DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC VÀ NHỮNG NỖI NIỀM . . .

PHAN THẾ HẢI Trong nhiều ngày qua, trên các diễn đàn đại chúng, doanh nghiệp nhà nước được coi là tâm điểm của dư luận với không ít điều tiếng. Người ta chỉ trích những ưu ái giành cho khối này và phê phán sự kém hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên ít ai hiểu được nỗi niềm của những người trong cuộc. Bị trói bởi một hệ thống luật chưa rõ ràng Doanh nghiệp nhà nước là tổ chức kinh doanh mà toàn bộ vốn thuộc sở hữu nhà nước. Vậy nên, phần lớn cán bộ công nhân viên đều là người Nhà nước. Mặc dù trong đó có Hội đồng quản trị, có ban giám đốc điều hành nhưng thực chất họ đều là người làm thuê 100%, không hơn không kém. Nếu như ở các loại hình doanh nghiệp khác, Hội đồng quản trị (HĐQT) là người đại diện cho cổ đông thì với các DN Nhà nước, HĐQT là người đại diện cho vốn của nhà nước, vốn của nhà nước lại thuộc sở hữu toàn dân, một ông chủ vừa mơ hồ vừa chịu sự chi phối của hàng loạt quy định bùng nhùng rắc rối. Chính vì vậy nên ở trong các DN như vậy, mối quan hệ giữa lãnh đạo và nhân viên chỉ là mối quan hệ giữa những người làm thuê với nhau. Điều này khác hẳn với ở các DN ngoài quốc doanh, là mối quan hệ chủ tớ. Chính vì mối quan hệ giữa các người làm thuê nên khó có sự mạch lạc của quyền lực. Ông Lê Văn, một người từng là Tổng giám đốc một DN nhà nước tâm sự: Khó nhất là quản lý nhân viên. Tuyển dụng vào thì dễ mà sa thải thì khó. Tâm lý cho rằng, họ là “người nhà nước”, không dễ gì sa thải khi khuyết điểm chưa rõ ràng. Trong khi đó, yếu kém về năng lực chưa phải là một lỗi được quy định trong luật. Chuyện xử lý nhân viên chỉ cần sơ suất về thủ tục là sẽ bị kiện tụng, phức tạp vô cùng.   Với những DN thuộc dạng 90/91, chuyện giữa Hội đồng quản trị và người điều hành cũng phức tạp không kém. HĐQT là người đại diện vốn cho nhà nước, được Chính phủ bổ nhiệm. Đúng ra, HĐQT là người có quyền lựa chọn tổng giám đốc điều hành, có như thế mới có thể tạo ra sức ép cần thiết để thực hiện mục tiêu kinh doanh, nhưng thường thì Tổng giám đốc cũng do Chính phủ bổ nhiệm. Vì lý do này, không phải lúc nào giữa HĐQT và Ban điều hành cũng thống nhất với nhau. Chuyện mâu thuẫn giữa HĐQT và giám đốc điều hành khiến cho hai cơ quan quản lý này không toàn tâm toàn ý vào việc chỉ đạo sản xuất kinh doanh mà mất nhiều thời gian vào việc đấu đá lẫn nhau. Chuyện lình xình ở Agribank hay Vietinbank trong mấy năm trước đây có nguyên nhân từ những mâu thuẫn này. Ông chủ giả, trách nhiệm thật Chuyên gia Nguyễn Thạc Hoát, từng là quyền chủ tịch HĐQT của Vietinbank cho rằng, là người đại diện cho phần vốn nhà nước ở Ngân hàng, nhưng ông không có một xu vốn nào. Gọi là ông chủ nhưng là ông chủ giả. Trong khi đó trách nhiệm thì không thể giả. Mọi quyết định của chủ tịch liên quan đến sự sống còn của Ngân hàng đều phải chịu trách nhiệm đến tận cùng. Vậy là, phương châm đầu tiên phải là đúng luật. Nhanh chậm không quan trọng bằng đúng luật. Trong khi thị trường thời toàn cầu hóa, vấn đề không phải là “cá lớn nuốt cá bé” mà là “cá nhanh nuốt cá chậm”. Nhanh chóng, kịp thời mới có thể nắm bắt được cơ hội, mới có thể mang lại lợi ích lớn cho doanh nghiệp, nhưng việc sinh lợi chỉ mang lại một vài lời khen, nếu có thưởng thì cũng chả bõ bèn gì. Còn nếu rủi ro thì bị khép vào tội “cố ý làm trái, gây hậu quả nghiêm trọng”. Vì lý do này mà với DN nhà nước thường bị thua trong các cuộc đua tốc độ. Công lao trời biển, tạo dựng ra cả một sản nghiệp chỉ nhận được một vài danh hiệu này nọ, nhưng chỉ cần sơ suất là có thể ra tòa. Không chỉ còn là chuyện danh dự mà còn là chuyện trách nhiệm vật chất. Chuyện xẩy ra ở Nông trường Sông Hậu đang được báo chí đưa tin là một bài học cho trách nhiệm của người đứng đầu. Một cái khó nữa của doanh nghiệp nhà nước là việc tổ chức bộ máy. Kinh doanh đòi hỏi phải tổ chức bộ máy linh hoạt, gọn nhẹ, có như thế mới tiết kiệm được chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Với DN nhà nước, điều đầu tiên là phải đủ ban bệ, đúng chức năng. Sự kiêm nhiệm rất khó khăn và khó tìm người. Cùng với đó là chế độ đãi ngộ. Bị đóng khung bởi hệ thống thang bậc công chức nên việc vận dụng chính sách đãi ngộ không thể linh hoạt như thị trường tuyển dụng của các loại hình DN khác. Cũng chính vì ông chủ giả, trách nhiệm thật mà ở DN nhà nước rất khó giữ người giỏi. Những người có năng lực thực sự thường tìm cách thoát ra ngoài tạo lập sự nghiệp riêng, nơi họ là ông chủ đích thực với trách nhiệm thực và lợi ích tùy thuộc vào hiệu quả thực. Làm dâu trăm họ Về danh nghĩa DN nhà nước là tài sản của nhà nước, nhưng Nhà nước là khái niệm mơ hồ, “năm cha bảy mẹ”, cơ quan nào cũng có thể can thiệp được. Trước hết là cơ quan chủ quản. Dẫu rằng, cơ chế chủ qun nay đã được cởi bỏ đi nhiều nhưng vẫn thường xuyên bị thăm viếng. Thêm nữa là các cơ quan đảng, đoàn thể, vì trách nhiệm liên đới nên cũng rất chăm chỉ thăm nom. Có một thông tin vu vơ nào đó không bình thường đều có thể bị thăm hỏi, làm khó dễ, vừa mất thời gian và tốn kém thêm những khoản ngoài sổ sách mà không được quy định trong luật. Một lý do khác, là DN nhà nước nên họ không chỉ đảm bảo khả năng sinh lợi của đồng vốn mà còn phải đảm nhiệm trách nhiệm xã hội, đặc biệt là với vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo… Đây được coi là nhiệm vụ bắt buộc mà không thể làm khác. Có những dự án, không muốn cũng phải triển khai, vì đó là chỉ thị của cấp trên. Thuận buồm xuôi gió chẳng sao, khi thị trường diễn biến xấu sẽ lãnh đủ. Cũng do là của nhà nước nên ý thức của nhân viên ở DN nhà nước có tâm lý là của “cha chung” và thường đủng đỉnh trong cạnh tranh. Thực tế thì doanh nghiệp Nhà nước thường được “đỡ lưng” nên không sợ chết. TS Nguyễn Văn Nam cho rằng, “Khi không phải chịu sức ép lớn, người ta sẽ khó trưởng thành”. Vì lý do đó, nếu đòi hỏi doanh nghiệp nhà nước phải có sức cạnh tranh như các doanh nghiệp khác là điều không thể. Cũng do là của nhà nước, nên với giám đốc doanh nghiệp, họ không có toàn quyền quyết định mà phải thông qua hệ thống ban bệ cồng kềnh. Thậm chí là cả hệ thống đảng đoàn trong doanh nghiệp. Trong trường hợp này, họ giống như người làm dâu trăm họ.  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật