FDI TRONG ĐIỀU KIỆN VIỆT NAM GIA NHẬP WTO?

I- Đặt vấn đề: Nếu Việt Nam gia nhập WTO thì toàn bộ nền kinh tế sẽ có những thay đổi cực kỳ sâu sắc. Khi ấy đầu tư trực tiếp nước ngoài ( FDI ) sẽ có vai trò cực kỳ to lớn tác động mạnh mẽ đến sự tăng trưởng kinh tế xã hội Việt Nam. Hiện nay còn có nhiều cách nghĩ và hiểu khác nhau về vấn đề này . II- Vai trò FDI ở Việt Nam ? FDI được biết ở Việt Nam từ thời kỳ đổi mới đến nay. Nó được hiểu theo nhiều góc nhìn khác nhau. Theo Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF) thì FDI : “Đầu tư trực tiếp nhằm đạt được quyền lợi lâu dài trong một doanh nghiệp hoạt động trong một nền kinh tế khác với nền kinh tế nhà đầu tư. Định nghĩa này chỉ “ nghiêng” về quyền lợi của nhà đầu tư nước ngoài, không quan tâm đến lợi ích của nước chủ nhà tiếp nhận đầu tư. Còn theo cách hiểu theo Luật đầu tư của Việt Nam thì FDI – Đầu tư nước ngoài(ĐTNN) là việc tổ chức, cá nhân nước ngoài đưa vào Việt Nam vốn bằng tiền nước ngoài hoặc bất kỳ tài sản nào được chính phủ Việt Nam chấp nhận”. FDI ở Việt Nam phải đáp ứng các mục đích sau đây: -Thực hiện các chương trình kinh tế lớn, sản xuất hàng xuất khẩu và hàng thay thế hàng nhập khẩu; -Sử dụng kỹ thuật cao, công nhân lành nghề, đầu tư theo chiều sâu để khai thác, tận dụng các khả năng và nâng cao công suất của các cơ sở kinh tế hiện có; -Sử dụng nhiều lao động, nguyên liệu, và tài nguyên thiên nhiên sẵn có ở Việt Nam; -Xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng;   -Dịch vụ thu tiền nước ngoài như du lịch, sửa chữa tàu, dịch vụ sân bay, cảng khẩu và các dịch vụ khác. Trên thực tế còn có nhiều ý kiến khác nhau về FDI, nhưng chúng tôi xin cung cấp vài con số (đã làm tròn) để độc giả cùng thấy vai trò của FDI ở Việt Nam; -Về thu hút lao động Việt nam ; Đến nay đã thu hút gần 1 trtiệu lao động Việt Nam . -Về Vốn đầu tư : Năm cao nhất thu hút 8,8 tỷ USD ( 1996), còn hiện nay hàng năm có thể thu hút khoảng 3 tỷ USD. -Về xuất khẩu: đạt gần 10 tỷ USD/ năm ( chưa kể dầu thô) -Về nhập khẩu : đạt khoảng trên 12 tỷ USD. -Nộp ngân sách nhà nước : dưới 1 tỷ USD. Tuy vậy vẫn có sự chỉ trích mặt tiêu cực của FDI ở Việt Nam, ví dụ như : -Đời sống của công nhân làm việc ở các dự án FDI vẫn cơ cực ( chưa có nhà ở, lương quá thấp ..( bãi công, đình công có xu hướng ngày càng lan rộng trong cả nước. Hậu quả là làm nản lòng các nhà đầu tư tiềm năng. -Vấn đề ô nhiễm môi trường sinh thái do FDI gây ra khá nặng nề ở trong và ngoài hàng rào dự án FDI… III- FDI khi VIệt Nam gia nhập WTO? Sau khi Vịêt Nam gia nhập WTO hệ quả tất yếu toàn bộ nền kinh tế sẽ hội nhập càng sâu với khu vực và toàn cầu. Liên quan trực tiếp đến FDI chính là Hiệp định về biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại( TRIMS). Hiệp định này yêu cầu nước tiếp nhận đầu tư phải thực hiện nghĩa vụ minh bạch hàng hóa. Nó cũng yêu cầu không bóp méo, làm sai lệch các điều kiện cạnh tranh giữa các dự án đầu tư mới và các dự án đã được thành lập. Hiệp định này cũng đụng chạm đến vấn đề sử dụng các sản phẩm có xuất xứ trong nước, các sản phẩm nhập khẩu và vấn đề “ ngoại hối” của các dự án FDI… Để thích nghi với điều kiện mới khi Việt Nam đã gia nhập WTO, đối với FDI, chúng ta cần lưu ý các vấn đề theo chúng tôi rất đáng lưu tâm: - Nhanh chóng hoàn thiện hệ thống luật Việt Nam tương thích với quy định của WTO có liên quan đến FDI; - Khuyến khích FDI ở vùng sâu vùng xa, hải đảo xa xôi. Qua đó nó góp phần “ xoá đói giảm nghèo” và sự cách biệt quá lớn về mặt xã hội giữa thành thị và nông thôn nghèo khổ. - Gấp rút đào tạo nguồn nhân lực cho nền kinh tế, trong đó cho FDI đủ về số lượng và chất lượng. Nguồn nhân lực này lao động tại quê hương sẽ đở cơ cực hơn là phải ra nước ngoài lao động ví dụ như ở Li băng. - Cần thực sự cầu thị thu hút FDI của Việt kiều: Hiện nay kiều hối hàng năm đạt 3-4 tỷ USD, nếu chúng ta khôn ngoan thu hút FDI của Việt kiều thì nguồn lực to lớn này sẽ hiệu quả hơn những năm qua. Khắc phục ngay những định kiến về quá khứ của Việt kiều, nghi ngờ và cảnh giác quá mức với nguồn lực này. - Kiên quyết loại trừ những dự án FDI “ ma lừa đảo”, để lành mạnh môi trường thu hút đầu tư ( ví dự như dự án đào tạo ma, dự án lừa đảo ở Khánh Hoà…) IV. Tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài 6 tháng đầu năm 2006 1. Tình hình chung Trong tháng 6/2006, hoạt động của khu vực ĐTNN tại nước ta nhìn chung tiếp tục có chuyển biến tích cực. 1.1. Tình hình hoạt động của các doanh nghiệp có vốn ĐTNN. Trong tháng 6/2006 nhiều dự án đã được cấp phép tích cực triển khai thực hiện, ước tính vốn thực hiện của các doanh nghiệp ĐTNN đạt khoảng 360 triệu USD, đưa tổng vốn thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2006 lên 1,85 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2005, bằng 50% kế hoạch ban đầu (3,7 tỷ USD). Doanh thu của các doanh nghiệp ĐTNN trong tháng 6/2006 ước đạt khoảng 2,65 tỷ USD, đưa tổng doanh thu trong 6 tháng đầu năm ước đạt 12,45 tỷ USD, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 6/2006 xuất khẩu của khu vực có vốn ĐTNN (trừ dầu thô) ước đạt 1,2 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm ước đạt 6,6 tỷ USD, tăng 41,4% so với cùng kỳ. Nếu tính cả dầu thô thì tổng giá trị xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm đạt 10,85 tỷ USD, tăng 27,8% so với cùng kỳ. Nhập khẩu của các doanh nghiệp ĐTNN trong tháng 6/2006 ước đạt 1,4 tỷ USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm đạt khoảng 7,5 tỷ USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ. Trong 6 tháng đầu năm, khối doanh nghiệp ĐTNN đã thu hút thêm hơn 10.000 lao động, đưa tổng số lao động trong khu vực FDI cho đến nay khoảng 1,067 triệu lao động. Tuy nhiên trong 6 tháng đầu năm đã có 18 dự án bị rút giấy phép trước thời hạn với tổng vốn đăng ký 65,3 triệu USD. 1.2. Thu hút vốn đầu tư: a) Về cấp mới: Trong tháng 6/2006 cả nước có 58 dự án được cấp giấy phép đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký là 245 triệu USD. Tính chung, trong 6 tháng đầu năm đã có thêm 339 dự án được cấp giấy phép với tổng vốn đầu tư đăng ký là 2,26 tỷ USD, tăng 5% về số dự án và tăng 21% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Các dự án cấp mới tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp và xây dựng, chiếm 72,78% về số dự án và 62,7% tổng vốn đăng ký; nông-lâm-ngư nghiệp chiếm 4,59% về số dự án và 0,55% tổng vốn đăng ký và ngành dịch vụ chiếm 22,63% về số dự án và 36,74% tổng vốn đăng ký. Thành phố Hồ Chí Minh do thu hút được một số dự án lớn, trong đó có dự án Intel với vốn đầu tư 605 triệu USD, đã vươn lên đứng đầu trong cả nước về thu hút ĐTNN trong 6 tháng đầu năm, chiếm 31,76% tổng vốn đăng ký của cả nước; Hà Nội đứng thứ 2 chiếm 22,36%, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đứng thứ 3 chiếm 14,04% và Hải Dương đứng thứ 4 chiếm 5,6% tổng vốn đăng ký của cả nước. Trong 6 tháng đầu năm có 30 nước và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Do dự án của Tập đoàn Intel (gốc từ Hoa Kỳ) nhưng chủ đầu tư đăng ký tại Hồng Kông nên Hồng Kông dẫn đầu trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam chiếm 27,79% tổng vốn cấp mới; tiếp theo là Hàn Quốc chiếm 21,02% tổng vốn cấp mới; và Hoa Kỳ đứng thứ 3, chiếm 20,05% tổng vốn cấp mới; Nhật Bản đứng thứ 4 chiếm 14,28% tổng vốn cấp mới. Quy mô vốn đầu tư trung bình cho một dự án trong 6 tháng đầu năm đạt 6,7 triệu USD/dự án. Đặc biệt, trong số các dự án mới cấp phép có một số dự án có quy mô vốn đầu tư đăng ký lớn là: (1) Công ty Intel vốn đầu tư 605 triệu USD; (2) Công ty Tây Hồ Tây vốn đầu tư 314,1 triệu USD; (3) Công ty Winvest Investment vốn đầu tư 300 triệu USD; (4) Khu du lịch và giải trí quốc tế đặc biệt Silver Shores-Hoàng Đạt tại Đà Nẵng, vốn đầu tư 86 triệu USD; (5) Công ty Panasonic Communication vốn đầu tư 76,36 triệu USD; (6) Công ty kho xăng dầu Vân Phong vốn đầu tư 60 triệu USD; (7) Công ty Panasonic Electronic vốn đầu tư 50 triệu USD. b) Về tăng vốn đầu tư mở rộng sản xuất: Trong tháng 6 có 37 lượt dự án tăng vốn với số vốn tăng thêm là 188 triệu USD. Tính chung, 6 tháng đầu năm có 182 lượt dự án tăng vốn đầu tư mở rộng sản xuất với số vốn tăng thêm 585 triệu USD, bằng 85,4% về số dự án và 67,8% về vốn so với cùng kỳ năm trước. c) Tính chung cả dự án cấp mới và tăng vốn, trong 6 tháng đầu năm tổng vốn đăng ký cấp mới đạt 2.845 triệu USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước. 1.3. Lũy kế tình hình ĐTNN từ 1988 đến 6/2006: Tính từ 1988 đến hết 6 tháng đầu 2006, cả nước đã cấp giấy phép đầu tư cho trên 7.550 dự án ĐTNN với tổng vốn cấp mới 68,9 tỷ USD, trong đó có 6.390 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 53,9 tỷ USD, vốn thực hiện (của các dự án còn hoạt động) đạt trên 28 tỷ USD. (Nếu tính cả các dự án đã hết hiệu lực thì vốn thực hiện đạt 36 tỷ USD). a) Phân theo ngành: Lĩnh vực công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng lớn nhất chiếm 67,7% về số dự án và 61,1% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo là lĩnh vực dịch vụ chiếm 19,7% về số dự án và 31,7% về số vốn đầu tư đăng ký; lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 12,5% về số dự án và 7,1% về vốn đầu tư đăng ký. b) Phân theo hình thức đầu tư: -Hình thức 100% vốn nước ngoài chiếm 75,4% về số dự án và 53,1% về tổng vốn đăng ký. -Liên doanh chiếm 21,4% về số dự án và 36,0% về tổng vốn đăng ký; -Số còn còn lại thuộc lĩnh vực hợp doanh, BOT, Công ty cổ phần và Công ty quản lý vốn. c) Phân theo nước: Đã có 74 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, trong đó các nước châu Á chiếm 76,5% về số dự án và 69,8% vốn đăng ký; các nước châu Âu chiếm 10% về số dự án và 16,7% vốn đăng ký; các nước châu Mỹ chiếm 6% về số dự án và 6% vốn đăng ký, riêng Hoa Kỳ chiếm 4,5% về số dự án và 3,7% vốn đăng ký; số còn lại là các nước ở khu vực khác. Riêng 5 nền kinh tế đứng đầu trong đầu tư vào Việt Nam là Đài Loan, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc và Hồng Kông đã chiếm 58,3% về số dự án và 60,6% tổng vốn đăng ký. Việt kiều từ 21 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau chủ yếu là từ CHLB Đức, Liên bang Nga và Pháp đã đầu tư 147 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 513,88 triệu USD, hiện còn 108 dự án đang hoạt động với tổng vốn đầu tư đăng ký 382,8 triệu USD chỉ bằng 0,7% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước. d) Phân theo địa phương: Các thành phố lớn, có điều kiện kinh tế xã hội thuận lợi thuộc các vùng kinh tế trọng điểm vẫn là những địa phương dẫn đầu thu hút ĐTNN theo thứ tự như sau: 1. TP. Hồ Chí Minh chiếm 31,28% về số dự án; 24,35% tổng vốn đăng ký và 21,7% tổng vốn thực hiện; 2. Hà Nội chiếm 10,83% về số dự án; 18,36% tổng vốn đăng ký và 12,1% tổng vốn thực hiện; 3. Đồng Nai chiếm 11,47% về số dự án; 16,3% tổng vốn đăng ký và 14,1% tổng vốn thực hiện; 4. Bình Dương chiếm 17,87% về số dự án; 9,77% tổng vốn đăng ký và 6,6% tổng vốn thực hiện; Riêng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Phước, Long An) chiếm 58,2% tổng vốn ĐTNN đăng ký và 49,6% vốn thực hiện của cả nước. Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc (Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hà Tây, Bắc Ninh) chiếm khoảng 26% tổng vốn ĐTNN đăng ký và 28,7% vốn thực hiện của cả nước. Cho tới nay, các dự án ĐTNN đầu tư vào các KCN, KCX (không kể các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng KCN) còn hiệu lực, chiếm 33,8% về số dự án và 35,5% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước. 2. Nhận xét -Đánh giá: -Trong 6 tháng đầu năm 2006, vốn đầu tư thực hiện tăng 17,7% so với cùng kỳ là mức tăng cao so với các năm trước và đạt khoảng 50% so với mục tiêu đề ra cho cả năm (3,7 tỷ USD), do vậy, cần tiếp tục tăng cường công tác thúc đẩy hỗ trợ các dự án sau cấp phép sớm triển khai thực hiện. -Doanh thu của khu vực kinh tế có vốn ĐTNN tăng khá, nhất là doanh thu xuất khẩu. -Về thu hút vốn đầu tư mới, vốn đăng ký của các dự án mới đạt khá, tăng 21% so với cùng kỳ. Do kết quả tăng vốn đạt thấp nên tính chung vốn cấp mới đăng ký tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2005. Điều này cho thấy mặc dù mối quan tâm của các nhà ĐTNN về đầu tư vào nước ta đang có xu hướng gia tăng, số dự án đã trình cấp phép khá lớn, nhưng nếu không có biện pháp cải cách thủ tục hành chính, thống nhất quan điểm và tạo được sự đồng thuận giữa các Bộ, ngành nhằm đẩy nhanh quá trình thẩm định các dự án thì khó có thể tranh thủ được thời cơ, tạo được làn sóng đầu tư mới như mong muốn. -Cùng với kết quả thu hút ĐTNN vào nước ta, trong 6 tháng đầu năm có 8 dự án đầu tư ra nước ngoài, chủ yếu sang các nước Lào, Campuchia, Hoa Kỳ, Malaysia và Singapore với tổng vốn đăng ký là 48,43 triệu USD, bằng 54,1% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có dự án tương đối lớn như dự án thăm dò, khai thác dầu khí tại Singapore có tổng vốn đăng ký là 21,94 triệu USD; trồng cây công, nông nghiệp tại Lào có vốn đầu tư 12,54 triệu USD; xây dựng Bệnh viện Chợ Rẫy Phnômpênh có vốn đầu tư 10,5 triệu USD. -Trong 6 tháng đầu năm số đoàn doanh nghiệp của các nước vào Việt Nam khảo sát cơ hội đầu tư đã tăng lên, trong đó đáng chú ý là các đoàn lớn của Nhật Bản, các đoàn lớn của Hoa Kỳ, của Cộng hòa liên bang Đức, Tây Ban Nha.v.v. Hàng trăm tập đoàn, công ty nước ngoài đã tham dự các Diễn đàn, Hội thảo đầu tư lớn tổ chức tại Việt Nam như Diễn đàn Doanh nghiệp giữa kỳ, Diễn đàn Đầu tư Việt Nam, Diễn đàn đối thoại Việt Đức, Hội nghị về thu hút đầu tư của các TNCs, các hội thảo về xúc tiến đầu tư tại nước ngoài cũng đã thu hút mối quan tâm của đông đảo cộng đồng doanh nghiệp các nước. Đó là tín hiệu tích cực cho thấy sự gia tăng mối quan tâm của các nhà ĐTNN đối với nước ta. Bên cạnh các thuận lợi mới, có tác động tích cực đến hoạt động ĐTNN như kết quả đàm phán gia nhập WTO vòng cuối cùng, sự chuyển hướng đầu tư của các tập đoàn xuyên quốc gia nhằm phân bố rủi ro, các hoạt động đối ngoại tích cực như APEC, ASEAN… trong 6 tháng đầu năm 2006 đã xuất hiện các yếu tố bất lợi đối với hoạt động ĐTNN, trong đó nổi lên là tình trạng đình công chưa được ngăn chặn kịp thời; chi phí sản xuất gia tăng do giá cả một số mặt hàng tăng đáng kể, chi phí tiền lương tăng sau khi nâng mức lương tối thiểu; một số nhà đầu tư có tâm lý chờ đợi các văn bản hướng dẫn thi hành các Luật mới; một số nhà đầu tư vi phạm luật pháp Việt Nam, có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản như dự án Trung tâm đào tạo Anh ngữ SITC đã gây tác động xấu đến dư luận và hoạt động ĐTNN nói chung; tình trạng tranh chấp kéo dài và triển khai dự án chậm chưa được xử lý dứt điểm gây ảnh hưởng xấu đối với môi trường đầu tư. Mặt khác, trong 6 tháng cuối năm còn phải tiếp tục giải quyết các khó khăn, tồn tại như hạ tầng cơ sở còn bất cập chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất kinh doanh (như điện cung cấp không ổn định, thiếu lao động có tay nghề cao…) cũng như những tác động bất lợi khác đến hoạt động SXKD của các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp ĐTNN nói riêng, như chi phí đầu vào sản xuất vẫn ở mức cao và có chiều hướng tăng (giá nguyên liệu, giá điện, giá nhân công.v.v); điều kiện sinh sống của các công nhân tại các khu công nghiệp còn khó khăn, thiếu thốn, chậm được khắc phục; thiên tai (hạn hán, lũ lụt…) dẫn tới thiếu điện; cạnh tranh trong xuất khẩu ngày càng khốc liệt… Vốn đầu tư thực hiện còn thấp so với vốn đăng ký cấp phép. V- Kết luận : Có thể có khuynh hương thận trọng khi tiếp nhận FDI , hoặc có khuynh hướng quá lạc quan về thu hút đầu tư nước ngoài, nhưng theo chúng tôi với kinh nghiệp gần 20 năm thu hút FDI và với vận hội mới chúng ta có thể tin tưởng FDI trong điều kiện Việt Nam gia nhập WTO là rất sáng sủa. Hàng năm FDI thu hút vốn bằng nguồn Kiều hối hoặc bằng nguồn vốn ODA, nhưng theo chúng tôi FDI có vai trò to lớn và lâu dài ( nhiều dự án tồn tại 50 năm ở Việt Nam ) đối với kinh tế Việt Nam . Chúng ta có quyền lạc quan về tương lai thu hút FDI ở Việt Nam.(1) CHÚ THÍCH: (1) Do khuôn khổ của bài báo, bạn đọc cần tham khảo các số liệu chi tiết về FDI ở Việt Nam xin click tại đây TÀI LIỆU THAM KHẢO: 1. Nguyễn Văn Hoa và Nguyễn Văn Long. Cẩm nang xuất nhập khẩu trong các dự án có vốn đầu tư nước ngoài ( FDI ) ở Việt Nam , Nhà xuất bản Chính trị quốc gia( ST ), Hà Nội 1997. 2. Uỷ ban quốc gia Hợp tác kinh tế quốc tế : Các văn kiện cơ bản của tổ chức thương mại thế giới (WTO) , Hà Nội 2003. 3. Các Website: -nhandan.com.vn -MPI.gov.vn -MOT.gov.vn v.v…  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật