CƠ SỞ HÌNH THÀNH NGHĨA VỤ CUNG CẤP THÔNG TIN TRONG GIAO KẾT HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM

PHẠM SI HẢI QUỲNH -  Khoa Luật Thương mại – ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh Trong giao kết hợp đồng bảo hiểm, nghĩa vụ cung cấp thông tin giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Chính nhờ vào các thông tin được cung cấp mà các bên có khả năng đánh giá, dự đoán các rủi ro. Nghĩa vụ cung cấp thông tin cũng giúp bảo vệ sự công bằng và lợi ích chính đáng của các bên tham gia hợp đồng bảo hiểm. Ở Việt Nam, nghĩa vụ cung cấp thông tin trong giao kết hợp đồng bảo hiểm được biết đến rất muộn. Lần đầu tiên nó được ghi nhận trong Bộ luật hàng hải năm 1990 và tiếp đến là Bộ luật dân sự 1995 và Luật kinh doanh bảo hiểm 2000. Cho đến nay các quy định này cũng đã nảy sinh những bất cập và thực tiễn áp dụng có rất nhiều vướng mắc. Vì vậy, nghiên cứu vấn đề này để tìm ra giải pháp toàn diện nhằm giải quyết gốc rễ các bất cập hiện tại liên quan đến nghĩa vụ cung cấp thông tin lúc này là cần thiết. Tuy nhiên, đây là một vấn đề khá phức tạp mà một bài viết không thể giải quyết hết. Trong phạm vi bài viết này, những nghiên cứu được giới hạn ở việc phân tích, làm rõ cơ sở nào đã hình thành nên nghĩa vụ cung cấp thông tin ở các nước cũng như ở Việt Nam và từ đó phác họa sơ lược giải pháp có thể cho việc hoàn thiện các quy định pháp luật về lĩnh vực này ở Việt Nam. 1. Sơ lược sự hình thành nghĩa vụ cung cấp thông tin: Ngay từ xa xưa, khi các hoạt động bảo hiểm, mà cụ thể là bảo hiểm hàng hải, manh nha xuất hiện, người ta đã nhận ra rằng, bản chất của hoạt động bảo hiểm chính là quan hệ chia sẻ rủi ro. Cùng nhau đối mặt và chia sẻ rủi ro – một yếu tố không thể biết trước chính xác vì mang thuộc tính ngẫu nhiên – nên khi thiết lập quan hệ bảo hiểm, các bên chỉ có thể hợp tác, trung thực, thiện chí với nhau thì quan hệ mới diễn ra tốt đẹp, đúng với bản chất “chia sẻ” của nó. Ý tưởng này được phôi thai pháp lý trong một Pháp lệnh vào năm 1369 của Genoa, Italia và được ghi nhận rõ hơn như là một nguyên tắc trong các đạo luật của Barcelona từ năm 1435 đến 14841. Sau đó, từ giữa thế kỷ 15, khi hoạt động bảo hiểm xuất hiện và lan rộng ra nhiều khu vực thương mại quan trọng khác ở Châu Âu, nguyên tắc về sự hợp tác, thiện chí, trung thực – gọi ngắn gọn là nguyên tắc thiện chí – được nhận biết đến rộng rãi hơn. Đến cuối thế kỷ 17, người ta đã ngày càng hiểu thêm rằng, quan hệ bảo hiểm mang một đặc thù: người mua và người nhận bảo hiểm không nắm giữ như nhau đối với dòng thông tin giúp đánh giá, dự đoán rủi ro. Vị thế bất cân xứng này dẫn tới hệ quả kẻ mạnh, người yếu giữa các bên của quan hệ bảo hiểm. Trước vị thế như vậy của các bên thì lúc này nguyên tắc thiện chí lại càng được quan tâm đến. Vì thế, vào cuối thế kỷ 17, nhiều nước ở Châu Âu đã ghi nhận nguyên tắc thiện chí trong hệ thống pháp luật bảo hiểm của mình2. Kể từ cuối thế kỷ 17 đến nay, pháp luật nhiều quốc gia đã xây dựng và phát triển nguyên tắc thiện chí như là một trong những nguyên tắc cơ bản và quan trọng nhất đối với hoạt động bảo hiểm. Trải qua sự phát triển và xây dựng tùy thuộc vào hoạt động của thị trường bảo hiểm và vào hệ thống pháp luật riêng từng nước, nguyên tắc thiện chí theo pháp luật của các nước mang nhiều khác biệt. Thế nhưng, trên thực tế, do việc xây dựng nên nguyên tắc ở các nước, đặc biệt là các nước Châu Âu, đều cùng từ xuất phát điểm không đổi thay theo thời gian, cho nên nhìn chung về bản chất, nội dung của nguyên tắc thiện chí theo pháp luật các nước là tương đối thống nhất3. Cụ thể là, nội dung cơ bản của nguyên tắc thiện chí ở các nước đều yêu cầu các bên khi giao kết hợp đồng bảo hiểm phải cung cấp cho nhau một cách tự nguyện, đầy đủ và trung thực đối với những thông tin giúp đánh giá, dự đoán rủi ro. Ví dụ, theo pháp luật của Pháp thì: “người mua bảo hiểm phải tiết lộ chính xác, vào thời điểm hợp đồng được hình thành, tất cả các trường hợp trong kiến thức của mình và có thể ảnh hưởng tới nhận thức của người bảo hiểm về rủi ro”4. Còn luật của Anh cũng có nội dung gần tương tự: “người mua bảo hiểm phải tiết lộ cho người bảo hiểm… mọi thông tin quan trọng được biết đến bởi người mua bảo hiểm, và người mua bảo hiểm được coi là biết đến mọi thông tin nếu trong quá trình hoạt động kinh doanh bình thường của mình, anh ta phải biết về thông tin đó… mọi thông tin được coi là quan trọng nếu nó ảnh hưởng tới đánh giá của một người bảo hiểm khôn ngoan trong việc định mức bảo hiểm phí, hoặc quyết định liệu có tham gia tiếp nhận [bảo hiểm] rủi ro hay không”5. Ở Việt Nam, nguyên tắc thiện chí được ghi nhận tại Điều 395 Bộ luật dân sự (BLDS) là một trong những nguyên tắc cơ bản đối với sự hình thành nên không chỉ quan hệ bảo hiểm mà là tất cả các quan hệ hợp đồng khác. Tuy nhiên, nội dung yêu cầu cụ thể của nguyên tắc thiện chí theo Điều 395 BLDS chưa bao giờ được pháp luật làm rõ. Mặc dù vậy, riêng trong pháp luật bảo hiểm, tồn tại một nghĩa vụ mà những yêu cầu của nó mang dáng dấp gần giống những nội dung cụ thể của nguyên tắc thiện chí ở các nước. Nghĩa vụ này là nghĩa vụ cung cấp thông tin của các bên khi giao kết hợp đồng bảo hiểm. 2. Lý giải cụ thể về hình thành nghĩa vụ cung cấp thông tin: Cùng chung một ý tưởng ban đầu, pháp luật các nước cơ bản giống nhau trong lý giải cụ thể về cơ sở hình thành nên nguyên tắc thiện chí – nghĩa vụ cung cấp thông tin. Những lý giải tập trung vào hai vấn đề chính: vấn đề pháp lý và vấn đề lợi ích. * Vấn đề pháp lý: Trước hết, hợp đồng bảo hiểm là quan hệ chia sẻ rủi ro. Đối tượng của hợp đồng là rủi ro có thể xảy ra. Điều này thể hiện ở chỗ, những hiểu biết về rủi ro là căn cứ chủ yếu để các bên cân nhắc, tính toán lợi ích, thỏa thuận và thể hiện ý chí của mình về việc có tham gia hay không tham gia hợp đồng, hoặc nếu tham gia thì ở mức độ, điều kiện như thế nào: mức phí bảo hiểm ra sao và các điều kiện bảo hiểm cụ thể là gì. Nói khác đi, nhận thức về rủi ro chính là điểm nút trong quan hệ ý chí giữa các chủ thể tham gia hợp đồng bảo hiểm. Là điểm nút của quan hệ nhưng rủi ro lại không phải là yếu tố định hình rõ ràng. Không giống như đối tượng của các hợp đồng thông thường khác, ví dụ hợp đồng mua bán nhà thì căn nhà có thể được các bên trực quan đánh giá qua các yếu tố cụ thể, rõ ràng như vị trí địa lý, kết cấu, hình dáng… của căn nhà, rủi ro – đối tượng của hợp đồng bảo hiểm – lại chỉ có thể được suy đoán đến một cách gián tiếp thông qua những thông tin liên quan mà mỗi bên có, ví dụ như thông tin về quy mô, tình trạng pháp lý, vị trí địa lý… của đối tượng bảo hiểm…. Tính chất không định hình rõ ràng của rủi ro tiềm ẩn một nguy cơ, theo đó, các bên rất dễ hiểu khác nhau về rủi ro. Nguy cơ này trở nên hiển hiện khi đặc thù quan hệ bảo hiểm là sự bất cân xứng về dòng thông tin giúp đánh giá và dự đoán rủi ro. Cụ thể, người mua bảo hiểm, do quen thuộc hơn với đối tượng bảo hiểm, là người nắm giữ và tiếp cận thông tin về rủi ro nhiều hơn so với người bảo hiểm. Còn người bảo hiểm biết rất ít hoặc thậm chí không có thông tin nào về rủi ro. Hiện tượng dòng thông tin không cân bằng tạo vị thế kẻ mạnh cho người mua bảo hiểm, theo đó bằng việc kiểm soát thông tin mà mình biết về rủi ro, bên mua bảo hiểm có thể kiểm soát nhận thức về rủi ro của bên bảo hiểm. Trong khi đó, mặc dù người bảo hiểm có thể đối phó với thế mạnh của bên mua bảo hiểm bằng cách tự mình tiến hành điều tra, tìm hiểu về các thông tin, nhưng vì rất nhiều lý do, ví dụ như lý do về thời gian hạn chế của quá trình giao kết hợp đồng, công việc điều tra này không phải lúc nào cũng có thể toàn diện và đạt kết quả đầy đủ, chính xác. Hơn nữa, bản thân công việc điều tra, xác minh nào cũng đi liền với nó là phí tổn và thời gian. Do vậy, có thể nói rằng, dù muốn hay không, thì người bảo hiểm vẫn ở vị thế của kẻ yếu, chịu sự lệ thuộc vào chia sẻ thông tin từ phía người mua bảo hiểm. Có thể nói, vị thế kẻ mạnh của người mua bảo hiểm là điều kiện thuận lợi dẫn các bên tới những hiểu biết không đồng đều về một yếu tố cũng không lấy gì làm rõ ràng – yếu tố rủi ro. Rủi ro là điểm nút của quan hệ bảo hiểm, cho nên, những hiểu biết khác nhau về rủi ro tiếp đến tự nó ngăn cản thống nhất ý chí của các bên. Trong khi đó, nguyên tắc tự do ý chí – nguyên tắc pháp lý cơ bản nhất chi phối mọi loại hình quan hệ hợp đồng bao gồm cả quan hệ bảo hiểm – lại đòi hỏi hợp đồng phải là sự thống nhất ý chí thật của các bên tham gia. Như vậy, giữa tồn tại đặc thù của quan hệ bảo hiểm và nguyên tắc tự do ý chí nảy sinh mâu thuẫn hoàn toàn trái ngược. Một bên mà xu hướng, hệ quả hiển hiện của nó phủ định yêu cầu của bên kia. Nhận thức về mâu thuẫn này, luật pháp các nước, nhằm đảm bảo sự tồn tại và vận hành thông suốt của nguyên tắc tự do ý chí6, đã đưa ra giải pháp là phải lập lại trật tự nắm giữ dòng thông tin nhằm kéo vị thế của các bên trong quan hệ bảo hiểm tới vị trí cân bằng hơn7. Đây chính là cơ sở cho việc áp đặt, hình thành một nghĩa vụ mà theo đó bên mua bảo hiểm, trong mọi khả năng có thể của mình, phải cung cấp cho bên bảo hiểm một cách đầy đủ và trung thực nhất những thông tin liên quan phục vụ việc dự đoán, đánh giá rủi ro. Nghĩa vụ này được gọi là nghĩa vụ thiện chí (nghĩa vụ cung cấp thông tin theo cách gọi của Việt Nam) trong giao kết hợp đồng bảo hiểm. Mặc dù về lý thuyết, hiện tượng mất cân bằng của dòng thông tin nghiêng về phía người mua bảo hiểm, thế nhưng trong thực tiễn đa dạng, không loại trừ những trường hợp thông tin nằm trong tay người bảo hiểm mà không đến được với người mua bảo hiểm. Trong những trường hợp như vậy, theo một logic tương tự, thêm vào đó, trước yêu cầu của nguyên tắc hai bên trong quan hệ bình đẳng về địa vị pháp lý, nên nếu như nghĩa vụ thiện chí được áp đặt lên phía người mua bảo hiểm thì cũng cần phải có nghĩa vụ này từ phía người bảo hiểm8. Vì những lý do này, nghĩa vụ thiện chí được hình thành không thuộc về riêng người mua bảo hiểm cho dù trong phần lớn trường hợp, nghĩa vụ này được thực hiện bởi chính người mua bảo hiểm. Có thể thấy rằng, lý do pháp lý chủ yếu dẫn tới sự hình thành nên nguyên tắc thiện chí– nghĩa vụ cung cấp thông tin – ở các nước chính xuất phát từ việc phải bảo đảm sự tồn tại, vận hành của nguyên tắc tự do ý chí trước đặc thù của quan hệ bảo hiểm. Bên cạnh đó nguyên tắc bình đẳng cũng là lý do để áp đặt nghĩa vụ lên phía người bảo hiểm giống như đã áp đặt lên người mua bảo hiểm. * Vấn đề lợi ích: Đặc thù của quan hệ bảo hiểm là tính thiếu đối xứng của dòng thông tin. Trên thực tế, thông tin không chỉ tạo sức mạnh cho người nắm giữ nó đơn giản để kiểm soát ý chí đối tác bên kia mà xét cho cùng, mục đích, nguyên nhân và hệ quả của việc kiểm soát ý chí là tạo thiên lệch lợi ích có lợi cho bản thân bên nắm giữ thông tin. Chính vì vậy, ngoài những lý do pháp lý dẫn tới biện pháp phải thiết lập lại trật tự nắm giữ dòng thông tin trong quan hệ bảo hiểm, thì vấn đề lợi ích cũng được các nước quan tâm đến như là giải thích quan trọng cho sự hình thành biện pháp này. Phần lớn các trường hợp, thông tin nằm trong tay người mua bảo hiểm. Thế nhưng, để quyết định được mức bảo hiểm phí là bao nhiêu, hoặc quyết định có bảo hiểm hay không, thì người bảo hiểm lại cần có đầy đủ thông tin để đánh giá, dự đoán đúng về rủi ro. Tùy theo thang bậc, mức độ của rủi ro mà người bảo hiểm sẽ đưa ra mức phí bảo hiểm cao hay thấp hoặc thậm chí không nhận bảo hiểm. Vì thế, sự nắm giữ thông tin một phía của người mua bảo hiểm đẩy người bảo hiểm vào một trong hai tình huống: nếu muốn đưa ra một quyết định bảo hiểm hợp lý và đảm bảo lợi ích chính đáng của mình, người bảo hiểm (1) phải tự mình điều tra thông tin và gánh chịu những phí tổn cho công việc điều tra cũng như chấp nhận việc điều tra có thể không toàn diện và đầy đủ; hoặc là (2) phải chịu sự lệ thuộc vào chia sẻ thông tin từ phía người mua bảo hiểm, đồng thời cũng sẽ chịu luôn nguy cơ người mua bảo hiểm không cung cấp đủ các thông tin, từ đó người bảo hiểm sẽ đánh giá thấp rủi ro và đưa ra mức bảo hiểm phí thấp tương ứng hoặc thậm chí nhận bảo hiểm vượt quá khả năng của mình. Cả hai tình huống, người bảo hiểm đều thiệt thòi. Trước thế bất lợi này, các nhà làm luật ở các nước, như một thẩm phán của Anh quốc đã nhận định9, đều xác định phải bảo vệ lợi ích chính đáng của người bảo hiểm. Để làm được điều này thì nguyên tắc thiện chí – với nội dung lập lại trật tự cân bằng của dòng thông tin – là một giải pháp rất phù hợp: khi bên mua bảo hiểm cung cấp đầy đủ, chính xác những thông tin mà mình biết cho bên bảo hiểm thì một mặt, bên bảo hiểm sẽ không phải, hoặc giảm bớt, gánh chịu phí tổn điều tra; mặt khác sẽ có được những thỏa thuận phù hợp, công bằng về lợi ích. Ngược lại và tương tự, trong số ít trường hợp khi thông tin chỉ nằm trong tay người bảo hiểm, thì việc thiết lập nghĩa vụ thiện chí từ phía người bảo hiểm cũng là cần thiết để bảo vệ lợi ích của người mua bảo hiểm – là bên yếu thế hơn trong trường hợp riêng biệt này. Như vậy, ở góc độ riêng từng quan hệ bảo hiểm cụ thể, nguyên tắc thiện chí hình thành từ mục đích bảo vệ sự công bằng, lợi ích chính đáng của các bên. Không chỉ thế, vấn đề còn được nhìn nhận từ góc độ lợi ích chung đối với hoạt động của thị trường bảo hiểm. Ở các nước, nguyên tắc thiện chí được ví von như “dầu máy bôi trơn cho bánh xe thị trường bảo hiểm”10. Thứ nhất là bởi vì, quay trở lại với công việc điều tra của người bảo hiểm, rõ ràng công việc này gây ra những phí tổn về thời gian, tiền bạc, và thậm chí đôi khi là bất khả thi đặc biệt là trong trường hợp các bên có nhu cầu giao kết hợp đồng trong giới hạn thời gian ngắn. Nếu so sánh với việc người mua bảo hiểm chỉ đơn giản cung cấp các thông tin mà mình biết cho người bảo hiểm thì những phí tổn cộng với tính thiếu hiệu quả của công việc điều tra thực sự là những lãng phí không cần thiết. Vì thế, nhìn ở tổng thể thị trường bảo hiểm, có thể nói yêu cầu người mua bảo hiểm phải tự nguyện cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác cho người bảo hiểm có ý nghĩa một mặt giúp tiết kiệm thời gian, chống lãng phí cho toàn bộ hoạt động của thị trường bảo hiểm11, mặt khác nâng cao hiệu quả của các quyết định bảo hiểm. Thứ hai, việc hình thành nguyên tắc thiện chí có giá trị bảo vệ công bằng lợi ích giữa các bên của quan hệ bảo hiểm, theo đó cụ thể là, trên cơ sở có đầy đủ thông tin, các bên sẽ hiểu rõ như nhau về rủi ro và vì thế sẽ cùng nhau xây dựng và thỏa thuận được mức bảo hiểm phí hợp lý và công bằng12. Ở tầm vĩ mô, mức bảo hiểm phí hợp lý và công bằng là nền tảng của một thị trường bảo hiểm hoạt động lành mạnh và bền vững. 3.Việc hình thành nghĩa vụ cung cấp thông tin ở Việt Nam: Nghĩa vụ cung cấp thông tin được ghi nhận lần đầu tiên trong hệ thống pháp luật bảo hiểm của Việt Nam vào năm 1990 tại Điều 204, 207 Bộ luật hàng hải (BLHH)13. Nghĩa vụ này được áp dụng riêng cho quan hệ bảo hiểm hàng hải. Vào thời điểm năm 1990, khi BLHH được ban hành, hoạt động bảo hiểm ở nước ta gần như không có. Thêm vào đó, do các hoạt động hàng hải mang tính quốc tế cao, cho nên, từ việc đã nghiên cứu kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, các nhà dự thảo BLHH đã cố gắng đưa những nội dung của bộ luật hòa nhập và thống nhất với các nước trên thế giới. Có lẽ vì những lý do này mà nội dung quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin trong BLHH gần giống với nội dung của nguyên tắc thiện chí ở các nước. Cụ thể là, Điều 204 BLHH quy định: “người được bảo hiểm có nghĩa vụ cung cấp cho người bảo hiểm biết tất cả các thông tin mà mình biết hoặc cần phải biết liên quan đến việc ký kết hợp đồng bảo hiểm, có thể ảnh hưởng đến việc xác định khả năng xảy ra hiểm họa hoặc quyết định của người bảo hiểm về việc nhận bảo hiểm và các điều kiện bảo hiểm, trừ loại thông tin mà mọi người đều biết hoặc người bảo hiểm đã biết hoặc cần phải biết”. Năm 1995, hoạt động bảo hiểm ở nước ta gần như không thay đổi so với thời điểm năm 1990. Những hiểu biết kỹ càng và đầy đủ về hoạt động bảo hiểm do vậy trên thực tế là chưa có nhiều. Trong điều kiện như vậy, Bộ luật dân sự (BLDS)14 ra đời và quy định một cách chung nhất về nghĩa vụ cung cấp thông tin tại Điều 577. Nghĩa vụ theo BLDS được hiểu là áp dụng cho mọi loại hình bảo hiểm, bao gồm cả bảo hiểm hàng hải. Trong khi nghĩa vụ cung cấp thông tin trong BLHH được hình thành giống với các nước trên thế giới thì nghĩa vụ này trong BLDS lại được xây dựng theo hướng hoàn toàn khác biệt với quy định tại BLHH. Điểm khác biệt lớn nhất là ở tính tự nguyện và tính đầy đủ của nghĩa vụ. Nếu như nghĩa vụ theo BLHH xác định người mua bảo hiểm phải tự nguyện cung cấp mọi thông tin liên quan mà mình biết cho người bảo hiểm thì theo BLDS, người mua bảo hiểm chỉ cần thụ động cung cấp các thông tin mà người bảo hiểm yêu cầu: “theo yêu cầu của bên bảo hiểm, bên mua bảo hiểm phải cung cấp cho bên bảo hiểm đầy đủ các thông tin có liên quan đến đối tượng bảo hiểm, trừ các thông tin mà bên bảo hiểm đã biết hoặc phải biết”15. Những năm 1999, hoạt động của thị trường bảo hiểm Việt Nam đã có phần sôi động hơn so với nhiều năm trước. Đặc biệt là đã có sự tham gia của các công ty bảo hiểm nhân thọ lớn trên thế giới như AIA, Prudential, Chinfon Manulife…. Sự tham gia thị trường bảo hiểm Việt Nam của các công ty bảo hiểm giàu kinh nghiệm mang vào Việt Nam những hợp đồng mẫu và các thủ tục để xem xét ký kết hợp đồng đã làm rõ một vấn đề cần thiết được pháp luật quan tâm đúng mức, đó là nghĩa vụ cung cấp thông tin. Chính vì vậy, năm 2000, Luật Kinh doanh bảo hiểm (Luật KDBH)16 ra đời cùng với những quy định mới và chi tiết hơn về nghĩa vụ cung cấp thông tin tại các Điều 17, 18, 19. Thế nhưng, một lần nữa, giống như đã xảy ra với BLDS, quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin trong Luật KDBH cũng không giống xu hướng chung của hầu hết các nước trên thế giới. Cụ thể, Điều 18.2.b của Luật KDBH có nội dung gần tương tự với Điều 577.1 BLDS. Trong khi đó, Điều 19.1 Luật KDBH lại quy định không giống với BLDS và cả BLHH, đó là quy định về một phạm vi nghĩa vụ gần như không có giới hạn của người mua bảo hiểm “bên mua bảo hiểm có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến đối tượng bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm”. Điểm tích cực ở Luật KDBH so với quy định của hai đạo luật trước đó là việc lần đầu tiên hệ thống pháp luật của Việt Nam quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin của người bảo hiểm (Điều 19 Luật KDBH). Thế nhưng, quy định này chỉ tập trung vào việc người bảo hiểm phải giải thích, làm rõ các điều khoản của hợp đồng bảo hiểm. Vì thế có thể nói, nghĩa vụ của người bảo hiểm theo Điều 19 Luật KDBH không mang bản chất là một nghĩa vụ cung cấp thông tin như của các nước trên thế giới. Hiện nay cả ba quy định tại ba đạo luật trên đều giữ nguyên giá trị hiệu lực thi hành. Như vậy, ở nhiều quốc gia trên thế giới, cho dù có khác nhau về hệ thống pháp luật và những điều kiện cho các hoạt động bảo hiểm, nhưng vẫn có chung nội dung cơ bản của nguyên tắc thiện chí – nghĩa vụ cung cấp thông tin theo cách gọi của Việt Nam. Còn ở Việt Nam, mặc dù chỉ có một hệ thống pháp luật thống nhất nhưng lại có đến ba loại nghĩa vụ cung cấp thông tin cùng tồn tại. Cho đến nay ở Việt Nam, chưa có một giải thích chính thức nào được đưa ra từ phía các nhà làm luật về việc vì sao họ xây dựng nên nghĩa vụ cung cấp thông tin. Dường như, việc xây dựng nên nghĩa vụ cung cấp thông tin trên thực tế đã không được thực hiện trong mối liên kết với một mục đích, lý do rõ ràng. Điều này biểu hiện ở hai khía cạnh. Trước hết, thực tiễn ban hành nên các quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin cho thấy các nhà làm luật ở Việt Nam, chí ít là ở phương diện thành văn, đã không hề đề cập tới vấn đề này17. Ngay ở phương diện luật học, cho đến nay, cũng chưa có một bàn bạc chính thức nào của các nhà luật học Việt Nam về mối liên hệ nguồn gốc của nghĩa vụ cung cấp thông tin18. Ai đó có thể giải thích rằng, do hệ thống pháp luật bảo hiểm của Việt Nam tương đối non trẻ còn ở các nước có hệ thống pháp luật bảo hiểm tồn tại và phát triển hàng trăm năm nay19 thì cơ sở lý luận của việc hình thành nên nghĩa vụ cung cấp thông tin là khá rõ ràng và không cần phải bàn cãi nhiều, cho nên vấn đề coi như là một kinh nghiệm mà các nhà làm luật nước ta đã mặc nhiên thừa nhận để xây dựng nghĩa vụ này tại Việt Nam. Thế nhưng, giải thích này lại trở nên bất hợp lý khi mà hiện nay pháp luật thực định về nghĩa vụ cung cấp thông tin ở Việt Nam, một là có biểu hiện không nhất quán với nhau về lý do, mục đích của nghĩa vụ; hai là có rất nhiều điểm không tương thích với cơ sở lý luận của các nước. Ở khía cạnh thứ hai này – khía cạnh pháp luật thực định – có thể kể ra hàng loạt các ví dụ. Đầu tiên, như ở trên đã đề cập, chúng ta thấy có những khác biệt cơ bản giữa quy định tại ba văn bản: BLHH, BLDS và Luật KDBH. Từ những khác biệt căn bản này, có thể khẳng định, đã không thể có một lý do, mục đích nhất quán cho việc hình thành nên các quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin. Tiếp đến về tính không tương thích với cơ sở lý luận của các nước. Hiện nay, ngoại trừ quy định tại Luật KDBH (Điều 19), các đạo luật liên quan đến pháp luật bảo hiểm khác đều không xác định nghĩa vụ cung cấp thông tin của người bảo hiểm. Bản thân nghĩa vụ cung cấp thông tin của người bảo hiểm theo quy định của Luật KDBH cũng chỉ dừng lại ở việc giải thích các điều khoản của hợp đồng hơn là một nghĩa vụ cung cấp cho người mua bảo hiểm các thông tin liên quan đến rủi ro mà người mua bảo hiểm không biết. Cho nên, có thể nói, không tồn tại nghĩa vụ cung cấp thông tin của người bảo hiểm theo cách hiểu đúng nghĩa về nó trong hệ thống pháp luật bảo hiểm hiện hành ở Việt Nam. Điều này đi ngược lại với vấn đề mà pháp luật các nước đều quan tâm giải quyết: tự do ý chí, nguyên tắc bình đẳng và mục đích bảo vệ lợi ích cho người mua bảo hiểm. Một ví dụ nữa là, Điều 18.2.b Luật KDBH và Điều 577.1 BLDS quy định “theo yêu cầu của bên bảo hiểm, bên mua bảo hiểm phải cung cấp cho bên bảo hiểm đầy đủ các thông tin có liên quan đến đối tượng bảo hiểm, trừ các thông tin mà bên bảo hiểm đã biết hoặc phải biết”20. Quy định này xác định nghĩa vụ của người mua bảo hiểm chỉ là việc trả lời các thông tin mà người bảo hiểm yêu cầu. Thế nhưng, không phải bao giờ thông tin được yêu cầu cũng bao gồm tất cả thông tin giúp đánh giá đúng đắn rủi ro. Trong trường hợp người mua bảo hiểm nắm giữ các thông tin quan trọng nhưng không được yêu cầu cung cấp thông tin này và từ đó quyết định không chia sẻ thông tin với người bảo hiểm thì rõ ràng, người mua bảo hiểm vẫn thực hiện đúng với yêu cầu của nghĩa vụ cung cấp thông tin theo Điều 18.2.b Luật KDBH và Điều 577.1 BLDS. Trong khi đó, việc không chia sẻ thông tin của người mua bảo hiểm như vậy đã xâm phạm tự do ý chí, cũng như lợi ích của người bảo hiểm. Như thế, quy định tại hai điều luật đang dẫn đã không hề có giá trị bảo đảm nguyên tắc tự do ý chí cũng như bảo vệ lợi ích chính đáng của người bảo hiểm. Tương tự, hiện nay, các quy định tại Luật KDBH (Điều 19.2) và BLDS (Điều 577.2) chỉ cung cấp một biện pháp pháp lý để người bảo hiểm đối phó lại với những vi phạm nghĩa vụ của người mua bảo hiểm trong trường hợp duy nhất khi người mua bảo hiểm “cố ý cung cấp thông tin sai sự thật…. Điều này đồng nghĩa với việc, nếu người mua bảo hiểm cố ý im lặng không cung cấp một thông tin quan trọng nào đó thì người bảo hiểm sẽ không có một biện pháp pháp lý nào để đối phó lại. Trong khi đó, trước và do sự im lặng của người mua bảo hiểm, người bảo hiểm hoàn toàn có thể bị nhầm lẫn, lệch lạc trong việc đánh giá rủi ro dẫn tới bị thiệt hại lợi ích. Rõ ràng, quy định của BLDS và Luật KDBH về hậu quả pháp lý của “hành vi vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin” đã không quan tâm tới việc bảo vệ cho thích đáng và đầy đủ các trường hợp khi quyền lợi của người bảo hiểm bị xâm hại … 4. Kết luận: Như vậy, việc tìm hiểu về cơ sở lý luận mà các nhà lập pháp Việt Nam đã dựa vào đó để cho ra đời, hình thành và xây dựng nên nghĩa vụ cung cấp thông tin đã không có câu trả lời vì rằng trên thực tế, không có một tồn tại rõ ràng và nhất quán nào như vậy. Sự không rõ ràng, nhất quán của cơ sở lý luận hình thành nên nghĩa vụ cung cấp thông tin đi cùng với nó là hàng loạt các vấn đề: nguyên tắc tự do ý chí, nguyên tắc bình đẳng bị xâm phạm trong nhiều trường hợp mà không được xử lý, lợi ích chính đáng của các bên bị bỏ quên không được bảo vệ và vì thế không thiết lập được một cơ chế nền tảng cho hoạt động lành mạnh và bền vững của thị trường bảo hiểm…. Tất cả các vấn đề này đặt ra nhu cầu phải xác định lại từ đầu, một cách thống nhất và rõ ràng, những ý tưởng, mục đích, lý do làm cở sở cho việc xây dựng nên nghĩa vụ cung cấp thông tin. Trước nhu cầu như vậy, tác giả mạnh dạn đề nghị cần phải có những thừa nhận và áp dụng tư tưởng, kinh nghiệm của các nước vào quá trình thống nhất lại các quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin ở Việt Nam. Đề nghị này xuất phát bởi những lý do sau: + Hiện nay, pháp luật hợp đồng ở Việt Nam (Điều 395 BLDS) đã thừa nhận và khẳng định nguyên tắc tự do ý chí và nguyên tắc bình đẳng như là hai nguyên tắc cơ bản và không thể xâm phạm trong quá trình hình thành hợp đồng. Yêu cầu của hai nguyên tắc này về cơ bản tương tự với các nước trên thế giới21. + Đặc thù bất cân xứng về dòng thông tin không chỉ xảy ra trong quan hệ bảo hiểm ở các nước trên thế giới mà cũng tồn tại không thay đổi trong quan hệ bảo hiểm xảy ra ở Việt Nam. Trước đặc thù này thì việc áp dụng và bảo đảm nguyên tắc tự do ý chí và nguyên tắc bình đẳng tất yếu đến việc hình thành nghĩa vụ cung cấp thông tin ở Việt Nam giống như đã hình thành ở các nước. + Vấn đề bảo vệ lợi ích chính đáng của các bên tham gia bảo hiểm ở Việt Nam hiện nay cũng cần được quan tâm giống như pháp luật các nước đã thực hiện. Về lợi ích chung của thị trường, việc tạo điều kiện để tiết kiệm thời gian, chống lãng phí cho hoạt động của thị trường cũng được đặt ra nhất là khi thị trường bảo hiểm ở Việt Nam đang trong giai đoạn chập chững để đi vào quỹ đạo. Và hơn nữa, việc xây dựng nên một thiết chế tạo điều kiện để mức bảo hiểm phí hình thành công bằng và hợp lý cũng cần được quan tâm phục vụ mục đích cho thị trường bảo hiểm hoạt động lành mạnh và bền vững. Trên cơ sở thừa nhận những xuất phát điểm cho việc hình thành nên các quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin giống như ở các nước, tác giả đề nghị sơ lược một số các giải pháp cụ thể khi xây dựng các quy định như sau: Thứ nhất, Luật về nghĩa vụ cần làm rõ và đề cao yêu cầu về: (1) tính tự nguyện của các bên khi cung cấp thông tin; và (2) tính xác thực của các thông tin được cung cấp. Cụ thể, mọi hành vi cố ý hay vô ý, im lặng hoặc cung cấp sai đều cần được coi là vi phạm và phải được xử lý. Kiến nghị này xuất phát từ các lý do: một là, nguyên tắc tự do ý chí – lý do đầu tiên cũng là mục đích cuối cùng của nghĩa vụ cung cấp thông tin, chỉ quan tâm tới việc có hay không tính thống nhất ý chí của các bên trước thực tại bất cân xứng của dòng thông tin, cho nên, bất kể dưới hình thức nào, nếu thông tin mà chỉ một bên biết lại không cho bên kia biết gây ra bất nhất ý chí giữa hai bên, thì vi phạm nguyên tắc tự do ý chí, đồng nghĩa với nó là vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin; hai là, dù dưới hình thức nào, vô ý hay cố ý, im lặng hay cung cấp sai, chỉ cần thông tin không đồng đều thì ngay lập tức có một bên sẽ thiệt thòi về lợi ích; lúc này mục đích bảo vệ lợi ích của mỗi bên cũng như thiết lập cho thị trường bảo hiểm một cơ chế hình thành mức bảo hiểm phí công bằng, hợp lý sẽ không đạt được; ba là, bản chất của quan hệ bảo hiểm là quan hệ chia sẻ. Thứ hai, do cốt yếu của các lý do (pháp lý và lợi ích) đều nhằm và chỉ nhằm vào sự hiểu biết của hai bên về rủi ro, cho nên, phạm vi nội dung các thông tin mà mỗi bên phải cung cấp cần được giới hạn và chỉ được giới hạn trong những thông tin có liên quan giúp đánh giá và dự đoán rủi ro. Cuối cùng, trước yêu cầu của nguyên tắc bình đẳng và việc bảo vệ lợi ích của cả người mua bảo hiểm, đồng thời trước thực tế đa dạng không hề loại trừ trường hợp chỉ có người bảo hiểm nắm giữ được một số những thông tin quan trọng, nên nghĩa vụ cung cấp thông tin cần được đặt ra đối với người bảo hiểm với nội dung yêu cầu giống như nghĩa vụ của người mua bảo hiểm. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1 W S Holdsworth, History of English Law, 3rd ed (1992); vol 8 trang 290-293. 2 Rohard, The Doctrine of “Utmost good faith” in the Marine Insurance Law of some Civil Law Countries, CIM Yearbook 1994, trang 309. 3 Alexander von Ziegler, The “Utmost good faith” in Marine insurance law on the continent, trong cuốn Marine Insurance at the turn of the Millennium, Vol 2, p.21, Antwerp 2000, do Marc Huybrechts biên soạn. 4 Điều 172.19.3 Luật bảo hiểm, 1967 ( Code des Assurances). 5 Điều 18 Đạo Luật bảo hiểm hàng hải 1906 (Marine insurance Act 1906). 6 Luật pháp các nước, ví dụ như ở Anh, không tiếp cận vấn đề theo giác độ chung của nguyên tắc tự do ý chí mà trực tiếp xem xét vấn đề ở một nội dung cụ thể của nguyên tắc: ngăn chặn yếu tố lừa dối. 7 Nili Cohen, The effect of the duty of Good faith on a previously common law system: the experience of Israeli Law, trong cuốn Good faith in Contract, concept and context, Ashgate, (1995). 8 Peter Macdonald Eggers and Patrick Foss, Good faith and insurance contracts, LLP, 1998, tr.44. 9 Mellor, J trong vụ Uzielli v Commercial Union Insurance Co (1865) 12 LT 399, 401. 10 M A Clarke, The Law of Insurance Contracts, LLP, 3rd ed (1997), đoạn 23-1A. 11 Peter Macdonald Eggers and Patrick Foss, đã dẫn. 12 Mellor, J trong vụ Uzielli v Commercial Union Insurance Co (1865) 12 LT 399, 401. 13 Bộ luật hàng hải được ban hành vào năm 1990 và có hiệu lực thi hành vào ngày 01 tháng 01 năm 1991. 14 Bộ luật dân sự được ban hành vào năm 1995 và có hiệu lực thi hành vào ngày 01/07/1996. 15 Điều 577.1 BLDS. 16 Luật Kinh doanh bảo hiểm được ban hành vào năm 2000 và có hiệu lực thi hành vào ngày 01 tháng 04 năm 2001. 17 Trong các Tờ trình quốc hội của Chính phủ (Số 5529/PC ngày 30/09/1995 và số 1037/CP-PC ngày 13 tháng 11 năm 2000) về dự thảo Luật dân sự và Dự án Luật kinh doanh bảo hiểm, cũng như trong quá trình tranh luận, đóng góp ý kiến của các đại biểu quốc hội khi thông qua các Luật nói trên đều không đề cập đến vấn đề này. Tổng Cục hàng hải khi dự thảo Bộ luật hàng hải cũng không làm rõ nội dung này. 18 Gần đây, trong bài viết Điều chỉnh thông tin bất cân xứng và quản lý rủi ro trong pháp luật hợp đồng Việt Nam, Phạm Duy Nghĩa (bài viết trong cuốn Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về pháp luật hợp đồng ở Việt Nam hiện nay do TS. Nguyễn Như Phát và TS. Lê Thị Thu Thủy chủ biên, Nhà xuất bản Công an nhân dân, 2003, trang 18-34) đề cập đến sự cần thiết phải điều chỉnh thông tin bất cân xứng. Tuy nhiên, bài viết này chưa bàn đến các mối liên hệ nguồn gốc pháp lý và vấn đề lợi ích của nghĩa vụ cung cấp thông tin theo pháp Việt Nam hiện hành. 19 Ví dụ như các nước Anh, Pháp, Đức… 20 Đây là quy định tại Điều 577.1 BLDS. Xin lưu ý, Điều 18.2.b Luật KDBH có nội dung tương tự nhưng không có loại trừ: “trừ các thông tin mà bên bảo hiểm đã biết hoặc phải biết”, và các thông tin cũng được yêu cầu liên quan đến hợp đồng bảo hiểm thay vì phải liên quan đến đối tượng bảo hiểm như trong Điều 577.1. 21 Về nguyên tắc tự do ý chí, xin xem thêm TS. Lê Thị Bích Thọ, Tự do ý chí trong giao kết hợp đồng, trong cuốn Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về pháp luật hợp đồng ở Việt Nam hiện nay do TS. Nguyễn Như Phát và TS. Lê Thị Thu Thủy chủ biên, Nhà xuất bản Công an nhân dân, 2003, trang 35-51.  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật