẹ. Như vậy, con trai của chị gái, có thể lấy con gái của em gái và ngược lại. Tương tự, ở bộ tộc mà người cha làm chủ gia đình, của cải được truyền cho con trai như người Bana, Sê Đăng… việc con cháu của chị gái lấy con cháu của em gái là chuyện… thường. Ngược lại ở các bộ tộc theo dòng họ mẹ, tất cả của cải trong gia đình truyền từ người mẹ sang người con gái như ở các sắc tộc Gia Rai, Ra đê, Raglai, Cơ Ho… thì việc con cháu của anh trai lấy con cháu của em trai cũng là chuyện… thường ngày ở huyện. Hiện nay các dòng họ Liêng Hot, KJa Jăn, Buôn, Cill Múp, KSá, Kon Sơ, KRa Danh, Mbon… thuộc nhóm người Cill (dân tộc Cơ Ho) ở xã Đạ Long và xã Đạ Tông (Đam Rông, Lâm Đồng) vẫn giữ tục này. Chúng tôi dễ dàng tìm được hàng chục trường hợp kết hôn cùng huyết thống này, như: Vợ chồng ông bà KRang – Kông là con cô con cậu. Vợ chồng Ha Kroong và KPhiêng là cháu chú cháu bác. Vợ chồng ông Lơr và bà Ranh lại là con ông chú lấy cháu ông bác. Chị KBa cũng lấy người anh con ông cậu là anh Ha Pút. Việc kết hôn cùng huyết thống qua rất nhiều đời khiến người Raglai ở Yahoa (xã Ma Nới, Ninh Sơn, Ninh Thuận) có chiều cao cực kỳ khiêm tốn. Phần lớn đàn ông, đàn bà vùng này cao trung bình khoảng 1,5m. Cũng tại đây nhiều gia đình sinh rất nhiều con, nhưng chỉ nuôi được một vài đứa, thậm chí có bà mẹ sinh tới 18 lần nhưng khi đến khi già thì không còn một người con nào. Bao nhiêu con là đủ? Păng Tinh Hơ Thuyền, 17 tuổi, bỏ dở lớp 7 ở trường PTCS xã Rô Men đi lấy chồng. Khi chứng kiến gia đình nheo nhóc của một bà mẹ trẻ bên 8 đứa con, chúng tôi không hình dung được chị Thuyền sẽ lấy gì để nuôi đàn con này no đủ hằng ngày, đừng nói gì đến chuyện đi học. Chị Đặng Thị Hà, một phụ nữ Chăm khá trẻ và có nhan sắc ở thôn Cảnh Diễn (xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình, Bình Thuận) mới 31 tuổi, nhưng đã có tới… 6 đứa con. Đứa con lớn nhất của Hà mới 12 tuổi và đứa nhỏ nhất hơn 3 tuổi. Ngôi nhà tuềnh toàng của 7 mẹ con Hà đang ở là nhà của mẹ cha để lại bởi chị là con gái út trong một gia đình cũng có đến 9 anh chị em ruột. “Sao đẻ nhiều con vậy, 6 đứa rồi còn muốn thêm nữa không?”- tôi hỏi, Hà chỉ cười mà không trả lời. Nhà chỉ có 3 sào ruộng, nuôi 6 đứa con và mẹ già. Không hiểu một ngày đi cấy mướn mấy chục ngàn sao Hà có đủ tiền mua gạo nuôi con? Vì sao phải sinh nhiều con? Chúng tôi đem thắc mắc hỏi ông Bố Xuân Hổ, nhà nghiên cứu văn hóa Chăm, ông cho rằng người Chăm có quan niệm “đông con là có phước”. Bởi thế chuyện một cô gái mới ngoài ba mươi mà có 6-7 đứa con như chị Hà không phải là hiếm.

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật