CẢI TỔ DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC

Quan niệm “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” của Đảng CSVN trong thời gian qua đã có nhiều thay đổi tích cực. Từ chỗ vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước đồng nghĩa với khu vực các doanh nghiệp quốc doanh “chiếm tỉ trọng lớn cả trong sản xuất và lưu thông” (Đại hội VI của Đảng CSVN tháng 12.1986), đến tháng 3.1989 vẫn coi kinh tế quốc doanh giữ vai trò chủ đạo, song “không nhất thiết chiếm tỉ trọng lớn trong mọi ngành, nghề”. Vào đầu các năm 1990, kinh tế quốc doanh nắm vai trò chi phối nền kinh tế với 12 nghìn xí nghiệp (toàn bộ vốn đều thuộc Nhà nước), chiếm tỉ trọng lớn và giữ những vị trí then chốt trong các ngành phi nông nghiệp. Cương lĩnh 1991 của Đảng CSVN nêu gọn “kinh tế quốc doanh giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế”. Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế-xã hội 1991-2000, được thông qua tại Đại hội VII của Đảng CSVN năm 1991 nói rõ hơn : “Kinh tế quốc doanh được củng cố và phát triển trong những ngành và lĩnh vực then chốt, nắm những doanh nghiệp trọng yếu và đảm đương những hoạt động mà các thành phần khác không có điều kiện hoặc không muốn đầu tư kinh doanh… Những cơ sở không cần giữ hình thức quốc doanh thì Nhà nước chuyển hình thức kinh doanh, hình thức sở hữu hoặc giải thể, đồng thời có chính sách giải quyết việc làm và đời sống cho người lao động”. Đại hội X của Đảng CSVN nêu quan điểm “phát triển nền kinh tế nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”.   Vai trò chủ đạo của nền kinh tế nhà nước được giải thích “không phải thể hiện ở số lượng doanh nghiệp nhiều hay ít, tỉ trọng đóng góp GDP cao hay thấp mà ở chỗ, đó là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết nền kinh tế, tạo môi trường và điều kiện thúc đẩy các thành phần kinh tế cùng phát triển”. Với những thay đổi quan trọng trong quan niệm về khu vực kinh tế nhà nước mà khu vực các doanh nghiệp quốc doanh đã có sự dịch chuyển theo hướng cải thiện, khu vực tư nhân (trong nước và có vốn đầu tư nước ngoài, FDI) có sự phát triển ngoạn mục. Tuy nhiên, do muốn kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, nên nguồn lực (vốn đầu tư, vốn kinh doanh, tài nguyên, đặc quyền kinh doanh,…) đã được phân bổ quá ưu đãi cho khu vực này, khiến ràng buộc ngân sách của chúng mềm, không buộc chúng phải cạnh tranh khốc liệt, thiếu những khuyến khích đúng nên hiệu quả hoạt động kém. Dựa vào số liệu chính thức của Tổng cục Thống kê (CSO) và những kết quả khảo sát của các viện và trung tâm nghiên cứu của Nhà nước, chúng ta vắn tắt điểm lại khu vực kinh tế này sử dụng bao nhiêu nguồn lực quốc gia và tạo ra những thành tích thế nào. Vốn đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước luôn chiếm tỉ lệ cao (trên dưới một nửa) trong tổng đầu tư xã hội; khu vực này chiếm từ 53% đến 67% vốn kinh doanh của tất cả các doanh nghiệp; có tài sản cố định cao hơn tài sản cố định của các doanh nghiệp tư nhân trong và ngoài nước. Lưu ý rằng trong các số liệu thống kê nói trên về vốn, các doanh nghiệp tư nhân và FDI phải bỏ tiền ra kiếm đất (hay quyền sử dụng đất được tính vào vốn), còn các doanh nghiệp nhà nước được giao đất, và giá trị đó không thể hiện trên sổ sách của họ. Nếu tính đủ chắc tỉ lệ sử dụng nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước còn cao hơn nữa. Nhưng tỉ lệ đóng góp vào GDP không cân xứng chỉ ở mức 37-39%; các doanh nghiệp nhà nước chỉ tạo công ăn việc làm cho khoảng 4,4% tổng số lao động (chiếm 28% số lao động trong khu vực doanh nghiệp) và vài năm lại đây không tạo ra việc làm mới; chỉ đóng góp từ 25% đến 34% sản lượng công nghiệp; đóng góp không đáng kể cho nông lâm ngư nghiệp và thương mại nội địa; và có nhiều khả năng là khu vực nhập siêu lớn nhất và liên tục suốt hàng chục năm. Đấy là những con số thống kê biết nói về sử dụng nguồn lực và thành tích của khu vực kinh tế giữ vai trò “chủ đạo”. Sự kém hiệu quả của khu vực kinh tế nhà nước là một trong những nguyên nhân chính gây bất ổn kinh tế vĩ mô, tăng lạm phát. Đã đến lúc phải nghiêm túc nhìn nhận lại vai trò “chủ đạo” của khu vực kinh tế nhà nước. Ý tưởng về có các doanh nghiệp quốc doanh, các tập đoàn mà Nhà nước đầu tư và bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo, để làm công cụ cho Nhà nước “điều khiển”, để biến chúng thành “lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết nền kinh tế” là một cám dỗ quyền lực hấp dẫn. Song đó không phải là lựa chọn khôn ngoan, vả lại Nhà nước không phải lúc nào cũng điều khiển được chúng, điều mà cả lý thuyết (vấn đề về người uỷ thác, người chủ (Nhà nước) và những người được uỷ thác) lẫn thực tiễn đều cho thấy. Nên tận dụng cơ hội lạm phát, tái cơ cấu và điều chỉnh hiện nay để xem xét lại tận gốc rễ vai trò của kinh tế nhà nước và đẩy nhanh việc cải tổ chúng. Theo tôi chúng không những không giữ được vai trò chủ đạo mà là một trong những nguyên nhân chính của vấn đề trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Thay đổi tư duy về vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước là việc cần hơn bao giờ hết. Từ đó phân bổ lại nguồn lực quốc gia một cách hiệu quả hơn, thiết lập môi trường pháp lý bình đẳng cho hoạt động kinh doanh của mọi loại doanh nghiệp.  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật