BẢO VỆ NHÀ ĐẦU TƯ NHỎ TRÊN THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM

PGS.TS. LÊ HOÀNG NGA – Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Ngày 9/9/2010, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2010 – 2011, trong đó Việt Nam được thăng hạng 16 bậc từ vị trí 75/133 lên vị trí 59/139. Mặc dù vậy, có nhiều yếu tố Việt Nam ở gần cuối bảng xếp hạng của WEF như mức độ bảo vệ nhà đầu tư đứng thứ 133/139, gánh nặng thủ tục hành chính (120/139), cân bằng ngân sách (126/139)… Chính mức độ bảo vệ nhà đầu tư thấp cũng là một yếu tố khiến Việt Nam bị giảm điểm trong xếp hạng môi trường kinh doanh do Tạp chí Forber công bố mới đây. Ở yếu tố này trong xếp hạng của Forber, Việt Nam xếp 125/128 nền kinh tế được đưa vào báo cáo. Trong các Báo cáo Môi trường kinh doanh được WB và IFC công bố thời gian qua, Việt Nam thường xuyên đứng cuối bảng về mức độ bảo vệ nhà đầu tư. Bản Báo cáo đánh giá chỉ số mức độ bảo vệ nhà đầu tư được tổng hợp từ 3 chỉ số: mức độ công khai thông tin, trách nhiệm của thành viên HĐQT (trách nhiệm cá nhân) và mức độ dễ dàng mà cổ đông có thể kiện (khả năng cổ đông có thể kiện thành viên HĐQT và Ban điều hành khi quản lí sai trái) (xem hộp 1). Theo chỉ tiêu bảo vệ nhà đầu tư, Việt Nam tiếp tục nằm ở nhóm cuối, đứng thứ 171/183 trong năm 2009 và 172/183 trong năm 2010. Rõ ràng bảo vệ nhà đầu tư nói chung và nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán (TTCK) nói riêng là vấn đề nóng bỏng, cấp thiết cần có giải pháp thích hợp để nâng cao thứ hạng và cải thiện hình ảnh của Việt Nam trước con mắt nhà đầu tư nước ngoài.  
Hộp 1: Theo các báo cáo của WB và IFC về môi trường kinh doanh của các quốc gia và vùng lãnh thổ, mức độ bảo vệ nhà đầu tư biểu hiện ở 3 giác độ: - Mức độ công bố thông tin biểu hiện qua: (1) những hoạt động mà công ty có đủ thẩm quyền ra quyết định; (2) bắt buộc công bố thông tin tức thời về giao dịch có giá trị lớn hơn 10% tổng tài sản của công ty; (3) công bố thông tin trong báo cáo thường niên; (4) ban giám đốc báo cáo Hội đồng quản trị về giao dịch; (5) yêu cầu một kiểm toán độc lập kiểm tra giao dịch trước khi thực hiện. - Trách nhiệm của ban giám đốc thể hiện qua: (1) cổ đông có thể buộc tội giám đốc chịu trách nhiệm về thiệt hại do giao dịch gây ra; (2) Cổ đông có thể buộc người có trách nhiệm trong công ty chịu trách nhiệm về thiệt hại do giao dịch gây ra; (3) Tòa án có thể làm vô hiệu các giao dịch khi các cổ đông thắng kiện; (4) Giám đốc phải bồi thường các thiệt hại cho công ty khi cổ động thắng kiện; (5) Giám đốc phải hoàn lại lợi nhuận từ giao dịch khi cổ đông thắng kiện; (6) Giám đốc có thể bị phạt tiền hoặc bị giam khi bị kết tội; (7) Cổ đông có thể trực tiếp hoặc gián tiếp kiện lên tòa án đối với các thiệt hại gây nên cho công ty. - Mức độ dễ dàng để cổ đông có thể kiện ra tòa án thể hiện qua: (1) Các loại giấy tờ liên quan đến giao dịch cung cấp cho cổ đông tại phiên tòa; (2) Cổ đông có thể trực tiếp giám sát bị đơn và nhân chứng tại phiên tòa; (3) Cổ đông có thể có thông tin từ bị đơn mà không cần nêu cụ thể từng loại giấy tờ; (4) Cổ đông nắm giữ 10% cổ phiếu hoặc ít hơn có thể yêu cầu cơ quan điều tra của chính phủ điều tra về giao dịch mà không cần kiện ra tòa án; (5) Cổ đông nắm giữ 20% vốn hoặc ít hơn có quyền thẩm tra về giao dịch trước khi kiện ra tòa án; (6) Tiêu chuẩn về chứng cớ đối với các vụ án dân sự thấp hơn các chứng cứ về án hình sự. Tất cả 3 tiêu chí trên được chấm điểm từ 1-10, số điểm càng cao thì mức độ bảo vệ nhà đầu tư càng cao. Mức độ bảo vệ nhà đầu tư tổng hợp là trung bình cộng của 3 điểm thành phần này. (Nguồn: vneconomy.com.vn)
  Một số quy định pháp lý về bảo vệ nhà đầu tư ở Việt Nam Các quy định về bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư ở Việt Nam được quy định ở Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán. Về mặt pháp lý, các nội dung đều được thể hiện trong các khung pháp lý khá chặt chẽ mà ngay từ khi soạn thảo, các nhà làm luật đã tuân thủ các quy định chung để bảo vệ nhà đầu tư nhỏ. Tuy nhiên, nhận thức về vấn đề này ở nhiều khía cạnh còn sơ khai, việc tuân thủ chưa chặt chẽ ở cả công ty đại chúng lẫn các thành viên thị trường, thể hiện ở nhiều giác độ: - Công khai thông tin + Tổ chức phát hành chuẩn bị hồ sơ thiếu chính xác, không bổ sung các sự kiện mới phát sinh, thời hạn không đúng theo quy định, phát hành không đúng nội dung trong bản đăng ký phát hành, bản cáo bạch không chi tiết… Các bản báo cáo tài chính chưa công bố đầy đủ thông tin mà nhà đầu tư cần và cơ quan quản lý yêu cầu. + Tổ chức niêm yết thường nộp báo cáo tài chính muộn, sự vi phạm việc công bố thông tin của các cổ đông nội bộ trong mua bán cổ phiếu quỹ… còn khá phổ biến… Chất lượng website chưa cao, chưa chú trọng kênh thông tin điện tử này tới đông đảo nhà đầu tư nhỏ lẻ. + Một số công ty đại chúng phát hành thêm cổ phần ra công chúng nhưng không xin phép UBCKNN, không thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, không đủ điều kiện phát hành ra công chúng song vẫn phát hành, không có phương án phát hành theo quy định của Luật Chứng khoán… + Công ty chứng khoán tuân thủ việc công bố thông tin khá đều đặn, nhưng những thông tin liên quan đến xung đột lợi ích giữa công ty và khách hàng chưa kịp thời và chưa đầy đủ. Các thông tin về việc thực hiện các quy định về an toàn tài chính của công ty chứng khoán, về thực hiện quản lý công ty trong sổ sách chứng từ, về các quy định trong thực hiện đạo đức nghề nghiệp… chưa đầy đủ. + Các bản phân tích, dự báo thị trường xuất hiện khá đều đặn và ngày càng nâng cao chất lượng. Tuy nhiên, cùng với thị trường, tính xác thực, tính vô tư và chính xác của các bản phân tích này chưa đạt độ tin cậy. Chưa có các chuyên gia phân tích cao cấp xác nhận các bản phân tích này trước khi công bố ra công chúng. + Việc theo dõi, kiểm tra các thông tin sau khi công bố trên các phương tiện đại chúng gần như buông lỏng. Vì vậy, các ảnh hưởng của thông tin sai lệch tới nhà đầu tư nhỏ lẻ không được kiểm soát và điều chỉnh kịp thời. (Xem hộp 2)  
Hộp 2: Các chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong thị trường chứng khoán đã được chỉnh sửa, bổ sung trong Nghị định 85/2010/NĐ-CP ( có hiệu lực từ ngày 20/9/2010) , theo đó, nhiều mức phạt đã được nâng lên. - Phạt tiền từ 10-30 triệu đồng đối với tổ chức, cá nhân công bố thông tin trên các phương tiện cốn bố thông tin không đúng quy đinh, người công bố thông tin không đủ thẩm quyền, không lập trang thông tin điện từ và cập nhật hthông tin, không bảo quản, lưu giữ thông tin; - Phạt tiền từ 50-90 trịêu đồng đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện công bố thông tin không đúng theo quy định, kịp thời, chính xác; - Phạt tiền từ 30-50 triệu đồng đối với cổ đông lớn, cổ đông nội bộ thực hiện giao dịch nhưng không báo cáo đúng thời hạn quy định; - Phạt tiền từ 150-200 triệu đồng đối với cá nhân, tổ chức sử dụng, tiết lộ thông tin nội gián để thực hiện mua, bán chứng khoán; - Phạt tiền từ 200- 300 triệu đồng đối với cá nhân, tổ chức thông đồng trong giao dịch chứng khoán nhằm thao túng giá chứng khoán; - Phạt tiền 500 triệu đồng đối với cá nhân, tổ chức tham gia vào các hoạt động gian lận, tạo dựng thông tin sai sự thật hoặc bỏ sót các thông tin cần thiết gây hiêu nhầm nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến hoạt động phát hành, niêm yết, giao dịch, kinh doanh, đầu tư chứng khoán và các dịch vụ chứng khoán, công bố thông tin sai lệnh nhằm lôi kéo, xúi giục việc mua, bán chứng khoán hoặc không công bố kịp thời, đầy đủ thông tin về các sự kiện xảy ra có ảnh hưởng đến giá chứng khoán trên thị trường Ngoài ra, Nghị định quy định hình thức xử phạt bố sung là tịch thu toàn bộ khoản thu trái pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm. ( Nguồn: Nghị định 85/2010/NĐ-CP ( có hiệu lực từ ngày 20/9/2010)
- Vấn đề quản trị công ty còn yếu kém Mặc dù Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định 12/2007 ngày 13/3/2007 về việc quản trị công ty, nhiều công ty đại chúng đã quan tâm nhiều hơn đến thực hiện nghĩa vụ bảo vệ nhà đầu tư nhỏ, song cho đến nay, vẫn là khoảng trống to lớn trên thực tế. + Luật Chứng khoán quy định công ty chứng khoán có nghĩa vụ “mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho cán bộ quản lý và nhân viên hành nghề tại công ty hoặc trích lập quỹ bảo vệ nhà đầu tư do sơ suất kỹ thuật và sơ suất của nhân viên trong công ty”. Tuy nhiên, quy định trích lập quỹ bảo vệ nhà đầu tư chưa được thực hiện, UBCKNN cũng chưa phạt công ty chứng khoán không thực hiện nghĩa vụ lập quỹ bảo vệ nhà đầu tư. + Vấn đề vi phạm các quy định về người liên quan, người có quyền lợi liên quan… ở các công ty đại chúng trong các giao dịch ủy quyền, trong góp vốn vào các công ty con là phổ biến. + Việc quan tâm tới bổ sung điều lệ công ty, nghị quyết đại hội đồng cổ đông trong đại hội rất ít (theo nghiên cứu của CIEM, chỉ có khoảng 8% có bổ sung). Tiếng nói của cổ đông nhỏ là gần như không có. + Vấn đề lương, thưởng của thành viên Hội đồng quản trị, ban lãnh đạo… mặc dù vẫn thông qua đại hội đồng cổ đông, song, chiếm tỷ lệ lớn trong tổng lợi nhuận của công ty, gây ảnh hưởng đến cổ tức của cổ đông nhỏ. + Vấn đề công bố danh sách và tỷ lệ các thành viên Hội đồng quản trị, ban điều hành, kế toán trưởng, cán bộ công bố thông tin, thư ký công ty… đã có chứng chỉ về quản trị công ty do UBCKNN cấp ít được thực hiện, một phần do các công ty đại chúng gần như không biết tới quy định này, hoặc là không tuân thủ. Trong khi đó, chế tài cho vấn đề này gần như chưa thể hiện từ phía cơ quan quản lý. + Hoạt động quan hệ cổ đông, quan hệ công chúng đã được nhiều công ty đại chúng chú ý thực hiện, song phần lớn các công ty chưa thật sự quan tâm, thể hiện ở các kênh thông tin nghèo nàn, thông tin không đầy đủ và không cập nhật, cán bộ chuyên trách về quan hệ công chúng chưa đầy đủ. + Hiện tượng vi phạm quyền lợi của nhà đầu tư nhỏ tại các kì họp Đại hội đồng cổ đông thường niên là cả một câu chuyện dài hằng năm. Những vi phạm này thể hiện ở nhiều khía cạnh như quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần đối với cổ đông khi đi dự đại hội, việc ra thông báo họp đại hội quá ngắn so với yêu cầu quy định, hình thức, nội dung thông báo, nội dung họp… + Việc công ty niêm yết phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, song chậm trễ trong việc niêm yết các cổ phiếu lên sàn. Với điều kiện TTCK Việt Nam đang ở giai đoạn trầm lắng thì điều này gây bất lợi cho cổ đông do giá cổ phiếu giảm mạnh. Các thủ tục niêm yết đã được UBCKNN, Trung tâm lưu ký quy định, song thực tế nảy sinh chủ yếu thuộc về phía doanh nghiệp như chưa chủ động thực hiện các thủ tục hành chính để niêm yết với UBCKNN, Trung tâm lưu ký. Một sô giải pháp bảo vệ nhà đầu tư nhỏ Đối với UBCKNN Ủy ban Chứng khoán đã đưa các quy định về bảo vệ nhà đầu tư vào Luật Chứng khoán và các văn bản dưới luật khá cụ thể. Xuất phát từ thực tế thị trường, Ủy ban có thể có những điều chỉnh và bổ sung sau đây: - Thống nhất mẫu hợp đồng giao dịch cho các công ty chứng khoán thực hiện, tránh việc từng công ty chứng khoán tự thiết kế hợp đồng như hiện nay, từ đó đưa ra những quy định gây bất lợi cho nhà đầu tư, ví dụ như quy định về giao dịch trực tuyến. - Sớm có hướng dẫn các công ty chứng khoán thực hiện quy định mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho cán bộ quản lý và nhân viên hành nghề tại công ty hoặc trích lập quỹ bảo vệ nhà đầu tư do sơ suất kỹ thuật và sơ suất của nhân viên trong công ty. Theo Nghị định 85/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong thị trường chứng khoán, các công ty chứng khoán phải thực hiện cả hai quy định này, trong đó việc trích lập quỹ bảo vệ nhà đầu tư đang gặp khó khăn về nguồn trích, phí, xử lý đền bù, cơ sở trích, niên độ tính… - Bổ sung và cụ thể hóa về việc bảo vệ nhà đầu tư trong quản trị công ty, căn cứ theo các tiêu chí của các cơ quan quốc tế có uy tín như Forbers, IFC…, trong đó cụ thể hơn tới mức độ dễ dàng để cổ đông có thể kiện ra tòa án khi quyền lợi bị ảnh hưởng bởi công ty. - Đưa các nội dung về bảo vệ nhà đầu tư nhỏ vào chương trình đào tạo quản trị công ty bắt buộc cho các công ty đại chúng. - UBCKNN cần kiên quyết thực hiện Quyết định 12/2007/QĐ-UBCK về việc quản trị công ty theo điều lệ mẫu, giao cho các vụ chức năng quản lý chặt chẽ các đối tượng phải đi học về quản trị công ty trong các công ty đại chúng, báo cáo thường xuyên cho Ủy ban, coi đó là một chỉ tiêu đánh giá và xếp hạng đối với doanh nghiệp. Ủy ban giao cho Trung tâm NCKH & Đào tạo Chứng khoán thực hiện đào tạo về quản trị công ty đối với công ty đại chúng, tiến tới thành lập Viện Quản trị công ty với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế. - Có thể giao cho các hiệp hội trong ngành chứng khoán thống nhất các quy tắc về đạo đức nghề nghiệp trong lĩnh vực chứng khoán, bao gồm cả cổ phiếu và trái phiếu, đào tạo bắt buộc và tập huấn thường xuyên đối với người hành nghề chứng khoán. Sớm nghiên cứu xây dựng một danh sách những người hành nghề vi phạm luật pháp khi hành nghề, công bố rộng rãi trong các thành viên thị trường trên các trang điện tử và văn bản để ngăn ngừa, chấn chỉnh tư cách hành nghề. - Siết chặt hơn công tác giám sát thị trường đối với công ty đại chúng, công khai các chế tài và mức phạt thường xuyên đối với các hành vi vi phạm quy định. Có thể lập, công bố và lưu giữ danh sách các công ty đại chúng đưa vào “danh sách đen” trong thực thi Luật Chứng khoán khi vi phạm Luật này cũng như vi phạm các quy định về bảo vệ nhà đầu tư nhỏ. - Các vụ chức năng của UBCKNN: (1) Siết chặt hơn việc quản lý người hành nghề chứng khoán, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, thường xuyên theo dõi điều kiện và tư cách hành nghề của người hành nghề chứng khoán; (2) Phối hợp với Trung tâm NCKH và Đào tạo Chứng khoán trong việc tập huấn, bồi dưỡng… người hành nghề trong các công ty chứng khoán để đảm bảo điều kiện hành nghề theo luật định, tránh kéo dài tình trạng hành nghề “chui” hoặc “nợ” chứng chỉ; (3) Phối hợp với các hiệp hội trong ngành chứng khoán trong việc theo dõi về đạo đức nghề nghiệp của người hành nghề chứng khoán. Đối với công ty đại chúng Bên cạnh các hoạt động chuyên môn, công ty đại chúng cần có tầm nhìn dài hạn về sự phát triển của doanh nghiệp. Thc tế của thời kỳ khủng hoảng tài chính 2008 cho thấy, nếu công ty làm ăn trung thực, coi trọng nhà đầu tư thì nhà đầu tư và cổ đông không bỏ rơi công ty lúc hoạn nạn. Vì vậy, giới lãnh đạo doanh nghiệp cần: - Thực hiện nghiêm túc Luật Doanh nghiệp trong việc tổ chức đại hội đồng cổ đông, trong công bố và thực thi các báo cáo tài chính bán niên và thường niên. - Thực hiện nghiêm túc quan hệ công chúng và quan hệ cổ đông, quan tâm xây dựng bộ máy công bố thông tin trong doanh nghiệp; lựa chọn bộ phận thư ký công ty am hiểu luật pháp và quan hệ xã hội . Đối với các tổ chức nghề nghiệp (hiệp hội trong ngành chứng khoán, VCCI…) - Đưa các nội dung về bảo vệ nhà đầu tư nhỏ vào mẫu đánh giá doanh nghiệp, xếp hạng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng. - Sớm ban hành các bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp trong ngành chứng khoán, áp dụng trên cả thị trường cổ phiếu và trái phiếu và có chế tài kiểm soát, giám sát người hành nghề chứng khoán trong các hành vi liên quan đến đạo đức hành nghề. - Thực hiện tốt vai trò trung gian giữa các thành viên thị trường và cơ quan quản lý trong việc lập quỹ và thực hiện luật pháp về chứng khoán và thị trường chứng khoán. - Đối với các tổ chức liên đoàn luật sư, công chứng: Tăng cường đào tạo cho các luật sư về chuyên ngành chứng khoán, cập nhật các quy định có liên quan về kinh doanh chứng khoán để có thể bảo vệ cho nhà đầu tư nhỏ trong các vụ kiện có liên quan về chứng khoán. TÀI LIỆU THAM KHẢO - Nghị định 85/2010/NĐ-CP về xử phạt hành chính về chứng khoán (có hiệu lực từ ngày 20/9/2010) - vneconomy.com.vn - “Quản trị công ty”- Trung tâm NCKH&ĐT chứng khoán- UBCKNN - Luật Doanh nghiệp 2005, Luật Chứng khoán 2006  

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật