ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP TỪ LÝ LUẬN ĐẾN THỰC TIỄN

TS. TRẦN THỊ GIANG TÂN – Đại học Kinh tế TPHCM Đạo đức nghề nghiệp – Phẩm chất quyết định chất lượng dịch vụ Trong mọi nghề nghiệp, để người hành nghề có thể thực hiện công việc với chất lượng cao, tuân thủ pháp luật và phục vụ tốt nhất cho khách hàng, các cơ quan chức năng, phải thiết lập các quy định cho người hành nghề. Kế toán, kiểm toán là nghề mang tính chuyên nghiệp cao, vì vậy, càng cần phải chịu sự chi phối bởi các quy định có liên quan. Trong những năm gần đây, việc nhiều công ty bị phá sản do lỗi của công ty kiểm toán không còn xa lạ. Sở dĩ có tình trạng này là một nguyên nhân hết sức quan trọng, không giải quyết được các xung đột lợi ích trong quá trình hành nghề, một vấn đề thuộc lĩnh vực đạo đức của người hành nghề kiểm toán. Để khôi phục lòng tin của công chúng, IFAC cũng như hội nghề nghiệp kiểm toán ở nhiều quốc gia trên thế giới đã hiệu đính chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và đưa ra nhiều biện pháp nhằm tăng cường giám sát việc tuân thủ đạo đức nghề nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia cũng đã có những thay đổi về luật pháp để điều chỉnh hoạt động kiểm toán nhằm bảo vệ cho lợi ích của công chúng và nền kinh tế.   Nền chuẩn mực kiểm toán là những quy định và hướng dẫn về các nguyên tắc và thủ tục kiểm toán làm cơ sở để kiểm toán viên thực hiện công việc và là cơ sở để kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm toán, thì chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp là những quy tắc để hướng dẫn cho các thành viên ứng xử và hoạt động một cách trung thực, phục vụ cho lợi ích của nghề nghiệp và xã hội. Nói cách khác, chinh các quy định về đạo đức nghề nghiệp sẽ giúp nâng cao chất lượng  hoạt động kiểm toán. Khi thị trường chứng khoán phát triển và trở thành một nguồn cung cấp vốn quan trọng của nền kinh tế, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp là một phương thức để nâng cao sự tín nhiệm của công chúng vào nghề nghiệp, là một phương tiện giúp tăng cường lòng tin của công chúng vào các thông tin niêm yết trên thị trường chứng khoán. Nền kinh tế nước ta đang trong quá trình hội nhập vào kinh tế thế giới, thị trường chứng khoán đã hình thành và phát triển đòi hỏi Việt Nam phải tiêu chuẩn hoá các dịch vụ theo thông lệ quốc tế, trong đó, có chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp. Tháng 12/2005, Bộ Tài chính đã ban hành chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp cho người hành nghề kế toán, kiểm toán. Nhìn chung, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp do Việt Nam ban hành đã phù hợp với thông lệ chung của quốc tế. Tuy vậy, việc đưa các quy định này vào thực tế để mang lại kết quả như ý muốn vẫn còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết, bởi vì để chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp được các thành viên tôn trọng chấp hành đuúg đắn, không thể chỉ dựa trên ý chí của Nhà nước thông qua một văn bản pháp quy. Lịch sử phát triển hàng trăm năm đạo đức nghề nghiệp trên thế giới cho thấy đây là một hệ thống thể chế phức tạp, cần có sự kết hợp hài hoà giữa kỳ vọng của xã hội, vai trò của nhà nước, nỗ lực của tổ chức nghề nghiệp và ý chí của những người hành nghề. Do vậy, dù đã được ban hành hơn một năm, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp vẫn còn xa lạ với khá nhiều KTV và công ty kiểm toán, đặc biệt là một số là một số các công ty kế toán vừa và nhỏ. Nguyên nhân của tình trạng này trước hết là do nhận thức chưa đúng đắn về tầm quan trọng của chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp. Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn chưa thiết lập cơ chế giám sát việc tuân thủ đạo đức nghề nghiệp cũng như không có bộ phân xét xử kỷ luật với các hành vi vi phạm đạo đức của KTV. Chính vì vậy, để các quy định đạo đức nghề nghiệp đi vào thực tế, cần phải thiết lập một cơ chế để giám sát việc tuân thủ đạo đức nghề nghiệp cũng như xét xử các hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Một hệ thống đầy đủ phải bao gồm tổ chức và quy chế, trong đó, tổ chức phải có khả năng hướng dẫn, giám sát, thu thập thông tin phản hồi và hoàn thiện các quy định. Thành lập Ban đạo đức nghề nghiệp Để hoàn thiện các quy định đạo đức nghề nghiệp và đưa ra những hướng dẫn chi tiết, cần thành lập một Uỷ ban phụ trách về đạo đức nghề nghiệp. Do nhiều nội dung của chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp không phải là vấn đề của luật pháp, vì vậy, việc ban hành và giám sát không nên giao phó cho các cơ quan nhà nước mà nên giao cho hội nghề nghiệp đảm nhận. Nhưng trong giai đoạn đầu, Uỷ ban này nên là bộ phận tư vấn cho Bộ Tài chính để hiệu đính chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp. Khi hội nghề nghiệp đủ mạnh, sẽ đảm nhận vai trò cập nhật, sửa đổi các quy định đạo đức nghề nghiệp và lúc đó, Uỷ ban này sẽ trực thuộc Hội. Thành lập Uỷ ban Kỷ luật. Để giám sát việc tuân thủ đạo đức nghề nghiệp và xử lý kỷ luật, cần thành lập Ban phụ trách về kỷ luật. Về mô hình tổ chức, có thể dựa vào kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới. Đối với Hoa Kỳ, Uỷ ban Kỷ luật này trực thuộc Uỷ ban Đạo đức nghề nghiệp, tức thuộc hội nghề nghiệp. Còn ở Pháp, Uỷ ban Phụ trách kỷ luật trực thuộc Uỷ ban Kiểm toán cấp cao. Do Bộ Tài chính đã giao cho VACPA việc hướng dẫn và kiểm tra thực hiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp đối với người hành nghề, vì thế, Uỷ ban kỷ luật nên trực thuộc VACPA. Uỷ ban này sẽ có trách nhiệm điều tra về bất cứ trường hợp nào được cho là vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Các trường hợp này có thể được phát triển thông qua các cuộc kiểm soát chất lượng từ bên ngoài đối với hoạt động kiểm toán. Ngoài ra, Uỷ ban này cũng sẽ mở các cuộc điều tra riêng nếu nhận được các thông tin về vấn đề được cho là vi phạm đạo đức nghề nghiệp, chẳng hạn thông qua đơn khiếu nại hay các phương tiện thông tin đại chúng. Uỷ ban Kỷ luật nên bao gồm các thành viên là những KTV hành nghề và các thành viên khác tuy không phải là người hành nghề nhưng là những người nổi bật về tính trung thực. Trong trường hợp có bằng chứng về sự vi phạm đạo đức nghề nghiệp, Uỷ ban sẽ đánh giá mức độ nghiêm trọng của vi phạm này và ấn định các biện pháp như: Nếu những vi phạm không trọng yếu, Uỷ ban nhắc nhở sai phạm và chỉ rõ biện pháp sửa sai cho KTV có liên quan. Áp dụng các biện pháp kỷ luật như cảnh cáo (Không cho hành nghề trong một khoảng thời gian nào đó) hay khai trừ khỏi Hội đối với những sai phạm nghiêm trọng. Công bố các kết luận hay cách giải quyết của Uỷ ban kỷ luật trên các tạp chí chuyên ngành hay trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong quá trình điều tra, công ty kiểm toán (nơi KTV đăng ký hành nghề) cần áp dụng một trong các biện pháp đối với KTV bị điều tra như sau: Không cho KTV này tiếp tục thực hiện hợp đồng kiểm toán đối với khách hàng; đình chỉ công việc đối với KTV đang bị điều tra cho đến khi Uỷ ban kỷ luật có kết luận chính thức; cho thôi việc KTV vi phạm kỷ luật. Thành lập Uỷ ban Kiểm soát chất lượng. Thông thường, việc giám sát tuân thủ đạo đức nghề nghiệp được tiến hành đồng thời với kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm toán. Hiện nay, việc kiểm soát chất lượng từ bên ngoài đối với hoạt động kiểm toán độc lập đã trở thành bắt buộc tại nhiều nước phát triển. Tại Pháp, việc kiểm soát chất lượng từ bên ngoài đối với hoạt động kiểm toán thường xuyên và định kỳ, vừa là nghĩa vụ pháp lý, vừa nhằm tuân thủ yêu cầu đạo đức nghề nghiệp. Còn tại Hoa Kỳ, việc kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm toán được thực hiện thông qua cách thức kiểm tra chéo giữa (các công ty kiểm toán) kể từ thập niên 1960. Các công ty kiểm toán được tự nguyện chọn các công ty khác để kiểm tra cho công ty mình theo định kỳ 3 năm một lần. Đây là yêu cầu bắt buộc và được xem như là một phần trong chương trình tự kiểm soát của nghề nghiệp theo quy định của AICPA. Đối với Việt Nam, việc kiểm tra tuân thủ đạo đức nghề nghiệp cũng nên được tiến hành đồng thời với kiểm soát chất lượng từ bên ngoài đối với hoạt động kiểm toán. Do Bộ Tài chính đã chuyển giao việc quản lý hoạt động nghề nghiệp cho Hội nghề nghiệp, Ban Kiểm soát chất lượng nên là một bộ phận trực thuộc hội và tiến hành kiểm tra các công ty kiểm toán theo chương trình do Hội đề ra có sự phê chuẩn của Bộ Tài chính. Thành lập Uỷ ban Giám sát chất lượng kiểm toán đối với các công ty kiểm toán cho những công ty niêm yết. Trên thế giới, nhiều quốc gia đã thành lập một Uỷ ban riêng để giám sát hoạt động của các công ty kiểm toán cho các công ty niêm yết. Uỷ ban này thường được thành lập do sự kết hợp giữa Hiệp hội nghề nghiệp và Uỷ ban Chứng khoán. Tại Hoa Kỳ, công ty kiểm toán cho các công ty niêm yết phải đăng ký với Ủy ban Giám sát. Các cuộc kiểm toán của họ sẽ được kiểm tra đều đặn bởi các kiểm tra viên của Uỷ ban Giám sát các công ty niêm yết. Uỷ ban giám sát không phải cơ quan chức năng của nhà nước, hoạt động dưới sự giám sát của Uỷ ban Chứng khoán (SEC) và Hội nghề nghiệp (AICPA) Tại Pháp, từ năm 1985, việc kiểm tra các công ty niêm yết được tiến hành bởi Uỷ ban kiểm tra quốc gia về hoạt động kiểm toán trực thuộc CNCC. Đối với các công ty niêm yết, việc kiểm tra của CENA thường được thực hiện trong các chương trình kết hợp với Uỷ ban Chứng khoán. CENA chịu trách nhiệm kiểm soát tuân thủ đạo đức nghề nghiệp cùng với việc kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm toán. Như vậy, dù theo mô hình nào, Việt Nam cũng cần thiết lập Uỷ ban giám sát chất lượng kiểm toán đối với các công ty kiểm toán cho những công ty niêm yết. Uỷ ban này phải liên kết với Uỷ ban Chứng khoán và thực hiện theo chương trình kiểm tra kết hợp giữa Hội nghề nghiệp và Uỷ ban Chứng khoán đối với các cuộc kiểm toán cho những công ty niêm yết. Việc giám sát tuân thủ đạo đức nghề nghiệp tại Việt Nam nên được thực hiện đồng thời khi thực hiện kiểm soát từ bên ngoài đối với chất lượng hoạt động kiểm toán và được tiến hành như sau: Đối với các công ty kiểm toán cho các công ty không niêm yết, cần có sự kiểm tra hoạt động kiểm toán đều đặn theo định kỳ ít nhất 3 năm một lần. Việc kiểm tra này chủ yếu sẽ do hội nghề nghiệp thực hiện nhưng do Bộ Tài chính phê chuẩn danh sách công ty được kiểm tra cũng như thành viên ban kiểm tra. Đối với các công ty kiểm toán thực hiện kiểm toán cho các công ty niêm yết, cần có sự kiểm tra đều đặn theo định kỳ 3 năm 1 lần bởi một Uỷ ban có thành phần gồm đại diện của Hội nghề nghiệp và Uỷ ban chứng khoán theo quyết định của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, để thực hiện các chức năng này, cần kiền toàn tổ chức nghề nghiệp về kế toán và kiểm toán. Để có thể giám sát việc tuân thủ đạo đức và xét xử kỷ luật về các vi phạm của KTV và công ty kiểm toán, Hội nghề nghiệp cần thực hiện các vấn đề sau: Nghiên cứu để hoàn thiện cơ cấu tổ chức của hội nghề nghiệp, sao cho Hội phải là một tổ chức nghề nghiệp tự quản và độc lập. Cần thành lập các Uỷ ban phụ trách những lĩnh vực hoạt động khác nhau, như là Uỷ ban Đạo đức nghề nghiệp, Uỷ ban Đào tạo, Uỷ ban Kiểm soát chất lượng, Uỷ ban Giám sát chất lượng kiểm toán đối với các công ty kiểm toán cho những công ty niêm yết, Uỷ ban Kỷ luật. Hội cần phải có những nhân viên có chuyên môn nghiệp vụ đã có chứng chỉ KTV, chứng chỉ hành nghề kế toán có kinh nghiệm thực tế trong hoạt động dịch vụ kế toán, kiểm toán và có tâm huyết cho sự phát triển nghề nghiệp. Trong tương lai, Hội nghề nghiệp cần được đóng vai trò chủ đạo trong việc thiết lập và ban hành các quy định đạo đức nghề nghiệp, trong việc giám sát tuân thủ đạo đức nghề nghiệp vì vấn đề này nên thuộc về nghề nghiệp chứ không phải là vấn đề của pháp luật. Tuy vậy, cần phải thấy rằng, yêu cầu phải áp dụng đầy đủ nội dung của chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, cũng như tăng cường giám sát sự tuân thủ đạo đức nghề nghiệp sẽ dẫn đến sự sắp xếp lại thị trường kiểm toán. Lịch sử phát triển nghề nghiệp trên thế giới đã chứng minh điều này. Các công ty kiểm toán nhỏ sẽ phải liên minh để có thể trợ giúp chuyên môn cho nhau nhằm đảm bảo tuân thủ các quy định về đạo đức nghề nghiệp và nâng cao chất lượng kiểm toán. Việc sáp nhập hay biến mất của các công ty kiểm toán nhỏ xét trên góc độ từng công ty kiểm toán là bấtlợi, nhưng trên góc độ toàn nền kinh tế, làm lành mạnh hoá thị trường kiểm toán, mang lại nhiều lợi ích chung. Đó cũng là xu thế chung của quá trình toàn cầu hoá nền kinh tế.

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật