DOANH NGHIỆP ĐÃ ĐƯỢC TÒA ÁN QUYẾT ĐỊNH MỞ THỦ TỤC PHÁ SẢN: “CHẾT TREO”?!

Đó là cách gọi nôm cho những doanh nghiệp đã được tòa án quyết định mở thủ tục phá sản, song chưa nhận được hay đúng hơn là không biết đến bao giờ mới nhận được tuyên bố phá sản. Báo cáo năm 2008 của Tòa Kinh tế về phá sản doanh nghiệp cho thấy một tỷ lệ rất khả quan là 100% trong tổng số 136 vụ việc đã được giải quyết. Mấu chốt vấn đề nằm ở khái niệm “đã được giải quyết” không đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục về phá sản, đã có thể chấm dứt mọi khoản nợ nần liên quan tới doanh nghiệp. Có luật vẫn “treo” Theo thuật ngữ chuyên môn trong lĩnh vực phá sản doanh nghiệp thì “đã giải quyết” có nghĩa là đã quyết định mở thủ tục phá sản, quyết định không mở thủ tục phá sản hoặc trả lại hồ sơ. Trong năm 2008, 131 trường hợp đã được tòa án quyết định mở thủ tục phá sản. Tuy nhiên, theo bà Bùi Thị Hải, Phó tòa Kinh tế, quãng thời gian từ lúc doanh nghiệp nhận được quyết định mở thủ tục phá sản đến khi nhận được tuyên bố phá sản có thể là vài tháng, có thể là vài năm. “Đã có những doanh nghiệp chờ đợi đến 20 – 30 năm vẫn chưa “chết” được”, bà Bùi Thị Hải nói. Như vậy, có thể thấy tỷ lệ các DN chính thức phá sản rất thấp. Nếu như nhìn vào con số thực hiện của TP.HCM trong quãng thời gian từ năm 2004 đến giữa năm 2008 mới có 4 DN nhận được tuyên bố phá sản trong số 27 trường hợp tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản, thì 131 trường hợp của năm 2008 khó có thể có được sự đột biến nào. Nguyên tắc bảo mật thông tin theo quy định khiến việc tiếp cận với các doanh nghiệp ngắc ngoải chờ chết này rất khó, song theo nhận định của bà Hải thì những trường hợp này đang làm đau đầu tất cả những người liên quan, từ bản thân doanh nghiệp đang chờ được phá sản, các chủ nợ, con nợ cho đến các cơ quan hành chính, tòa án… Nhiều hồ sơ thụ lý các vụ việc này đã được truyền tay qua nhiều người sau khi các cán bộ thụ lý đầu tiên đã nghỉ hưu theo chế độ.   Loay hoay và chống lấn Lý do của những cái “chết treo” này, theo bà Hải, phần lớn do những ách tắc trong việc hướng dẫn thực hiện Luật Phá sản năm 2004, trong thực tiễn tiến hành các thủ tục thanh lý tài sản. “Việc xác định chủ nợ, người mắc nợ đến quá trình thu hồi tài sản… chiếm rất nhiều thời gian, công sức. Chỉ đơn giản như hoạt động của tổ thanh lý tài sản rất khúc mắc do các thành viên đại diện của doanh nghiệp, chủ nợ, các cơ quan liên quan luôn kiêm nhiệm, rải rác ở các cơ quan, thậm chí địa phương khác nhau. Nhiều khi chỉ cần một đại diện bị thay đổi cũng đã ảnh hưởng lớn tới hoạt động của cả tổ”, bà Hải phân tích. Giả dụ như hoạt động của tổ này xuôi chèo mát mái thì việc thu hồi tài sản, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, đặc biệt là các tài sản gắn với quyền sử dụng đất, trong nhiều trường hợp là bế tắc. Vì UBND địa phương ra quyết định thu hồi quyền sử dụng đất, và tài sản được thanh lý chỉ còn là tài sản trên đất, tách rời khỏi quyền sử dụng đất. Điều này khiến cho chẳng còn ai muốn tham gia đấu giá các tài sản này. “Nếu như không hoàn thành được các thủ tục về thanh lý thì không thể đóng hồ sơ được”, bà Hải nói. Tuy nhiên, cũng khó có cách làm nào khác “an toàn” hơn bởi đến nay vẫn chưa có một hướng dẫn cụ thể, thống nhất nào liên quan tới hoạt động này. Cũng cần phải chia sẻ với các cơ quan thụ lý vụ việc vì mức chi phí về phá sản hiện đang áp dụng theo quy định từ năm 1997. Nếu như thời gian thanh lý tài sản kéo dài, tòa án buộc phải chịu thêm các chi phí về trông coi, bảo vệ tài sản chờ thanh lý. “Nhiều khi tòa án cũng không biết hạch toán vào đâu các chi phí này. Trong nhiều trường hợp, tài sản của doanh nghiệp nằm rải rác, thậm chí thuộc vùng sâu, vùng xa, xuống cấp nhanh do điều kiện bảo quản không tốt càng ảnh hưởng đến thời gian thanh lý tài sản”, bà Hải phân trần và cho biết là nhiều địa phương không có ngân sách cho các hoạt động này. Theo quy định của Luật Phá sản hiện hành, nếu như các hoạt động thu hồi công nợ của doanh nghiệp chưa giải quyết xong, tài sản chưa thanh lý xong thì tòa án dù muốn cũng không thể ra tuyên bố phá sản được. Và đây là một trong những lý do rất ít chuyên gia đưa ra những khuyến cáo doanh nghiệp rơi vào tình trạng phá sản nên lựa chọn hình thức phá sản hay giải thể doanh nghiệp. Cái lợi của hình thức phá sản doanh nghiệp là sau khi tuyên bố phá sản, chủ doanh nghiệp coi như được xóa sạch mọi nợ nần và chỉ phải chịu những hạn chế về việc thành lập các công ty mới. Trong khi đó, nếu như tiến hành giải thể doanh nghiệp, các cá nhân thành lập doanh nghiệp sẽ tiếp tục phải gánh các khoản nợ còn tồn tại. Tuy nhiên, nếu vướng phải cái chết treo do thủ tục kéo dài thì chủ doanh nghiệp có lẽ cũng chẳng mặn mà gì. Nhắc lại thời điểm 10 năm thực hiện Luật phá sản năm 1993, chỉ có khoảng 46 doanh nghiệp chính thức được tuyên bố phá sản trong tổng số khoảng trên 150 hồ sơ được thụ lý. Vào thời điểm đó, nhiều chuyên gia kinh tế đã lên tiếng về tình trạng “doanh nghiệp chết không chôn được”. Cho tới thời điểm này, những cái “chết treo” vẫn đang chờ thêm các hướng dẫn về pháp lý để được đóng hồ sơ.  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật