KINH TẾ HỘ GIA ĐÌNH TRONG SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP HÀNG HÓA

ĐOÀN QUANG THIỆU Nước ta có trên 13 triệu hộ nông dân, lực lượng này là nền tảng của nền kinh tế, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, giữ vững an ninh chính trị – xã hội. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, việc xây dựng mô hình kinh tế hộ sản xuất nông nghiệp hàng hóa là rất cần thiết. Bài viết dưới đây đề cập đến các hình thức, nội dung của một số mô hình kinh tế hộ và giải pháp phát triển trong nền kinh tế hàng hóa. Kinh tế hộ gia đình đã có đóng góp lớn cho kinh tế nông nghiệp, sản xuất lúa gạo đạt tỷ suất hàng hóa khoảng trên 50%, cà phê 45%, cao su 85%, chè trên 60%, điều trên 90%. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận không nhỏ hộ gia đình đang loay hoay trong cảnh sản xuất tự cấp, tự túc, thậm chí còn nhiều hộ sản xuất tự nhiên, nhất là ở vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nền kinh tế hàng hóa phát triển cũng đồng thời dẫn đến sự phân hóa giàu nghèo. Về lương thực, thực phẩm tỷ lệ hộ nghèo cả nước là 28,9%, trong đó nông thôn là 35,7% (thấp nhất là vùng Đông Nam Bộ 22%, cao nhất là vùng Tây Bắc 68,7%). Hiện nay, cả nước vẫn còn trên 1 triệu hộ nghèo. Vì vậy, việc nghiên cứu vận dụng các mô hình kinh tế hộ gia đình sản xuất hàng hóa nhằm nâng cao năng lực sản xuất của các hộ kinh tế nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay là rất cấp thiết Các mô hình kinh tế hộ gia đình Mô hình sản xuất chuyên canh trong nông nghiệp Chuyên chăn nuôi: Bò sữa; cá, tôm, cua; hươu, trăn, rắn mô hình này đang phát triển mạnh ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH), ven biển miền Trung Chuyên trồng trọt: Chè, cà phê, cao su mô hình này chủ yếu ở Trung du miền Núi phía Bắc, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ. Đây là mô hình các hộ kinh tế làm vệ tinh nguyên liệu cho các doanh nghiệp chế biến.   Mô hình hộ gia đình chuyên canh nông nghiệp phù hợp và phổ biến ở gần các đô thị, doanh nghiệp (cao su, chè, cà phê, bông, mía đường hoặc xí nghiệp chế biến giấy). Mô hình kinh tế hộ loại này thường có quy mô lớn, khối lượng hàng hóa nhiều, cho thu nhập ổn định, đời sống người dân được cải thiện. Tuy nhiên, dễ gặp rủi ro do giá cả biến động theo thị trường, ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết, khí hậu. Mô hình sản xuất lúa nước – nuôi cá nước ngọt – chăn nuôi gia cầm Phát triển chủ yếu ở vùng ĐBSH và ĐBSCL, các tỉnh vùng trũng trồng một vụ lúa không chắc ăn. Mô hình này thực sự có hiệu quả. Doanh thu nhiều hộ hàng năm đạt hàng trăm triệu đồng, thu nhập đạt hàng chục triệu đồng. Đây là những nông hộ cung cấp lượng nông sản hàng hóa lớn cho xuất khẩu, tuy nhiên những vấn đề như dịch bệnh, giá cả bấp bênh và thiếu thông tin về thị trường có ảnh hưởng lớn đến sự bền vững của mô hình. Mô hình hộ liên kết chăn nuôi lợn theo phương thức bán công nghiệp – thâm canh lúa, màu Mô hình này đã và đang phát triển có hiệu quả ở ĐBSH… Loại mô hình này cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các hộ, giữa hộ với các chủ thể thu gom, chế biến, xuất khẩu. Để mô hình phát triển cần đảm bảo quy trình kỹ thuật chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh, chuồng trại hiện đại; có giống lợn và giống lúa tốt. Bên cạnh đó các chủ hộ cũng cần xác định quy mô hợp lý, chủ động nguồn thức ăn và nắm chắc thông tin thị trường tiêu thụ. Mô hình sản xuất cây giống (cây trồng nông, lâm nghiệp), vật nuôi (lợn giống, gia cầm giống và các giống vật nuôi thủy đặc sản) Đây là mô hình phát triển sản xuất giống cây trồng ở trung du miền núi (giống cà phê, cao su, chè, cây ăn quả các loại); giống vật nuôi ở ĐBSCL, ĐBSH, ven biển (giống tôm, cua, cá ba ba). Mô hình này rất hấp dẫn về các loại giống mới, đặc sản, giống sạch, có chất lượng và sản lượng cao, có giá trị trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Mô hình này cho lãi cao nhưng chủ hộ phải có vốn lớn, nắm vững khoa học và công nghệ (KH&CN), việc nhân rộng không dễ. Mô hình nuôi bò sữa – chế biến – tiêu thụ tại chỗ Mô hình này được phát triển ở ngoại thành Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh hoặc các vùng có khí hậu thuận lợi như Mộc Châu (Sơn La), Vĩnh Phúc, Lâm Đồng. Nếu chế biến và marketing tốt, có trang thiết bị hiện đại, tổ chức quản lý tốt, đảm bảo vệ sinh an toàn thì mô hình này sẽ đạt hiệu quả và phát triển bền vững. Tuy nhiên, hiện nay mô hình này đang gặp khó khăn do giá cả biến động theo chiều không có lợi cho nông dân. Mô hình chuyên canh rau, hoa, quả xuất khẩu dịch vụ thương mại tại nhà Mô hình này đang phát triển mạnh tại vùng ven thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), vùng có khí hậu á nhiệt đới: Sa pa (Lao Cai), Lạng Sơn, Cao Bằng, Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Lục Ngạn (Bắc Giang ) Để mô hình này phát triển, các hộ cần nâng cao hơn nữa chất lượng, hình thức, khả năng bảo quản và uy tín trên thị trường. Mô hình nông – lâm kết hợp Loại mô hình này được phát triển rộng rãi ở vùng trung du và miền núi. Cây trồng gồm: Cây rừng, đỗ đậu, cây ăn quả, cây dược liệu, cây công nghiệp, cây đặc sản Vật nuôi gồm trâu, bò, lợn, dê, gia cầm, chim, thú rừng… Hoạt động lâm nghiệp gồm: Bảo vệ, khai thác, trồng, sơ chế, chăm sóc, cải tạo rừng… Phương thức canh tác đặc trưng là canh tác trên đất dốc. Hiện nay, một số nơi đã xuất hiện các nghề như dịch vụ du lịch sinh thái, sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu. Mô hình này còn khó khăn về vốn, khả năng ứng dụng KH&CN, hạ tầng cơ sở… Mô hình sản xuất nông nghiệp kiêm ngành nghề tiểu thủ công nghiệp Mô hình này thường hoạt động thành làng, gần đây có nơi đã phát triển thành quy mô nhiều làng, xã. Dù hoạt động tiểu thủ công nghiệp có phát triển, nhưng đa phần các hộ gia đình đều không quên giữ đất để sản xuất và chăn nuôi nhằm tự túc lương thực, thực phẩm. Mô hình này đang có những tồn tại về mặt bằng sản xuất, gây ô nhiễm môi trường, rất cần có quy hoạch lại. Mô hình sản xuất – kinh doanh tổng hợp Mô hình này hình thành ở các thị tam, thị tứ hoặc các trung tâm cụm xã theo đầu mối giao thông. Sản xuất nông lâm nghiệp – kinh doanh tổng hợp là mô hình kinh tế hộ ngày càng có hiệu quả ở nhiều địa phương, nhất là ở các tỉnh trung du, miền núi. Xu hướng phát triển các hộ gia đình này sẽ thành các trang trại gia đình hoặc doanh nghiệp tư nhân. Đồng thời với quy mô và có vốn lớn, các hộ này còn kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vật liệu xây dựng hoặc thu gom, chế biến sản phẩm. Qua 9 loại mô hình kinh tế hộ gia đình hiện đang nổi lên ở mỗi vùng kinh tế sinh thái, với từng loại cây trồng, vật nuôi và thị trường, nhìn chung các hộ gia đình sản xuất kinh – doanh tổng hợp (gồm cả sản xuất – chế biến – tiêu thụ – dịch vụ đầu vào); hộ gia đình nông – lâm nghiệp kết hợp (gồm cả trồng trọt nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi gia súc – thủy sản) đang được phát triển. Hướng phát triển các hộ này là tiến tới tích tụ ruộng, đất, vốn để hình thành các trang trại, các doanh nghiệp tư nhân đủ sức, đủ lực để hợp tác, liên kết, liên doanh, hợp tác với các thành phần kinh tế khác, với các tổ chức/cá nhân đầu tư vốn, KH&CN để sản xuất theo hướng thâm canh, đa canh và đa dạng nguồn thu nhập. Các hộ gia đình sản xuất kinh doanh cây/con đặc sản đang có cơ hội thị trường trong nước và xuất khẩu. Giải pháp phát triển Trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường thì kinh tế hộ đồng thời cũng được tiếp thu cơ giới hóa, điện khí hóa và tin học hóa, chuyển dần từ tiểu nông tự cấp, tự túc sang sản xuất hàng hóa trên cơ sở tích tụ đất đai, tiến tới kinh tế trang trại hộ gia đình. Nền kinh tế nông nghiệp hàng hóa tức là phải có trên 60% số hộ nông dân sản xuất hàng hóa và tỷ xuất hàng hóa của các hộ này phải trên 75% tổng khối lượng sản phẩm. Để sản xuất nông nghiệp nước ta trở thành nền sản xuất hàng hóa, cần có các giải pháp đẩy mạnh sự phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các mô hình kinh tế hộ. Về chính sách đất đai Hiện nay cả nước có trên 13 triệu nông hộ, canh tác trên 70 triệu mảnh đất, rất khó khăn cho các hộ tiến hành phát triển sản xuất. Cần thực hiện chính sách dồn điền, dồn thửa trên cơ sở xây dựng tiêu chí phân loại đất đai, hệ số quy đổi Tiến hành giao quyền sử dụng đất nông, lâm nghiệp để các hộ gia đình chủ động đầu tư sản xuất, thực hiện chính sách sang, nhượng, cho thuê quyền sử dụng đất để có cơ hội tích tụ ruộng đất. Hạn mức đất nông, lâm nghiệp giao cho hộ gia đình không nên quy định theo vùng, theo tỉnh mà theo quỹ đất của mỗi địa phương cụ thể. Không nên phân loại giao quyền sử dụng đất cho hộ gia đình dưới dạng đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp riêng, vì trong thực tế quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế sẽ dẫn đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Thời gian giao đất ổn định sản xuất lâu dài nên thống nhất cả đất cây lâu năm và nuôi trồng thủy sản là 50 năm. Có chính sách khuyến khích hộ gia đình có vốn, có điều kiện sản xuất không nhất thiết phải là người địa phương nhận thuê, sang nhượng quyền sử dụng đất để phát trển sản xuất nông – lâm – thủy sản. Về định hướng, quy hoạch phát triển hàng hóa - Nhà nước cần có biện pháp cụ thể, hỗ trợ có hiệu quả về giống cây trồng, vật nuôi và thị trường tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo ổn định, tránh gây thiệt hại cho hộ nông dân. Cần có chiến lược và chính sách thị trường và thương mại nông sản hàng hóa. - Phát triển thị trường nông thôn (nông sản, vật tư, lao động, tín dụng, tư liệu sinh hoạt). Các doanh nghiệp quốc doanh giữ vai trò bình ổn giá cả, khuyến khích các thành phần kinh tế, tạo điều kiện cho hộ nông dân trực tiếp buôn bán với các đối tác. Đưa KH&CN đến từng hộ gia đình - Các cơ quan nghiên cứu về KH&CN nông – lâm nghiệp vùng có trách nhiệm giúp địa phương quy hoạch sản xuất nông lâm nghiệp ngn và dài hạn. Có các chương trình nghiên cứu và ứng dụng KH&CN cho mỗi địa phương cụ thể, với mục đích phục vụ hộ nông dân. - Xây dựng và củng cố hệ thống khuyến nông để giúp nông dân về giống, phân bón, thuốc trừ sâu, kỹ thuật canh tác. Gắn trách nhiệm vật chất giữa khuyến nông với kết quả sản xuất của mỗi hộ gia đình cụ thể. - Tổ chức liên kết, liên doanh giữa các nhà khoa học, tổ chức khoa học với hộ nông dân trong việc chuyển giao ứng dụng KH&CN vào sản xuất. Chính sách tín dụng - Nhà nước cần cân đối các nguồn vốn đầu tư thích đáng cho nông nghiệp. So với sự đóng góp của kinh tế nông nghiệp đối với nền kinh tế quốc dân thì đầu tư cho nông nghiệp nhiều năm nay còn quá thấp (11-14% vốn đầu tư ngân sách của Nhà nước). Theo chúng tôi, đầu tư ở mức trên 20% là tương xứng (chưa kể mức lạm phát như hiện nay). Vốn đầu tư ngân sách chủ yếu cho xây dựng cơ sở hạ tầng phải thiết thực, chất lượng để người nông dân được thụ hưởng. - Cần có chính sách thu hút đầu tư của nước ngoài, bởi đây là khu vực kém hấp dẫn đầu tư, đến nay nông nghiệp nước ta chỉ thu hút khoảng từ 3-5 % vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài. - Tạo lập quan hệ hợp tác, liên kết, liên doanh: Hộ nông dân – Nhà đầu tư – Nhà khoa học – Doanh nghiệp – Nhà nước. Đào tạo tay nghề cho người lao động Khả năng tiếp thu KH&CN và trình độ tay nghề của người lao động là điều kiện để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Hiện nay, 1 lao động Việt Nam trong 1 năm mới tạo ra 1,3 tấn lương thực và 77 kg thịt hơi; trong khi đó, 1 lao động nông nghiệp của Mỹ tạo ra khoảng 100 tấn lương thực và gần 10 tấn thịt các loại. Để công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, việc cấp bách hiện nay là nâng cao chất lượng lao động ngay trong hộ gia đình, thông qua các trung tâm đào tạo nghề, các cơ sở khoa học, trung tâm khuyến nông. Nhà nước đã có chủ trương đào tạo hàng năm cho nông dân. Vấn đề đặt ra là đào tạo cho nông dân những gì mà họ cần để phát triển kinh tế ngay trên mảnh đất của họ, nên ngành nghề đào tạo, kỹ thuật cần được xác định cụ thể phù hợp cho từng vùng. Trong những năm tới cố gắng phấn đấu đạt mức 30% lao động nông thôn được đào tạo nghề (hiện nay mới chỉ 9%). _________________________________ Tài liệu tham khảo 1 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, năm 2001. 2 Tổng Cục thống kê: Kết quả điều tra mức sống hộ gia đình năm 2002. 3 Tổng Cục thống kê: Kết quả điều tra nông nghiệp, nông thôn và thủy sản năm 2002. 4 TS. Nguyễn Từ: Đề tài ngành nông nghiệp trong phát triển bền vững ở Việt Nam – Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, năm 2003. 5 GS-TS Mai Ngọc Cường: Chính sách xã hội nông thôn – Nhà xuất bản Lý luận Chính trị, năm 2006.  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật