Bảo hộ chỉ dẫn địa lý và tên gọi xuất xứ hàng hóa

  • Bài viết
  • 09 tháng 6, 2011
  • 518 lượt xem
  • 0 bình luận
Xin giới thiệu sự khác nhau của Chỉ dẫn địa lý, Tên gọi xuất xứ hàng hóa với Nhãn hiệu hàng hóa và thủ tục xác lập quyền đối với Chỉ dẫn địa lý và Tên gọi xuất xứ hàng hóa, các điều kiện được bảo hộ Chỉ dẫn địa lý.
1. Chỉ dẫn địa lý được hiểu là chỉ dẫn nguồn gốc địa lý của hàng hóa (Indication of source)
Theo Nghị định 54/2000/NĐ-CP ngày 03-10-2000 của Chính phủ về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (SHCN) Chỉ dẫn địa lý thì "Chỉ dẫn địa lý được bảo hộ là thông tin về nguồn gốc địa lý của hàng hóa đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
-Thể hiện dưới dạng một từ ngữ, dấu hiệu, biểu tượng hoặc hình ảnh, dùng để chỉ một quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ, địa phương thuộc một quốc gia;
- Thể hiện trên hàng hóa, bao bì hàng hóa hay giấy tờ giao dịch liên quan tới việc mua bán hàng hóa nhằm chỉ dẫn rằng hàng hóa nói trên có nguồn gốc tại quốc gia, vùng lãnh thổ hoặc địa phương mà đặc trưng về chất lượng, uy tín, danh tiếng hoặc các đặc tính khác của loại hàng hóa này có được chủ yếu là do nguồn gốc địa lý tạo nên.
Chỉ dẫn địa lý được coi là tài sản quốc gia. Chỉ dẫn địa lý không thuộc độc quyền của riêng tổ chức, cá nhân nào mà thuộc quyền sử dụng của tất cả các cơ sở sản xuất, đưa ra thị trường đặc sản đó, kể cả các cơ sở chế biến và đóng gói.
Quyền bảo hộ chỉ dẫn địa lý tự động được xác lập khi có đủ điều kiện quy định, không cần phải đăng ký. Tính chất đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý chính là các điều kiện để một chỉ dẫn địa lý được bảo hộ, bao gồm các yếu tố cần và đủ để xác định đặc trưng và phân biệt sản phẩm cùng loại của các địa phương khác. Chỉ dẫn địa lý thường dùng gắn cho nông sản chưa chế biến hoặc mới sơ chế như: trái cây, hoa tươi, rau củ.
Ví dụ: Vú sữa "LÒ RÈN" - Tiền Giang, bưởi "PHÚC TRẠCH" - Quảng Bình, hoa đào làng "NHẬT TÂN" - Hà Nội, rau húng thơm "LÁNG HẠ" - Hà Nội.
Nếu tên địa danh đã quá nổi tiếng đến mức thành nhãn hiệu hàng hóa thì không được bảo hộ, như Cognac, Whisky, Vodka (cho sản phẩm rượu) đều là địa danh của Pháp, Anh và Nga nhưng đã nổi tiếng đến mức nhầm lẫn thành nhãn hiệu hàng hóa, mất khả năng chỉ dẫn nguồn gốc địa lý và không được coi là chỉ dẫn địa lý nữa.
2. Tên gọi xuất xứ hàng hóa:
Theo Điều 786 Bộ luật Dân sự nước CHXHCN Việt Nam thì "Tên gọi xuất xứ hàng hóa là tên địa lý của nước, địa phương dùng để chỉ xuất xứ của mặt hàng từ nước, địa phương đó với điều kiện những mặt hàng này có các tính chất, chất lượng đặc thù dựa trên các điều kiện địa lý độc đáo và ưu việt, bao gồm yếu tố tự nhiên, con người, hoặc kết hợp cả hai yếu tố đó."
Theo Điều 7, Nghị định 63/CP của Chính phủ quy định chi tiết về SHCN: "Một tên gọi xuất xứ hàng hóa được bảo hộ phải là tên địa lý của một nước hoặc một địa phương là nơi mà hàng hóa tương ứng được sản xuất và hàng hóa đó phải có tính chất, chất lượng đặc thù do yếu tố địa lý (tự nhiên, con người) của nước, địa phương đó quyết định".
Quyền SHCN đối với tên gọi xuất xứ hàng hóa chỉ phát sinh trên cơ sở Văn bằng bảo hộ do Cơ quan có thẩm quyền cấp. Giấy chứng nhận quyền sử dụng tên gọi xuất xứ hàng hóa có hiệu lực vô thời hạn kể từ ngày cấp, trừ trường hợp xuất hiện các yếu tố làm mất tính đặc thù như quy định.
Quyền nộp đơn yêu cầu cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng tên gọi xuất xứ hàng hóa gồm mọi tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh sản phẩm có tính chất, chất lượng đặc thù tại địa phương có tên địa lý tương ứng với tên gọi xuất xứ hàng hóa. Quyền nộp đơn này không được chuyển giao.
Các yếu tố thể hiện tính chất đặc thù của sản phẩm, hàng hóa mang tên gọi xuất xứ hàng hóa rất đa dạng, có thể là đặc trưng về chất lượng (tính chất lý, hóa, sinh, cảm quan), về những thuộc tính khác của sản phẩm, đặc trưng về điều kiện tự nhiên (khí hậu, địa hình, thổ nhưỡng, thủy văn) về con người (bí quyết, công nghệ sản xuất, chế biến truyền thông, kỹ năng , kỹ xảo) và gắn với một khu vực địa lý có ranh giới xác định (bằng bản đồ) với địa danh cụ thể. Các yếu tố đặc trưng phải có khả năng kiểm tra được vì đó là những yếu tố có ý nghĩa quan trọng trong khâu kiểm soát việc sử dụng, vì vậy phải tìm ra phương pháp để thẩm định các yếu đó.
Thí dụ: Nước mắm PHÚ QUỐC, rượu vang ĐÀ LẠT, cà phê BUÔN MÊ THUỘT là tên gọi xuất xứ hàng hóa đã được bảo hộ của Việt Nam.
Chỉ dẫn địa lý và tên gọi xuất xứ hàng hóa liên quan đến lợi ích quốc gia và có ý nghĩa trong việc:
- Phát triển sản xuất đặc sản (chẳng nơi nào có được), phát triển giá trị tài sản quốc gia
- Phát triển ngành, nghề truyền thống, phát triển nông nghiệp, nông thôn, hạn chế di dân tự do về thành thị
- Gìn giữ và khẳng định bản sắc dân tộc
- Bảo vệ sự thật
- Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
- Bảo vệ quyền lợi người sản xuất, kinh doanh.

Công ty Luật Bắc Việt Luật
P2802, tầng 28, tòa nhà Central  Fied , Trung Kính, Trung  Hòa, Cầu Giấy, Hà nội
Tel: 87696666-0386319999
Hotline: 0938-188-889 – 0913753918
www.bacvietluat.vn - www.tuvanluat.net - www.sanduan.vn"HÃY NÓI VỚI LUẬT SƯ ĐIỀU BẠN CẦN"

  • TAG :