BẢO HỘ GIỐNG CÂY TRỒNG THEO LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ KHI VIỆT NAM LÀ THÀNH VIÊN CỦA WTO

Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) ngày 07/11/2006. Tại thời điểm này, hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của chúng ta đã có nhiều điểm tương thích với Hiệp định về các khía cạnh thương mại của quyền sở hữu trí tuệ – TRIPS.

Theo đó, một đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ được đề cập trong hiệp định TRIPS – giống cây trồng mới – lần đầu tiên được điều chỉnh trong Luật sở hữu trí tuệ năm 2005. Đây là vấn đề còn mới mẻ ở nước ta cả về lý luận lẫn thực tiễn. Vì vậy, để các quy định về bảo hộ giống cây trồng mới có thể được thi hành trong thực tiễn, chúng ta vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

1. Xu hướng chung của thế giới

Xét trên phương diện lịch sử hình thành và phát triển, giống cây trồng mới có thể được coi là thế hệ “sinh sau đẻ muộn” trong gia đình các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ. Phải mãi đến những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ XX, cùng với việc thông qua Công ước quốc tế về bảo hộ giống cây trồng (UPOV) vào tháng 12/1961, quyền sở hữu trí tuệ của những người sáng tạo giống cây trồng lần đầu tiên được cộng đồng quốc tế thừa nhận và bảo hộ. Các quốc gia đã nhanh chóng nhận ra rằng, hoạt động sáng tạo giống cây trồng mới có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế mà còn cả trong bảo vệ môi trường. Do vậy, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với giống cây trồng đã trở thành một cam kết bắt buộc mà tất cả các nước cần phải thực hiện trước khi tiến hành gia nhập Tổ chức thương mại thế giới. Khoản 3 Điều 27, Hiệp định TRIPS quy định: “các thành viên phải bảo hộ giống cây trồng bằng hệ thống patent hoặc bằng một hệ thống riêng hữu hiệu, hoặc bằng sự kết hợp giữa hai hệ thống đó dưới bất kỳ hình thức nào”.  

Bảo hộ giống cây trồng theo một hệ thống riêng biệt đang là xu thế có tính chất phổ biến của các quốc gia trên thế giới. Quy trình để tạo ra một giống cây trồng mới thường mất rất nhiều thời gian và tiền bạc. Trong khi đó, việc sao chép giống cây trồng lại có thể được thực hiện nhanh chóng theo nhiều cách thức khác nhau, như: chiết cây, giâm cây hoặc gieo hạt … Mặc dù hệ thống bảo hộ độc quyền sáng chế được các nhà chuyên môn đánh giá là có nhiều ưu điểm trong việc chống lại các khả năng vi phạm đối với giống cây trồng mới, nhưng thời hạn hiệu lực của bằng độc quyền sáng chế (tối đa chỉ 20 năm) lại không phù hợp đối với đối tượng giống cây trồng mới (thời gian khai thác giống cây trồng có thể kéo dài đến 25 năm hoặc hơn thế). Thực tế này đòi hỏi các nhà làm luật cần phải xây dựng cơ chế bảo hộ hữu hiệu, riêng biệt cho đối tượng giống cây trồng mới, đảm bảo cho người tạo giống cây trồng có thể khai thác lợi nhuận và tái đầu tư cho các hoạt động sáng tạo của mình.

2. Quy định của pháp luật Việt Nam

Thực hiện Chương trình hành động về sở hữu trí tuệ trước khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (đầu năm 2000, một chương trình hành động về sở hữu trí tuệ đã được khởi xướng nhằm thực hiện mục tiêu làm cho hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ của Việt Nam tương thích với các yêu cầu của Hiệp định TRIPS), ngày 20/4/2001, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định số 13/2001/NĐ-CP quy định về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với giống cây trồng mới. Theo đó, giống cây trồng mới sẽ được bảo hộ theo một hệ thống riêng biệt do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn trực tiếp quản lý. Đến nay, với Phần IV của Luật Sở hữu trí tuệ, pháp luật về bảo hộ giống cây trồng mới tiếp tục được hoàn thiện.

Giống cây trồng được bảo hộ theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam là giống cây được chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển, thuộc danh mục giống cây trồng được bảo hộ do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ban hành, có tính mới, tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định và có tên phù hợp. Theo định nghĩa trên, có thể hiểu chủ thể được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với giống cây trồng mới bao gồm hai nhóm chính:

Thứ nhất, là người chọn tạo ra giống cây trồng mới. Đây là những chủ thể đã tạo ra giống cây trồng mới, chưa từng tồn tại trước đó trong thế giới tự nhiên bằng những phương tiện kỹ thuật nhất định. Pháp luật không đặt ra bất kỳ giới hạn cụ thể nào đối với hình thức, trình độ kỹ thuật trong việc thực hiện quy trình tạo giống cây trồng được bảo hộ. Đó có thể là thao tác kỹ thuật đơn giản như lựa chọn và lọc giống cây cho đến những công nghệ phức tạp, hiện đại như công nghệ chuyển gien, cấy ghép gien …

Thứ hai, là người phát hiện và phát triển giống cây trồng. Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có văn bản chính thức giải thích một cách cụ thể về khái niệm “phát hiện và phát triển giống cây trồng”.

Tuy nhiên, nếu căn cứ vào đặc điểm pháp lý nói chung của quyền sở hữu trí tuệ, có thể khẳng định rằng, một người chỉ có công đơn thuần trong việc phát hiện ra giống cây trồng mới sẽ không được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với giống cây trồng đó. Do vậy, khái niệm “phát triển” được sử dụng ở đây như là một sự bổ sung cần thiết, là điều kiện đủ để được nhà nước xem xét cấp bằng độc quyền đối với giống cây trồng đã được phát hiện. Hành vi “phát triển giống cây trồng được phát hiện” có ý nghĩa hoàn toàn khác biệt với hành vi “sáng tạo giống cây trồng”. Nếu hành vi “sáng tạo giống cây trồng” bao gồm những hoạt động cải tiến hoặc cải tạo đối với các tính trạng di truyền căn bản của cây trồng, nhằm mục đích tạo ra giống cây trồng có các tính trạng di truyền mới, thì hành vi “phát triển giống cây trồng được phát hiện” đơn thuần chỉ là những tác động tạo nên sự thay đổi nhất định trong quá trình nhân giống của cây trồng.

Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, giống cây trồng được bảo hộ, cần phải đáp ứng được các tiêu chuẩn sau:

- Có tính mới: giống cây trồng được coi là có tính mới nếu vật liệu nhân giống, hoặc sản phẩm thu hoạch của giống cây trồng đó chưa được người có quyền đăng ký hoặc người được phép của người đó bán, hoặc phân phối bằng các cách khác nhau nhằm mục đích khai thác giống cây trồng trên lãnh thổ Việt Nam trước ngày nộp đơn đăng ký một năm, hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam trước ngày nộp đơn đăng ký sáu năm đối với giống cây trồng thuộc loài thân gỗ và cây nho, bốn năm đối với giống cây trồng khác.

- Có tính khác biệt: giống cây trồng được coi là có tính khác biệt nếu có khả năng phân biệt rõ ràng với các giống cây trồng khác được biết đến rộng rãi tại thời điểm nộp đơn, hoặc ngày ưu tiên của đơn nếu đơn được hưởng quyền ưu tiên.

Theo Khoản 2, Điều 160 của Luật Sở hữu trí tuệ, giống cây trồng đã được biết đến rộng rãi, bao gồm: giống cây trồng mà vật liệu nhân giống hoặc sản phẩm thu hoạch của giống đó đã được sử dụng một cách rộng rãi trên thị trường ở bất kỳ quốc gia nào; giống cây trồng được bảo hộ hoặc được đăng ký trong danh mục loài cây ở bất kỳ quốc gia nào; giống cây trồng là đối tượng trong đơn đăng ký của bất kỳ quốc gia nào, trừ khi đơn này bị từ chối và giống cây trồng mà bản mô tả chi tiết của giống đó đã được công bố. Theo đó, đối tượng có khả năng được sử dụng làm đối chứng trong quá trình thẩm định tính phân biệt của giống cây trồng đăng ký bảo hộ là bất kỳ một quần thể cây trồng nào đã được biết đến một cách rộng rãi. Pháp luật không đặt ra một giới hạn kỹ thuật nào đối với tính trạng di truyền của nguồn cây trồng được sử dụng làm vật liệu đối chứng.

Tuy nhiên, xếp đối tượng của đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng ở bất kỳ quốc gia nào làm đối chứng cho các đối tượng giống cây trồng nộp đơn yêu cầu bảo hộ theo pháp luật Việt Nam có phần chưa thuyết phục. Về mặt nguyên tắc, đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng tại bất kỳ quốc gia nào đều chỉ được công bố sau một thời hạn nhất định. Nếu tại thời điểm nộp đơn hoặc ngày ưu tiên của đơn đang được xem xét, thì không thể xếp các giống cây trồng là đối tượng của đơn nộp ở nước ngoài nhưng chưa được công bố vào quần thể cây trồng đã được biết đến một cách rộng rãi.

Do vậy, việc coi đối tượng này như một nguồn đối chứng để thẩm định tính phân biệt của giống cây trồng nộp đơn đăng ký bảo hộ trong nước là không hợp lý.

- Có tính đồng nhất: Giống cây trồng được coi là có tính đồng nhất nếu có sự biểu hiện như nhau về các tính trạng liên quan, trừ những sai lệch trong phạm vi cho phép đối với một số tính trạng cụ thể trong quá trình nhân giống. Thuật ngữ “các tính trạng liên quan” nhằm chỉ các tính trạng được yêu cầu bảo hộ của giống cây trồng. Nói một cách khác, tính đồng nhất không được xem xét đối với các tính trạng không tham gia vào các đặc điểm di truyền của quần thể cây trồng được bảo hộ.

- Có tính ổn định: Giống cây trồng được coi là có tính ổn định nếu các tính trạng liên quan của giống cây trồng đó vẫn giữ được các biểu hiện như mô tả ban đầu, không bị thay đổi sau mỗi vụ nhân giống hoặc sau mỗi chu kỳ nhân giống trong trường hợp nhân giống theo chu kỳ. - Có tên gọi phù hợp: Tên gọi của giống cây trồng được coi là phù hợp nếu tên đó có khả năng dễ dàng phân biệt được với tên của giống cây trồng khác đã được biết đến một cách rộng rãi trong cùng một loài hoặc loài tương tự.

Người nộp đơn phải đăng ký cùng một tên gọi phù hợp cho giống cây trồng như đã được đăng ký ở các quốc gia khác, trừ trường hợp tên gọi đã đăng ký ở quốc gia khác vi phạm các điều cấm quy định tại Khoản 3, Điều 163 Luật Sở hữu trí tuệ. Luật Sở hữu trí tuệ cũng đã có những quy định cần thiết liên quan đến thủ tục xác lập quyền và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với giống cây trồng mới. Khoản 1, Điều 164 quy định: “Để được bảo hộ quyền đối với giống cây trồng, tổ chức, cá nhân phải thực hiện việc nộp đơn đăng ký bảo hộ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với giống cây trồng”. Hiện nay, việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với giống cây trồng do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn trực tiếp quản lý.

3. Những việc phải tiếp tục làm

Nhìn chung, trong việc xây dựng những quy định pháp lý về tiêu chuẩn bảo hộ giống cây trồng, các nhà lập pháp Việt Nam đã tiếp thu được những tinh thần căn bản nhất của hệ thống các tiêu chuẩn bảo hộ theo Công ước UPOV được nhiều nước trên thế giới thừa nhận. Nhược điểm của chúng ta là chưa khắc phục được những hạn chế có tính chất đặc thù của Công ước UPOV trong việc giải quyết mâu thuẫn trong việc xác định vật liệu đối chứng để thẩm định tính phân biệt của giống cây trồng đăng ký bảo hộ, gây ra những khó khăn không đáng có trong việc khảo nghiệm đối tượng đăng ký bảo hộ giống cây trồng mới sau này.

Có thể nói, với các quy định tại Phần IV, Luật Sở hữu trí tuệ, về mặt hình thức, Việt Nam bước đầu đã đáp ứng được yêu cầu của Hiệp định TRIPS. Tuy nhiên, để có thể vận hành hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với giống cây trồng tại Việt Nam trên thực tế, chúng ta còn rất nhiều việc phải giải quyết. Trong đó, có một thực tế là Việt Nam vẫn chưa xây dựng được hệ thống pháp luật đồng bộ và thực sự hiệu quả về bảo hộ giống cây trồng mới. Mặc dù Ban soạn thảo Luật Sở hữu trí tuệ đã có những nỗ lực rất lớn trong việc cụ thể hoá các quy định của luật tới mức có thể áp dụng trong thực tế ngay sau khi ban hành mà không cần đến các văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành, thế nhưng, các nội dung thiết yếu, như: các tài liệu cần có trong đơn, thời hạn thẩm định nội dung đơn, lệ phí duy trì hiệu lực… chưa được pháp luật quy định rõ.

Ngoài ra, việc bảo hộ song trùng theo cơ chế bảo hộ sáng chế và cơ chế bảo hộ giống cây trồng mới đối với cây trồng biến đổi gen cũng chưa được giải quyết. Bên cạnh đó, chúng ta chưa xây dựng được cơ sở vật chất cũng như chưa đào tạo được đội ngũ nhân lực cần thiết cho việc đăng ký, xét nghiệm và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với giống cây trồng mới. Đó là những thách thức không nhỏ cho việc bảo hộ giống cây trồng mới trong thực tiễn.

TRẦN TRUNG KIÊN

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :

Tin liên quan

Danh mục

Loading...

Bài xem nhiều

Bài nổi bật