ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI NĂM 2008

Mặc dù ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới khiến nền kinh tế nước ta gặp phải nhiều bất ổn, như chỉ số giá tiêu dùng cao, môi trường kinh doanh kém thuận lợi so với năm trước… năm 2008 vẫn đi qua với kết quả “ngoạn mục” về thu hút và sử dụng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của cả nước, đạt khoảng 65 tỉ USD – mức cao nhất từ trước tới nay. Điều này khẳng định, Việt Nam vẫn là điểm hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. 1. Chỉ tính riêng 11 tháng đầu năm 2008, cả nước đã thu hút trên 60 tỉ USD, trong đó cấp mới đạt 59 tỉ USD (1.059 dự án), bằng 82,5% về số dự án và tăng gấp 7 lần về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2007; số còn lại là vốn đầu tư tăng thêm của một số dự án mở rộng sản xuất, kinh doanh. Quy mô vốn bình quân đầu tư của một dự án đạt 55,7 triệu USD/dự án thể hiện số lượng dự án có quy mô vốn lớn tăng hơn nhiều so với năm 2007 (12,2 triệu USD/dự án). Điều này thể hiện sự tin tưởng của các nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường đầu tư nước ta hiện nay. Đây là kết quả đáng khích lệ đối với các nhà hoạch định chính sách FDI, là thành quả của Chính phủ trong nỗ lực chỉ đạo, điều hành, của các cơ quan quản lý hoạt động FDI từ Trung ương đến địa phương trong việc tạo môi trường đầu tư – kinh doanh hấp dẫn, cởi mở, minh bạch và thông thoáng, phù hợp với cam kết quốc tế về giảm thiểu các khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó còn là sự tích cực, chủ động trong thu hút và quản lý FDI bằng nhiều biện pháp theo hướng đơn giản thủ tục hành chính, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án đầu tư đã được cấp phép nhanh chóng đi vào hoạt động kinh doanh hiệu quả, phát huy tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp. 2. Môi trường đầu tư – kinh doanh tại Việt Nam tiếp tục được cải thiện và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao bởi việc hoàn thiện khung pháp luật về đầu tư ngày càng phù hợp với thông lệ quốc tế và khu vực. Chính sách phân cấp việc cấp giấy chứng nhận đầu tư và quản lý hoạt động FDI về địa phương đã tạo thế chủ động và tích cực cho cơ quan quản lý đầu tư các cấp trong thu hút và quản lý FDI bằng nhiều biện pháp theo hướng giảm thiểu thủ tục hành chính, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án đầu tư đã được cấp phép nhanh chóng đi vào hoạt động kinh doanh hiệu quả, phát huy tính tự chủ và trách nhiệm của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, hoạt động xúc tiến đầu tư đã đổi mới cả về phương thức lẫn nâng cao chất lượng thông qua nhiều hoạt động, như triển khai thực hiện Quyết định số 109/2007/QĐ-TTg, ngày 17-7-2007 của Thủ tướng Chính phủ, về việc ban hành Quy chế xây dựng và thực hiện Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia giai đoạn 2007 – 2010; thành lập nhóm hỗ trợ dự án tiềm năng quy mô lớn, ảnh hưởng lớn tới địa phương; ban hành Danh mục dự án quốc gia kêu gọi FDI giai đoạn 2006 – 2010; xuất bản các tài liệu cập nhật, đĩa CD… liên quan tới hoạt động FDI; tổ chức nhiều hội thảo xúc tiến đầu tư ở trong và ngoài nước, kết hợp với các chuyến thăm và làm việc của lãnh đạo cấp cao Đảng, Nhà nước; chú trọng hướng thu hút đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia nhằm thu hút các dự án lớn, công nghệ cao hướng vào xuất khẩu.   Một điều dễ nhận thấy là dòng vốn FDI vào Việt Nam trong vài năm trở lại đây không chỉ thay đổi về lượng (vốn đầu tư) mà cả về chất (chiều sâu đầu tư) thông qua sự có mặt của các tập đoàn nổi tiếng trong lĩnh vực điện tử, như: Intel, Compal, Foxconn, Samsung… Đặc biệt trong năm 2008 còn xuất hiện dự án của các tập đoàn lớn, như Good Choi (Hoa Kỳ), Berjaya (Ma-lai-xi-a) v.v.. Điều này cho thấy, sau một thời gian nghiên cứu thị trường Việt Nam các tập đoàn nước ngoài đã quyết định đầu tư quy mô lớn, xem Việt Nam như một mắt xích trong chuỗi sản xuất toàn cầu. Các dự án lớn nói trên sẽ kéo theo nhiều nhà sản xuất và cung cấp sản phẩm phụ trợ phục vụ sản xuất. Vấn đề đặt ra là mức thu hút vốn FDI đăng ký nêu trên đã là đỉnh điểm của làn sóng FDI lần thứ hai vào Việt Nam kể từ năm 2005 tới nay hay chưa? Biểu đồ thu hút vốn FDI trong thời gian qua cho thấy, năm 2008 thu hút vốn FDI đạt mức cao nhất, tăng gấp hơn 5 lần so với năm 1996 – năm đỉnh điểm của làn sóng FDI đầu tiên vào Việt Nam. Mặc dù có ý kiến cho rằng: vốn FDI thời gian qua chủ yếu vào lĩnh vực bất động sản, song trên thực tế kết quả thu hút vốn FDI trong 11 tháng đầu năm 2008 cho thấy, vốn đăng ký cấp mới tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, với 537 dự án có tổng vốn đăng ký 32,5 tỉ USD, chiếm 53,7% về số dự án và 55,7% tổng vốn đầu tư đăng ký; lĩnh vực dịch vụ có 480 dự án với tổng vốn đăng ký 26,2 tỉ USD, chiếm 42% về số dự án và 43,9% về vốn đầu tư đăng ký. Số còn lại thuộc lĩnh vực nông – lâm – ngư nghiệp. Bên cạnh đó, cơ cấu đầu tư đã chuyển dịch dần sang lĩnh vực dịch vụ với sự xuất hiện của một số dự án quy mô lớn trong lĩnh vực bất động sản, cảng biển. Điều này sẽ góp phần nâng cao chất lượng khu vực dịch vụ, bao gồm tài chính, ngân hàng, bảo hiểm… góp phần thúc đẩy sự phát triển của các ngành kinh tế trong thời gian tới. Hiện nay đã có 44 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký đầu tư tại Việt Nam, trong đó có 11 quốc gia và vùng lãnh thổ có đăng ký mức vốn đầu tư trên 1 tỉ USD. Ma-lai-xi-a đứng đầu với 49 dự án, vốn đăng ký 14,9 tỉ USD, chiếm 4,2% về số dự án và 25,5% về vốn đầu tư đăng ký. Đài Loan đứng thứ 2 với 127 dự án, vốn đầu tư 8,6 tỉ USD, chiếm 12,8% về số dự án và 14,8% về vốn đầu tư đăng ký. Nhật Bản đứng thứ 3 với 95 dự án, vốn đầu tư 7,2 tỉ USD, chiếm 9,4% về số dự án và 12,89% về vốn đầu tư đăng ký. Bru-nây đứng thứ 4 với 16 dự án, vốn đầu tư 4,38 tỉ USD, chiếm 7,5% về vốn đầu tư đăng ký. Ca-na-đa đứng thứ 5 với 8 dự án, vốn đầu tư 4,23 tỉ USD, chiếm gần 7,5% về vốn đầu tư đăng ký. Kết quả trên cho thấy, các nhà đầu tư từ quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc châu á vẫn chiếm đa số trong tổng vốn FDI đăng ký tại Việt Nam. Do vậy, để thu hút được nhiều hơn vốn FDI vào Việt Nam từ các nước có tiềm năng kinh tế thuộc châu Âu và châu Mỹ, việc xây dựng và triển khai chiến lược thu hút vốn FDI từ các quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc các châu lục này càng trở nên cấp thiết và phải được phối hợp đồng thời với việc nhanh chóng đưa các bộ phận đại diện cơ quan xúc tiến đầu tư tại các khu vực trọng điểm đi vào hoạt động theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Không kể 7 dự án thăm dò, khai thác dầu khí (chiếm 18,1% tổng vốn đăng ký), trong 11 tháng đầu năm 2008, tỉnh Ninh Thuận đã vươn lên đứng đầu 43 địa phương của cả nước có thu hút vốn FDI, do có liên doanh sản xuất thép giữa tập đoàn Lion (Ma-lai-xi-a) với tập đoàn tàu thủy Vinashin, với tổng vốn đăng ký đạt 9,79 tỉ USD; Bà Rịa – Vũng Tàu đứng thứ 2, có 4 dự án với tổng vốn đăng ký là 9,3 tỉ USD, chiếm 16,6% tổng vốn đăng ký. Các địa phương có thứ tự tiếp theo là Thành phố Hồ Chí Minh với tổng số vốn đăng ký đạt 7,99 tỉ USD, chiếm 14,2% tổng vốn đăng ký; Hà Tĩnh: 7,8 tỉ USD, chiếm 14%; Thanh Hóa: 6,2 tỉ USD, chiếm 11%; Phú Yên: 4,3 tỉ USD chiếm 7,7%; Kiên Giang: 2,3 tỉ USD chiếm 4,09%; Đồng Nai: 1,78 tỉ USD chiếm 3,1%. Như vậy, sau hơn 20 năm thực hiện Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, các địa phương thuộc khu vực miền Trung đã đạt được kết quả thu hút vốn FDI đáng khích lệ với sự góp mặt của một số dự án FDI có quy mô vốn đầu tư lớn hàng tỉ USD, chắc chắn sẽ có tác động không nhỏ cho sự phát triển kinh tế – xã hội của vùng. Theo đánh giá tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam năm 2008 được tổ chức vào ngày 1-12-2008 tại Hà Nội, khu vực doanh nghiệp FDI hiện đóng góp hơn 40% sản lượng công nghiệp, gần 60% tổng giá trị xuất khẩu, 20% lực lượng sản xuất và hơn 35% nguồn thu thuế. Tình hình hoạt động triển khai sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp FDI trong năm 2008 cũng đạt kết quả tích cực, mặc dù khu vực này cũng đang đối mặt với nhiều thách thức. Nhiều dự án lớn được khai trương, động thổ và triển khai xây dựng ngay sau khi được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, như trong tháng 7-2008 có dự án sản xuất gang thép Hưng Nghiệp, Formosa đầu tư 7,879 tỉ USD, được cấp phép và khởi công xây dựng; dự án xây dựng khu đô thị đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh, Berjaya Leisure (Ma-lai-xi-a) đầu tư 3,5 tỉ USD v.v.. Ước tính các doanh nghiệp FDI đã góp vốn đầu tư thực hiện trong năm đạt khoảng 11 tỉ USD, tăng 30,8% so với năm 2007. Doanh thu của khu vực FDI đạt khoảng 50 tỉ USD, tăng 26,3% so với năm 2007, trong đó xuất khẩu (trừ dầu thô) đạt khoảng 25 tỉ USD, tăng 24,9% so với năm trước. Nhập khẩu đạt khoảng 29 tỉ USD, tăng 34,5% so với năm 2007. Nộp ngân sách đạt khoảng 2 tỉ USD, tăng 33% so với năm 2007. Trong năm 2008, khối doanh nghiệp FDI thu hút thêm khoảng 18 nghìn lao động, đưa tổng số lao động trong khu vực FDI tính đến thời điểm này xấp xỉ 1,5 triệu lao động, tăng 15,7% so với năm trước. 3. Bên cạnh những kết quả khả quan nêu trên, khu vực FDI còn những hạn chế như: công tác kiểm tra, giám sát quy hoạch chưa được quan tâm đúng mức nên xảy ra tình trạng một số địa phương cấp mới một loạt dự án sử dụng nhiều đất (như sân gôn, khu công nghiệp, khu đô thị, khu vui chơi giải trí), tình trạng ô nhiễm không khí, nguồn nước, rác thải tại một số khu công nghiệp – khu chế xuất đến mức rất nghiêm trọng, ảnh hưởng tới môi trường sinh thái; thiếu lao động có tay nghề cao, việc chuyển dịch cơ cấu lao động trong khu vực nông nghiệp – nông thôn còn chậm, điều kiện làm việc và sinh hoạt của người lao động còn hạn chế, nhất là tình trạng đình công kéo dài không được giải quyết triệt để cũng ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường đầu tư – kinh doanh. Như vậy, tính lũy kế từ khi thực hiện Luật Đầu tư (năm 1987) đến nay, nước ta đã thu hút được khoảng 150 tỉ USD vốn FDI cam kết, nhưng vốn giải ngân mới đạt khoảng 56 tỉ USD, bằng khoảng 36% tổng vốn cam kết. Với quy mô vốn đăng ký tăng cao đột biến trong 2 năm 2007 và 2008 việc giảm khoảng cách giữa vốn FDI cam kết với vốn thực hiện đòi hỏi các cơ quan quản lý hoạt động FDI các cấp càng phải nỗ lực nhiều hơn trong việc hỗ trợ trực tiếp, thiết thực đối với các dự án đang triển khai trên địa bàn nhằm giúp các doanh nghiệp hoạt động thuận lợi, triển khai giải ngân vốn theo đúng tiến độ đề ra; đồng thời tiếp tục tạo môi trường pháp lý, đầu tư – kinh doanh ngày càng minh bạch, hấp dẫn, phù hợp với cam kết quốc tế. Bên cạnh đó, Chính phủ cần tiếp tục xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, giao thông, cảng biển… bằng vốn đầu tư từ các nguồn khác (ODA, tư nhân…) bắt kịp tốc độ phát triển kinh tế đất nước, đáp ứng nhu cầu trước mắt và lâu dài. Theo kết quả điều tra về môi trường kinh doanh năm nay do Ban Thư ký của Diễn đàn doanh nghiệp công bố tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam năm 2008, hầu hết các doanh nghiệp được điều tra đều tin tưởng Việt Nam sẽ vượt qua các thách thức, bình ổn kinh tế vĩ mô và môi trường kinh doanh trong các năm 2009, 2010 và đến năm 2011 sẽ được cải thiện hơn. Theo thông tin của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp từ các địa phương, hiện có khoảng 50 tỉ USD vốn cam kết của các dự án đang trong quá trình xem xét, thẩm tra cấp giấy chứng nhận trong những năm tới. Tuy nhiên, trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay, khó khăn lớn mà các nhà đầu tư đang phải đối đầu là việc vay vốn của ngân hàng để đầu tư. Do vậy, khả năng các dự án FDI tại Việt Nam cũng không tránh khỏi trở ngại trên và như vậy tiến độ triển khai dự án cũng sẽ bị tác động. Để khắc phục các hạn chế trên và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các bộ, ngành và địa phương thực hiện các biện pháp hữu hiệu liên quan tới môi trường pháp lý, môi trường đầu tư – kinh doanh, bảo vệ môi trường sinh thái nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động FDI về mọi mặt, nhất là công tác thúc đẩy vốn giải ngân, hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động. Chúng ta tin tưởng năm 2009 sẽ tiếp tục giữ được kết quả trong thu hút và sử dụng vốn FDI, góp phần giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế và thực hiện hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo theo mục tiêu đề ra./.  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật