ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI VỚI NỀN KINH TẾ VIỆT NAM TRONG THỜI KỲ HỘI NHẬP

Năm 1988, Luật Đầu tư nước ngoài (ĐTNN) tại Việt Nam (nay là Luật Đầu tư) bắt đầu có hiệu lực. Sau 20 năm vận hành, tính đến nay đã có hơn 9.530 dự án của 82 quốc gia và vùng lãnh thổ được cấp giấy phép đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký gần 100 tỷ USD. Trong đó có 8.590 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký hơn 83 tỷ USD. Trong 10 quốc gia và vũng lãnh thổ lọt vào Topten có vốn đầu tư cao nhất, thì có 6 quốc gia và vùng lãnh thổ có số vốn thực hiện từ 2 tỷ USD trở lên (riêng Nhật Bản gần 5 tỷ USD) là Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapor, Đài Loan, Hồng Kông và Hà Lan. Thực tiễn 20 năm qua cho thấy, khu vực kinh tế có vốn ĐTNN đã trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế, góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới của đất nước. Bức tranh tổng thể về ĐTNN Xuất phát từ lợi thế phát triển kinh tế của từng vùng và địa phương cũng như đòi hỏi đầu tư hiệu quả và hội nhập của từng doanh nghiệp, tập đoàn, các nguồn vốn ĐTNN về cơ bản đã trải khắp 64 tỉnh, thành phố trong cả nước nhưng về mật độ và cơ cấu ngành nghề thì có khác nhau. Cụ thể, các tỉnh phía Bắc, thu hút hơn 24 tỷ USD vốn đầu tư và chiếm 27% tổng vốn đăng ký cả nước. Tương tự, với các tỉnh phía Nam là 44,9 tỷ và 54%, và các tỉnh miền Trung là 8,6 tỷ và 6%. Còn xét về cơ cấu ngành nghề thì lĩnh vực công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng lớn nhất, gần 67% về số dự án, hơn 60% về vốn đăng ký và tới 68,5% về vốn thực hiện; kế đến là lĩnh vực dịch vụ 22%, 34,5% và 24,5%; Sau cùng là lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp 10,8%, 5,4% và 6,7%. Nếu xét ở góc độ hình thức đầu tư thì, doanh nghiệp (DN) 100% vốn nước ngoài chiếm 74,4% tổng số dự án và gần 51% về tổng số đăng ký. Tương tự, DN liên doanh là 22,2% và 38%; Hợp tác kinh doanh là 3% và 8,3%; DN cổ phần là 0,1% và 0,4%; DN BOT là 0,1% và 2,7%… Trong 20 năm qua, ĐTNN đã có sự đóng góp đáng kể cho sự phát triển toàn diện của nền kinh tế Việt Nam. Những đóng góp thể hiện qua các mặt sau: Thứ nhất, đóng góp cho sự tăng trưởng nền kinh tế: từ mức trung bình 6,3% của GDP trong giai đoạn 1991 – 1995 lên 10,3% của 5 năm 1996 – 2000. Trong thời kỳ 2001 – 2005, tỷ trọng trên đạt trung bình là 14,6% và trong hai năm 2006 và 2007 tỷ trọng này là 17% GDP. Thứ hai, là nguồn vốn bổ sung quan trọng đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế – xã hội. Trong thời kỳ 1991 – 1995 tỷ trọng của ĐTNN trong đầu tư xã hội chiếm 30%, là mức cao nhất cho đến nay. Giai đoạn 1996 – 2000 chiếm 23,4%. Giai đoạn 2001 – 2005 và hai năm 2006 – 2007 chỉ còn khoảng 16,7%, do sự lớn mạnh của khu vực đầu tư tư nhân trong nước kể từ khi Quốc hội ban hành Luật Doanh nghiệp (năm 1999 và năm 2005). Đây cũng là một tín hiệu đáng mừng về sự phát triển nội lực, sự thông thoáng của cơ chế thị trường hội nhập của nước ta. Thứ ba, ĐTNN góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp. Tỷ trọng của ngành công nghiệp trong GDP từ 23,8% năm 1991 lên 40% năm 2004. Đến nay, khu vực kinh tế có vốn ĐTNN chiếm khoảng 35% giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước. Đặc biệt, ở một số địa phương như Bình Dương, Đồng Nai, Vĩnh Phúc… tỷ lệ này đạt đến 65 – 70%. ĐTNN đã tạo ra nhiều ngành công nghiệp mới và tăng năng lực của một số ngành công nghiệp mũi nhọn như dầu khí, công nghệ thông tin, hóa chất, ô tô, xe máy, thép, điện tử và điện tử gia dụng, chế biến nông sản thực phẩm, da giày, dệt may…   Thứ tư, thúc đẩy chuyển giao công nghệ tiên tiến vào Việt Nam, phát triển một số ngành kinh tế quan trọng của đất nước như viễn thông, thăm dò và khai thác dầu khí, hóa chất, cơ khí chế tạo điện tử, tin học, ô tô, xe máy. Thông qua sự liên kết giữa DN có vốn ĐTNN với các DN trong nước, công nghệ và năng lực kinh doanh được chuyển giao nhanh chóng. Thứ năm, đóng góp một phần đáng kể vào các cân đối vĩ mô, tạo việc làm cho người lao động. Cùng với sự phát triển các DN có vốn ĐTNN tại Việt Nam, mức đóng góp của khu vực kinh tế có vốn ĐTNN vào ngân sách ngày càng tăng. Thời kỳ 1996 – 2000, không kể thu từ dầu thô, đạt 1,49 tỷ USD, gấp 4,5 lần 5 năm trước. Trong 5 năm 2001 – 2005, thu ngân sách trong khối DN ĐTNN đạt hơn 3,6 tỷ USD, tăng bình quân 24%/năm. Riêng năm 2007, vượt kế hoạch 1,5 tỷ USD. Hơn thế nữa, khu vực kinh tế có vốn ĐTNN cũng tạo việc làm cho trên 1,26 triệu lao động trực tiếp và hàng triệu lao động gián tiếp khác. Thứ sáu, giúp Việt Nam tiếp cận và mở rộng thị trường quốc tế, nâng cao năng lực xuất khẩu. Nhìn chung, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu của khu vực ĐTNN tăng nhanh và luôn cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Thời kỳ 1996 – 2000, xuất khẩu của khu vực ĐTNN đạt 10,6 tỷ USD (không kể dầu thô), tăng hơn 8 lần so với 5 năm trước, chiếm 23% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước; năm 2000 chiếm 25%, năm 2003 chiếm 31%; Nếu tính cả dầu thô thì năm 2004 tỷ trọng này đạt 54% và trên 55% trong các năm 2005, 2006 và 2007. Thông qua mối quan hệ hợp tác đầu tư cùng phát triển và tiếng nói ủng hộ của các nhà ĐTNN, hình ảnh và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được cải thiện, nâng cao. ĐTNN và những phát triển vượt bậc trong ngành dầu khí Công tác tìm kiếm thăm dò dầu khí của nước ta được khởi động rất sớm, ngay từ những năm 60 của thế kỷ 20, nhưng chỉ có những bước tiến vượt bậc từ sau khi Nhà nước ban hành Luật ĐTNN tại Việt Nam, Luật Dầu khí và Nghị quyết 15-NQ/TW ngày 7/7/1998 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển ngành Dầu khí. Sự phát triển liên tục của Ngành trong nhiều năm qua được đánh dấu bằng một mốc son quan trọng là tháng 8/2006, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam hoạt động đa ngành, với chức năng chủ đạo là tìm kiếm, thăm dò, khai thác chế biến, phân phối sản phẩm dầu khí và dịch vụ dầu khí. Những thành tựu của Ngành có sự đóng góp mang tính quyết định của các chính sách thu hút ĐTNN trong 20 năm qua và được thể hiện qua các mặt sau: Thứ nhất, thu hút mạnh mẽ các nhà ĐTNN tiến hành thăm dò khai thác dầu khí tại Việt Nam. Đến nay, Tập đoàn đã ký 57 hợp đồng với các công ty, tập đoàn dầu khí trên khắp thế giới để tiến hành các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí trên đất liền và ngoài khơi Việt Nam. Lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng không ngừng theo thời gian. Với 4 triệu USD vốn thực hiện đầu tư trong năm đầu thành lập (1988), lũy kế đến hết 2007 đã đạt 12,5 tỷ USD (không kể Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro). Nhiều mỏ dầu khí đã được phát hiện và khai thác như mỏ Bạch Hổ, Cụm mỏ Sư Tử (đen, vàng nâu, trắng), mỏ Rồng, mỏ Đại Hùng, mỏ Hồng Ngọc, mỏ Rạng Đông, mỏ khí Lan Tây – Lan Đỏ. Trong thời gian tới, nhiều mỏ sẽ tiếp tục phát triển và đưa vào khai thác như mỏ Cá Ngừ Vàng, Kim Long – ác Quỷ, Hải Thạch… Đến nay, tổng sản lượng khai thác đạt 222 triệu tấn dầu thô và 39,2 tỷ m3 khí. Sản lượng khai thác dầu khí những năm gần đây ổn định từ 20 – 25 triệu tấn dầu quy đổi đã đáp ứng nhu cầu cung cấp nguyên liệu khí cho các nhà máy phát điện, sản xuất phân đạm, công nghiệp địa phương và góp phần phát triển kinh tế đất nước… Với vốn đầu tư, kinh nghiệm và năng lực tích lũy trong quá trình thu hút đầu tư nước ngoài đã góp phần thúc đẩy ngành dầu khí Việt Nam mà đặc biệt là hoạt động thăm dò, khai thác phát triển. Năm 1997, ngành dầu khí nước ta đã đạt bước tiến quan trọng là bắt đầu triển khai đầu tư ra nước ngoài. Hiện tại, Tập đoàn đang tiến hành đầu tư vào 13 dự án thăm dò khai thác dầu khí ở các châu lục như Đông Nam á, Trung Đông, Bắc Phi, châu Mỹ La Tinh. Tổng chi phí đầu tư cho các dự án này đến hết năm 2007 là 187 triệu USD. Đến cuối năm 2006, Ngành đã bắt đầu có doanh thu từ hoạt động đầu tư khai thác dầu khí ở nước ngoài và năm 2007, doanh thu này đã đạt 47 triệu USD. Thứ hai, phát triển mạnh dịch vụ kỹ thuật. Từ khi thành lập cho đến những năm đầu của thập kỷ 80, phương tiện kỹ thuật phục vụ cho hoạt động dầu khí rất nghèo nàn. Toàn Ngành chỉ có một số thiết bị khảo sát địa chấn cũ chủ yếu của Liên Xô. Nhưng từ khi thực hiện chính sách thu hút đầu tư, đặc biệt là sau năm 1998, từ việc phối hợp với các công ty dịch vụ dầu khí trên thế giới để làm dịch vụ tại Việt Nam, đến nay Ngành đã tự chủ cung cấp hầu hết các dịch vụ cho các nhà thầu nước ngoài và bước đầu cung cấp các dịch vụ chuyên ngành ra thị trường thế giới. Hiện tại toàn ngành đã sở hữu nhiều phương tiện, thiết bị hiện đại trị giá hàng tỷ USD, gồm: 27 tàu dịch vụ dầu khí; một đôi tàu vận chuyển dầu thô; 5 giàn khoan tự nâng (4 giàn khoan biển, 1 giàn khoan đất liền); các phương tiện đồng bộ để xây lắp các công trình biển; một số tàu chứa và xử lý dầu chuyên dụng; các trung tâm nghiên cứu, xử lý số liệu hiện đại… Và hiện đang đầu tư giàn khoan biển nước sâu và tàu khảo sát địa chấn với tổng vốn đầu tư khoảng 730 triệu USD để chủ động khảo sát vùng biển của Việt Nam và vươn ra làm dịch vụ quốc tế. Thứ ba, phát triển nguồn nhân lực. Qua 20 năm đổi mới, từ chỗ lực lượng cán bộ mỏng, trình độ quản lý kỹ thuật, ngoại ngữ còn hạn chế, đến nay Tập đoàn đã có lực lượng cán bộ kinh tế, kỹ thuật và quản lý mạnh, đủ sức thay thế nhiều vị trí quan trọng trong nghiên cứu, quản lý và điều hành hoạt động dầu khí cả ở trong nước và nước ngoài. Sự nhanh chóng đạt được kết quả đó, trước hết phải kể đến việc các nhà ĐTNN tại Việt Nam đã tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để đào tạo tại chỗ nhiều cán bộ kinh tế kỹ thuật của Ngành. Làm việc trực tiếp với các nhà thầu nước ngoài, các cán bộ của Tập đoàn đã tiếp cận, học hỏi, tiếp nhận trực tiếp các công nghệ mới, phương thức quản lý tiên tiến cũng như có điều kiện trau dồi, nâng cao trình độ ngoại ngữ. Bằng phương thức đó, kết hợp với lựa chọn các học sinh giỏi cử đi học dài hạn tại các trường nổi tiếng trên thế giới, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đang sở hữu lực lượng lao động được các đối tác nước ngoài đánh giá cao, cả về khả năng, trình độ và tính chuyên nghiệp trong công việc. Điều này được chứng minh sự phát triển ngoạn mục, thời gian đầu lực lượng lao động làm việc ngoài khơi chủ yếu là người nước ngoài, lao động Việt Nam chỉ chiếm khoảng từ 10 đến 20% nhưng hiện nay đã chiếm tới 95%. Cá biệt, có nhiều giàn khai thác dầu, tỷ lệ này đạt tới 100%; Về lực lượng xây lắp, mới đầu chỉ đủ sức xây dựng các công trình công nghiệp thông thường, nay đã lớn mạnh, đủ sức xây lắp các công trình biển có trọng lượng lớn và kết cấu phực tạp. Hiện tại 100% các giàn khai thác trên biển đều do lực lượng xây lắp của ngành dầu khí đảm nhiệm./.  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật