BỐN VẤN ĐỀ CĂN BẢN CỦA KINH TẾ VIỆT NAM

Đánh giá mới đây của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho thấy, nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với 4 vấn đề căn bản.Bất chấp tình hình kinh tế khó khăn, 9 tháng đầu năm 2008 đã có 43.954 doanh nghiệp (DN) đăng ký kinh doanh, tổng vốn đăng ký 335.601 tỷ đồng, tăng 26% về số DN và 27% số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2007. Đầu tư tư nhân trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng nhanh, trở thành nguồn tạo công ăn việc làm chủ yếu cho nền kinh tế, trong khi kinh tế nhà nước ngày càng giảm tỷ trọng trong GDP. Đánh giá mới đây của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho thấy, nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với 4 vấn đề căn bản. Thứ nhất, mặc dù số lượng và vốn đầu tư của DN tăng đáng kể, song quy mô của DN vẫn còn nhỏ và tăng trưởng chậm. Theo thống kê của CIEM, Việt Nam hiện có tới 80% DN có vốn dưới 5 tỷ đồng. Ông Nguyễn Đình Cung, Trưởng ban Kinh tế vĩ mô, CIEM cho hay, số DN có vốn từ 500 tỷ đồng trở lên chỉ có vài trăm, nên khi thống kê theo tỷ trọng, những DN này không xuất hiện trong bảng đánh giá. Yếu về quy mô, những chỉ số khác đều cho thấy, DN Việt Nam còn phải phấn đấu nhiều, tăng trưởng tài sản DN đạt tốc độ trung bình 18,2%/năm, tăng trưởng vốn chủ sở hữu khiêm tốn hơn với 14,7%/năm, tăng trưởng về doanh thu đạt 17,5%/năm, còn tăng trưởng về lợi nhuận chỉ đạt 13%/năm.   Điểm lưu ý thứ hai là vốn đầu tư phân bố ngày càng không đồng đều giữa các vùng, chủ yếu tập trung ở Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ; số DN tính trên đầu dân số thấp xa so với các nước khác. Cụ thể, tính trên 10.000 người dân, Việt Nam có 15 DN, trong khi Thái Lan có tới 136 DN, Philippines là 100 DN và những nền kinh tế phát triển trong khu vực như Singapore thì có tới 321 DN. Một vấn đề không thể xem thường, theo các chuyên gia, là vốn FDI tăng đột biến, nhiều dự án quy mô lớn nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Nếu như những năm trước, vốn FDI đổ mạnh vào công nghiệp chế biến thì năm 2008, có tới 90 – 91% rót vào lĩnh vực bất động sản, dầu khí và công nghiệp nặng (sắt, thép). Cơ cấu vốn đầu tư đã có thay đổi căn bản, ẩn sau đó là nguy cơ thổi phồng về vốn và lợi nhuận; nguy cơ yêu cầu quá lớn về nguồn cung cấp năng lượng, tài nguyên thiên nhiên, đất đai; gây ô nhiễm môi trường; không phù hợp với quy hoạch phát triển lâu dài; nguy cơ sử dụng công nghệ lạc hậu; rủi ro thiếu hụt ngoại tệ và rủi ro tỷ giá trong tương lai. Một điểm yếu khác có thể thấy rõ là khả năng hấp thụ, tích tụ vốn để phát triển kém. DNNN “đóng” không thu hút vốn từ bên ngoài, trừ cổ phần hoá (CPH) bằng cách huy động thêm vốn. Ví dụ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) luôn đòi tăng giá điện để lấy vốn, mà ít bàn huy động vốn từ các nhà đầu tư khác. CPH cũng không hút được vốn từ bên ngoài (trừ CPH lần đầu bằng cách huy động thêm vốn) do đại diện chủ sở hữu “khóa” tất cả các sáng kiến, đề nghị huy động thêm vốn. Bên cạnh đó, mô hình tập đoàn, tổng công ty theo hình kim tự tháp đã làm hạn chế việc huy động vốn bên ngoài. DN của tư nhân vẫn chuộng phương thức “gia đình trị”, chưa muốn và chưa chào đón sự xâm nhập của nhà đầu tư bên ngoài. DN FDI cũng tương tự, phụ thuộc vào chỉ huy tập trung từ công ty mẹ, không có cơ hội để người ngoài xâm nhập. Đề cập đến khung pháp lý, các chuyên gia đánh giá, sau 2 năm thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, không ít khiếm khuyết chưa khắc phục được, đặc biệt là điểm yếu của luật về bảo vệ nhà đầu tư. Thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng vẫn còn phức tạp, phiền hà và tốn kém, hạn chế khả năng huy động, sử dụng vốn và phát triển của DN. Luật thì chung, nhưng mỗi địa phương lại ban hành quy định riêng, thủ tục đầu tư xây dựng ở các tỉnh khác nhau, không giống nhau; còn phức tạp, phiền hà kéo dài tới hàng trăm ngày. “Hàng chục thủ tục nhánh, hàng trăm thủ tục cành, lá cành gẫy đi, mầm non mọc tiếp”, ông Cung so sánh. Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp lấy ví dụ về quy trình tiếp cận đất đai và đăng ký đầu tư tại Thừa Thiên – Huế cho thấy, có hơn 60 loại giấy tờ khác nhau nhà đầu tư cần phải nộp; giấy tờ chứng minh tư cách pháp lý của nhà đầu tư, báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, giải trình kinh tế kỹ thuật… phải nộp nhiều lần ở các cơ quan khác nhau; giấy phép cùng một cơ quan ban hành vẫn phải nộp lại cho cơ quan đó cho quy trình khác… Nhằm cải tiến hơn nữa môi trường kinh doanh Việt Nam, Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp kiến nghị, cần nghiên cứu, soạn thảo quy trình tổng hợp về thủ tục hành chính trong đăng ký, thẩm tra đầu tư, cấp đất, giao đất hoặc thuê đất, cấp giấy phép xây dựng… áp dụng thống nhất trên phạm vi cả nước, khắc phục tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, trùng lặp và thực hiện khác nhau ở các địa phương như hiện nay. Đồng thời, đánh giá và kiến nghị bãi bỏ các quy định về điều kiện kinh doanh không còn hợp lý; bổ sung, sửa đổi và đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh chưa thân thiện với người thực hiện và đối tượng áp dụng. Kiểm soát chặt chẽ việc ban hành thông tư, quyết định ở các bộ, nhất là các thông tư, quyết định tác động hoặc liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh doanh và quyền, lợi ích của người dân, DN.

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật