KHỦNG HOẢNG KINH TẾ TOÀN CẦU TỪ GÓC NHÌN LỢI ÍCH

Khủng hoảng tài chính toàn cầu là vấn đề xuyên suốt, trọng tâm của kinh tế thế giới năm 2008 và hiện là tâm điểm sự chú ý của dư luận toàn thế giới. Cuộc khủng hoảng này bắt đầu từ hoạt động cho vay thế chấp dưới chuẩn quá dễ dãi và thiếu kiểm soát ở Mỹ dẫn đến sự đổ vỡ dây chuyền trong ngành tài chính Mỹ bắt đầu từ giữa tháng 9-2008, sau đó đã lan qua Đại Tây Dương, tới châu Âu, châu á và gây ra cơn “địa chấn” kinh tế toàn cầu. Chỉ riêng trong năm 2008 đã có trên 30 nghìn tỉ USD, tức là xấp xỉ một nửa vốn toàn thế giới bị “bốc hơi”. Một loạt tập đoàn kinh tế lớn như General Motors, Chrysler,… đứng trên bờ vực phá sản. Sau nỗi hoảng sợ của cả thế giới là trạng thái “đóng băng” tín dụng gần như trên phạm vi toàn cầu. Nhiều nghiên cứu đã phân tích căn nguyên cũng như hệ quả của khủng hoảng dưới nhiều góc độ khác nhau. Bài viết này phân tích cuộc khủng hoảng dưới góc độ lợi ích. Cuộc khủng hoảng tài chính đã đẩy nền kinh tế toàn cầu lâm vào suy thoái với sức lây lan nhanh và mức độ nghiêm trọng chưa từng thấy. Theo dự báo, nền kinh tế các nước G7 từ mức tăng trưởng GDP 1% năm 2008 tụt xuống -2% năm 2009. ở các nền kinh tế đang phát triển có đà tăng trưởng nhanh như Nga, Trung Quốc, ấn Độ, mức tăng GDP năm 2009 cũng chỉ còn bằng xấp xỉ 50% năm 2007. Đầu tư FDI toàn cầu, vốn ODA cam kết và lượng kiều hối chảy về các nước đang phát triển đều sụt giảm nghiêm trọng. Nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới đánh giá, cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay còn nặng nề, tồi tệ hơn cả cuộc đại suy thoái kinh tế thế giới thời kỳ 1929 – 1933. 1 – Tại sao khủng hoảng? Cần trở lại lịch sử của vấn đề để tìm câu trả lời. Vào những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ XX, dưới thời Tổng thống R. Ri-gân, một lý thuyết kinh tế mới đã ra đời ở nước Mỹ và nhanh chóng tìm được sự hưởng ứng mạnh mẽ trong cả hệ thống các nước tư bản, đặc biệt là ở Anh với Thủ tướng lúc đó là M. That-chơ. Lý thuyết đó sau này được người ta gọi là chủ nghĩa tự do mới hay là chủ nghĩa Ri-gân. Hạt nhân của học thuyết tự do mới là hạn chế đến mức thấp nhất sự can thiệp của chính phủ vào lĩnh vực kinh tế để cho nền kinh tế vận hành tự do hoàn toàn theo cơ chế thị trường.   Dưới thời Tổng thống B. Clin-tơn, chủ nghĩa tự do mới được tiếp thêm sức để vượt qua rào cản an toàn cuối cùng với việc dỡ bỏ Đạo luật Glass – Steagall, một đạo luật về chế độ kiểm soát hệ thống ngân hàng được ra đời trên cơ sở những bài học từ sự đổ vỡ trong cuộc đại khủng hoảng 1929 – 1933. Những thiết chế mới dựng lên từ học thuyết tự do mới đã cho phép các ngân hàng cho vay tín dụng dưới chuẩn, một loại tín dụng thế chấp rủi ro cao để các hộ gia đình mua bất động sản. Trong khi năng lực trả nợ của khách hàng rất thấp và giá trị món tiền vay lại tùy thuộc vào thời giá của ngôi nhà định mua. Đồng thời, nợ được chuyển giao từ người này sang người khác thông qua quá trình trái phiếu hóa các khoản nợ này cho các nhà đầu tư. Khi các ngân hàng chạy theo lợi nhuận một cách quá tham lam, cộng với thể chế tài chính cho phép, hàng loạt các khoản nợ đã chồng lên nợ và đã được biến thành cổ phiếu thông qua quá trình trái phiếu hóa. Thêm vào đó là các hoạt động tín dụng tiêu dùng rất phát triển tại Mỹ cho phép người dân có thể tiêu dùng vượt lên trước những nguồn thu nhập đang hứa hẹn trong tương lai. Cứ như vậy, lợi ích cá nhân, chủ nghĩa tiêu dùng theo kiểu Mỹ làm cho vòng quay “cho vay – vay – tiêu dùng – nợ – trả nợ…” vận hành với tốc độ quá mức kiểm soát mà vẫn tạo ra cảm giác ai cũng có lợi. Chỉ đến khi một mắt xích nhỏ nào đó bị trục trặc, chẳng hạn, một doanh nghiệp mất khả năng chi trả hay một cá nhân bị thất nghiệp, thì nhà kinh doanh không thu được tiền từ tín dụng thương mại, nhà ngân hàng không có tiền để chi trả – mất khả năng thanh toán. Lúc này mới vỡ lẽ ra thực chất là tư bản giả phình to quá mức, trở thành “bong bóng”. Khi cái “bong bóng” này vỡ ra thì toàn bộ nền kinh tế đều rơi vào trạng thái thiếu tiền, buộc chính phủ phải bơm tiền hết lần này đến lần khác cho tới khi nền kinh tế thoát ra khỏi vòng xoáy đó. Vậy nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện nay là gì nếu không phải là sự nhắm mắt chạy đua lợi ích của các nhà tư bản!Trong thị trường tự do tư bản chủ nghĩa, lợi nhuận là mục tiêu hàng đầu của mọi hành vi kinh tế. Mỗi khi tính toán cho thấy có lợi nhuận, các nhà tư bản sẵn sàng lao vào cuộc chơi: vay tiền – đầu tư – sản xuất – bán hàng ra thị trường. Nhưng khi lượng hàng hóa quá nhiều, vượt quá khả năng tiêu dùng sẽ dẫn đến tình trạng sản xuất thừa – căn nguyên của khủng hoảng. Để bảo đảm cho lợi ích của mình, giới chủ tư bản đã bằng mọi giá thúc đẩy tư nhân hóa các doanh nghiệp và tự do hóa thị trường, giảm thiểu tối đa sự can thiệp của nhà nước vào sự vận hành nền kinh tế. Lợi ích của các tập đoàn tư bản là động lực, mục đích chủ yếu và tạo thành các điều kiện, sức mạnh chi phối chính sách phát triển của các nhà nước tư bản chủ nghĩa. Với mong muốn đồng tiền quay vòng liên tục mà các nhà tư bản, bắt đầu từ Mỹ đã tạo ra “đòn bẩy tài chính”, mà thực chất là sự khuếch đại tư bản giả. Đây là nguyên nhân chính của cuộc khủng hoảng lần này. Cùng với việc đó, họ còn cổ vũ cho người dân chạy theo chủ nghĩa tiêu dùng và thực dụng. Theo thống kê, người dân Mỹ có mức tiêu dùng nhiều nhất thế giới. Nếu cả thế giới đều tiêu dùng như Mỹ thì cần một lượng tài nguyên gấp 5 – 7 lần trái đất hiện có. Thực tế, người dân Mỹ đã vay khá nhiều để tiêu dùng, sinh viên trả tiền ăn học… và đến nay họ không còn khả năng chi trả những món nợ này. Một biểu hiện rõ nhất của chủ nghĩa thực dụng, sự mong muốn làm giàu “tột cùng” là việc xuất hiện nhiều vụ lừa đảo tài chính, mà điển hình là vụ Ma-đốp (Madoff)(1). Vấn đề lợi ích cũng rất dễ nhận ra qua việc phân chia không công bằng những thành quả đạt được của tăng trưởng kinh tế thế giới những năm qua. Trong khi nhiều người giàu có, sống cuộc sống vương giả thì hàng triệu người thất nghiệp và không có cơ hội vươn lên. Trong khi các nước phát triển với sức mạnh tài chính, khoa học – công nghệ to lớn của mình vươn “vòi bạch tuộc” ra khắp mọi nơi thì các nước nghèo, chủ yếu dựa vào phát triển nông nghiệp lại không thể mang sản phẩm của mình vào thị trường các nước công nghiệp phát triển bởi những rào cản và khoản trợ cấp khổng lồ của họ đối với nền nông nghiệp của mình. Sự chênh lệch giàu nghèo không chỉ là vấn đề xã hội mà còn là vấn đề kinh tế, cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng. Bởi những người có tiềm năng tiêu thụ thì không có tiền, còn những người có tiền thì lại không có nhu cầu mua sắm. Thực ra, lợi ích là vấn đề không mới trong chủ nghĩa tư bản. Với mong muốn kiếm lợi, chủ nghĩa tư bản sẵn sàng làm tất cả. C.Mác đã từng nói rằng, nếu tỷ suất lợi nhuận lên 300% thì tự treo cổ mình lên nhà tư bản cũng sẵn sàng làm. Cũng chính ông đã chỉ ra rằng, để bán được nhiều hàng, tăng quay vòng dưới chủ nghĩa tư bản sẽ phát triển việc phát hành cổ phiếu, tín phiếu và trái phiếu để kích thích gia tăng giá trị của tư bản giả, việc này tuy có tác dụng kích thích phát triển mạnh, nhưng thực chất cũng là một thứ lừa dối lẫn nhau. Trên thực tế, trong cuộc đại khủng hoảng 1929 – 1933, khi “bong bóng” bất động sản ở Mỹ nổ tung, đã là một bài học minh chứng cho những cảnh báo này. Nó cũng bắt nguồn từ những lỗ hổng của nền kinh tế tư bản tự do khi lòng tham bị đẩy lên cao độ dẫn tới sự đầu cơ mù quáng, đã đưa đến bi kịch: Thị trường bất động sản rớt giá thảm hại và “đóng băng”; lãi suất bị đẩy lên cao; hàng loạt đối tượng vay vốn không còn khả năng thanh toán. Nạn đầu cơ ở mức độ thảm khốc lúc đó cũng đánh sập cả những ngân hàng lâu năm và danh tiếng bậc nhất nước Mỹ. Nhiều người đã tưởng rằng, sau đó, học thuyết kinh tế tiêu biểu của chủ nghĩa tư bản với “bàn tay vô hình” mà ông tổ của nó là A.Xmít (A. Xmith) đã bị “tống táng” để nhường chỗ cho “bàn tay hữu hình” mà người sáng lập ra học thuyết mới này là Kên (Keynes) từ nửa đầu thể kỷ XX. Và một giai đoạn mới của chủ nghĩa tư bản đã mở ra, giai đoạn mà lòng tham vô đáy của một nhóm các nhà tư bản bị hạn chế một phần bởi “bàn tay hữu hình” can thiệp của nhà nước. Nhưng lịch sử đã lặp lại với một kịch bản tương tự. Chính lợi ích hay cụ thể hơn là sự hám lợi đã dẫn chủ nghĩa tư bản đi tới chủ nghĩa tự do mới. Bởi vì, tư tưởng tự do mới mà nhiều nước tư bản coi là “mô hình phát triển hoàn hảo” thực chất là một học thuyết chính trị phục vụ cho lợi ích của một nhóm cá nhân. Nó không dựa trên nền tảng của một học thuyết kinh tế tỉnh táo, công bằng. Nó cũng không tính đến cả những kinh nghiệm lịch sử đắt giá. Từ cơ chế vận hành dẫn tới cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay càng cho thấy bản chất của chế độ tư bản chủ nghĩa vẫn không thay đổi. Đó vẫn chính là chế độ mà ở đó, lợi ích của một nhóm các nhà tư bản được đặt lên trên hết và là động lực phát triển. Để kiếm được nhiều tiền, nhà tư bản sẵn sàng làm tất cả dù tổn hại đến cuộc sống hiện tại và tương lai của đại đa số dân chúng. ở đó, tất cả các phương tiện nhằm mục đích phát triển sản xuất lại bị biến thành công cụ của thống trị và khai thác của các nhà sản xuất; nơi mà sự tích lũy của những người giàu ngày càng gia tăng, tỷ lệ thuận với sự tích lũy nghèo đói ở cực khác,… 2 – Giải quyết khủng hoảng xuất phát từ lợi ích của ai? Tính nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã khiến chính phủ các nước không thể không can thiệp. Hàng loạt các nước và nền kinh tế tuyên bố áp dụng các gói cứu trợ và kích thích kinh tế với tổng dự toán lên tới hơn 3.000 tỉ USD chiếm từ 5% đến 30% GDP của các nước này (gói cứu trợ của Mỹ có thể lên tới 2.500 tỉ USD; Anh: 850 tỉ USD; Liên minh châu Âu (EU): 200 tỉ USD; Nhật Bản: 255 tỉ USD; #ài Loan: 127,5 tỉ USD; Hàn Quốc: 141 tỉ USD…). Nhiều “đại gia” tài chính của Mỹ và châu Âu có lẽ đã đổ vỡ nếu không có sự can thiệp kịp thời của chính phủ. Vậy, những gói hỗ trợ tài chính của chính phủ các nước công nghiệp phát triển là dành cho ai? Trong lĩnh vực tài chính, tháng 9-2008, Bank of America nhận được khoản tiền trợ cấp đầu tiên của chính phủ là 25 tỉ USD. Đến cuối tháng 12-2008, ngân hàng này lại yêu cầu chính phủ cung cấp thêm khoản cho vay trị giá 20 tỉ USD. Citigroup đã nhận được 45 tỉ USD từ gói giải cứu tài chính của chính phủ nước này, tiếp đến, thông qua kế hoạch biến 25 tỉ USD từ khoản vốn hỗ trợ tài chính đã được bơm vào dưới dạng cổ phiếu ưu tiên chuyển sang thành cổ phiếu thường. Đối với Tập đoàn Bảo hiểm quốc tế Mỹ AIG – hãng bảo hiểm lớn nhất của Mỹ, chính phủ Mỹ đồng ý bơm 30 tỉ USD. Số tiền này được lấy từ Quỹ giải trừ tài sản xấu trị giá 700 tỉ USD của Bộ Tài chính. Nếu tính cộng gộp cả số tiền cứu trợ 40 tỉ USD mà AIG nhận được trước đó, thì số tiền AIG được nhận đã chiếm tới 10% số tiền trong số vốn cứu trợ. Tại Ai-len, chính phủ nước này cũng bơm 9 tỉ USD cho 2 ngân hàng lớn là Allied Irish Bank và Bank of Ireland. Tập đoàn Ngân hàng bất động sản khổng lồ Hypo Real Estate (HRE) của Đức cũng phải nhờ khoản cứu trợ hơn 100 tỉ USD từ Quỹ cứu trợ ngân hàng của chính phủ Đức. Với ngành công nghiệp ô-tô cũng vậy. Tại Mỹ, chính phủ nước này đã quyết định hỗ trợ 17,4 tỉ USD cho các hãng sản xuất ô-tô đang gặp khó khăn. Theo kế hoạch, trước mắt 9,4 tỉ USD dành cho General Motors và 4 tỉ USD dành cho Chrysler. Tại Pháp, ngành công nghiệp ô-tô sẽ nhận được các khoản vay trị giá 6 tỉ ơ-rô (7,8 tỉ USD). Hai hãng xe Volvo và Saab của Thụy Điển đã nhận được bảo đảm cho vay trị giá 3,4 tỉ USD từ chính phủ sau khi hai công ty mẹ là Ford và GM ra quyết định bán hai hãng này. Chính phủ I-ta-li-a cũng đang lên kế hoạch trợ giúp tương tự cho Fiat. Có thể thấy, tất cả các kế hoạch giải cứu này đã được thực hiện nhân danh lợi ích chung, đó là tránh để cho sự suy yếu của một mắt xích gây ra sự suy sụp chung, một cuộc khủng hoảng có hệ thống. Hàng loạt các ngân hàng, các tập đoàn lớn đã và sẽ được hỗ trợ tài chính và tái tư bản bằng tiền đóng thuế của người dân. Trong khi đó, những người dân còn đang phải gánh những khoản nợ do vay mượn ràng buộc bởi chính những căn nhà mà họ đang ở, những người làm công ăn lương lại phải chịu tác động của suy thoái quy mô lớn mà không có một kế hoạch phục hồi nào dành cho họ. Việc huy động ồ ạt các khoản vốn công, những khoản đóng góp thuế của người dân, để hỗ trợ cho các chủ ngân hàng, phải chăng đã nói lên nguyên tắc vận hành của chủ nghĩa tư bản, như nhà kinh tế Đa-ni-en Cô-hen (Daniel Cohen) nhận xét: “… họ ních đầy túi của mình những khoản lợi khi thành công nhưng lại xã hội hóa những tổn thất trong trường hợp ngược lại”(2). Vậy ai là người phải gánh chịu hậu quả của khủng hoảng? Đó là phần còn lại của thế giới – tức là các nước đang phát triển và dân nghèo ở chính các nước tư bản. Cứ mỗi giờ trôi qua, thế giới lại mất thêm hàng chục tỉ USD và kèm với đó là hàng nghìn con người bị rơi vào tình cảnh thất nghiệp với bóng ma nghèo đói lơ lửng trên đầu. Tầng lớp dân nghèo của thế giới là một trong những đối tượng hứng chịu nhiều tác động nặng nề của sự biến động giá cả và khủng hoảng tài chính. Tính toán của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) cho thấy, giá lương thực tăng cao và kinh tế suy thoái đã làm số người bị đói năm 2008 tăng thêm 40 triệu, nâng tổng số người thiếu đói toàn cầu lên 960 triệu. Và năm 2009 con số dự báo còn cao hơn rất nhiều. Trong năm 2008, Merrill Lynch đã tổn thất 27 tỉ USD, trước khi bị Bank of America mua lại, nhưng ngân hàng này đã chia lợi nhuận cổ tức cho các lãnh đạo cấp cao với số tiền 4 tỉ USD. Theo tin từ bộ phận kiểm toán Niu Oóc, dự tính tổng số tiền thưởng cuối năm cho nhân viên phố Uôn lên đến 18,4 tỉ USD, tương đương với mức tiền thưởng trong thời kỳ hưng thịnh của phố Uôn năm 2004, là mức cao thứ 6 trong lịch sử. Gần đây, việc AIG mặc dù nhận tiền hỗ trợ từ chính phủ những vẫn chi hàng trăm triệu đô-la tiền thưởng, hay nhiều công ty cử lãnh đạo của mình đến Niu Oóc xin hỗ trợ từ chính phủ bằng máy bay riêng,… đã làm làn sóng bất bình gia tăng. Những ngày đầu tháng 3, hàng chục nghìn người biểu tình ở Niu Oóc với biểu ngữ: “Hãy dùng tiền cứu trợ người dân chứ không phải các ngân hàng”, đã là một minh chứng cho sự bất công này. Cuối năm 2008, tại Mỹ, sau cuộc điều tra của hãng thông tấn AP về 21 ngân hàng nhận được từ 1 tỉ USD cứu trợ trở lên đều không đưa ra được câu trả lời xác đáng cho câu hỏi: “Hiện tiền cứu trợ đang nằm ở đâu?”. Điều thực sự vô lý là khi các ngân hàng “ngửa tay” nhận những khoản tiền mồ hôi nước mắt của người dân đóng thuế nhưng lại không hiểu mình đã “xài” nó vào việc gì, không biết hiện nó nằm ở đâu. Theo tính toán, có hơn một trăm ngân hàng nhận được các khoản tiền cứu trợ. Các gói cứu trợ đáng nhẽ nên dành cho các ngân hàng và các cơ cấu tài chính lớn nhưng thực chất nó lại rơi vào những cái túi “vô đáy” của những “đại gia phố Uôn”. Nhiều chuyên gia cho rằng, chính cái gói cứu trợ “không đáy” của chính phủ Mỹ đang được dùng để phục vụ cho lợi ích của một vài cá nhân. Điều này cũng xảy ra tương tự tại châu Âu. Nước Đức, với gói kích thích 36 tỉ USD, thông qua tháng 2-2009, những người hưởng lợi lại là các công ty sản xuất ô-tô. Chính phủ đã chi 1,9 tỉ USD để hỗ trợ mua xe mới nếu xe cũ đã dùng hơn chín năm, hỗ trợ mỗi người tiêu dùng được mua xe mới 3.200 USD, trong khi ngân sách mà chính phủ chi ra để hỗ trợ các gia đình có con nhỏ chỉ là 130 USD cho một em. Việc hứng chịu hậu quả của khủng hoảng cũng khác nhau ngay trong EU, giữa các nước EU “cũ” và “mới”. Tại hội nghị các nhà lãnh đạo EU tổ chức tại Bruc-xen (Bỉ) hôm 1-3-2009, các nước EU ở Đông Âu như Hung-ga-ri, Ba Lan, E-xtô-ni-a, Lat-vi-a, Lit-va, Xlô-va-ki-a, Séc, Bun-ga-ri, Ru-ma-ni, thúc giục EU phải có biện pháp giải cứu nền tài chính đang khủng hoảng của họ. Nhưng đến nay, không một kế hoạch kích thích kinh tế cụ thể nào được “các nước giàu” đưa ra cho cả EU. Tình cảnh này khiến người ta nhớ đến nhận xét của nhà kinh tế học nhận giải Nobel năm 2001 G.Xti-glit (Joseph E. Stiglitz) khi ông nhận xét về vai trò các định chế tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trong tiến trình toàn cầu hóa kinh tế hiện nay: “Họ lãnh đạo toàn cầu hóa theo cách phục vụ cho lợi ích của những nước công nghiệp tiên tiến và những lợi ích cục bộ trong những nước đó hơn là lợi ích của những người dân ở các nước đang phát triển”(3). Như vậy, sự bùng nổ của “bong bóng” tài chính đã chuyển gánh nặng của cuộc khủng hoảng sang các nhà nước và những người đóng góp. Điều ai cũng thấy được ở đây, đó chính là “tư nhân hóa lợi nhuận và xã hội hóa thua lỗ”, hay “lợi nhuận hóa cục bộ, toàn cầu hóa khủng hoảng”. Có thể nói, những gói cứu trợ đó chỉ giải quyết “khủng hoảng” mang tính tạm thời mà thôi, nhưng về lâu dài thì không, bởi nguyên nhân căn bản về lợi ích, lợi ích giữa một nhóm cá nhân với lợi ích của đa số người dân còn lại vẫn tồn tại, thậm chí gia tăng. Đó là: khoảng cách giàu nghèo, quá trình tích tụ của chủ nghĩa tư bản, sự chênh lệch về quyền lợi giữa các nước tư bản phát triển với các nước đang phát triển,… Và như vậy, trật tự không thay đổi, chưa kể khoảng cách giàu nghèo, các bất bình đẳng còn gia tăng. 3 – Bài học nào rút ra cho Việt Nam? Từ những phân tích trên, có rút ra những bài học gì cho chúng ta? Trước hết, không thể hạ thấp vai trò nhà nước trong nền kinh tế thị trường. Nền kinh tế thị trường càng phát triển, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế càng sâu sắc thì vai trò nhà nước trong quản lý, duy trì sự cân đối, hợp lý và bền vững của nền kinh tế càng trở nên quan trọng. Đặc biệt, trong đối phó với khủng hoảng, sự can thiệp của nhà nước càng cần thiết hơn bao giờ hết. Bài học về cuộc khủng hoảng 1997 – 1998 đã cho thấy, vai trò vô cùng quan trọng của các chính phủ trong việc lựa chọn, hoạch định chính sách giải quyết khủng hoảng. Chính sự lựa chọn chính sách, giải pháp thích hợp đã giúp một số nền kinh tế nhanh chóng vượt qua khủng hoảng. Ngược lại, chính phủ một số nước đang phát triển sử dụng “đơn thuốc” của IMF đã thất bại, nền kinh tế lún sâu vào nợ nần, mất cân đối, chậm hồi phục. Về cơ bản, các giải pháp giải quyết khủng hoảng vừa phải tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy cho sự vận hành thông suốt của các quá trình kinh tế từ đầu tư, sản xuất hàng hóa đến bán hàng và lưu thông vốn, vừa phải bảo đảm quyền lợi hài hòa cho các thành viên xã hội, ổn định các chế độ an sinh xã hội cho các tầng lớp nhân dân, không được dồn gánh nặng khó khăn lên người dân lao động, người tiêu dùng. Về mặt quan hệ kinh tế, chính việc bảo đảm lợi ích, an sinh xã hội cho các tầng lớp nhân dân, đến lượt nó lại trở thành yếu tố kích cầu, thúc đẩy phát triển sản xuất. Yêu cầu ấy cũng xuất phát từ tính chất ưu việt của chế độ xã hội mà chúng ta đang xây dựng, trong đó mục tiêu cao cả tối thượng là vì nhân dân, vì lợi ích cũng như sự phát triển tự do, toàn diện của con người. Có thể nói một cách khái quát, các giải pháp mà Chính phủ đưa ra đã giải quyết theo hướng đó và đạt được những kết quả khả quan. Tuy vậy, trong cơ chế, phương thức điều hành, tổ chức thực hiện các giải pháp đó còn có những vấn đề hạn chế, những ách tắc làm giảm thiểu hiệu quả thực tế. Trong thời gian tới, xin kiến nghị một số vấn đề sau: Thứ nhất, trong đầu tư, cần quan tâm và ưu tiên khu vực công, đó là: đường sá giao thông ở những quốc lộ quan trọng, hệ thống thủy lợi, tưới tiêu, điện lưới,… Những công trình này sẽ bảo đảm cho mọi người đều được hưởng lợi, và tạo thế mạnh cho cả nền kinh tế. Đặc biệt, cần chú ý đầu tư phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là những vùng sản xuất nông sản hàng hóa, giúp nông dân tổ chức lại sản xuất theo kế hoạch, quy hoạch, tháo gỡ đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp. Việc bảo đảm an sinh cho khu vực nông thôn nước ta không chỉ vì hơn 70% dân số sinh sống ở nông thôn, mà còn tạo chỗ dựa cho một bộ phận rất lớn những người lao động công nghiệp, dịch vụ đã “ly nông mà chưa ly hương” hay còn có quan hệ chặt chẽ với quê hương. Mặt khác, đây cũng là biện pháp duy trì, bảo vệ khu vực đang sản xuất ra phần lớn lượng hàng xuất khẩu của cả nước, một điều kiện quan trọng bảo đảm cho sự ổn định và khả năng cân đối của cả nền kinh tế. Thứ hai, trong các chính sách hỗ trợ, việc hỗ trợ tín dụng ưu đãi nên ưu tiên cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, là khu vực tạo ra nhiều công ăn việc làm nhưng lại đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn và đang có nguy cơ phá sản và thất nghiệp nhiều nhất. Ngoài ra, nên mở rộng mạng lưới cho vay ưu đãi đến các vùng nông thôn, nơi tập trung 70% lực lượng lao động, hơn 80% hộ nghèo trên toàn quốc. Cùng với đó, nên có các chính sách hỗ trợ cho các chương trình nhà ở cho người thu nhập thấp ở các vùng giáp ranh, các khu công nghiệp, các khu nhà ở tạm, thiếu tiện nghi tối thiểu trong các thành phố. Trong điều kiện toàn cầu hóa kinh tế và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nước ta không tránh khỏi những ảnh hưởng, tác động phức tạp của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn thế giới. Tuy nhiên, chúng ta đang có những điều kiện thuận lợi căn bản. Một là, Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa – một nhà nước thông qua các cơ chế vận hành để bảo đảm đại diện thực sự cho lợi ích và quyền lực của nhân dân. Hai là, về cơ sở kinh tế – xã hội, thành phần kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể ở nước ta đang ngày càng trở thành nền tảng vững chắc trong nền kinh tế quốc dân. Ba là, chúng ta xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có nghĩa là trong nền kinh tế đó, cùng với mục tiêu phát triển kinh tế phải coi trọng bảo đảm công bằng về phân phối lợi ích và ưu tiên cho mục tiêu phát triển con người. Đó chính là những điều kiện tiên quyết bảo đảm cho việc chủ động điều chỉnh các chính sách giải quyết khủng hoảng, phát triển kinh tế có kế hoạch, thực hiện chế độ phân phối lợi ích công bằng, hợp lý, bảo vệ những nguyên tắc công bằng xã hội và những lợi ích chính đáng của nhân dân, duy trì sự phát triển lành mạnh và bền vững của nền kinh tế quốc dân cung như đất nước nói chung./.

(1) Vị cựu Chủ tịch Thị trường Chứng khoán Nasdaq Mỹ, đồng thời là một nhà giao dịch chứng khoán huyền thoại của nước này, Chủ tịch Công ty chứng khoán Bernard L. Madoff Investment Securities LLC này đã dùng những thủ đoạn tinh vi để thu hút vốn của các nhà đầu tư, để rồi thua lỗ tới 50 tỉ USD (2) Trích lại theo tạp chí Le Nouvel Observateuvr, số 12-2008 (3) Joseph E. Stiglitz: Toàn cầu hóa và những mặt trái, Nxb Trẻ, TP HCM, 2008, tr 301 – 302  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật