DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ SAU CỔ PHẦN HÓA

Cổ phần hoá (CPH) doanh nghiệp nhà nước là một biện pháp hữu hiệu được tiến hành phổ biến ở nhiều nền kinh tế trên thế giới. Ngay cả những quốc gia có nền kinh tế phát triển, phương thức quản lý doanh nghiệp tiên tiến như Anh, Pháp, Mỹ cũng đã áp dụng. ở nước ta, CPH đã bắt đầu được triển khai cách đây 19 năm với những bước đi thử nghiệm và sau đó là sự triển khai rộng khắp trên cả nước. Tuy nhiên do nhiều lí do khác nhau, CPH vẫn chưa mang lại những kết quả mong muốn. Mặc dù hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được CPH đã chứng tỏ tác dụng to lớn của nó, song thực tế các DNNN đã được CPH đang phải đối mặt với không ít vấn đề khó khăn, chưa có hướng giải quyết. Một số vấn đề sau cổ phần hóa Đất đai và quyền sở hữu tài sản. Trên thị trường chứng khoán hiện nay đôi lúc xảy ra trường hợp có những doanh nghiệp tiềm lực kinh tế cỡ trung bình, nhưng khi cổ phần hóa thì chỉ số cổ phiếu tăng nhiều lần so với giá trị thực. Những doanh nghiệp này thường thuê đất, trả tiền thuế đất hàng năm nhưng khi niêm yết giá trị tài sản của mình lên sàn giao dịch chứng khoán lại liệt kê cả giá trị quyền sử dụng đất. Nếu có sự lẫn lộn giữa giá trị quyền sử dụng đất và giá trị tài sản của doanh nghiệp gắn liền với đất sẽ dẫn đến bất lợi là xuất hiện tranh chấp, chuyển nhượng, mua gom, khống chế cổ phần, thâu tóm và kiểm soát công ty sau CPH vì giá trị đất. Ngược lại, lại có tình trạng không tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp khi CPH bằng cách duy trì các hợp đồng thuê đất lâu dài sẵn có. Khi đã CPH, giá trị sử dụng đất có thể trở thành giá trị siêu lợi nhuận trong kinh doanh vốn của doanh nghiệp. Không tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp khi CPH tức là Nhà nước đã từ bỏ quyền được nhận phần “địa tô chênh lệch” phát sinh từ quyền sử dụng đất. Tất yếu, phần ”địa tô” ấy sẽ rơi vào túi những nhà quản lý, điều hành doanh nghiệp sau CPH.   Khả năng tiếp cận tín dụng. Khi DNNN được CPH và chuyển sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần thì không được coi là thành phần kinh tế nhà nước. Điều đó, dẫn đến hậu quả bất đắc dĩ là các ngân hàng thương mại (NHTM) nhìn doanh nghiệp CPH với sự e dè, ngờ vực khi các doanh nghiệp này tiến hành vay vốn. Trong lĩnh vực đấu thầu, xuất – nhập khẩu.. doanh nghiệp CPH không còn những lợi thế như trước. Ngoài ra, khi còn là DNNN, doanh nghiệp sẽ được bổ sung vốn qua kênh đầu tư cơ bản hoặc bổ sung vốn lưu động, xóa nợ hoặc được bảo lãnh nợ, ít bị nguy cơ tuyên bố phá sản. Các DNNN còn được ưu tiên nhận những dự án đầu tư, ưu tiên cấp hạn ngạch trong xuất – nhập khẩu, ưu tiên được liên doanh với các đối tác nước ngoài. Tất cả những ưu thế đó sẽ bị mất đi sau CPH, khiến nhiều DNNN cố tình trì hoãn CPH, mặc dù đang thua lỗ hoặc bên bờ vực phá sản. Lao động dôi dư và vấn đề bán cổ phần. Sau CPH, các DNNN còn phải đối mặt với một vấn đề lớn là kế thừa một lực lượng lao động dôi dư đáng kể từ doanh nghiệp cũ chuyển sang có trình độ thấp. Lao động dôi dư là lực cản không nhỏ với sự phát triển của doanh nghiệp sau CPH, làm tăng thêm những khoản chi như đào tạo lại cho người có trình độ thấp mà nếu không có nó, doanh nghiệp có thể đầu tư mở rộng sản xuất hoặc tăng lương cho những người có chuyên môn cao để từ đó khuyến khích họ tích cực lao động và cống hiến nhiều hơn cho sự phát triển của doanh nghiệp. Về vấn đề bán cổ phần cho người lao động, được Chính phủ quy định cụ thể trong các Nghị định số 28/NĐ-CP, Nghị định số 44/NĐ-CP, Nghị định số 64/2002/NĐ-CP… Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, vẫn không tránh khỏi những vướng mắc. Một bộ phận người lao động thường bán lại quyền mua cổ phần ưu đãi cho các đối tượng đầu tư khác ở trong hoặc ngoài doanh nghiệp để hưởng chênh lệch khiến cho mục tiêu gắn bó người lao động với doanh nghiệp không đạt được kết quả như mong đợi. Bên cạnh đó, việc xác định giá ưu đãi bằng 60% mức đấu giá bình quân trên sàn giao dịch để bán cổ phiếu cho người lao động là chưa thật sự hợp lý. Thực tế, khi thị trường chứng khoán sụt giảm đã tác động nghiêm trọng đến thu nhập của người lao động, nhất là đối với người lao động phải đi vay ngân hàng để mua cổ phiếu. Công nghệ: Kết quả khảo sát về đổi mới công nghệ tại các doanh nghiệp do Chương trình phát triển Liên hiệp quốc UNDP và Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Bộ Kế hoạch – Đầu tư phối hợp tiến hành tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp sau CPH đang sử dụng dây chuyền công nghệ, máy móc thiết bị đồng bộ thuộc thế hệ những năm 80 của thế kỷ 20; có tới 69% doanh nghiệp phụ thuộc vào nguyên liệu, vật liệu, 53% doanh nghiệp phụ thuộc vào thiết bị công nghệ nhập khẩu. Chỉ có khoảng 8% số doanh nghiệp đạt trình độ công nghệ tiên tiến. Mức độ đầu tư cho khoa học công nghệ rất khiêm tốn, chỉ vào khoảng 3% doanh thu/năm. Cũng theo kết quả khảo sát này thì hầu hết các doanh nghiệp sau CPH tiến hành đổi mới công nghệ một cách thụ động, mang tính tình huống, chủ yếu là công nghệ nhập khẩu từ nước ngoài. Quản trị công ty: Sau CPH, nhiệm vụ của các doanh nghiệp là phải tiến hành tái cấu trúc mạnh mẽ để xác định được hướng đi của mình và hoạt động hiệu quả hơn. Tuy nhiên, một thực tế là quá trình CPH trong những năm qua phần lớn vẫn là quá trình khép kín. Nhà nước vẫn nắm giữ phần lớn cổ phần, bộ máy quản lý vẫn như cũ, vẫn những con người ấy, cơ chế ấy, “Bình mới nhưng rượu cũ”. Theo số liệu điều tra, sau khi CPH 81,5% giám đốc doanh nghiệp được giữ nguyên chức vụ; 78% chức danh Phó Giám đốc và kế toán trưởng không có sự thay đổi. Rất ít doanh nghiệp sau CPH sử dụng cơ chế thuê giám đốc điều hành. Tình trạng này sẽ làm giảm sức sáng tạo, tinh thần kinh doanh trong doanh nghiệp, ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả kinh doanh. Nợ của doanh nghiệp: Các doanh nghiệp sau khi CPH vẫn còn ôm những món nợ do khi chuyển đổi không xác định rõ trách nhiệm người phải trả. Đó cũng là nỗi lo của các cơ quan quản lý, các chủ nợ – chủ yếu là các ngân hàng – và chính các doanh nghiệp. Vấn đề khó xử mà các cơ quan này nêu ra là những quy định việc kế thừa trách nhiệm về tài chính giữa DNNN trước đây và công ty cổ phần sau này không rõ ràng. Vấn đề này dù đã được hướng dẫn trong Nghị định 109/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007, nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để. Vài suy nghĩ nhằm tháo gỡ khó khăn cho DNNN sau cổ phần hóa Về đất đai và quyền sở hữu tài sản: Tài sản của DNNN cần được tính toán đầy đủ vào trong giá trị doanh nghiệp trước khi CPH. Muốn vậy, phải nhanh chóng xử lí tài sản theo phương pháp đấu giá. Cách làm này giúp tránh việc các lãnh đạo DNNN tự lập danh mục tài sản không cần dùng, định giá rẻ và sau đó chính mình mua lại những tài sản đó, bán ra ngoài kiếm chênh lệch. Phải tính đúng, hạch toán đủ, không nên loại bất cứ bộ phận tài sản nào ra khỏi giá trị doanh nghiệp CPH, kể cả những nhà xưởng đã được chuyển thành nhà ở. Cần tiến hành nhanh chóng thủ tục chuyển quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp CPH. Các cơ quan có thẩm quyền cần coi đây là một ưu tiên. Càng để kéo dài tình trạng này thì càng ảnh hưởng xấu đến CPH. Về huy động các nguồn tài chính tín: CPH các DNNN phải hướng tới sự thu hút và tập trung các nguồn vốn xã hội. Để huy động nguồn vốn cần phát hành thêm cổ phiếu, mở rộng bán cổ phần cho các chủ sở hữu trong và ngoài doanh nghiệp, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài. Trước hết, cần ưu tiên bán cổ phần cho người lao động trong doanh nghiệp để gắn kết quyền lợi và trách nhiệm của người lao dộng với doanh nghiệp, đồng thời cho phép khai thác được nguồn vốn nội bộ một cách hiệu quả. Chính sách với lao động dôi dư: Nhà nước cần có chính sách kích cầu lao động như hỗ trợ vốn ban đầu cho những người kinh doanh nhỏ, cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển các chương trình tạo công ăn việc làm cho người lao động, xuất khẩu lao động, qua đó giảm sức ép về lao động dư thừa ở doanh nghiệp sau CPH sang khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt chính sách giảm cung về lao động. Hình thành và phát triển thị trường nhân lực quản lý và lãnh đạo các doanh nghiệp sau CPH. Để tạo điều kiện cho người lao động có khả năng mua được cổ phần theo giá ưu đãi, thay vì giảm 40% trên bình quân đấu giá, thì nên cho người lao động được mua với mức 40% giá đấu thầu thành công thấp nhất. Chính phủ nên tiếp tục duy trì và áp dụng phương thức cho người lao động nghèo được mua cổ phần ưu đãi trả chậm có thời hạn, không tính lãi với điều kiện ràng buộc là trong 3 năm không được bán cổ phần được mua theo giá ưu đãi này. Về nâng cao trình độ công nghệ. Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia” là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Trọng tâm của chương trình là nhằm nâng tỷ lệ doanh nghiệp có bộ phận nghiên cứu và triển khai (R&D) lên mức 5%. Muốn vậy, chương trình cần tập trung vào các nội dung ưu đãi như: ưu đãi về thuế suất, thuế thu nhập doanh nghiệp cho các hoạt động ứng dụng công nghệ, dịch vụ khoa học công nghệ, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ việc thực hiện các hợp đồng nghiên cứu và triển khai, hợp đồng dịch vụ kĩ thuật trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ, bí quyết công nghệ. Doanh nghiệp cũng được trích 50% thu nhập tăng thêm sau thuế (trong 3 năm) để đầu tư trở lại cho khoa học công nghệ và trích thưởng cho cá nhân, tập thể có thành tích nghiên cứu và áp dụng công nghệ. Ngoài ra, những doanh nghiệp tích cực đổi mới công nghệ còn được ưu đãi về tiền sử dụng đất. Về quản trị doanh nghiệp. Xác định rõ và thực hiện đúng quyền hạn và trách nhiệm giữa Hội đồng quản trị và Ban giám đốc; Tăng cường đào tạo, nâng cao sự hiểu biết và trình độ quản trị công ty cổ phần của các nhà quản lý; Phát huy vai trò của Đại hội cổ đông trong tổ chức, điều hành công ty cổ phần; Có cơ chế chính sách phù hợp đối với cán bộ quản lý cũ khi họ không còn nắm giữ những chức vụ cũng như các trường hợp tiếp tục đảm nhiệm các chức vụ mới. Giải quyết những vấn đề tồn tại từ chính khâu xây dựng và thông qua điều lệ, tạo thuận lợi cho tổ chức và điều hành công ty cổ phần; Lựa chọn cơ cấu hội đồng quản trị có tính đại diện cao, uy tín. Đảm bảo thể chế dân chủ minh bạch, công khai trong tổ chức điều hành; Kiểm soát được chuyển nhượng cổ phần của cổ đông sáng lập; Định rõ chức năng nhiệm vụ của bộ phận tài chính. Trước mắt, cần chủ động vận dụng những luật và quy định hiện có về kế toán tài chính để tạo lập chính sách tài chính công khai, minh bạch đúng quy định pháp lý, nhanh chóng tham gia thị trường chứng khoán nếu đủ điều kiện. Giải quyết nợ của doanh nghiệp trước cổ phần hóa. Cơ cấu lại nợ trong nội bộ doanh nghiệp. Nếu khoản nợ là do nguyên nhân chủ quan của doanh nghiệp thì phải kiên quyết xử lý bồi thường vật chất, nếu không quy được trách nhiệm cá nhân thì doanh nghiệp tự quyết định xử lý các khoản nợ phải thu này vào kết quả hoạt động kinh doanh. Đối với những khoản nợ do nguyên nhân khách quan, kể cả nguyên nhân do cơ chế, chính sách nếu là khoản nợ ngân sách Nhà nước thì coi như vốn Nhà nước tại doanh nghiệp được thể hiện chuyển đổi sở hữu theo chế độ hiện hành. Nếu là nợ vay ngân hàng thì dùng tiền thu được do chuyển đổi sở hữu để trả nợ ngân hàng. Nếu là khoản nợ bảo hiểm xã hội do doanh nghiệp mất khả năng thanh toán thì dùng tiền thu được do chuyển đổi sở hữu sau khi trả nợ vay để chi trả. Nếu là khoản nợ nước ngoài mà doanh nghiệp vay vốn có bảo lãnh thì tổ chức bảo lãnh chủ động đàm phán với chủ nợ nước ngoài để xin giảm nợ và có kế hoạch cùng với doanh nghiệp tìm nguồn vốn trả nợ nước ngoài. Nếu là khoản nợ với đối tác là các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh thì có kế hoạch chuyển thành giá trị cổ phần để chủ nợ tham gia cổ phần và thành cổ đông của doanh nghiệp. Thị trường hoá các khoản nợ. Pháp lệnh thương phiếu ra đời là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc mua bán nợ. Tuy nhiên, thời gian qua ở nước ta các khoản nợ chính thức được mua bán chưa nhiều, nguyên nhân của tình hình này là do các văn bản hướng dẫn chưa cụ thể, đầy đủ và đồng bộ; các khoản nợ đọng có nhu cầu cần bán phần lớn là các khoản nợ “xấu” nên bán không có người mua; nghiệp vụ mua bán nợ lại rất mới mẻ, do vậy, việc hình thành, phát triển “công ty mua bán nợ” là giải pháp quan trọng góp phần thị trường hoá và xử lý có hiệu quả các khoản nợ. Đồng thời, các công ty mua bán nợ ra đời và phát triển sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của các thị trường thương phiếu và các nghiệp vụ chiết khấu thương phiếu./. Tài liệu tham khảo: - Nghị định 28/CP ngày 7/5/96; Nghị định 25/1997/NĐ-CP ngày 26/03/1997; Nghị định 64/2002/NĐ-CP; Nghị định 44/2003/NĐ-CP ngày 09/5/2003; Nghị định 187/2004/NĐ-CP; Nghị định 109/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007. - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, “Kinh tế Việt Nam 2005,2006,2007” - Kết quả khảo sát về đổi mới công nghệ tại các doanh nghiệp do UNDP và Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Bộ Kế hoạch – Đầu tư phối hợp tiến hành tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. - Kết quả khảo sát của Viện Khoa học Tài chính, Bộ Tài chính.  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật