LÀM THẾ NÀO ĐỂ TRỌNG TÀI VIỆT NAM LÀ CHỖ DỰA CỦA DOANH NGHIỆP ?

  • Bài viết
  • 25 tháng 5, 2011
  • 316 lượt xem
  • 0 bình luận

Pháp luật Việt Nam thừa nhận khá sớm vai trò của Trọng tài trong giải quyết tranh chấp. Theo tài liệu mà chúng tôi có được, thì trọng tài đã từng được thừa nhận trong pháp luật An Nam từ cuối thế kỷ thứ 19. Chẳng hạn, trong một tranh chấp về đất đai giữa Dương Thị Lành và Võ Văn Thụ, hai bên đã thỏa thuận yêu cầu một chuyên gia nước ngoài làm trọng tài. Liên quan đến việc thi hành phán quyết của Trọng tài, Tòa thượng thẩm Sài Gòn đã xét rằng “trọng tài được thừa nhận trong pháp luật An Nam” (1).

Pháp luật Việt Nam thừa nhận khá sớm vai trò của Trọng tài trong giải quyết tranh chấp. Theo tài liệu mà chúng tôi có được, thì trọng tài đã từng được thừa nhận trong pháp luật An Nam từ cuối thế kỷ thứ 19. Chẳng hạn, trong một tranh chấp về đất đai giữa Dương Thị Lành và Võ Văn Thụ, hai bên đã thỏa thuận yêu cầu một chuyên gia nước ngoài làm trọng tài. Liên quan đến việc thi hành phán quyết của Trọng tài, Tòa thượng thẩm Sài Gòn đã xét rằng “trọng tài được thừa nhận trong pháp luật An Nam” (1).

Hiện nay, văn bản pháp luật quan trọng nhất về trọng tài là Pháp lệnh Trọng tài thương mại. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng “đối với Việt Nam, Trọng tài thương mại trong con mắt của các nhà kinh doanh vẫn coi là còn mới mẻ, chưa phổ biến” (2). So với thực trạng giải quyết tranh chấp hợp đồng trước Tòa án thì số lượng tranh chấp giải quyết trước Trọng tài Việt Nam là quá ít. Trong năm 2006, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam chỉ giải quyết khoảng hơn 20 vụ tranh chấp.

Tại sao chúng ta lại có một con số khiêm tốn như vậy khi Pháp lệnh Trọng tài năm 2003 đã có hiệu lực? Làm thế nào để Trọng tài thực sự là một phương thức giải quyết tranh chấp bên cạnh Tòa án? Chúng ta có thể tìm được câu trả lời khi phân tích pháp luật thực định của Việt Nam về Trọng tài từ góc độ của những nhà xây dựng văn bản (I) và từ góc độ từ những nhà áp dụng văn bản (II).

I- Những việc nhà xây dựng văn bản nên làm

A- Tăng niềm tin đối với Trọng tài

Một số quy định hiện nay của Pháp lệnh Trọng tài năm 2003 (gọi chung là Pháp lệnh) cho thấy, chúng ta chưa có nhiều niềm tin đối với Trọng tài. Xin dẫn ba trường hợp.

1) Bất đồng về thẩm quyền của Trọng tài

Quyền xác định thẩm quyền. Khi được yêu cầu giải quyết, Trọng tài đánh giá xem mình có thẩm quyền hay không ngay cả khi có một bên phủ nhận thẩm quyền của họ. Bởi theo Khoản 1, Điều 30 Pháp lệnh “trước khi xem xét nội dung vụ tranh chấp, nếu có đơn khiếu nại của một bên về việc Hội đồng Trọng tài không có thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp; vụ tranh chấp không có thỏa thuận trọng tài hoặc thỏa thuận trọng tài vô hiệu, Hội đồng Trọng tài phải xem xét, quyết định với sự có mặt của các bên, trừ trường hợp các bên có yêu cầu khác. Bên khiếu nại đã được triệu tập hợp lệ mà vắng mặt không có lý do chính đáng thì được coi là đã rút đơn khiếu nại. Hội đồng Trọng tài tiếp tục xem xét giải quyết vụ tranh chấp”. Như vậy, sau khi nghiên cứu, Trọng tài có thể cho là mình có thẩm quyền giải quyết tranh chấp hay không.

Can thiệp của Tòa án. Nếu một bên không đồng ý với quyết định của Trọng tài về thẩm quyền thì, “trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định của Hội đồng Trọng tài, các bên có quyền yêu cầu Tòa án cấp tỉnh nơi Hội đồng Trọng tài đã ra quyết định xem xét lại quyết định của Hội đồng Trọng tài. Bên có yêu cầu phải đồng thời thông báo việc này cho Hội đồng Trọng tài” (Khoản 2, Điều 30 Pháp lệnh).

Với quy định trên, nếu Trọng tài cho rằng mình có thẩm quyền thì một bên có thể yêu cầu Tòa án xem lại vấn đề thẩm quyền này. Quyết định của Toà án có thể là khẳng định hay phủ định thẩm quyền của Trọng tài. Và “trong trường hợp Toà án quyết định vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài, vụ tranh chấp không có thoả thuận trọng tài hoặc thoả thuận trọng tài vô hiệu thì Hội đồng Trọng tài ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ tranh chấp” (Điều 30 Pháp lệnh).

Liên quan đến vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài, không có thoả thuận trọng tài hoặc thoả thuận trọng tài vô hiệu, chúng ta còn có quy định về hủy quyết định trọng tài. Cụ thể, theo Điều 54, Pháp lệnh thì, Tòa án hủy quyết định trọng tài nếu “không có thoả thuận trọng tài”, “thoả thuận trọng tài vô hiệu”, “vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài”.

Kiến nghị. “Trên thực tế đã xảy ra trường hợp trong khi giải quyết tranh chấp tại trọng tài, một bên khiếu nại ra Tòa án về vấn đề hiệu lực của thỏa thuận trọng tài cũng như thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài. Sau khi xem xét, Tòa án ra quyết định (có giá trị chung thẩm) thỏa thuận trọng tài có hiệu lực, Hội đồng Trọng tài có thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp” (3).

Như vậy, theo pháp luật nước ta, khi không đồng ý quyết định của Trọng tài về thẩm quyền thì một bên có thể khiếu nại trước tòa án bằng cách viện dẫn ba lý do trên và việc này có thể mất nhiều thời gian (khoảng 20 ngày nếu tính sơ qua các thời hạn nêu tại Điều 30 của Pháp lệnh). Sau khi Tòa án án chấp nhận thẩm quyền của Trọng tài và khi Trọng tài ra quyết định về nội dung thì một bên vẫn có thể yêu cầu Tòa án hủy quyết định trọng tài bằng cách viện dẫn các lý do trên. Có thể Tòa án vẫn bác đơn và chấp nhận quyết định của Trọng tài nhưng việc cho phép các bên hai lần khiếu nại cùng một lý do ở hai thời điểm khác nhau (trước và sau khi có quyết định cuối cùng của Trọng tài về nội dung vụ tranh chấp) sẽ làm giảm hiệu quả của hoạt động trọng tài. Đó là cái cớ mà một bên có thể sử dụng nhằm kéo dài vụ việc để không thực hiện nghĩa vụ của mình.

Trong tương lai, sẽ là hợp lý khi chúng ta bỏ những quy định của Điều 30 cho phép các bên yêu cầu Tòa án giải quyết vấn đề thẩm quyền của Trọng tài khi Trọng tài thụ lý giải quyết vụ việc. Về vấn đề này, chúng ta chỉ nên tập trung vào giai đoạn hậu trọng tài, tức là chỉ tập trung vào vấn đề hủy quyết định trọng tài như quy định của Điều 54. Hoặc là chúng ta nên theo hướng chỉ cho phép các bên yêu cầu Tòa án can thiệp khi Trọng tài cho rằng mình không có thẩm quyền. Còn trong trường hợp Trọng tài cho rằng mình có thẩm quyền rồi thì nên đợi đến khi giải quyết vấn đề hủy quyết định trọng tài. Với cách này, chúng ta thể hiện rõ hướng tăng hiệu quả và uy tín của Trọng tài.

2) Danh sách lý do hủy quyết định trọng tài

Điều 54 Pháp lệnh quy định những trường hợp Tòa án được quyền hủy quyết định của Trọng tài Việt Nam, bao gồm 6 trường hợp. Danh sách này nhìn bề ngoài thì không dài nhưng phân tích kỹ thì không phải vậy. Bởi theo Điều 54, Khoản 2, Toà án ra quyết định huỷ quyết định trọng tài nếu bên yêu cầu chứng minh được rằng Hội đồng Trọng tài đã ra quyết định trọng tài thuộc một trong các trường hợp “thoả thuận trọng tài vô hiệu theo quy định tại Điều 10 của Pháp lệnh này”. Như vậy, liên quan đến hủy quyết định trọng tài, chúng ta không chỉ xem xét các lý do nêu tại Điều 54 mà còn phải xem xét các trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu nêu tại Điều 10. Những quy định tại Điều 10 rất dài. Do vậy, danh sách hủy quyết định trọng tài cũng rất dài.

Tương tự, những lý do hủy quyết định trọng tài không chỉ giới hạn ở những trường hợp đã nêu cụ thể tại Điều 54 mà cả những quy định của Điều 13. Bởi theo Khoản 5, Điều 54: “Toà án ra quyết định huỷ quyết định trọng tài nếu bên yêu cầu chứng minh được rằng trong quá trình giải quyết vụ tranh chấp có Trọng tài viên vi phạm nghĩa vụ của Trọng tài viên quy định tại khoản 2 Điều 13 của Pháp lệnh này”. Những quy định của Điều 13 có phạm vi tương đối rộng nên danh sách của Điều 54 được kéo dài thêm. Cụ thể, theo Điều 13, khoản 2, “Trọng tài viên có các nghĩa vụ sau đây: a) Tuân thủ các quy định của Pháp lệnh này; b) Vô tư, khách quan trong việc giải quyết vụ tranh chấp; c) Từ chối giải quyết vụ tranh chấp trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 27 của Pháp lệnh này; d) Giữ bí mật nội dung vụ tranh chấp mà mình giải quyết; đ) Không được nhận hối lộ hoặc có hành vi khác vi phạm đạo đức Trọng tài viên”. Như vậy, Điều 54 dẫn đến Điều 13 mà trong Điều 13 chúng ta thấy Trọng tài có nghĩa vụ “tuân thủ các quy định của Pháp lệnh này”. Với cách quy định đó thì chỉ cần Trọng tài không tuân thủ một trong các quy định của Pháp lệnh, quyết định của họ có thể bị hủy mà những quy định này trong Pháp lệnh thì rất nhiều. Do đó, bên không chấp nhận quyết định trọng tài có thể viện dẫn nhiều lý do để xin hủy quyết định trọng tài và, ở đây, Tòa án buộc phải xem xét. Ví dụ, theo Điều 40 Pháp lệnh, “bị đơn đã được triệu tập tham dự phiên họp giải quyết vụ tranh chấp mà không tham dự phiên họp không có lý do chính đáng hoặc bỏ phiên họp mà không được Hội đồng Trọng tài đồng ý thì Hội đồng Trọng tài vẫn tiến hành giải quyết vụ tranh chấp căn cứ vào tài liệu và chứng cứ hiện có”. Như vậy, Trọng tài có thể giải quyết tranh chấp vắng mặt bị đơn khi bị đơn “không tham dự phiên họp không có lý do chính đáng”. Điều đó cũng có nghĩa là Trọng tài không thể giải quyết tranh chấp vắng mặt bị đơn khi bị đơn “không tham dự phiên họp” nhưng “có lý do chính đáng”. Việc không tuân thủ quy định này có thể dẫn đến hủy quyết định trọng tài.

Ví dụ, trong vụ tranh chấp giữa Công ty Nghệ An và Công ty Summit, theo Tòa phúc thẩm Tòa án tối cao, “về việc Hội đồng trọng tài ra Phán quyết trọng tài trong khi bị đơn (có đơn kiện lại) vắng mặt, thì: sau khi ông Nam, người đại diện theo ủy quyền của Giám đốc Summit, xin hoãn phiên họp ngày 06/5/2005 với lý do có hai giấy triệu tập của Tòa án vào ngày 05 và 06/5/2005 nhưng không được Hội đồng trọng tài chấp nhận, thì ông Nam đã có văn bản xin khước từ làm đại diện cho Summit tại phiên họp 06/5/2005 để tham gia phiên tòa của Tòa án. Đồng thời, Summit có văn bản đề nghị hoãn vì không kịp ủy quyền cho người khác tham gia phiên họp ngày 06/5/2005. Như vậy, những lý do xin hoãn phiên họp ngày 6/5/2005 từ phía Summit là có lý do chính đáng. Hội đồng trọng tài đã tổ chức phiên họp vắng mặt bị đơn là vi phạm Điều 40 và Điều 29 Pháp lệnh về Trọng tài thương mại”. Từ đó, “căn cứ vào khoản 5, Điều 54 Pháp lệnh về trọng tài thương mại, “Tòa án quyết định hủy Quyết định Trọng tài thương mại của Hội đồng Trọng tài thuộc Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam” (4).

Kiến nghị. Phần trình bày trên cho thấy danh sách những trường hợp hủy quyết định trọng tài là rất dài. Bất kỳ sơ suất nào của Trọng tài cũng có thể làm cho quyết định của họ bị hủy. Điều đó cho thấy, chúng ta quá nghi ngờ Trọng tài. Đây là một lý do không nhỏ làm nản lòng những ai muốn đưa tranh chấp ra Trọng tài. Do đó, khi xây dựng Luật Trọng tài, chúng ta nên rút bớt danh sách của Điều 54, tức là chúng ta tăng niềm tin vào Trọng tài. ở Pháp, các nhà lập pháp đã giới hạn những trường hợp hủy quyết định trọng tài như trường hợp không công nhận quyết định trọng tài nước ngoài. Họ đánh giá giống nhau các quyết định của trọng tài nước ngoài và các quyết định trọng tài trên đất Pháp, trong khi đó những lý do không công nhận quyết định trọng tài nước ngoài lại rất ít. Thiết nghĩ, đây cũng là bài học mà chúng ta nên tham khảo. ít ra thì chúng ta không nên đối xử với quyết định của Trọng tài Việt Nam khắt khe hơn quyết định trọng tài nước ngoài.

3) Hậu quả của việc hủy quyết định trọng tài

Văn bản. Theo Khoản 6, Điều 53 Pháp lệnh, “trong trường hợp Hội đồng xét xử huỷ quyết định trọng tài, nếu không có thoả thuận khác thì các bên có quyền đưa vụ tranh chấp đó ra giải quyết tại Toà án”. Như vậy, khi quyết định trọng tài bị hủy thì các bên chỉ có hai lựa chọn. Một là tiếp tục giải quyết vụ việc qua con đường trọng tài và lúc đó phải “có thỏa thuận khác”. Khả năng này rất khó xảy ra vì khi các bên đã đưa vụ việc ra trước Trọng tài và đưa quyết định trọng tài ra trước Tòa án thì các bên khó có thể cùng nhau đạt được một thỏa thuận nào nữa (5). Lúc này, các bên chỉ còn cách là đưa vụ tranh chấp đó ra giải quyết tại Toà án nếu bất đồng vẫn không thể tự giải quyết được.

Phân tích. Quyết định trọng tài có thể bị hủy bởi nhiều lý do. Loại lý do thứ nhất liên quan đến thỏa thuận trọng tài. Đó là trường hợp “không có thoả thuận trọng tài”, “thoả thuận trọng tài vô hiệu”, “vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài”. Ngoài ra, chúng ta còn các lý do khác là “thành phần Hội đồng Trọng tài, tố tụng trọng tài không phù hợp với thoả thuận của các bên”, “trọng tài viên vi phạm nghĩa vụ của Trọng tài viên”, “quyết định trọng tài trái với lợi ích công cộng của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Trong vụ tranh chấp giữa Công ty Nghệ An và Công ty Summit, các bên đưa tranh chấp ra trọng tài theo thỏa thuận. Nhưng sau đó quyết định trọng tài bị hủy. Từ đó, Công ty Nghệ An đã khởi kiện trước Tòa án. Theo Tòa án, “sau khi Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm của Tòa án nhân dân tối cao hủy quyết định của Hội đồng trọng tài VIAC thì Công ty Nghệ An đã thực hiện theo đúng hướng dẫn trong quyết định nói trên là “các bên có quyền đưa vụ tranh chấp ra giải quyết tại Tòa án” phù hợp với quy định tại khoản 6 Điều 53 Pháp lệnh Trọng tài thương mại” (6). ở đây, quyết định trọng tài bị hủy do trọng tài vi phạm tố tụng trọng tài và không có thông tin nào của bản án cho phép nói rằng thỏa thuận trọng tài bị vô hiệu nhưng các bên không còn cơ hội giải quyết trước trọng tài; khi họ có tranh chấp thì chỉ còn cách giải quyết trước Tòa án và họ đã làm như vậy.

Kết quả này đi ngược lại với ý chí của các bên, đi ngược lại với quyền tự định đoạt của họ thông qua thỏa thuận trọng tài. Đối với những trường hợp dẫn tới hủy quyết định trọng tài không do lỗi của các bên như trường hợp trọng tài vi phạm tố tụng thì tại sao lại buộc họ phải chịu sự chi phối của Tòa án? Một bên không thích giải quyết trước trọng tài mặc dù có thỏa thuận có thể tìm cách để trọng tài mắc sai lầm, rồi xin hủy quyết định trọng tài và yêu cầu Tòa án can thiệp. Với hướng giải quyết như hiện nay, chúng ta tăng sự không lành mạnh trong giải quyết tranh chấp. Hơn nữa, Hội đồng Trọng tài này mắc sai lầm dẫn đến việc hủy quyết định trọng tài không nhất thiết là Hội đồng khác sẽ cũng mắc sai lầm để dẫn đến hủy quyết định trọng tài như trước. Do vậy, cách quy định như hiện nay là không hợp lý.

Kiến nghị. Thiết nghĩ, chúng ta nên phân biệt hai trường hợp. Khi việc hủy quyết định trọng tài xuất phát từ thỏa thuận trọng tài và “nếu không có thoả thuận khác thì các bên có quyền đưa vụ tranh chấp đó ra giải quyết tại Toà án”. Còn khi việc hủy quyết định trọng tài xuất phát từ lý do khác thì giữa các bên vẫn tồn tại một thỏa thuận trọng tài hợp pháp. Do đó, chúng ta cần phải tôn trọng. ở đây, nếu vẫn có tranh chấp, các bên có quyền đưa vụ tranh chấp đó ra giải quyết tại Trọng tài như đã thỏa thuận.

B- Có chính sách ủng hộ Trọng tài

Để Trọng tài thực sự là một phương thức giải quyết tranh chấp, các nhà xây dựng văn bản không những nên tăng niềm tin đối với Trọng tài mà còn cần có chính sách ủng hộ Trọng tài. Cụ thể:

1) Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

Văn bản hiện hành. Việc Trọng tài có thẩm quyền không có nghĩa là Tòa án không có chút vai trò nào. Trong thực tế, vì Trọng tài là một cơ quan phi chính phủ nên vẫn cần có sự trợ giúp của Tòa án. Theo Điều 33 Pháp lệnh, thì “trong quá trình Hội đồng Trọng tài giải quyết vụ tranh chấp, nếu quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại hoặc có nguy cơ trực tiếp bị xâm hại, thì các bên có quyền làm đơn đến Toà án cấp tỉnh nơi Hội đồng Trọng tài thụ lý vụ tranh chấp yêu cầu áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời…”.

Kiến nghị. Như vậy, một bên có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Tuy nhiên, theo Điều 33 trên thì biện pháp này chỉ được tiến hành “trong quá trình Hội đồng Trọng tài giải quyết vụ tranh chấp”. Trước khi Hội đồng Trọng tài giải quyết vụ tranh chấp, một bên có quyền yêu cầu biện pháp trên không? Pháp lệnh không có câu trả lời. Thiết nghĩ, sẽ là hợp lý hơn nếu chúng ta cho phép yêu cầu áp dụng biện pháp tạm thời ngay cả khi Hội đồng Trọng tài chưa thụ lý giải quyết. Việc cho phép đó sẽ hạn chế trường hợp các bên tẩu tán, giấu tài sản nhằm trốn tránh việc thi hành quyết định sau này.

2) Cải thiện tố tụng hủy quyết định trọng tài

Sự có mặt của các bên (văn bản). Khi không đồng ý với quyết định của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, các bên có quyền yêu cầu Tòa án can thiệp. ở đây, bên không đồng ý có thể yêu cầu hủy quyết định trọng tài (Điều 50 Pháp lệnh). “Phiên toà được tiến hành với sự có mặt của các bên tranh chấp, luật sư của các bên (nếu có), kiểm sát viên viện kiểm sát cùng cấp. Trường hợp một trong các bên yêu cầu Toà án xét đơn vắng mặt hoặc đã được triệu tập hợp lệ mà vắng mặt không có lý do chính đáng hoặc bỏ phiên họp mà không được Hội đồng xét xử đồng ý thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét đơn yêu cầu huỷ quyết định trọng tài” (Khoản 3, Điều 53 Pháp lệnh). Như vậy, các bên có tranh chấp phải có mặt thì Tòa án mới xét đơn. Tòa án không được xét đơn khi không có mặt của họ nếu sự vắng mặt này là có “lý do chính đáng”. Pháp lệnh không định nghĩa thế nào là “lý do chính đáng” và không cho biết họ có thể vắng mặt với lý do chính đáng bao nhiêu lần. Do vậy, đây có thể là cái cớ để một bên kéo thêm thời gian.

Sự có mặt của các bên (thực tiễn). Ví dụ, sau khi có quyết định trọng tài, một trong ba bên có tranh chấp yêu cầu Tòa án hủy quyết định trọng tài. Trong quá trình thụ lý và tiến hành tố tụng, Toà án Hà Nội đã triệu tập đại diện theo uỷ quyền của một bên (bà Th.) nhưng người đại diện này đang trong thời kỳ thai nghén nên đã có công văn xin vắng mặt. Ngày 28/5/2004, Toà án mở phiên toà để giải quyết yêu cầu huỷ quyết định trọng tài thì 8h cùng ngày, Toà án nhận được đơn xin hoãn phiên toà (bản fax) của bà Th. với lý do vừa mới sinh cháu và đang trong thời kỳ nghỉ thai sản nên không thể đi lại được. Chính vì vậy, Toà án đã phải hoãn phiên toà chờ cho bà Th. có thời gian trên 04 tháng nghỉ sau khi sinh theo đúng quy định của Nhà nước. Ngày 14/7/2004, Toà án quyết định mở phiên toà để giải quyết vụ kiện. Nhưng vào hồi 8h28’ ngày 14/7/2004, Toà án lại nhận được đơn yêu cầu hoãn phiên xử (bản fax) của bà Th. với lý do con bà Th. bị ốm viêm màng não nên không tham dự được phiên toà và đề nghị cho tạm dừng việc giải quyết cho đến khi cháu bé tròn 01 năm tuổi. Cùng với đơn trên, bà Th. còn xuất trình 05 phiếu thu viện phí của con bà.

Như vậy, bà Th. liên tục đưa ra lý do xin hoãn phiên tòa. Trước hoàn cảnh này, theo Tòa án, “bà Th. là đại diện theo uỷ quyền của Ngân hàng phát triển Hàn Quốc chi nhánh Teagu. Trong giai đoạn tố tụng tại Trọng tài quốc tế Việt Nam bà Th. là đại diện cho phía bị đơn; Trong giai đoạn tố tụng để giải quyết yêu cầu huỷ quyết định trọng tài tại Toà án bà Th. chỉ là đại diện cho bên có quyền và nghĩa vụ liên quan và thực chất toà cũng chỉ xem xét đến những vấn đề mà bên có yêu cầu nêu ra. Nếu trong trường hợp bà Th. không có điều kiện để tham dự phiên toà thì bà Th. phải từ chối trách nhiệm làm người đại diện và yêu cầu Ngân hàng phát triển Hàn Quốc chi nhánh Teagu cử người khác thay thế. Nay bà Th. có yêu cầu xin hoãn dừng phiên toà giải quyết vụ kiện cho đến khi con của bà Th. tròn 01 năm tuổi là không thể chấp nhận”.

Vẫn theo Tòa án, xét về lý do cháu H.L. (con bà Th.) bị viêm màng não, Toà nhận thấy: “Trên thực tế khả năng cháu H.L. bị ốm là có, song bệnh viêm màng não là một bệnh phải có thời gian điều trị lâu dài. Với những chứng từ viện phí mà bà Th. xuất trình thì cháu H.L. vào viện ngày 11/3/2004 và ra viện ngày 05/4/2004, sau đó cháu có mấy lần vào viện để khám bệnh đó là vào các ngày 13/4, 03/5 và 22/5 và từ đó đến nay (ngày 14/7/2004) gần hai tháng không có căn cứ để xác định cháu H.L. vẫn đang bị bệnh và nằm điều trị. Theo khoản 2 Điều 53 Pháp lệnh Trọng tài thương mại thì thời hạn để mở phiên toà xét đơn yêu cầu là 30 ngày kể từ ngày thụ lý hồ sơ. Vụ kiện này đã được thụ lý vào ngày 21/10/2003, song do Pháp lệnh Trọng tài thương mại mới có hiệu lực, việc thực hiện theo Pháp lệnh giữa các cơ quan hữu quan chưa thống nhất nên phần nào đã ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết. Nay bà Th. đưa lý do mới sinh, cháu bé bị ốm để đề nghị dừng việc giải quyết vụ kiện cho đến khi con tròn 01 năm tuổi (nghĩa là sau ngày 11/03/2005) là lý do không thể chấp nhận được. Chính vì vậy, sau khi cân nhắc và nghe ý kiến của đại diện Viện kiểm sát tại phiên toà, Hội đồng xét xử đã quyết định tiến hành phiên toàn nhằm đảm bảo thời hạn xét xử theo đúng quy định của pháp luật” (7).

Kiến nghị. Ví dụ trên cho thấy, việc giải quyết yêu cầu hủy quyết định trọng tài đã kéo dài khoảng 9 tháng và có nguy cơ kéo dài thêm nếu Tòa án chấp nhận yêu cầu hoãn phiên tòa lần thứ hai. Với quy định như hiện nay, chúng ta làm giảm hiệu quả của việc giải quyết bằng con đường trọng tài mà chúng ta thường cho là nhanh hơn thủ tục trước Tòa án. Trước hoàn cảnh trên, Tòa án đã phải xem xét và cho rằng việc xin hoãn phiên tòa lần thứ hai là không có lý do chính đáng.

Để giảm những tình trạng kéo dài vụ việc như trên, chúng ta nên quy định thêm theo hướng là Tòa án không phải hoãn phiên tòa nếu thấy rằng, sự có mặt của bên vắng mặt không làm ảnh hưởng tới kết quả xét đơn. Trong vụ việc trên, theo Tòa án, “thực chất toà cũng chỉ xem xét đến những vấn đề mà bên có yêu cầu nêu ra” và thực tế Tòa án đã hủy quyết định trọng tài mà không cần sự có mặt của bà Th. ở đây, việc có mặt hay không của bên có tranh chấp không ảnh hưởng đến kết quả của việc xét đơn.

Hơn nữa, chúng ta cũng nên quy định thêm là Tòa án chỉ có thể được hoãn phiên tòa một lần nếu có lý do chính đáng; lần xét xử thứ hai sẽ được tiến hành ngay cả khi không có mặt của bên đã vắng mặt lần trước, bất kể lý do là gì. Trong vụ việc vừa liệt kê, Tòa án đã phải lý giải việc bà Th. vắng mặt là không có lý do chính đáng và việc xem xét lý do liên quan đến việc con bà Th. bị ốm có điều gì không tự nhiên. Với việc quy định như kiến nghị, chúng ta sẽ tạo điều kiện cho tòa án giải quyết nhanh vấn đề hủy quyết định trọng tài và không cần phải xem xét là lý do vắng mặt lần hai có chính đáng hay không.

3) Sửa đổi khái niệm quyết định trọng tài nước ngoài

Văn bản. Theo Khoản 2, Điều 342 Bộ luật Tố tụng dân sự, “quyết định của Trọng tài nước ngoài là quyết định được tuyên ở ngoài lãnh thổ Việt Nam hoặc trong lãnh thổ Việt Nam của Trọng tài nước ngoài do các bên thỏa thuận lựa chọn để giải quyết tranh chấp”. Quy định này đã tồn tại trong Pháp lệnh thừa nhận Quyết định của trọng tài nước ngoài năm 1995. Như vậy, Trung tâm Trọng tài nước ngoài có thể giải quyết tranh chấp tại Việt Nam. Trong trường hợp này, phán quyết trọng tài là phán quyết của Trọng tài nước ngoài. Do đó, việc tiếp nhận phán quyết đó được tiến hành như những quyết định của Trọng tài nước ngoài khác và không chịu sự điều chỉnh của Pháp lệnh trọng tài năm 2003.

Thực tiễn. Thực tế đã có trường hợp, các bên chọn Trung tâm Trọng tài quốc tế nước ngoài nhưng địa điểm giải quyết tranh chấp tại Việt Nam và việc giải quyết này không chịu sự chi phối của Pháp lệnh Trọng tài. Ví dụ, năm 2003, Công ty Cơ khí A của Việt Nam ký một hợp đồng với Công ty Conares Metal của Vương quốc Lichtenxtain. Trong hợp đồng, các bên chọn Toà án Trọng tài của Phòng Thương mại quốc tế ICC và “nơi giải quyết Trọng tài là Hà Nội”. Khi có tranh chấp, các bên đưa tranh chấp ra trước Trọng tài. Trung tâm trọng tài này đã chấp nhận giải quyết và đã sử dụng một trọng tài viên duy nhất giải quyết là một luật sư người Pháp đang làm việc tại Việt Nam. Ngày 18/10/2004, Trọng tài quốc tế thuộc Phòng Thương mại quốc tế đã ra phán quyết. Sau đó Công ty Conares Metal yêu cầu Toà án Hà Nội cho công nhận và thi hành quyết định. Trong quá trình sơ thẩm và phúc thẩm, Toà án đã áp dụng những quy định liên quan đến việc “yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định của Trọng tài nước ngoài” (8).

Kiến nghị. Giải pháp của pháp luật Việt Nam như trên là không thuyết phục vì:

Thứ nhất, với quy định như vậy, quyết định được tuyên ở nước ta bởi trọng tài nước ngoài có nhiều khả năng sẽ không bị kiểm tra bởi bất kỳ Tòa án nào. Bởi lẽ, chúng ta coi đó là quyết định nước ngoài nên sẽ không giải quyết việc yêu cầu hủy mà chỉ có thể xem xét việc công nhận và thi hành tại Việt Nam. Trong trường hợp này, ở nước ngoài họ lại coi đây là quyết định của Việt Nam nên cũng không giải quyết việc yêu cầu hủy mà chỉ có thể xem xét trên góc độ công nhận và thi hành quyết định trọng tài nước ngoài tại nước họ. Trong ví dụ trên, chúng ta coi quyết định tuyên trên lãnh thổ nước ta là quyết định trọng tài nước ngoài nên chúng ta không áp dụng những quy định hủy quyết định trọng tài của Việt Nam. ở Pháp, họ chỉ can thiệp để hủy khi quyết định trọng tài được tuyên trên lãnh thổ của Pháp. Vì quyết định trên được tuyên ở Việt Nam (tức là không trên lãnh thổ Pháp) nên Tòa án Pháp sẽ không can thiệp để hủy.

Thứ hai, với quy định như vậy, các bên sẽ không có nhu cầu yêu cầu Trọng tài quốc tế của Việt Nam để giải quyết. Các bên sẽ yêu cầu trọng tài nước ngoài giải quyết nhưng địa điểm giải quyết tại Việt Nam. Nói một các khác, chúng ta hướng các bên giải quyết bằng trọng tài nhưng không phải là trọng tài của Việt Nam mà hướng các bên tới Trọng tài nước ngoài. Điều đó có nghĩa là chúng ta không ủng hộ trọng tài của Việt Nam mà ủng hộ cho trọng tài nước ngoài tại Việt Nam. Thiết nghĩ, khái niệm quyết định trọng tài nước ngoài như trên nên sớm được thay đổi. Chúng ta không nên coi những phán quyết tuyên trên lãnh thổ Việt Nam là quyết định trọng tài nước ngoài. Do đó, những quyết định trên lãnh thổ Việt Nam sẽ chịu sự điều chỉnh của Pháp lệnh Trọng tài (hay Luật, nếu sau này sửa đổi).

II- Những việc nhà áp dụng văn bản nên làm

Hiện nay có hai chủ thể thường xuyên áp dụng Pháp lệnh, đó là Tòa án (A) và Trọng tài (B). Việc áp dụng những quy định về trọng tài tại Việt Nam cũng có thể ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của Trọng tài, tức là cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của các doanh nghiệp khi họ cân nhắc có chọn Trọng tài hay không. Chúng ta lần lượt nhìn nhận việc áp dụng pháp luật trọng tài nước ta đối với hai chủ thể này.

A- Những việc Tòa án nên làm khi áp dụng pháp luật

Các văn bản pháp luật nhiều khi thường trừu tượng, khá chung chung nên khi áp dụng vào trường hợp cụ thể sẽ có những kết quả khác nhau, tùy vào nhận thức của người áp dụng. Những quy định về trọng tài cũng vậy. Trên thực tế, đôi khi Tòa án đã vận dụng những quy định của Pháp lệnh Trọng tài theo hướng bất lợi cho Trọng tài. Việc làm này có thể giảm tính hiệu quả của Trọng tài. Do vậy, nếu chúng ta thực sự muốn Trọng tài là một phương thức giải quyết tranh chấp mà các doanh nghiệp ưa thích, thì Tòa án cũng nên cải thiện cách áp dụng pháp luật để tạo điều kiện cho Trọng tài. Ví dụ.

1- Sự tồn tại của thỏa thuận trọng tài

Sự cần thiết. Nếu không có văn bản ràng buộc các bên đưa tranh chấp ra trước Trọng tài, Trọng tài chỉ có thể giải quyết tranh chấp khi có thỏa thuận về Trọng tài. Pháp lệnh Trọng tài đã nhấn mạnh điều này.

Chẳng hạn, “pháp lệnh này quy định về tổ chức và tố tụng trọng tài để giải quyết các vụ tranh chấp phát sinh trong hoạt động thương mại theo sự thoả thuận của các bên” (Điều 1 Pháp lệnh) và “tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài, nếu trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp các bên có thoả thuận trọng tài” (Khoản1, Điều 3 Pháp lệnh). Như vậy, “thỏa thuận Trọng tài là vấn đề then chốt và có vai trò quyết định đối với việc áp dụng Trọng tài như một phương thức giải quyết tranh chấp trong kinh doanh. Nói cách khác, không có thỏa thuận Trọng tài thì không có việc giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài” (9).

Trọng tài chỉ có thẩm quyền xét xử nếu giữa các bên tồn tại một thỏa thuận chọn trọng tài để giải quyết tranh chấp. Nếu có thỏa thuận trọng tài nhưng thỏa thuận trọng tài không có giá trị pháp lý thì Trọng tài cũng không có thẩm quyền và, nếu Trọng tài vẫn giải quyết trong trường hợp này, quyết định trọng tài sẽ bị hủy theo Điều 54 Pháp lệnh.

Xác định sự tồn tại. Theo khoản 2, Điều 2 Pháp lệnh, “thỏa thuận trọng tài là thỏa thuận giữa các bên cam kết giải quyết bằng trọng tài các vụ tranh chấp có thể phát sinh hoặc đã phát sinh trong hoạt động thương mại”. Bộ luật Tố tụng dân sự cũng quy định tương tự trong Khoản 1, Điều 365, “thỏa thuận trọng tài có thể là điều khoản về Trọng tài đã được ghi trong hợp đồng hoặc thoả thuận riêng về Trọng tài được các bên ký kết sau khi phát sinh tranh chấp”. Nếu các bên nêu rõ một thỏa thuận trọng tài trong hợp đồng thì không có vấn đề gì. Tuy nhiên, thực tiễn rất phong phú và phức tạp nên Tòa án cần phải linh động để tăng hiệu quả của Trọng tài. Xin dẫn một ví dụ (10).

Ngày 10N/01/1998, Hanafood và Công ty Tràng Tiền (đều của Việt Nam) đã ký hợp đồng số 17/UT-HISTF. Theo đó, phía Công ty Tràng Tiền uỷ thác cho Hanafood nhập lô hàng 55 chiếc xe ôtô đã qua sử dụng của Công ty Woolim (Hàn Quốc). Tại Điều 5 của hợp đồng các bên đã thoả thuận là “hai bên cam kết thực hiện trách nhiệm của mình, trong quá trình thực hiện nếu có tranh chấp sẽ cùng nhau bàn bạc giải quyết. Nếu không thống nhất sẽ đưa ra Toà án kinh tế để giải quyết”. Trên cơ sở hợp đồng uỷ thác trên, cùng ngày 10/01/1998 Hanafood ký hợp đồng mua bán số 73/NK-HNF với Công ty Woolim. Tại Điều 7 của hợp đồng mua bán này, hai bên có thoả thuận: “Bất kỳ tranh chấp nào nảy sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng này mà không thể thoả thuận giải quyết, sẽ được giải quyết bởi Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh, quyết định của I.C.A sẽ là cuối cùng. Bên thua sẽ phải thanh toán lệ phí”. Ngoài hai hợp đồng trên, cùng ngày 10/01/1998, giữa Công ty Woolim (được gọi là Bên A), Công ty Tràng Tiền (được gọi là Bên B) và Hanafood (được gọi là bên C) có văn bản thoả thuận giữa ba bên với nội dung: “Bên B chịu trách nhiệm thanh toán tiền hàng trực tiếp với bên A. – Bên B chịu trách nhiệm thanh toán tiền hàng trực tiếp với Bên A thông qua tài khoản bên C. Bên C được miễn trừ trách nhiệm thanh toán cho bên A. – Bên B chịu trách nhiệm trực tiếp với bên A giải quyết mọi tranh chấp và khiếu nại nếu có. Bên C được miễn trừ mọi tranh chấp và khiếu nại nếu có”.

Ở đây, rõ ràng giữa Công ty Woolim và Hanafood có một thỏa thuận trọng tài. Vấn đề đặt ra là thỏa thuận này có ràng buộc Công ty Tràng Tiền không?

Theo Tòa án, “căn cứ vào nội dung của bản thoả thuận này (giữa ba bên), cần được hiểu rằng đây là một văn bản chuyển giao quyền và nghĩa vụ giữa các bên. Theo đó, bên phải chịu trách nhiệm thanh toán tiền hàng cho bên bán ở nước ngoài là Công ty Tràng Tiền, và cũng theo văn bản này thì phía Hanafood được miễn trừ trách nhiệm trong các tranh chấp và khiếu nại song không có nghĩa là thoả thuận về cơ quan tài phán giữa Hanafood với Woolim có giá trị ràng buộc đối với Công ty Tràng Tiền. Như vậy, có thể thấy rằng: Giữa Woolim và Hanafood có thoả thuận chọn cơ quan tài phán là Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam; giữa Công ty Tràng Tiền với Hanafood lựa chọn cơ quan tài phán là Toà án; còn giữa Woolim với Công ty Tràng Tiền không trực tiếp ký kết hợp đồng với nhau nên hai bên không có thoả thuận về cơ quan tài phán (…). Giữa Công ty Tràng Tiền và Công ty Woolim không có thoả thuận trọng tài, do đó, Công ty Tràng Tiền không thể là bị đơn trong vụ kiện”.

Phần vừa rồi cho thấy, đối với Tòa án, thì “giữa Woolim với Công ty Tràng Tiền không trực tiếp ký kết hợp đồng với nhau nên hai bên không có thoả thuận về cơ quan tài phán”. Quả thực, giữa đôi bên không trực tiếp ký một thỏa thuận trọng tài nhưng việc “chuyển giao quyền và nghĩa vụ giữa các bên” như Tòa án đã nêu có dẫn tới việc chuyển giao thỏa thuận trọng tài từ Hanafood sang Công ty Tràng Tiền không? Theo thỏa thuận của ba bên, Công ty Tràng Tiền chịu trách nhiệm thanh toán tiền hàng trực tiếp với Công ty Woolim và chịu trách nhiệm trực triếp với Công ty Woolim giải quyết mọi tranh chấp, khiếu nại nếu có. Phía Hanafood được miễn trừ mọi tranh chấp và khiếu nại nếu có. Về phần mình, Tòa án cho rằng “đây là một văn bản chuyển giao quyền và nghĩa vụ giữa các bên” nhưng Tòa án lại không thừa nhận giá trị pháp lý của thỏa thuận trọng tài trong hợp đồng ban đầu đối với công ty Tràng Tiền và Công ty Woolim.

Xét từ góc độ pháp luật Việt Nam, giải pháp của Tòa án không thực sự thuyết phục. Bởi lẽ, theo Bộ luật Dân sự nước ta, “khi người có nghĩa vụ chuyển giao nghĩa vụ cho người thế nghĩa vụ, thì người thế nghĩa vụ trở thành người có nghĩa vụ” (11). ở đây, Hanafood có nghĩa vụ thanh toán cho Công ty Woolim tiền mua hàng nhưng đã chuyển nghĩa vụ thanh toán cho Công ty Tràng Tiền nên Công ty Tràng Tiền trở thành người có nghĩa vụ (người thế nghĩa vụ) thanh toán cho Công ty Woolim. Công ty Woolim được quyền kiện đòi Hanafood nên cũng có quyền đòi Công ty Tràng Tiền. Họ được đòi Công ty Tràng Tiền như họ được quyền đòi Hanafood, trong khi đó, họ được quyền khởi kiện Hanafood bằng con đường trọng tài. Do vậy, Công ty Woolim cũng được truy đòi Công ty Tràng Tiền thông qua con đường trọng tài. Nói một cách khác, thỏa thuận trọng tài giữa Công ty Woolim và Hanafood ràng buộc Công ty Tràng Tiền vì Công ty Tràng Tiền là người thế nghĩa vụ của Hanafood. Xin nói thêm là, ở nước ngoài, như ở Pháp chẳng hạn, trong những trường hợp như vậy, Tòa án cũng cho rằng thỏa thuận trọng tài ràng buộc bên thế nghĩa vụ. Do đó, Tòa án chúng ta cũng nên vận dụng pháp luật theo hướng mà chúng tôi vừa phân tích. Với việc làm như vậy, Tòa án sẽ tăng vai trò của Trọng tài.

2) Tính không rõ ràng của thỏa thuận trọng tài

Thoả thuận không rõ ràng. Trong thực tế, khi xác lập thoả thuận trọng tài, có thể các bên không rõ ràng về đối tượng tranh chấp hay tổ chức có thẩm quyền giải quyết tranh chấp. Trong trường hợp này, các bên nên bổ sung nếu không thì thoả thuận có nguy cơ bị vô hiệu và Trọng tài không có thẩm quyền xét xử. Bởi lẽ, theo Điều 10, khoản 4, thoả thuận trọng tài vô hiệu khi “thỏa thuận trọng tài không quy định hoặc quy định không rõ đối tượng tranh chấp, tổ chức trọng tài có thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp mà sau đó các bên không có thỏa thuận bổ sung”. Pháp lệnh không định nghĩa khi nào là “thỏa thuận trọng tài không quy định hoặc quy định không rõ đối tượng tranh chấp, tổ chức trọng tài có thẩm quyền giải quyết”. Một vấn đề có thể rõ ràng với người này và không rõ ràng với người khác. Thực ra mà nói thì không có khái niệm nào “không rõ ràng” bằng khái niệm “rõ ràng”. Tất cả phụ thuộc vào những người áp dụng nó. Do đó, ranh giới giữa thỏa thuận trọng tài có giá trị pháp lý và thỏa thuận trọng tài không có giá trị pháp lý là rất mỏng manh. ở đây, nhận thức và chính sách áp dụng pháp luật của Tòa án là rất quan trọng. Xin dẫn một ví dụ minh họa.

Đánh giá của Tòa án. Giữa các bên đã thoả thuận với nhau rằng “Tranh chấp sẽ được giải quyết bởi Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh”. Nhưng theo Tòa án, đây “là một thoả thuận không rõ ràng về tổ chức trọng tài có thẩm quyển giải quyết vụ tranh chấp; và theo đó, nếu như giữa (các bên) không có sự thoả thuận bổ sung để chọn trọng tài như quy định tại Điều 10.4 Pháp lệnh trọng tài thương mại thì phải coi thoả thuận chọn trọng tài tại Điều 7 hợp đồng 73/RK-HNF là thoả thuận trọng tài vô hiệu” (12).

Ở đây, rõ ràng các bên đã muốn chọn “Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam”, mà ở nước ta chỉ có duy nhất một “Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam”. Tuy nhiên, phần sau của đoạt trên có thêm là “tại TP. Hồ Chí Minh”. Và do vậy, Tòa án đã cho rằng thỏa thuận trên là không “rõ ràng”. Ví dụ cho thấy ranh giới giữa “rõ ràng” và “không rõ ràng” đôi khi là quá mỏng manh. Nếu chúng ta ủng hộ Trọng tài, chúng ta có thể cho rằng đó chỉ là sơ suất về sử dụng từ chứ thực ra ý tưởng của các bên đã rõ ràng là chọn “Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam”. Còn phần sau có thể là nơi xét xử tại TP. Hồ Chí Minh mà nếu các bên có mâu thuẫn về nơi xét xử cũng không làm cho thỏa thuận trọng tài vô hiệu.

Ở Pháp, Tòa án cũng như Trọng tài đều chấp nhận thỏa thuận có những sơ suất như ví dụ của chúng ta. Chẳng hạn, họ đã chấp nhận thẩm quyền của Trọng tài mặc dù các bên nêu trong thỏa thuận là chọn Trọng tài của Phòng Thương mại quốc tế “có trụ sở tại Genève” hay “của Zurich” trong khi thực tế chỉ có một Phòng Thương mại quốc tế ở Paris. Theo thực tiễn của Pháp, thì đây chỉ là những sơ suất chứ ý tưởng của các bên đã rõ ràng là chọn Trọng tài của Phòng Thương mại quốc tế Paris. Như vậy, Tòa án của chúng ta cũng nên tham khảo việc vận dụng pháp luật ở nước ngoài và nên có chính sách ủng hộ trọng tài. Từ những việc làm đó, Tòa án sẽ tạo điều kiện cho Trọng tài và thúc đẩy các bên chọn Trọng tài.

B- Những việc Trọng tài nên làm khi vận dụng pháp luật

Việc làm tăng ý thức của doanh nghiệp chọn Trong tài để giải quyết tranh chấp không chỉ phụ thuộc vào việc xây dựng văn bản pháp luật hay vận dụng pháp luật của Tòa án, mà còn phụ thuộc rất nhiều vào chính công việc của Trọng tài. Những việc Trọng tài làm càng thuyết phục bao nhiêu thì chúng ta càng thuyết phục các bên chọn Trọng tài. Nhìn nhận thực tế trọng tài quốc tế Việt Nam hiện nay, thì chúng ta có thể cho rằng Trọng tài Việt Nam chưa thực sự thuyết phục. Do đó, nếu chúng ta muốn doanh nghiệp đưa tranh chấp ra Trọng tài thì bản thân Trọng tài cũng cần có sự thay đổi từ góc độ tố tụng (1) cũng như nội dung vụ tranh chấp (2).

1) Cần thận trọng trong quá trình tố tụng

Sai phạm tố tụng. Quan sát thực tiễn trọng tài quốc tế ở Việt Nam, chúng ta thấy Trọng tài đã không hiếm khi mắc phải những sai lầm về mặt tố tụng. Đây là việc làm đáng tiếc, làm giảm uy tín của chính Trọng tài. Do vậy, để đem lại lòng tin cho doanh nghiệp, Trọng tài nên có những thay đổi, cố gắng. Ví dụ sau đây cho thấy điều này.

Không tôn trọng thỏa thuận. Công ty Nghệ An và Công ty Summit đã thỏa thuận rằng “mọi thủ tục tố tụng trọng tài sẽ được tiến hành bằng tiếng Anh”. Việc chọn tiếng Anh này phù hợp với khoản 7, Điều 49 Pháp lệnh. Do đó, việc không tôn trọng tố tụng này là cơ sở để Tòa án hủy quyết định trọng tài.

Thật vậy, Tòa phúc thẩm Tòa án tối cao tại Hà Nội đã xét rằng “việc Hội đồng Trọng tài thuộc Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam hỏi các bên về việc sử dụng tiếng Việt tại phiên họp của Hội đồng Trọng tài, thì không thể coi là Summit đã đồng ý việc sử dụng tiếng Việt tại phiên họp ngày 6/5/2005 của Hội đồng Trọng tài. Vì chính trong Phán quyết của Hội đồng Trọng tài đã thể hiện: 3 Phía bị đơn vắng mặt mà không có lý do chính đáng. Và tại Biên bản phiên họp ngày 6/5/2005 cũng phản ánh: 3 Bên Bị không có mặt đại diện ủy quyền hợp pháp tại đây. Việc bà Hương (người tham dự) đã ký vào 3 Biên bản về sử dụng ngôn ngữ tại phiên họp giải quyết vụ kiện số 27/043  là người không được ủy quyền. Do đó, Hội đồng Trọng tài đã vi phạm Điều 49 Pháp lệnh Trọng tài thương mại” (13).

Ví dụ vừa rồi cho thấy, Tòa án hủy quyết định trọng tài vì Hội đồng Trọng tài không tôn trọng ngôn ngữ mà các bên thỏa thuận cho tố tụng.

2) Cần có sự thay đổi khi giải quyết nội dung tranh chấp

Pháp luật điều chỉnh (văn bản). Khoản 5, Điều 49 Pháp lệnh quy định: “Các bên có quyền thỏa thuận lựa chọn pháp luật theo quy định tại khoản 2 Điều 7 của Pháp lệnh này, tập quán thương mại quốc tế để giải quyết vụ tranh chấp”. Vậy theo Điều 49, các bên có quyền thoả thuận chọn pháp luật một nước và tập quán thương mại quốc tế để điều chỉnh hợp đồng. Và “trong trường hợp các bên không lựa chọn được pháp luật để giải quyết vụ tranh chấp thì Hội đồng Trọng tài quyết định” (khoản 2, Điều 7 Pháp lệnh). Cũng cần biết là theo Quy tắc tố tụng của Trọng tài quốc tế Việt Nam được áp dụng từ ngày 1/7/2004, trong trường hợp như vậy, “Hội đồng Trọng tài quyết định chọn luật áp dụng mà Hội đồng Trọng tài cho là phù hợp”.

Như vậy, đối với quan hệ có yếu tố nước ngoài, Trọng tài áp dụng pháp luật do các bên lựa chọn và, nếu không có sự lựa chọn của các bên, Trọng tài tự quyết định.

Thực tiễn pháp lý. Trong thực tế, Trọng tài Việt Nam nhìn chung là hướng tới áp dụng pháp luật Việt Nam. Ví dụ, liên quan đến tranh chấp giữa một công ty Việt Nam và một Công ty Malaisya, theo Hội đồng Trọng tài, “trong Hợp đồng số No S0040 /05, hai bên đã xác định tại thỏa thuận Trọng tài là chọn quy tắc tố tụng và pháp luật của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam. Mặt khác, trong đơn kiện của Việt Linh gửi Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam có nêu rõ việc áp dụng pháp luật Việt Nam, cụ thể là Luật Thương mại 1997, Pháp lệnh Trọng tài thương mại 2003, Nghị định 25/2004/NĐ-CP ngày 15/1/2004, Nghị quyết số 05/2003/NQ-HĐTP ngày 31/7/2003 và quy tắc tố tụng của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam. Phía bị đơn cho đến thời điểm mở phiên xét xử không hề có ý kiến phản bác đối với đề nghị áp dụng luật của công ty Việt Linh. Xuất phát từ những căn cứ này, Hội đồng trọng tài quyết định luật áp dụng là pháp luật nước CHXHCN Việt Nam để giải quyết vụ kiện”.

Nhận xét. Mặc dù văn bản quy định các bên có thể chọn pháp luật điều chỉnh và khi các bên không lựa chọn thì Trọng tài quyết định, nhưng thực tế, bằng cách này hay cách khác, Trọng tài hướng tới áp dụng pháp luật Việt Nam. Ví dụ nêu trên cho thấy điều đó (14). Từ ba năm nay, chúng tôi đã cố gắng tìm kiếm một quyết định của Trọng tài quốc tế Việt Nam mà ở đó, Trọng tài thực sự áp dụng pháp luật nước ngoài để giải quyết tranh chấp nhưng chúng tôi vẫn chưa tìm thấy. Với thực tế như vậy, thì Trọng tài Việt Nam không khác gì Tòa án Việt Nam vì, đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài, tòa án thường hướng tới áp dụng pháp luật Việt Nam (15).

Hơn nữa, đôi khi việc Trọng tài áp dụng pháp luật Việt Nam không thuyết phục. Chẳng hạn, trong một quyết định của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, chúng ta thấy ghi như sau: “mức phạt hợp đồng 30% giá trị của Hợp đồng là cao hơn so với mức quy định của pháp luật Việt Nam, cụ thể là Luật Thương mại quy định mức phạt hợp đồng không quá 8% giá trị của hợp đồng, do vậy, bị đơn sẽ chỉ phải thanh toán cho nguyên đơn khoản tiền phạt theo luật là 8% giá trị của hợp đồng”. Như vậy, đối với Trọng tài, theo Luật Thương mại Việt Nam thì “mức phạt hợp đồng không quá 8% giá trị của hợp đồng”. Nhận thức này là không chính xác bởi Luật Thương mại chỉ quy định “không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm”. Mức giới hạn của Trọng tài như đã nêu và của Luật Thương mại là khác nhau (16). Như vậy, bản thân Trọng tài vẫn chưa cho thấy họ hiệu quả hơn Tòa án trong việc xác định pháp luật Việt Nam hay pháp luật nước ngoài để điều chỉnh tranh chấp và, khi quyết định áp dụng pháp luật Việt Nam thì thực tế áp dụng nội dung pháp luật Việt Nam đôi khi không thuyết phục. Do vậy, bản thân công việc mà Trọng tài đã làm không khuyến khích doanh nghiệp đến với họ.

Phân biệt. Pháp lệnh quy định trọng tài giải quyết tranh chấp có yếu tố nước ngoài và tranh chấp không có yếu tố nước ngoài. Nhìn chung, những quy định điều chỉnh Trọng tài quốc nội được áp dụng cho Trọng tài quốc tế.

Tuy nhiên, đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài, chúng ta có một số đặc thù. Ví dụ, đối với tranh chấp không có yếu tố nước ngoài, “Hội đồng Trọng tài áp dụng pháp luật của Việt Nam để giải quyết tranh chấp” nhưng “đối với vụ tranh chấp có yếu tố nước ngoài, Hội đồng Trọng tài áp dụng pháp luật do các bên lựa chọn”. “Trong trường hợp các bên không lựa chọn được pháp luật để giải quyết vụ tranh chấp thì Hội đồng Trọng tài quyết định” (Điều 7 Pháp lệnh Trọng tài). Theo Quy tắc tố tụng của Trung tâm Trọng tài quốc tế, đối với tranh chấp không có yếu tố nước ngoài, các bên chọn “Trọng tài viên có tên trong Danh sách Trọng tài viên”. Nhưng, “trong vụ tranh chấp có yếu tố nước ngoài”, họ “có thể chọn một Trọng tài viên có tên trong hoặc ngoài Danh sách Trọng tài viên”. Cũng theo Quy tắc tố tụng của Trung tâm Trọng tài quốc tế (Điều 18), “ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng trọng tài là tiếng Việt. Đối với vụ tranh chấp có yếu tố nước ngoài, các bên có quyền thỏa thuận về ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng trọng tài. Nếu các bên không có thỏa thuận thì ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng trọng tài là tiếng Việt”.

Việc phân biệt hai loại trọng tài (có yếu tố nước ngoài và không có yếu tố nước ngoài) là cần thiết. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn dè dặt. ở Pháp, liên quan đến khái niệm “thương mại quốc tế” (điều kiện để thỏa thuận trọng tài có giá trị pháp lý), văn bản sử dụng cụm từ này nhưng không định nghĩa. Do đó, Tòa án đã vận dụng theo hướng có lợi cho trọng tài quốc tế. Chẳng hạn, nếu là tranh chấp không có yếu tố nước ngoài thì tranh chấp giữa một thương nhân và một người tiêu dùng không thể được đưa ra trước trọng tài vì đây không phải là tranh chấp thương mại. Nhưng đối với trọng tài quốc tế thì Tòa án Pháp đã cho rằng, thỏa thuận trọng tài giữa một công ty nước ngoài và một cá nhân Pháp về việc mua một chiếc ô tô cá nhân có giá trị pháp lý. ở đây, chúng ta thấy Tòa án đã tách khái niệm “thương mại” trong quan hệ có yếu tố nước ngoài ra khỏi khái niệm “thương mại” trong quan hệ trong nước. Họ sử dụng khái niệm “thương mại” này ở hai đối tượng khác nhau với hàm ý khác nhau theo hướng có lợi cho trọng tài quốc tế. Đây cũng là một kinh nghiệm để chúng ta học hỏi khi chúng ta muốn thu hút các doanh nghiệp nước ngoài.

Kết luận. Việc Trọng tài có hiệu quả hay không, việc các doanh nghiệp có muốn đưa tranh chấp ra Trọng tài hay không không phải là công việc của một người, mà phụ thuộc vào cả một hệ thống. Tất cả phụ thuộc vào chính sách của các nhà xây dựng văn bản, vào chính sách của những người áp dụng văn bản và vào chất lượng xét xử của Trọng tài. Hiện nay, Trọng tài chưa thực sự được đánh giá cao ở Việt Nam; trong khi đó, ở các nước như ở Pháp và Trung Quốc, Trọng tài đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết tranh chấp. Thực tế này ở Việt Nam không hẳn là do văn bản chưa thực sự phù hợp, mà còn do cách vận dụng văn bản của Tòa án và sự không thuyết phục của những gì Trọng tài đã làm. Nếu chúng ta muốn thay đổi thực tế này, thì cùng một lúc những nhà xây dựng văn bản và áp dụng văn bản cùng phải cố gắng với một chính sách ủng hộ Trọng tài.

Chú thích:

(1) Xem Tòa thượng thẩm Sài Gòn ngày 8/7/1897 : Tạp chí Penant, article 1278, tr. 31.

(2) Nguyễn Đình Thơ, Một số vấn đề về thỏa thuận trọng tài, Tạp chí Tòa án nhân dân tháng 10/2006 (số 20) tr. 15 và tiếp theo.

(3) Xem Hoàng An, Quan hệ có hiệu quả giữa Tòa án và trọng tài với việc áp dụng tốt Pháp lệnh Trọng tài, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật số chuyên đề về trọng tài thương mại, tháng 6/2007, tr. 16.

(4) Quyết định số 04/2006/QĐ ngày 06/1/2006 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội.

(5) Theo tác giải Hoàng An, “trong thực tế, khi tranh chấp đã phát sinh các bên khó có thể thỏa thuận lại điều khoản trọng tài”, xem Hoàng An, Quan hệ có hiệu quả…, bđd, tr. 15.

(6) Xem Bản án số 37/2006/KDTM-ST ngày 14+20/4/2006 của Tòa án nhân dân TP. Hà Nội.

(7) Bản án số 01/QĐKT ngày 14 tháng 7 năm 2004 của Tòa án nhân dân TP. Hà Nội.

(8) Xem Quyết định số 142/2005/QĐPT ngày 12/7/2005 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội.

(9) Dương Đăng Huệ, Một điển hình của việc xây dựng pháp luật theo hướng hội nhập, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 06/2003, tr. 60.

(10) Bản án số 01/QĐKT ngày 14/7/ 2004 của Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội.

(11) Theo Bộ luật Dân sự, “người có nghĩa vụ có thể chuyển giao nghĩa vụ cho người khác (gọi là người thế nghĩa vụ), nếu được người có quyền đồng ý, trừ trường hợp nghĩa vụ gắn liền với nhân thân của người có nghĩa vụ hoặc pháp luật có quy định không được chuyển giao nghĩa vụ”.

(12) Bản án số 01/QĐKT ngày 14/7/2004 của Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội.

(13) Quyết định số 04/2006/QĐ ngày 06/1/2006 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội.

(14) Về thực trạng này, xem thêm Đỗ Văn Đại và Mai Hồng Quỳ, Tư pháp quốc tế Việt Nam, Nxb. ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh 2006, phần số 320 và tiếp theo.

(15) “Khi các bên không có thỏa thuận về pháp luật điều chỉnh hợp đồng, Tòa án Việt Nam  có xu hướng chung là áp dụng pháp luật Việt Nam. Ví dụ, đối với tranh chấp về hợp đồng ký ngày 27/7/1993 giữa một doanh nghiệp Việt Nam và một doanh nghiệp Đài Loan, hợp đồng không có điều khoản về pháp luật chi phối hợp đồng, Tòa án Việt Nam áp dụng pháp luật Việt Nam và không lý giải tại sao. Tương tự, đối với hợp đồng không có điều khoản về pháp luật áp dụng giữa một doanh nghiệp Việt Nam và một doanh nghiệp Nhât Bản, Tòa án Việt Nam đã áp dụng pháp luật Việt Nam để giải quyết tranh chấp và cũng không lý giải tại sao”. Đỗ Văn Đại và Mai Hồng Quỳ, sđd, số 362.

(16) Về sự khác nhau này, xem Đỗ Văn Đại, Phạt vi phạm hợp đồng trong pháp luật thực định Việt Nam, Tạp chí Tòa án số 19/2007, tr. 12 và tiếp theo.

SOURCE: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP SỐ 2 (119) NĂM 2008

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :